Trình Bày Lời Chúa Chúa Nhật 2 Thường Niên, Năm B

print

Trình Bày Lời Chúa Chúa Nhật 2 Thường Niên, Năm B

 TRÌNH BÀY

Bài đọc 1: 1 Samuen 3,3-10, 19

  • Trong thế giới cổ đại, người ta thường liên kết đền thờ với những biến cố mặc khải, chẳng hạn một giấc ngủ trong đền thờ có thể nhận được một điều mặc khải. Tuy nhiên, trong những nền văn hóa đó, người ta cũng cố gắng cầu nguyện để đón nhận ơn mặc khải, nhất là bằng cách dâng lễ vật. Trải nghiệm của Samuen khác biệt như thế nào và tại sao điều đó có thể quan trọng?
  • Chú ý đến cách Đức Chúa được mô tả bằng ngôn ngữ vật lý.

 

Đáp ca: Thánh vịnh 39 (40),2, 4, 7-10

  • Bạn hiểu thế nào về lời tuyên bố của tác giả Thánh vịnh rằng Chúa không đòi lễ toàn thiêu và lễ xá tội, vốn đã được thiết lập trong sách Xuất hành và sách Lêvi? Điều này soi sáng cho lễ hy sinh thực sự cần phải là gì?
  • So sánh Thánh vịnh này và ơn gọi của Samuen với ơn gọi của Isaia trong sách Isaia chương 6; bạn nhận thấy những điểm tương đồng và khác biệt nào?

 

Bài đọc 2: 1 Corintô 6,13-15, 17-20

  • Corintô là một thành phố thương mại quốc tế, thịnh vượng, sầm uất, có những con người đầy khát vọng và ý chí vươn lên; bạn thấy những điểm tương đồng nào với bối cảnh của chúng ta ngày nay? Có những khác biệt nào?
  • Có điều gì trong giáo huấn của Phaolô ở đây mà bạn thấy khó khăn không?

 

Tin Mừng: Gioan 1,35-42

  • Bạn nghĩ gì về câu hỏi và câu trả lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng: “Các anh tìm gì thế?” “Hãy đến mà xem.”
  • Hãy ghi nhận rằng trong các Tin Mừng nhất lãm Mátthêu, Marcô và Luca, mãi về sau trong trình thuật, người ta mới nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Messia; còn trong trình thuật của Gioan, ông Anrê đã biết Chúa Giêsu là ai ngay ở chương 1.

 

CHIA SẺ

Trong một ít tuần giữa lễ Hiển Linh và đầu Mùa Chay, sách bài đọc cho chúng ta đọc những nội dung ít nhiều liên tục từ phần giữa của  thư 1 Côrintô.

Trước hết chúng ta cần xác định vị trí của thành phố; Corintô là một thành phố cảng sôi động ở Hy Lạp, gần dải đất hẹp nối Achaia (Athens) và Peloponnese (vị trí của Sparta). Vào thời La Mã, khi Phaolô viết thư, đó là một thành phố mới được xây dựng trên tàn tích của một thành phố cổ hơn ở Hy Lạp. Thành phố đã được tái thiết như một thuộc địa của La Mã và phần lớn bị thu tóm bởi các cựu quân nhân La Mã, nhưng họ đã sớm hội nhập với những người từ khắp Đế quốc bị thu hút bởi các cơ hội giao thương, buôn bán. Đó là một thành phố mà chúng ta có thể gọi là ‘khởi nghiệp’ – chẳng hạn, như Tp Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội; một nơi mà người ta đến để tạo dựng một cuộc sống mới cho chính mình và cố gắng kiếm tiền.

Phaolô sống ở Côrintô hơn một năm và khi chuyển đi, ngài vẫn giữ liên lạc với người Côrintô qua những lá thư của mình. Bức thư đầu tiên gửi cho tín hữu ở Côrintô của ngài có lẽ được viết vào khoảng năm 55 CN, tức là hơn 20 năm sau biến cố Chúa Giêsu chết và sống lại.

Bối cảnh trước mắt của bức thư của Phaolô không tích cực lắm; cộng đoàn ở Côrintô bị chia rẽ. Họ đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề khó khăn và thách thức, điều này có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi biết rằng cộng đoàn này còn non trẻ như thế nào. Có những vấn đề chưa được giải quyết và các tổ chức chưa được hình thành.

Khi chúng ta đọc đến chương 6, chương mà chúng ta trích đọc trong bài đọc hôm nay, Phaolô đã chuyển sang nói về thân xác con người. Dường như có những người trong hội thánh ở Côrintô thường xuyên dự tiệc, trong đó có ngủ với gái mại dâm, hoặc tham dự các nghi lễ tại đền thờ ngoại giáo, nơi gái mại dâm được kết nối với việc thờ phượng. Trong văn hóa Côrintô, điều này không có gì lạ. Những người liên quan dường như đã biện minh cho điều đó bằng cách nói rằng họ chỉ sử dụng thân thể của mình cho mục đích tự nhiên; hoặc nếu họ thấy điều đó là sai thì Chúa Giêsu đã giải quyết tội lỗi của họ trên thập giá, nên bây giờ họ có thể tận hưởng sự tự do mà thập giá mang lại.

Câu trả lời của Phaolô là đưa chúng ta trở lại với hai sự thật căn bản của Tin Mừng: sự sống lại của Chúa Giêsu và việc Thánh Thần ngự trị trong tâm hồn. Chúng ta hãy chú ý đến một trong hai điều này: thân xác chúng ta, ngay cả bây giờ, là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Như đã giải thích rõ ở cuối đoạn văn, Phaolô nói rằng không gì trong chúng ta là cuộc sống riêng tư; chúng ta không thể tạo ra một ngóc ngách tách biệt khỏi Chúa. Khi chúng ta chịu phép rửa, Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta như đền thờ của Ngài. Đền thờ Chúa được gọi là thánh, được dành riêng cho Chúa. Hãy nhớ lại Chúa Giêsu đã làm gì khi thấy những người đổi tiền trong Đền Thờ! Hãy lắng nghe những lời này trong lễ cung hiến Đền Thờ cũ của Salômôn: “Vậy, lạy Thiên Chúa của con, xin ghé mắt nhìn và lắng tai nghe những lời nguyện xin ở nơi này” (2 Sbn 6,40) – điều này cũng được áp dụng cho mỗi chúng ta hôm nay. Cũng hãy nghĩ đến việc Mẹ Maria đã được gìn giữ khỏi tội lỗi để Mẹ có thể cưu mang Con Chúa trong cung lòng như thế nào. Như vậy chúng ta có thể bắt đầu thoáng thấy lời mời gọi cao cả là trở nên đền thờ của Thiên Chúa phải như thế nào. Đó là lý do tại sao cách chúng ta sống lại quan trọng đến như vậy.

***

THAM KHẢO

Bí tích Rửa Tội và việc cư ngụ của Chúa Thánh Thần: GLHTCG 1265

Giuse Ngô Quang Trung