Vào năm 1951, lúc đó tôi lên 9 tuổi.
Vì gia đình quá nghèo, tôi đến xin bác Miceli, nhận tôi vào việc phát báo – sau giờ học – cho một số gia đình ở vùng phụ cận thành phố Chicago. Bác Miceli là chủ thầu phát tờ nhật báo American’s Herald. Bác đồng ý với điều kiện là tôi phải có chiếc xe đạp.
Ba tôi làm đến bốn nghề:
– Ban ngày, Ba làm việc ở công xưởng.
– Ban chiều, Ba đi bỏ hoa cho các tiệm bán hoa.
– Ban tối, Ba lái taxi cho đến nửa đêm.
– Vào ngày thứ Bảy, Ba đi từng nhà để quảng cáo các bảo hiểm.
Ba mua cho tôi một chiếc xe đạp cũ. Nhưng vừa mua xong, người ngã bệnh nặng phải vào nhà thương, nên chưa kịp tập cho tôi đi xe đạp.
Thật ra bác Miceli không hỏi tôi có biết đi xe đạp không, bác chỉ hỏi tôi có xe đạp không. Do đó tôi mang xe đạp đến cho bác xem và bác nhận tôi vào số những đưá trẻ phát báo cho bác.
Tôi mang chiếc bị sau lưng và đặt các tờ báo trên ghi-đông xe đạp, rồi tôi dắt xe đi trên lề đường. Nhưng dắt chiếc xe đạp chất đầy báo như thế, quá cực! Do đó , sau vài ngày, tôi đổi chiến thuật. Tôi bỏ xe đạp ở nhà và mượn cái giỏ đi chợ có bánh xe lăn của Mẹ. Tôi bó báo vào giỏ rồi kéo giỏ đi phát báo cho từng nhà.
Nếu trời mưa hay có tuyết rơi, tôi cẩn thận lấy áo mưa của Ba phủ lên giỏ, để báo khỏi bị ướt. Tôi mất rất nhiều giờ để phát báo với chiếc giỏ đi chợ của Mẹ. Trong khi đó, nếu tôi biết đi xe đạp, chắc hẳn là sẽ nhanh chóng hơn. Nhờ việc đi đến từng nhà bỏ báo, tôi bắt đều gặp gỡ và quen biết hầu hết các khách hàng của tôi. Phần đông họ những người di dân thuộc nhiều sắc tộc khác nhau như Ý, Đức, và Ba Lan. Có điều đặc biệt là ai ai cũng dễ thương và cư xử rất tốt với tôi. Khi rời nhà thương về nhà, Ba tôi bắt đầu đi làm trở lại. Nhưng vì còn yếu nên người chỉ làm được một công việc ban ngày mà thôi. Trong khi đó, gia đình chúng tôi ngày càng lâm cảnh túng thiếu. Sau cùng, Ba Mẹ tôi quyết định bán chiếc xe đạp cũ của tôi. Tôi chưa biết đi xe đạp nên không ngăn cản cũng chẳng than trách gì!
Trong vòng 8 tháng phát báo, tôi đã nâng con số khách hàng từ 36 lên 59. Những khách hàng mới thường là do khách hàng cũ giới thiệu, hoặc đôi lúc gặp tôi trên đường đi, họ xin tôi ghi tên vào danh sách các khách hàng của tôi. Từ thứ Hai cho đến thứ Bảy, cứ mỗi tờ báo phát đi, tôi lãnh được 5 xu. Tôi thu tiền báo vào mỗi chiều thứ Năm và giao tiền cho bác Miceli vào ngày thứ Sáu. Nhưng cứ mỗi lần thu tiền báo, tôi thường nhận được tiền hoa hồng từ 5 đến 10 xu. Do đó, đôi khi tiền hoa hồng của tôi cũng cao bằng tiền bán báo của bác Miceli. Thật là điều may mắn, vì Ba tôi còn yếu chưa làm được nhiều việc nên chưa kiểm được nhiều tiền. Tôi giao tất cả tiền lãnh được cho Mẹ.
Ngày thứ Năm Vọng lễ Giáng Sinh, 24 tháng 12 năm 1951, như thường lệ, tôi đi phát báo và thu tiền nơi từng nhà. Nơi căn nhà đầu tiên, tôi bấm chuông cửa, nhưng không ai trả lời. Tôi sang căn nhà thứ hai, rồi thứ ba, thứ tư… Cũng chẳng thấy một ai. Tôi đi gần hết các nhà khách hàng của tôi, nhưng không ai trả lời cho tôi. Tôi bắt đầu lo lắng thực sự. Tôi tự nhủ: Lạ thật, ngày mai là lễ Giáng Sinh, vậy mà không một người nào ở nhà cả! Chẳng lẽ mọi người đều đi phố mua sắm vào buổi chiều Vọng Lễ Giáng Sinh sao? Do đó, khi đến căn nhà của bác Gordon, và nghe tiếng nói cùng tiếng nhạc từ trong nhà phát ra, tôi vui mừng vô kể. Tôi bấm chuông. Tức khắc cánh cửa rộng mở, bác Gordon tươi cười xuất hiện và kéo tôi vào phòng khách. Nơi đây, tất cả 59 vị khách hàng của tôi đều có mặt. Ở giữa phòng khách là chiếc xe đạp mới tinh, màu đỏ tươi như trái táo bằng đường! Trước ghi-đông xe, lửng lẳng cái bị đầy ứ các phong bì.
Còn đang bỡ ngỡ thì bác gái Gordon vừa chỉ chiếc xe đạp vừa nói với tôi: Đây là món quà Giáng Sinh cho cháu. Tất cả các bác đã chung tiền mua cho cháu. Trong các phong bì có thiệp Giáng Sinh, tiền báo và tiền hoa hồng cho cháu.
Tôi ngạc nhiên đến độ không thốt lên được lời nào. Tôi đứng im không nhúc nhích. Sau cùng, một bác gái khác ra hiệu xin mọi người im lặng. Bác dẫn tôi vào đứng giữa phòng khách và nói: Cháu là đứa trẻ phát báo tuyệt hảo nhất của các bác.
Không một ngày nào báo thiếu hoặc đến trễ hay báo bị rách, bị ướt! Tất cả các bác đều trông thấy cảnh cháu đi trong mưa, đi dưới tuyết, còng lưng kéo cái giỏ đi chợ đầy báo! Do đó các bác đều nghĩ rằng, cháu cần phải có chiếc xe đạp để đi phát báo…
Tôi vô cùng xúc động và chỉ biết ấp úng hai tiếng Cám Ơn. Rồi tôi nói đi nói lại, nhưng cũng chỉ nói được hai tiếng Cám Ơn mà thôi! Khi về nhà, tôi cẩn thận mở các phong bì Tôi đếm được tất cả 100 Mỹ kim tiền hoa hồng! Ngày Lễ Giáng Sinh năm đó, gia đình tôi đã mừng một Lễ Giáng Sinh với trọn ý nghĩa của nó, trong vui tươi và no ấm!! Riêng tôi, tôi không bao giờ quên món quà Giáng Sinh và bài học mà các bác khách hàng trao tặng tôi vào ngày Vọng Lễ Giáng Sinh năm ấy. Đó là:
Bạn hãy ngẩng cao đầu, đem hết tâm lực làm việc, dù cho việc làm của bạn là một công việc hết sức khiêm tốn như nghề bỏ báo chẳng hạn…
(Truyện do ông Marvin J. Wolf, người Mỹ kể lại)
Gương Chứng Nhân – Minh Nguyệt