Sống Cuộc Đời Mình – Chương IV: Tương Giao Quân Bình

print

Chương IV

TƯƠNG GIAO QUÂN BÌNH

 

Con người ngày càng ý thức về phẩm giá của mình, nên mọi mối tương giao đều đặt trên nền tảng nhân bản để tiến tới một nghệ thuật đối nhân xử thế. Tuy nhiên, trước hết cần thiết lập một tương giao quân bình để có thể triển nở những liên hệ mới. Điều này cũng sẽ mở ra một viễn ảnh tương lai về chính vận mệnh của mình. Tương giao quân bình thể hiện bằng việc chấp nhận chính mình, biết tự trọng, đồng thời chấp nhận và tôn trọng lẫn nhau.

I. VỚI CHÍNH MÌNH

  1. Chấp nhận chính mình

Ít nhiều ai cũng cảm nhận sự chênh lệch giữa “cái tôi là”“cái tôi muốn là”. Chấp nhận mình không có nghĩa là cam phận, mà là bình tâm đón nhận những gì mình đã được trao ban, đồng thời cảm nghiệm về một sự sống mới luôn phát sinh và triển nở trong ta, bởi lẽ Thiên Chúa không ngừng sáng tạo từ những gì Ngài đã tạo thành. Trong ý nghĩa đó, chấp nhận chính mình không cho phép ta giới hạn khả năng, không khép kín hay định kiến về mình.

Cần xóa đi những kiểu lý sự: Tôi là vậy, không thể khác hơn. Tất nhiên, mỗi người một tính khí, không thể thay đổi hoàn toàn, nhưng hoàn toàn có thể xóa mờ những vết đen, bào mòn những thô nhám, cắt tỉa những lởm chởm và gai góc nơi cá tính mình. Bản năng vẫn còn đó, cá tính không thể triệt tiêu, nhưng nếu sống có mục đích, ta sẽ biết cách thăng hoa mọi tính cách của mình. Chìm sâu trong cầu nguyện giúp ta trở nên nhẹ nhàng và thanh thản hơn để chấp nhận chính mình trong từng bước đi lên.         

  1. Lòng tự trọng

Biết chấp nhận chính mình là ta đã thể hiện lòng tự trọng. Lòng tự trọng đó không cho phép ta đánh giá cao cũng không đánh giá thấp về bản thân mình, nhưng nhận biết sự thật về mình. Sự thật đó có những điều không hay không tốt, nhưng vẫn có những điều tốt điều hay. Đừng chỉ nghiêng về phía này để đánh giá toàn là tiêu cực, hay chỉ nghiêng về phía kia để đánh giá toàn là tích cực. Cả hai đều phải được nhìn ra để quân bình hóa cái nhìn về mình, và từ đó biết cách xúc tiến mọi tương quan một cách hài hòa.

Để có lòng tự trọng đòi ta phải biết mình và biết người:

Biết người biết ta, trăm trận không nguy.

Không biết người mà chỉ biết ta, một thắng một thua.

Không biết người, không biết ta, mọi trận đều bại.

Ta không cần phải thắng ai nhưng phải thắng những khuynh hướng lệch lạc và cách thức sai lạc khi suy nghĩ và đánh giá về mình, để có đủ lòng tự trọng. Lòng tự trọng khiến ta cảm thấy tự tin khi đương đầu với những thử thách, cảm thấy sẽ thành công trong nhiều tình huống khác nhau. Lòng tự trọng cho ta nhận ra mình là thành viên của cộng đồng, đang sống hòa hợp với mọi người chứ không sống riêng lẻ, cô độc.

Ngược lại, khi thiếu lòng tự trọng ta thường mang cảm giác bất an, thấy mình dường như không nối kết được với những người xung quanh, và mục đích nhắm tới không chắc chắn. Hơn nữa, khi thấy người khác thành công, ta thường ghen tức cách vô lý. Thiếu lòng tự trọng nên cũng thiếu mong đợi về mình, giảm đi nỗ lực vươn lên và gây ra lo sợ ngay cả trước những cơ hội. Để khắc phục, thay vì điều chỉnh từ bên ngoài, ta cần xác định từ bên trong với những tâm niệm như sau:

– Chấp nhận những gì mình là. 

– Mỗi người đều có giá trị bản thân.

– Khám phá những tố chất bên trong mình.

– Đừng lệ thuộc vào lời khen chê của người khác.

Với lòng tự trọng, ta mới là chính mình, không còn bị tác động bởi dư luận, miễn nhiễm với mọi thứ chỉ trích, không mặc cảm cho dù thất bại, cũng không rụt rè hạ thấp mình trước bất kỳ ai. Nhưng ta cũng biết nhúng nhường và không cảm thấy hơn ai, bởi ai cũng có một giá trị riêng của mình, không thể đem ra so sánh.

Khi đã là chính mình, ta mới thực sự mạnh mẽ, nên không còn quan trọng hóa chức danh, địa vị, tiền bạc… là những thứ tạm bợ mà người ta thường vay mượn  để tô vẻ cho bản thân. Sức mạnh dựa vào những gì bên ngoài không phải là tầm vóc đích thực của mình. Sức mạnh tinh thần là nội lực của mình mới làm nên giá trị của cuộc sống đích thực. Đó cũng chính là sức mạnh của ân ban cho những ai gắn liền với Chúa và gắn kết với tha nhân.

II. VỚI THA NHÂN

  1. Thiên Chúa nơi tha nhân

Mỗi người là một công trình sáng tạo của Thiên Chúa và là hình ảnh của Người. Mọi người đều được Thiên Chúa yêu thương và bình đẳng về nhân phẩm. Sự tôn trọng tha nhân bắt nguồn từ tình yêu vô cùng của Thiên Chúa, là nền tảng của sự tôn trọng lẫn nhau.

Điều mà ta dễ lầm lỗi nhất trong sự tôn trọng người khác là phê phán, chỉ trích, xét đoán, nói xấu anh chị em mình. Có một số điều khác cũng gây ra những hậu quả nghiêm trọng như: phơi bày chuyện riêng tư của người khác; chê cười và châm chọc những khuyết điểm của người khác; coi thường, chê bai tính cách, chức vụ và công việc của người khác; tỏ ra thái độ bất ưng, bất hợp tác, và phát ngôn thiếu suy nghĩ làm hư hại danh dự người khác; gây áp lực và ảnh hưởng của mình trên người khác; coi rẻ những đóng góp và ý kiến của người khác; chỉ lo đạt hiệu quả mà bất chấp quyền lợi, tâm tư, tình cảm của người khác.

Tất cả những kiểu hành xử trên đều là dấu hiệu thất vọng về chính mình, cũng là một thứ tâm bệnh muốn xác định ưu thế của mình, và còn là một hành vi chiếm đoạt thẩm quyền và vị thế của Thiên Chúa trên đời sống người khác. Vì thế không lạ gì khi ta thấ:“Nơi nào vắng bóng phê bình chỉ trích thì sự hiện diện của Thiên Chúa gia tăng, lòng kiên nhẫn hình thành, nghị lực tâm hồn tăng trưởng, con tim được mở rộng và các đam mê dịu lại, bản năng đòi hỏi sẽ im hơi lặng tiếng, con người được giải thoát khỏi tính ích kỷ và những cái nhỏ nhoi, ta sẽ cảm thấy tâm hồn thanh thản nhẹ nhàng bình an trong Chúa.(Luis-Marie Parent).

2. Sự tôn trọng đích thực

Sự tôn trọng đích thực khi ta biết gìn giữ phẩm cách của mình, cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, không ngang nhiên phát ngôn bừa bãi, không chủ ý loan tin độc địa. Trong mọi hoàn cảnh cũng như trong đối nhân xử thế, ta cần kiềm chế cảm xúc và làm chủ bản thân; không thái quá cũng không bất cập; không thiên lệch về bên này hoặc bên kia; vừa phải sống hòa đồng với mọi người vừa phải có tư duy độc lập; biết giữ chính kiến không bị người khác lung lạc, đồng thời biết tôn trọng quan điểm của người khác.

Khi tránh được thói phê bình chỉ trích và mọi kiểu cách coi thường người khác, tâm hồn ta mới lắng dịu, cảm thấy tiếng mời gọi của Chúa mạnh mẽ hơn, nhận ra sự hiện diện của Chúa gần gũi và thân tình hơn. Với lòng yêu thương tôn trọng, ta sẽ dễ dàng thấu hiểu người khác bằng đôi mắt của tâm hồn, thấy mọi người đang nằm trong hoạt động của Thánh Linh, Ngài đang chỉnh đốn và đổi mới lại mọi sự trong ngoài nơi mỗi người chúng ta. Tôn trọng nhau chính là đó là tôn trọng chính Chúa nơi nhau.

Nên nhớ rằng, nhân phẩm của chúng ta triển nở trong nhân phẩm của người khác; sự tự trọng của chúng ta chỉ đúng đắn và chân thực trong sự biết tôn trọng mọi người. Mức độ hình thành của Thiên Chúa trong lòng mình cũng tuỳ thuộc vào mức độ giao hảo với tha nhân. Nhưng để có thể giao hảo với tha nhân thì trước tiên cần có sự giao hảo với Chúa từ trong lòng mình, nơi mà ta có thể gặp Chúa trước khi gặp mọi người.

Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, không ai là vô duyên vô cớ xuất hiện trong cuộc đời của ta. Sự xuất hiện của mỗi người đều có nguyên do, mỗi một người xuất hiện đều là đúng lúc nên xuất hiện và đáng nhận được sự biết ơn chân thành của ta. Người quí mến ta sẽ mang đến cho ta sự ấm áp, lòng can đảm và dũng khí. Kẻ ta quí mến sẽ khiến ta học được thế nào là yêu thương và trân trọng giữ gìn. Kẻ không ưa ta hoặc ta không ưa thì dạy ta có lòng khoan dung và giúp ta phải xem xét lại chính mình.

Trong dòng chảy cuộc đời, kẻ đến người đi đều là những bước chân của Chúa để lại những dư âm rất khó diễn tả trong cuộc đời ta. Dù sao đi nữa, thì tất cả đều là cơ hội cần được trân quí, không có gì phải loại bỏ, cũng chẳng có gì dư thừa, nhưng luôn sinh ích lợi cho những ai có lòng yêu mến.  

Bài học từ Phúc Âm (Mt 15, 21-28)

Thánh Matthêu có kể câu chuyện một người đàn bà Canaan đến xin Đức Giêsu chữa con gái bà bị quỷ ám, nhưng Ngài không đáp lại. Bà cứ theo năn nỉ. Các môn đệ bực bội muốn Thầy cho bà ấy đi cho xong. Thái độ Đức Giêsu có vẻ lạnh nhạt, hững hờ, không muốn cứu chữa. Bà ấy cứ bái lạy, van nài. Ngài thản nhiên đáp: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”.

Bà ấy nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”. Tức thì Đức Giêsu đáp:“Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy”. Thế là con gái bà được khỏi.

Tại sao Chúa Giêsu lại có thể gây chướng ngại đối với người thiếu phụ như thế, đang khi Ngài đến là để mang ơn cứu độ cho mọi người? (x. Mt 28,19). Phúc Âm cho ta biết vào thời ấy, người Do Thái, đặc biệt người Pharisêu, rất khinh miệt những người ngoại giáo, và coi họ như hạng chó, vì nghĩ đó là những người tội lỗi, bị ô uế về mặt tâm linh. Người phụ nữ đến với Đức Giêsu là người Canaan, là người ngoại bang và cũng là ngoại giáo, có lẽ bà cũng đã mường tượng trước về tình cảnh đó.

Để hiểu được thái độ của Chúa Giêsu trong tường hợp trên, chúng ta nên nhìn Ngài ở vị thế của một đạo sư Đông phương, có một lối hành xử khác thường, với mục đích giáo dục hoặc thử thách người đệ tử. Đức Giêsu muốn thử xem bà này có tin thật sự không? Quả thật, bà đã kiên trì vượt qua thử thách, đã thắng được lòng tự ái. Bà biết mình cần gì và phải có một thái độ ra sao. Bà không chỉ có lòng tin mạnh mẽ mà còn khôn ngoan và tinh tế hơn chúng ta tưởng nghĩ. Nhờ vậy, bà đã được toại nguyện.

Qua phép lạ này, phải chăng Chúa Giêsu muốn xoá bỏ mọi ngăn cách và kỳ thị chủng tộc, màu da, tôn giáo để hiệp nhất mọi người trong đức tin vào Ngài? Đó chính là ý nghĩa thâm sâu mà hình thức bên bên ngoài xẩy ra như một âm vang của sự chấn động ngược chiều, để làm bừng lên sự tỉnh ngộ, nhất là nơi những não trạng cố chấp và bảo thủ như người Do Thái. 

Chúa cũng thường thử thách ta ngay trong cầu nguyện, hay qua thái độ lạnh nhạt, hững hờ, vô tâm của người khác; qua lời nói trịch thượng va khinh thường của anh em; qua sự thinh lặng, phủ nhận, từ chối của những kẻ quyền thế… Xét trên phương diện nhân bản ta không chấp nhận được, nhưng Chúa lại dùng ngay những những điều đó để thử thách. Cần coi đó như cơ hội để giúp ta biết xóa mình, giống như người đàn bà Canaan, dám coi nhẹ “cái tôi”, đồng thời ý thức sự hư vô của mình. Chúa ở ngay trong cơn thử thách. Chính trong thử thách mà ta dần lớn lên trong đức tin, trong sự chấp nhận sự thật về mình, để có thể chấp nhận và tôn trọng tha nhân trong mọi tình trạng, đem lại an vui và phấn chấn cho nhau.

III. NHỮNG MỐI TƯƠNG GIAO

Tương giao mất quân bình là vì người ta thường chỉ bận tâm đến cái “lợi”, nhưng “lợi” lại là đầu mối của những tranh chấp, bất hòa và xâu xé lẫn nhau. Ham lợi hóa ra bất lợi. Chẳng lạ gì mà có câu ca dao: “Lợi thì có lợi nhưng răng không còn”.

Trong tiếng Hán, chữ Lợi (利) bao gồm chữ Hòa (和) nghĩa là cây lúa và bộ Đao (刂). Cây lúa biểu thị của cải, kèm bên của cải là con dao. Con dao là vũ khí bảo vệ của cải và tranh giành lợi lộc cho bằng được, bất chấp thủ đoạn. Xã hội loài người từ xưa đến giờ xẩy ra bao cuộc chiến đẫm máu, phần lớn cũng vì tranh giành lợi lộc cho đất nước mình, tôn giáo mình, gia đình mình.

  1. Tương giao nhân nghĩa

Để có một tương giao quân bình và nhờ đó kiến tạo được hòa bình thực sự, Mạnh Tử khuyên mọi người hãy nghĩ đến nhân nghĩa (仁義) mà thôi. Nhân nghĩa đó là thế nào?

  • Nhân là đức nhân. Chữ nhân (仁) bao gồm bộ nhân (亻) nghĩa là con người và chữ nhị (二) là số hai.

Số hai biểu thị năng lực càn khôn (thiên-địa) kết hợp quân bình bởi hai khí âm-dương. Số hai cũng biểu thị ta và tha nhân.

Như vậy, đức nhân là năng lực của con người lý tưởng đứng giữa càn khôn, thiết lập được thế quân bình âm dương để sống khỏe, sống tốt; đồng thời thiết lập được mối giao hảo với tha nhân. Ta không lấn áp tha nhân và tha nhân cũng không lấn áp ta. Chính đức nhân là giềng mối của lòng nhân.

  • Nghĩa là đức nghĩa. Nghĩa (義) bao gồm chữ dương () nằm trên chữ nghĩa là con dê và chữ ngã (我) nằm bên dưới nghĩa là ta, chính ta.

() là con vật hiền lành luôn sống theo đoàn thể, không cạnh tranh, đấu đá. Thời xưa, dê là con vật dùng để tế lễ Thần linh, Trời đất, thể hiện tinh thần hiến dâng. Còn chữ ngã (我) là ta, đặt ở dưới chữ dương (羊) mang ý nghĩa phụng sự, dâng hiến, vì người khác, vì công bằng và lẽ phải.

Như vậy, nghĩa biểu thị một năng lực hiền hòa của người sống trong cộng đoàn, luôn giữ mối tương giao tốt đẹp với mọi thành phần. Do đó mà nói đến nghĩa cha con, nghĩa vợ chồng, nghĩa anh em, nghĩa bạn bè, nghĩa đồng bào…

Nhân là lòng thương yêu đối với mọi người. Nghĩa là việc làm chính đáng theo lẽ phải. Nhân và Nghĩa như Tình với Lý, luôn song hành bên nhau.

Hai mặt Nhân-Nghĩa bổ sung cho nhau, kết hợp với nhau, làm nên đức tính lý tưởng nơi một con người. Đó là con người của sự giao hòa và có khả năng đem lại an hòa cho mọi người, vì có sự quân bình giữa tình cảm đôn hậu và lý trí phân minh, luôn biết tự trọng và tôn trọng tha nhân. Nhân nghĩa có rồi thì tất nhiên cái lợi theo sau. Cái lợi đến sau nhân nghĩa mới thực sự to lớn, có giá trị đạo đức và bền vững lâu dài.

Tương giao nhân nghĩa tránh cho ta cái “duy lý trí”, là cái đặt nặng “trình độ” như một thang điểm để so sánh mình với người khác. Điều này gây ra sự ngăn cách, tạo nên mặc cảm tự ti hay tự tôn, đưa đến một thứ chọn lọc “ưu tuyển”, coi thường những gì bé nhỏ, và loại trừ những người thấp kém. Thật ra, trình độ là điều cần thiết khi nó giúp ta vượt qua khó khăn, hiểm trở, tạo ra những công trình hữu ích. Nhưng nếu trình độ không phục vụ nhân nghĩa, thì nó chẳng còn ý nghĩa và giá trị nhân sinh.

Tương giao nhân nghĩa dựa trên nhân vị, nên cũng tránh cho ta một thứ tự hào về “nhân cách”, “đức độ” hay “tài năng” là điều mà con người “có” chứ không phải điều mà con người “là”. Trong tương quan xã hội, ta thường kính kẻ đức độ, phục người tài năng, nhưng những thứ đó chưa chắc đã là thực sự và có thể mất đi, đang khi  “cái tôi” hiện hữu vẫn luôn là chính nó. Đây là điều mà Thánh Gioan Phaolô II nói đến qua dụ ngôn người con hoang đàng: “Mặc dù người con này đã phung phí hết phần gia sản của hắn, tuy nhiên, nhân tính của hắn vẫn còn nguyên[1].

Tương giao sẽ lệch lạc khi ta trọng giàu khinh nghèo, tâng bốc người giỏi mà khinh khi kẻ dốt, khúm núm trước người có địa vị mà lên mặt với dân thường… Đó là kiểu sống phân cấp, phân hạn, gây ra ly loạn. Đẩy mạnh đẳng cấp đạo đức hay nhân cách là tạo nên bất công, vì rằng mọi người không có điểm xuất phát bằng nhau, nên không thể chạy trên một đường đua với chuẩn mực của mức đến như nhau. Có người sinh ra đã có nhiều ưu thế, nhưng có người phải chịu bao thiệt thòi. Chạy theo đẳng cấp là vô tâm xác nhận phẩm giá con người là do Nhà nước hay xã hội ban cho.

Phẩm giá con người là một tặng phẩm thiêng liêng, đặt nền tảng trên chính Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân (x. Rm 5,8), để từ đó nâng chúng ta lên, không còn coi chúng ta là tôi tớ, mà là bạn hữu. Vì thế, tương giao nhân nghĩa không lọc lựa hay tuyển chọn những người có ưu thế, nhưng đón nhận toàn thể con người với những ưu khuyết điểm. Chính trong Chúa mà ta nhận ra tha nhân là người anh em của mình. Chính vì chúa mà ta muốn sống khác đi, chấp nhận lội ngược dòng với thế gian để sống một tình yêu trọn vẹn.

Trong một “cộng đồng ngôi vị”, người ta càng không được quyền đặt điều kiện tiên quyết về nhân cách. Không phải vì con ngoan mà mẹ mới nhận làm con; nhưng người mẹ chân chính vẫn yêu con trong mọi tình cảnh, phải liên lụy với đứa con để giúp nó thăng tiến nhân cách. Mọi tương quan khác cũng vậy, mọi người phải được đón nhận và trân trọng như nhau và như chính họ.

Ngoài Kitô giáo, ít ai hiểu được những điều trên, nhất là những người vô thần, không có nền tảng siêu hình, nên họ phải chọn lập trường “bạn ra bạn, thù ra thù”: đủ điều kiện tốt thì là bạn, không tốt thì là thù. Hóa ra, bạn và thù chỉ là sự tính toán và lạm dụng lẫn nhau, nên có khi bạn trở thành thù, và thù lại thành bạn.

Chỉ có tương giao nhân nghĩa mới đem lại sự thông giao ở chiều sâu và cân bằng lại những gì quá đà trong những hoạt động của con người. Tuy nhiên, tương giao nhân nghĩa còn được hiển hiện cụ thể và đậm nét qua những tương giao khác.

  1. Tương giao cho và nhận

Cho và Nhận như một qui luật vận hành trong vũ trụ thông qua sự trao đổi năng động. Chẳng có gì là bất biến, và vũ trụ là một dòng chảy luôn chuyển dịch, và biến hóa ngày đêm không ngừng: Thệ giả như tư phù bất xả trú dạ.” (Luận ngữ, IX, 16). Tâm trí và toàn thể con người chúng ta cũng vậy, luôn tương tác một cách linh hoạt với toàn thể vũ trụ, vì mỗi con người cũng là một tiểu vũ trụ. Trạng thái chết của mọi thụ tạo cũng là vì không còn khả năng trao đổi năng lượng với vũ trụ. Đó là lý do phải cho và nhận để luôn luân chuyển sự sống một cách quân bình và hài hòa.

Ai cũng biết nguyên tắc: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”: (Điều mình không muốn người khác làm cho mình, thì mình đừng làm cho người khác). Càng biết cho đi càng tạo nên sự giàu có cho bản thân và tha nhân. Điều này cũng được diễn tả ngay trong từ “Affluence” (sự giàu có) bắt nguồn từ tiếng Latinh là “affluere”: chảy tới. Tiền tài chỉ sinh sôi nẩy nở khi nó luôn là một dòng lưu chuyển. Một từ khác dùng để chỉ tiền là “currency” (tiền tệ), cũng có gốc từ tiếng Latinh là “currere”: chạy hay chảy. Nếu ai cũng nắm giữ và tích trữ thì sẽ ngăn chặn dòng lưu chuyển, làm mất thăng bằng hệ thống cung cầu, làm lũng đoạn thị trường, và kéo theo những hệ lụy khác trong xã hội.

Bất cứ mối tương giao nào cũng đều là cho và nhận. Nhận cũng giống như cho, bởi cho và nhận là hai mặt khác nhau của cùng một dòng năng lượng trong vũ trụ. Cho đi như thế nào nhận lại như thế đó, cho nhiều nhận càng nhiều hơn. Chính Đức Giêsu đã tuyên bố:“Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa.” (Mc 4, 24).

Cho và Nhận xem ra là điều đơn giản: nếu ta muốn có niềm vui, hãy mang niềm vui đến cho người khác. Nếu ta muốn được yêu thương thì hãy sống yêu thương. Nếu ta muốn được quan tâm và thấu hiểu, thì hãy tìm cách quan tâm và thấu hiểu người khác. Chúa Giêsu đã đưa ra qui luật vàng: “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy (Lc, 6, 31).

Có điều cần nhớ, dù món quà vật chất hay tinh thần thì của cho không quí bằng cách cho. Cho mà tỏ vẻ phô trương, cầu kỳ, miễn cưỡng, thì của cho không còn giá trị. Cho mà cảm thấy luyến tiếc vì mất đi một thứ gì đó thì không phải là cho. Cho đi như vậy thì chẳng có chút năng lượng nào được chuyển thông. Hãy cho đi với với niềm vui và lòng khiêm tốn, với sự kính trọng và tế nhị, không cần được đền ơn đáp nghĩa. Khi hành động cho đi là vô cầu, vô điều kiện, thì mới thực sự có giá trị thiêng liêng, cao cả.

Cho đi vì chúng ta đã lãnh nhận quá nhiều: “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh” (1Cr 4, 7). Và vì “đã được cho không, nên cũng phải cho không như vậy” (Mt 10, 8). Ai cũng có nhiều thứ để cho đi, từ vật chất đến tinh thần, từ suy nghĩ đến hành vi, cử chỉ, từ lời nói đến việc làm… Ngay những người già cả hay bệnh tật vẫn còn nụ cười và ánh mắt thân thương, với thái độ và cử chỉ hiền lành, với sự hiện diện đầy yêu thương khả ái. Một lời cầu nguyện âm thầm cho nhau cũng đủ lan tỏa một sinh khí an lành.

Thực tế, những điều cho đi có giá trị nhất chính là những thứ phi vật chất: quan tâm, chăm sóc, quí mến, thấu hiểu và yêu thương là những món quà quí giá nhất, tinh hoa nhất. Biết cho và biết nhận khiến đời sống ta luôn quân bình và an vui. Sự an vui này còn sâu rộng hơn nữa khi chúng ta hướng tới tương giao trợ lực.

  1. Tương giao trợ lực

Không thể có tương giao nhân nghĩa nếu thiếu sự trợ lực để đem lại cho nhau những gì tốt đẹp hơn. Theo Carl Rogers[2], để đi vào tương giao trợ lực, có ba điều phải luôn ý thức:

  • Nhận ra tiềm năng bên trong mỗi người.
  • Mở đường cho tiềm năng ấy thể hiện.
  • Sử dụng tiềm năng ấy giúp cho mỗi người tăng trưởng.

Để mang đến hiệu quả thiết thực cho những điều trên, chúng ta cần thể hiện ba điều cần thiết sau đây:

Trung thực và cởi mở với chính mình

Trung thực là thống nhất giữa ý thức, kinh nghiệm và thông đạt. Bày tỏ mình như mình “là”, không tỏ ra hơn những gì mình có. “Không ai có thể mang hai bộ mặt (một với mình, một với người khác) được lâu dài mà không bị lột mặt nạ.” (Hawthorne). 

Cởi mở là bộc lộ điều mình đang nghĩ hay đang cảm nhận. Muốn thế, cần vượt qua cơ chế phòng vệ, thái độ phòng thủ. Nhờ trung thực và cởi mở lòng mình, mà người khác có thể bộc lộ chính họ.

Lắng nghe và đón nhận người khác

Lắng nghe không chỉ bên ngoài mà bằng cả con tim để hiểu được điều người khác muốn truyền đạt. Đón nhận là tiếp thu những quan điểm, lập trường và cảm nhận của người khác; tránh áp đặt, phê phán, đánh giá. Hãy để cho người kia được là chính họ.

Đón nhận người khác cũng dám đặt niềm tin nơi họ, dù chưa có kiểm chứng xác đáng về năng lực của họ. Việc được tín nhiệm làm tăng năng lực và thúc đẩy họ thể hiện tốt hơn. Tin vào người khác là một cách giúp cho họ thâm tín về giá trị bản thân và nhận ra tiềm năng của họ. Đại thi hào Goethe cũng đã từng nói: “Đối xử với một người đúng với người đó, thì anh ta vẫn là con người như vậy. Nhưng đối xử với một người như anh ta có thể trở thành và phải trở hành, thì anh ta sẽ trở thành con người như thế đó”.

Tuy nhiên, niềm tin hay sự tín nhiệm đôi khi cũng có thể bị lạm dụng hoặc không thể như ta mong muốn. Điều đó cũng chẳng sao, cứ tạo điều kiện để mở đường cho người khác hướng thiện, vì đó là ý nghĩa sống của đời chúng ta (x. Mt 5, 48). Mọi việc thiện đều góp phần với Thiên Chúa để đem lại hòa bình cho thế giới, và nâng cao phẩm giá đời sống làm người. 

– Độ lượng và đồng cảm

Độ lượng là mở rộng trái tim và tầm nhìn. Dù biết người kia có những điều không hay không tốt, nhưng đừng trói buộc người ấy vào quá khứ, cũng đừng hạn chế khả năng chuyển hóa của họ. Trái lại, hãy tin là họ đang nỗ lực để biến đổi. Mỗi người vẫn luôn có sự thao thức vươn lên cách nào đó, dù ta không nhận ra.

Đồng cảm là tâm tình có được khi ta đứng vào vị trí hoặc đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, để cảm nghĩ như họ. Nhờ đó ta có thể trợ lực họ một cách hữu hiệu, và cũng nhờ đó, họ có được sự tự do khám phá lại chính mình.

Tóm lại, nhờ tương giao trợ lực mà ta có thể bước ra khỏi mình, không còn loay hoay và quanh quẩn với chính mình. Tương giao trợ lực giúp ta sống quân bình một cách tích cực, và còn giúp ta khám phá ra mầu nhiệm Thiên Chúa nơi mình và tha nhân.

Bài học từ Phúc Âm

Câu chuyện Matta và Maria (Lc10, 38-42) cho ta nhận ra một tâm thế tương giao. Cả hai chị em đều nhiệt tình đón tiếp Chúa, nhưng với hai thái độ khác nhau:“Maria thì ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Matta thì tất bật lo việc phục vụ”.

– Maria đón tiếp Chúa Giêsu bằng sự chăm chú lắng nghe lời Ngài. Thái độ của cô nhẹ nhàng, bình thản nhưng sâu lắng với con tim rộng mở và đón nhận chân thành. Cô nhạy bén trước nhu cầu muốn chia sẻ của Đức Giêsu. Đó là điều ưu tiên trong giây phút tương giao, gặp gỡ, còn cái gì khác chỉ là phụ thuộc.

– Matta tiếp đón Đức Giêsu bằng cách tất bật lo làm mọi việc để phục vụ Ngài. Nhưng cô lại phục vụ theo ý mình, nhằm đến sự trổi vượt, mà không cần quan tâm Thầy đang muốn điều gì. Khi thấy người khác không nhận ra tầm quan trọng của việc mình làm, thì cô không còn bình tĩnh và tế nhị được nữa: Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao?

Trong tương giao và tiếp xúc hằng ngày, ta ít khi trân trọng đủ để khám phá những ước mong của người khác, mà chỉ chú tâm những gì mình muốn nói và muốn làm. Ngoài ra, ta còn bị áp lực của “cái tôi” muốn thổi phồng chính mình để tìm sự cảm phục của người khác. Đó là thái độ “ăn gian”, vì sợ mình không được yêu, không được chấp nhận, nên cứ phải “trang điểm” cho mình bằng những cung cách hay những thứ bên ngoài như tài năng, bằng cấp, địa vị… thậm chí bằng cả đức độ. Dùng những thứ ngoại thân để thay thế bản thân là điều không trung thực.

Để có một tương giao nghĩa tình, đòi ta vét cạn mọi ảo tưởng về bản thân để có một thái độ đúng đắn và quân bình. Chúng ta ít dám chơi ngang với nhau ở mức độ phẩm giá căn bản, nghĩa là hay dựa vào những gì mình có, mà ít dám sống thật với những gì mình là. Câu chuyện trên còn nhắc nhở: mình phục vụ và người khác cũng đang phục vụ. Sự phục vụ trong vai trò của mình không được làm hư hại hay hạ thấp sự phục vụ của người khác. Giá trị của phục vụ không nằm trong việc lớn nhỏ, nhưng nằm trong ý hướng và thái độ của người phục vụ. Sự phục vụ chân chính bao giờ cũng đòi hỏi một sự tế nhị, nhường bước để tạo được hoà khí, và bổ túc cho nhau trong mọi việc.

Về việc tranh giành ảnh hưởng khi phục vụ, Đức Cha Bùi Tuần có lần đã viết lên cảm nhận như sau: “Tôi thấy trên bàn thờ dâng lễ có cây nến cháy bên một chậu bông hồng đẹp. Đầu lễ, những bông hồng còn rất tươi, nhưng cuối lễ chúng rủ xuống thê thảm. Lý do là vì cây nến đứng quá gần tạt hơi nóng sang. Thấy thế tôi thầm nghĩ thay cho bông hồng: Bạn cũng như chúng tôi đều phục vụ, thế thì tại sao bạn lại đốt chúng tôi. Phục vụ kiểu này có lợi cho bạn, nhưng chúng tôi thiệt hại lớn. Chúa thấy chúng tôi bị bạn huỷ hoại thế này chắc chẳng vui gì. Từ hình ảnh trên tôi nghĩ đến Lời Chúa: “Ta thích lòng nhân hậu chứ không phải hy lễ”.

Quân bình tương giao đòi ta làm thế nào để phục vụ mà không thấy mình phục vụ; làm thế nào để ta nhìn ra tấm lòng của người khác mà không khuếch đại sự rộng lượng của mình; làm thế nào trong mọi sự, ta biết chọn phần tốt nhất như Maria để có thể đi vào trái tim Chúa. Nơi Ngài, sự phục vụ của chúng ta được thanh luyện để trở nên trong sáng, được thánh hoá để trở nên niềm vui cho mọi người. Muốn vậy, thánh Phaolô khuyên chúng ta: “Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn…” (Rm 12, 16).

[1] Gioan Phaolo II, Thiên Chúa giàu lòng thương xót,  s.6.

[2] Carl Rogers, tác giả cuốn “Thành Nhân” (On Becoming a Person) xuất bản năm 1961, được xem là bậc thầy trong lãnh vực tương giao.