Christus Vivit: Chương 1 Số 12-21

Christus Vivit: Chương 1 Số 12-21

Trong Tân Ước

  1. Một trong các dụ ngôn của Chúa Giêsu (x. Lc 15,11-32) kể rằng người con “trẻ tuổi hơn” muốn bỏ nhà cha mình để trẩy đi phương xa (x. c.12-13). Nhưng cách nghĩ của anh về sự độc lập đã đi đến chỗ thái quá và hủy hoại (x. c.13), anh bắt đầu kinh nghiệm nỗi đắng cay của cô đơn và túng quẫn (x. c.14-16). Dù vậy, anh đã tìm được nghị lực để bắt đầu lại (x. c.17-19), anh quyết định đứng lên trở về nhà (x. c.20). Trái tim người trẻ thường sẵn sàng thay đổi, quay lại, đứng lên và rút bài học từ cuộc sống. Ai mà lại không ủng hộ anh chàng này trong quyết tâm mới của anh cơ chứ? Nhưng người anh trai thì mang một trái tim đã cằn cỗi; anh ta để cho mình bị thống trị bởi sự tham lam, ích kỷ và ghen tị (Lc 15,28-30). Đức Giêsu khen ngợi chàng trai trẻ tội lỗi quay về đường ngay nẻo chính, hơn là người anh tự cho mình là trung thành song lại thiếu tình yêu và lòng thương xót.
  2. Chúa Giêsu, Đấng luôn mãi trẻ trung, muốn trao cho chúng ta quả tim trẻ trung mãi mãi. Lời Chúa yêu cầu chúng ta “loại bỏ men cũ để trở thành bột mới” (1Cr 5,7). Thánh Phaolô mời gọi chúng ta cởi bỏ “con người cũ” và mặc lấy con người “tươi trẻ” (Cl 3,9.10). [1] Khi giải thích ý nghĩa của việc mặc lấy sự tươi trẻ “được đổi mới” ấy (c.10), ngài đề cập đến “lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau nếu người này có điều oán trách người kia” (Cl 3,12-13). Tóm lại, tuổi trẻ đích thực có nghĩa rằng có một trái tim biết yêu thương, trong khi bất cứ gì chia rẽ chúng ta thì đều làm cho linh hồn trở nên cằn cỗi. Vì thế Thánh Phaolô kết luận: “Trên hết mọi sự, anh em phải có đức ái, đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14).
  3. Chúng ta cũng ghi nhớ rằng Đức Giêsu không ủng hộ những người lớn xem thường hay khống chế người trẻ. Trái lại, Người nhấn mạnh rằng “kẻ lớn nhất trong anh em phải trở thành người nhỏ nhất” (Lc 22,26). Đối với Đức Giêsu, tuổi tác không tạo nên các đặc quyền, và sự kiện rằng người ta trẻ tuổi không có nghĩa rằng họ có ít phẩm giá hơn.
  4. Lời Chúa nói rằng người trẻ nên được đối xử “như anh em” (1Tm 5,1), và cảnh giác các bậc phụ huynh đừng “làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng” (Cl 3,21). Người trẻ không được an bài để mà ngã lòng; họ được mời gọi mơ những điều lớn lao, tìm kiếm những chân trời xa rộng, hướng lên cao hơn, gánh vác thế giới này, đón nhận những thách đố và cống hiến nhiều nhất có thể để xây dựng một cái gì đó tốt đẹp hơn. Đó là lý do tại sao tôi thường xuyên khẩn khoản các bạn trẻ đừng để mình bị tước mất niềm hy vọng; cha muốn nhắc lại với mỗi người trong các con: “Đừng để ai xem thường tuổi trẻ của con!” (1Tm 4,12).
  5. Nhưng người trẻ cũng được khuyến dụ “chấp nhận quyền bính của các bậc cao niên” (1Pr 5,5). Thánh Kinh không ngừng nhấn mạnh rằng các bậc niên trưởng phải được chân thành kính trọng, vì họ có cả một kho tàng kinh nghiệm; họ từng trải những thành công và thất bại, những niềm vui và nỗi khổ trong đời, những ước mơ và những thất vọng. Trong sâu thẳm tâm hồn an tĩnh của mình, họ có cả một kho tàng kinh nghiệm có thể dạy chúng ta biết tránh lầm lỗi hay đừng bị dụ hoặc bởi những lời hứa hẹn phỉnh gạt. Một hiền nhân cổ thời kêu gọi chúng ta tôn trọng một số giới hạn và làm chủ các xung năng của mình: “Hãy thúc đẩy các người trẻ biết làm chủ chính mình” (Tt 2,6). Thật vô ích việc sùng bái tuổi trẻ hay điên rồ loại trừ người khác chỉ vì họ lớn tuổi hơn hay vì họ thuộc một thế hệ khác. Đức Giêsu bảo chúng ta rằng người khôn ngoan có thể rút ra từ kho tàng của họ cả những thứ mới và cũ (x. Mt 13,52). Một người trẻ khôn ngoan thì mở ra hướng tới tương lai, nhưng cũng biết học hỏi từ kinh nghiệm của những người khác nữa.
  6. Trong Tin Mừng Máccô, chúng ta gặp thấy một anh chàng sau khi lắng nghe Đức Giêsu nói về các điều răn, đã lên tiếng: “Tất cả những điều ấy tôi đã tuân giữ từ tuổi nhỏ” (10,20). Tác giả Thánh Vịnh cũng từng nói điều tương tự: “Lạy Chúa, Chúa là hy vọng của con; con tin tưởng vào Chúa từ thời niên thiếu… Từ tuổi thanh xuân, Chúa đã dạy bảo con, và con sẽ loan báo những kỳ công Chúa đã làm” (Tv 71,5.17). Chúng ta đừng bao giờ ân hận vì đã sống tốt lành ở tuổi thanh xuân, đã mở lòng ra với Chúa, và đã sống khác với thói đời. Những điều đó không làm tuổi xuân ta mất gì, thay vào đó chúng kiện cường và làm tươi trẻ tuổi xuân chúng ta: “Tuổi xuân ngươi mạnh mẽ tựa chim bằng” (Tv 103,5). Vì thế, Thánh Augustinô đã than thở: “Con yêu Chúa quá muộn màng, lạy Chúa là vẻ đẹp thường hằng và mãi mãi tinh khôi! Con đã yêu Chúa quá muộn màng!” [2]. Rất tiếc, chàng trai giàu có ấy, vốn trung tín với Chúa trong tuổi thanh xuân, đã để cho những năm tháng trôi qua cướp mất các giấc mơ của mình; anh ta thích bám víu vào của cải (x. Mc 10,22).
  7. Mặt khác, trong Tin Mừng Mátthêu chúng ta gặp một chàng trai trẻ (x. Mt 19,20.22) đến gặp Đức Giêsu và hỏi xem mình còn có thể làm gì nữa (c.20); ở đây, anh cho thấy tinh thần cởi mở của chất trẻ, muốn kiếm tìm những chân trời mới và những thách đố lớn lao. Nhưng thực sự tinh thần của anh không được trẻ trung như thế, vì anh đã bị cột chặt vào của cải và những tiện nghi. Anh nói rằng anh muốn điều gì đó, nhưng khi Đức Giêsu đề nghị anh quảng đại chia sẻ tài sản của mình, thì anh nhận ra anh không thể buông bỏ mọi thứ mà mình đang có. Cuối cùng, “nghe những lời ấy, người thanh niên buồn rầu bỏ đi” (c.22). Anh đã đánh mất sự trẻ trung của mình.
  8. Tin Mừng cũng nói về một nhóm cô gái khôn ngoan, trong tình trạng tỉnh thức chờ đợi, trong khi những cô khác thì tâm trí phân tán và mê ngủ (x. Mt 25,1-13). Quả thật, chúng ta có thể đi qua tuổi trẻ của mình với đầy những chia trí, chỉ sống hời hợt, nửa tỉnh nửa mê, không có khả năng đào sâu những mối tương quan có ý nghĩa, cũng không kinh nghiệm được những điều sâu xa hơn trong cuộc sống. Như thế, chúng ta có thể hình thành một tương lai tầm thường và thiếu nền móng. Hoặc giả chúng ta có thể trải qua tuổi thanh xuân với đầy cảm hứng đối với những điều đẹp đẽ và cao thượng, qua đó chúng ta kiến tạo một tương lai tràn đầy sức sống và sự phong phú tâm hồn.
  9. Nếu các con đã đánh mất sinh lực bên trong, đánh mất những giấc mơ, lòng hăng hái, tinh thần lạc quan và sự quảng đại, thì Đức Giêsu đang đứng trước mặt các con, như Người đã từng đứng trước anh con trai đã chết của người góa phụ, và với tất cả sức mạnh từ sự Phục Sinh của Người, Người thúc bách các con: “Này người bạn trẻ, Ta truyền cho con, hãy chỗi dậy!” (Lc 7,14).
  10. Chắc chắn là còn nhiều đoạn văn khác của Lời Chúa có thể soi sáng cho giai đoạn này của đời sống các con. Chúng ta sẽ nhắc đến một số bản văn như thế trong các chương sau.
print