Lời Mời Gọi Từ Thương Tích Đức Giêsu

print

Chúa Nhật II Phục Sinh B – 2021

Lời Mời Gọi Từ Thương Tích Đức Giêsu

Lm. Giuse Nguyễn

 Có 2 câu thơ thiền chẳng rõ tác giả: “Tìm gì giữa chốn trần gian? Dạ thưa tìm chút bình an đủ rồi.” Người đời chỉ tìm chút bình an thôi, còn Đức Giêsu Phục Sinh ban cho ta bình an trọn vẹn: “Bình an cho anh em!” Làm thế nào để ta  được bình an đó?

Trong sứ điệp Phục Sinh 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết : Chúa Giêsu Phục sinh mang dấu vết của các vết thương ở tay, chân và cạnh sườn. Những vết thương này là dấu ấn vĩnh cửu của tình yêu Người dành cho chúng ta. Tất cả những ai trải qua thử thách đau đớn về thể xác hay tinh thần đều có thể tìm thấy nơi nương tựa trong những vết thương này và qua các vết thương ấy, nhận được ân sủng của niềm hy vọng không làm thất vọng.” Chỉ khi biết nương tựa vào những vết thương của Đức Giêsu, ta sẽ được bình an đích thực. Ngược lại khi chấp nhận những vết thương vì tình yêu, ta là người mang đến bình an cho người khác.

Một tuần sau khi Chúa sống lại, Tôma đòi kiểm tra các vết thương của Thầy Giêsu vì ông không tin Ngài sống lại. Đấng Phục Sinh sẵn sàng cho ông thấy và kiểm chứng các vết thương nơi thân thể Ngài, lúc đó ông tin. Nghĩa là chỉ nhờ các vết thương trên thân thể Đức Giêsu mà Tôma tin Chúa sống lại, và nhờ đó ông được bình an vì ông đang rất hoang mang trong cuộc tử nạn của Đức Giêsu.

Các thương tích nơi thân xác Đức Giêsu là dấu chứng cho một tình yêu bất diệt, tình yêu phải trãi qua đau khổ. Chính vì thế những đau khổ, những bất hạnh trong cuộc đời sẽ không mãi là màu đen tang tóc, nhưng nó sẽ rực sáng lên như ánh bình minh trong ngày Chúa Phục Sinh. Những vết thương, những đau khổ, bất hạnh đó sẽ được hóa giải trong Đấng Phục Sinh. Tìm bình an nhưng phải chấp nhận đau thương có phải là một nghịch lý?

Các bác sĩ Nga tại bệnh viện thành phố Blagoveshchensk đã giành được sự ngưỡng mộ không chỉ ở Nga mà còn trên toàn thế giới, sau khi quyết định ở lại mổ tiếp cho một bệnh nhân đau tim trong khi bệnh viện đang bốc cháy hôm thứ Sáu Tuần Thánh.

Không chỉ có các bác sĩ, lính cứu hỏa cũng được tuyên dương là các anh hùng. Các nhân viên cứu hỏa đã mất hơn hai giờ để dập tắt ngọn lửa ở thành phố Blagoveshchensk. Họ cho biết họ đã sử dụng quạt để xua khói ra khỏi phòng mổ và chạy dây cáp điện để tiếp tục cung cấp điện cho phòng mổ.

Nếu sợ thương tích, và sợ chết thì các bác sĩ đã chạy thoát thân và bệnh nhân chắc chắn sẽ chết, vì đây là ca phẫu thuật tim. Kết quả sau đó là một niềm vui trào tràn của mọi người, nhất là các bác sĩ vì họ đã mang đến sự sống cho người khác. Chính họ được bình an và làm lan tỏa bình an đó đến khắp nơi vì họ đã chấp nhận mang thương tích, chấp nhận cái chết để người khác được sống.

Cốt lõi niềm tin Kitô giáo là tin vào Đức Giêsu Phục Sinh. Sự Phục Sinh của Ngài không phải như một thứ bùa chú để hóa giải nạn kiếp cho con người. Cũng giống như đến với Lòng Thương Xót Chúa không phải là để tìm dấu lạ… Nhưng nhờ ánh sáng Phục Sinh ta sẽ vững tin hơn giữa đêm tối của cuộc đời; đến với Lòng Thương Xót Chúa để ta biết Chúa yêu thương ta đến tận cùng. Giữa đêm tối, giữa biển cả mênh mông, giữa những đau khổ mà ta còn một điểm tựa thì chắc chắn ta sẽ được bình an.

Những ai đến với Chúa chỉ vì những lợi ích nhất thời thì cuộc đời của họ sẽ không bao giờ được bình an đích thực. Đó là lập luận của những người đi lễ theo thời vụ, khi nào cuộc sống ổn định thì đi; đi lễ “1 năm chỉ là 1 lần” vào dịp Tết để xin lộc của Chúa theo kiểu bùa chú để lấy “hên”. Niềm tin đích thực là xác quyết rằng đâu là hạnh phúc đích thực của ta?

Ma quỷ cám dỗ Đức Giêsu để trốn tránh con đường thập giá, để tìm kiếm con đường dễ dãi. Ngài đã chiến thắng bằng những vết thương của Ngài. Satan lại tiếp tục cám dỗ con người để tin theo thứ tôn giáo chỉ để thỏa mãn những nhu cầu của con người. Vì vậy không lạ gì người ta chạy theo Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ; Câu Lạc Bộ Tình Người trá hình để bỏ ra một số tiền hầu được giải nghiệp; dẹp bỏ bàn thờ tổ tiên trong gia đình để theo một giáo phái nào đó vì họ cho mình một số tiền, cất cho mình cái nhà; thậm chí hạ bàn thờ Chúa để được tự do tìm kiếm lợi lộc, vì thấy bàn thờ Chúa người ta không giúp đỡ…

Sự Phục Sinh của Đức Giêsu để cho ta một niềm hy vọng chiến thắng. Lòng Thương Xót Chúa để cho ta một điểm tựa chắc chắn ta không bị bỏ rơi. Đây không phải là một liều thuốc trấn an cho tinh thần; nhưng nhìn vào thương tích của Đức Giêsu qua 5 vết thương, qua máu và nước từ trái tim Chúa để để ta được bình an giữa cuộc đời đầy gian nan thử thách, tiếp thêm sức mạnh để ta vững bước tiến về phía trước.

Những vết thương của Đức Giêsu cũng thúc đẩy ta chấp nhận những đau thương vì yêu trong cuộc đời.

– Mẹ ơi sao bụng mẹ nhăn nheo, lại có vết thương to dài thế này?

– Vì nó phải giãn ra để con được lớn lên, bác sĩ phải rạch bụng mẹ để cho con được chào đời.

– Oh, vậy là vết thương và sự xấu xí này là vì con à?

– Umh con, tất cả vì con.

– Vậy thì con thương mẹ quá!

Đó là động lực cho cậu con trai phấn đấu học tập, rèn luyện, quyết tâm trở nên người hữu ích để bù đắp cho mẹ mình. Tình yêu được trổ sinh từ những thương tích.

Những người cha bất chấp mệt mỏi, thậm chí gặp tai nạn trong lao động cũng chỉ vì gia đình mình. Đó là hình ảnh vết thương của Đấng Phục Sinh vì nhân loại chúng ta.

Vết thương của Đức Giêsu, máu cùng nước từ trái tim Chúa là lời mời gọi cho những người chồng người vợ, người cha người mẹ chỉ biết nghĩ đến niềm vui của bản thân mình hãy biết hy sinh cho gia đình mình. Là lời mời gọi cho những người trẻ phải biết nghĩ đến sự hy sinh của cha mẹ mà cố gắng hướng đến tương lai để khước từ những vui thú trong những chất độc hại như ma túy và những chất gây nghiện khác. Cũng là lời mời gọi để mỗi người chúng ta biết quan tâm đến những người nghèo khổ, bệnh tật bị bỏ rơi. Đặc biệt mời gọi các Kitô hữu dù cuộc sống của chúng ta có như thế nào cũng luôn biết tín thác vào Lòng Thương Xót của Chúa để từ chối những cám dỗ dễ dãi trong cuộc đời mà bỏ Chúa.

Kính lạy những vết thương nơi thân xác Chúa! Kính lạy Máu và Nước đổ ra từ trái tim Chúa Giêsu! xin thương xót chúng con và toàn thế giới.