CHƯƠNG III
CUỘC GẶP GỠ BOK KIÊM – THẦY SÁU DO VÀ BOK KIÊM KẾT NGHĨA ANH EM
Biên dịch: TGM Kontum
Giọng đọc: Lm Giuse Tiến Lộc (CSsR)
Theo lời dặn của Đức Cha Cuénot, các vị thừa sai phải thận trọng, tránh chạm mặt với một tù trưởng người dân tộc khét tiếng tên là Kiêm. Ông là một người Ba Na, nổi danh khắp vùng. Đi đến đâu, ông cũng được kính nể. Hơn nữa, vì ông rất thông thạo tiếng Kinh và thường xuyên buôn bán với người Kinh, nên họ đặt ông làm trọng tài khi xảy ra tranh chấp. Vì vậy, uy thế của ông cũng được thừa nhận: quan lại người An Nam, vì muốn lấy lòng và lợi dụng uy tín của ông, nên đã vận động Triều đình Huế ban cho ông một chứng thư, qua đó nhìn nhận ông là lãnh tụ của tất cả người bản xứ, và cắt cử ông làm đại diện của vua An Nam nơi miền dân tộc thiểu số. Tước vị này đã thỏa mãn lòng tự ái của ông, biến ông thành một nhân vật trung thành, tận tâm tận lực với triều đình. Hiểu những điều ấy giúp các vị thừa sai nhận thấy rằng việc lén lút lên miền Thượng du là trái ngược với ý muốn của Hoàng đế An Nam, người đang rắp tâm bắt Đạo, và do đó, kẻ mà các ngài đáng phải lo sợ trong hoàn cảnh lúc bấy giờ không ai khác hơn là Bok Kiêm. Vì vậy, một trong những lý do chính khiến Đức Cha Cuénot quyết định chọn con đường lên hướng Bắc là cố ý tránh, càng xa càng tốt, làng của viên tù trưởng này.
“Người tính không bằng Trời tính”. Sự quan phòng của Thiên Chúa tốt lành không muốn trao vinh dự thiết lập miền truyền giáo Tây Nguyên theo kiểu tính toán của loài người, nên đã sắp đặt cho công việc được thành công bằng cách sử dụng chính con người mà mọi người đã cố tình tránh né hơn hết. Hai Cha Combes và Fontaine, cùng với một ít dân làng Bơ Lu đang tiến vào làng Kon Phar, thì người đầu tiên mà họ gặp lại chính là Bok Kiêm. Lý do là một trong số nô lệ của ông đã chán cuộc sống tôi đòi, nên đã bỏ trốn và đến trú ẩn ở Kon Phar, cách làng Bok Kiêm đến ba ngày đường. Do đó, ông buộc phải vượt ngàn dặm trường để bắt lại. Nói đúng hơn, đây là Thánh ý của Thiên Chúa, Đấng xưa kia đã dẫn về cho vị ngôn sứ của Người là ông Cis, đứa con trai đang chạy đôn chạy đáo, uổng công vô ích, tìm kiếm đàn lừa của cha mình thế nào, thì nay, cũng chính Đấng ấy đã dẫn đưa Bok Kiêm đến với các vị thừa sai của Người để nâng đỡ và hướng dẫn họ. Cuộc gặp gỡ bất ngờ này đã khiến hai Cha vô cùng lo sợ, các ngài tự nhủ: “Giá mà mình có thể biết được trước đây vài tiếng đồng hồ rằng ông ta đang có mặt ở Kon Phar!” Nhưng thực tế không như ý muốn, hai vị chỉ biết điều ấy ngay khi họ giáp mặt với Bok Kiêm!
Khi nhìn thấy những con người quá khác thường đến đây qua ngả đường rất ít người qua lại, Bok Kiêm tin rằng những người này chỉ có thể là những nhân vật quan trọng nào đó đang trốn chạy xứ sở của mình vì đã phạm một tội ác “tày trời”. Diện mạo hai Cha người Âu da trắng, mũi cao, râu rậm,… thật khác thường so với những người mà ông đã từng thấy từ trước đến nay. Điều này đã gây cho ông nhiều bối rối, đoán già đoán non đủ điều. Một luồng bất an thoáng qua trong tâm trí của Bok Kiêm, song phút chốc ông lại định thần và liên tiếp đặt những câu hỏi với giọng trịnh trọng: “Các ông là ai? Các ông từ đâu đến? Các ông có vẻ là những nhân vật quan trọng, vậy lý do nào đã khiến các ông dấn thân vào một cuộc hành trình vất vả như thế này? Chắc hẳn hai ông là những người Kinh ở một tỉnh rất xa? Tôi chưa từng thấy người nào có làn da trắng đến thế! Và điều này làm tôi xúc động khi thấy hai ông lưu lạc trong cái xứ khốn khổ như thế này! Hãy thành thật nói với tôi. Tôi cảm thấy mến các ông rồi đó! Ở đây, vùng đất của người Ba Na, các ông chẳng có gì phải sợ, dù cho các ông đã phạm phải chuyện gì ở đâu mặc kệ. Tôi đây, kể như là vua của cả vùng này, ngay cả người Kinh cũng sẽ không đụng đến được một sợi tóc của các ông, nếu có tôi bảo vệ các ông”.
Lập tức, các vị thừa sai nhận thấy rằng không còn cách nào thoái lui được nữa, và dù muốn dù không cũng phải giao phó số phận trong tay người này. Các ngài âm thầm cầu nguyện với Chúa, Đấng thấu suốt mọi tâm can, xin Người lèo lái trái tim con người của rừng núi này về phía các ngài và phó dâng mọi sự hoàn toàn theo Thánh ý Chúa.
Cha Combes đã viết thư cho Đức Cha Cuénot như sau: “Chúng con đã gắng hết sức tìm mọi cách để có thể tránh mặt Bok Kiêm và trong khi cố muốn né tránh thì chúng con lại rơi vào tay ông ta. Ai mà biết được! Có lẽ chính Thiên Chúa nhân lành muốn dùng Bok Kiêm để làm sáng danh Người”. Lá thư này đã làm cho Đức Cha vô cùng lo lắng. Lúc đó, tôi đang hiện diện bên cạnh ngài, và tôi nhớ mãi những lời Đức Cha nói. Đọc lá thư xong, ngài trầm ngâm một lát rồi nói với tôi: “Dầu sao, đó cũng là việc của Chúa. Người biết rõ phải làm sao để việc đó trở nên mưu ích cho vinh danh của Người. Về phần Ta, Ta rất mực thiết tha xây dựng miền truyền giáo này. Ta vừa cam kết một lời khấn và nó sẽ trói buộc Ta đến trọn đời”.
Hãy trở lại với các bạn hữu của chúng ta. Bok Kiêm dễ dàng nhận ra nỗi lo âu, bối rối của đoàn, vì vậy, ông vội trấn an họ bằng cách lặp đi lặp lại rằng: “Đừng sợ, tôi sẽ giúp đỡ các ông, tôi sẽ làm cho các ông mọi điều các ông muốn; và để minh chứng tôi không có ý lừa dối các ông, rằng miệng lưỡi tôi phản ánh chân thành lòng dạ tôi, tôi muốn ngay ngày hôm nay kết nghĩa anh em với các ông, nếu các ông không chê tôi là không xứng đáng”.
Mặc dù tôi không có ý định diễn giải dài dòng về phong tục tập quán của người dân tộc, nhưng tôi thiết tưởng rằng nếu không đề cập đến việc kết nghĩa anh em giữa Bok Kiêm và các vị thừa sai thì thật là một thiếu sót trầm trọng. Vì lẽ, bỏ qua những chi tiết này, người ta sẽ không thể hiểu thấu lý do tại sao các vị thừa sai, về sau, đã hoàn toàn đặt niềm tin cậy vào Bok Kiêm, người trở nên bạn chí thiết của các ngài. Thực vậy, mỗi làng dân tộc đều hoàn toàn độc lập đối với các làng khác và họ thường gây chiến với nhau chỉ vì những nguyên nhân hết sức vô lý! Nhưng đối với họ, tình bà con họ hàng có ý nghĩa thánh thiêng đến nỗi lý do gây chiến dù chính đáng đến đâu đi nữa cũng không cho phép một người dân tộc chiến đấu chống lại bất cứ một người nào trong dòng họ của mình. Trong trường hợp như thế, họ sẽ từ chối chiến đấu không chỉ vì ý nghĩ cho rằng đánh nhau như vậy là trái với đạo lý luân thường cho bằng họ xác tín rằng việc đó sẽ đem đến cho chính mình tai họa không thể tránh khỏi nào đó. Thế mà, tình bằng hữu được chính thức giao kết như trường hợp tôi sắp nói đây, đối với người dân tộc chẳng khác chút nào so với tình liên hệ huyết thống.
Nghi thức kết nghĩa này được thực hiện với những cấp độ long trọng khác nhau tùy từng trường hợp. Sau đây là nghi thức đơn giản và thông thường nhất.
Phải có hai hoặc ba người biết rõ ý định của những người sẽ kết nghĩa với nhau và họ tự nguyện làm mai mối. Các chú mai mối lần lượt đến từng nhà của đôi bạn sắp kết nghĩa mà hỏi đi hỏi lại rằng họ thực sự có muốn thề ước với nhau không: nếu chấp thuận thì mỗi đương sự phải giao nộp một ghè rượu và một con gà mái. Sau khi nướng chín con gà, các chú mai mối cắt tim, gan và từng cái đùi thành hai phần đều nhau, rồi đặt vào tay những người bạn. Hai ống trúc được cắm cùng một lúc vào một trong các ghè rượu, và trước khi hai anh bạn bắt đầu uống rượu thì một chú mai mối trịnh trọng lên tiếng đọc lên những lời đại khái như sau: “Các anh hãy nhớ và đừng bao giờ quên rằng hôm nay hai người đã trở nên anh em với nhau; bạn hữu của người này là bạn hữu của người kia; bà con thân tộc của người này tức là bà con thân tộc của người kia. Nếu vô phúc, một trong hai anh phản bội người anh em của mình thì chớ gì sấm sét hãy nghiền nát nó đi! Nó phải bị bắt và bị làm nô lệ! Nó bị chết khốn nạn và xác nó không được chôn cất, trở nên mồi cho cá dưới nước hay cho quạ trên rừng!…” Các lời nguyền rủa này tùy ý lựa chọn và thay đổi tùy trường hợp. Lúc bấy giờ hai anh em kết nghĩa bắt đầu ăn uống. Ghè rượu và con gà mái còn lại thì thuộc phần các chú mai mối.
Nghi thức kết nghĩa muốn được tổ chức long trọng hơn thì người ta dìm vào ghè rượu, nào là răng nanh heo rừng, nào là lưỡi đòng, mũi tên; phía bên trên người ta treo cá, dây, gạc nai, đầu rắn … tiếp đến, toàn thể cộng đồng thốt ra những lời nguyền rủa khủng khiếp nhất.
Đôi khi người ta dùng mũi dao chích huyết nơi cánh tay hai người bạn và trộn vào rượu. Tất cả các nghi thức này và còn thêm nhiều thứ khác nữa, ngụ ý nhấn mạnh rằng đôi bạn đã thực sự trở thành anh em với nhau, chẳng khác gì anh em ruột thịt, và sự kết giao của họ trở thành bất khả phân ly.
Bok Kiêm tỏ ra kính trọng, pha lẫn chút sợ sệt trước mặt hai Cha người Âu, không dám mong được vinh dự kết nghĩa anh em với các ngài mà chỉ xin được kết tình bằng hữu và kết nghĩa anh em với Thầy Sáu Do thôi. Bok Kiêm dùng những từ trang trọng nhất trong tiếng An Nam mà nói: “Hai Cha lớn này, tôi xin gọi là Cha của tôi, còn hai chúng ta là anh em”. Giả như lúc đó các vị thừa sai hiểu thấu những hiệu quả sau này của cuộc giao kết hôm đó, có lẽ các vị đã không chút ngần ngại tiến hành, và việc gì cần thiết phải làm thì chắc chắn các ngài đã làm hết sức mình. Nghi lễ kết nghĩa giữa Bok Kiêm và Thầy Sáu Do đã được cử hành đúng theo truyền thống.
Từ lúc đó, lòng tín nhiệm của Bok Kiêm dành cho chúng tôi chưa hề mai một, và trong khi tôi viết những dòng này, ông ấy vẫn là người bạn thiết thân của chúng tôi như buổi đầu gặp mặt. Trong những hoàn cảnh gay cấn nhất, ông đã luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi giải quyết những vấn đề hết sức gian lao. Chính nhờ ông mà về sau chúng tôi mới có thể bỏ con đường đầy chông gai phía Bắc và hoàn toàn lánh xa anh chàng Ba Ham quá quắt và tham lam. Chính Bok Kiêm dùng nô lệ và voi của mình để đảm trách vận chuyển, qua ngã An Sơn và qua các lái buôn người An Nam, mọi hàng hoá người ta gửi lên cho chúng tôi từ Địa phận Đàng Trong. Sau này, các quan ở An Nam biết tin chúng tôi ẩn trú trên miền dân tộc, đã ra lệnh cho ông bắt giữ chúng tôi; nhưng ông đã biết cách ứng phó vô cùng khôn khéo, vừa làm hài lòng các quan vừa không xúc phạm tình bạn đối với chúng tôi.
Có một thời gian ông không thể giúp đỡ chúng tôi, đó là lúc bộ tộc Ha Drong gây chiến với ông nên ông phải đi khỏi xứ và đến cư ngụ gần làng của Ba Ham! Nhưng chúng tôi vẫn mãi chân thành biết ơn ông. Ai mà lại không tán tụng Chúa Quan Phòng đã ân cần chăm sóc các nhà truyền giáo! Kẻ mà chúng tôi muốn xa lánh thì Chúa lại ban cho chúng tôi làm chỗ nương tựa đúng lúc cần thiết nhất; và đến lúc chúng tôi không cần đến nữa thì Người lại cất bỏ nơi nương tựa ấy đi. Đó chính là khi cuộc bách hại đạo ở An Nam đã chấm dứt, và con đường truyền giáo nay đã được rộng mở tự do.
Sự hiện diện của Bok Kiêm ở Kon Phar thật không có gì thích hợp hơn! Không có ông ta, đoàn truyền giáo không thể tiếp tục con đường của mình, bởi vì không một ai trong dân làng dám dẫn đường cho đoàn đi xa hơn. Cảnh tượng người dân tộc chưa hề thấy là một số đông người Kinh đi theo hai Cha đã làm ngạc nhiên không ít những anh em Ba Na đáng thương này. Nhất là những khuôn mặt người Tây phương lại gây cho họ một nỗi bàng hoàng kinh hãi! Sau này, ta sẽ nhận thấy ma quỷ khai thác tâm trạng sợ hãi ấy như thế nào để cản trở công cuộc truyền giáo. Đàng khác, người ta không thể nghĩ đến việc định cư tại Kon Phar, vì làng này quá gần những nơi thường có lái buôn người Kinh lui tới. Các Cha bèn yêu cầu “đứa con mới” của mình, bạn của Thầy Sáu, hướng dẫn đoàn tiến xa hơn nữa về phía Tây. Bok Kiêm trả lời rằng ông ta có thể giúp dẫn đường cho các Cha đến nhà một người bạn của ông, tên là Bliu, ở làng Kơ Lang cách đó một ngày đường, và nếu còn muốn đi xa hơn nữa thì người bạn này sẽ đưa các Cha đi. Phần mình, Bok Kiêm chỉ dẫn đến tận làng Kơ Lang thôi.
Thế nhưng, xét từ Kon Phar thì làng Kơ Lang không phải ở phía Tây mà là phía Nam-Tây-Nam, một miền đất dễ tiếp cận hơn. Đến nỗi, khi đến đó đoàn người chợt nhận thấy vẫn còn mối nguy hiểm chẳng khác gì ở Kon Phar, vì nơi đó quá gần các trung tâm buôn bán.
Ông Bliu, một người rất giàu và có tư cách trổi vượt so với đa số người đồng hương, đã tiếp đón các vị thừa sai rất ân cần, niềm nở theo như lời dặn của Bok Kiêm. Nhưng vì biết rằng không thể nào giữ lâu bí mật về sự hiện diện của những người quá khác thường như thế, cho nên ông không dám để họ cư trú trong làng. Mặt khác, trước khi hướng dẫn đoàn đi xa hơn nữa về phía Tây thì cần phải biết xem có làng nào đồng ý chứa chấp các vị thừa sai hay không, và cần thăm dò địa bàn để khỏi liều lĩnh làm cho các bộ tộc khác nổi giận.
Trong lúc bối rối, ông Bliu đã đưa đoàn đến một nơi vắng vẻ nhất trong rừng Kơ Lang và đề nghị họ dựng một cái chòi. Cha Combes và Cha Fontaine cùng các bạn người Kinh bắt tay vào việc và trong vài ngày đã dựng lên một căn nhà, trông giống chuồng bò hơn là nhà ở! Nhà được ngăn làm hai; gian nhỏ hơn dùng làm nhà nguyện, gian lớn làm phòng chung: tôi muốn nói đến căn phòng “đa năng”, không phân biệt đó là nhà bếp hay phòng ăn, phòng khách, phòng ngủ, v.v….. Một con suối trong vắt chảy trước thềm nhà, chung quanh rừng phủ dày đặc, núi cao bao bọc ba phía che khuất tầm nhìn, chỉ còn chừa hướng đông. Nhờ vậy mà mỗi sáng, mọi người có thể chiêm ngắm cảnh sắc lãng mạn của buổi bình minh. Đoàn truyền giáo trú ngụ nơi cô quạnh này gần hai tháng thì Cha Desgouts và tôi, chúng tôi đến tăng cường cho đoàn như tôi sắp tường thuật sau đây.
(Còn tiếp)