Tìm Hiểu Lời Chúa : Chúa Nhật Lễ Các Thánh

print

Tìm Hiểu Lời Chúa : Chúa Nhật Lễ Các Thánh

Tất cả các Kitô hữu đã được rửa tội, đã chết và hiện đang ở với Thiên Chúa trong vinh quang đều được coi là thánh. Ngày Lễ Các Thánh nhằm tưởng niệm vô số các vị thánh vô danh và chưa được phong thánh, những vị không có ngày lễ mừng riêng. Hôm nay, chúng ta cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho những người nam và nữ bình thường được dự phần vào sự thánh thiện và vinh quang thiên đàng của Ngài như một phần thưởng cho đức tin của họ. Lễ này được cử hành để dạy chúng ta tôn kính các thánh, bằng cách noi gương đời sống của các ngài và bằng cách nhờ lời bầu cử của các ngài cho chúng ta trước mặt Chúa Kitô, Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người (1 Tm 2, 5). Giáo hội ngày hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng ơn gọi nên thánh là phổ quát, rằng tất cả chúng ta đều được kêu gọi sống trong tình yêu thương của Thiên Chúa và biến tình yêu thương đó thành hiện thực trong cuộc sống của chúng ta.

 

BÀI ĐỌC 1: Kh 7,2-4, 9-14

Trung kiên với Chúa Kitô

Sách Khải Huyền, trong đó bài đọc này được trích đọc, được viết trong những cuộc bách hại đầu tiên đối với các Kitô hữu, vào nửa cuối thế kỉ thứ nhất. Sách được xây dựng dựa trên lời hứa rằng, sau khi bị ngược đãi, những người trung thành với Thiên Chúa và với Chúa Kitô sẽ được giải thoát và đưa vào trong sự hiện diện bình an của Thiên Chúa. Vào thời điểm viết sách này, lực lượng bắt bớ mà từ đó họ được giải thoát, là sức mạnh ghê gớm của đế quốc La Mã. Những người này sống cuộc sống vô luân, theo chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa tiêu dùng của nó. Nhưng ngặt nghèo nhất, đó là đế quốc yêu cầu tất cả thần dân của nó phải tôn thờ hoàng đế như Chúa Trời. Đối với các Kitô hữu vào thời điểm đó, cuối thế kỷ thứ nhất, một thách thức rất lớn là liệu họ có được chấp nhận các tiêu chí của Đế quốc hay vẫn phải trung thành với các chuẩn mực khắt khe của Kitô giáo. Có lẽ các Kitô hữu trong thế giới ngày nay cũng phải đối diện một chọn lựa tương tự như vậy. Ai là Chúa của tôi, Chúa Kitô hay những tiêu chuẩn mà hoàng đế đề ra: vô chừng trong tình dục, sống theo chủ thuyết duy vật, chủ nghĩa tiêu dùng, đặt mình lên trên hết trong mọi việc mà không quan tâm đến cái giá phải trả cho người khác? Tôi có tán thành và chấp thuận các tiêu chuẩn hành vi được xây dựng trên một đường lối khác xa với luân lí Kitô giáo không? Áp lực hơn, tôi có chấp nhận những tiêu chuẩn đó cho chính mình không?

 

ĐÁP CA:Tv 24

Đức Chúa ngự vào đền thánh

Thánh vịnh này là của vua Đavít và là một thánh ca phụng vụ. Cộng đoàn hát hai bè đối đáp nhau khi kiệu hòm bia tiến vào thành thánh Giêrusalem (2 Sm 6,1-15, 17-19).

1b-2. Chúa là Đấng tạo thành. Thánh vịnh này mở đầu với lời tuyên bố chủ quyền của Thiên Chúa bao trùm mọi tạo thành. Điều này chống lại mọi ý tưởng cho rằng con người được quyền tự quản trái đất theo ý riêng của mình, theo sự cắt nghĩa sai lạc các câu trong St 1,26-28. Trái đất và muôn loài trong đó thuộc về Chúa chứ không thuộc về con người. Bởi vì Thiên Chúa sáng tạo mọi loài. Quan niệm về tạo dựng ở đây phản ánh tư duy của người Cận đông thời cổ: Thiên Chúa biểu tỏ chiến thắng vinh quang trên làn nước hỗn mang (Tv 18).

3-6: Điều kiện để vào đền thánh. Phần hai của Thánh vịnh đặc biệt giống với Tv 15. Nó mở đầu với câu hỏi nêu lên những đòi buộc để có thể tiến vào nơi thờ phượng.

 

      Ai

   có thể lên

  núi thánh của Chúa?

      Ai

  có thể đứng

  trong nơi thánh của Ngài?

 

Ở đây chúng ta thấy hiện lên bản luật về thanh uế rất nghiêm ngặt của Lv 17-26, đòi hỏi mỗi người phải thực thi trọn vẹn. Cần phải có những hành vi ứng xử xã hội thích hợp cùng tâm hồn thờ phượng ngay chính, đó là bản tóm tắt những đòi hỏi để người ta có thể bước vào nơi thờ phượng Thiên Chúa. Những hành vi và tâm tình tôn kính này cũng tóm tắt những đòi buộc đối với việc tuân phục lề luật.

7-10: Nghi thức tiến kiệu. Nghi thức này gồm bài hát đối đáp phụng vụ. Một câu hỏi được đặt ra cho mỗi khách hành hương trước khi họ nhập vào đoàn kiệu do đức vua chủ trì, lúc tiến vào cổng thành thánh. Những binh lính thủ thành cũng cất lên câu hỏi ‘đức vua là ai’ cho mỗi người. Toàn dân đồng thanh đáp đức vua là một trang chiến binh oai hùng mạnh mẽ, là chúa tể tạo dựng vũ hoàn. Cứ một lần hỏi là một lần xướng lên tư cách của đức vua, đồng thời người ta dần dần bước vào trong thành thánh.

 

BÀI ĐỌC 2: 1 Ga 3,1-3

Chúng ta sẽ giống như Người

Bài đọc thứ hai cũng chứa đựng những gợi ý về sự chống đối từ một thế giới vô thần, nhưng tập trung nhiều hơn vào sự kết hợp của con cái Thiên Chúa với chính Thiên Chúa. Chúng ta đã là con của Thiên Chúa, bởi vì chúng ta đã được nhận làm dưỡng tử trong Chúa Kitô và có thể kêu lên “Abba, Cha ơi!” Việc nhận con nuôi này có ý nghĩa gì đối với mối quan hệ làm con? Đôi khi một người con giống cha mình một chút ít về ngoại hình, cử chỉ, cách cư xử và cách tiếp cận các bổn phận. Đối với bản thân chúng ta, chúng ta vẫn chưa thể biết hết được điều tương tự này sẽ bao hàm điều gì, nhưng chúng ta được hứa rằng trong sự mặc khải trọn vẹn, chúng ta sẽ được đồng hóa với Thiên Chúa. Chúng ta không chỉ phải gần gũi với Cha chúng ta trong lời cầu nguyện, nhưng chúng ta cũng phải cho thấy những đức tính của Thiên Chúa trong hành động của chúng ta nữa: sự rộng lượng của Thiên Chúa, sự tha thứ, sự cởi mở của Ngài. Một phần của điều này phải là chúng ta sẽ thấy rằng Thiên Chúa đã làm tăng triển trong chúng ta tất cả những đức tính mà chúng ta yêu mến và ngưỡng mộ nhất ở người khác, những người con đồng hóa với cha của mình. Đó sẽ là một thế giới của niềm vui và sự cảm kích bao la, vì tất cả đều tràn ngập lòng quảng đại và tình yêu thương của Cha. “Chúng ta sẽ nên giống như Người vì Người thế nào chúng ta sẽ thấy Người như vậy”, và điều này có nghĩa là tầm nhìn về Thiên Chúa sẽ áp đảo đến mức chúng ta chỉ có thể trở nên giống như Người.

 

TIN MỪNG: Mt 5,1-12a

Tám mối phúc thật

Lời rao giảng và các phép lạ của Chúa Giêsu đã thu hút đám đông dân chúng, khiến Người phải đưa các môn đệ lên núi. Ở đó Người đã dạy dỗ họ. Giáo huấn được gọi là Bài giảng trên Núi được dành cho những người thân cận của Người, không phải cho những đám đông rộng lớn hơn. Phần đầu tiên của bài giảng đó, các Mối Phúc, tạo thành bài đọc Tin Mừng của ngày hôm nay. Về hình thức và nội dung, các Mối Phúc là giáo huấn khôn ngoan, không phải là lề luật của Kitô giáo, như đôi khi vẫn được tuyên bố. Hầu hết nếu không muốn nói là tất cả các tình cảm được bày tỏ trong đó đều được tìm thấy ở đâu đó trong giáo lý Do Thái cổ xưa.

Bản văn Mối phúc mang một hình thức văn chương thuộc truyền thống khôn ngoan. Nó lấy tên từ tiếng Hy Lạp makários (hạnh phúc hoặc may mắn). Bản văn gồm những lời tuyên bố nhằm mục đích giảng dạy. Giống như hầu hết các hình thức văn chương khôn ngoan, nội dung này mô tả một tình huống của đời sống có mối liên hệ giữa một cách cư xử cụ thể với hệ quả phát sinh từ hành vi đó. Mặc dù đó là một mô tả đơn giản, nó có nghĩa là khuyến khích hành vi đó nếu hậu quả là thỏa đáng, và khước từ hành vi ấy nếu không đem lại như ý muốn. Các Mối Phúc tuân theo chính xác khuôn mẫu này: một nhóm người hành động theo một đường hướng cụ thể được cho là hạnh phúc; những phúc lành mà họ sẽ được hưởng được nêu rõ.

Điều quan trọng cần nhớ là mặc dù tất cả những lời dạy của Chúa Giêsu theo một cách nào đó đều hướng đến việc thiết lập triều đại của Thiên Chúa, nhưng kiểu thức hành vi hoặc những giá trị mà Người ủng hộ thường trái ngược với điều mà xã hội tán thành nói chung. Sự kiện này cung cấp cho chúng ta một cách để hiểu những thách thức đặt ra trước mắt chúng ta trong các Mối Phúc. Có lẽ cách để giải thích các mối phúc là trước hết hãy nhìn vào những phúc lành Chúa đã hứa. Chúng ta có thể thấy rằng hành vi mà Chúa Giêsu ủng hộ lại trái ngược với những gì xã hội nói sẽ bảo đảm phúc lành mà chúng ta tìm kiếm.

Mối phúc thứ nhất và thứ ba rất giống nhau. Nó nói đến ý niệm quyền lực, thường được xác định bởi mức độ tài sản vật chất của một người. Các xã hội thường được cai trị bởi những người có quyền lực và giàu có. Tuy nhiên, triều đại của Thiên Chúa lại thuộc về những người không có sức mạnh (hiền lành) và những kẻ không có quyền lực để thực thi (người nghèo). Các mối phúc thứ hai và thứ bốn hứa hẹn làm giảm thiểu một số hình thái bất ổn nội tâm. Khi tìm hiểu lý thuyết về sự báo thù, người ta thấy khẳng định rằng đau khổ thường là hậu quả của tội lỗi hoặc một số loại hành vi không phù hợp. Theo lý thuyết đó, những người sầu khổ làm như vậy vì họ đã mang điều gì đó đến cho chính mình, và những người khao khát công lý chỉ cần sống một cách công bằng để tận hưởng nó. Ngược lại, các Mối Phúc gợi ý rằng những người đau khổ thì vô tội trước bất cứ điều gì có thể dẫn đến sự bất hạnh của họ, nhưng những tình huống mà họ chịu đựng sẽ được giải quyết cho họ.

Các mối phúc thứ năm, thứ sáu và thứ bảy nói đến các khía cạnh của lòng đạo đức. Lòng thương xót là ơn huệ mà Thiên Chúa dành cho tội nhân (x. Xh 34,6). Những ai tìm kiếm thái độ này từ Thiên Chúa được khuyến khích mở rộng ra cho người khác. Đã có trong truyền thống tôn giáo của Israel mà chúng ta đọc thấy rằng: không phải là sự tuân thủ nghi lễ mà là một trái tim đơn sơ nhưng rộng mở sẽ mở lối cho người ta vào hưởng sự hiện diện của Thiên Chúa (x. Tv 24,4). Cuối cùng, hòa bình và yên ổn đã là mong muốn của Thiên Chúa đối với chúng ta ngay từ đầu. Chính tội lỗi đã phá vỡ trật tự này và phá hủy hòa bình. Những người chiến thắng cái ác bằng sự thiện để tái lập hòa bình đang làm công việc của chính Chúa và sẽ được gọi là con cái của Chúa.

Mối phúc cuối cùng nhấn mạnh rất rõ ràng sự đảo ngược được đề cập ở trên. Cam kết với Chúa Giêsu và đường lối của Người thì nhất định phải chịu sỉ nhục và bắt bớ. Khi điều này xảy ra, các môn đệ nên vui mừng, khi biết rằng thế gian đang bách hại họ bởi vì họ thuộc về một vương quốc không thuộc thế giới này, một vương quốc với những giá trị đi ngược lại với những gì được thế gian tán thành. Rõ ràng là mỗi mối phúc mời gọi chúng ta đảo lộn các tiêu chuẩn của thế gian và lối sống của chúng ta từ trong ra ngoài.

—-

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+  GLHTCG  61, 946-962, 1090, 1137-1139, 1370: Hội Thánh, mầu nhiệm hiệp thông các thánh

+  GLHTCG  956, 2683: Sự chuyển cầu của các thánh

+  GLHTCG  828, 867, 1173, 2030, 2683-2684: Các thánh là mẫu gương của sự thánh thiện

Lm. Giuse Ngô Quang Trung