Bạn thấy Chúa đối xử với mình thế nào?
HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN – NĂM A
Mt 13,24-43
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ,
CÂU HỎI
1. Bài Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay có mấy dụ ngôn? Đức Giêsu nói với dân chúng những dụ ngôn nào? Và Ngài đã giải thích cho các môn đệ dụ ngôn nào?
2. Dụ ngôn người gieo hạt (Mt 13,3-8) với dụ ngôn cỏ lùng (Mt 13,24-30) có gì khác nhau và giống nhau?
3. Đọc Mt 13,25-26. Kẻ thù trong câu này là ai? Bạn biết gì về tính chất của cỏ lùng?
4. Đọc Mt 13,27-28. Những đầy tớ phản ứng thế nào khi thấy cỏ lùng mọc đầy ruộng?
5. Đọc Mt 13,29-30. Bạn nghĩ gì về những mệnh lệnh của ông chủ? Ông chủ là người thế nào?
6. Đọc Mt 13,36. Đức Giêsu giải thích ý nghĩa của dụ ngôn cỏ lùng ở đâu và cho ai? Đọc Mt 13,1.
7. Đọc Mt 13,37-42. Lời giải thích của Đức Giêsu về từng hình ảnh trong dụ ngôn ở Mt 13,24-30 có gì đánh động bạn?
8. Đọc Mt 13,31-33. Bạn thấy hai dụ ngôn này có gì giống nhau? Đâu là nội dung của chúng?
GỢI Ý SUY NIỆM
Bạn có thấy “cỏ lùng” trong cánh đồng thế giới, trong Giáo Hội hay ngay trong cộng đoàn nhỏ của bạn không? Cỏ lùng chẳng bao giờ thành lúa, nhưng “con cái của ác thần” có thể trở thành “con cái của Nước Trời” không?
1. Bài Tin Mừng hôm nay có 3 dụ ngôn: dụ ngôn cỏ lùng, dụ ngôn hạt cải và dụ ngôn men trong bột. Cả ba đều là dụ ngôn về Nước Trời, đều bắt đầu bằng câu “Nước Trời được ví như” hay “Nước Trời giống như” (Mt 13, 24.31.33). Đức Giêsu nói ba dụ ngôn này với dân chúng (Mt 13,24-35). Sau đó khi về nhà, các môn đệ hỏi về ý nghĩa của dụ ngôn cỏ lùng nên Ngài mới giải thích riêng cho họ về dụ ngôn trên (Mt 13,36-43). Có lẽ dụ ngôn cỏ lùng khá khó hiểu đối với họ.
2. Hai dụ ngôn có một số điểm giống nhau và khác nhau. Cả hai đều là những dụ ngôn của Đức Giêsu về Nước Trời. Cả hai đều nói đến chuyện một người đi gieo hạt giống (Mt 13,3.24). Tuy nhiên, cũng có những điểm khác nhau. Trong dụ ngôn người gieo giống, chỉ có một người gieo, và anh ấy gieo cùng một loại hạt giống trên những loại đất có chất lượng khác nhau, từ đó có kết quả khác nhau. Trong dụ ngôn cỏ lùng, có hai người gieo, một là ông chủ nhà, hai là kẻ thù của ông (Mt 13,25.27). Ở đây đất chỉ có một loại, đó là thửa đất ruộng của ông chủ (Mt 13,27), nhưng lại có hai loại hạt được gieo: hạt giống tốt và cỏ lùng (Mt 13,24-25). Trong dụ ngôn cỏ lùng, ta không thấy rõ cỏ lùng đã ảnh hưởng thế nào trên lúa, chỉ biết cuối cùng thì cỏ lùng bị đốt đi còn lúa được thu vào kho lẫm (Mt 13,30).
3. Trong dụ ngôn cỏ lùng có sự xuất hiện và hoạt động của “kẻ thù” của ông chủ ruộng lúa. Hẳn kẻ thù là người muốn làm hại ông chủ, không muốn cho ruộng lúa của ông được thành công. Lợi dụng lúc mọi người ngủ, anh ta lén lút đến gieo cỏ lùng vào giữa lúa, rồi chuồn đi (Mt 13,25).
Cỏ lùng (zizánia) là một loại cỏ dại, có độc tố, mọc mạnh hơn lúa và làm hại lúa. Trong giai đoạn đầu, cỏ lùng rất giống cây lúa, bởi đó gần như không thể phân biệt được cỏ với lúa. Khi lúa trổ bông, người ta mới nhận ra cỏ lùng (Mt 13,26). Hơn nữa, khi mọc chung với lúa, rễ của cỏ và lúa quấn vào nhau, tách ra không dễ (Mt 13,29). Ngày xưa chưa có thuộc diệt cỏ nên nhà nông phải luôn vất vả để loại bỏ thứ cỏ này.
4. Những đầy tớ của ông chủ ngạc nhiên vì sự xuất hiện của có lùng trong ruộng lúa. Họ biết chắc ông chủ chỉ gieo giống lúa tốt, vậy bởi đâu mà có cỏ lùng. Khi biết kẻ thù đã làm chuyện đó, họ muốn đi ra để gom cỏ lùng, vì họ sợ cỏ lùng làm hại lúa (Mt 13,27-28). Thái độ của những đầy tớ được coi là tự nhiên. Họ muốn tìm cho ra nguyên nhân của hiện tượng cỏ lùng. Và hơn nữa, khi tìm thấy nguyên nhân, họ lập tức muốn giải quyết ngay vấn đề. Nếu kẻ thù đã gieo cỏ lùng vào, thì họ muốn nhổ ra ngay. Tuy nhiên, họ cũng sẵn sàng làm theo ý chủ: “Ông có muốn…” (Mt 13,28).
5. Thái độ của ông chủ là ngăn cản không cho họ vội vã đi gom cỏ lùng. Ông sợ khi dọn cỏ lùng, họ lại làm bật luôn cả rễ lúa (Mt 13,29). Vậy chi bằng cứ để cả cỏ lẫn lúa sống chung với nhau cho đến mùa gặt. Khi ấy, ông sẽ sai người đi gom cỏ lùng trước, bó lại và đốt đi. Rồi sau đó mới cắt lúa để thu vào kho lẫm (Mt 13,30). Lời của ông chủ cho thấy ông không phản ứng vội vã trước hiện tượng cỏ lùng. Đối với ông, cây lúa thì quan trọng hơn. Ông không muốn vì diệt cỏ lùng mà làm chết cây lúa. Đó là lý do tại sao ông chấp nhận để cho lúa sống chung với cỏ lùng, dù ông biết cỏ lùng có ảnh hưởng không tốt trên cây lúa. Ông chủ kiên nhẫn đợi đến mùa gặt, khi cây lúa đã đến thời điểm thu hoạch, lúc ấy ông mới đốt cỏ lùng.
6. Khi từ Biển Hồ về nhà (x. Mt 13,1), theo lời yêu cầu của các môn đệ (Mt 13,36), Đức Giêsu đã giải thích riêng cho họ dụ ngôn cỏ lùng, cẩn thận từng chi tiết một (Mt 13,37-39). Vậy lúc mới nghe, các môn đệ không hiểu dụ ngôn này, nhưng sau khi được Thầy Giêsu giải thích lúc ở nhà, họ đã hiểu (Mt 13,51).
7. Đức Giêsu đã giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong Mt 13,37-43. Cả thế giới này (kosmos) là ruộng lúa của ông chủ, tức là của Đức Giêsu hay của Con Người. Ngài đã gieo hạt giống tốt là con cái của Nước Trời trong thế giới này, còn quỷ thì gieo cỏ lùng là con cái của ác thần. Đó là tình cảnh của thế giới xưa cũng như nay, một thế giới vàng thau lẫn lộn. Quỷ (diabolos) có mặt và hoạt động trong thế giới, lôi kéo được một số người đứng về phe nó và làm tay sai cho nó. Quỷ đã biến họ thành “con cái của ác thần”, đứng ở thế đối nghịch với “con cái của Nước Trời”.
Đức Giêsu khuyên chúng ta có thái độ bao dung, nhẫn nhịn, chấp nhận tình trạng “con cái của Nước Trời” sống chung với “con cái của ác thần” như lúa sống chung với cỏ lùng trong ruộng. Án phạt cho “con cái của ác thần” chỉ diễn ra vào ngày tận thế. Vào ngày ấy những kẻ làm điều gian ác mới bị trừng phạt nặng nề (Mt 13,40-42). Họ sẽ bị tống ra khỏi Nước của Con Người, còn những người công chính được nhận vào Nước Cha (Mt 13,41.43).
8. Dụ ngôn hạt cải và dụ ngôn men trong bột (Mt 13,31-33) là hai dụ ngôn nói về bước đầu nhỏ bé và sự lớn mạnh của Nước Trời. Việc rao giảng của Đức Giêsu lúc đầu chỉ nhỏ như hạt cải, nhưng chẳng bao lâu nó trở thành cây to bóng cả cho chim trời đến trú ngụ. Nắm men nhỏ được vùi vào “ba thúng bột”, lượng bột lớn đủ cho cả trăm người ăn. Vậy mà nắm men đó có khả năng làm cả khối bột lớn lên men. Tuy được “vùi” trong âm thầm, nhưng lời loan báo Nước Trời của Đức Giêsu có sức biến đổi mạnh mẽ và phổ quát.