Ngước Nhìn Lên Thập Giá

print

Ngước Nhìn Lên Thập Giá

Một người đến hỏi nhà hiền triết: Thưa ngài, bí quyết nào giúp cho ngài sống vui và bình an?

Nhà hiền triết trả lời: Tôi có ba cách:

  • Thứ nhất, tôi nhìn lên trời để nhớ rằng trần gian này không phải là quê hương đích thực.
  • Thứ hai, tôi nhìn xuống đất để nhớ rằng một ngày nào đó tôi cũng sẽ trở về bụi đất, trở về cát bụi và gửi thân phận của mình ở đấy.
  • Thứ ba, tôi nhìn xung quanh để thấy những người cô đơn, nghèo khổ, bất hạnh, bệnh tật. Khi đó, tôi sẽ tìm cách giúp đỡ họ và chính những công việc bác ái đó giúp cho tôi có được sự bình an trong tâm hồn và hạnh phúc trong cuộc sống.

Đó là ba bí quyết giúp cho nhà hiền triết có một cuộc sống vui tươi, bình an, hạnh phúc. Đặc biệt ba bí quyết này cũng đã được Chúa Giêsu và Giáo Hội nhắc nhớ mỗi người tín hữu thường xuyên, cách riêng trong Mùa Chay, Tuần Thánh và Mùa Phục Sinh hằng năm.   

  1. “Tôi nhìn lên trời để nhớ rằng trần gian này không phải là quê hương đích thực”. Quả thật đúng như vậy. Trần gian này không phải là quê hương đích thật, ta chỉ là những người lữ khách, lữ hành trên trần gian. Cuộc sống đời này chỉ là tạm bợ, chóng qua mà thôi. “Sống gửi thác về”. “Trần gian ngắn ngủi nơi sinh ký. Nước Chúa lâu dài chốn tử quy”. Vậy Thiên Đàng, Nước Trời, Nhà Thiên Chúa mới là quê hương đích thực, trường tồn và vĩnh cửu. Chúa Giêsu Phục Sinh chính là niềm hy vọng cho cuộc sống trần thế của chúng ta.
  2. “Tôi nhìn xuống đất để nhớ rằng sau này tôi cũng sẽ trở về bụi đất, trở về cát bụi và gửi thân phận của mình ở đấy”. Vào ngày thứ Tư Lễ Tro hằng năm, người tín hữu làm một cử chỉ rất cảm động, đó là ta cúi đầu xuống để xin xức tro. Nghi thức này nhắc nhở: Ta chỉ là thân cát bụi, một ngày nào đó ta cũng sẽ trở về bụi tro. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi để một mai tôi trở về cát bụi”. Nhìn vào đại dịch Covid-19 này, ta cảm nhận và thấy được sự mong manh của kiếp người một cách rõ ràng. Con Virus Corona vô hình, nhưng nó có sức hủy diệt ghê gớm, kinh khủng. Trong một khoảng thời gian không dài, nhưng Corona đã tiêu diệt, đã cướp đi sinh mạng của nhiều ngàn người trên thế giới. Sự sống của con người thật là kỳ diệu nhưng sự sống ấy cũng rất mong manh. Chỉ một cơn gió thoảng là xong, là kết thúc.

“Nào phàm nhân sống mãi được sao

Mà chẳng phải đến ngày tận số?

Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết,

Kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong,

Bỏ lại tài sản của mình cho người khác.

Tuy họ lấy tên mình

Mà đặt cho miền này xứ nọ

Nhưng ba tấc đất mới thật là nhà,

Nơi họ ở muôn đời muôn kiếp” (Tv 48, 10-12).

  1. “Tôi nhìn xung quanh để thấy những người cô đơn, nghèo khổ, bất hạnh, bệnh tật. Khi đó tôi sẽ tìm cách giúp đỡ họ và chính công việc bái ái đó sẽ giúp tôi có được bình an trong tâm hồn và hạnh phúc trong cuộc sống”. Giúp đỡ tha nhân là bí quyết đem lại niềm vui cho chính mình. Cho thì có phúc hơn là nhận. Trong thời gian rao giảng, Chúa Giêsu nhìn thấy những người đau khổ, đói khát, bơ vơ và Người chạnh lòng thương xót. Có lần Chúa nói với các môn đệ: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14, 16). Hơn thế nữa, trong đoạn Tin Mừng Mt 25, 31-46, Chúa Giêsu còn nói rất rõ: mỗi khi chúng ta cho người đói ăn, khát uống, rách rưới mặc, viếng thăm kẻ tù đày, đón khách lỡ đường…,nghĩa là chúng ta đang làm cho chính Chúa. Quả thật, cho người nghèo là cho chính Thiên Chúa, giúp đỡ người bần cùng là giúp đỡ cho Thiên Chúa. Chính những việc bác ái đó sẽ giúp cho ta có được niềm vui ở đời này, và cũng là điều kiện để ta được vào Nước Trời, được sống trong nhà của Thiên Chúa sau khi kết thúc cuộc sống trần thế này.

Trên hành trình dương thế hôm nay, chúng ta có nhiều cơ hội để nhìn, để thấy. Đặc biệt chúng ta đang sống trong thời đại truyền thông, thời đại bùng nổ thông tin, con người dành nhiều thời gian để nhìn vào màn hình tivi, vi tính, điện thoại, ipad…Ta bị cám dỗ nhìn ra bên ngoài quá nhiều, nhưng lại ít dành thời gian để nhìn lên trời cao, nhìn lại chính mình, nhìn vào nội tâm, nhìn và chạnh lòng thương xót những người khốn cùng.

Tuần Thánh và lễ Phục Sinh năm nay đang đến nhưng người tín hữu phải chấp nhận nhiều cái “không”: không tập trung ở nhà thờ, không lễ đèn, không nghi thức, không Thánh Lễ…Vậy chúng ta có thể làm gì để sống Mầu Nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu? Thiết nghĩ rằng bên cạnh những việc đạo đức truyền thống, xem Thánh Lễ trực tuyến, chúng ta có thể làm một việc đơn giản: Hãy nhìn và chiêm ngắm Thập Giá Chúa Giêsu trong ngôi nhà thân yêu của mình. “Con hãy nhìn lên Thập Giá của Người, hãy bám chặt lấy Người, hãy để Người cứu con” (Christus Vivit, số 119), đó là lời mời gọi không chỉ dành riêng cho các bạn trẻ mà còn cho tất cả mỗi người tín hữu của Đức Thánh Cha Phanxicô.

  • Nhìn lên Thập Giá, ta sẽ cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta một cách rõ ràng, mãnh liệt. Chúa Giêsu yêu ta và yêu đến cùng. Ngài quên mình và hiến dâng mạng sống quý giá vì ta. “Thập Giá biểu lộ trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa”.
  • Nhìn lên Thập Giá, ta sẽ thấy được tội lỗi của nhân loại và của chính tôi. Tội lỗi của từng người đã đóng đinh Chúa Giêsu vào Thập Giá nhưng Chúa dùng Thập Giá để cứu độ và giải thoát chúng ta.
  • Nhìn lên Thập Giá, ta sẽ thấy được sự tủi nhục, đau khổ, cái chết thảm thương của Chúa Giêsu. Nhưng Chúa Giêsu đã bước qua Thập Giá để tiến đến vinh quang phục sinh. Ngài dùng Thập Giá để giải thoát đau khổ, chiến thắng tội lỗi, đánh bại sự chết và đem lại niềm hy vọng vĩnh cửu cho con người.
  • Nhìn lên Thập Giá, chúng ta sẽ nhận ra được thân phận yếu đuối, mỏng manh, chóng qua của kiếp người. Nhìn lên Thập Giá, tâm trí ta sẽ hướng lên trời cao với niềm hy vọng vĩnh cửu. Nhìn lên Thập Giá, chúng ta được thúc bách sống tinh thần sẻ chia với những người đau khổ và đỡ nâng những người đang vác thập giá.

Vì Thập Giá của Chúa Giêsu có giá trị thiêng liêng lớn lao như thế nên Đức Giáo Hoàng Phanxicô luôn kêu mời: “Con hãy nhìn vào đôi tay dang rộng của Đức Kitô chịu đóng đinh, hãy luôn để mình được cứu độ lần này đến lần khác…Hãy chiêm ngắm Máu Người đổ ra với tình yêu lớn lao như thế, và hãy để mình được tẩy sạch bởi máu ấy. Nhờ đó con sẽ có thể được tái sinh luôn mãi” (Christus Vivit, số 123).

Ngước nhìn lên Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên Thập Giá giúp chúng ta có được cái nhìn tích cực, cái nhìn linh thánh trong cuộc sống hằng ngày. Chiêm ngắm Thập Giá Chúa còn giúp phục hồi lại nhân phẩm và củng cố lại niềm tin của mỗi người chúng ta hôm nay.

Lm. Phaolô Trương Hoàng Phong