Suy Niệm Lời Chúa Tuần XI Thường Niên
Lm Seoka
CHÚA NHẬT MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ.
THỨ SÁU: KÍNH THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU.
THỨ BẢY: TRÁI TIM VÔ NHIỄM ĐỨC MẸ..
CHÚA NHẬT MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ
Ga 6, 51-58
THÁNH THỂ TUYỆT ĐỈNH CỦA TÌNH YÊU
Định luật tình yêu dạy cho ta hiểu rằng: “yêu ai thì muốn ở gần người đó, yêu ai thì muốn hy sinh phục vụ cho người đó và yêu ai thì muốn trở nên một với người mình yêu.” Hành động mà Chúa Giêsu trao ban chính Mình và Máu Thánh Người để làm lương thực thần linh nuôi sống chúng ta, chính là đỉnh cao của tình yêu dâng hiến.
Khi yêu nhau người ta không chỉ dừng ở việc phục vụ trong hy sinh, nhưng người ta còn muốn nên một với người mình yêu: “mình với ta tuy hai mà một.” Vì lẽ đó, Chúa Giêsu đã lập Bí Tích Thánh Thể, biến bánh thành Thịt và rượu thành Máu Người để nhằm ở lại mãi với người mình yêu.
Người đời trước khi đi xa, xưa nay thường để lại cho người thân bằng những kỉ vật, bằng của hồi môn quý giá. Đối với Chúa Giêsu những kỉ vật những của hồi môn dù cho quý giá mấy cũng tầm thường, không đủ nói lên hết tấm lòng yêu thương của Chúa dành cho nhân loại. Nên Chúa muốn dùng kỉ vật hết sức đặc biệt và cao trọng nhất, đó chính bản thân Chúa. Nhưng bản thân bằng xương thịt của Chúa chỉ có thể trao ban một lần, không thể trao ban mãi được. Vì thế, Chúa muốn lưu lại bản thân Ngài bằng hình thức nhiệm mầu dưới hình bánh và rượu làm của ăn của uống thiên liêng dưỡng nuôi linh hồn ta. Làm như thế Chúa muốn ở lại với các tông đồ và với chúng ta luôn mãi. Đồng thời qua việc kết hiệp với Mình Chúa, Chúa lưu truyền sự sống dồi dào của Ngài trong thân thể ta và trở nên một trong chúng ta.
Để thể hiện yêu thương các môn đệ đến cùng, Chúa Giêsu còn muốn các môn đệ trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài và là hiện thân của Ngài giữa trần gian. Vì thế Chúa Giêsu trao ban chức Linh mục cho các môn đệ “các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Trong thánh lễ, nhờ việc đặt tay trên bánh rượu và đọc lời truyền phép như Chúa Giêsu đã làm trong bữa tiệc ly, qua đó Chúa hiện diện nơi hình bánh rượu, trở nên của ăn bổ dưỡng thân xác nuôi sống linh hồn cho những ai đón nhận Ngài, vì Chúa nên một với chúng ta.
Tham dự thánh lễ hôm nay, ước gì giúp ta hiểu được bài học tình thương đến cùng mà Chúa dành cho chúng ta. Xin cho chúng ta cảm nhận sâu sắc tình Chúa mà nổ lực hết sức mình để đáp lại tình Chúa yêu thương bằng đời sống gắn bó thân tình với Chúa bằng những hy sinh phục vụ quên mình vì Chúa và tha nhân; nhất là luôn biết gắn kết với Chúa nơi Bí Tích Thánh Thể để Chúa được ở trong ta và ta được sống trong Chúa trong suối nguồn tình yêu của Chúa.
LỄ THIẾU NHI
Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội long trọng mừng kính lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Mừng kính thánh lễ hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta tìm hiểu và suy niệm sâu xa hơn về bí tích Thánh Thể, nhờ thế chúng ta thêm hiểu biết và yêu mến Thánh Thể Chúa hơn. Giờ đây chúng ta hãy khiêm tốn nhìn nhận những lầm lỗi, thiếu sót và xin ơn tha thứ của Chúa để xứng đáng cử hành mầu nhiệm Thánh.
Mừng kính trọng thể lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô hôm nay, là dịp thuận tiện để cha cùng với các con ôn lại đôi chút giáo lý về Bí Tích Thánh Thể mà Giáo Hội chỉ dạy chúng ta!
- Các con cho cha biết: Ai đã lập Bí Tích Thánh Thể?
– Chúa Giêsu.
- Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể khi nào?
– Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc ly trước khi Người chịu chết.
- Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể như thế nào?
– Đang trong bữa ăn, Người cầm lấy bánh dâng lời chúc tụng tạ ơn rồi bẻ ra trao cho các môn đệ mà phán: “Này là mình Ta, các con hãy cầm lấy mà ăn”. Sau đó, Chúa Giêsu cầm lấy chén rượu nho, tạ ơn Chúa Cha rồi trao cho các môn đệ và nói: “ Các con hãy nhận lấy mà uống, này là máu Ta, Máu tân ước vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội.” (Mt 26, 26-28; Lc 22, 17-20). Khi ấy bánh và rượu trở nên Mình Máu Thánh Chúa.
- Vì ý gì Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể?
– Vì yêu thương chúng ta và muốn ở với chúng ta mãi nên Chúa Giêsu đã dùng chính Mình Máu Người làm của ăn thức uống để nuôi dưỡng linh hồn bổ dưỡng thân xác nhắm giúp chúng ta đủ sức tiến bước trên hành trình đi về nhà Cha.
- Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể mấy lần?
– Chúa Giêsu chỉ lập bí tích Thánh Thể một lần, nhưng Chúa Giêsu đã truyền lệnh cho các tông đồ: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta” (Lc 22, 19). Qua đây Chúa Giêsu truyền lệnh cho Hội Thánh cử hành bí tích Thánh Thể mà tưởng nhớ đến Chúa.
- Giáo Hội cử hành bí tích Thánh Thể khi nào?
– Chính khi cử hành thánh lễ là Giáo Hội cử hành bí tích Thánh Thể.
- Khi nào bánh rượu trở nên Mình Máu Chúa?
– Trong thánh lễ, khi linh mục chủ tế đọc lời truyền phép trên bánh và rượu lúc ấy bánh rượu liền trở nên Mình và Máu Thánh Chúa.
- Chúa Giêsu yêu thương muốn ở với chúng con. Vậy các con có muốn rước Chúa vào lòng để ở cùng chúng con không?
– Muốn.
- Muốn rước Chúa vào lòng thì phải có những điều kiện gì?
– Sạch tội trọng, có ý ngay lành, giữ chay một giờ trước khi rước Chúa.
- Rước Chúa thì được những ơn ích gì các con?
– Được kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu và với nhau. Xóa bỏ các tôi nhẹ và gia tăng ơn thánh hóa. Có sức chống trả chước cám dỗ. Bảo đảm cho ta được sống đời đời.
Các con thân mến, Chúa Giêsu yêu thương chúng ta đến hy sinh thân mình để trở nên Mình Máu Thánh nuôi sống chúng ta. Chúng ta xin Chúa cho chúng ta biết đáp lại tình yêu Chúa bằng việc chăm học giáo lý để hiểu biết Chúa nhiều hơn; siêng năng tham dự thánh lễ sốt sắng và luôn giữ tâm hồn trong sạch để dọn mình rước Mình Máu Thánh Chúa cho xứng đáng.
Thứ hai: Mt 5, 38-42
Chúa Giêsu khẳng định: “Ta đến để kiện toàn lề luật và các tiên tri”. Do tác động thay đổi của xã hội qua dòng thời gian, nhất là vào thời Chúa Giêsu, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã có sự giải thích sai lệch về lề luật Chúa nên cần phải kiện toàn.
Trong những đoạn Tin mừng trước, Matthêu cho biết Chúa Giêsu đã kiện toàn khá nhiều luật như: luật giết người, luật đơn hôn và vĩnh hôn, luật thề hứa…tiếp tục hôm nay là luật báo oán.
Theo lẽ công bằng thì: “hòn đá ném đi, thì hoàn chì ném lại; hay bánh ếch đi thì bánh quy lại”…đã trở thành nguyên tắc và lẽ sống tự nhiên trong xã hội.
Trong sách Lêvi cũng dạy rằng: “người nào đả thương đến sinh mạng người khác tất phải chết, người nào gây thương tích cho người khác, nó đã làm sao thì người ta sẽ làm cho nó như vậy: gãy đền gãy, mắt đến mắt, răng đền răng.” (Lv 24, 17-20).
Nhưng đối với tinh thần Kitô giáo, cách hành xử với nhau không chỉ dựa trên lẽ công bằng mà còn phải được đặt trên nền tảng của bác ái nữa. Vì thế, nếu trả thù theo lẽ công bằng thì tiếp tục gây thêm oán thù chồng chất “oán báo oán, oán chồng chất”. Do đó, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy bao dung và tha thứ cho nhau. Chẳng những tha thứ mà còn tích cực làm ơn cho những ai làm hại chúng ta nữa vì “lấy ơn trả oán, oán tiêu tan”.
Tha thứ cho những ai làm tổn thương ta đã là khó, làm ơn cho kẻ hại ta quả là điều không dễ chút nào với sức tự nhiên của con người. Nhưng đó lại là điều có thể với ơn ban của Chúa.
Xin Chúa thêm sức mạnh cho chúng ta, để ta đủ can đảm thi hành điều Chúa chỉ dạy là tha thứ và làm ơn cho hết mọi người, nhất là những ai gây đau khổ cho chúng ta.
Thứ ba: Mt 5, 43-48
Tất cả các lề luật đều được tóm lược vào 1 điều duy nhất là “tình yêu”. Nhưng yêu ai? và yêu như thế nào? đó là điều mà Chúa Giêsu muốn đề cập trong bài Tin mừng hôm nay.
“Tình Yêu” chính là luật điều quan trọng nhất mà TC đã truyền dạy trong thời cựu ước. “Yêu Chúa hết lòng hết linh hồn hết trí khôn và yêu tha nhân như chính mình”. Với người Do Thái, người thân cận là những người cùng huyết thống, cùng màu da, cùng tôn giáo, cùng dân tộc mình… Còn những người vượt ra khỏi giới hạn ấy họ xem là người xa lạ, không phải là đối tượng họ yêu thương.
Bởi thế Chúa Giêsu đã chấn chỉnh lại ý hướng sai lệch của họ bằng cách cho biết mọi người là con cái Chúa, là anh em con cùng một Cha trên trời nên đối tượng của tình yêu là tất cả mọi người. Để xứng đáng là môn đệ Chúa thì phải biết “yêu như Chúa yêu” (x. Ga 15,12). Đó là tình yêu phổ quát. Chính khi chúng ta biết “yêu như Chúa yêu” ta mới có thể trở nên người công chính đích thực trước mặt Chúa.
Xin Chúa ban ơn giúp sức để ta can đảm yêu thương hết mọi người, ngay cả những ai làm hại chúng ta.
Thứ tư: Mt 6, 1-6. 16-18
Tiếp tục chủ đề kiện toàn lề luật. Tin mừng hôm nay cho biết Chúa Giêsu kiện toàn các việc đạo đức quan trọng đối với đời sống của người tín hữu. Ta hãy chú tâm lắng nghe lời Chúa hướng dẫn và cố gắng thực hiện điều Chúa muốn để trở xứng đáng được Chúa ghi nhận và ban ơn phúc.
Người đời thường nói “của cho không bằng cách cho; hình thức không bằng nội dung”. Đó cũng là điều mà Chúa Giêsu đề cập đến trong bài Tin mừng hôm nay.
Ăn chay, cầu nguyện và bố thí là 3 việc làm đạo đức hết sức quan trọng trong đời sống con người. Nó là điều không thể thiếu trong đời sống các tôn giáo. Tuy nhiên những việc đạo đức này chỉ có giá trị thật sự khi nó được thực hiện với tấm lòng yêu mến và khiêm tốn chân thành. Ngược lại nếu các việc đạo đức ấy được thực hiện với ý hướng để nhằm khoe khoang và vụ lợi thì những việc làm ấy không có giá trị. Tệ hại hơn nữa nếu các việc đạo đức ấy được thực hiện nhằm kể công đức trước mặt Chúa thì quả là điều đáng chê trách.
Xin cho chúng ta biết làm các việc đạo đức bằng tấm lòng khiêm tốn trước Chúa và tha nhân với ý hướng sám hối chân thành mong được đổi mới nên tốt hơn.
Thứ năm: Mt 6, 7-15
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nhấn mạnh đến 1 trong 3 đạo đức không thể thiếu được của người môn đệ Chúa. Đó là cầu nguyện.
Cầu nguyện được ví như hơi thở của linh hồn và là lương thực nuôi sống đức tin. Tất cả các tôn giáo đều đề cao việc cầu nguyện, bởi vì đó là cách thức tốt nhất để tiếp xúc thân mật với Thiên Chúa, nhờ đó ta dễ dàng nghe được tiếng Chúa nói; cũng như múc lấy sức mạnh thần thiêng Chúa ban, nhờ đó đức tin ta thêm vững mạnh.
Trong bài tin mừng hôm nay, ngoài việc Chúa cho các môn đệ biết nội dung phải cầu nguyện như thế nào, Ngài còn nhấn mạnh đến hai điều quan trọng khi cầu nguyện cần phải có.
– 1 là không nên lãi nhãi nhiều lời khi cầu nguyện. Bởi vì Thiên Chúa là người Cha đầy yêu thương nên Ngài thấu hiểu mọi nhu cầu cần thiết của ta. Ngài sẽ ban cho chúng ta những gì tốt nhất.
– 2 là phải loại trừ khỏi tâm trí mình mọi ý tưởng hận thù thay vào đó là tấm lòng bao dung tha thứ. Bởi có tha thứ cho tha nhân thì ta mới xứng đáng được Chúa tha thứ. Mà tha thứ chính là hoa trái của đức tin và đỉnh cao của lòng thương xót.
Nếu cầu nguyện để nuôi sống và cũng cố đức tin, thì tha thứ chính là hành động cụ thể để thể hiện đức tin ấy. Xin cho chúng ta biết siêng năng cầu nguyện để củng cố đức tin thêm vững mạnh, nhờ đó ta dễ dàng biết tha thứ cho nhau.
THỨ SÁU: KÍNH THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU
Đnl 7, 6-11; 1Ga 4, 7-18; Mt 11, 25-30
Ông bà anh chị em thân mến, cùng với GH, hôm nay chúng ta họp nhau nơi đây để tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Nguyện xin thánh Tâm Chúa uốn lòng chúng ta nên giống trái tim Chúa, để chúng ta biết thể hiện TY Chúa trong đời sống gia đình, cũng như ngoài xã hội, nhằm góp phần xoa dịu phần nào vết thương trong trái tim Chúa.
Câu chuyện quen thuộc: Năm 1597, lệnh bắt đạo trên đất Nhật thật gắt gao, Chỉ trong một tuần lễ, mọi cơ sở công giáo đều bị triệt hạ, giáo sĩ bị bắt gần hết, giáo dân bị phân tán và khủng bố tàn tạ. Tại vùng Odawara, Kamakura, người ta bắt được 2 linh mục trẻ tuổi là Simauchi và Uzawa cùng nhiều ảnh tượng, giải về Tokyo. Quan đại thần Tsukamoto nhặt trong đống ảnh tượng một mẫu ảnh thật kỳ cục: Người gì mà để trái tim ra ngoài !
Tsukamoto là một nhà nho uyên bác, có óc thực tế, thích tìm hiểu. Ông cầm mẫu ảnh trái tim coi qua rồi vứt vào sọt rác, nhưng đến tối, ông nhớ lại và nghĩ bức ảnh kỳ lạ kia hẳn có một ý nghĩa nào đó. Ông lượm lại bức ảnh để trên bàn và suy nghĩ. Trời đã về khuya mà quan vẫn ngồi bất động một mình với bức ảnh trước mặt. Mãi đến gần một giờ sáng, vị đại thần mới thở ra nhẹ nhàng khoan khoái, tay cầm bút lông ghi dưới bức ảnh mấy chữ : “Đối ngoại hữu kỳ tâm – Đối nội vô tâm giả”
Từ đó Tsukamoto đặt bức ảnh trái tim trên bàn làm việc một cách kính cẩn. Một hôm có ông bạn tên Osaki đến chơi, thấy vậy hỏi:“Thế nào,bạn lại thích ảnh tượng của bọn tà đạo rồi sao ?”
“Đứng về mặt chính trị của triều đình thì tôi không dám phản kháng. Nhưng về mặt văn hóa và nhân đạo thì tôi rầt thích bức ảnh này. Phải chăng bức ảnh này đã nói lên chương trình và hành động cùng lối xử thế tổng quát của Kitô giáo.”
Để ông bạn coi: Đối với thiên hạ, tha nhân bên ngoài thì “Hữu Tâm”, còn với bản thân mình thì “Vô Tâm”. Cho nên họ mới vẽ trái tim để ra ngoài… Nghĩa là phải đem hết trái tim của mình mà phục vụ xã hội, giúp ích cho đời; còn về phần mình thì hy sinh xả kỷ, đừng bao giờ lo riêng cho mình, phải diệt cái ngã vị kỷ. Đem hết trái tim ra giúp đời, giúp người.
Nội bức ảnh nầy tôi thấy đầy đủ hơn cả cái học Từ Bi của Phật, khoan dung hơn cái Nhân Thứ của Khổng, cao siêu hơn cái Vô Ngã của Lão, mạnh mẽ hơn cái học Dũng thuật của Thần Đạo Nhật Bản vậy.
Một tôn giáo dạy phụng sự nhân loại, yêu thương mọi người, còn bản thân mình thì không màng tới, không quan tâm đến tư lợi, thì quả là ngay chính của Thiên hạ vậy.
Osaki cảm phục sự diễn đạt của bạn. Không ngờ Đạo Công Giáo lại hàm chứa một triết lý nhân sinh cao siêu như vậy. Từ đó hai ông trở nên những người bạn chí thân và đã âm thầm nhận phép Rửa Tội, đồng thời vận động triều đình thả hai linh mục… (Trích “Phúc”).
Đúng như lời giải thích của Tsukamoto. Thiên Chúa đã yêu thương con người cách vô vị lợi.
– Bài đọc 1 cho biết: Thiên Chúa yêu thương và tuyển chọn dân Do Thái làm dân riêng của Người, không phải vì họ quan trọng hay vì công lao của họ, nhưng hoàn toàn là do lòng tốt của Thiên Chúa.
– Còn bài đọc 2, thánh Gioan định nghĩa “Thiên Chúa là Tình Yêu“. Bằng chứng là Ngài đã không tiếc gì đối với chúng ta. Ngay cả Người Con Một Yêu dấu, Ngài cũng sẵn sàng trao ban cho chúng ta .
– Riêng bài Tin Mừng hôm nay cho biết, chính Chúa Giêsu hằng yêu thương chúng ta. Đặc biệt là những người bị xã hội bỏ rơi. Cụ thể là những ai đang mang gánh nặng, đang gặp đau khổ và những người bị đẩy ra bên lề xã hội. Chúa Giêsu tha thiết mời gọi họ đến với Chúa để Chúa ủi an, nâng đỡ và bổ sức cho họ. Có lẽ Chúa sẽ không cất đi hết những khó nhọc, gánh nặng của kiếp người. Nhưng chắc chắn Chúa sẽ ban ơn trợ lực và ban sức mạnh để những ai đến với Ngài sẽ vượt qua.
Cũng chính vì yêu thương chúng ta nên Ngài tha thiết mời gọi chúng ta hãy học lấy bài học yêu thương như Ngài. Bài học yêu thương đó được cụ thể hóa qua đời sống hiền lành và khiêm nhượng.
Xin cho chúng ta cảm nhận tình yêu sâu xa mà Chúa đã dành cho chúng ta. Xin cho chúng ta cũng biết đáp trả tình của Chúa qua đời sống gắn bó mật thiết với Chúa và yêu thương chân thành với tha nhân mà không cần toan tính. Amen.
THỨ BẢY: TRÁI TIM VÔ NHIỄM ĐỨC MẸ
Is 61, 9-11; Lc 2, 41-51
Thông thường khi nói tới “nhiễm” là người ta nghĩ ngay đến những thứ độc hại, làm ảnh hưởng xấu đến cuộc sống con người.
Cuộc sống ngày hôm nay có quá nhiều thứ gây ô nhiễm:
Ô nhiễm không khí, làm ảnh hưởng đến đường hô hấp của con người.
Ô nhiễm nguồn nước và thức ăn làm ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.
Ô nhiễm tiếng ồn làm ảnh hưởng không tốt đến thính giác con người.
Ô nhiễm về hình ảnh xấu ành hưởng đến thị giác con người…
Tuy nhiên, những ô nhiễm bên ngoài ấy không độc hại bằng những ô nhiễm đến từ bên trong. Chính những ô nhiễm bên trong làm cho tâm trí con người trở nên bệnh tật và chay cứng.
Ô nhiễm của chủ nghĩa “mặc kê nô” làm cho trái tim con người trở nên xơ cứng dững dưng trước những nỗi đau khổ của người khác.
Ô nhiễm của “chủ nghĩa cá nhân” làm cho trái tim con người trở nên ích kỉ, chỉ tìm tư lợi cá nhân mà quên đi của hy sinh phục vụ hạnh phúc cho tha nhân.
Ô nhiễm của “lối sống thực dụng” làm lãng quên những giá trị luân lý, đạo đức thuần phong mỹ tục của nhân loại.
Ô nhiễm của “chủ nghĩa vô thần” làm cho lòng con người trở nên kêu căng, tự mãn, bất cần đến ơn thiêng của Thiên Chúa.
Ô nhiễm của “chủ nghĩa duy tương đối” làm suy giảm những giá trị chân lý tuyệt đối của Chúa và có nguy cơ đánh mất đức tin nơi người tín hữu…
Hôm nay chúng ta cùng với GH kính nhớ lễ trái tim vô nhiễm của Đức Maria. GH nhắc nhỡ chúng ta hãy khiêm tốn mở lòng để luồng gió của Thánh Linh thổi vào tâm hồn ta, hầu tâm hồn của ta được thanh lọc khỏi những thứ độc hại, có nguy cơ hủy hoại đến tâm hồn tinh tuyền đã được thanh tẩy trong ngày lãnh nhận bí tích rửa tội.
Xin cho chúng ta biết noi theo mẫu gương của Mẹ Maria, biết khiêm tốn để cho Lời Chúa thanh lọc trái tim chúng ta nên trong sạch và sẵn sàng trao trọn con tim của mình vào bàn tay đầy uy quyền của Thiên Chúa tình thương để Người điều khiển nhịp đập con tim của chúng ta giống như khi xưa Mẹ đã để cho con tim của Mẹ rung lên cùng nhịp đập yêu thương của Chúa dưới sự tác động và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Amen.