Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 1 Mùa Chay, Năm B

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 1 Mùa Chay, Năm B

 Mục đích chính của Mùa Chay là chuẩn bị chúng ta cử hành mầu nhiệm chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu. Giáo hội giúp chúng ta đi tới mục tiêu này bằng cách mời gọi con cái mình thực hành sám hối (metanoia): đặt lại các giá trị ưu tiên trong cuộc đời mà vị trí của Thiên Chúa là tuyệt đối. Nhờ những việc đạo đức truyền thống: ăn chay, cầu nguyện, bố thí, khổ chế…chúng ta tập chết đi con người cũ để tái sinh trong con người mới, tràn đầy sự sống Chúa Kitô. Chính qua Bí tích Rửa tội mà chúng ta tham dự vào sự chết và phục sinh của Chúa Kitô nên các bài đọc hôm nay đề cập đến Phép Rửa một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

BÀI ĐỌC 1: St 9,8-15

Giao ước với ông Nôê

Mùa Chay là thời gian mà chúng ta có thể tóm tắt qua nội dung bài đọc thứ nhất hôm nay nói tới: làm mới lại giao ước với Chúa. Qua các Chúa nhật Mùa Chay, Giáo hội từng bước hướng dẫn chúng ta chuẩn bị tâm hồn cử hành biến cố trọng đại: sự Phục sinh của Chúa Kitô. Trong mỗi năm của chu kỳ ba năm các bài đọc, Chúa Nhật đầu tiên của Mùa Chay bắt đầu với một trình thuật Kinh Thánh về thời gian trước biến cố ơn gọi Ápraham. Năm nay, đó là lời Thiên Chúa hứa với ông Nôê rằng Ngài sẽ không còn để lụt hồng thủy hủy diệt và tàn phá mọi xác phàm và mặt đất nữa. Điều đầu tiên ông Nôê làm khi bước ra khỏi tàu là dựng một bàn thờ kính Đức Chúa để tạ ơn vì đã được giải thoát. Đáp lại hành động này, Đức Chúa đưa ra lời hứa của Ngài, được bảo đảm bởi dấu hiệu an toàn của một cây cung gác lên mây, nó liên kết đất trời với nhau, thể hiện một con đường dẫn đến thiên đàng. Mỗi giao ước mà Thiên Chúa thiết lập với dân Ngài đều xuất phát từ một hoàn cảnh đổ vỡ. Không có gì bào chữa cho chúng ta rằng chúng ta không phải là con người tội lỗi, lầm lạc. Hết lần này đến lần khác, phía đối tác là con người chúng ta đã thất bại, đã phá vỡ giao ước. Hết lần này đến lần khác, Thiên Chúa tha thứ và tái lập giao ước, cho đến giao ước mới, giao ước cuối cùng trong máu của Chúa Kitô. Một cách thiết thực để khởi đầu Mùa Chay là thực tâm nhìn nhận tội lỗi của chúng ta và đón nhận lời mời của Thiên Chúa để bắt đầu lại.

ĐÁP CA: Tv 25,4-9

Tuân giữ giao ước của Chúa

Thánh vịnh 25, được cho là của Đavít, là một lời than vãn, trong đó mỗi câu bắt đầu bằng một chữ trong bảng chữ cái tiếng Hípri. Thánh vịnh pha trộn những lời cầu xin chân thành với những lời bày tỏ sự tin tưởng nơi Thiên Chúa, Đấng luôn thương xót, sẽ tha thứ và hướng dẫn những người khiêm nhường và thống hối.

Trong cc. 4-5, tác giả cầu xin Chúa ban cho ông giáo huấn và hướng dẫn ông đi trong chân lí; ông thừa nhận rằng ơn cứu rỗi đến từ Thiên Chúa. Trong cc. 6-7, tác giả cầu xin Chúa nhớ đến ông và tha thứ những lỗi lầm theo cùng một lòng trắc ẩn, tình yêu thương và sự tốt lành mà Ngài đã trải rộng cho dân giao ước của Ngài ngay từ đầu mối tương giao của Ngài với Israel. Trong các câu 8-9, tác giả đặt cả tội nhân và kẻ nghèo hèn trong cùng một lời cầu xin, vì chính người khiêm nhường sẽ nhìn nhận tội lỗi mình và ăn năn thống hối.

Lời thỉnh cầu của tác giả Thánh Vịnh tìm được sự đáp ứng nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng dẫn dắt các tín hữu đi trên con đường dẫn đến ơn cứu độ đời đời (Ga 10,1-18). Thiên Chúa bày tỏ lẽ thật về hậu quả bi thảm của tội lỗi và bày tỏ lòng thương xót của Ngài cho những ai khiêm nhường thống hối và quay trở lại giao hòa với Ngài. Thiên Chúa xét xử việc làm của mọi người: việc công chính cũng như việc  gian ác (Mt 25,31-46). Đây là “những đường lối của Thiên Chúa được thể hiện nơi Chúa Giêsu: con đường của lòng thương xót và con đường của sự xét xử” (Thánh Augustinô, Enarrationes in Psalmos, 24, 10).

BÀI ĐỌC 2: 1 Pr 3,18-22

Lời cam kết của một lương tâm ngay chính

Mùa Chay đạt đến đỉnh điểm với việc lặp lại các lời hứa của Bí tích Rửa tội trong lễ Vọng Phục Sinh vào đêm thứ bảy Tuần Thánh. Bài đọc này bắt đầu chuẩn bị cho mục tiêu đó. Sự vượt thoát của ông Nôê khỏi vùng nước của Đại Hồng thủy trong sự tàn phá và hủy diệt của nó để bắt đầu một cuộc sống mới, được so sánh với hoặc được coi là biểu tượng cho sự khởi đầu một cuộc sống mới từ nước của Bí tích Rửa tội. Nước là nguồn gốc của mọi sự sống. Hãy xem một bông hoa rũ xuống, hồi sinh khi được phun nước! Nước của Bí tích Rửa tội không chỉ là biểu tượng của việc rửa sạch tội lỗi, nhưng quan trọng hơn là dấu chỉ của sự sống mới trong Chúa Kitô. Chịu phép rửa, nguyên thủy có nghĩa là “dìm mình” trong nước. Trong Bí tích Rửa tội, chúng ta được “nhận chìm” vào sự chết của Chúa Kitô, để rồi khi trồi lên khỏi nước chúng ta được thấm đẫm trong sự sống phục sinh của Người, để từ đó Chúa Kitô là sự sống của chúng ta. Bài đọc hôm nay khuyến giục chúng ta chuẩn bị cho sự đổi mới đời sống đó vào lễ Phục Sinh, bằng cách làm cho lương tâm của chúng ta trở nên ổn định. Điều này cần sự hồi tâm, cam kết và cầu nguyện, để chúng ta sẵn sàng cho “lời cam kết của một lương tâm trong sáng”.

TIN MỪNG: Mc 1,12-15

Chúa Giêsu chịu cám dỗ

 

Trình thuật về sự cám dỗ (cc. 12-13), mặc dù ngắn gọn, nhưng mang ý nghĩa thần học sâu xa. Mỗi từ đều mang một truyền thống phong phú. Đối với dân Israel xưa, Thần Khí là biểu hiện của quyền năng Thiên Chúa. Chính Thần Khí đã thúc đẩy các thẩm phán hành động để giải cứu dân Israel khỏi kẻ thù (x. Tl 3,10). Chính Thần Khí đã cung cấp cho các vua những gì họ cần để củng cố các chi tộc thành một quốc gia liên kết (x. 1 Sm 16,13). Chính Thần Khí đã chộp bắt lấy những con người từ những hoàn cảnh khác nhau và biến họ thành những tiên tri của Thiên Chúa (x. Is 61: 1). Hôm nay cũng chính Thần Khí đã đưa Chúa Giêsu vào trong hoàng địa.

Vùng hoang địa không phải là một nơi chốn lãng mạn. Nó đầy rẫy nguy hiểm. Đó là nơi sinh sống của các loài thú vật hoang dã, và cũng là nơi ẩn náu của những tên cướp và những kẻ sống ngoài lề xã hội. Đáng lưu ý hơn, nó từng là nơi thử thách Israel (x. Ds 10,11- 21,34). Bị tước mất tất cả những tương trợ mà một xã hội có thể cung cấp cho, người ta phải buông mình cho sự quan phòng của Thiên Chúa. Hoang địa, theo truyền thống lâu đời là nơi thử thách. Nhưng con người ta cứ phạm hết thất bại này đến thất bại khác.

Bốn mươi ngày có ý nghĩa đặc biệt đối với hai người đại diện cho lề luật và tiên tri của Israel. Môsê đã nhịn ăn trong bốn mươi ngày bốn mươi đêm khi ông nhận Mười Điều Răn viết trên bảng đá (Xh 34,28). Êlia đã nhịn ăn trong một khoảng thời gian tương tự khi ông đi đến núi Khôrếp (1 V 19, 8). Cũng trong truyền thống này, Chúa Giêsu đã chay tịnh trong hoang địa.

Nguyên thủy, Satan được coi là một loại kẻ thù có chức năng pháp lý, nó buộc tội ai đó về hành vi sai phạm. Sau đó, lời buộc tội phát triển thành sự xúi giục làm điều ác và sự cám dỗ để chấp nhận nó. Dần dần một số đặc điểm không có mối liên hệ với những sinh thể xấu xa từ trời hoặc địa ngục bắt đầu hợp nhất vào khái niệm này, cho đến khi nó dẫn đến hình ảnh như được thấy trong bài đọc này. Giờ đây, Satan, hiện thân của cái ác, đi lang thang trên khắp thế giới cố gắng lôi kéo loài người xa rời Thiên Chúa.

Chúa Giêsu bị đẩy vào một nơi thử thách, cũng như một số nhân vật lớn của Israel cổ đại. Ở đó, Người chuẩn bị cho sứ vụ đang ở phía trước. Việc loan báo sứ vụ này (cc. 14-15) cũng là một bản tóm kết  nội dung Chúa rao giảng. Mặc dù ngắn gọn, nó chứa đựng một số điểm chính trong sứ điệp của Người. Đầu tiên, Người loan báo rằng thời gian (kairós) đã đến. Đây không phải là thời gian bình thường mà là một thời điểm quyết định. Theo tư tưởng cánh chung, đó là thời điểm hoàn thành.

Sau lời loan báo là việc giải thích về đặc tính của thời gian đặc biệt này; đó là sự xuất hiện triều đại Thiên Chúa. Israel đã chờ đợi sự trị vì của Thiên Chúa từ lâu. Luôn bị thao túng bởi các quốc gia hùng mạnh hơn, hoặc bị cai trị bởi các vị vua không tuân giữ giới răn của Thiên Chúa trong việc điều hành chính thể của họ, người dân mong mỏi một thời gian mà họ sẽ không bị ảnh hưởng của nước ngoài và có thể theo đuổi vận mệnh tôn giáo của mình. Chúa Giêsu dạy họ rằng điều này chỉ xảy ra nếu dân chúng sám hối, thay lòng đổi dạ (metanoia) và tiếp nhận Tin Mừng mà Người rao giảng. Trong khi sứ điệp này nghe có vẻ đơn giản, nhưng hàm ý của nó rất là thách đố. Sự rao giảng của Chúa Giêsu về ý muốn của Thiên Chúa không tương ứng với sự hiểu biết chủ đạo trong thời đại của Người, nên việc thay đổi tâm trí và đời sống là một nỗ lực suốt đời. Lời loan báo của Người về một đòi hỏi như vậy tạo ra nhiều mối nguy hiểm cho chính Người.

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+  GLHTCG  394, 538-540, 2119: Chúa Giêsu chịu cám dỗ

+  GLHTCG  2846-2949: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”

+  GLHTCG  56-58, 71: Giao ước với ông Nôê

+  GLHTCG  845, 1094, 1219: Con tàu của ông Nôê là hình ảnh tiên trưng về Giáo hội và Bí tích Thánh Tẩy

+  GLHTCG   1116, 1129, 1222: Giao ước và các Bí tích (Đặc biệt Bí tích Thánh Tẩy)

+  GLHTCG   1257, 1811: Thiên Chúa cứu độ qua Bí tích Thánh Tẩy

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

 

print