Chúa Nhật II Thường Niên Năm A 2020
Xóa Mình Đi
Lm. Giuse Nguyễn
Trong sự kiện công bố tên các vị Hồng y đầu tiên trong triều đại Giáo hoàng của mình vào 13.01.2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết một lá thư gởi cho các tân Hồng y. Nội dung chính của bức thư như sau: “Trở thành Hồng y không phải là được thăng quan tiến chức, cũng không phải là nhận một vinh dự hay huân chương, nhưng chỉ đơn giản là để phục vụ, điều này đòi hỏi anh em phải mở rộng tầm nhìn và mở rộng con tim. Và, dù có vẻ là nghịch lý, khả năng nhìn xa hơn và yêu thương chan hoà mãnh liệt hơn lại chỉ có thể đạt được bằng cách đi theo con đường Chúa đã đi: con đường xoá mình đi và khiêm nhu, nhận lấy vai trò của người tôi tớ. Vì thế tôi xin anh em hãy đón nhận tước hiệu này với quả tim đơn sơ và khiêm tốn. Và, nếu anh em có vui mừng, thì hãy chắc chắn rằng tình cảm vui mừng ấy rất khác với mọi nét bày tỏ của thế gian hay mọi hình thức ăn mừng trái với tinh thần đơn sơ, chừng mực và khó nghèo của Phúc Âm”.
Từ lá thư đó, và nhất là khi đọc phụng vụ lời Chúa hôm nay, tôi nhận thấy con đường để hiệp nhất, con đường để nên thánh, con đường để về trời phải là con đường xóa mình đi.
Bài đọc thứ nhất (Is 49, 3.5-6) là bài ca về người tôi tớ của Thiên Chúa. Nét chính yếu nơi người tôi tớ này là: “Tôi trung của Ta” (Is 49, 3). Chính nhờ là tôi trung của Thiên Chúa mà Thiên Chúa đã cất nhắc Ngài lên một tầm mức cao trọng hơn: “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta… thì Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân” (Is 3, 6). Chính trong lúc người tôi trung của Thiên Chúa lui vào bóng tối, thì Thiên Chúa lại chọn Ngài làm ánh sáng muôn dân. Hình ảnh người tôi trung này được thể hiện trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô. Ngài đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Ngài đến để trao ban chứ không phải lãnh nhận. Ngài đã xóa mình đi để hình ảnh một Thiên Chúa được rạng rỡ nơi Ngài vì Ngài là mặc khải trọn vẹn của Thiên Chúa Cha.
Bài Tin Mừng hôm nay (Ga 1, 29-34) là những trang đầu tiên của Tin Mừng Gioan, những trang này nhằm giới thiệu Đức Giêsu cho chúng ta qua trung gian của Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên điều chúng ta cần lưu ý là lúc đó dân chúng chưa biết Đức Giêsu là ai, trong khi danh tiếng của Gioan đã được nhiều người biết đến, đã có đám đông hâm mộ, đã có đồ đệ riêng. Nếu ông ta muốn mình nổi bật thì chỉ cần ông tuyên bố mình là đấng được Thiên Chúa sai đến; hoặc ông nói về Đức Giêsu một cách méo mó, lệch lạc; còn nếu không ông chỉ cần nín lặng, đừng nói gì hết… thì tất cả mọi vinh quang danh dự đều quy về ông.
Nhưng không, khi thấy Đức Giêsu, Gioan liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga1, 29). Làm như thể Gioan không thể chần chừ được, ông đã đợi giây phút này từ lâu rồi để được làm tròn sứ mạng của mình.
Thấy dân chúng còn bán tín bán nghi vì họ chưa biết người mình giới thiệu là ai, Gioan nói mạnh dạn hơn, quyết liệt hơn: người mà tôi đã từng nói với anh chị em đó! Chẳng những nói mạnh dạn để đánh vào tâm lý của người khác, Gioan còn làm chứng, nghĩa là lấy hết uy tín của bản thân mình để xác quyết điều mình nói: “Tôi xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga 1, 34).
Gioan chấp nhận trở nên nhỏ bé để Đức Giêsu được lớn lên. Gioan chịu lùi vào bóng tối để Đấng đến sau ông được tỏa sáng: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Đây không phải là thái độ nhân bản, mà là tư cách của những ai thuộc về gia đình của Thiên Chúa. Là sự hiếu thảo của những ai nhìn nhận Thiên Chúa là Cha: Để cho Thiên Chúa được nổi bật trong đời sống của mình. Đường hướng đó được tóm gọn lại trong 3 chữ: Xóa Mình Đi.
Đời sống đức tin là một cuộc hành trình bước theo Đức Giêsu Kitô, học với Ngài để trở nên giống Ngài. Vì vậy chúng ta hãy chiêm ngắm Đức Kitô “xóa mình đi” để chúng ta cũng có thể bắt chước Ngài sống tinh thần khiêm tốn, phục vụ, không tìm nổi nang, để khuôn mặt Thiên Chúa được tỏ rạng trong cuộc đời chúng ta.
Thánh Phaolô đã viết trong thư gửi tín hữu thành Philipphê như sau: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nộ lê, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2, 6). Ngài nhắc cho họ thấy tinh thần tự hủy đến tột cùng của Đức Giêsu. Quả thật, không có hình ảnh và khuôn mẫu của sự hy sinh quên mình nào sánh được với Ngài. Dù con người có hy sinh mạng sống của mình, có quên mình đến chẳng nghĩ gì cho mình thì cũng không thể sánh được với một vì Thiên Chúa hy sinh mạng sống cho con người, khước từ vinh quang của Thiên Chúa để cứu độ con người.
Khi đến trần gian này, Chúa Giêsu đã nói rất rõ ràng: “Lương thực của tôi là thi hành ý muốn của Cha tôi”. Nghĩa là Ngài hoàn toàn quên mình đi để làm cho ý Chúa Cha được thể hiện nơi Ngài. Cũng có những lúc Ngài bị cám dỗ để mình được nổi bật, cụ thể là 3 cơn cám dỗ của ma quỷ. Điểm chính yếu là ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu đừng làm theo ý Chúa Cha, nhưng làm theo những gì Ngài muốn, Ngài dư khả năng để có thể làm được tất cả mọi sự, nhưng Ngài muốn làm theo ý Chúa Cha chứ không phải ý Ngài. Khi người ta bị cám dỗ để khẳng định mình, là người ta đang bị cám dỗ để khước từ Thiên Chúa. Khi người ta để mình nỗi bật là người ta đang để cho Thiên Chúa bị quên lãng trong cuộc đời.
Sau khi đã chiêm ngắm Đức Giêsu, Đấng tự hủy để Thiên Chúa được lớn lên, chúng ta hãy biết xóa mình đi trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người đời.
Việc xóa mình đi ở đây không phải là cố tình để mình mờ nhạt giữa đám đông, là việc phủ nhận tất cả mọi giá trị của mình, thậm chí là trốn tránh không xuất hiện, hoặc nguy hiểm hơn là tự kết liễu cuộc đời mình. Nhưng việc xóa mình đi là con đường tu đức giúp chúng ta nên giống Đức Giêsu Kitô, sống tích cực trong môi trường của mình, nhưng với ý hướng để Thiên Chúa được lớn lên trong tôi.
Trước hết phải để Thiên Chúa làm chủ cuộc đời mình. Phải nhớ rằng chúng ta chỉ là một loài thụ tạo của Thiên Chúa. Chúng ta được dựng nên bằng tình yêu thương của Ngài, nên phải đáp trả lại tình yêu đó bằng cách để cho Thiên Chúa lớn lên trong cuộc đời chúng ta, để cho chúng ta lệ thuộc vào Ngài.
Một người tri thức thuộc hàng khoa bảng trước khi trở lại đạo công giáo đã nhận xét: “Người Công Giáo lại “cứ quây quần trong mấy xứ đạo như tách rời khỏi cộng đồng dân tộc, do mấy cố đạo chỉ huy, gây ấn tượng làm sao ấy! Thấy người Công Giáo ra vào lui lủi nơi các toà giải tội, lên “lè lưỡi” rước lễ, rồi trở về mắt nhắm, tay chắp gối quỳ – thật là không tài nào chịu nổi! Và nhìn người Công Giáo nào cũng có vẻ như bị “bùa mê”, như “mê” một cái gì đó, bị một ma lực nào quyến rũ, ám ảnh, mê hoặc. Cho nên, chúng tôi – con nhà khoa bảng, học thức – hơi có vẻ khinh đạo Công Giáo, cho như là một hình thức quyến rũ, mua chuộc, mê lú, mà các cố đạo đã đánh bả cho một lớp người hạ lưu trong xã hội! Trong họ vừa có cái gì dễ ghét, vừa có cái gì đáng tội nghiệp như là những người bị mê hoặc”.
Thế nhưng sau khi trở lại đạo Công Giáo, chính người này đã nhận xét: “Sau này tôi mới hiểu rằng cái ấn tượng người Công Giáo như bị “bùa mê thuốc lú”, bị “thần ám”, bị “huyễn hoặc” không phải là không có lý do! Bởi vì trong căn bản, người Công Giáo là kẻ có cảm thức được yêu bởi Thiên Chúa, được yêu một cách khủng khiếp (được yêu mà cũng có thể nói là bị yêu, vì tình yêu nào cũng có tính cách ràng buộc: nợ tình) và được mời gọi đáp lại tình yêu như vậy”. (Nguyễn Khắc Dương, “Vì Người Thích Sự Khiêm Nhường Của Tôi”)
Khi chúng ta yêu Chúa đến si mê, nghĩa là cảm nhận được tình yêu của Chúa dành cho chúng ta quá lớn lao, chúng ta như bị “ám” bởi tình yêu của Ngài, là chúng ta đang để cho Thiên Chúa lôi kéo, đang để cho Thiên Chúa lớn lên trong cuộc đời mình. Chúng ta sẵn sàng thực hành những gì Chúa chỉ dạy mà không thấy nặng nề, khó khăn; ngược lại còn cảm thấy quá ít ỏi vì mình đang sống cho người mình yêu.
Kế đến là xóa mình trước người khác. Đây là hành vi nhân bản, nhưng sâu xa là một hành vi linh thánh. Nghĩa là trong cách cư xử của chúng ta phải biết quên mình, cho đi, đem đến tình yêu thương cho người khác, để Đức Kitô được nổi bật trong nhân cách của chúng ta. Đừng sống, đừng phục vụ vì mình, có cho đi nhưng cứ mong được nhận lại… Như vậy trong cách sống của chúng ta còn tìm khẳng định mình, chưa muốn để mình nhỏ bé.
Phục vụ vì những điều này tôi thích. Cho đi vì những thứ này tôi dư thừa. Làm cho họ, nhưng họ phải làm gì lại cho tôi… Tất cả phải xóa mình đi để Chúa được lớn lên trong tôi.
Xin Chúa cho chúng con biết nhìn nhận Chúa là chủ tể của cuộc đời mình, để quy hướng mọi sự về Chúa. Xin cho chúng con biết bắt chước Chúa để âm thầm phục vụ Giáo hội và những người Chúa đã trao phó cho chúng con, để tất cả đều được lớn lên trong tình yêu của Chúa.