Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 5 Mùa chay

Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 5 Mùa chay

Thứ Hai tuần 5 Mùa Chay.

Thứ Ba tuần 5 Mùa Chay.

Thứ Tư tuần 5 Mùa Chay.

Thứ Năm tuần 5 Mùa Chay.

Thứ Sáu tuần 5 Mùa Chay.

Thứ Bảy tuần 5 Mùa Chay.

ĐỪNG PHẠM TỘI NỮA

Thứ Hai tuần 5 Mùa Chay

Lời Chúa: Ga 8, 1-11

Khi ấy, Ðức Giêsu đi đến núi Ôliu. Vừa tảng sáng, Người trở lại Ðền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Ðức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà này. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Ðức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Ðức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Ðức Giêsu nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!

 

Suy niệm

Bị bắt quả tang phạm tội là điều đáng xấu hổ.

Nhưng nếu tội đó là tội ngoại tình

thì thật là kinh khủng.

Ta cần hình dung người phụ nữ ấy, xốc xếch, rối bù,

bị lôi đi, mắt cúi xuống tránh những cái nhìn khinh miệt.

Trời tang tảng sáng, nơi Ðền Thờ Giêrusalem,

Ðức Giêsu đang ngồi giảng dạy cho đám đông.

Chị ta bị đặt trước mặt Ngài, đứng ngay giữa.

Các kinh sư và pharisêu hí hửng với cái bẫy của mình.

Người phụ nữ này thật là một cơ may hiếm có

để họ có bằng chứng tố cáo Ngài.

“Luật Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng người này.

Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”

Quả là một câu hỏi bất ngờ, lịch sự và nham hiểm.

Ðức Giêsu không thể nói ngược với luật Môsê,

và cũng không thể nói ngược với trái tim của mình.

Ngài cúi xuống, lấy tay vẽ nguệch ngoạc trên đất.

Có vẻ như Ngài thờ ơ, không muốn can dự vào

hay Ngài đang suy nghĩ cho ra câu trả lời thích hợp.

Thời gian thinh lặng trôi qua, các kẻ tố cáo sốt ruột.

Họ đắc thắng gặng hỏi, tưởng Ngài bị dồn vào thế bí.

“Ai trong các ông vô tội thì hãy ném đá trước đi.”

Ngài trả lời, rồi lại cúi xuống viết trên đất.

Câu trả lời của Ngài bất ngờ vang trong tĩnh lặng,

bắt người ta phải trở về đối diện với lòng mình.

Ai dám tự hào mình vô tội?

Có bao tội bất trung nặng chẳng kém tội ngoại tình.

Có bao tội ngoại tình thầm kín không bị bắt quả tang.

Có bao tội ngoại tình trong tư tưởng và ước muốn.

Khi tố giác người khác, người ta thường quên tội của mình.

Không thấy cái xà ở mình mà lại thấy cái rác nơi người khác.

Các kinh sư và pharisêu đã khiêm tốn xét mình.

Họ lần lượt rút lui, gián tiếp nhận mình có tội.

Kẻ trước người sau, người lớn tuổi đi trước.

Chúng ta trân trọng thái độ chân thành của họ.

Họ ra đi, để lại hai người mà họ tố cáo và định tố cáo.

Cuối cùng chỉ còn lại người đáng thương và chính Tình Thương.

Bầu khí trở nên nhẹ hơn, êm hơn cho cuộc đối thoại.

Ðấng duy nhất có thể ném đá lại nói:

“Tôi không lên án chị đâu! Chị về đi,

từ nay đừng phạm tội nữa.”

Lắm khi việc áp dụng luật lại dẫn đến bế tắc.

Ném đá quả là một hình phạt răn đe hữu hiệu,

nhưng lại không ích lợi gì cho người phạm tội.

Ðức Giêsu chẳng những đã cứu một mạng người,

Ngài còn làm sống lại một đời người.

Dù con người vốn yếu đuối, dễ sa ngã,

nhưng Ngài vẫn tin tưởng, yêu mến và hy vọng vào họ.

Ngài không dung túng cái xấu, nhưng Ngài khơi dậy cái tốt

còn đang yên ngủ nơi người phụ nữ và cả nơi các kinh sư.

Cầu nguyện

Lạy Chúa,

xin cho con quả tim của Chúa.

Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,

nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa

vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường

để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.

Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,

mọi trả thù ti tiện.

Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,

không một biến cố nào làm xáo trộn,

không một đam mê nào khuấy động hồn con.

Xin cho con đừng quá vui khi thành công,

cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.

Xin cho quả tim con đủ lớn

để yêu người con không ưa.

Xin cho vòng tay con luôn rộng mở

để có thể ôm cả những người thù ghét con. Amen.

 

GIƯƠNG CAO CON NGƯỜI LÊN

Thứ Ba tuần 5 Mùa Chay

Lời Chúa: Ga 8, 21-30

Khi ấy, Đức Giêsu nói với những người Biệt phái rằng: “Tôi ra đi, các ông sẽ tìm tôi, và các ông sẽ mang tội mình mà chết. Nơi tôi đi, các ông không thể đến được.” Người Do thái mới nói: “Ông ấy sẽ tự tử hay sao mà lại nói: ‘Nơi tôi đi, các ông không thể đến được’?” Người bảo họ: “Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này. Tôi đã nói với các ông là các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết.” Họ liền hỏi Người: “Ông là ai?” Đức Giêsu đáp: “Hoàn toàn đúng như tôi vừa nói với các ông đó. Tôi còn có nhiều điều phải nói và xét đoán về các ông. Nhưng Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói.” Họ không hiểu là Đức Giêsu nói với họ về Chúa Cha. Người bảo họ: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy. Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người.” Khi Đức Giêsu nói thế, thì có nhiều kẻ tin vào Người.

 

Suy niệm

“Khi các ông giương cao Con Người lên…” (c. 28).

Đó là cách diễn tả về cái chết của Đức Giêsu trong Tin Mừng Gioan.

Cái chết trên thập giá đúng là một sự giương cao nhục nhã, đau đớn.

Đức Giêsu bị treo lên cây gỗ như một kẻ bị Thiên Chúa nguyền rủa.

Những kẻ giương cao Ngài lên là các ông, các nhà lãnh đạo Do-thái.

Họ đã giết Đức Giêsu vì nhiều lý do.

Lý do lớn nhất là vì Ngài đã dám sống trọn vẹn cho Cha và cho con người.

Sống công chính đã khiến Ngài trở nên nạn nhân cho cái chết bất công.

Cái chết của Đức Giêsu gắn kết Ngài với muôn triệu cái chết khác

của những người vô tội trong suốt dòng lịch sử.

Nhưng cái chết của Đức Giêsu còn nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

Thiên Chúa đã biến cái chết ghê rợn của Con Ngài thành dấu chỉ của tình yêu.

Nhìn lên thánh giá, chúng ta thấy tình yêu của Cha tặng trao cho nhân loại.

Cha đã tặng tình yêu lớn nhất là chính Con Một của mình.

Vì thế có thể nói chính Cha đã giương cao Con mình trên thánh giá.

“Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc,

Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy” (Ga 3, 14).

Đức Giêsu được giương cao bởi chính Thiên Chúa qua cái chết của Ngài.

Như dân Do thái xưa đã nhìn lên con rắn bằng đồng để được sống,

ai nhìn lên thánh giá và tin vào tình yêu, người ấy sẽ được cứu độ.

Thập tự giá không còn là dấu hiệu của cái chết bất lực của một nạn nhân.

Nó đã trở nên thánh giá với sức mạnh phi thường.

“Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất,

tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12, 32).

Qua việc giương cao này, sức thu hút mạnh mẽ của thánh giá được bày tỏ.

Cả nhân loại được nâng lên khỏi cái nặng nề tội lỗi của chính mình.

Đấng chịu đóng đinh vẫn lôi kéo cả vũ trụ này mãi cho đến tận thế.

Cuối cùng, có thể nói chính Đức Giêsu đã tự giương cao mình trên thánh giá.

“Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được,

nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10, 18).

Cái chết là kết quả tất yếu của một cuộc sống dám để Cha chi phối trọn vẹn.

“Tôi không tự mình làm bất cứ điều gì…

Chúa Cha dạy tôi thế nào thì tôi nói như vậy…

Tôi luôn luôn làm những điều đẹp ý Người” (cc. 28-29).

Đức Giêsu đã sống trung tín như một Người Con, người được Cha sai.

Cha lúc nào cũng ở với Ngài, nên Ngài không biết đến cô đơn (c. 29).

Mỗi Kitô hữu cũng được giương cao trên thánh giá riêng của đời mình.

Và khi tôi gắn thánh giá của tôi với thánh giá của Giêsu,

thánh giá nhỏ bé ấy sẽ có sức kéo nhiều người lên với Giêsu.

Cầu nguyện

Lạy Cha, xin ban cho con điều khó hơn cả,

đó là ơn nhận ra Thánh giá của Con Cha

trong mọi nỗi khổ đau của đời con,

và ơn bước theo Con Cha trên đường Thánh giá,

bao lâu tùy ý Cha định liệu.

Xin đừng để con trở nên chua chát

nhưng được trưởng thành nhờ đón nhận đau khổ

với sự kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ

và lòng khát khao nóng bỏng

có ngày sẽ được ở nơi không còn khổ đau.

Ngày đó, Cha sẽ lau khô mọi giọt lệ

của những người đã yêu mến Cha,

đã tin vào tình yêu Cha giữa nỗi thống khổ,

tin vào ánh sáng của Cha giữa đêm đen.

Nhờ Cha, ước gì đau khổ của con

nói lên lòng tin của con

vào những lời hứa của Cha,

lòng cậy của con vào tình yêu trung tín của Cha,

và lòng mến mà con dành cho Cha.

Lạy Cha, xin cho con yêu Cha hơn yêu bản thân,

và yêu Cha chỉ vì Cha,

chứ không mong phần thưởng.

Ước gì Thánh giá trở nên mẫu gương cho con,

là ánh sáng cho đêm tăm tối,

nhờ đó con không còn coi khổ đau

như một tai họa hay một điều vô lý,

nhưng như một dấu chỉ cho thấy

con đang thuộc về Cha mãi mãi. Amen.

Karl Rahner

SỰ THẬT SẼ GIẢI PHÓNG CÁC ÔNG

Thứ Tư tuần 5 Mùa Chay

Lời Chúa: Ga 8, 31-42

Khi ấy, Ðức Giêsu nói với những người Do thái đã tin Người rằng: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông.” Họ đáp: “Chúng tôi là dòng dõi ông Ápraham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do?” Ðức Giêsu trả lời: “Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội. Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do. Tôi biết các ông là dòng dõi ông Ápraham, nhưng các ông tìm cách giết tôi, vì lời tôi không thấm vào lòng các ông. Phần tôi, tôi nói những điều đã thấy nơi Cha tôi; còn các ông, các ông làm những gì đã nghe cha các ông nói”. Họ đáp: “Cha chúng tôi là ông Ápraham.” Ðức Giêsu nói: “Giả như các ông là con cái ông Ápraham, hẳn các ông phải làm những việc ông Ápraham đã làm. Thế mà bây giờ các ông lại tìm giết tôi, là người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa. Ðiều đó, ông Ápraham đã không làm. Còn các ông, các ông làm những việc cha các ông làm.” Họ mới nói: “Chúng tôi đâu phải là con hoang. Chúng tôi chỉ có một Cha: đó là Thiên Chúa!” Ðức Giêsu bảo họ: “Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến. Thật thế, tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Người đã sai tôi.”

 

Suy niệm

Những dân tộc bị đô hộ nhiều năm mới hiểu được giá trị của giải phóng.

Những ai bị cầm tù, bị áp bức mới hiểu được giá trị của tự do.

Những ai đã từng bị vướng vào ma túy, cờ bạc, rượu chè,

mới hiểu nỗi sướng vui của người thoát khỏi vòng nô lệ của chúng.

Chế độ nô lệ đã cáo chung, nhưng lại thấy xuất hiện nhiều dạng nô lệ mới.

Con người trở nên nô lệ cho chính những sản phẩm tinh tế của mình,

và nhất là không thể giải phóng mình khỏi cái tôi ích kỷ.

Tự do mãi mãi là khát vọng của con người.

Con người vẫn chờ một Đấng Giải Phóng để mình được thật sự tự do.

Những người Do thái đang tranh luận gay gắt với Đức Giêsu.

Họ hãnh diện vì mình thuộc dòng dõi ông Abraham,

nên cho mình là người tự do, chưa hề làm nô lệ cho ai bao giờ (c. 33).

Đức Giêsu lại nhìn tự do theo một chiều hướng khác.

Ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội, người ấy không có tự do (c. 34).

Tự do không bắt nguồn từ việc mình thuộc dòng dõi ông Abraham.

Tự do đến từ việc tin vào lời sự thật của Đức Giêsu.

“Nếu các ông ở lại trong lời của tôi…các ông sẽ biết sự thật

và sự thật sẽ cho các ông được tự do” (c. 32).

Tự do đến từ chính con người của Ngài:

“Nếu Người Con có cho các ông tự do, các ông mới thực sự tự do” (c.36).

Những người Do thái cố chấp, chỉ tìm cách giết Đức Giêsu (cc. 37, 40).

Họ không muốn nhận lời sự thật mà Ngài nghe được từ Thiên Chúa (c. 40).

Khi từ chối sự thật, họ đã trở nên nô lệ cho sự dối trá và sát nhân.

Đức Giêsu là Đấng Giải Phóng, Đấng cho người ta được tự do thực sự.

Con người bị trói buộc bởi nhiều mối dây, bởi những tính toán ích kỷ hẹp hòi

mà tự sức mình không sao thoát ra được.

Hãy đến với Giêsu, mở ra với Giêsu, ta sẽ thấy mình được thanh thoát như Ngài.

“Giả như các ông là con cái ông Abraham,

hẳn các ông phải làm điều ông Abraham đã làm” (c. 39).

Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi,

vì tôi đã phát xuất từ Thiên Chúa…” (c. 42).

Như thế những kẻ chống đối Đức Giêsu

thật ra chẳng phải là con cái thật sự của ông Abraham hay con cái Thiên Chúa.

Họ sống trong ảo tưởng về mình khi họ cương quyết loại trừ Đức Giêsu.

Trước khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, người dự tòng đã tuyên xưng

từ bỏ tội lỗi, để sống trong tự do của con cái Thiên Chúa,

từ bỏ những quyến rũ bất chính, để khỏi làm nô lệ cho tội lỗi.

Mùa Chay là thời gian để chúng ta trở lại điều mình đã tuyên xưng,

để được sống đúng với ơn gọi Kitô hữu mình đã lãnh nhận.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

giàu sang, danh vọng, khoái lạc

là những điều hấp dẫn chúng con.

Chúng trói buộc chúng con

và không cho chúng con tự do ngước lên cao

để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.

Xin giải phóng chúng con

khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,

nhờ cảm nghiệm được phần nào

sự phong phú của kho tàng trên trời.

Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi

bán tất cả những gì chúng con có,

để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.

Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng

trước những lời mời gọi của Chúa,

không bao giờ ngoảnh mặt

để tránh cái nhìn yêu thương

Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.

 

 

TÔI HẰNG HỮU

Thứ Năm tuần 5 Mùa Chay

Lời Chúa: Ga 8, 51-59

Khi ấy, Đức Giêsu nói với người Do thái rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.” Người Do thái liền nói: “Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Abraham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy; thế mà ông lại nói: ‘Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết’. Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Abraham sao? Người đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết. Ông tự coi mình là ai?” Đức Giêsu đáp: “Nếu tôi tôn vinh chính mình, vinh quang của tôi chẳng là gì cả. Đấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông. Các ông không biết Người; còn tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là tôi không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông. Nhưng tôi biết Người và giữ lời Người. Ông Abraham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ.” Người Do thái nói: “Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Abraham!” Đức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Abraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!” Họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng Đức Giêsu lánh đi và ra khỏi Đền Thờ.

Suy niệm

 

Bài Tin Mừng hôm nay kết thúc bằng việc Đức Giêsu bị ném đá.

Nhưng Ngài đã ẩn mình đi và ra khỏi Đền thờ (c. 59).

Ném đá là hình phạt của người Do thái chủ yếu dành cho kẻ phạm thượng.

Đức Giêsu đã làm gì để bị coi là mắc tội phạm thượng,

nghĩa là tội coi thường quyền tối thượng của Thiên Chúa?

Trước hết Đức Giêsu đặt mình lên trên tổ phụ đáng kính Abraham.

Ngài biết ông Abraham vui sướng mừng rỡ

vì hy vọng được thấy ngày của Ngài, thấy những việc Ngài làm đây (c. 56).

Abraham mừng vì chính Đức Giêsu, chứ không phải cá nhân mình,

mới là Đấng đem phúc lành cho mọi dân tộc trên thế giới.

Dù chưa tới năm mươi tuổi, Đức Giêsu dám coi mình là có trước ông Abraham.

“Trước khi có Abraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu” (c. 58).

Ta là Đấng Hằng Hữu là câu trả lời của Thiên Chúa cho ông Môsê

khi ông hỏi tên của Ngài bên bụi cây bốc cháy (Xh 3, 14).

Đức Giêsu cũng muốn trả lời câu hỏi về mình (c. 53) bằng lối nói đó.

Vì trước khi được sinh ra ở đời làm người, thì Ngài đã hiện hữu rồi.

Ngài là một với Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa (Ga 1, 14-18),

bởi đó Ngài có trước Abraham, người đã sống trước Ngài gần hai ngàn năm.

Chính khẳng định bị coi là phạm thượng này đã khiến Ngài bị ném đá.

Đức Giêsu thường bị coi là ngạo mạn, tự tôn vì những lời như vậy.

Thật ra Ngài chẳng tự tôn vinh mình.

Chúa Cha mới là Đấng tôn vinh Ngài qua cái chết tủi nhục (c. 54).

Đức Giêsu cũng chẳng coi thường Thiên Chúa bao giờ.

Ngài gọi Thiên Chúa là Cha một cách thân thương,

và nhìn nhận: “Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (Ga 14, 28).

Có một sự phân biệt rất rõ giữa Chúa Cha và Đức Giêsu:

Chúa Cha là người sai đi; Đức Giêsu là Con, là người được sai đi.

Đức Giêsu chỉ làm điều Ngài thấy Cha làm (Ga 5, 19-20; 8, 28-29),

và nói điều Ngài nghe Cha nói (Ga 8, 26. 40; 12, 49-50).

Triệt để vâng phục và tùy thuộc là nét đặc trưng của Đức Giêsu.

Trong Tin Mừng Gioan, bao lần ta gặp cụm từ không tự mình.

Đức Giêsu không tự mình nói, cũng chẳng tự mình làm.

Ngài đòi chúng ta tuân giữ lời Ngài (c. 51)

chỉ vì chính Ngài cũng đã tuân giữ lời của Thiên Chúa (c. 55).

Trong tuần lễ này, tại nhà thờ các ảnh tượng có thể được che lại.

Khi bị ném đá, Đức Giêsu đã tránh đi vì giờ của Ngài chưa đến.

Đức Giêsu vẫn cương trực nói điều phải nói và làm điều phải làm.

Chúng ta xin có được sự cương trực đó khi phải làm chứng cho Chúa.

Cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa, đây lời tôi Cầu nguyện:

Xin tận diệt, tận diệt trong tim tôi

mọi biển lận tầm thường.

Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên

để gánh chịu mọi buồn vui.

Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang

để đem tình yêu gánh vác việc đời.

Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường

để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó,

hay cúi đầu khuất phục trước ngạo mạn, quyền uy.

Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai

để nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng ngày.

Và cho tôi sức mạnh tràn trề

để âu yếm dâng mình theo ý Người muốn. Amen.

  1. Tagore

(Đỗ Khánh Hoan dịch)

TÔI LÀ CON THIÊN CHÚA

Thứ Sáu tuần 5 Mùa Chay

Lời Chúa: Ga 10, 31-42

 

Khi ấy, người Do Thái lấy đá để ném Đức Giêsu. Người bảo họ: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi?” Người Do thái đáp: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.” Đức Giêsu bảo họ: “Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: ‘Ta đã phán: các ngươi là những bậc thần thánh’? Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ, thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: Ông nói phạm thượng! vì tôi đã nói: ‘Tôi là Con Thiên Chúa’? Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha.” Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ. Đức Giêsu lại ra đi, sang bên kia sông Giođan, đến chỗ trước kia ông Gioan đã làm phép rửa, và Người ở lại đó. Nhiều người đến gặp Đức Giêsu. Họ bảo nhau: “Ông Gioan đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng.” Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giêsu.

 

Suy niệm

Bài Tin Mừng hôm nay cũng giống bài hôm qua,

Đức Giêsu lại bị ném đá vì bị kết tội phạm thượng.

Có lần Ngài đã bị kết tội là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa

chỉ vì đã nói: “Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5, 18).

Bây giờ Ngài bị kết tội phạm thượng vì dám tự cho mình là Thiên Chúa (c. 33).

Thực ra Đức Giêsu không bao giờ nhận mình như vậy,

vì Thiên Chúa là Cha của Ngài, Ngài chỉ nhận mình là Con (c. 36).

Nhận mình là Con Thiên Chúa không phải là một lời phạm thượng.

Nhưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa theo một nghĩa độc nhất vô nhị.

Ngài là Con Một hằng ở nơi cung lòng Cha (Ga 1, 18),

đầy tràn ân sủng và sự thật (Ga 1, 14).

Người Con Một ấy đã trở thành người phàm mang tên Giêsu (c. 33),

trở thành quà tặng cứu độ của Thiên Chúa cho nhân loại.

Đức Giêsu gắn bó với Chúa Cha đến nỗi Ngài có thể nói:

“Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha” (c. 38).

Hơn nữa, Ngài còn dám nói: “Tôi và Chúa Cha là một” (c. 30).

Con và Cha hiệp nhất làm một với nhau,

Người được sai kết hiệp làm một với Đấng sai mình.

Con không tự mình làm điều gì, không làm theo cách của mình,

Con luôn sống như người được Cha sai.

Đây không phải chỉ là sự hiệp nhất trong công việc,

mà còn là sự hiệp nhất sâu thẳm giữa hai ngôi vị thần linh.

Đức Giêsu đã làm nhiều việc tốt đẹp (c. 32).

Các việc này không phải là việc của Ngài, mà là việc của Cha Ngài (c. 37).

Suốt đời Đức Giêsu chỉ tận tụy với việc của Cha.

Trên thập giá, trước khi lìa đời, Ngài nói: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30).

Ngài đã vuông tròn mọi việc Cha giao.

Những việc tốt đẹp này là một lời chứng hùng hồn cho con người của Ngài:

“Nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi,

ít ra cũng hãy tin các việc đó” (c. 38).

Tin vào việc làm dẫn đến tin vào con người.

“Tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian” (c. 36).

Thiên Chúa Cha đã thánh hiến Chúa Con để Ngài thi hành sứ mạng.

Chúng ta cũng là những người được thánh hiến qua bí tích Thánh Tẩy,

được sai vào thế giới này để chia sẻ sứ mạng còn dang dở của Chúa Giêsu.

Chúng ta còn nhiều điều tốt đẹp phải làm cho cuộc đời này

trước khi có thể nói như Chúa: “Thế là đã hoàn tất”.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con dám hành động

theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.

Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,

vì xác tín rằng

Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,

Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,

và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.

Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,

xin cho con dám liều theo Chúa

mà không tính toán thiệt hơn,

anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,

can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,

và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.

Ước gì khi dâng lên Chúa

những hy sinh làm cho tim con rướm máu,

con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt

của người một lòng theo Chúa. Amen.

CHẾT THAY CHO DÂN

Thứ Bảy tuần 5 Mùa Chay

Lời Chúa: Ga 11, 45-57

Khi ấy, trong số những người Do thái đến thăm cô Maria và được chứng kiến việc Đức Giêsu làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người. Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pharisêu và kể cho họ những gì Đức Giêsu đã làm. Vậy các thượng tế và các người Pharisêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: “Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta.” Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Caipha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: “Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giêsu sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. Từ ngày đó, họ quyết định giết Đức Giêsu. Vậy Đức Giêsu không đi lại công khai giữa người Do thái nữa; nhưng từ nơi ấy, Người đến một vùng gần hoang địa, tới một thành gọi là Épraim. Người ở lại đó với các môn đệ. Khi ấy sắp đến lễ Vượt Qua của người Do thái. Từ miền quê, nhiều người lên Giêrusalem để cử hành các nghi thức thanh tẩy dọn mình mừng lễ. Họ tìm Đức Giêsu và đứng trong Đền Thờ bàn tán với nhau: “Có thể ông ấy sẽ không lên dự lễ, các ông có nghĩ thế không?” Còn các thượng tế và người Pharisêu thì ra lệnh: ai biết được ông ấy ở đâu thì phải báo cho họ đến bắt.

 

Suy niệm

Đức Giêsu đã từng nhiều lần bị tìm bắt, bị ném đá, bị đe dọa.

Nhưng đây là lần đầu tiên các thượng tế, các người Pharisêu

và Thượng Hội Đồng của Do thái giáo quyết định giết Ngài (c. 53).

Theo Tin Mừng Gioan, lý do gần nhất đưa đến quyết định đó

là việc Đức Giêsu làm cho anh Lazarô chết bốn ngày sống lại (Ga 11).

Sự sống lại của anh đã khiến cho nhiều kẻ tin vào Đức Giêsu.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo sợ rằng phong trào theo Giêsu sẽ tiếp tục bành trướng,

mọi người sẽ tin, và quân Rôma sẽ đến phá hủy đất nước và nơi thờ tự (c. 48).

Caipha là vị thượng tế đương nhiệm năm ấy.

Đứng trước sự lúng túng và lo âu của các thành viên trong Thượng Hội Đồng,

đột nhiên ông phát biểu như không cần suy nghĩ thêm gì nữa:

“Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (c. 50).

Lời phát biểu bộc phát như thế,

nào ngờ lại là một lời tiên tri thốt ra từ miệng một vị thượng tế.

Caipha chỉ muốn loại trừ Đức Giêsu để bảo đảm an ninh cho đất nước và Đền Thờ,

nhưng ông lại vô tình nói tiên tri về tính cứu độ của cái chết Đức Giêsu.

Cái chết ấy sẽ cứu cả dân tộc Do thái khỏi bị tiêu diệt,

Đức Giêsu chết thay cho dân của Ngài.

Nhưng Caipha không ngờ ảnh hưởng của cái chết ấy còn vượt xa hơn nhiều.

Ngài chết “không chỉ thay cho dân (Do thái) mà thôi,

nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.”

Cái chết ấy có khả năng quy tụ mọi kẻ tin vào Đức Giêsu

về một đoàn chiên duy nhất, kể cả dân ngoại (Ga 10, 16).

Cái chết ấy có khả năng kéo mọi người lên chẳng trừ ai (Ga 12, 32).

Đức Giêsu đã bị kết án ngay khi chưa có phiên tòa chính thức.

Ngài bị kết án tử vì đã trao ban sự sống cho một con người.

Cái chết của Ngài không ngăn cản được sự sụp đổ của thành Giêrusalem

và sự tan hoang của cả đất nước Do thái vào năm 70.

Nhưng cái chết ấy đã đem lại ơn cứu độ cho mọi người tin.

Hiệu quả của cái chết ấy vẫn còn mãi đến tận thế.

Đức Giêsu đã hiến mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người (Mc 10, 45).

Năm 2008 người ta xác định được 20 nhà truyền giáo bị giết trên thế giới.

Họ đã can đảm sống trong những hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm,

và đón nhận cái chết như cái giá phải trả cho tình yêu muốn phục vụ.

Có bao tín hữu vô danh khác vẫn âm thầm nếm cái chết hàng ngày,

chỉ vì muốn theo gương Thầy Giêsu đem sự sống cho anh em.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa,

Chúa đã làm người như chúng con,

nên Chúa hiểu gánh nặng của phận người.

Cuộc đời đầy cạm bẫy mời mọc

mà con người lại yếu đuối mong manh.

Hạnh phúc thường được trộn bằng nước mắt,

và giữa ánh sáng,

cũng có những bóng mờ đe dọa.

Lạy Chúa Giêsu,

nếu có lúc con mệt mỏi và xao xuyến,

xin nhắc con nhớ rằng trong Vườn Dầu

Chúa đã buồn muốn chết được.

Nếu có lúc con thấy bóng tối bủa vây,

xin nhắc con nhớ rằng trên thập giá

Chúa đã thốt lên: Sao Cha bỏ con?

Xin nâng đỡ con, để con đừng bỏ cuộc.

Xin đồng hành với con, để con không cô đơn.

Xin cho con yêu đời luôn

dù đời chẳng luôn đáng yêu.

Xin cho con can đảm

đối diện với những thách đố

vì biết rằng cuối cùng

chiến thắng thuộc về người

có niềm hy vọng lớn hơn. Amen.

print