Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 14 Thường Niên, Năm A

print

Tìm Hiểu Lời Chúa

Chúa Nhật 14 Thường Niên, Năm A

 

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta suy niệm về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, đồng thời cũng đưa ra những gợi ý giúp chúng ta sống hiệp thông với mầu nhiệm trọng đại này, để làm phong phú đời sống đức tin của chúng ta.

 

BÀI ĐỌC 1: Dcr 9,9-10

Đức Vua ngồi trên lưng con lừa

Mối liên kết giữa bài đọc này với bài Tin Mừng không trực tiếp rõ ràng. Việc vua sử dụng một con lừa để cưỡi là một dấu chỉ cho thấy nhà vua rất khiêm nhường, giống như Chúa Giêsu trong Tin Mừng thể hiện sự khiêm tốn, bình dị. Hình ảnh này thậm chí còn được hoàn tất đúng theo nghĩa đen khi Chúa Giêsu thực hiện cuộc khải hoàn tiến vào Giêrusalem trong ngày Chúa nhật Lễ Lá. Người ngồi trên “lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ” (Mt 21,5). Trong việc thực hành đường hướng tâm linh của các thế hệ sau thời lưu đày Babylon, rồi dẫn vào thời của Chúa Giêsu, phẩm chất khiêm nhường này: thái độ từ chối tất cả sự hào nhoáng bên ngoài và tự hào về địa vị cá nhân, rất được mộ mến. Qua những trải nghiệm thất bại trong lịch sử, Israel không thể cho mình đạt được những thành công dựa vào chính mình, mà buộc phải dựa vào Chúa. Những người nghèo khổ và khiêm nhường là những người được Chúa ưu ái. Đặc biệt là trong những câu chuyện của Luca về biến cố sinh hạ Chúa Giêsu, người ta thấy rõ rằng các phúc lành đã tuôn đổ trên người nghèo và khiêm tốn. Đức Maria và ông Dacaria, cha của Gioan Baotixita đều nghèo và ở địa vị khiêm tốn. Bà Maria đã không thể tìm được một nơi nào đàng hoàng để sinh con trai. Chúa Giêsu được chào đón bởi những người chăn chiên nghèo khó. Ông Giuse chỉ có thể dâng một lễ vật nghèo là một đôi chim gáy trong ngày tiến dâng Chúa Giêsu. Còn ông Simêon và bà Anna đều là những người già cả, những người thường chịu thiệt thòi và không được quan tâm.

 

ĐÁP CA: Tv 145:1-2, 8-11, 13b-14

Tựa đề của Thánh vịnh này là: “Ngợi khen. Của vua Đavít”, nghĩa là được gán cho Đavít, vua Israel. Đavít là vị vua được xức dầu, nhưng ông nhìn nhận còn có một quyền năng cao trọng hơn ông, là Thiên Chúa Vua muôn vua. Trong cc. 1-2, tác giả muốn tán dương và chúc tụng Chúa “mọi ngày” và “đến muôn thuở muôn đời”. Lòng sùng mộ và biết ơn của vua là không giới hạn. Thánh Gioan Kim Khẩu viết: “Ước muốn tán dương Chúa là một chỉ dấu của một tâm hồn con thảo đích thực. Ai tán dương Chúa mọi ngày thì sẽ được ca tụng Ngài miên viễn” (Expositio in Psalmos, 144.2).

Đây cũng là một bài thánh ca kể lại những lần Thiên Chúa can thiệp để hướng dẫn, che chở và bảo vệ dân Ngài trải qua suốt dòng lịch sử. Chương trình của Chúa cho các dân tộc là thiết lập một vương quốc của ân sủng, tình thương, công lí, và lòng mến hơn là biểu dương quyền lực và sự thống trị. Bởi  đó, Đức Bênêđictô XVI khi nhắc đến Thánh vịnh này đã nhấn mạnh đến những cụm từ diễn tả sự toàn thiện của Thiên Chúa, như: “Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu đối với muôn loài Chúa đã dựng nên” (c.9). Công trình sáng tạo của Ngài thật hiển hách, tuy nhiên phẩm tính trổi vượt của Ngài lại chính là tình thương vô bờ bến đối với chúng ta.

Chúa gần gũi…kẻ thành tâm cầu khẩn Ngài”. Phần thứ hai của Thánh vịnh chứa đựng một tư tưởng đầy an ủi: nếu chúng ta sẵn lòng thực thi ý Chúa thì chúng ta luôn xác tín rằng Ngài sẽ đáp lời cầu khẩn của chúng ta. (x. Bênêđictô XVI, Tiếp kiến chung, ngày 1 và 8 tháng Hai, 2006).

 

BÀI ĐỌC 2: Rm 8:9,11-13

Thần Khí ngự trong anh em

Chương 8 của thư Rôma là phần được chọn cho các bài đọc trong ba Chúa nhật kế tiếp nhau. Đây là chương có nội dung: người tín hữu sống theo Thần Khí. Chúng ta biết rằng người Kitô hữu được rửa tội, là tháp nhập vào Chúa Kitô. Họ sống với sự sống của Người, sự sống của Thần Khí của Chúa Kitô. Điều này có nghĩa là toàn bộ hệ thống giá trị của người Kitô hữu là của Thần Khí, là phản diện đối với các giá trị của “xác thịt”. Xác thịt, theo Phaolô không có nghĩa như người ta thường hiểu, là những sự tham lam, ước muốn tình dục, mê ăn, say xỉn. Trong thư gửi tín hữu Galát 5,18-21 (ở nhiều góc độ, những tư tưởng trong thư Galát chuẩn bị cho thư Rôma), “những việc do tính xác thịt” bao gồm những thứ “phi vật chất” như phù phép, ganh đua, cãi vã, ác ý. Do đó, khái niệm “xác thịt” tập trung vào những ham muốn tự nhiên không được kiềm chế hoặc không được uốn nắn, buông tuồng, đi ngược với tự chế. Do đó, sống theo Thần Khí không phải là sống theo luật Môsê, chỉ nhắm kiềm hãm các hành động bên ngoài. Vì thế, người ta không được sống theo luật xác thịt, mà cần phải sống theo Thần Khí của Chúa Kitô, từ đó lộ xuất một cách tự nhiên: tình yêu, niềm vui, sự bình an, sự kiên nhẫn, lòng tốt, sự tin cậy, sự dịu dàng và những tâm tình giống như Chúa Kitô. Theo nghĩa này, Luật của Chúa Kitô không kiềm chế cái bên ngoài nhưng tạo sự biến đổi từ bên trong.

 

TIN MỪNG: Mt 11,25-30

Chúa Cha và người Con

Từ cái nhìn cấu trúc, bài đọc Tin Mừng hôm nay có thể được chia thành ba phần: một bài thánh ca tạ ơn về sự mặc khải (cc. 25-26); một tuyên bố có ý nghĩa Kitô học giải thích vai trò của Chúa Giêsu trong mặc khải này (c. 27); một lời mời và lời yêu cầu (cc. 28-30). Ở giữa những nội dung này dường như có một chủ đề quan trọng nhất, đó là sự khôn ngoan. Cả về cấu trúc và nội dung, bài đọc này cho thấy có mối liên hệ với sách Huấn Ca. Bài đọc mở đầu bằng một biểu thức tạ ơn vang lên một lời cầu nguyện, được tìm thấy ở Huấn Ca (x. Hc 51,1), và kết thúc bằng một lời mời tương tự như trong cùng một chương của cuốn sách đó (x. Hc 51,23)..

Chúa Giêsu xưng hô với Thiên Chúa như một người Cha. Nhiều người ngày nay không hài lòng với đặc tính nam này. Chúng ta không thể phủ nhận rằng Chúa Giêsu là thành viên của một xã hội theo phụ quyền, điều quan trọng cần lưu ý là sự thân mật ngụ ý qua ngôn từ Aramaic này (Abba), hình thức mà Người sử dụng. Thiên Chúa còn được thân thưa như Chúa Cả trời đất, một danh hiệu biểu thị chủ quyền phổ quát. Chúa Giêsu dựa vào truyền thống Khôn ngoan để giải thích tại sao Người ngợi khen Cha. Truyền thống đó đặt sự đối lập giữa người khôn ngoan và kẻ ngu ngốc. Đoạn văn này cho thấy Thiên Chúa đã đảo ngược những kỳ vọng của thế gian như thế nào. Những điều kín ẩn của Thiên Chúa không được mặc khải cho những người khôn ngoan theo kiểu thế gian, là những người tự hào về kiến thức của chính họ và kết quả là họ trở thành tự mãn. Thay vào đó, những người được Chúa Cha mặc khải là những người bé nhỏ (nepios), những người yếu kém, biết sống tương quan với người khác, và do đó dễ mở lòng đón nhận. Rõ ràng là trong trường hợp này, ý muốn của Thiên Chúa và ý định của trần gian hoàn toàn khác nhau.

Chúa Giêsu mô tả mối tương giao mật thiết mà Người hiệp thông với Thiên Chúa theo những ngôn từ chỉ có thể được coi là một Kitô học rất cao siêu, một sự nhấn mạnh về thần tính hơn là nhân tính của Người. Ở đây các nguyên tắc làm nền tảng cho truyền thống Khôn ngoan lại xuất hiện. Truyền thống này cho rằng sự khôn ngoan, hoặc tri thức, xuất phát từ kinh nghiệm thực chứng. Biết thực sự một điều gì đó giả định một số hình thái nào đó của thực nghiệm. Biết ai ngụ ý am hiểu cả cái biết của họ. Chúa Giêsu ở đây tuyên bố rằng chỉ có Chúa Cha mới thực sự biết Người, bởi vì chỉ có Chúa Cha mới có loại tri thức thường hằng này về Người. Tương ứng, chỉ có Người mới thực sự có thể biết Thiên Chúa, vì chỉ có Người mới có đủ tri thức này. Nếu bất cứ ai khác biết Thiên Chúa, đó chỉ là vì Chúa Giêsu đã mặc khải về Thiên Chúa cho người đó. Theo nghĩa này, Chúa Giêsu chính là Đấng trung gian cho sự hiểu biết của con người về Thiên Chúa.

Lời mời gọi mà Chúa Giêsu đưa ra cho những ai đang vất vả mang gánh nặng nề gợi nhớ đến một lời mời gọi: hãy quy phục Đấng Khôn Ngoan (x. Hc 6,24; 24,19). Sự quy phục như vậy gợi lên hình ảnh về một ách. Có nhiều cấp độ khác nhau để người ta có thể hiểu về ý nghĩa của cái ách. Mặc dù điều chắc chắn nó có thể là một hình tượng của sự áp bức và sự khuất phục, cái ách cũng cho thấy những người mang nó muốn chia sẻ gánh nặng với nhau. Cuối cùng, “ách của Lề Luật” là một kiểu mô tả phổ biến trong giáo huấn của các rabbi. Sau này trong Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng nói đến đặc tính này của Luật.

Rất có thể, mỗi ý nghĩa này trong mức độ nào đó xuất hiện trong cách Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh cái ách. Người mời người nghe mang lấy ách của Người, để chấp nhận trách nhiệm mà Người sẽ đặt lên họ. So với gánh nặng mà Lề Luật áp đặt thì ách của Người thật nhẹ nhàng. Các môn đệ của Người phải học nơi Người là Đấng hiền lành và khiêm nhường. Là Đấng mà theo con mắt của trần gian thì thấp hèn và tầm thường. Mô tả này đưa chúng ta trở lại với những người được Thiên Chúa mặc khải cho những điều kín ẩn. Nếu những người nghe Chúa Giêsu tuân thủ giáo huấn này và nhận lấy ách của Người, thì họ cũng sẽ được ban phước bằng những điều Thiên Chúa sẽ mặc khải.

—-

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+  GLHTCG 514-521: Hiểu biết những mầu nhiệm về Chúa Kitô, hiệp thông trong các mầu nhiệm của Người

+  GLHTCG 238-242: Chúa Cha được mặc khải nhờ Chúa Con

+  GLHTCG 989-990: Xác loài người sống lại

Lm. Giuse Ngô Quang Trung