Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 24 Thường Niên, Năm A

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 24 Thường Niên, Năm A

Chủ đề Lời Chúa hôm nay là sự tha thứ. Người ta có thể nói rằng một trong những giáo huấn nổi bật nhất của Chúa Giêsu là sự tha thứ cho những người xúc phạm đến mình. Chính Chúa đã thực thi điều này. Người đã sẵn lòng tha thứ cho những kẻ kết án Người, để chấp nhận cái chết trên thập giá.

 

BÀI ĐỌC 1: Hc 27,30- 28,7

Hận thù và Tranh chấp

Mấy tháng trước đây chúng ta đã được nghe đọc từ bậc tôn sư thông thái này (chính xác là Chúa nhật 6 thường niên, năm A). Ông là một thầy giáo tại đền thờ Giêrusalem; học trò của ông là những con em trong các gia đình khá giả tại thành phố này. Ông là người có tình yêu và lòng kính phục rất lớn đối với Đền Thờ và Lề Luật Thiên Chúa. Ông đã tập hợp lại và suy ngẫm về sự khôn ngoan của người xưa, ông luôn luôn ý thức rằng Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi sự khôn ngoan đích thực. Hầu hết những phương châm khôn ngoan của ông phù hợp với phẩm chất khó nắm bắt, nhưng đi vào cảm thức chung của mọi người, và điều đó vốn luôn phải như vậy! Ở đây, ông đã hướng tới trước sứ điệp của dụ ngôn Tin Mừng hôm nay: phẩm tính mà chúng ta biết rõ nhất ở nơi Thiên Chúa là lòng thương xót và sự tha thứ của Ngài. Ý nghĩa chính của danh Thiên Chúa được mặc khải cho Môsê trên núi Sinai là “Chúa nhân hậu và từ bi”, và điều này được lặp đi lặp lại trong Sách Thánh. Chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, và vinh dự của chúng ta là học sống và thực hành theo cách con người yếu hèn của chúng ta sự tha thứ này của Thiên Chúa. Một khi chúng ta coi tình yêu và sự tha thứ là phương thức sống thiêng liêng của mình, thì toàn bộ mối tương giao của chúng ta với người khác sẽ thay đổi. Vài dòng cuối cùng cho chúng ta một bản tóm tắt hay và phổ biến về sự ngu ngốc khi tranh chấp và hận thù.

 

ĐÁP CA: Tv 103

Chúa là Đấng từ bi nhân hậu

Trong bài thánh ca này, người xướng dâng lời ca ngợi Thiên Chúa mà lòng nhân từ của Ngài đã được thể hiện trong mọi khoảnh khắc của đời sống cá nhân — trong hành động tha thứ và bảo vệ khỏi những thế lực đe dọa tính mạng (cc. 1-5). Đây cũng chính là Chúa, Đấng đã từng cứu giúp những người thấp cổ bé miệng, đã thực hiện những kì công cho Israel qua trung gian của Môsê. Các câu 6-18 mô tả Thiên Chúa của Israel là công bình, nhưng không bao giờ cho phép công lý phá vỡ lòng nhân từ của Ngài. Tội lỗi của con người không thể phá hủy những ơn ban của Thiên Chúa dành cho con người (cc. 11-13), cũng như sự yếu đuối và tầm thường của nó (khi so sánh với sự vĩnh cửu của Thiên Chúa) không thể ngăn cản lòng thương xót của Thiên Chúa. Những ai trung thành với giao ước sẽ trở thành thành viên của một gia tộc mà Thiên Chúa hứa sẽ ở lại với họ (cc. 17-18). Việc ngợi khen Chúa không phải là nhiệm vụ của riêng của  Israel; muôn vì thiên sứ, thiên binh  trên trời cũng tham gia vào việc ngợi khen này (cc. 19-22).

Thánh Augustinô phân biệt các thiên thần và hữu thể thiêng liêng: thiên thần là tên gọi chỉ chức vụ, chứ không chỉ bản chất. Nếu bạn tìm tên gọi chỉ bản chất của vị này thì đó là hữu thể thiêng liêng; nếu bạn tìm tên gọi chỉ chức vụ, thì đó là thiên thần: vị ấy là gì, thì là thiêng liêng, vị ấy làm gì thì là thiên thần. (x. GLHTCG 328-329, 2645)

 

BÀI ĐỌC 1: Rm 14,7-9

Đời sống cộng đoàn trong Chúa Kitô

Bối cảnh của lời tuyên bố tuyệt vời này của Phaolô là lời khuyên răn mang ý nghĩa luân lí đối với các tín hữu Rôma vào cuối bức thư của ngài. Phaolô nhấn mạnh rằng không ai được làm xáo trộn lương tâm của người khác. Ngài đã thảo luận về một vấn đề cụ thể vào thời đó: liệu một người ăn thịt được cúng cho ngẫu tượng có liên quan đến việc họ cũng tôn thờ ngẫu tượng đó hay không. Ngài nêu ý kiến của riêng mình, nhưng  không áp đặt cho bất kỳ ai khác. Vì Phaolô sống với sự sống của Chúa Kitô, sự sống ấy mang lại cho mọi Kitô hữu một phẩm giá, một sự đáng tin cậy và cuối cùng là tự do để đưa ra quyết định của riêng mình. Đó có thể nói là một sự cân bằng tinh tế: Phaolô đưa ra ý kiến của mình, điều đó cũng có nghĩa là chúng ta phải lắng nghe tiếng nói của Giáo hội và của các bậc thầy trong Giáo hội. Đồng thời, ngài nhận ra sự hiện diện của Thần Khí Chúa Kitô hướng dẫn mỗi cá nhân Kitô hữu khi họ thực sự sống cho Chúa. Đối với một tín hữu sống trong thời đại hiện nay, điều này đặt ra một loạt câu hỏi. Tôi đã thực sự biết lắng nghe chưa? Có phải tôi luôn tỏ ra bướng bỉnh, bất tuân, lừa dối bản thân để trốn tránh những sự thật mà tôi cảm thấy bất tiện cho bản thân? Tiếng nói của Giáo hội là gì đối với tôi? Dù câu trả lời là gì, sự tin tưởng của Phaolô nơi sự hướng dẫn của Thần Khí cho thấy phẩm giá của Kitô hữu và sự tôn trọng mà mỗi Kitô hữu phải được tôn trọng.

 

TIN MỪNG: Mt 18,21-35

Người mắc nợ không biết thương xót

Chủ đề được trình bày trong bài đọc Tin Mừng hôm nay là sự tha thứ. Tuy nhiên, cả câu hỏi của Phêrô và bối cảnh của dụ ngôn mà Chúa Giêsu kể lại cho thấy bối cảnh của sự tha thứ này là trong cộng đoàn. Phêrô hỏi về một người anh em (adelphos), một thành viên của cộng đoàn đức tin; những người mắc nợ trong dụ ngôn dường như thuộc cùng một gia đình. Những chi tiết này cho thấy sự tha thứ trong cộng đoàn là trọng tâm muốn trình bày ở đây.

Các giáo sĩ Do Thái dạy rằng nghĩa vụ tha thứ đã được hoàn tất nếu một người tha thứ cho một người phạm tội ba lần. Ông Phêrô chắc hẳn nghĩ rằng mình rất hào phóng nếu ông tha thứ bảy lần, một con số mang âm hưởng của sự trọn vẹn. Tuy nhiên, Chúa Giêsu cho biết rằng ngay cả điều này cũng không đủ cho các thành viên trong cộng đoàn của Người. Với sự ám chỉ đến sự trả thù quá mức của Lamếch của thời nguyên thủy (x. St 4,24), Chúa Giêsu khẳng định rằng một thành viên vi phạm trong cộng đồng phải được tha thứ bảy mươi bảy lần. Mặc dù tiếng Hy Lạp cũng được dịch là “bảy mươi lần bảy”, nhưng co số được đưa ra đều là giống nhau. Không có giới hạn về số lần chúng ta phải sẵn sàng tha thứ cho những người đã xúc phạm chúng ta.

Chúa Giêsu dùng một dụ ngôn để minh họa mức độ mà các môn đệ của Người phải sẵn sàng tha thứ cho nhau và hậu quả sẽ xảy đến với họ nếu họ không thực hiện như vậy. Dụ ngôn mô tả cách thức mà sự tha thứ hoạt động trong Nước Trời. Chi tiết của câu chuyện phản ánh phong tục Cận Đông cổ đại. Các vị vua phương Đông thường thực thi quyền sống và quyền chết đối với thần dân của mình, như được thấy ở đây. Bản văn tiếng Hy Lạp cho chúng ta biết rằng con nợ thứ nhất nợ mười ngàn yến vàng, trong khi con nợ thứ hai nợ một trăm quan tiền. Vì một yến vàng tương đương với sáu nghìn quan tiền, nên món nợ của người đàn ông thứ hai chỉ bằng một phần sáu trăm nghìn khoản nợ của người đàn ông thứ nhất. Sự tương phản gay gắt này thể hiện sự khác biệt giữa lòng nhân từ của nhà vua và sự cứng lòng của con nợ thứ nhất.

Hình phạt cho việc không trả nợ được thực hiện tương ứng với khoản nợ phải trả. Vì người đàn ông đầu tiên nợ một số tiền quá lớn, hình phạt của anh phải thật nghiêm khắc. Anh ta bị đe dọa sẽ bị đem bán cùng với vợ, các con và tất cả tài sản của mình. Nói cách khác, anh ta sẽ mất tư cách thành viên trong gia đình và địa vị tự do trong cộng đồng xã hội. Vì người đàn ông thứ hai chỉ nợ khoảng ba tháng lương nên có khả năng khoản nợ của anh ta sẽ được trả, nếu không phải anh ta, thì do gia đình anh ta. Cả hai người đàn ông đều sấp mình dưới chân người mà họ nợ tiền, cùng với những lời lẽ giống hệt nhau. Họ cầu xin lòng kiên nhẫn. Nhưng không yêu cầu món nợ được tha. Cả hai đều hứa sẽ trả lại, mặc dù dường như cả hai đều không có đủ khả năng để làm như vậy. Khung cảnh ở đây đã được thiết lập cho sứ điệp mà Chúa Giêsu muốn truyền dạy. Câu chuyện đã trả lời câu hỏi của ông Phêrô: Tôi phải tha thứ bao nhiêu lần?

Chỉ với một câu nói đơn giản, Chúa Giêsu đã rút ra mối liên hệ giữa lòng quảng đại của đức vua và Thiên Chúa. Những món nợ đối với Ngài không bao giờ chúng ta có thể hoàn trả được. Động lòng trắc ẩn (splanchnizomai) vua tha thứ toàn bộ số tiền. Chúng ta, những người tương ứng với những người mắc nợ trong dụ ngôn, cần phải có lòng trắc ẩn này, và đặt nó như một khuôn mẫu cho các mối tương giao của chúng ta đối với nhau. Nếu Thiên Chúa đã sẵn lòng tha thứ món nợ kếch xù mà chúng ta thiếu Chúa, thì chắc chắn chúng ta cũng phải tha những món nợ nhỏ hơn nhiều lần người anh chị em đã thiếu đối với chúng ta. Lời tuyên bố cuối cùng của Chúa Giêsu rất nghiêm túc: nếu chúng ta không sẵn lòng thể hiện lòng thương xót, thì lòng thương xót đã dành cho chúng ta sẽ được rút lại, và một án phạt nặng nề sẽ được đem ra thực hiện.

—-

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+  GLHTCG 218-221: Thiên Chúa là tình yêu

+  GLHTCG 294: Thiên Chúa tỏ hiện vinh quang của Ngài bằng việc chia sẻ sự thiện hảo

+  GLHTCG 2838-2845: “Xin tha nợ chúng con”

Lm. Giuse Ngô Quang Trung