Bài 30: Để Hiểu Biết Và Thực Hiện Việc Tân Phúc Âm Hóa

Bài 30:

ĐỂ HIỂU BIẾT VÀ THỰC HIỆN VIỆC TÂN PHÚC ÂM HÓA

THEO SỨ ĐIỆP CỦA THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC THỨ XIII

          Tôi đã gởi lên mạng một loạt bài, tổng hợp các vấn đề: từ Phúc âm, Tin Mừng, cứu độ,truyền giáo, sứ vụ, đến Phúc âm hóa và Tân phúc âm hóa. Ở đây chỉ xin nhắc lại hai việc chính yếu là Phúc âm hóa và Tân phúc âm hóa để dẫn tới giáo huấn trong Sứ điệp của Thượng Hội đồng Giám mục về Tân phúc âm hóa, được công bố vào 26-10-2012 .

  1. Về Phúc âm hóa.

Từ  năm 1975 Thượng Hội đồng Giám mục thứ III về Phúc âm hóa trong Tông huấn,đã chọn cụm từ Phúc âm hóa, định nghĩa rõ ràng rồi khai triển về nội dung và đường lối của Phúc âm hóa. Các ngài đã phân định rằng: Phúc âm hóa là một “ Tổng hợp bao quát mọi việc mà Đức Giêsu đã quan niệm và thực hiện trên trần gian”. Phúc âm hóa phân biệt với rất nhiều khía cạnh chính yếu của nó như: loan báo Phúc âm, rao giảng Nước Thiên Chúa,công bố ơn cứu rỗi giải thoát với những dấu chỉ là các phép lạ, thiết lập một cộng đoàn được Phúc âm hóa (giáo hội ) để nhận sứ vụ Phúc âm hóa mà ta quen gọi là truyền giáo… Những  khía cạnh này chỉ là những phương thế hay đường lối của Phúc âm hóa.

Thế mà cho dến nay là năm 2016, tức là 42 năm sau, có các tác giả đăng bài trong bản tin Hiệp Thông của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam số 73 trang 43, và số 92 trang 9, vẫn dịch evangelisatio là “ loan báo Tin mừng hay Phúc âm hóa”. Tuy nhiên cũng có tác giả hiểu đúng ý Tông huấn, như trong Hiệp thông số 73 trang 59, coi  “evangelisatio bao trùm toàn thể hoạt động  của Hội thánh, trong đó missio chỉ là một lãnh vực của nó”. Dịch evangelisatio là loan báo tin mừng, rồi đến nouvelle evangelisatio thì dịch là tân phúc âm hóa, không còn thống nhất nữa!

Việc phân định Phúc âm hóa với các khía cạnh và đường lối của nó giúp ta chú ý đến giá trị độc đáo của nó ở chỗ Phúc âm hóa mang tính cách tích cực cho đời sống, đó là đổi mới, là làm cho con người biến đổi nên tốt hơn theo Phúc âm. Còn truyền giáo có nghĩa là tuyên truyền đạo, không thích đáng với Phúc âm lại mang ý nghĩa tiêu cực đối với con người thời nay. Giáo hội đã được Chúa Giêsu trao sứ vụ Phúc âm hóa, giáo hội phải luôn tự Phúc âm hóa chính mình bằng sự hoán cải và đổi mới để có thể Phúc âm hóa người khác hữu hiệu.

  1. Về Tân phúc âm hóa.

Tông huấn Loan báo Phúc âm của đức Phaolô VI nói: “Chính Chúa Giêsu là Phúc âm của Thiên Chúa, là Người Phúc âm hóa đầu tiên và vĩ đại nhất” (số 7). Do đó Tân phúc âm hóa không phải là loan báo một Phúc âm mới, vì “Đức Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8). Giáo hội luôn phải trung thành với Chúa Giêsu và Phúc âm của Người để thi hành sứ vụ Phúc âm hóa cho mọi người ở mọi thời mọi nơi. Chúa Giêsu và Giáo hội của Người đã Phúc âm hóa trong một thời và một nơi mà Sứ điệp gọi là “sân khấu” (scénario) xã hội và văn hóa”, chịu ảnh hưởng của đế quốc Rôma (có người dịch là bối cảnh hoặc lãnh vực). Còn ngày nay sân khấu xã hội và văn hóa thế giới đã đổi thay khác hẳn xưa rất nhiều. Vì thế giáo hội vừa phải trung thành với Phúc âm vừa phải đổi mới phương cách Phúc âm hóa, “đổi mới trong nhiệt tình, trong các phương pháp, trong các lối diễn tả của mình”, đó là Tân phúc âm hóa.

  1. Giáo huấn của Sứ điệp về Tân phúc âm hóa.

 

Sứ điệp của Thượng Hội Đồng Giám Mục muốn giúp ta hai việc: trước hết là hiểu biết cốt lõi của việc Tân phúc âm hóa; sau là đề nghị và hướng dẫn những hình thức mà việc Tân phúc âm hóa phải đảm nhận (Sứ điệp số 3) .

  • Cốt lõi của việc Tân phúc âm hóa chính là việc dẫn đến đức tin, mà đức tin thì được quyết định hoàn toàn trong mối tương quan mà chúng ta thiết lập với con người Chúa Giêsu là Đấng trước nhất đến gặp gỡ chúng ta (xem Sứ điệp số 3) . Sứ điệp lấy hứng từ câu chuyện phụ nữ xứ Samaria bên giếng nước Giacop gặp gỡ Chúa Giêsu (x. Ga 4, 5 – 42) để giúp ta hiểu thế nào là Tân phúc âm hóa. Chúa Giêsu gặp phụ nữ xứ Samaria và trao đổi với chị về nước uống. Từ chuyện nước uống dẫn chị đến nước hằng sống, dẫn chị đến nhận ra Chúa là ngôn sứ, là Đức Kitô, dẫn chị đến đức tin để chị thiết lập một tương quan với Chúa, rồi chị còn giới thiệu Chúa cho dân làng để họ gặp gỡ Chúa và tin Chúa là Đấng Cứu Thế. Như vậy Tân phúc âm hóa là có cơ may gặp gỡ Chúa Giêsu để quyết định tin vào Người, có tương quan tình nghĩa với Người, biến đổi mình theo người, và còn chia sẻ niềm tin và tương quan đó cho những người thân cận nữa.

Tóm lại, từ đức Phaolô VI đến đức Gioan Phaolô II, đức Bênêđictô XVI, và đức Phanxicô, vị nào cũng nhấn mạnh đến cốt lõi của Phúc âm hóa, hay Tân phúc âm hóa là:

1/. Có dịp gặp gỡ Chúa Giêsu và Phúc âm,

2/. Quyết định tin Chúa và biến đổi mình có tình nghĩa với Chúa và Phúc âm,

3/. Giới thiệu Chúa Giêsu và Phúc âm cho người chưa có cơ hội gặp gỡ Chúa

 

  • Sứ điệp đề nghị và hướng dẫn Tân phúc âm hóa.

Sứ điệp cho biết sân khấu xã hội và văn hóa ngày nay đã đổi khác trước rất nhiều do chủ trương vô thần, duy vật, tục hóa, toàn cầu hóa … Sa mạc trần gian có nhiều thứ giếng nước cho con người giải khát, nhưng cần giúp con người tránh những giếng nước bị ô nhiễm. Giáo hội biết rõ “chỉ mình Chúa Giêsu là nguồn nước ban sự sống đich thực và vĩnh hằng”. Bởi vì Giáo hội là “nơi mà Chúa Giêsu ban tặng trong lịch sử để chúng ta có thể gặp gỡ Người. Người đã trao cho giáo hội Lời Chúa, Bí tích Rửa tội làm ta trở nên con Thiên Chúa, Mình và Máu Người, ơn tha thứ tội lỗi, nhất là trong Bí tích Hòa giải, kinh nghiệm sống hiệp thông…, sức mạnh của Chúa Thánh Thần” (Sứ điệp số 3) .

Sứ điệp đề nghị các giáo hội địa phương tạo thuận lợi cho các cá nhân như linh mục, tu sĩ, giáo dân, các đoàn thể, giáo xứ, các bạn trẻ… trở nên như những “giếng nước đầu làng” hoặc tạo nên nhiều cơ may mới để có những cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu và với Phúc âm của Người. Sứ điệp khuyến khích mỗi người suy niệm và khám phá trong Phúc âm xem làm thế nào mà Chúa Giêsu đã Phúc âm hóa được Phêrô, Anrê, Gioan, Giakêu, người mù bẩm sinh, Matta và Maria (Sứ điệp số 4). Sứ điệp mở rộng chân trời Tân phúc âm hóa ra các bối cảnh và lĩnh vực khác nữa như: văn hóa, truyền thông xã hội, nghệ thuật diễn tả, kinh tế lao động, chính trị, bệnh tật, các tôn giáo khác, người nghèo (Sứ điệp 10, 12)… để giáo hội giúp chúng gặp gỡ và biến đổi tốt hơn theo Phúc âm.

 

Để Kết:

Các vị chủ chăn của giáo hội, từ đức Giáo hoàng Phaolô VI đã lên tiếng phải khẩn cấp Phúc âm hóa dưới sức thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, đến Đức Gioan Phaolô II kêu gọi phải Tân phúc âm hóa với nhiệt tâm mới, với phương cách mới để con người thời nay dễ chấp nhận Phúc âm, còn Đức Bênêdictô XVI và đức Phanxicô đã khẩn cấp động viên toàn thể giáo hội tạo nên thật nhiều “giếng nước đầu làng” giúp mọi người có cơ may gặp gỡ Chúa Giêsu, bằng cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa với Thánh Thần. Các ngài trao lại cho chúng ta kinh nghiệm quý giá này là: chúng ta luôn tin tưởng, hy vọng, vui mừng, dù có phải “gieo trong nước mắt” đi nữa thì việc Tân phúc âm hóa sẽ làm cho “sa mạc nở hoa”, vì chúng ta có Chúa Giêsu ở cùng cho đến tận thế, và có Đức Maria là Ngôi sao của Tân phúc âm hóa soi sáng phù trì.

Linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng

Nhà Hưu dưỡng linh mục Cần Thơ 2017

print