Học tập Thông điệp Laudato Si’: Bài 4 – 6
Lm. JB. Đậu Quang Luật, O.F.M.
BÀI 4 – TRÁCH NHIỆM CỦA NHÂN LOẠI ĐỐI VỚI TẠO THÀNH.
BÀI 5 – NGUYÊN NHÂN KHỦNG HOẢNG MÔI SINH.
BÀI 6 – NỀN MÔI SINH HỌC TOÀN VẸN.
BÀI 4 – TRÁCH NHIỆM CỦA NHÂN LOẠI ĐỐI VỚI TẠO THÀNH
Khoa học và tôn giáo có thể ngồi lại với nhau để đối thoại chân tình hầu tìm ra lợi ích cho cả hai về môi sinh. Thật sự, thuật ngữ “tạo thành” có ý nghĩa phong phú hơn từ ngữ “tự nhiên”. Tạo thành là kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa mà trong đó mọi loại thụ tạo đều có giá trị và ý nghĩa của nó và nhân loại được liên kết bằng mối dây vô hình và chung sống với nhau dưới dạng thức một gia đình chung.
Ánh sáng đức tin của chúng ta, sự khôn ngoan của Kinh Thánh và huyền nhiệm của vũ trụ mời gọi chúng ta gắn bó mật thiết với Thiên Chúa, với những người lân cận và với trái đất, tuy nhiên mối tương quan hài hòa này đang bị đổ vỡ bởi tội lỗi. Chúng ta cần liên kết sự quan tâm của chúng ta về môi sinh với tình yêu chân thật cho các thế hệ tương lai của chúng ta và sự cam kết chắc chắn phục hồi các vấn đề xã hội, (xem Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung, số 91).
Mọi mối quan tâm tới môi sinh cần xem xét đến các quyền căn bản của người nghèo và những người bị thiệt thòi quyền lợi trong xã hội. Môi trường sinh thái tự nhiên là lợi ích chung và trách nhiệm của mọi người. Nếu một người chiếm hữu một điều gì đó, thì phải quản lý vì ích lợi cho mọi người. Nếu không làm như thế, chúng ta sẽ làm khổ lương tâm của chúng ta vì phủ nhận sự hiện sinh của những người khác. Chúng ta vi phạm giới luật ngươi không được giết người khi hai mươi phần trăm dân số địa cầu sử dụng các tài nguyên với một mức độ cướp đi từ những nước nghèo và các thế hệ tương lai về những gì họ cần thiết để sinh tồn, (số 91).
Đối với các tín hữu, chúng ta thử xét xem: Đức tin của mình kêu gọi chúng ta thực hành những vấn đề gì về khí hậu? Mối tương quan của tôi với Thiên Chúa và trái đất như thế nào? Tôi sẽ làm những gì để bày tỏ lòng biết ơn với ân huệ tạo thành?
Chúng ta đang trải qua kinh nghiệm sống với những cộng đồng và thế giới thiên nhiên đang bị cho là không quan trọng và khai thác, Kinh Thánh, giáo huấn xã hội của Giáo Hội Công Giáo và khoa học thôi thúc chúng ta tìm kiếm những phương thức khôi phục mối tương quan chính đáng với Tạo Thành. Thực tại của sự biến đổi khí hậu mời gọi chúng ta tiếp tục hoán cải môi sinh trong mỗi cá nhân và cộng đồng nhờ đó sẽ dẫn tới sự thay đổi cơ cấu và lối sống của mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Như là kết quả của sự hiểu biết sâu xa từ thần học tạo dựng, chúng ta nhận biết hành vi đạo đức không còn bị giam hãm chỉ trong mối tương quan với Thiên Chúa và những con người khác. Hành vi đạo đức cũng phải được mở ra với và bao gồm mối tương quan của chúng ta với mọi loài thụ tạo.
Trách nhiệm của chúng ta là đánh thức trong Giáo Hội và xã hội về sự liên kết giữa hòa bình, sinh thái và công lý qua đối thoại và ủng hộ tích cực.
BÀI 5 – NGUYÊN NHÂN KHỦNG HOẢNG MÔI SINH
Cuộc khủng hoảng môi sinh đang xảy ra và gia tăng mạnh mẽ nhanh chóng bắt nguồn từ chính con người. Điều mà húng ta gọi rằng nguồn gốc nhân bản của cuộc khủng hoảng môi sinh nghĩa là gì? “Thực sự không lợi ích gì nếu chỉ diễn tả các hiện tượng của cơn khủng hoảng môi sinh mà không nhận thức được nguyên do nhân bản của nó. Sự hiểu biết về đời sống và hoạt động của con người có thể rơi vào lệch lạc, gây thiệt hại cho thế giới bao quanh chúng ta. Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta “dừng lại để suy nghĩ điều này, tập trung suy nghĩ về sự thực dụng kỹ thuật hiện tại và vị trí con người cũng như các hoạt động của họ trong thế giới.” (Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung, số 101). Chúng ta cần một nên văn hóa và thiêng liêng chân thật có khả năng đưa ra những sự hạn chế và giảng dạy về sự hạn chế một cách trong sáng và bằng lòng trong tâm trí, đặc biệt liên quan tới kỹ thuật và vai trò của con người đối với các thụ tạo trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa.
Kỹ thuật đã mang lại những thành tựu thật tuyệt vời cho thế giới, nhưng khi sử dụng kỹ thuật cách thiếu khôn ngoan thì nó tạo ra những vũ khí chiến trang gây chết người và góp phần vào sự biến đổi khí hậu. “Chưa bao giờ nhân loại có được quyền lực như thế trên chính mình, và không có gì bảo đảm rằng chúng được sử dụng cách khôn ngoan, nhất là khi người ta nghĩ đến cách chúng được sử dụng ngay lúc này.” (số 104). Chúng ta cần “chậm lại bước tiến để nhìn vào thực tế một cách khác,” nhờ đó chúng ta có thể “đón nhận những bước tích cực và lâu dài, đồng thời đánh giá lại các giá trị và những mục đích lớn lao nhưng bị phá vỡ bởi một sự cuồng nhiệt hoang tưởng.” (số 114).
Tương tự, niềm tin của con người hiện đại vào các ý nghĩa nhân bản loại bỏ những giống loài khác làm suy giảm giá trị tạo vật thành nguyên liệu thô và đẩy mạnh kỹ thuật trổi vượt lên trên tất cả. “Khi người ta không nhận ra trong thực tế về giá trị của người nghèo, của một bào thai, của một cá nhân phải sống trong tình trạng thương tật – để chỉ nêu ra vài ví dụ – người ta cũng sẽ rất khó lắng nghe tiếng gào thét của thiên nhiên; tất cả đều liên kết với nhau.” (số 117).
Để phục hồi các giá trị và những mục đích lớn lao bị phá vỡ bởi sự hoang tưởng cuồng nhiệt của con người, chúng ta thử xem xét cụ thể những gì không thể hạn chế sự hoang tưởng về uy quyền vĩ đại của mình? Có thể đưa ra những hạn chế có giá trị mà cộng đoàn hoặc xã hội cần thực hiện để sinh lợi ích cho mọi người. Bản thân của mỗi người tự mình cần hạn chế những gì? Những hạn chế nào có thể thực hiện cụ thể trong một cộng đoàn hoặc toàn thể cộng đồng?
“Thực sự, con người thời nay đã không được giáo dục để sử dụng quyền lực thật đúng đắn, chỉ vì sự phát triển kinh khiếp về mặt kỹ thuật không đi cùng với việc phát triển con người trong trách nhiệm, giá trị và lương tâm.” (số 105).
Kinh nghiệm trong cuộc sống cho chúng ta biết mọi thụ tạo đang bị đe dọa bởi sự biến đổi khí hậu khắp nơi do con người gây ra bởi tiêu thụ quá mức và lệ thuộc vào nhiên liệu thô đang bị khai thác bởi nền kinh tế hiện đại đặt lợi nhuận lên trên lợi ích chung. Với sự quan tâm đặc biệt tới những hoàn cảnh cụ thể trong đất nước chúng ta hiện tại, nhiều nơi đang phát triển những ngành công nghiệp khai khoáng, khai thác tối đa tài nguyên thiên nhiên, làm gia tăng sự biến đổi khí hậu cũng như ảnh hưởng bởi sự thay đổi khí hậu dẫn đến làm hư hại nguồn nước sạch và thực phẩm bổ dưỡng.
Chúng ta nhìn thấy những gì đang xảy ra với các dòng sông, nương ruộng, sự sống của động vật, sự sống của gia cầm và đặc biệt là sự sống của con người. Sự sống của chúng ta và những loài sống xung quanh chúng ta đang bị đe dọa, phá hủy, đang mất đất để sống và nền văn hóa sống của con người đang bị vùi lấp dần. Tất cả là nạn nhân của các hệ quả sự dữ của việc khai thác tài nguyên thiên nhiên cách tàn bạo.
BÀI 6 – NỀN MÔI SINH HỌC TOÀN VẸN
Môi sinh là mối tương quan mật thiết của các sinh vật và môi trường sinh sống: “tất cả mọi thứ liên đới chặt chẽ với nhau.” Toàn thể tạo thành là cuộc sống, nó bao gồm “các chiều kích của con người và xã hội.” “Khi nói đến ‘môi sinh’, người ta muốn nói về sự liên hệ đã có giữa thiên nhiên và xã hội đang hiện diện trong đó.” Con người là một phần của thiên nhiên. Sự khủng hoảng môi sinh và xã hội đan quyện vào nhau: “Những cách giải quyết đòi hỏi một lối đi trọn vẹn để chiến đấu với nghèo đói, trả lại phẩm giá cho những người bị loại ra khỏi xã hội và đồng thời phải chú tâm đến thiên nhiên.” (Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung, số 139). Đây là tính toàn vẹn của môi sinh.
Những phân tích về vấn đề môi trường không thể tách ra khỏi các phân tích về bối cảnh con người, gia đình, công việc và thành phố, cũng không thể tách rời cách thức các cá thể liên quan tới chúng, nhờ đó mà cho thấy chúng liên đới với nhau và với môi trường như thế nào.
Điều này đề nghị cần có một nền môi sinh kinh tế và xã hội, nó bao gồm cả việc bảo vệ môi trường. Cùng với di sản thiên nhiên của chúng ta, chúng ta cũng nên coi trọng di sản văn hóa của mình, quan tâm và chăm sóc các cộng đồng bản xứ và truyền thống văn hóa của họ, và tạo ra những khu vực chung, nhà ở và di chuyển bằng những phương thức thúc đẩy lợi ích chung.
Sự khủng hoảng thiên nhiên toàn cầu đòi hỏi “sự lựa chọn ưu tiên và liên đới với những người nghèo khổ nhất, họ chính là anh chị em của chúng ta” (số 158) cũng như sự liên đới với các thế hệ tương lai, “bởi vì thế giới mà chúng ta đang đón nhận cũng thuộc về những con người sẽ đến sau chúng ta.” (số 159).
Chúng ta hãy xem xét: Tôi hiểu biết gì về “sự toàn vẹn của môi sinh”? Tại sao sự biến đổi khí hậu và sự nghèo đói lại liên kết với nhau? Tôi nhận ra sự liên kết đó nơi nào trong cộng đồng mà tôi đang sinh sống?
“Chúng ta muốn trao lại một trái đất như thế nào cho những người tiếp nối chúng ta, cho con em của chúng ta đang lớn lên?”… “Chúng ta phải nhìn thấy những gì đang đe dọa phẩm giá của chúng ta. Chúng ta phải là những người đầu tiên chú tâm đến việc để lại cho hậu thế một hành tinh có thể trú ngụ được. Đó cũng là bi kịch cho chính chúng ta, vì điều này cho thấy ý nghĩa cuộc sống của chúng ta trên trái đất này đang bị gặp khủng hoảng” (số 160).
Kinh nghiệm từ đời sống cho chúng ta nhận biết rõ ràng rằng sự đe dọa thật sự của việc biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới các cộng đồng giáo hội chúng ta trên khắp hoàn vũ. Biến đổi khí hậu vẫn gia tăng và sẽ đưa đến nhiều sự đau thương và sự chết cho hàng triệu người và những thụ tạo khác, tất cả đang đối diện với mức độ hủy diệt kinh khủng, đặc biệt là môi trường sinh sống đang mất dần. Những người đưa ra các quyết định về chính trị và kinh tế và các nhà lãnh đạo Giáo Hội thật khó khăn để đánh giá đúng quy mô mà các nhu cầu vô hạn của nền kinh tế toàn cầu đang xé nát từng mảng cuộc sống của con người, với những hậu quả tai họa thảm khốc cho các thế hệ con em của chúng ta trong tương lai.
Chế độ hoặc những biện pháp chối bỏ những người nghèo, từ chối sinh kế cũng chính là chế độ hoặc những biện pháp đang phá hủy trái đất và như thế phủ nhận khả năng sinh sống của những người nghèo.
Nguồn: ubclhb.com (07.07.2022)