Quy Hoạch Đời Sống

Chúa Nhật II Mùa Vọng Năm B

Quy Hoạch Đời Sống

Lm. Giuse Nguyễn

Để góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, một trong những chiến lược quan trọng là phải quy hoạch đất đai. Vì vậy mà thời gian gần đây, chúng ta thường nghe đến việc đầu tư, giải tỏa, quy hoạch,… Đó là chuyện của đất nước. Một số gia đình có đất đai rộng lớn, họ phải tính toán, sắp xếp để làm gì trên mảnh đất đó. Đó là chuyện của gia đình. Còn chuyện của mỗi chúng ta là gì? Chúng ta phải có nhiệm vụ quy hoạch đời sống của mình vì nó như một mảnh đất ngổn ngang, hoang tàn, đầy cỏ dại…

Việc quy hoạch đất đai của đất nước là nhằm phát triển kinh tế, xã hội cho đất nước. Việc quy hoạch đất đai của gia đình là nhằm lợi ích của gia đình, họ hàng, dòng tộc. Những việc đó thể hiện sự khôn ngoan của người lãnh đạo và người chủ gia đình. Nếu họ không làm hoặc làm sai thì phải chịu hậu quả. Tuy nhiên hậu quả của nó chỉ là những thiệt hại về vật chất mà thôi. Còn việc quy hoạch đời sống là để chuẩn bị con đường cho Chúa đến; gần nhất là trong ngày kỷ niệm Chúa Giáng Sinh, xa hơn là ngày Chúa đến với từng người qua cái chết, và xa nhất là ngày Chúa đến với toàn thể vũ trụ vạn vật, chính là ngày tận thế. Quy hoạch đời sống thể hiện sự khôn ngoan của người kitô hữu. Nếu không làm hoặc làm sai, họ phải gánh lấy hậu quả đời đờ là mất hết tất cả những gì mà ông chủ là Thiên Chúa đã trao ban, dĩ nhiên mất cả hạnh phúc ngàn thu.

Chúa Nhật II được xem như thời gian cao trào, quyết liệt trong mùa Vọng để những ai đang tích cực được mời gọi hãy tích cực hơn; những ai chưa tích cực, chưa “rục rịch” được mời gọi hãy bắt đầu vì vẫn còn thời gian. Với ý hướng đó, sự xuất hiện của Gioan Tẩy Giả như một nhân vật nỗi bật trong mùa Vọng vì sứ mạng dọn đường cho Chúa, qua việc kêu gọi người ta hãy lo quy hoạch lại con đường trong chính đời sống của mình. Vì vậy chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu Phụng vụ lời Chúa hôm nay để lên kế hoạch và bắt tay vào việc quy hoạch lại đời sống của chúng ta.

I. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

  1. Bài Đọc I: Is 40,1-5.9-11

Lời kêu gọi của Isaia xuất phát từ thực tế thời bấy giờ, khi dân đang bị lưu đày bên Babylon. Con đường trở về quê thật xa xôi và không còn hy vọng. Con đường này không phải chỉ là khoảng cách về địa lý, mà nhất là khoảng cách về tâm hồn khi dân Israel đã xa lìa Thiên Chúa. Thay vì tin tưởng Thiên Chúa, họ đã tin tưởng vào các thần minh. Thay vì lối sống của người con cái Chúa, họ đã sống như những người dân ngoại. Con đường này càng bít lối hơn khi dân Israel rơi vào tuyệt vọng. Họ nghĩ rằng Thiên Chúa đã bỏ rơi họ rồi. Trong bối cảnh đó, tiên tri Isaia là người đã khai thông con đường hy vọng cho họ. Ông cho họ thấy đã đến thời Thiên Chúa thi ân, đã đến thời Thiên Chúa cứu độ. Tuy nhiên để được thi ân, cứu độ, họ phải dọn sẵn một con đường cho Đức Chúa. Con đường đây chính là tâm hồn của họ.

  1. Bài Đọc II: 2Pr 3, 8-14

   Thánh Phêrô trong bài đọc 2 cho thấy Thiên Chúa không muốn ai bị tiêu diệt đời đời. Vì vậy mà Ngài luôn kiên nhẫn chờ đợi và cho chúng ta cơ hội để làm cho cuộc sống nên tươi đẹp, đạo đức, thánh thiện hơn. Nghĩa là Ngài biết tâm hồn chúng ta ngổn ngang, Ngài muốn chúng  ta phải quy hoạch lại.

  1. Tin Mừng: Mc 1,1-8

Khi Gioan xuất hiên, lời mời gọi dọn đường, quy hoạch tâm hồn càng trở nên cấp bách hơn qua lời rao giảng mạnh mẽ của ông: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, mở lối cho thẳng để Người đi”. Gioan không chỉ mở đường để Chúa đến với người khác, nhưng trên hết, ông biết quy hoạch một con đường để Chúa đến với ông trước cái đã. Vì vậy, sự xuất hiện của Gioan như một lời cảnh tỉnh cho con người, như một sự khôn ngoan mà con người cần noi theo khi sống ở trần gian này để lo quy hoạch lại cuộc sống của mình, chờ ngày Chúa đến.

II. QUY HOẠCH CUỘC SỐNG CỦA GIOAN

Lời rao giảng của Gioan trong hết sức ngắn gọn: “Hãy mở một con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi!” Lời rao giảng này muốn chúng ta hãy lo quy hoạch lại cuộc sống của mỗi chúng ta. Tuy nhiên đâu là những điều mà chúng ta cần quy hoạch trong cuộc sống hôm nay?

  1. Trở lại với chính mình:

Để sống tốt sứ mạng của mình, Gioan Tẩy Giả đã đi vào hoang địa. Theo Kinh Thánh, hoang địa là nơi để Chúa thanh luyện một người nào đó, là nơi để cho ân sủng của Thiên Chúa hoạt động. Hay nói cách khác, để chuẩn bị sứ mạng dọn đường cho Đấng Cứu Thế, ông đã phải vào hoang địa để dọn đường cho chính mình. Để chuẩn bị nói về Đấng Cứu Thế, ông đã phải vào hoang địa để có được những cảm nghiệm về Đấng Cứu Thế.

  1. Trở nên nhân chứng:

Sau khi đã được Thiên Chúa giáo dục kỹ lưỡng với những luật lệ nghiêm khắc trong sa mạc: ăn châu chấu, uống mật ong rừng, mặc áo lông thú… ông hiểu rõ ông phải làm gì, và ông đã bắt đầu đi rao giảng. Sau khi đã biết rõ vai trò, sứ mạng của Đấng Cứu Thế, ông biết rõ vị thế của mình là gì, và vị trí của mình là ở chỗ nào. Ông biết mình chỉ là tiếng kêu trong hoang địa và vị trí của mình là “đứng phía sau chàng rể”.

III. QUY HOẠCH CUỘC SỐNG CỦA TÔI

  1. Phúc âm hóa bản thân:

Như Gioan, trước hết phải lo Phúc âm hóa bản thân thể hiện qua việc làm hang đá tâm hồn bằng những giá trị Tin Mừng: Yêu Thương- Chia Sẻ- Phục Vụ. Việc Phúc âm hóa bản thân hay nói theo lời của thánh Gioan Tẩy Giả trong Tin mừng hôm nay là hãy lo sửa  lại con đường của chính mình, để Tin mừng được thâm nhập vào chính đời sống chúng ta. Mỗi ngày, hãy nói những điều tốt lành về tha nhân, hãy làm một đôi việc thiện cho gia đình, lối xóm và họ đạo. Những việc này xem ra nhỏ nhặt, nhưng lại là những việc trước tiên phải làm để sửa đổi chính con người chúng ta.

Trước hết, mỗi ngày hãy nói những điều tốt lành về tha nhân. Muốn nói những điều tốt lành về tha nhân, chúng ta phải có một cái nhìn yêu thương vượt qua những nhỏ nhen tầm thường, những giận hờn ganh ghét, những soi mói, dòm ngó…

Kế đến hãy làm một đôi việc thiện cho gia đình, lối xóm và họ đạo. Tự nhiên những bà vợ thấy ông chồng của mình hôm nay không đi nhậu, lấy con dao, nhưng không phải kiếm chuyện mà là làm đám cỏ xung quanh nhà; hôm sau nữa thấy ông ta xách cây búa, sợ quá!  nhưng không phải làm chuyện ác, nhưng là sửa lại cái tủ, đóng lại mấy cái bàn… Không cần nhiều, mỗi ngày một việc tốt cho gia đình thôi! Tự nhiên trưa hôm nay ông chồng không thấy bà vợ của mình đi “ngồi sòng” nữa; hôm sau thấy bà ấy bỏ số đề; hôm sau nữa thấy bà dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp hết sức… Những việc tốt nho nhỏ cho chồng con, cho gia đình. Những việc thiện cho họ đạo chính là những hy sinh, đóng góp sức lực, tiền của, khả năng để phục vụ Giáo hội trong các hội đoàn và những sinh hoạt của Họ đạo…

Khi chúng ta biết cải thiện bản thân bằng những việc làm cụ thể nho nhỏ như vậy, là chúng ta đang bắt đầu sửa lại con đường cho Chúa đến, đang bắt đầu giải tỏa để thực hiện chương trình quy hoạch lớn hơn cho bản thân.

  1. Trở nên nhân chứng cho ánh sao yêu thương

Sau khi đã Phúc âm hóa bản thân, chúng ta còn phải có nhiệm vụ trở nên nhân chứng cho ánh sao yêu thương được tỏa sáng nhờ việc đón nhận ơn Chúa qua những sinh hoạt phụng vụ chung với họ đạo, và qua những giờ kinh nguyện ở gia đình. Những sinh hoạt phụng vụ chung ở họ đạo chính yếu là Thánh lễ và các Bí tích. Ngoài những sinh hoạt phụng vụ của họ đạo, chúng ta còn được mời gọi tổ chức kinh nguyện ở gia đình. Đây là dịp để chúng ta lập lại truyền thống tốt đẹp của người công giáo những năm về trước, đó là đọc kinh hôm trong gia đình. Trong mùa vọng này, Giáo phận, cách riêng Họ đạo chúng ta tha thiết mời gọi mỗi gia đình hãy lập lại việc tốt lành đó, vì nó chính là ánh sao cụ thể ở giữa xã hội để đem Chúa đến cho người khác.

Không thể quy hoạch nếu không có dự án. Dự án không thể thực hiện nếu không bắt đầu. Vì vậy, chúng ta hãy có dự án quy hoạch để nâng cấp cuộc sống của mình và hãy bắt đầu ngay hôm nay bằng những việc mà chúng ta vừa được lời Chúa soi dẫn đó là Phúc âm hóa chính bản thân mình bằng những việc tốt hằng ngày; đó là trở thành ánh sao qua việc sống thánh thiện bằng Thánh lễ ở nhà thờ và giờ kinh trong gia đình.

Xin Mẹ Maria, thánh cả Giuse, thánh Gioan Tẩy giả, cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp giúp chúng ta có bảng quy hoạch để đời sống chúng ta được tốt lành, thánh thiện như các ngài.

print