Chương 10
Hành Động Và Chuyển Cầu
Nối kết việc cầu nguyện với đời sống.
Tham dự vào lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.
Cầu nguyện và những hành vi phục vụ.
Việc đáp trả của lòng biết ơn.
Hành động như một đáp trả của lòng biết ơn.
Hành động trong nhà của Thiên Chúa.
Những hoạt động đem lại niềm vui và bình an.
Việc cầu nguyện do lòng xót thương.
Làm cho người khác trở thành một phần của bản thân ta.
Hiệp thông với dân Thiên Chúa.
Nối kết việc cầu nguyện với đời sống.
Bạn phải nối kết việc cầu nguyện với đời sống. Càng gần với tấm lòng của Thiên Chúa bao nhiêu, bạn càng đến gần cõi lòng của thế giới nầy và đến gần người khác bấy nhiêu. Thiên Chúa là một vị Thiên Chúa đòi hỏi, nhưng khi nào bạn dâng tấm lòng bạn cho Thiên Chúa, khi ấy bạn sẽ tìm được những ước vọng của tâm hồn bạn. Bạn cũng sẽ tìm được anh, chị, em mình ngay trong lòng bạn. Bao giờ bạn cũng được mời gọi để hành động, nhưng hành động ấy không khi nào có tính bó buộc, ám ảnh, hoặc lây nhiễm tội lỗi. Cách căn bản, đó là một hành động xuất phát từ sự hiểu biết tình yêu của Thiên Chúa. Bạn muốn ở với người nghèo vì ở với họ bạn không cố gắng làm vừa lòng thế gian và không cố gắng để được thế gian chấp nhận…
Nền linh đạo của ta phải xuất phát từ việc sống mật thiết với người nghèo. Nền linh đạo của việc ở những con người mỏng dòn và của việc trở nên mỏng dòn đối với họ — quả là một cuộc hành trình dài !
The Road to Peace.
Kỷ luật của đức kiên nhẫn không chỉ thể hiện trong cách ta cầu nguyện mà còn thể hiện trong cách ta hành động. Hệt như việc cầu nguyện, hành động của ta phải thể hiện sự hiện diện xót thương của Thiên Chúa giữa thế gian nầy. Những hành động kiên nhẫn chính là những hành động nhờ đó, tình yêu chữa lành, an ủi, giải thoát, hoà giải và làm cho thống nhất của Thiên Chúa có thể đụng đến tâm hồn con người. Đó là những hành động, qua đó thời viên mãn có thể hiển hiện và công lý và hoà bình của Thiên Chúa có thể hướng dẫn thế giới của chúng ta. Đó là những hành động nhờ đó, người nghèo khó được nghe loan báo Tin Mừng, kẻ tù tội được giải thoát, người mù được thấy, kẻ đàn áp được tự do, và năm ân xá của Thiên Chúa được công bố (Lc 4, 18-19). Đó là những hành động xua tan sợ hãi, nghi nan, và cuộc tranh giành quyền lực đang tạo nên cuộc chạy đua vũ trang ngày một leo thang, và đang đào sâu hố ngăn cách giữa người giàu, kẻ nghèo, và đào sâu bạo tàn giữa kẻ thế lực và những người cô thế, cô thân. Đó là những hành động luôn đưa dẫn người ta đến chỗ biết lắng nghe nhau, biết nói với nhau, chữa lành những vết thương của nhau. Tóm lại, đó là những hành động xây dựng trên một đức tin khiến ta có thể nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời ta và luôn muốn cho sự hiện diện nầy được các cá nhân, cộng đoàn, xã hội và các quốc gia cảm nhận.
Compassion
Tham dự vào lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa
Nếu đúng là cuộc sống xót thương của ta không phải là hàng loạt những việc tốt lành, nhờ đó ta cố gắng xoa dịu những tình cảm tội lỗi của ta hướng tới đồng loại, cũng không phải là cố gắng hết sức để làm điều tốt, nhưng là tham dự vào lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa trong và nhờ Đức Kitô, thì cầu nguyện theo một nghĩa nào đó chính là đòi buộc đầu tiên của ta. Và quả thế thật vì cầu nguyện chính là một cuộc sống gắn bó với Thiên Chúa, là Đấng phát sinh mọi sự xót thương.
Lời kêu gọi đến với lòng xót thương của ta không phải là một lời kêu gọi cố gắng tìm ra Thiên Chúa ngay giữa lòng thế giới nhưng là lời kêu gọi cố gắng tìm ra thế giới nầy ngay trong cõi lòng của Thiên Chúa. Đó là cách thức của thánh Phaolô, Bênêdictô, Phanxicô, Ignatiô, Têrêsa Avila, của Martin Luther, John Wesley, và tất cả những vị lãnh đạo tinh thần suốt dòng lịch sử của Hội Thánh. Các vị nầy đều biết rằng càng làm môn đệ của Đức Kitô bao nhiêu, ta càng đi sâu vào trong tình liên đới với thế giđi đau khổ nầy bấy nhiêu, về việc nầy, chẳng có gì là lãng mạn, ngọt ngào hoặc dễ dàng đâu. Những ai nghĩ rằng đây là một lối thoát — hoặc thậm chí là một sự tránh né – sẽ không hiểu được ý nghĩa của việc mang lấy tâm tư của Đức Kitô. Chắc chắn ai đã đi vào trong một mức độ nào đó của việc làm môn đệ của Đức Kitô, không chỉ không tránh né đau khổ của thế giới nầy, mà còn đi thẳng vào tận cốt lõi của đau khổ ấy. Đó là lý do vì sao đời sống cầu nguyện luôn nối kết ta lại cách mật thiết nhất với sự sống của thế giới nầy và cũng là lý do vì sao phân tích cho tới cùng thì đời sống xót thương cũng là một đời sống huyền nhiệm — một cuộc sống được sống trong sự hợp nhất với Chúa Giêsu Kitô.
Compassion : The Core of Spiritual Leadership.
Cầu nguyện và những hành vi phục vụ
Cầu nguyện và hành động… không bao gịờ có thể bị coi là mâu thuẫn và loại trừ lẫn nhau, cầu nguyện mà không có hành động sẽ trở thành một thứ đạo đức vô dụng, còn hành động mà không có cầu nguyện sẽ chỉ là một thứ thao tác gây nhiều thắc mắc. Việc cầu nguyện nào đưa ta đi sâu hơn vào trong sự hiệp nhất với Đức Kitô đầy lòng xót thương, thì việc cầu nguyện ấy bao giờ cũng khơi lên những hành vi phục vụ cụ thể. Và những hành vi phục vụ cụ thể nào thực sự đưa ta tới tình liên đới mật thiết hơn với những người nghèo khổ, đói khát, bệnh hoạn, hấp hối và bị đàn áp, thì những hành vi ấy bao giờ cũng dẫn đưa tới việc cầu nguyện. Trong cầu nguyện, ta gặp được Đức Kitô, và trong Ngài ta gặp được những khổ đau của con người. Trong việc phục vụ, ta gặp được con người, và nơi họ, ta gặp được chính Đức Kitô chịu đau khổ.
Compassion.
Việc đáp trả của lòng biết ơn
Hành động xót thương… chính là hành động tự do, vui mừng và trước hết, là sự thể hiện cuộc gặp gỡ đã xảy ra với lòng biết ơn. Sức mạnh vô biên khiến thánh Phêrô, Gioan và Phaolô và tất cả các môn đệ “chiến thắng” thế gian nầy với sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô xuất phát từ cuộc gặp gỡ nầy. Các ngài không phải tự thuyết phục mình hoặc thuyết phục nhau rằng các ngài đang làm một việc tốt ; các ngài cũng chẳng nghi ngại gì về tính thích hợp của hành động của mình. Các ngài không thể làm gì khác ngoài việc nói về Ngài, ngợi khen Ngài, tạ ơn và tôn thờ Ngài bởi chính Ngài là Đấng họ đã nghe, đã thấy, và đã đụng chạm. Họ chẳng có thể làm gì khác ngoài việc đem ánh sáng cho người mù, trả tự do cho kẻ tù tội, giải thoát kẻ bị áp bức vì chính khi làm như thế họ lại gặp được Ngài. Các ngài không thể làm gì khác ngoài việc qui tụ người ta lại trong một tình huynh độ mới bởi như thế Chúa Giêsu mới có thể ỏ giữa các ngài. Vì Chúa Giêsu Kitô đã trở thành sự sống đích thật của các ngài, nên quan tâm đích thật, lòng thương xót đích thật và tình yêu đích thật của các ngài, và sống đối với các ngài chính là hành động và toàn bộ sự sống trở thành lời tạ ơn không ngừng dâng lên Thiên Chúa vì Ngài đã trao ban chính mình cho ta.
Đây là ý nghĩa sâu sắc nhất của hành động xót thương, là cách diễn tả hân hoan, tự do và đầy lòng biết ơn việc ta gặp gỡ vị Thiên Chúa xót thương. Và cuộc gặp gỡ nầy sẽ sinh hoa, kết quả cả khi ta không thể thấy được vì sao và cách nào cuộc gặp gỡ ấy sinh hoa, kết quả. Trong và nhờ hành động như thế, ta nhận ra rằng mọi sự quả là hồng ân và việc đáp trả duy nhất của ta chính là lòng biết ơn.
Hành động như một đáp trả của lòng biết ơn
Hành động chính là một sự đáp trả đầy lòng biết ơn xuất phát từ ý thức của ta về sự hiện diện của Thiên Chúa trên trần gian nầy. Toàn bộ thừa tác vụ của Chúa Giêsu là một hành động tạ ơn Cha. Chính nhờ tham dự vào thừa tác vụ nầy mà ta được mời gọi. Thánh Phêrô và Phaolô đi hết nơi nầy đến nơi khác với một năng lực trào tràn ; mẹ Têrêsa Avila xây dựng hết tu viện nầy đến tu viện khác không biết mệt mỏi ; Martin Luther King, Jr., rao giảng, vạch kế hoạch và tổ chức với lòng nhiệt thành không gì có thể dập tắt và mẹ Têrêsa Calcutta không sợ làm cho việc Chúa đến sớm hơn với việc chăm sóc cho những người nghèo nhất trong các người nghèo. Nhưng không ai trong các ngài cố gắng giải quyết những vấn đề cùa thế gian nầy hoặc tìm cách để được ca ngợi và tán thưởng cả. Hành động của các ngài không bị những thứ ấy thúc đẩy, và kết quả là những hành động ấy của các ngài là những sự đáp trả tự phát đối với kinh nghiệm về sự hiện diện hoạt động của Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Với cách thức ấy, hành động của chúng ta có thể trở nên lời tạ ơn, và mọi việc ta làm cũng có thể trở thành lễ Tạ ơn.
Contemplation and Action.
Hành động trong nhà của Thiên Chúa
Ở đây ta cũng tìm được nền tảng cho mọi hoạt động Kitô giáo. Cũng như lời cầu nguyện dẫn ta vào trong nhà Thiên Chúa và dân Thiên Chúa thế nào, thì hoạt động cũng dẫn ta vào lại trong thế giới để thực hiện việc hoà giải, hợp nhất và hoà bình như thế. Một khi biết được sự thật, ta cũng sẽ muôn hành động cách chân thực và bày tỏ cho thế giới nầy bản chất đích thật của sự thật như thế. Mọi hoạt động của Kitô giáo – dù là thăm viếng kẻ bệnh hoạn, cho kẻ đói ăn, cho kẻ mình trần mặc, hay làm việc để xã hội nầy công bằng và bình an hơn – đều thể hiện tình liên đới của con người, một sự liên đới đã được mạc khải cho ta trong nhà Thiên Chúa. Đó không phải là một cố gắng đầy âu lo của con người trong việc tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn. Nhưng đó là cách diễn tả sự thật nầy là trong Đức Kitô, sự chết, tội ác và sự hủy diệt đã bị khuất phục. Đó không phải là một cố gắng đầy sợ hãi trong việc duy trì một trật tự đổ vỡ. Nhưng đó là một khẳng định vui mừng rằng trong Đức Kitô mọi trật tự đã được vãn hồi. Đó không phải là một cố gắng căng thẳng trong việc hợp nhất những con người chia rẽ, nhưng là cử hành sự hợp nhất đã có rồi. Như thế, hoạt động không phải là hiếu động. Người hiếu động muốn chữa lành, bảo tồn, cứu chuộc và tái lạo. Còn những người hoạt động trong nhà Thiên Chúa qua hoạt động của mình luôn hướng về sự hiện diện chữa lành, bảo tồn, cứu chuộc và tái tạo của Thiên Chúa.
Lifesigns
Những hoạt động đem lại niềm vui và bình an
Hoạt động… có thể giúp công bố và cử hành bản ngã đích thật của ta. Nhưng ở đây lại một lần nữa ta cần phải có kỷ luật, vì thế giới ta đang sống thường nói : “Bạn hãy làm cái nầy, cái kia, đến đây, đến đó, gặp người nầy, người kia”. Bận bịu đã thành dấu chỉ của tầm quan trọng. Có quá nhiều việc phải làm, quá nhiều chỗ phải đi, quá nhiều người phải gặp gỡ thường đem lại cho ta địa vị, và tiếng tăm. Tuy nhiên, bận bịu cũng làm ta lạc xa ơn gọi đích thật của ta và ngăn cản ta khỏi uống chén của ta.
Phân biệt giữa làm những việc ta phải làm với làm những việc ta muốn làm không phải là chuyện dễ. Nhiều ước muốn của ta có thể dễ dàng làm ta xao nhãng hoạt động đích thật của ta. Hoạt động đích thật bao giờ cũng đưa ta tới chỗ hoàn tất ơn gọi của ta… Địa vị đang dự nhất trong xã hội có thể vừa diễn tả việc vâng phục ơn gọi của ta, vừa là dấu chỉ của việc khước từ lắng nghe tiếng gọi ấy, và địa vị ít đang dự nhất cũng có thể vừa là một sự đáp trả ơn gọi, vừa là cách để trốn tránh ơn gọi ấy.
Việc uống chén của ta bao hàm việc chọn lựa kỹ những hoạt động nào dẫn ta gần hơn tới chỗ uống cạn chén ấy, để vào lúc cuối đời, ta có thể nói với Chúa Giêsu : “Đã hoàn tất” (Ga 19, 30). Đó thực sự là một nghịch lý : ta hoàn tất cuộc sống bằng cách trút đổ cuộc sống ấy. Nói theo ngôn ngữ của Chúa Giêsu : “Ai liều mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ giữ được sự sống ấy” (Mt 10,39).
Khi ta hiến mình để thực thi ý Thiên Chúa chứ không phải làm theo ý ta, thì sớm muộn gì ta cũng sẽ khám phá ra rằng đa số những việc ta làm thực ra không cần ta phải làm. Những gì ta được kêu gọi làm chính là những hoạt động đem lại cho ta niềm vui và sự bình an đích thật. Hệt như việc từ bỏ bạn bè vì Tin Mừng sẽ đem đến cho ta những người bạn thế nào, thì việc từ bỏ những hoạt động không phù hợp với ơn gọi của ta cũng thế.
Hoạt động nào đưa đến chỗ quá tải, hao mòn, kiệt sức, thì hoạt động ấy không thể ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa được. Điều gì Thiên Chúa kêu gọi ta làm, ta mới có thể làm và làm tốt. Khi ta lắng nghe tiếng của Thiên Chúa trong thầm lặng và nói với bạn hữu ta trong tin tưởng, ta sẽ biết ta được mời gọi làm gì và ta sẽ làm việc ấy với một tấm lòng biết ơn.
Can You Drink the Cup ?
Việc cầu nguyện do lòng xót thương
Việc cầu nguyện do lòng xót thương nhân đang tha nhân là trung tâm của Kinh Thánh. Abraham chuyển cầu cho dân thành Sođôma và Gômôra và nhờ thế, ông đã cứu họ khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa (St 18, 31). Khi dân Israel phá vỡ giao ước trên núi Sinai bằng việc tôn thờ bò vàng, thì chính lời chuyển cầu của Môsê đã giúp họ tránh khỏi sự hủy diệt (Xh 32, 11 – 14).
Là những môn đệ của vị Chúa xót thương, Đấng đã mặc lấy điều kiện của một kẻ nô lệ và đã chịu chết vì chúng ta, thì lời cầu nguyện của ta dã vượt xa mọi biên giới. Dietrich
Bonhoeffer đã diễn tả cách hết sức đơn giản khi ông viết rằng “cầu nguyện cho người khác là cho họ quyền ta đã lãnh nhận, nghĩa là, được đứng trước Đức Kitô và tham dự vào lòng xót thương của Ngài”.
Khi ta đến trưđc Thiên Chúạ với nhu cầu của thế gian nầy, thì tình yêu chữa lành của Thiên Chúa, một tình yêu thương luôn đụng đến ta, cũng sẽ đụng đến tất cả những ai được ta đem đến trươc Thiên Chúa với cùng một sức mạnh. Kinh nghiệm nầy về tình yêu chữa lành của Thiên Chúa có thể trở thành hiện thực và trực tiếp đến độ bao giờ ta cũng có thể cảm nhận được ơn chữa lành của Thiên Chúa trong cuộc sống của tha nhân, dẫu những người ấy ở xa cả về thể lý, tinh thần hoặc thiêng liêng.
Như thế, việc cầu nguyện do lòng xót thương không khuyến khích ta chạy trốn con người và những vấn đề của họ để núp mình trong chủ nghĩa cá nhân chỉ biết đến mình. Nhờ việc đào sâu ý thức của ta về đau khổ chung của ta, lời cầu nguyện ấy lôi kéo tất cả chúng ta xích lại gần nhau hơn trong sự hiện diện chữa lành của Thiên Chúa. Lời cầu nguyện ấy không chỉ trải rộng đến những người ta yêu thương và ngưỡng mộ thôi mà còn trải rộng cả đến những kẻ ta coi là thù địch nữa.
Việc cầu nguyện không thể cùng tồn tại với những tình cảm thù nghịch. Hoa quả của cầu nguyện bao giờ cũng là tình yêu thương. Trong cầu nguyện, ngay cả những kẻ độc tài vô nguyên tắc và những kẻ tra tấn dã man không còn là đối tượng của sự sợ hãi, thù hận và trả thù của ta nữa, vì khi ta cầu nguyện, ta đứng tại trung tâm của mầu nhiệm xót thương của Thiên Chúa.
Anchored in God through Prayer.
Việc cầu nguyện cho nhau
Ta thường tự hỏi, ta có thể làm gì cho nhau, nhất là cho những người thiếu thốn. Khi bảo : ‘Ta phải cầu nguyện cho nhau”, đó không phải là dấu chỉ của sự bất lực. Cầu nguyện cho nhau trước hết là nhìn nhận trong sự hiện diện của Thiên Chúa rằng ta thuộc về nhau như con cái Thiên Chúa. Với sự nhìn nhận tình liên đới nầy, điều ta phải làm cho nhau xuất phát từ sự kiện ta thực sự là ai. Ta là anh, chị, em chứ không phải là đối thủ của nhau. Ta là con cái Thiên Chúa chứ không phải là sản phẩm của các thần linh khác.
Cầu nguyện, nghĩa là lắng nghe tiếng của Đấng gọi ta là “yêu dấu”, cũng là học để biết rằng tiếng gọi ấy không loại trừ ai. Ta ở đâu, Thiên Chúa cũng ở đó với ta và ở đâu Thiên Chúa ở với tôi, thì ở đó tôi tìm được tất cả mọi anh, chị, em của tôi. Vì thế sự mật thiết với Thiên Chúa và liên đới với mọi người là hai khía cạnh không bao giờ tách rời được của việc ở với trong giây phút hiện tại.
Here and Now
Làm cho người khác trở thành một phần của bản thân ta
Một trong những kinh nghiệm mạnh mẽ nhất trong một cuộc sống xót thương chính là biến cõi lòng ta thành nơi chữa lành toàn thế giới, trong đó không ai bị loại trừ. Khi, nhờ kỷ luật, ta đã thắng được sức mạnh của những thôi thúc bất nhẫn đòi ta chạy trốn, hoặc tháo chạy, trở thành sợ hãi hoặc giận dữ, ta thường khám phá ra một không gian vô hạn, nơi ta tiếp đón mọi người trên toàn thế giới. Vi thế, cầu nguyện cho người khác không thể được coi như một thực hành nghịch thường phải được thực hành luôn. Nhưng, cầu nguyện chính là mỗi nhịp đập của quả tim biết xót thương, cầu nguyện cho một người bạn bị bệnh, cho một học sinh bị mất tinh thần, cho một thầy giáo đang gặp nhiều xung đột ; cho những người đang bị tù, đang nằm trong bệnh viện, hoặc đang ở ngoài chiến trường ; cho những nạn nhân của bất công, những người nghèo đói và không nơi nương tựa ; những người đang có nguy cơ mất sự nghiệp, sức khoẻ và mất mạng trong cuộc đấu tranh cho công bằng xã hội ; cho những nhà lãnh dạo Hội Thánh và quốc gia – cầu nguyện cho tất cả những người nầy không phải là những cố gắng vô ích trong việc tác động lên ý Thiên Chúa, nhưng là một cử chỉ thân thiện nhờ đó ta mời hàng xóm ta đi vào trong tận cõi lòng ta.
Cầu nguyện cho người khác nghĩa là làm cho họ trở thành một phần của ta. Cầu nguyện cho người khác nghĩa là cho phép những đau đớn và khốn khổ, những âu lo và cô đơn, những bối rối và sợ hãi âm vang trong tận cõi thẳm sâu của lòng ta. Vì thế, cầu nguyện là trở nên chính những người ta đang cầu nguyện cho, trở nên một trẻ thơ bệnh hoạn, một người mẹ sợ sệt, một người cha đau khổ, một thiếu niên hoảng loạn, một học sinh giận dữ, và một kẻ xuống đường chán nản. Cầu nguyện là đi vào trong tình liên đới nội tâm sâu xa vơi đồng loại ta đến độ trong và nhờ ta sức mạnh chữa lành của Thiên Chúa đụng đến họ. Là các môn đệ của Đức Kitô, khi ta có thể mang gánh nặng của anh, chị, em ta, những người mình đầy thương tích, và thậm chí còn bị đổ gẫy bởi tội của họ, thì cũng là lúc lời cầu nguyện của ta trở thành lời cầu nguyện của họ, tiếng van xin lòng thương xót của ta trở thành tiếng van xin của họ. Trong lời cầu nguyện xót thương, ta đem đến trước mặt Thiên Chúa không chỉ những người đau khổ “ở ngoài kia, lâu lắm rồi”, mà còn cả những người đang đau khổ ở đây, lúc nầy trong lòng ta. Vì thế mà chính trong và nhờ ta mà những người khác được phục hồl ; chính trong và nhờ ta mà họ nhận được ánh sáng, niềm hy vọng và sự can đảm mới ; chính trong và nhờ ta mà Chúa Thánh Thần đụng chạm đến họ bằng sự hiện diện chữa lành của Thiên Chúa.
Khi nào ta thật sự đem bạn bè ta và nhiều người ta cầu nguyện cho vào trong cõi thẳm sâu của lòng ta và cảm được những nỗi đau, những cuộc đấu tranh, những tiếng khóc than của họ trong linh hồn ta, thì khi ấy, có thể nói rằng, ta đang từ bỏ chính mình để trở thành họ, khi ấy ta sẽ có lòng xót thương. Lòng xót thương nằm tại trung tâm của lời cầu nguyện của ta cho đồng loại ta. Khi nào ta cầu nguyện cho thế giới, thì khi ấy ta trở thành thế giới ; khi nào ta cầu nguyện cho những nhu cầu vô tận của hằng triệu con người, thì khi ấy linh hồn ta mở rộng và muốn ôm ấp tất cả những người ấy và đem họ vào trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Nhưng trong kinh nghiệm ấy, tôi nhận thấy rằng lòng xót thương không phải là của tôi nhưng là ơn Thiên Chúa ban cho tôi. Tôi không thể ôm trọn thế giới nầy, nhưng Thiên Chúa có thể. Tôi không thể cầu nguyện, nhưng Thiên Chúa có thể cầu nguyện trong tôi. Khi nào Thiên Chúa trở nên như chúng ta, nghĩa là, khi nào Thiên Chúa cho phép tất cả chúng ta đi vào cuộc sống thân tình của Ngài, thì khi ấy ta có thể tham dự vào lòng thương xót vô biên của Ngài.
Trong việc cầu nguyện cho người khác, tôi luôn đánh mất chính mình và trở nên một người khác, một người chỉ tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu ôm ấp trọn vẹn nhân loại trong lòng xót thương, mới tìm được.
The Genesee Dairy.
Hiệp thông với dân Thiên Chúa
Điều tôi muốn các bạn thấy đó là nếu bạn đụng chạm được tình yêu đầu tiên, thì bạn sẽ khám phá ra rằng bạn không chỉ được yêu cách vô điều kiện thôi, mà Đấng yêu bạn vô điều kiện cũng yêu toàn nhân loại nầy cách vô điều kiện, cũng bằng tình yêu toàn diện Ngài dành cho bạn. Và việc Thiên Chúa yêu thương bạn cách thân tình và đích thân ấy không có nghĩa là Thiên Chúa yêu người khác khác với bạn và ít hơn bạn. Cách độc đáo, vâng đúng thế thật. Nhưng bất kể họ là người Nicaragua hay người Nga, là dân Afganistan hay Iran hoặc Nam Phi, thì họ vẫn thuộc về gia đình Thiên Chúa. Nên khi bạn đi vào trong sự hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa của tình yêu đầu tiên, bạn sẽ thấy mình trong sự hiệp thông với toàn dân Thiên Chúa, vì tâm hồn của Thiên Chúa chính là tâm hồn luôn ấp ủ toàn nhân loại nầy. Đó là lý do vì sao sự mật thiết với Thiên Chúa bao giờ cũng có nghĩa là sự liên đới với dân Thiên Chúa. Nói cách chính xác hơn : Thiên Chúa đã cắm lều ở giữa ta và đã mặc lấy xác thịt của ta để không một xác thịt nhân loại nào mà lại không được Thiên Chúa chấp nhận.
Nên cầu nguyện không chỉ là hiệp thông với Thiên Chúa cách riêng tư tại nơi của ta. Mà đó là sự hiệp thông với dân Thiên Chúa suốt dòng thời gian và trên toàn thế giới, một thế giới bạn luôn có cảm thức được thuộc về, một cảm thức chiến thắng sợ hãi đang chia cắt bạn ; chính sự hiệp thông nầy mới giải thoát bạn.
The Road to Peace.
Đi vào trung tâm của sự sống
Tại đất nước của tôi, nước Phần Lan, bạn vẫn thấy nhiều bánh xe lớn… dùng làm vật trang trí… tôi vẫn bị các bánh xe ấy lôi cuốn… Những bánh xe nầy giúp tôi hiểu được tầm quan trọng của một cuộc sống được sống từ trung tâm. Khi tôi đi theo riềm các bánh xe ấy, tôi có thể đụng được hết chiếc căm nầy tới chiếc căm khác, nhưng khi tôi đi vào giữa, tôi đụng được mọi chiếc căm một lúc.
Cầu nguyện là đi vào trung tâm của mọi cuộc sống và mọi tình yêu. Càng đến gần trung tâm của cuộc sống, tôi càng đến gần tất cả những gì nhận được sức mạnh và năng lực từ trung tâm ây. Tôi có khuynh hướng dễ bị lo ra bởi sự đa dạng của quá nhiều chiếc căm của cuộc sống đến độ tôi thật bận rộn nhưng sự bận rộn ấy không đem lại sự sống, tôi có mặt mọi nơi nhưng lại không tập trung được. Nhờ việc hướng đời mình vào trọng tâm của cuộc sống, tôi bắt đầu liên kết được với nhiều khác biệt phong phú của cuộc sống, trong khi vẫn tập trung được. Trọng tâm ở đây nghĩa là gì ? Tôi thường nghĩ tới trọng tâm ấy như tâm hồn tôi, tâm hồn của Thiên Chúa và tâm hồn của thế giới. Khi tôi cầu nguyện, tôi đi vào trong chiều sâu của tâm hồn tôi và tìm được ở đó tâm hồn của Thiên Chúa, Đấng luôn nói với tôi về tình yêu thương. Và tôi nhận ra, tâm hồn tôi cũng là nơi anh ; chị, em của tôi hiệp thông với nhau. Điều nghịch lý nhất của đời sống thiêng liêng chính là cái riêng tư nhất lại là cái phổ quát nhất, cái mật thiết nhất thì cũng là cái cộng đồng nhất, và cái có tính chiêm niệm nhất lại là cái hoạt động nhất.
Cái bánh xe ấy cho thấy rằng trung tâm của nó chính là trung tâm của mọi năng lực và chuyển động, cả lúc nó như thể không chuyển động. Trong Thiên Chúa mọi hoạt động và mọi sự nghỉ ngơi đều là một. Cầu nguyện cũng thế !
Here and Now