HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN A
Is 55,1-3 ; Rm 8,35.37-39 ; Mt 14,13-21
Cho Phúc Hơn Nhận
I. HỌC LỜI CHÚA
- TIN MỪNG: Mt 14,13-21
(13) Nghe tin ấy, Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đám đông từ các thành đi bộ mà theo Người. (14) Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ. (15) Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi. Vậy xin Thầy giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn”. (16) Đức Giê-su bảo: “họ không cần phải đi đâu cả. Chính anh em hãy cho họ ăn”. (17) Các ông đáp: “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá !” (18) người bảo: “Đem lại đây cho Thầy !”. (19) Rồi sau đó, Người truyền cho đám đông ngả mình trên cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho đám đông. (20) Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. (21) Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con.
- Ý CHÍNH: ĐỨC GIÊ-SU HÓA BÁNH RA NHIỀU LẦN THỨ NHẤT
Như ông Mô-sê trong thời Xuất Hành, Đức Giê-su đã đưa dân chúng tin Người vào hoang địa. Tại đây Người đã làm phép lạ nhân bánh ra nhiều để nuôi “năm ngàn người đàn ông không kể đàn bà con trẻ” giống như Mô-sê xưa đã xin Đức Chúa ban man-na từ trời rơi xuống để nuôi dân Ít-ra-en. Phép lạ này tiên báo về bí tích Thánh Thể mà Đức Giê-su sẽ thiết lập trong bữa Tiệc Ly sau này.
- CHÚ THÍCH:
– C 13-14: + Lánh khỏi nơi đó: Khi Gio-an Tẩy Giả bị vua Hê-rô-đê bỏ tù thì Đức Giê-su đã lánh sang miền Ga-li-lê (x. Mt 4,12). Giờ đây, khi nghe tin Gio-an bị vua Hê-rô-đê chém đầu thì Đức Giê-su lánh vào nơi hoang vắng, vì chưa đến “giờ của Người” (x.Ga 8,59;11,53-54). Cái chết của Gio-an là điềm báo về cái chết của Người sắp xảy đến. + Đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt: Theo Mác-cô và Lu-ca, lý do chính của cuộc rút lui này là để thầy trò có những giờ phút ở riêng bên nhau, tránh sự quấy rầy của dân chúng (x. Mc 6,31). Hướng đi của thuyền các ngài là hoang địa gần thành Bét-sai-đa (x. Lc 9,10), nằm về phía Đông Bắc và cách biển hồ Ga-li-lê khoảng một cây số. Đây là thời gian gần đến lễ Vượt qua của dân Do Thái (x. Ga 6,4). + Đám đông từ các thành đi bộ mà theo Người: Đông đảo dân chúng đi theo Đức Giê-su gợi lên hình ảnh dân Ít-ra-en xưa cũng đi theo Mô-sê vào trong sa mạc Xi-nai. + Chạnh lòng thương: Khi chạnh lòng thương và chữa lành các bệnh nhân, Đức Giê-su chứng tỏ Người chính là Mục tử lý tưởng mà ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã tuyên sấm (x. Ed 34,11-16).
– C 15-18: + xin Thầy giải tán đám đông: Các môn đệ đã biết nghĩ đến nhu cầu của đám đông đang cần được ăn uống, nhưng các ông lại bất lực trước nhu cầu lớn lao kia, nên đề nghị Đức Giê-su giải tán dân chúng để ai nấy tự lo lương thực cho mình. + Chính anh em hãy cho họ ăn: Đức Giê-su biết rõ các môn đệ bất lực, nhưng Người vẫn ra lệnh cho các ông phải lo cho họ được ăn. Qua câu này, Người muốn Giáo Hội sau này không những phải rao giảng Tin Mừng, mà còn phải làm hết khả năng để đáp ứng nhu cầu về thể xác cho dân chúng nữa. + chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá !: Số lượng quá nhỏ bé so với nhu cầu cần dùng. Riêng Tin Mừng Gio-an còn cho biết năm chiếc bánh đó làm bằng lúa mạch, tức là loại bánh của người nghèo. + Đem lại đây cho Thầy !: Với mấy chiếc bánh như vậy, các môn đệ không thể làm được gì. Nhưng Đức Giê-su chỉ cần các ông có thiện chí đóng góp hết khả năng của mình là Người sẽ thực hiện một phép lạ lớn lao.
– C 19: + Người truyền cho đám đông ngả mình trên cỏ: Cỏ chỉ mọc vào mùa xuân, nghĩa là khoảng tháng ba dương lịch trước lễ Vượt Qua (x. Ga 6,4.10; Mc 6,39). Việc cho dân chúng ngồi trên cỏ là để tránh mất trật tự thường xảy ra mỗi khi phân phát đồ ăn. + Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá: Trong các gia đình Do thái, vào trước bữa ăn, người cha thường đọc kinh cảm tạ Thiên Chúa về những ơn lành Người đã thương ban. Ở đây khi làm cử chỉ này, Đức Giê-su cho thấy Người là gia chủ của đại gia đình nhân loại. + Ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng và bẻ ra, trao cho các môn đệ: Các cử chỉ và hành động ở đây tương tự như Người sẽ làm trong bữa tiệc ly để thiết lập bí tích Thánh Thể vào tối Thứ Năm trước cuộc khổ nạn sau này (x. Mt 26, 26).
– C 20-21: + Ăn no và còn dư: là hai yếu tố nói lên sự dồi dào của bữa tiệc Thiên Sai mà I-sai-a đã tuyên sấm trước đó: “ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thì béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế” (Is 25,6). + Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại đựơc mười hai giỏ đầy: Mười hai Tông đồ thu được mười hai giỏ. Con số 12 ở đây tượng trưng cho 12 chi tộc dân Ít-ra-en. Qua đó cho thấy sự nghiệp của Đức Giê-su lan rộng đến toàn dân chứ không dừng lại ở số người được ăn bánh hôm ấy. + Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con: Vì con đường theo Đức Giê-su quá xa nên có lẽ chỉ đàn ông mới quyết tâm đi tới nơi. Có thể đàn bà con nít cũng có mặt, nhưng không được tác giả Tin mừng nhắc đến do quan niệm “trọng nam khinh nữ” của dân Do thái thời bấy giờ.
- CÂU HỎI:
1)Tại sao Đức Giê-su phải lánh vào nơi hoang địa ? Nơi đó nằm ở đâu ? 2) Đông đảo dân chúng đi theo Đức Giê-su gợi lên hình ảnh nào trong thời kỳ Xuất Hành ? Thái độ chạnh lòng thương và chữa lành bệnh tật của Đức Giê-su cho thấy Người là ai ? 3) Tại sao các môn đệ lại đề nghị Đức Giê-su giải tán đám đông ? Khi đòi chính các ông phải lo cho dân chúng ăn, Đức Giê-su muốn dạy bài học gì cho các mục tử của Hội Thánh ? 4) Đức Giê-su đã làm gì trước khi nhân bánh ra nhiều để nuôi dân chúng ? Phép lạ này tiên báo về bí tích nào sẽ được Người thiết lập sau này ? 5) Hai đặc tính của bữa tiệc là ăn no và còn dư cho thấy lời tuyên sấm nào của Ngôn sứ I-sai-a đã được ứng nghiệm ? Ý nghĩa của con số 12 giỏ đầy bánh thừa nói lên điều gì ? 6) Phải chăng đàn bà và trẻ con không được ăn bánh hóa nhiều trong phép lạ này của Đức Giê-su ?
II. SỐNG LỜI CHÚA:
- LỜI CHÚA: “Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ” (Mt 14,14).- Đức Giê-su bảo: “Họ không cần phải đi đâu cả. Chính anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14,16).
- CÂU CHUYỆN:
1) TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC THỂ HIỆN BẰNG SỰ SẺ CHIA?
Ăn thêm cái nữa đi con!
– Ngán quá, con không ăn đâu!
– Ráng ăn thêm một cái, má thương. Ngoan đi cưng!
– Con nói là không ăn mà. Vứt đi ! Vứt nó đi !
Thằng bé lắc đầu quầy quậy, gạt mạnh tay. Chiếc bánh kem văng qua cửa xe rơi xuống đường, sát mép cống. Chiếc xe hơi láng bóng rồ máy chạy đi.
Hai đứa trẻ đang bới móc đống rác gần đó, thấy chiếc bánh nằm chỏng chơ, chạy nhanh đến nhặt. Mắt hai đứa sáng lên dán chặt vào chiếc bánh kem thơm ngon. Thấy bánh bị lấm láp, đứa em gái nuốt nước miếng và bảo thằng anh:
– Anh Hai thổi sạch rồi hai anh em mình cùng ăn nhé.
Thằng anh phùng má thổi. Nhưng bụi đất đã dính vào kem chẳng chịu đi cho. Đứa em sốt ruột cũng ghé miệng thổi tiếp. Chính cái miệng háu đói của nó đã làm chiếc bánh rơi tòm xuống mương đầy nước dơ bên cạnh.
– Ai biểu anh Hai thổi chi cho mạnh – Con bé nói rồi thút thít khóc.
– Ừa.Tại anh! Nhưng kem còn dính tay nè. Cho em ba ngón, anh chỉ liếm hai ngón thôi.
2) TÌNH YÊU MẠNH HƠN SỰ CHẾT.
Có hai anh em nhà kia, cậu bé trai 8 tuổi và cô em gái 6 tuổi. Cả hai đều gầy yếu và đau ốm luôn. Một hôm cậu bé bị đau gan cấp tính, được cha mẹ đưa vào cấp cứu trong bệnh viện gần nhà. Sau thời gian hai tuần lễ điều trị, cậu bé đã thoát khỏi tình trạng nguy hiểm và nằm viện thêm ít ngày để hồi sức. Nhưng sau đó, đến lượt em gái bị chứng xuất huyết nội và được cha mẹ mang đi cấp cứu trong cùng một bệnh viện với anh. Cô bé bị mất máu khá nhiều cần phải được cấp thời tiếp máu. Thế nhưng bệnh viện lại không có sẵn loại máu của cô để truyền cho cô. Rất may là máu của cậu anh lại cùng một loại với cô em. Khi được hỏi có muốn truyền máu để cứu sống em gái không, thì lúc đầu cậu bé tỏ ra chần chừ và lo lắng một chút. Nhưng ngay sau đó, cậu ta đã can đảm trả lời bác sĩ: “Vâng, con bằng lòng hiến máu cho em con. Xin bác sĩ hãy cố gắng cứu sống nó. Vì con thương em con lắm”. Sau đó các bác sĩ đã tiếp máu từ cậu bé sang cho cô em. Đến khi cậu bé tỉnh dậy, mọi người trong phòng đều ngạc nhiên và buồn cười nghe cậu bé hỏi: “Ô hay! Con vẫn còn sống đấy ư? Vậy bác sĩ đã tiếp máu cho em gái con chưa? Em con bây giờ ra sao rồi?”
3) TÌM THẤY NIỀM VUI KHI CẢM THÔNG GIÚP ĐỠ THA NHÂN:
Một cậu bé thuộc dòng dõi quí tộc đang đi dạo với người giám hộ dọc theo một bờ ruộng, bên cạnh đó một người tá điền đang cày ruộng cho cha cậu. Ông tá điền cởi đôi ủng để lại trên bờ ruộng trước khi làm việc. Cậu bé tinh nghịch muốn giấu đôi ủng ấy để trêu chọc người nông dân. Nhưng người giám hộ đã khuyên cậu rằng:
– Con chớ làm cho người tá điền nghèo khổ này buồn phiền, nhưng hãy làm cho ông ta được vui thì tốt hơn. Ta khuyên con hãy bỏ tiền vào hai chiếc giày ủng. Chúng ta sẽ núp ở gần đây để xem thái độ của ông ta thế nào khi nhận được tiền.
Cậu bé đã làm như lời dạy của thầy mình. Chờ cho người nông dân không để ý, cậu đã mon men đến gần đôi ủng và bỏ vào mỗi chiếc ủng một đồng bạc.
Một lát sau, người nông dân trở lại lấy đôi ủng để về nhà. Sau khi khám phá ra có tiền trong đó, ông đã vội quì xuống và ngước mắt lên trời cảm tạ Chúa đã thương ban ơn giúp cho gia đình ông qua cơn túng cực. Ông cũng xin Chúa chúc lành và trả công cho vị ân nhân vô danh đã làm điều này.
Đứng trước nhưng gì dã xảy ra và nghe lời người nông dân cầu nguyện, cậu bé đã rất cảm động muốn khóc. Đây là lần đầu tiên cậu cảm thấy lòng mình vui vẻ hạnh phúc.
- CẢM THƯƠNG CHÚ CHÓ CON BỊ TẬT NGUYỀN:
Một cậu bé xuất hiện trước cửa hàng bán chó và hỏi người chủ cửa hàng:
– Giá mỗi con chó là bao nhiêu vậy bác ?
Người chủ cửa hàng trả lời:
– Khoảng từ 30 tới 50 đô la một con!
Cậu bé rụt rè nói:
– Cháu có thể xem chúng được không ạ ?
Người chủ cửa hàng mỉm cười rồi huýt sáo ra hiệu. Từ trong chiếc cũi, năm chú chó con bé xíu như năm cuộn len chạy ra, duy có một chú bị tụt lại sau khá xa. Ngay lập tức, cậu bé chú ý tới chú chó chậm chạp đi hơi khập khiễng đó. Cậu liền hỏi:
– Con chó này bị sao vậy hả bác ?
Ông chủ giải thích rằng nó bị tật ở khớp hông và nó sẽ bị khập khiễng suốt đời.
Nghe thế cậu bé tỏ ra xúc động:
– Đó chính là con chó mà cháu muốn mua!
Chủ cửa hàng nói:
– Nếu cháu thực sự thích con chó đó, ta sẽ tặng cho cháu. Nhưng ta biết là cháu sẽ thực sự không muốn mua nó đâu.
Gương mặt cậu bé thoáng buồn, cậu nhìn thẳng vào mắt ông chủ cửa hàng và nói:
– Cháu không muốn bác tặng không nó cho cháu đâu. Con chó đó cũng có giá trị như những con chó khác mà. Cháu sẽ trả bác đúng giá. Thực ra, ngay bây giờ cháu chỉ có thể trả 2 đô la 37 xu thôi. Sau đó, mỗi tháng cháu sẽ trả góp 50 xu được không ạ ?
– Bác bảo thật nhé, cháu không nên mua con chó đó, người chủ cửa hàng khuyên. Nó không bao giờ có thể chạy nhảy và chơi đùa với cháu như những con khác được đâu.
Ông vừa dứt lời, cậu bé liền cúi xuống vén ống quần lên, để lộ ra cái chân trái bị tật nguyền, cong vẹo được nâng đỡ bằng một thanh kim loại. Cậu ngước nhìn ông chủ cửa hàng và nói:
– Chính cháu cũng chẳng chạy nhảy được mà, và chú chó con này sẽ cần một ai đó thấu hiểu và sẵn sàng chơi đùa với nó. (theo Dan Clark)
Yêu thương là thế đó. Chúng ta không những phải yêu thương con người mà còn phải yêu thương cả các con vật do Chúa dựng nên nữa. Như thế mới gọi là yêu như Chúa.
5) BẠN CHÍNH LÀ ĐÔI TAY CỦA CHÚA:
Vào cuối Thế Chiến Thứ Hai, để thu phục nhân tâm của dân chúng trong một làng quê ở miền cực Nam nước Ý vừa được giải phóng khỏi phát xít Đức, toán quân Đồng Minh đã cố gắng phục hồi lại bức tượng Thánh Tâm Chúa Giê-su bằng thạch cao, đã bị bể tan trong cuộc chiến trước đó. Bức tượng này cao khoảng 2 mét, được dựng trên đài phía trước nhà thờ của làng. Sau nhiều ngày tìm kiếm, toán lính kia đã tìm các mảnh bị vỡ và gắn lại thành bức tượng Thánh Tâm như trước, duy chỉ còn thiếu đôi tay của bức tượng. Có lẽ hai cánh tay bức tượng đã bị bể tan do bom đạn. Sau khi đã làm hết cách, cuối cùng tóan lính đành chịu bỏ dở công việc. Bấy giờ một người trong bọn bật ra sáng kiến hay. Anh ta đi lấy hai khúc gỗ gắn giả thay cho hai cánh tay của bức tượng Chúa, rồi viết vào đó hàng chữ: “BẠN CHÍNH LÀ ĐÔI TAY CỦA CHÚA”. Hàng chữ này không những đã đánh động tâm hồn của dân chúng trong làng, mà còn thu hút nhiều du khách từ các nơi đến chiêm ngưỡng bức tượng Thánh Tâm với đôi tay của loài người.
- SUY NIỆM:
1) DIỄN TIẾN PHÉP LẠ: Tin Mừng thuật lại như sau:
– Đem lại đây cho Thầy !: Dù đây chỉ là phần đóng góp nhỏ nhoi của các môn đệ, nhưng Người vẫn sử dụng. Người chỉ cần các ông nhiệt tình và quảng đại trao cho Người những gì các ông đang có là đủ.
– Người cầm lấy năm chiếc bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông: Con đường đi của những tấm bánh là từ tay các môn đệ đến tay Đức Giê-su, dâng lên cho Chúa Cha, rồi trở lại tay các môn đệ, và cuối cùng đến tay từng người trong đám đông.
– Bẻ ra, trao đi, chia sẻ và hóa nhiều: Phép lạ các tấm bánh được nhân ra nhiều khi nó đang ở trong tay ai ? Tin Mừng không nói rõ Đức Giê-su đã làm phép lạ từ năm cái bánh trở thành một đống bánh và cá thật lớn, rồi các môn đệ chỉ việc lấy ra phân phát cho dân chúng nhưng thánh sử Mát-thêu viết như sau: “Người bẻ bánh ra trao cho các ông”, và sau đó chắc các ông cũng phải bẻ ra và chia cho đám đông. Và có lẽ mỗi người trong đám đông cũng phải bẻ tấm bánh của mình để chia sẻ cho người bên cạnh. Chẳng mấy chốc ai nấy đều có bánh ăn. Như thế những tấm bánh từ tay Đức Giê-su đã được bẻ ra, trao đi và chỉ nhân ra nhiều khi nó được chia sẻ từ người này sang người khác. Đó là điều then chốt mà phép lạ này muốn nói lên.
2) ANH EM HÃY LÀM VIỆC NÀY MÀ TƯỞNG NHỚ ĐẾN THẦY (Lc 22,19):
– Phép lạ Bánh hóa nhiều là hình ảnh của bí tích Thánh Thể Đức Giê-su sắp thiết lập trong bữa Tiệc ly trước cuộc Khổ nạn: Bữa tiệc này trùng với bữa tiệc Vượt Qua của dân Do thai. Đức Giê-su đã sử dụng Bánh Không Men dùng trong bữa tiệc Vượt Qua theo truyền thống, để biến thành Bánh Ban Sự Sống tức là Thân Mình của Người, sắp chịu hiến tế vì nhân loại. Người cũng dùng chén rượu nho để biến thành Máu Huyết Người sắp đổ ra để đền tội thay cho nhân loại. Cuối cùng Người truyền cho các môn đệ: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (x. Lc 22,19-20).
– Điều kiện để tham dự Bữa Tiệc của Chúa là quảng đại tha thứ và yêu thương hiệp nhất (x. Mt 5,23-24; 6,14-15): Thánh Phao-lô đã quở trách các tín hữu Cô-rin-tô họp nhau mà không làm theo cách thức như bữa tối của Chúa. Vì mỗi người lo ăn bữa riêng của mình trước, và như thế kẻ thì đói, người lại no say (x. 1 Cr 11,17-21). Thánh nhân cảnh cáo họ về tội chia rẽ và thái độ lỗi đức bác ái như sau: “Anh em không có nhà để ăn uống sao ? Hay anh em khinh dể Hội Thánh của Thiên Chúa và làm nhục những người không có của ?”(1 Cr 11, 20-22). Vì thế bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa” (1 Cr 11, 27).
3) PHÉP LẠ BẺ BÁNH TRONG ĐỜI THƯỜNG: Phép lạ nhân Bánh ra nhiều không dừng lại ở việc Bẻ Bánh tại nhà thờ, mà còn phải đựơc tiếp tục kéo dài trong cuộc sống: bẻ ra, trao đi và hóa nhiều.
– Đừng sợ tấm bánh bị bẻ ra và cho đi sẽ bị hao hụt và không còn đủ cho mình: Nếu các môn đệ xưa cũng nghĩ như vậy và không chịu trao cho Đức Giê-su năm chiếc bánh và hai con cá thì số bánh cá đó vẫn chỉ có bằng đó. Nhưng nhờ biết quảng đại trao cho Đức Giê-su, để Người bẻ ra trao lại cho các ông để các ông phân phát cho dân chúng mà bánh đã hóa ra nhiều.
– Ngày nay cũng có nhiều người đang cần các thứ bánh vật chất và tinh thần: bánh công lý, bánh yêu thương, bánh cảm thông tha thứ và phục vụ. Đừng ngại khi bạn phải hy sinh nhiều. Nếu bạn dám bẻ đôi những gì bạn có thì chắc thế giới này sẽ không còn người đói, nhưng tất cả sẽ được no nê bánh ăn vật chất và còn được no đầy cả bánh tinh thần là sự bình an, vui tươi, hạnh phúc và niềm hy vọng.
- THẢO LUẬN:
1) Ngoài việc cho kẻ đói bánh ăn vật chất, bạn có thể cho họ những thứ bánh tinh thần hay không? 2) Trong những ngày sắp tới bạn quyết tâm sẽ trao bánh tinh thần nào cho người sống bên cạnh bạn: Một nụ cười, một lời khen thành thật, một sự giúp đỡ tận tình và còn gì nữa…?
- NGUYỆN CẦU:
– LẠY CHÚA GIÊ-SU. Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa muốn chúng con noi gương Chúa “Luôn chạnh lòng xót thương” những kẻ đói nghèo đang sống bên cạnh chúng con. Xin cho chúng con cảm nghiệm được sự đói khát đang giày vò bao người, để sẵn sàng làm theo lời Chúa dạy: “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Nhưng Lạy Chúa. Khả năng chúng con giới hạn và không thấm vào đâu so với nhu cầu của tha nhân. Xin cho chúng con biết noi gương quảng đại của các môn đệ Chúa xưa bằng việc dám trao tất cả những gì chúng con có cho Chúa, để Chúa trao tất cả những gì Chúa có cho chúng con.
– LẠY CHÚA. Con xin mượn lời cầu nguyện của một thi sĩ để dâng lên Chúa như sau: “Con chỉ là một tia lửa, xin biến con thành ngọn lửa hồng. Con chỉ là một sợi dây, xin biến con thành một cây đàn. Con chỉ là một quả đồi, xin biến con thành một rặng núi. Con chỉ là một giọt nước, xin biến con thành một đại dương. Con chỉ là một cọng lông, xin biến con thành đôi cánh lớn. Con chỉ là một gã ăn xin, xin biến con thành một Vương hầu”. Khi nhìn lại bản thân, con cảm thấy thân xác con quá yếu đuối, suy nghĩ con thật nông cạn, trái tim con lại nhỏ bé, địa vị con quá thấp hèn, tài sản con chỉ là đôi bàn tay trắng ! Nhưng con tin rằng, nếu con biết quảng đại hiến dâng cho Chúa, thì Chúa sẽ biến hóa nó nên sức mạnh giúp con làm được những việc lớn lao.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH – HHTM