Christus Vivit: Chương 7 Số 202-215

Christus Vivit: Chương 7 Số 202-215

CHƯƠNG BẢY

MỤC VỤ GIỚI TRẺ

  1. Việc mục vụ giới trẻ, như được làm trong truyền thống, đã bị chi phối rất nhiều bởi những thay đổi xã hội và văn hóa. Người trẻ thường không tìm thấy trong các chương trình thông thường của chúng ta sự đáp ứng các mối quan tâm, các nhu cầu, các khó khăn và các vấn đề của họ. Sự lan rộng và phát triển của các nhóm và các phong trào chủ yếu gắn với người trẻ có thể được coi như công trình của Chúa Thánh Thần, Đấng không ngừng chỉ cho chúng ta những nẻo đường mới. Dù vậy, vẫn cần phải xem xét những cách thức mà các nhóm ấy tham dự vào toàn cảnh mục vụ của Giáo hội, cũng như cần có sự hiệp thông nhiều hơn giữa các nhóm, và sự phối hợp tốt hơn các hoạt động của họ. Mặc dù việc tiếp cận giới trẻ không bao giờ dễ dàng, có hai khía cạnh đã được thấy ngày càng rõ: sự ý thức rằng toàn thể cộng đoàn phải liên can vào công cuộc Phúc âm hóa người trẻ, và yêu cầu khẩn thiết rằng người trẻ phải đảm nhận một vai trò quan trọng hơn trong khung cảnh mục vụ.

Việc săn sóc mục vụ có tính liên hợp

  1. Tôi muốn tuyên bố rõ rằng chính người trẻ là tác nhân của sứ vụ giới trẻ. Chắc chắn họ cần được trợ giúp và hướng dẫn, nhưng đồng thời họ cũng cần được tự do phát triển các phương thức mới, với tính sáng tạo và với sự táo bạo nào đó. Vì thế ở đây tôi sẽ không cố gắng nêu ra một loại cẩm nang cho sứ vụ giới trẻ hay một hướng dẫn mục vụ thực hành. Tôi quan tâm nhiều hơn về việc giúp người trẻ sử dụng nhận thức, năng khiếu và sự hiểu biết của họ để tiếp cận những vấn đề và những mối ưu tư của các bạn trẻ khác bằng chính ngôn ngữ của họ.
  2. Người trẻ thúc đẩy chúng ta nhìn thấy nhu cầu cần phải có những phong cách và những chiến lược mới. Chẳng hạn, trong khi người lớn thường lo lắng sao cho mọi sự được lên kế hoạch chính xác, với những cuộc họp định kỳ và những thời gian cố định, thì đa số người trẻ ngày nay không quan tâm mấy đến kiểu tiếp cận mục vụ này. Mục vụ giới trẻ cần trở nên uyển chuyển hơn: Mời người trẻ đến các sự kiện hay các dịp cung ứng cơ hội không chỉ cho việc học hỏi, nhưng còn để chuyện trò, ăn mừng, ca hát, lắng nghe những chuyện thực và kinh nghiệm việc gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống cùng với nhau.
  3. Đồng thời, chúng ta cần xem xét kỹ hơn những thực hành được thấy là có giá trị – những phương pháp, ngôn ngữ và những mục tiêu tỏ ra hữu hiệu trong việc đem người trẻ đến với Đức Kitô và Giáo hội. Dù họ đến từ đâu hay được gán nhãn hiệu gì, “bảo thủ” hay “tự do”, “truyền thống” hay “tiến bộ”. Điều quan trọng là chúng ta vận dụng những gì đã phát huy hiệu quả và đã chuyển thông hữu hiệu niềm vui Tin Mừng.
  4. Mục vụ giới trẻ phải có tính liên hợp; nó phải liên can đến một “hành trình cùng nhau”, với sự trân trọng “các đặc sủng Thánh Thần ban cho, phù hợp với ơn gọi và vai trò của mỗi thành phần trong Giáo hội, xuyên qua một tiến trình đồng trách nhiệm… Được thúc đẩy bởi tinh thần này, chúng ta có thể tiến tới một Giáo hội tham gia và đồng trách nhiệm, một Giáo hội có khả năng trân trọng tính đa dạng phong phú của mình, hân hoan đón nhận những đóng góp của người tín hữu giáo dân, gồm những người trẻ và các phụ nữ, những người thánh hiến, cũng như các nhóm, các hiệp hội và các phong trào. Không ai bị loại trừ, cũng không ai tự loại trừ chính mình”. [111]
  5. Bằng cách này, qua việc học hỏi lẫn nhau, chúng ta có thể phản ảnh tốt hơn cái thực tại đa diện kỳ diệu mà Giáo hội của Đức Kitô được dự phóng trở thành. Giáo hội phải có thể thu hút người trẻ, vì sự hiệp nhất của Giáo hội không cứng ngắt, nhưng đúng hơn đó là một mạng lưới các ân ban mà Thánh Thần không ngừng tuôn đổ trên Giáo hội, để đổi mới Giáo hội và nâng Giáo hội lên khỏi sự nghèo nàn của mình.
  6. Tại Thượng hội đồng, nhiều đề nghị cụ thể được nêu lên liên quan đến việc đổi mới mục vụ giới trẻ, và việc giải phóng nó khỏi những cách thức không còn hiệu quả do bởi thiếu khả năng đối thoại với nền văn hóa của giới trẻ thời nay. Dĩ nhiên, tôi không thể liệt kê tất cả ở đây. Một số đề nghị có thể được tìm thấy trong Tài liệu Chung kết của Thượng hội đồng.

Các hoạt động chính yếu

  1. Tôi muốn nhấn mạnh rằng mục vụ giới trẻ liên hệ đến hai hoạt động chính. Một là vươn ra, là phương cách mà chúng ta thu hút người trẻ đến với một kinh nghiệm về Chúa. Hai là phát triển, tức phương cách mà chúng ta giúp những người vốn đã có kinh nghiệm đó, để họ trưởng thành hơn.
  2. Về việc vươn ra, tôi tin tưởng rằng người trẻ biết cách nào tốt nhất để qui tụ với nhau. Họ biết cách tổ chức các sự kiện, các cuộc thi đấu thể thao, và những cách để loan báo Tin Mừng xuyên qua truyền thông xã hội, qua các tin nhắn, các bài hát, video và những hình thức khác. Họ chỉ cần được khuyến khích và được tự do để hăng hái Phúc âm hóa các bạn trẻ khác bất cứ nơi nào họ gặp. Khi sứ điệp được giới thiệu lần đầu tiên, có thể trong một cuộc tĩnh tâm giới trẻ, hay một cuộc trò chuyện trong quán bar, vào dịp nghỉ lễ ở trường học, hay bất cứ cách thức kỳ diệu nào của Thiên Chúa, thì sứ điệp ấy có thể đánh thức một kinh nghiệm đức tin sâu xa. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, đó là mỗi người trẻ cần có đủ mạnh dạn để gieo hạt giống của sứ điệp trên mảnh đất màu mỡ là trái tim của một bạn trẻ khác.
  3. Trong sự vươn ra này, trước hết chúng ta cần dùng ngôn ngữ gần gũi, ngôn ngữ của tình yêu quảng đại, liên đới và hiện sinh, có sức chạm đến trái tim, tác động đến đời sống, đánh thức những khát khao và hy vọng. Người trẻ cần được tiếp cận qua ngả yêu thương, chứ không phải qua thuyết pháp. Người trẻ hiểu thứ ngôn ngữ của những ai phát tỏa sức sống, những ai ở đó với họ và cho họ – và những ai, vì tất cả những giới hạn và yếu đuối của mình, cố gắng sống đức tin của mình một cách đúng đắn hơn. Chúng ta cũng phải suy nghĩ thêm về những cách thế để đưa lời rao giảng tiên khởi (kerygma) vào ngôn ngữ của giới trẻ ngày nay.
  4. Về việc phát triển, tôi muốn nêu một điểm quan trọng. Tại một số nơi, người ta thấy người trẻ được trợ giúp để có kinh nghiệm rõ nét hơn về Thiên Chúa, để có sự gặp gỡ Đức Giêsu vốn có sức chạm đến trái tim họ. Nhưng rồi bước tiếp theo chỉ là một loạt các buổi “huấn luyện”, với các bài nói chuyện về các vấn đề tín lý và luân lý, về những sự xấu xa trong thế giới ngày nay, về Giáo hội, học thuyết xã hội của Giáo hội, về khiết tịnh, hôn nhân, kiểm soát sinh sản, vân vân… Kết quả là nhiều người trẻ trở nên chán chường, họ đánh mất ngọn lửa của việc gặp gỡ Đức Kitô và đánh mất niềm vui của việc đi theo Người; nhiều người rút lui, nhiều người khác trở thành thất vọng hay tiêu cực. Thay vì quá quan tâm đến việc truyền thụ một mớ giáo thuyết, trước hết chúng ta hãy thử đánh thức và gia cố những kinh nghiệm tuyệt vời có sức nâng đỡ đời sống Kitô hữu. Theo cách nói của Romano Guardii: “Khi chúng ta kinh nghiệm một tình yêu lớn… thì mọi sự khác sẽ trở thành một phần của tình yêu ấy”. [112]
  5. Bất cứ dự án giáo dục hay con đường phát triển nào cho người trẻ dĩ nhiên cũng phải bao gồm việc huấn luyện về giáo lý và luân lý Kitô giáo. Cũng thật quan trọng để ghi nhận rằng nó có hai mục tiêu. Một là sự khai triển lời rao giảng tiên khởi (kerygma), tức kinh nghiệm nền tảng về việc gặp gỡ Thiên Chúa qua cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu. Hai là sự phát triển trong tình huynh đệ, trong đời sống cộng đoàn và trong phục vụ.
  6. Đây là điều tôi đã nhấn mạnh trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng(Evangelii Gaudium), thiển nghĩ đáng nhắc lại ở đây. Sẽ là sai lầm lớn nếu nghĩ rằng trong mục vụ giới trẻ “lời rao giảng tiên khởi cần mở đường cho một sự huấn luyện được cho là ‘vững chắc’ hơn! Không có gì vững chắc, thâm sâu, bảo đảm, có ý nghĩa và chất chứa khôn ngoan hơn lời rao giảng khởi đầu ấy. Tất cả nền huấn luyện Kitô giáo cốt ở việc đi sâu hơn vào kerygma” [113] và làm cho nó đi vào máu thịt mình ngày càng hơn trong cuộc sống của mình. Vì thế, việc mục vụ giới trẻ luôn phải bao gồm những cơ hội để làm mới lại và đào sâu kinh nghiệm cá nhân về tình yêu của Thiên Chúa và của Đức Kitô hằng sống. Nó có thể làm điều này bằng những cách khác nhau: bằng chứng từ, bằng những bài hát, những khoảnh khắc tôn thờ, bằng việc suy niệm Lời Chúa, và ngay cả bằng việc sử dụng mạng xã hội một cách trí tuệ. Tuy nhiên, không bao giờ được thay thế kinh nghiệm thú vị này về sự gặp gỡ Chúa bằng một loại “tuyên giáo” nào đó.
  7. Mặt khác, mọi chương trình mục vụ giới trẻ cần phải hội nhập cách rõ rệt những phương tiện và những nguồn lực khác nhau có thể giúp người trẻ lớn lên trong tình huynh đệ, sống như anh chị em với nhau, trợ giúp nhau, xây dựng cộng đoàn, sẵn sàng phục vụ người khác, gần gũi với người nghèo. Nếu tình huynh đệ là “điều răn mới” (Ga 13,34), là “sự chu toàn Lề Luật” (Rm 13,10) và là cách tuyệt hảo để chúng ta diễn tả tình yêu đối với Thiên Chúa, thì nó phải chiếm chỗ thứ nhất trong mọi dự án huấn luyện giới trẻ và mọi tiến trình trưởng thành.
print