Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 6 Thường niên năm C

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 6 Thường niên năm C

Lc 6,17.20-26

  1. Đức Giêsu giảng bài Tin Mừng này vào lúc nào, ở đâu và giảng cho ai? Đọc Lc 6,17.18.20.
  2. Các Mối Phúc của Mát-thêu 5,3-12 giống với các Mối Phúc của Lu-ca 6,20-23 ở những điểm nào?
  3. Các Mối Phúc của Mát-thêu 5,3-12 khác với các Mối Phúc của Lu-ca 6,20-23 ở những điểm nào?
  4. Luca 6,20 nhấn mạnh đến người nghèo về vật chất hay người nghèo mà đạo đức (Mt 5,3)?
  5. Đọc các Mối Phúc của Lu-ca 6,20-23 bạn có bị sốc không? Các môn đệ ngày xưa của Đức Giêsu có bị sốc không? Tại sao Ngài lại gọi những điều bất hạnh là mối phúc?
  6. Cảnh nghèo có dễ đưa người ta đến với Chúa không? Đọc Lc 10,4; 12,16-21; 16,13.19-22; 18,24; 21,2-4.
  7. Đọc Lc 6,24-26. “Khốn cho…” có nghĩa gì? Đây có phải là một lời nguyền rủa không? Đức Giêsu nói “khốn cho” với loại người giàu nào, người no nê nào, người vui cười nào, người được ca tụng nào?
  8. Đọc Lc 10,29-37; 14,12-14; 19,1-10; Ga 19,39. Người giàu có phúc không? Họ có thể mở lòng ra để chia sẻ được không?

 

CÂU HỎI SUY NIỆM Bạn có thấy chung quanh bạn có nhiều người nghèo không? Nghèo của cải, sức khỏe, chỗ đứng trong xã hội, tri thức, tình bạn, tình yêu, gia đình…? Bạn thấy mình giàu về những mặt nào? Bạn nghĩ mình phải làm gì để chia sẻ cho những người nghèo chung quanh?

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Sau khi lên núi, thức suốt đêm để chọn 12 vị Tông đồ (Lc 6,12-16), Đức Giêsu xuống núi, dừng lại ở chỗ đất bằng (Lc 6,17), chữa bệnh và giảng cho đông đảo môn đệ cũng như cho đám đông dân chúng (Lc 6,17). Bài Tin Mừng hôm nay về các Mối Phúc thì đặc biệt nhắm đến các môn đệ (Lc 6,20).
  2. Các Mối Phúc ở Lc 6,20-23 và Mt 5,3-12 có những nét giống nhau. Các mối phúc đều bắt đầu bằng từ “Phúc”. Các mối phúc này đều có hai vế, vế sau cho biết tại sao vế trước lại là mối phúc. Hai vế được nối với nhau bằng liên từ “vì”. Ở Mt và Lc ta đều thấy có những mối phúc dành cho người nghèo, sầu khổ, khóc lóc, đói, và chịu bách hại vì Chúa Giêsu.
  3. Tuy nhiên, cũng có nhiều điểm khác biệt trong các mối phúc ở Mt và Lc. Các mối phúc ở Mt được viết ở ngôi thứ ba (“Phúc thay ai”), còn ở Luca chúng được viết ở ngôi thứ hai (Đức Giêsu nói cho những môn đệ đứng ở trước mặt mình: “Phúc cho anh em”). Ở Mt có 8 (hay 9) mối phúc, còn ở Lc thì chỉ có 4 mối phúc kèm theo 4 mối “họa.” Các mối phúc của Mt thì có tính luân lý hơn (tinh thần nghèo khó, hiền lành, đói khát sự công chính, tâm hồn trong sạch, xây dựng hòa bình, biết xót thương), còn các mối phúc ở Lc thì có tính xã hội hơn (nghèo-giàu, đói-no, khóc-cười). Ngoài ra, trong các mối phúc của Luca có hai trạng từ “bây giờ.”
  4. Trong khi Mt 5,3 nói “phúc cho những người nghèo trong tinh thần,” nghĩa là “những người nghèo biết tín thác vào Chúa”, thì Luca 6,20 lại chỉ nói: “phúc cho những người nghèo.” Như vậy trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu đang loan báo mối phúc cho những người nghèo thực sự, những người thiếu thốn vật chất và chỗ đứng trong xã hội. Có nhiều người nghèo như thế trong thời Đức Giêsu. La-da-rô nằm ngoài cổng ông nhà giàu và bà góa nghèo bỏ ít tiền là những thí dụ về người nghèo như thế. Họ sống bữa nay lo bữa mai.
  5. Khi đọc Lc 6,20-23 chúng ta có thể bị sốc vì Đức Giêsu nói phúc cho những người nghèo, đói , khóc, bị khinh miệt khai trừ. Những môn đệ người Do-thái đang nghe Ngài nói chắc cũng bị sốc, vì điều này ngược với cái nhìn tự nhiên và cũng ngược với cái nhìn của Do-thái giáo vốn coi sự giàu có, no đủ, danh giá là quà tặng Chúa ban cho người lành. Tại sao Đức Giêsu lại gọi những điều ai cũng muốn tránh là mối phúc? Quả thật cảnh nghèo, đói, khóc, hay bị bách hại tự nó không phải là mối phúc. Nhưng người chịu những nghịch cảnh ấy có thể biến chúng thành mối phúc, khi họ tín thác cậy dựa vào Thiên Chúa là Đấng làm cho kẻ đói được no, kẻ khóc được cười, kẻ nghèo được hưởng Nước Trời, kẻ bị bách hại vì danh Giêsu sẽ được phần thưởng. Tuy nhiên, chúng chỉ trở thành mối phúc trọn vẹn vào ngày sau hết.
  6. Khi đọc các đoạn văn trên, ta phải nhìn nhận rằng cảnh nghèo có thể giúp ta cậy dựa vào Chúa một cách chân thực hơn (Lc 10,4; 21,2-4); ngược lại sự giàu sang có thể dễ làm ta cậy dựa vào mình (Lc 12,16-21; 16,13.19-22; 18,24).
  7. Có 4 lần lối nói “khốn cho” được dùng trong Lc 6,24-26. Phần này Đức Giêsu không nói cho các môn đệ. Đây không phải là lời nguyền rủa cho bằng là lời xót thương tội nghiệp cho người bị luận phạt. Người giàu thật đáng thương nếu họ cậy dựa vào của cải và không biết chia sẻ. Người đang no nê, vui cười hay được ca tụng cũng vậy, họ đáng thương vì họ sung sướng tận hưởng một cách ích kỷ điều họ đang được ban.
  8. Người giàu sẽ có phúc nếu biết chia sẻ sự giàu có của mình (Lc 14,12-14). Người Sa-ma-ri là người giàu tốt bụng (Lc 10,29-37). Da-kêu là người giàu đã chia nửa gia sản cho người nghèo (Lc 19,1-10). Ông Ni-cô-đê-mô đã bỏ một số tiền lớn để mua thuốc thơm xức xác Chúa (Ga 19,39).
print