Suy Niệm Tuần Thánh

print

Suy Niệm Tuần Thánh

(tiếp theo loạt bài 40 ngày suy niệm Mùa chay)

Thứ Hai Tuần Thánh.

Thứ Ba Tuần Thánh.

Thứ Tư tuần thánh.

Thứ Năm Tuần Thánh.

Thứ Sáu Tuần Thánh.

Vọng Phục Sinh.

Phục Sinh của Chúa Kitô.

Sự Phục Sinh Của Đức Kitô Theo Tinh Thần Của Thánh  Phaolô.

Thứ Hai Tuần Thánh

(Ga 12, 1-11)

Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu đến làng Bê-ta-ni-a, nơi anh La-da-rô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giê-su; cô Mác-ta lo hầu bàn, còn anh La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. Một trong các môn đệ của Đức Giê-su là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo? ” Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung. Đức Giê-su nói: “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu.”

Một đám đông người Do-thái biết Đức Giê-su đang ở đó. Họ tuôn đến, không phải chỉ vì Đức Giê-su, nhưng còn để nhìn thấy anh La-da-rô, kẻ đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Các thượng tế mới quyết định giết cả anh La-da-rô nữa, vì tại anh mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giê-su.

Ham Tiền Nên Phản Bội

Lời Chúa trong Tin Mừng Gioan, chương 12, câu 1 đến 11 kể rằng: Cô Maria lấy một bình dầu thơm quý giá xức lên chân thầy Giêsu, Giuđa liền bảo: “Sao lại không bán dầu thớm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?” (c. 5). 300 quan là số tiền lớn gấp 10 lần số tiền Giuđa bán thầy Giêsu cho người Do Thái. Nếu làm công tác bác ái tự thiện theo như đề nghị của Giuđa là “cho người nghèo” thì chắc cũng được kha khá.

Lo cho người nghèo, sống với người nghèo chẳng lẽ không tốt? Tốt chứ, thậm chí đó còn phải là một chọn lựa mãi mãi của người Kitô hữu. Nhưng tác giả Tin Mừng Gioan cho chúng ta thấy rõ hơn sự thật này khi đã viết: “Y nói thế không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung” (c. 6). Như vậy ở đây có một vấn đề khác, chứ không phải là chuyện lo cho người nghèo.

Vậy sự thật là gì?

Thỉnh thoảng chúng ta vẫn nghe trẻ con và cả người lớn nữa nói câu này : tiền là tiên là phật, là sức bật tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà của danh vọng… và còn là nhiều cái cao trọng hơn nữa. Người ta đã quá ham tiền và đã đề cao giá trị đồng tiền vượt trên tình người, vượt trên giá trị làm người.

Vì chỉ chú ý đến đồng tiền, nên Giuđa thấy Maria lấy dầu thơm hảo hạng đổ lên chân Chúa Giêsu là việc làm vớ vẫn, sai trái. Trong cách nói của Yuđa còn cho thấy Giuđa không chỉ trách Maria, mà còn lên án Chúa Giêsu nữa, khi Ngài ngồi im để Maria làm cái trò ngớ ngẫn là đổ dầu quý lên chân mình. Chỉ chú ý đến đồng tiên, nên Giuđa không còn thấy được tình người dành cho nhau là cần. Lòng tri ân cảm tạ của Maria dành cho Chúa Giêsu, vì Chúa đã làm cho em cô sống lại, cũng là một thứ tình cảm cải lương rẻ tiền. Vì chỉ bận tâm đến tiền, Giuđa đã trở nên nghẹt mũi, không nhận ra «cả nhà sực mùi thơm». Maria làm việc đó cho Chúa là việc tốt đáng khen ngợi thì mọi người hãy khen ngợi đi, tôi – Giuđa – không quan tâm. Tôi chỉ mong tiền mà thôi.

Cách đây hơn một tuần, một bạn trẻ viết thư kể thế này : «Ba con bảo, nếu con không thôi việc nhà thờ thì ba con sẽ dẹp bàn thờ ở nhà, vì làm việc Chúa không sinh ra kinh tế !» Mà hình như đâu chỉ có ba cô bé ấy nghĩ như vậy, mà rất nhiều người, mà đâu chỉ có người gia hay trung niên, mà ngay giới trẻ cũng đang nghĩ như thế. Có thể nói người Việt Nam đang bị rơi vào hội chứng ham tiền. Hội chứng này khởi đi từ chủ trương «dân giàu nước mạnh». Họ khuyến khích nhau làm giàu bằng mọi cách, cách nào nhanh giàu thì hãy làm. Thế là đã có những nơi giáo viên tổ chức đường dây buôn bán ma túy cho học sinh ngay trong học đường, thế là đua nhau phá thai, vì thêm một miệng ăn thì ta sẽ bớt giàu. Khi thấy tình trạng nguy cập, họ sửa lại cách nói một chút là được làm giàu những không được vi phạm pháp luật, nhưng có phải thế đâu, mà thật chất là làm sao thì làm đừng để ai bắt tận tay, nên để ra đại bệnh cho quốc gia là tham những. Trong một hội nghị tổ chức tại Hà Nội, có cán bộ đã phải thừa nhận : «nhiều biểu hiện tiêu cực trong xã hội phát sinh, phát triển một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng và các biểu hiện xa dân, vô cảm với dân, sách nhiễu dân, cửa quyền,…”

Cách của Giuđa đối xử với đồng môn và cũng là cách đối xử với Chúa Giêsu là đặt đồng tiền trên hết có vẻ như không xa lạ lắm với nhiều người trong chúng ta. Và chắc sẽ có nhiều người đang hiện diện ở đây nghĩ thầm rằng lý tưởng như thế thì tuyệt, nhưng phải «có thực mới vực được đạo».

«Có thực mới vực được đạo» có lẽ là một điều đang đúng với đại đa số chúng ta, và cả xã hội đang cố gắng lý luận như thế để sống qua ngày, nhưng hoàn toàn sai với sự phát triển con người trọn vẹn. Ngay từ ban đầu không có con người mà chỉ có Thiên Chúa, có đạo trước. Rồi sau đó Thiên Chúa mới tạo dựng nên muôn loài muôn vật và con người. Rồi chính Thiên Chúa trao vũ trụ và muôn loài cho con người trông coi và sử dụng. Đạo tạo ra thực ! Chúng ta đã nghe sai, đã nói sai theo và đã thành sai luôn mất rồi. Trong thực tế, có lẽ ai trong chúng ta cũng đã mục kích hình ảnh tương tự thế này : Một gia đình nghèo đầu tắt mặt tối kiếm ăn, nhưng sáng tối quây quần với nhau cầu nguyện, gia đình nghèo thế, mà tiếng cười cứ giòn tan, nhưng thời gian sau thấy cảnh nghèo là nổi nhục, dồn mọi sức, thu mọi nổ lực để tìm cách làm giàu và đã khá hơn thì gia đình không còn cơ hội gặp nhau nhiều hơn nữa, rồi từ từ mạnh ai nấy sống. Nhiều người trong hoàn cảnh đó đã sa ngã, đã không còn tin Chúa nữa. Có thực không những không vực được đạo, mà còn diệt đạo nữa là khác.

Chúng ta cảm thấy lúng túng với cuộc sống thực tại khi nghe những lời chia sẻ này, nhưng nếu chúng ta nghe lại Lời Thiên Chúa nói ở khởi đầu bài đọc một hôm nay, chúng ta sẽ thấy khác : «Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người ta tuyển chọn và hết lòng quý mến» (Is 42, 1). Người tôi trung ở đây là Chúa Giêsu và là tất cả những ai thuộc về Chúa Giêsu. Giữa những người Do Thái đang muốn bắt Chúa Giêsu, giữa lúc Giuđa, một môn đệ thân tín, đang coi Chúa Giêsu không bằng nắm tiền hắn có trong tay thì Chúa Giêsu biết mình thuộc về Cha là Thiên Chúa và đang được Cha nâng đỡ. Sở dĩ giữa cuộc đời nhiều thử thách gian nan, nhiều áp lực đẩy chúng ta vào tình trạng phải đồng lõa với cái xấu, chúng ta cảm thấy kiệt sức là do chúng ta đã không còn thấy trong Đức Kitô Giêsu, chúng ta được Thiên Chúa tuyển chọn, được Thiên Chúa hết lòng quý mến.

Khi chúng ta sống bất chấp vòng xoay của cuộc đời, tức là không chạy theo đồng tiền nữa, thì cũng đừng quá sợ người đời ức hiếp chúng ta, vì lúc ấy Chúa Giêsu sẽ lên tiếng, như người đã lên tiếng với Giuđa mà bênh vực cho Maria : «Hãy để cô ấy yên !»

Vì đồng tiền Giuđa đã phản bội thầy chí thánh của mình. Còn vì tình yêu thương, Maria đã được Chúa Giêsu bảo vệ và trân trọng. Có lẽ không ai trong chúng ta muốn là Giuđa, kẻ phản bội, nhưng để không ham tiền nữa, tự thân chúng ta cũng khó có thể cưỡng lại. Vậy chúng ta chỉ còn cách khẩn cầu Chúa đến với chúng ta, đổ đầy những khoảng trống trong cuộc đời chúng ta, để dẩu có tiền hay trắng tay, chúng ta vẫn có Chúa ; để dẩu đồng tiền có giương oai thị uy thì chúng ta biết rõ, nó chỉ là một sức mạnh bên ngoài, chóng qua, chẳng làm sao được chúng ta, bởi một sức mạnh rất lớn đã có rồi trong chúng ta là chính Giêsu, Chúa chúng ta.

Thứ Ba Tuần Thánh

Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây, hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý: ĐỨC CHÚA đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi.

Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người. Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người.

Người đã phán cùng tôi: “Hỡi Ít-ra-en, ngươi là tôi trung của Ta. Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang.”

Phần tôi, tôi đã nói: “Tôi vất vả luống công, phí sức mà chẳng được gì.” Nhưng sự thật, đã có ĐỨC CHÚA minh xét cho tôi, Người dành sẵn cho tôi phần thưởng.

Giờ đây ĐỨC CHÚA lại lên tiếng. Người là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành người tôi trung, đem nhà Gia-cóp về cho Người và quy tụ dân Ít-ra-en chung quanh Người. Thế nên tôi được ĐỨC CHÚA trân trọng, và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi.

Người phán: “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Gia-cóp, để dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất.”

(Is 49, 1-6)
Tự Tin Nên Phản Bội

Khi 20 tuổi, bạn của anh tôi đưa cho tôi quyển sách nhỏ bìa cứng có tựa đề “Đường hy vọng” của đức cố hồng y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận. Trong 1001 điều ngài đã viết, có điều này: “Mỗi ngày khi con thức dậy, con hãy thưa với Chúa: Lạy Chúa hôm nay xin cho con bớt tin con đi một chút, để con tin Chúa thêm một chút”. Một người trí thức bậc nhất trong giới trí thức Công giáo Việt Nam mà chỉ viết được như thế thì không đáng quan tâm. Điều bực bội đó theo tôi một thời gian dài cho đến khi tôi được biến đổi. Lúc ấy tôi cảm thấy để viết ra được câu đó, Đức Hồng y Thuận đã phải hết sức trung thực với chính mình, ý thức rõ thân phận của mình qua bao thăng trầm của cuộc đời, với những dự phóng vĩ đại của mình bổng chốc trở thành chiếc lá khô cho gió thổi bay; với bao điều ước muốn chẳng bao giờ mình làm được. Và đức hồng y cũng phải cấm rể sâu cây hy vọng của đời mình vào Chúa thì mới có thể viết được như thế.

Như vậy tự tin tốt hay xấu, có cần hay không cho cuộc sống của chúng ta?

Tự tin là tốt hay là xấu không quan trọng, có cần cho con người hay không còn tùy mỗi gian đoạn sống của từng người. Nhưng có điều chắc chắn là không ai trong chúng ta có thể tự tin một cách tuyệt đối và luôn luôn. Tự tin ở mức độ cao nhất có thể là tự tin cách anh dũng, tức là người đó hành động mà không sợ hãi gì ngay cả khi lao mình vào vùng tối, chưa rõ kết cục sẽ ra sao để đạt được thành công. Nhưng có chắc khi khởi đầu công cuộc đó, những người đó đã thực sự tự tin như thế, hay chỉ đơn gian là liều, vì rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Một liều, mà hai cũng liều. Nếu không liều thì mất tất cả, hoặc thân bại danh liệt. Cấp độ tự tin thứ hai là tin vào người khác, nhưng hành động theo cung cách và sáng kiến riêng của mình. Đây là tình trạng 50/50, vừa tự tin vào mình vừa tin người khác. Một con người quân bình và không tôn giáo sẽ hành động như thế, nhưng trong thực tế, tình trạng 50/50 này chỉ có ở mức khởi đầu, còn dần già về sau hoặc phải chuyển sang cấp độ “liều” như đã nói hoặc phải theo cấp độ “lụy” như sẽ nói. Cấp độ thứ ba là tự tin lệ thuộc. Lạ kỳ ! Đã tự tin mà lại lệ thuộc, nghĩa là sao? Tức là một việc sắp làm tôi chẳng hề biết, một điều sắp nói tôi chẳng hề hay, nhưng có người, có tổ chức đã chuẩn bị sẳn mọi điều từ trước cho tôi rồi. Khi cần phải làm, những người được giao trách nhiệm sẽ khơi lên tính sỹ nơi tôi, thuyết phục tôi bằng mọi cách từ lý tưởng cho đến một bảo đảm về vật chất và thậm chí buộc tôi phải hành động, nếu không tôi phải chết. Những việc tôi làm và lời tôi nói được mọi người đón nhận như chính tôi là tác giả chứ không phải tôi bị sai khiến, rồi với sự tương tác tích cực của người đón nhận làm cho tôi ảo tưởng là tôi đang tự tin làm việc mình cần làm.

Câu chuyện ông bà Adam-Eva ăn trái cấm là tự tin ở cấp độ lệ thuộc. Satan không chỉ chuẩn bị cho con người việc khước từ Lời Thiên Chúa để ăn trái cấm mà thôi, mà còn chuẩn bị đẩy con người vào cảnh sống nô lệ cho satan và lệ thuộc tội lỗi. Nhưng khi cám dỗ con người, con rắn không hề hé lộ sự lệ thuộc này, mà chỉ mở ra cho con người thấy một con đường thênh thang và hoành tráng. Từ nay con người là Chúa của mình cùng muôn vật và thậm chí đến một lúc nào đó còn có thể là Chúa của Thiên Chúa nữa. Khi hái, trao cho nhau và ăn trái cấm con người bắt đầu thấy mình đang làm một hành động “tự tin” !

Rồi cứ đà tự tin đó, con người bị đẩy đến tình trạng tội lỗi ngập đầu ngập cổ. Cộng thêm một chút tự ái vặt, con người cắn răng chịu chết chìm trong tội lỗi mà không muốn đưa tay cho Chúa cứu.

Thật ra cũng có nhiều người đưa tay cho Chúa cứu, nhưng trong số đó, rất nhiều người đã không được cứu. Chẳng phải vì Chúa không muốn, nhưng vì họ muốn Chúa cứu họ theo kế hoạch của họ, mà họ có kế hoạch gì đâu, mọi kế hoạch đó là âm mưu của ma quỷ mà thôi. Giuđa được tác giả Tin Mừng Gioan mô tả ở chương 13, từ câu 21 đến 30 là thế.

Cũng như Phêrô, Gioan, Giacôbê, cũng như Anđrê, Philipphê, Batôlômêô… Giuđa Iscariôt là một môn đệ của Chúa Giêsu. Anh đã đi theo thầy Giêsu, vì tin Giêsu là Đấng Mêssia, tức là Kitô là đấng giải phóng Israel. Đúng vậy, Chúa Giêsu là thế ! Nhưng suốt hành trình ba năm ròng rã bôn ba trên mọi nẻo đường Palestin, Giuđa đã không thấy thầy Giêsu hành động như anh dự kiến, thậm chí đôi lúc còn có cảm giác thầy Giêsu không nhưng không phải là thủ lãnh giải phóng dân tộc mà còn giao du, làm cầu nối cho ngoại bang.

Trong đầu của Giuđa – không chỉ mình anh đâu, mà đa số dân Do Thái lúc đó – nghĩ Đấng Mêssia phải là một người quy tụ dân chúng, khởi nghĩa chống lại quân Roma, để giành lại độc lập và quyền cai quản xứ sở cho người Do Thái. Thế mà Chúa Giêsu đã không hành động theo cách Giuđa nghĩ. Khi dân chúng muốn tôn Chúa Giêsu làm vua, sau khi đã được Ngài cho ăn no nê nhờ chỉ năm chiếc bánh và hai con cá, thì Chúa Giêsu lại xua các đồ đệ qua sông, còn Ngài trốn lên núi cầu nguyện. Khi người lính của một viên quan lớn Roma bệnh nặng, đúng ra đó phải là cơ hội ngã giá để đòi quyền lợi cho dân Do Thái thì Chúa Giêsu chỉ đơn giản chữa lành cho người bệnh một cách vô điều kiện. Chúa Giêsu lại còn làm gương mù gương xấu cho dân khi bảo Phêrô lấy tiền trong miệng con cá nộp thuế cho cho ngoại bang. Chúa Giêsu hành động không như một người Do Thái ái quốc bình thường, Chúa Giêsu không phải là Mêsia như Giuđa tưởng.

Giuđa thất vọng vì đã tin vào một thầy Giêsu như thế, nên anh đã tự cứu mình, và gỡ gạt cho nổi thất vọng của mình bằng cách đi bán Chúa.

Tự tin của Giuđa là tự tin lệ thuộc vào một cách thức giải phóng dân tộc đã được lập trình trước đó vài trăm năm, từ khi người Do Thái bị mất nước vào tay Babylon. Chỉ có đánh và tiêu diệt người khác mới là giải phóng. Khi sự lệ thuộc đó lại được khoát lên trên mình một chiếc áo tự tin nữa thì nó sẽ trở thành một sự điên loạn, ma đôi khi chúng ta gọi là cuồng tín.

Nhiều người, nhất là các bạn trẻ, đặt vấn đề với tôi rằng: Chúa có thật sự yêu thương chúng ta không? Chúa có hành động vì hạnh phúc của con không?

Tôi trả lời: – Có, có nhiều !

– Nói như cha như vậy, còn gì để nói ? Một bạn đã bẻ lại như thế.

Tức bạn ấy hỏi tôi, nhưng bạn ấy đã có câu trả lời, và bạn ấy chỉ muốn tôi trả lời như đáp án của bạn ấy. Nhưng bạn ấy quên rằng, nếu trả lời như đáp án ấy thì bế tắc, vì đáp án đó sai. Y như Giuđa vậy! Giuđa đã có một kế hoạch riêng về lộ trình cứu độ của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu, và anh muốn Thiên Chúa và Đức Giêsu của Thiên Chúa phải thực hiện theo kế hoạch đó. Nếu không thì anh sẽ từ chối, không công nhận đó là Đấng Mêssia, đó không phải là kế hoạch của Thiên Chúa.

Chúng ta bảo đi theo Chúa, nhưng chúng ta muốn làm thầy, muốn dạy Chúa, muốn làm thủ lãnh ép Chúa phải làm theo ý mình. Rõ ràng chúng ta đã tin mình hơn tin Chúa. Chúng ta tin vào kế hoạch đen tối của sự dữ đã xâm nhập vào chúng ta nhiều hơn tin vào Ánh sáng trần gian là Chúa Giêsu.

Trên các báo Việt Nam vào đầu năm 2008, được biết khoảng bảy tám năm trở lại đây, mỗi năm ở Nhật Bản có 30 ngàn người tự tử. Thấy con số mà sợ ! Mà hình như ở Việt Nam mình tình trạng cũng không khá hơn. Theo số tiếp nhận cấp cứu ở một bệnh viện cấp huyện, thì tuần nào cũng có người nhập viện vì lý do tự tử. Tuần ít là hai ca, tuần nhiều lên đến tám hay mười ca. Nếu chỉ tính trung bình mỗi tuần bốn ca, thì tại một bệnh viện huyện đó, một năm đã tiếp nhận ít nhất 200 trường hợp tự tử. Nếu tất cả mọi nơi ở Việt Nam đều như thế thì con số người tự tử hàng năm có thể lên tới 60.000 trường hợp. Ước mong điều đó đừng xảy ra ở quê hương chúng con, Chúa ơi, mặc dù điều đó đã là một thực tế.

Vì sao người ta tự tử?

Vì quá tin vào mình, và khi không thể tự cứu vãn tình thế nữa, nên đã tự tử. Một thiếu nữ đã tin mình đủ sức hấp dẫn để giữ người yêu ở mãi bên mình, nhưng khi sự thật được hé mở, người đan ông mình tưởng đã thu tóm được con tim rồi lại vẫn đang dành tình yêu dạt dào cho người khác. Một người vợ chồng chết, thủ tiết nuôi con ăn học và thành tài. Bà tin người con mãi mãi là chổ dựa cho mình, nhưng khi người con lập gia đình, bà mẹ mới vỡ lẽ ra, con trai không phải là chổ dựa như mình hằng tin tưởng, mà ngược lại trong mắt vợ chồng chúng, mình chỉ là một bà già ăn bám khó tính, nên đã tự tử. Một trường hợp khác thật sự gây ngạc nhiên cho tôi, đó là một cháu bé 9 tuổi. Đi học bị cô mắng trước mặt bạn, chiều về lấy thuốc rầy của ba uống để tự tử.

Sự tự tin đến hủy hại mình và tiêu diệt người khác đã được nhồi nhét trong nền giáo dục kỳ cục của chúng ta. Họ dạy từ trẻ em đến người lớn phải cảnh giác với mọi người, kể cả cha mẹ, anh chị em, hay đồng chí của mình. Ai cũng có thể trở thành kẻ thù. Rồi khi quân địch tấn công ta một, ta tiêu diệt lại được gấp 10 thì đó là chiến công phải ăn mừng. Một nền giáo dục không dạy học sinh biết tín nhiệm và tin tưởng người khác.

Đúng như cha Rey Mermet đã viết trong tác phẩm Tin, hành trình khám phá lòng tin : «Người ta không thể sống, nếu như không có niềm tin !» Và niềm tin đó sẽ không còn tự đặt ở nơi mình hay một ai khác ngoài Chúa Giêsu. Đức giáo hoàng Benedicto XVI đã nói trong thông điệp mới nhất của ngài Về niềm hy vọng Kitô giáo : người ta đã ra hư đốn vì đã sống không hy vọng, không có Chúa trên đời này.

Giuđa cứ mãi tự tin, cứ mãi bám vào dự phóng và phương thế của thế gian, nên đã không thấy Chúa, đã không muốn đón nhận con đường cứu độ của Chúa trong Đức Giêsu. Còn chúng ta thì sao ? Chúng ta tự hào vì mình không bao giờ vong thân, vì luôn tự tin ở mình hay hạnh phúc vì nhờ tin tuyệt đối vào Chúa mà đang cất lời tôn vinh Người ?

Xin Chúa Giêsu đừng dừng lại ở bên ngoài chúng con, mặc dù lòng chúng con chưa thật dành trọn cho Chúa.

Xin Chúa Giêsu đừng thờ ơ với chúng con, dù chúng con chưa bận tâm đến Ngài.

Xin Chúa Giêsu đừng bỏ con, nhưng dạy con yêu mến Ngài và đưa con vào niềm tin duy nhất mang danh Ngài, ơ Giêsu ! Chúa con !

Thứ Tư tuần thánh

Con Người Đến Để Phục Vụ

Có lẽ còn nhiều đoạn văn khác trong Cựu Ước, “Bài Ca Người Tôi Trung” cho chúng ta một thoáng nhìn về con người của Chúa Giê-su. Khi những đọan văn này được viết lần đầu tiên, “Người Tôi Trung” được coi là chính Is-ra-el, bị đàn áp và bị lưu đầy nhưng báo trước một đáp đền trong vinh quang. Tuy nhiên, Giáo Hội cũng xem những đoạn này là những lời tiên báo về Chúa Giê-su, Người tôi trung thiện hão của Thiên Chúa.

Trong bài thứ nhất, chúng ta thấy Ðấng Messiah hứa thiết lập công lý trên địa cầu (Is 42,3-4). Chúa Giêsu đã thực hiện điều này không phải bằng cơn thịnh nộ hay hủy diệt báo thù nhưng với lòng kiên nhẫn, thủy chung và dịu dàng.

Khi đối diện với tội lỗi con người, Chúa Giê-su không bao giờ chửi rủa. Ngài không bao giờ chịu “yếu hèn” hay “chịu phục” (Is 42,4) bởi đối phương- ngay cả sự thiếu lòng tin của các môn đệ Ngài. Ngài đơn sơ tiếp tục tha thứ và chữa lành. Ngài không giày xéo ước muốn tự do con người. Ngài không cưỡng ép hay mánh khóe vận động bắt chúng ta chấp nhận Ngài. Thay vào đó, Ngài dành cuộc đời Ngài rao giảng và chữa lành, dạy dỗ và tha thứ, cho tới thời gian cuối cùng của cuộc đời Ngài hy sinh trên thập tự.

Chúa Giê-su luôn luôn làm chủ. Ngài là Ðấng không hề nao núng trong mục đích của Ngài bởi thiếu lòng tin, giận dữ, ngay cả sự chối từ của những người bạn gần gũi nhất. Ngài tiếp tục dâng hiến cho chúng ta tình yêu và lòng tha thứ.

Ngài không ngạc nhiên trước sự thầm kín đen tối của chúng ta, những tội lỗi điên rồ của chúng ta không làm Ngài nổi giận. Ngài sẽ không lên án hay nguyền rủa. Ngài sẽ không bẻ gãy cây sậy bị giập hay dập tắt ngọn bấc đang cháy sáng. Như những gì Ngài đã làm cách đây hai ngàn năm và ngay đến hôm nay Ngài cống hiến sự tha thứ và tự do.

Như chúng ta đang bước vào Tuần Thánh, tại sao không giải quyết sổ sách kế toán của bạn với Thiên Chúa cách rõ ràng? Nếu bạn chưa đi xưng tội, hãy vận dụng thời gian ân sủng này đã tìm sự thứ ta của Thiên Chúa. Hãy đến với Ngài và để Ngài đem đến sự công chính trong tâm hồn bạn.

“Lạy Chúa Giê-Su, con ăn năn về những tội con. Tin tưởng trong tình yêu của Chúa, con xin Chúa tha thứ và thương xót. Xin hãy đến, Lạy Chúa và thiết lập sự công chính và hòa bình của Chúa”.

Thứ Năm Tuần Thánh

Hôm này bắt đầu Tam Nhật Tuần Thánh, ba ngày để chúng ta làm sống lại qua đức tin và phụng vụ nhắc lại sự khổ nạn cứu độ chúng ta. Ðặc biệt hôm nay là một ngày với đầy những biểu trưng và những điệu bộ nói lên một cách hùng hồn về lòng thương xót và tình yêu được nở rộ vào cuộc đời chúng ta.

Kể lại hành động Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đồ của Ngài, Thánh Gioan đã cho chúng ta thấy hình ảnh toàn bộ sứ điệp Tin Mừng. Con Thiên Chúa, hoàn hảo, trong sạch và thánh thiện, không chỉ nhập thể làm người nhưng còn đóng vai một người tôi tớ để tẩy sạch và đổi mới chúng ta. Ngài tự khiêm hạ để chúng ta được nâng lên. Ngài nhận chức vụ thấp hèn nhất, là cái chết như một tội phạm, để chúng ta được thừa hưởng thiên quốc. Còn bài ca ngợi nào có thể nói lên tình yêu như thế? Liệu chúng ta phải đền bù lại món nợ ấy thế nào?

Sau khi rửa chân cho các môn đồ, Ngài vẫn chưa coi là đủ, Chúa Giêsu đã tiến thêm một bước nữa bằng cách hiến chính thân và máu Ngài cho chúng ta. Nếu như cử chỉ thứ nhất loan báo trước về sự hy sinh tình yêu mà Ngài sẽ dành cho chúng ta, thì cử chỉ thứ hai này thật sự mời gọi chúng ta đồng tham dự vào sự cứu chuộc. Khi nói “Hãy nhận lấy mà ăn, hãy nhận lấy mà uống” Chúa Giê-su đang kêu gọi chúng ta đồng hành với sự chết và phục sinh của Người. Ngài đang mời gọi chúng ta hãy từ bỏ tội lỗi và để đời sống của Ngài trở thành đời sống trong chúng ta. Ngài để chúng ta tự do lựa chọn. Liệu chúng ta sẽ hưởng lấy sự tốt lành của Người, hay là chúng ta vẫn tự mãn và sống cô lập khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong những ngày đời của chúng ta?

Ðây là ngày nhắc lại sứ điệp căn bản của Tin Mừng. “Ðức Giê-su biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa” (Ga 13,3). Chúa Giê-su hiến đời Ngài trên Thánh Giá để nên lễ hy sinh hòa giải vì chúng ta. Ngài đã chết cho cái chết mà lẽ ra chúng ta phải chết. Cái chết của Ngài đã tiêu diệt bản tính sa ngã của chúng ta và để chúng ta có thể sống lại với Người trong cuộc sống mới. Bạn có nhận ra Ngài đã hiến cuộc đời Ngài cho bạn không? Bạn có để cho Ngài rửa chân bạn- giải thoát bạn khỏi tội và biến đổi tâm hồn bạn không?

“Lạy Chúa Giêsu, thật bàng hoàng để Chúa tự hạ rửa chân con và hiến mình Ngài vì tội con! Xin rửa tâm hồn con mọi cản trở để tình yêu Chúa ngự trong con”.

Thứ Sáu Tuần Thánh

Thật đau buồn khi tưởng niệm những biến cố ngày hôm nay, một ngày cử hành long trọng. Vì chúng ta không thể nghĩ về thánh giá nếu không hồi tưởng lại những gì về sự chết của Chúa Giê-su đã hoàn thành vì chúng ta. Chúa Giê-su Ki-tô, vị thượng tế cao cả, đã biết đến sự yếu hèn của chúng ta nên đã tận hiến hy sinh trọn vẹn vì tội chúng ta. Cái chết của Người là sự giải hoà chúng ta với Thiên Chúa. Thánh Giá Ngài là nhịp cầu bắc qua vực thẳm bị khắc sâu bởi tội, đặt chúng ta vào cõi chết vì chống lại Thiên Chúa và kết hiệp chúng ta một lần nữa với tình yêu thương của Chúa Cha. Trên chiếc cầu này, xin cho chúng ta cùng với Chúa Giê-su đi qua cõi chết để vào cõi trường sinh.

Chúa Giê-su là Ðấng hoàn tất mọi lời tiên tri, lời hứa và ý định của Chúa Cha. Thánh Giá Ngài là nơi gặp gỡ của sự công bằng và lòng thương xót, của sự phán xét và quyền tối thượng. Không có thánh giá sẽ không có sự cứu độ, không có giáo hội, không có sự tha thứ, không có hòa giải, không có hy vọng. Mọi sự là trung tâm điểm nơi sự chết và phục sinh của Người.

Thánh giá, là trung tâm đời sống của Chúa Giê-su, cũng có nghĩa là trung tâm đời sống chúng ta nữa. Mọi chúc lành chúng ta nhận nơi Thiên Chúa, mọi bài học Ngài dạy chúng ta, mọi ân sủng Ngài ban cho chúng ta để lánh xa đời sống cũ; tất cả có nghĩa là mang chúng ta lại gần đến cây thánh giá ban sự sống. Mọi biến cố trong cuộc đời chúng ta là một cơ hội để tiến bước tới thập giá.

Mọi hành động yêu thương đối với tha nhân mà chúng ta dành ra trong cuộc sống, mang chúng ta tiến bước gần tới cây thập giá. Ở đó, nơi cây thập giá, chúng ta bước vào cuộc sống mới, đem lại tình mật thiết mới với Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã mang lại chúng ta.

Hôm nay, vào ngày thánh này, liệu chúng ta có thể miệt mài hơn ôm cây thánh không? Chúng ta có cầu xin Chúa Giê-su để diệt trừ tội lỗi nơi chúng ta không ? Ðó là lý do mà Ngài đã đến và đã chết. Ðó là lý do sau mỗi phép lạ Ngài thi hành, sau mỗi dụ ngôn Ngài đã nói, và sau mỗi một điều luật Ngài trao ban. Hãy ôm trọn cây thập giá của Ngài và nhận mọi hồng ân Ngài muốn trao ban cho chúng ta.

“Lạy Chúa, con là chi mà Chúa phải ân cần khước từ đời sống của Chúa vì con? Cám tạ Chúa đã ban cho con ân sủng để kéo con lại gần Chúa và tự thú tội những tội con. Với lòng tin nơi tình yêu của Chúa, con xin mở tâm hồn con cho Chúa. Xin hãy đến và tỏ cho con thấy mọi điều đã làm con xa lìa Chúa. Xin hãy thay thế mọi phương cách tự tư tư lợi của con bằng tình yêu thương của Chúa”.

Vọng Phục Sinh

Hôm nay chúng ta cảm nghiệm sự lặng lẽ nơi ngôi mộ Chúa Giêsu “đã ngủ trong cái chết”, như yên nghỉ từ sự thương khó nhục hình của Ngài. Rồi, đêm nay trong đêm vọng Phục Sinh, chúng ta sẽ tuyên xưng qua kinh Tin Kính rằng Chúa Giê-su từ cõi chết chỗi dậy, đạp đổ cổng thành, phá vỡ vòng vây của ma quỉ nơi con người. Trọn đêm nay, chúng ta sẽ chờ đợi điều báo trước về sự phục sinh của Người để giải thoát chúng khỏi tai ương của tội lỗi và phục hồi chúng ta trong đời sống với Thiên Chúa.

Chúng ta cũng được nhắc lại trong đêm nay là đêm dân Israel vượt qua biển Ðỏ. Trốn vào sa mạc sau khi Thần Tru Diệt đã bỏ qua, họ thấy mình bị bao vây, phía trước là biển, đằng sau là quân Pha-ra-ô. Ở đó họ canh thức, được Thiên Sứ của Thiên Chúa và cột mây gìn giữ họ (x. Xh 14,19). Ðể hy vọng được giải thoát họ ai oán thế nào! Ðời sống họ trong tình trạng nguy cập, và họ có thể đứng vững qua đức tin (x. Xh 14,14). Không còn cách chi họ có thể làm, mọi sự phó thác vào Thiên Chúa.

Môn đồ của Chúa Kitô gặp tình trạng tương tự sau khi Ngài bị đóng đinh vào thập giá. Không còn cách nào, cho dẫu sự ăn năn của Phêrô đã chối Thầy, cho dẫu người phụ nữ chuẩn bị dầu thuốc xức cho Chúa, cũng không thể mang Thầy mình hồi sinh. Chẳng còn cách nào khác hơn là chờ đợi. Nhưng thật đúng lúc này, tận cuối mọi khả năng con người, thì quyền năng Thiên Chúa tỏa rạng vinh quang nhất. Khi chúng ta bị chết trong tội lỗi, Ngài gởi người Con để cứu chúng ta, Chúa Giê-su cứu chúng ta. Khi chúng ta bị nô lệ cho ma quỉ, Thiên Chúa cởi gỡ xiềng xích cho chúng ta.

Chúng ta hãy đợi Thiên Chúa đêm nay, để quyền năng của Ngài lay động chúng ta. Chúng ta chỉ “ngồi yên” và để Ngài hành động cho chúng ta. Ngay cả nếu chúng ta không thể tham dự đêm canh thức, hãy dành thời gian chiều này “theo dõi” và chờ đợi ánh sáng Chúa Kitô tỏa vào tâm hồn chúng ta và chiếu rọi vào thế giới chúng ta. Ðây là “đêm cực thánh, được Thiên Chúa chọn để Chúa Kitô sống lại từ cõi chết” (Công bố Tin Mừng Phục Sinh- Mừng Vui Lên).

“Lạy Chúa Kitô là Ðấng cứu độ chúng con, tất cả niềm hy vọng chúng con đặt nơi Chúa! Qua Phục Sinh của Chúa, dẫn đưa chúng con khỏi tội lỗi và sợ hãi. Biển đổi gánh sầu thương chúng con thành niềm vui. Lạy Chúa xin hồi phục chúng con để được sống trong Chúa”.

Phục Sinh của Chúa Kitô

Anh chị em thân mến, hôm nay là ngày lễ, ngày vinh quang trên thiên quốc. Các thiên thần đang vui mừng và mời chúng ta cùng hoan hỉ với các Ngài. Chương trình của Thiên Chúa, ẩn dấu qua nhiều thời đại, được tỏ lộ: Nhờ Chúa Giêsu, chúng ta cùng được kết hợp với Thiên Chúa. Mặc dầu đã chết đi vì tội lỗi, chúng ta nay được sống lại, cứu khỏi mọi sự cách biệt giữa chúng ta với người Cha. Mọi chướng ngại đã được cất khỏi, và chúng ta có thể trực tiếp cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa, Cha chúng ta trên trời.

Trong Ðức Kitô phục sinh, Thiên Chúa đã tỏ hiện quyền lực vô biên thống trị tội lỗi, Satan và sự chết. Ba điều đó đã giam giữ con người vì sự bất tuân của tổ tiên thuở xưa cho tới ngày Lễ Phục Sinh đầu tiên. Với khả năng chúng ta, chúng ta không có cách nào phục hồi sự tương giao với Thiên Chúa, Ðấng dựng nên chúng ta để sống với Người. Nhưng cảm tạ Thiên Chúa ( hãy vui mừng với các thiên thần ngay từ bây giờ!), chúng ta được cứu rỗi! Trên thập giá, Chúa Giêsu đã chuộc tội chúng ta. Nhờ việc sống lại, Người đã đánh bại thần dữ và tiêu diệt quyền lực sự chết trong mọi thời. Ngài đã “được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.” (Rm 6,4).

Ðây thật sự là tin vui! Sự vinh quang mà chúng ta mừng lễ hôm nay- lý do cho sự vui mừng của chúng ta- được thể hiện cho mọi ngày. Cứu chuộc khỏi tội lỗi, giải thoát khỏi cảnh nô lệ, chiến thắng khỏi thói hư tật xấu: Ðây là di sản của chúng ta. Ðây là đời sống mới cho tất cả mọi người chúng ta. Mừng ngày vui, nhưng không chỉ giới hạn cho ngày hôm nay. Niềm vui mừng là di sản của chúng ta là con cái Thiên Chúa được cứu độ. Ðó là quyền thừa kế của chúng ta là một thụ tạo mới trong Ðức Kitô. Ðó là dấu ấn để chúng ta dám tuyên bố là những người theo Chúa Giê-su.

Hãy dọn tâm trí cho những điều trên. Lời hứa phục sinh là chúng ta được vui mừng, bất kể chúng ta đang phải đối diện với cái gì. Hôm nay, khi các trẻ em khó chịu vì ăn quá nhiều kẹo hay trong bữa ăn tối khi chúng ta ngồi cạnh với thân nhân mà chúng ta khó thương nổi, chúng ta có thể vui mừng. Gặp khó khăn tại công sở hay ở nhà, chúng ta có thể vui mừng. Giữa mối lo âu hay băn khoăn về bất kỳ cái gì, chúng ta có thể vui mừng. Còn hơn là nụ cười và say mê đáp alleluia, niềm vui tự biểu lộ trong niềm an bình, sức mạnh và hy vọng đến từ cảm nghiệm quyền lực phục sinh của Chúa Giêsu trong cuộc đời chúng ta.

Ngày qua ngày, những biến cố xảy ra đe dọa niềm vui chúng ta. Nhưng chúng ta có thể duy trì niềm vui bằng cách xác nhận chân lý trong tâm trí chúng ta: Quyền năng của Thiên Chúa không đo lường được; Chúa Giê-su đã đánh bại tội lỗi và sự chết; chúng ta là những đứa trẻ thân yêu của Ngài. Duy trì niềm vui chúng ta đôi khi lại là một cuộc chiến, nhưng là một cuộc chiến đáng giá để chiến đấu. Nhiều điều có thể âm mưu đưa ra rằng sứ điệp Chúa Giê-su Phục Sinh là không đáng tin hay sai lạc.

Chúng ta phải chiến đấu như thế nào cho sự xói mòn sự tin tưởng này? “Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.(Cl 3,2). Hãy đọc Kinh Thánh. Cầu nguyện. Hãy gợi lại chân lý đức tin thường xuyên trong ngày. Nên nhớ rằng, chỉ một cách đơn giản rằng Thiên Chúa thương yêu chúng ta. Ngài đã ban Chúa Giêsu để cứ chúng ta và hồi phục lại những gì đã mất vì sự bất tuân (x. Ga 3,16-17). Sự chết của Chúa Giêsu đã hòa giải chúng ta với Chúa Cha (x. Rm 5,10). Phục sinh của Người phá vở quyền lực của tội lỗi và sự chết trong đời sống chúng ta và làm chúng ta trở nên con người mới (x. 1Cr 15,56-57). Ðấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Ðức Ki-tô Giê-su quang lâm.(Pl 1,6)

Những lời này là sự thật, bất kể đến những biến cố trong đời sống làm bạn nao núng. Khi hoang mang, mất can đảm, hay tuyệt vọng bắt đầu ăn sâu vào ý nghĩa của bạn, hãy đối chất nó với sự thật. Càng lúc chúng ta dám chiến đấu với những tâm tưởng chúng ta, càng lúc chúng ta chắc chắn giữ được niềm vui của chúng ta. Tựa hồ đi chạy bộ hay cử tạ, quyết tâm có thể làm được. Trước (sự tập luyện) càng nặng nề hằng ngày, một người mới bắt đầu sẽ cảm thấy vụng về, hay quá yếu ớt hay cẩu thả để tuân theo. Thật là đúng, càng tập luyện chúng ta càng tin tưởng. Hãy thử điều đó hôm nay, khi niềm vui Phục Sinh được vang dội quá rõ ràng. Hãy cầu xin Chúa Thánh Linh để nhắc nhở chúng ta tập trung tâm trí vào những điều trên. Ngài sẽ giúp bạn và niềm vui của bạn sẽ gia tăng vô hạn.

“Lạy Cha, tất cả vinh quang và ca ngợi thuộc về Cha! Hôm nay con vui mừng cùng với các Thiên Thần và các Thánh của Cha và ca ngợi Cha vì đời sống mới mà Cha đã ban cho con qua Chúa Giê-su. Cảm tạ Cha đã bẻ gãy xích xiềng đã trói buội con. Cám tạ Cha đã tỏ ra cho con”.

Sự Phục Sinh Của Đức Kitô Theo Tinh Thần Của Thánh  Phaolô

Để trả lời cho các tín hữu Côrintô không tin vào sự sống lại đời sau, trong 34 câu đầu chương 15 thư thứ I gửi giáo đoàn này, thánh Phaolô nhắc lại cho tín hữu biết nòng cốt Tin Mừng như đã được các tông đồ rao giảng. Nghĩa là thánh nhân trính bày gia tài lòng tin kitô, mà chính ngài cũng đã nhận được và truyền lại cho tín hữu Côrintô. Câu trả lời của thánh nhân hoàn toàn khách quan, v́ì dựa trên truyền thống rao giảng Tin Mừng của cộng đoàn kitô tiên khởi. Tín hữu Côrintô cũng đã tiếp nhận Tin Mừng đó khi tin theo Chúa Kitô. Do đó viễn tưởng niềm hy vọng cứu rỗi cũng rộng mở trước mặt họ, nhưng với một điều kiện: đó là họ phải tuân giữ toàn vẹn hình thức cũng như nội dung giáo huấn lòng tin đã nhận lãnh, chứ không được lèo lái giải thích sai lạc đi. Nói cách khác, thánh Phaolô khẳng định rằng Tin Mừng của Chúa là một kho tàng có một lịch sử thông truyền và tạo ra một lịch sử mới cho người lãnh nhận nó. Do đó có hai điều kiện để Tin Mừng thực sự là Tin Mừng của Chúa: thứ nhất là nguồn gốc tông truyền, thứ hai là nội dung nguyên vẹn như đã được rao giảng trong cộng đoàn kitô tiên khởi.

Các câu 3b-5 ghi lại một công thức rất cổ xưa, chắc hẳn bắt nguồn từ cộng đoàn kitô hy lạp Antiokia vào khoảng năm 40. Nó gồm 4 câu ngắn: hai câu chính và hai câu phụ bổ túc cho chúng: ”Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, và đã được mai táng. Và Người đã sống lại ngày thứ ba như lời Kinh Thánh và đã hiện ra với Kêpha rồi với 12 Tông đồ”. Như thế nòng cốt Phúc Âm loan báo cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu, được xác định bằng việc mai táng Đấng đã bị đóng đanh, và các lần hiện ra của Người. Tuy công thức nói trên hoàn toàn tập trung vào Đức Kitô nhưng không miêu tả Người với các tước hiệu của Thiên Chúa, trái lại nó đã chỉ nhắc tới các biến cố lịch sử là cái chết và sự phục sinh của Người. Dĩ nhiên các biến cố này đã được các tŕnh thuật Phúc Âm ghi lại không như là các dữ kiện khách quan, nhưng như tin vui được loan báo cho mọi người. Nó loan báo rằng cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô có một ý nghĩa sâu xa trong lịch sử cứu độ mà Thiên Chúa cùng dệt với nhân loại. Các kiểu nói ”vì tội lỗi chúng ta” và ”đúng như lời Kinh Thánh” cũng rất ý nghĩa. Kiểu nói thứ nhất nhấn mạnh trên giá trị cứu rỗi do cái chết của Chúa Giêsu đem lại cho con người. Kiểu nói ”chết vì tội lỗi chúng ta” có nghĩa đền bù hay thay thế? Dầu sao đi nữa, chính nhờ cái chết của Chúa Giêsu mà tín hữu đươc ơn tha thứ tội lỗi và hòa giải với Thiên Chúa. Việc tham chiếu Kinh Thánh có ý nói rằng cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu không phải là chuyện ngẫu nhiên, mà nằm trong chương tŕnh cứu độ độ được các ngôn sứ báo trước. Nhưng trên cụ thể không có văn bản kinh thánh cựu hay tân ước nào được trích dẫn. Có lẽ kiểu nói ”vì tội lỗi chúng tôi” ám chỉ bài ca Người tôi tớ khổ đau của Giavê trong chương 53 sách Isaia. Ngoài ra kiểu nói ”Người đã chỗi dậy ngày thứ ba” ám chỉ lời ngôn sứ Hôsêa viết trong chương 6,2: “Sau hai ngày Ngài sẽ trao trả sự sống lại cho chúng ta và ngày thứ ba Ngài sẽ làm cho chúng ta chỗi dậy”. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận ra khẳng đinh tổng quát của Kinh Thánh Cựu ước: chương trình cứu độ của Thiên Chúa hiện thực nơi Đức Kitô tử nạn và phục sinh.

Xác định “và Người đã được mai táng” nhằm nêu bật thực tại cái chết của Đức Giêsu. Việc mai táng trong mộ là dấu ấn đóng trên cái chết không thể sửa chữa được hay cứu vãn được nữa của Đấng đã bị đóng đanh. Việc nhắc tới Kêpha nghĩa là Phêrô và 12 Tông Đồ nhằm đưa chứng tá của đoàn tông đồ vào trong biến cố nòng cốt của lòng tin kitô. Sự phục sinh của Đức Kitô trở thành biến cố lịch sử trong kinh nghiệm của các nhân chứng. Chúa Kitô phục sinh đã hiện diện với vinh quang của Ngài trong cuộc sống của các chứng nhân này. Và như thế Ngài trở thành đối tượng của lời rao giảng và lòng tin. Tuy nhiên, ngoài dữ kiện truyền thống trên đây, tức các lần Chúa Kitô phục sinh tự tỏ hiện ra cho Phêrô và đoàn Tông Đồ như cũng được các Phúc âm ghi lại (Lc 24,34.36tt; Mt 28,16tt), thánh Phaolô còn thêm vào chứng tá của 500 môn đệ khác nữa, cộng thêm với chứng tá của Giacôbê, của tất cả các tông đồ và của chính thánh nhân. Ngoài ra, không kể kinh nghiệm gặp gỡ đổi đời đã có với Chúa Kitô phục sinh trên đường đến thành Damasco, thánh Phaolô chỉ nhắc sơ rằng ngài là chứng nhân rốt hết và tự so sánh với một bào thai bị phá. Đây là một từ nguyền rủa, có lẽ các địch thủ của thánh nhân đã dùng để nói lên sự bất xứng của thánh Phaolô, bởi vì Phaolô là người đã từng bách hại Giáo Hội Chúa. Sự kiện giờ đây ngài là tông đồ chỉ là ơn thánh thuần túy, chứ không phải công lao của thánh nhân. Chính v́i thế Phaolô chiếm chỗ rốt hết trong bậc thang của đoàn tông đồ. Đàng khác nỗ lực dấn thân trong công tác rao truyền Tin Mừng và mọi lao công khổ nhọc Phaolô phải cḥiu khiến cho thánh nhân trổi vượt hơn các tông đồ khác. Ơn thánh Chúa ban thật đã không vô ích nơi Ngài. Ở đây chúng ta thấy Phaolô tŕnh bầy tương quan biện chứng giữa con người tự nhiên và con người ơn thánh trong cuộc đời của thánh nhân. Cái hèn hạ và hư không của con người tự nhiên hiện hữu đồng thời với cái cao cả của con người ơn thánh. Cái tôi của ngài vừa là chủ thể tự hạ vừa là chủ thể tự tôn. Câu 11 cho thấy thánh Phaolô ngang hàng với các tông đồ và nhấn mạnh trên các nhân chứng của sự sống lại: ”Như vậy, dù tôi hay là các ṿị khác, chúng tôi đã rao giảng như thế và anh cḥi em đã tin như vậy”. Ý muốn tự biện minh của thánh nhân tỏ hiện ở đây. Chúa Kitô phục sinh đã hiện ra với Phaolô và trao cho ngài sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cứu độ, y như đã hiện ra với các Tông đồ khác và sai các vị đi rao giảng Tin Mừng cứu độ. Do đó tín hữu không thể nại vào lời rao giảng của Kêpha và các Tông đồ khác để khước từ lời rao giảng của Phaolô. Nghĩ rằng chứng tá của Phaolô kém thua chứng tá của các Tông đồ là sai lầm.

Danh sách các nhân chứng sự sống lại không nhằm chứng minh lòng tin vào Chúa Kitô phục sinh. Nó có ý chứng minh rằng lòng tin đó không phải là việc chấp nhận một sự thật phi thời gian, mà chấp nhận lời loan báo lịch sử phát xuất từ chính những người đã trực tiếp sống kinh nghiệm với Chúa Giêsu phục sinh, Đấng đã tự tỏ hiện ra cho họ trong vinh quang và sau đó vang vọng trong lề luật của một truyền thống trung thực. Sự kiện lời rao giảng đựơc đặt ngang hàng với lòng tin cũng rất ý nghĩa: ”Chúng tôi đã rao giảng như thế, và anh chị em cũng đã tin như vậy”. Nhưng để chống lại sự khước từ của các tín hữu Côrintô thánh Phaolô không thuần túy đề cập tới sự sống lại, mà nhấn mạnh trên lời loan báo Đức Kitô phục sinh: ”Nhưng nếu chúng tôi rao giảng rằng Đức Kitô đã từ cõi chết chỗi dậy, th́i tại sao trong anh chị em có người lại nói: không có chuyện kẻ chết sống lại?”. Qua đó thánh Phaolô cho thấy thái độ vô lý và không trung thực của tín hữu Côrintô. Nói chung thánh nhân tố cáo thái độ của họ mù quáng tin tưởng nơi kinh nghiệm hiểu biết các mầu nhiệm, kinh nghiệm đặc sủng và bí tích mà họ nâng lên làm mực thước sự thật không thể chối cãi đựơc. Tín hữu thuộc mọi thời đại phải đối chọi với qúa khứ của truyền thống phúc âm với một óc phê bình bén nhậy. Kitô giáo gắn liền với thời gian đặc ân của các lần Chúa Phục Sinh tự tỏ hiện ra cho môn đệ Ngài.

Từ lòng tin kitô học thánh Phaolô bước sang niềm hy vọng nhân chủng học. Thánh Phaolô muốn chứng minh cho thấy không thể tách rời lòng tin kitô học khỏi niềm hy vọng nhân chủng học. Việc khước từ sự sống lại của tín hữu kéo theo việc chối bỏ sự sống lại của Chúa Kitô: ”Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Kitô cũng đã không chỗi dậy” (c. 13. x.c. 16). Giả dụ Đức Kitô đã không sống lại, thí chuyện ǵì sẽ xảy ra? Lời rao giảng của các tông đồ và chính lòng tin của thánh Phaolô cũng ra trống rỗng (c. 14): trống rỗng nội dung cứu độ. Chính vì thế trong câu 17 thánh Phaolô mới viết: ”Mà nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh chị em thật hão huyền, và anh chị em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh chị em”. Lòng tin trống rỗng và hão huyền khi nó không giải thoát con người khỏi tội lỗi. Và không có gì thay đổi trong cuộc sống của các tín hữu. Cuộc sống hiện tại của họ lập lại qúa khứ nô lệ tội lỗi. Cũng thế, lời rao giảng của các tông đồ trống rỗng, khi không đem lại ơn cứu độ nó loan báo. Lời loan báo của các tông đồ chỉ hữu hiệu, nếu công bố một biến cố thực. Như thế việc chấp nhận lòng tin chỉ sinh hoa trái thực sự khi nó gắn liền với thực tại Đức Kitô phục sinh. Tóm lại, không có Tin Mừng sự sống lại của Đức Kitô, nếu không có chứng tá của các tông đồ, và ngược lại không có chứng tá của các tông đồ, nếu không có sự sống lại của Đức Kitô.

Liên quan tới những người loan báo Tin Mừng, nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì các vị là những chứng nhân gian dối (c. 15) vì đã làm chứng cho một biến cố không hiện hữu. Còn đối với các tín hữu đã chết, thì bởi vì lòng tin của họ trống rống và hão huyền, nên đã chỉ có thể đưa họ tới sự hư mất đời đời (c. 18). Và hậu qủa sau cùng của giả thiết nếu Đức Kitô đã không sống lại, đó là các kitô hữu sẽ là những kẻ đáng thương nhất trần gian này, vì họ đã đặt hy vọng vào một chuyện hão huyền liên quan tới một nhân vật hão huyền. Đối với thánh Phaolô tin vào sự sống lại của những người đã chết đồng nghĩa với hy vọng nơi sự sống tương lai. Do đó khi từ chối tin vào sự sống lại cũng có nghĩa là đóng kín cuộc đời con người và số phận của nó trong giới hạn hẹp hòi của lịch sử hiện tại đời này. Như thế cuộc sống luân lý đạo đức khổ chế của kitô hữu chỉ là dấu chứng của sự điên khùng khờ dại. Và không ai đáng thương hơn những kẻ điên khùng khờ dại như thế!