Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 26 Thường Niên, Năm C

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 26 Thường Niên, Năm C

Các bài đọc hôm nay nhấn mạnh trách nhiệm liên đới trong Giao ước giữa người giàu đối với người nghèo, nhắc nhở chúng ta về đòi hỏi phải chia sẻ và giúp đỡ người nghèo. Giàu có mà không có lòng thương xót tích cực đối với người nghèo là đầu mối cho sự gian ác xấu xa. Nó cũng nhắc nhở chúng ta không nên lấy tiền của và hưởng thụ làm mục tiêu cho cuộc đời của mình.

BÀI ĐỌC 1: Am 6,1a. 4-7

Tố cáo bất công

Tiên tri Amos lên án người giàu hưởng thụ cuộc sống xa hoa, một việc mà những người cải cách xã hội thường dấn thân vào. Lời tố cáo của ông không phải về bản thân sự giàu có mà là sự phóng túng thường đi kèm với nó. Ông đau khổ vì những người giàu có hưởng thụ một cách phóng đãng trong khi cấu trúc xã hội của vương quốc phía bắc Israel tan rã. Lời kết án của vị tiên tri không gì nghiêm khắc hơn. Ông nói lời “Khốn nạn” trên dân. Chỉ trong đám tang người ta mới nói kiểu này. Việc sử dụng cách tố cáo như vậy ở đây biểu thị mức độ gớm ghét của vị tiên tri. Ông tin rằng những người giàu có cho thấy rằng cuộc sống của họ đã chết, và vì vậy lời than trách là phù hợp. Vị tiên tri đã để nhiều thời gian để vẽ một bức tranh về sự phóng túng của những người giàu có. Tương phản với tình trạng này, với một cụm từ đơn giản nhưng nhức buốt, ông mô tả hoàn cảnh của đất nước là “nhà Giuse sụp đổ”. Sự hoang toàng của những người giàu có trước sự suy sụp của xã hội là bằng chứng cho thấy sự buông thả và sa sút của họ. Tuy nhiên, lối sống sung túc đó sẽ bị cắt ngắn, và trong một biến cố trớ trêu của lịch sử, những người hưởng thụ này sẽ là những người đầu tiên bị đi đày. Chúa muốn nhắc nhở chúng ta điều gì để xây dựng xã hội tốt hơn? Có một điều chắc chắn rằng, Ngài muốn chúng ta bước một bước khỏi vùng an toàn của mình để làm một điều gì đó trước những thách thức hôm nay. Tôi không bao giờ có thể nói rằng tôi đã làm tất cả những gì tôi cần phải làm.

Đáp ca: Tv 146,5-10

Chúa là niềm trông cậy

Thánh vịnh này lặp lại chủ đề khôi phục của ngôn sứ Isaia, tập trung đặc biệt vào nền công lý Chúa thiết lập. Cùng với các Thánh vịnh 147-150, đây là những thánh ca Halleluia, bởi vì nó bắt đầu bằng lời tung hô Halleluia. Với lời tung hô này, các Thánh vịnh kết thúc tập Thánh vịnh. Mỗi Thánh vịnh này bao gồm một lời mời gọi thờ phượng, một câu nêu lên mục đích của việc ca ngợi Chúa, và kết thúc bằng lời tán tụng ngợi khen Halleluia.

Khác với những người cai trị phàm nhân, họ thường gây ra biết bao thất vọng (c. 3-4): triều đại của Chúa đặt trên đức công chính. Những người tin vào Thiên Chúa, Đấng tạo thành (c. 6) thì luôn sống hạnh phúc và hi vọng. Bởi vì Ngài trung thành với muôn muôn thế hệ. Các câu 7-9 kể lại đức công minh của Chúa trong việc bảo vệ người bị áp bức, những người đói khổ nghèo hèn, những người tù tội, những kẻ mù lòa, những người yếu thế, bị nhục mạ, những khách ngoại kiều, những cô nhi quả phụ…Những ơn phúc này nhắc nhớ đến lòng Chúa yêu thương mà Israel đã cảm nghiệm trong những hoàn cảnh đen tối khác nhau. Nó cũng phản ánh những mảng tối khác nhau của xã hội Israel. Tất cả những điều này loan báo về triều đại Chúa sẽ khai mở, và Ngài đáng được chúc tụng. Halleluia!

Chúa Giêsu đã hoàn tất lời Thánh vịnh này. Trong sứ vụ của Người nơi dương thế, Người đã thực hiện những việc:

*Làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi sống hằng ngàn người (Mt 14,14-2115,32-38Mc 6,34-448,1-9Ga 6,9-14).

*Công bố ơn giải thoát cho những người bị nô lệ tội lỗi (x. Lc 4,18-21, Chúa trích dẫn Is 61,1-2; xem thêm 1 Pr 3,19-204,6).

*Mở mắt người mù (Mt 9,27-30).

*Nâng đỡ những người nghèo hèn, bách hại vì bất công (x. Lc 6,20-23).

*Chúa Giêsu Kitô hiển trị muôn đời trên núi thánh Sion mới, là Hội Thánh Người lập cho mọi thế hệ.

BÀI ĐỌC 2: 1 Tm 6,11-16

Tôn vinh Chúa Kitô

Các thư gửi cho Timôthê có một số bài thánh ca nhỏ ngợi khen Chúa Kitô. Sau lời khuyên nhủ cuối cùng của mình với Timôthê về sự kiên trì và làm chứng, tác giả đưa ra một vinh tụng ca để kết thúc bức thư, như một nguồn cảm hứng cho lòng sùng kính của ông (và của chúng ta) đối với Chúa Kitô. Ông liệt kê bảy danh hiệu về sự ưu việt của Chúa Kitô. Trong xã hội bình đẳng và máy móc hôm nay, có lẽ người ta không còn cảm nhận sự huyền bí của tước vị vua nữa. Ba tước hiệu đầu tiên của Chúa Giêsu là về vua (Chúa Tể vạn phúc vô song, Vua các vua, Chúa các chúa) có thể không làm chúng ta cảm động nhiều. Các phẩm tính tuyệt vời khác không thể không thu hút chúng ta. Đức Kitô sở hữu sự bất tử của riêng mình mà chúng ta khao khát. Người ngự trong vùng ánh sáng siêu phàm mà chúng ta thậm chí không thể hình dung được, đừng nói đến việc bước vào. Người vượt xa khỏi tầm nhìn, sự hiểu biết, thậm chí là trí tưởng tượng của chúng ta. Thuộc về Người là uy quyền và danh dự không bao giờ cùng. Chúng ta chỉ có thể ngạc nhiên về việc Người vượt xa chúng ta đến mức nào, vậy mà Người lại đi dạo bên bờ hồ Galilê với các môn đệ của mình, và chấp nhận bị sỉ nhục trước khi được tôn vinh.

TIN MỪNG: Lc 16,19-31

Số phận đảo ngược

Bài Tin Mừng trong Chúa nhật này là một trình thuật vẽ nên một bức tranh sống động về sự đảo ngược triệt để. Người đàn ông trong suốt cuộc đời bị coi như một kẻ bị loại bỏ được hưởng hạnh phúc thiên đàng, trong khi người tận hưởng thú vui cuộc sống phải chịu đọa đày trong đau khổ tột cùng ở thế giới bên kia. Truyện có hai phần. Phần thứ nhất mô tả hoàn cảnh và số phận của hai người (cc. 19-26). Phần thứ hai trình bày mối quan tâm của người giàu đối với anh em của mình (cc. 27-31).

Chúa Giêsu đã dành nhiều thời gian để đối chiếu cuộc đời của hai người này. Sự giàu có của người đàn ông đầu tiên được nhìn thấy trong cách ăn mặc, phong cách nhà cửa, cũng như chất lượng của bàn ăn mà ông sắp đặt cho chính mình. Ông ăn mặc như những người giàu có vào thời của mình, dùng một chất rất đắt tiền trích từ những động vật có vỏ để nhuộm màu tím cho quần áo bên ngoài, trong khi áo lót được làm bằng vải lanh mịn. Ông sống trong cảnh xa hoa hàng ngày, thưởng thức những bữa ăn thịnh soạn và sống trong một ngôi nhà có cổng lớn và mái hiên rộng rãi. Ngược lại, người đàn ông nghèo, Lazarô, có tên là Eliezer trong tiếng Hy Lạp (Chúa cứu giúp tôi), lại là một con người cùng khốn. Ông này nằm ăn xin trước cổng nhà của người giàu, hy vọng có được những mảnh vụn trên bàn rơi xuống để ăn cho no. Tình trạng của người này tồi tệ đến mức những con chó nhặt rác liếm vào những vết lở loét của ông. Ông ta không phải là một người phong hủi, vì trường hợp đó ông sẽ không thể vào thành.

Không mô tả nào nói đến tình trạng luân lý của người nghèo khó. Tuy nhiên, tình trạng ô uế của Lazarô là điều hiển nhiên, và nó được củng cố bằng sự liếm láp của những con chó không thanh sạch. Vậy thì tại sao Lazarô được thưởng trong khi người giàu phải chịu đau khổ? Có phải chỉ đơn thuần là ở đây có sự thiên vị ủng hộ tình trạng nghèo đói không? Câu trả lời được tìm thấy trong sự liên đới về trách nhiệm giao ước. Cả hai người đều có liên hệ với Ápraham và do đó thuộc về dân Israel. Ông Ápraham nói với người đàn ông giàu có rằng anh em ông đã có Môisen và các tiên tri, ám chỉ đến truyền thống tôn giáo của họ. Từ đó, chúng ta có thể kết luận rằng mặc dù điều kiện xã hội của hai nhân vật hoàn toàn khác biệt nhau, nhưng họ gắn kết với nhau bằng giao ước. Điều này có nghĩa là họ có trách nhiệm đối với nhau, đặc biệt là người giàu đối với người nghèo. Câu chuyện cho thấy ông ta đã bỏ qua những trách nhiệm này.

         Người đàn ông giàu có thờ ơ với nhu cầu của người anh em trong giao ước, người nằm ở cổng nhà ông. Việc ông gọi tên người đàn ông nghèo khi ông xin Ápraham gửi cho ông nước giải khát cho thấy không phải ông không biết gì về người nghèo. Khi ông yêu cầu Lazarô được cử đến để cảnh báo những người anh em của ông thay đổi lối sống của họ (metanoia), ông được cho biết rằng họ có cùng một truyền thống tôn giáo mà ông có, một truyền thống rõ ràng buộc người giàu phải đáp ứng nhu cầu của người nghèo. Nếu họ không chú ý đến truyền thống đó, họ sẽ không để ý đến một Lazarô sống lại. Khi còn sống và ở trong hoàn cảnh có thể  giúp đỡ Lazarô, ông đã coi thường anh ta. Bây giờ ông đang gặp khó khăn, ông yêu cầu Lazarô trước tiên hãy an ủi ông và sau đó cảnh báo anh em của ông. Ngay cả trong cái chết, người đàn ông vẫn muốn người khác phục vụ mình.

Việc thiên vị đàn ông của người nhà giàu là điều dễ thấy. Ông ta yêu cầu Lazarô đến nhà của cha mình, một dấu hiệu rõ ràng của tổ chức phụ hệ, và ông chỉ quan tâm đến những người đàn ông trong gia đình mình. Người ta có thể phản bác một cách đúng đắn rằng có thể ông không có chị em gái. Tuy nhiên, các gia đình mở rộng, rất nổi bật vào thời điểm đó, chắc chắn bao gồm cả phụ nữ. Toàn bộ tính cách của người đàn ông cho thấy ông ta chỉ quan tâm đến bản thân và những người giống như ông ta. Đây là lý do tại sao ông phải đau khổ. Ông ta đã không trung thành với trách nhiệm giao ước của mình, và cuộc sống của ông cho thấy không có sự hoán cải (metanoia).

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+ GLHTCG 1939-1942 : Tình liên đới nhân loại

+ GLHTCG 2437-2449 : Liên đới giữa các quốc gia, yêu thương người nghèo

+ GLHTCG 2831 : Thảm kịch đói nghèo trên thê giới, liên đới và lời cầu nguyện

+ GLHTCG 633, 1021, 2463, 2831 : Ông Lazarô

+ GLHTCG 1033-1037 : Hoả ngục

Lm Giuse Ngô Quang Trung

 

print