Ngày 9/11
Cung Hiến Thánh Đường Latêranô
Ga 2,13-22
* Lịch Sử
Đại thánh đường Latêranô được dâng kính Đâng Cứu Thế và từ thế kỷ XII cũng được dâng kính thánh Gioan Tẩy Giả, là nhà thờ cổ nhất của Đức Giáo Hoàng, được mang danh là “Mẹ và là Đầu của mọi nhà thờ trên thế giới”.
Sau khi chiến thắng các đối thủ tranh giành ngai hoàng đế, Constantin đã ký sắc lệnh Milanô vào năm 313 công nhận Kitô giáo là một tôn giáo hợp pháp trên đế quốc La Mã. Thế là các tín hữu lục đục từ các hang toại đạo bước vào xã hội công khai, không còn sự bắt bớ nữa.
Hoàng đế Constantin làm một cử chỉ đẹp : nhường cung điện ở đồi Latran cho các Giáo Hoàng làm nơi trú ngụ. Năm 324 Đức Giáo Hoàng Sylvester I đã thánh hiến đại thánh đường và cự ngụ tại nơi đây cho đến thế kỷ thứ XIV, sau đó mới dời về Vatican, cạnh Đền thờ thánh Phêrô. Đây cũng là Vương Cung Thánh Đường của giáo phận Rôma, lý do : ngai tòa của vị Giám mục Rôma được đặt tại đây.
Đền thờ này được gọi là “mẹ các nhà thờ” vì là nhà thờ đầu tiên được chính quyền hợp pháp công nhận trên đế quốc La Mã và vì cũng là nhà thờ chính tòa của giáo phận Rôma, nơi đó có ngai tòa của Đức Giáo Hoàng.
Qua các trận hỏa hoạn, động đất và càn quét của man dân, của Đức, của Pháp…đại thánh đường Lateranô phải tái thiết lại nhiều lần. Ngày 28.4.1726 sau một công trình tái thiết lớn, Đức Bênêđictô XIII đã thánh hiến lại và công nhận ngày 9.11 là ngày thánh hiến Đền thờ. (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)
A. Hạt giống…
- Hành động của Chúa Giêsu hôm nay rất đặc biệt : bình thường Ngài rất hiền hòa, thế mà hôm nay Ngài la lối, lật nhào bàn ghế, lấy dây làm roi mà quất…
- Tại sao ? Chính Ngài nói rõ : “Đừng biến nhà Cha ta thành nơi buôn bán”. Câu này hàm chứa nhiều ý nghĩa :
– Đền thờ là nhà của Thiên Chúa, phải dùng để thờ phượng Thiên Chúa.
– Nhưng lắm khi người ta đã biến Đền thờ thành nơi buôn bán (nghĩa đen : như trong chuyện này ; nghĩa bóng : dùng tiền bạc lễ vật để mong mua lấy ơn Chúa).
- Trong những câu đối đáp với người Do thái, Chúa Giêsu còn cho biết thêm chính thân thể Ngài là Đền thờ.
B… nảy mầm.
- Nhiều người đến nhà thờ như đi chợ để mua bán : họ đưa cho Chúa tiền bạc, hoa đèn, lễ vật và đòi Chúa đưa cho họ những ơn mà họ muốn. Những người ấy có khác gì những kẻ buôn bán trong Đền thờ Giêrusalem ngày xưa bị Chúa đánh đuổi đâu ?
- Hs 6,6 : “Ta muốn tín nghĩa chứ không phải tế tự, và nhận biết Thiên Chúa hơn là lễ thượng hiến”.
- Chính Chúa Giêsu mới là Đền thờ đích thực. Bởi vậy, đến nhà thờ mà không gặp Chúa Giêsu thì cũng như không đến nhà thờ. Trong mọi sinh hoạt cuộc sống ở mọi nơi mà gặp được Chúa thì cũng như đang ở trong nhà thờ.
- 1Pr 2,5 : “Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động xây nên ngôi Đền thờ thiêng liêng” ; 1Cr 3,16 “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao ?”
- Trong câu chuyện này, Chúa Giêsu đã không ngại phá đổ những gì lệch lạc hầu sắp xếp lại sự thờ phượng Thiên Chúa cho đúng hướng. Tâm hồn mỗi người chúng ta cũng là một Đền thờ. Nếu hôm nay Chúa Giêsu ra tay, Ngài sẽ nổi giận về điều gì ? lật nhào những gì ? lấy roi quất những gì ?
- Nhà thờ gỗ đá đã khiến Thánh Augustinô nghĩ đến nhà thờ tâm hồn. Việc xây dựng nhà thờ vật chất làm Ngài nghĩ đến việc xây dựng nhà thờ tâm hồn. Vì thế, trong lễ khánh thành một nhà thờ ở giáo phận mình, ngài đã giảng như sau : “Điều đã diễn ra lúc xây cất nhà thờ này cũng diễn ra khi các tín hữu tụ họp nơi đây : khi anh chị em nghe loan báo Lời Chúa, khi anh chị em lãnh nhận Bí tích Rửa tội, khi anh chị em nghe giảng huấn, đó là những lúc anh chị em được cưa, được bào, được ráp bởi tay các thợ mộc thợ nề. Nhưng ta chỉ xây dựng Nhà Chúa thực sự nếu mọi người đều hợp nhất với nhau trong tình huynh đệ”.
- “Các môn đệ của Ngài nhớ lại Lời đã chép trong Thánh Kinh : Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân”. (Ga 2,17)
Khi thấy những kẻ buôn bán xâm lấn Đền thờ, Đức Giêsu đã dám xông đến và xua đuổi họ mà không sợ phản kháng, chống đối. Ngài cũng đã hy sinh mạng sống để thiết lập một Đền thờ mới cho Thiên Chúa hiện diện và đồng hành với loài người.
Phần tôi, tôi đã làm những gì để xây dựng và tô điểm cho ngôi Đền thờ tâm hồn ? Nhiều lần tôi đã không dám chống lại, nhưng còn đồng lõa với những kẻ làm ô uế Đền thờ tâm hồn tôi. Vâng, chính lúc tôi phạm tội là lúc tôi biến Đền thờ tâm hồn thành nơi đổi chác, buôn bán : nào là tiền tài, ích kỷ ; nào là danh vọng, địa vị…
Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã dám làm tất cả vì Đền thờ. Hôm nay xin cho con dám chấp nhận mọi khổ đau, khó nhọc để xây dựng một Đền thờ xứng đáng cho Chúa (Hosanna).