Tân Phúc Âm Hóa Cuộc Sống Đời Thường – Chương Ba: Cuộc Sống Buồn Tẻ Và Chán Ngán

print

CHƯƠNG BA

CUỘC SỐNG BUỒN TẺ VÀ CHÁN NGÁN

  1. Cuộc sống buồn tẻ và chán ngán.
  2. Các hình thức giết thời gian.
  3. Hãy tìm ra phương cách chống lại sự buồn tẻ chán ngán.
  4. Sống cho hiệu quả, đó là một trong những phương thế chống ại sự buồn tẻ chán ngán và đây là ba điều kiện để sống cho có hiệu quả:

1. Cuộc sống buồn tẻ và chán ngán

Sống là làm việc. Làm việc nói lên sức sống tròn đầy. Không làm việc là khước từ cuộc sống. Không làm việc thì cũng giống như việc bạn ngồi giết thời gian trước máy truyền hình hay lê la ở các quán cà phê hay la cà ở góc phố vỉa hè. Giết thời gian như thế vì bạn sợ sống. Và đó là cách duy nhất bạn còn lại để thể hiện bản thân! Như vậy, chỉ qua việc làm, bạn mới có thể chứng tỏ được bạn là ai. Trong tâm trí, có lẽ bạn có rất nhiều ý tưởng lớn lao, nhưng các ý tưởng ấy chỉ có giá trị thực khi chúng được biểu hiện qua việc làm. Làm việc mới làm nên chuyện! Không làm việc, các ý tưởng sẽ nằm im và chẳng ai biết đến. Không làm việc, sẽ không có một kết quả nào và cũng chẳng có phần thưởng nào chờ đón bạn cả. Thực tế, có rất nhiều người đã trưởng thành và thành công trong cuộc sống nhờ làm việc. Những người này xem ra không có ý tưởng nào vĩ đại cả, nhưng họ luôn làm việc. Họ vui vì khi làm việc gì, họ luôn làm hết khả năng họ, và họ đã gặt hái được kết quả mỹ mãn, cho dẫu họ chẳng hề trông mong. Làm việc đồng nghĩa với sống, [1] nhưng buồn tẻ đã đi vào cuộc sống chúng ta, làm cho cuộc sống chúng ta trở thành chán ngán. Khoa tầm nguyên cũng cho biết cả hai chữ “chán ngán” (‘ennui’ hay ‘in odio’) và “dễ ghét” (‘odieux’) đều cùng có chung một gốc trong tiếng La Tinh: “odium”, nghĩa là sự chán ghét. “Ennui” (‘chán ngán’) và “en nuit” (‘ban đêm’) được ghép lại không phải chỉ để chơi chữ. Người đau ốm hiểu điều ấy rõ hơn ai hết vì đối với người ấy ban đêm thường trở nên đen tối hơn bao giờ chỉ vì đó thường là những đêm “thức trắng”. Chúng ta thấy đó, ngôn ngữ của người Pháp đã tìm cách diễn tả thực trạng của sự chán ngán bằng biểu tượng mầu sắc! Người ta đã chẳng nói “sự xám xịt của cuộc đời” (‘grisaille de la vie’) để chỉ một cuộc sống đều đều, tức là một cuộc sống diễn ra qua những ngày tháng y như nhau, nối tiếp nhau và nối tiếp nhau, lúc nào cũng hệt như nhau hay sao? Bởi thế, đứng trước sự trống rỗng của nỗi chán ngán, chiến thuật cổ điển là tìm cách “giết thời gian” vì ai cũng thấy chán ngán và chán ghét có liên quan với nhau.[2]

2. Các hình thức giết thời gian

2.1. Cách thứ nhất – chính là nhanh chóng hết sức có thể giết chết những thắc mắc về ý nghĩa cuộc đời.

Người ta lo trang bị thời gian, như trang bị một khoảng không gian hết sức rộng lớn, đến nỗi đành phải nói: “Tôi không còn thời giờ nữa để quay lại”, sở dĩ thế là vì chán ngán luôn khiến người ta quay về với chính mình. Có khi chán ngán còn làm lộ ra một số mảng trong lịch sử đời ta không hề đáng trân trọng. Bỗng nhiên, người ta quay ra chán ghét (“in odio”) bản thân mình. Thế là để tránh những tình cảm hết sức phức tạp ấy, người ta làm việc đến kiệt sức hay ít ra, người ta cựa quậy xoay xở. Pascal nói đó là “đánh trống lảng”. Nghĩa là tránh không nhìn thẳng vào sự việc, là cố gắng giữ mãi một hình ảnh khá đẹp về bản thân mình. Chỉ tiếc là sự cựa quậy xoay xở ấy không thể kéo dài mãi, giản dị là vì nó sẽ chỉ đưa đến cảm giác tan tác và mỏi mệt. Vì vậy, hầu như bao giờ vấn đề ý nghĩa cuộc đời cũng kết thúc bằng cách dù người ta có tìm đủ cách để cho yên vấn đề ấy, nó vẫn được giải quyết rất vẻ vang, như thể có ai đó bảo tôi: “Hãy để tôi làm công việc của mình nơi bạn”.[3]

2.2.Cách thứ hai là tìm cách nâng niu tới mức thái quá những giây phút thành công và  những công việc trong quá khứ.

Để tiếp cận những điều xa lạ trong tương lai và tâm trạng bất an bất ổn do những điều xa lạ ấy tạo ra, người ta thường dựa vào những kinh nghiệm tích cực của mình trong quá khứ – một cách hoàn toàn hợp pháp. Đó chính là bằng cớ chứng minh chúng ta đã có đầy đủ các khả năng để vẻ vang thoát khỏi những cuộc chiến mà cuộc đời bắt chúng ta phải đương đầu. Nhưng nếu sự chán ngán kèo dài quá, dường như người ta sẽ không còn khả năng đầu tư cho hiện tại hay tương lai nữa, mà chỉ tập trung đầu tư cho quá khứ. Từ đó sinh ra cám dỗ tô hồng quá khứ, tự mãn với quá khứ, thậm chí kể đi kể lại quá khứ ấy cho những người chung quanh. Kể mãi đến nỗi họ cũng phát chán, cuối cùng né tránh chúng ta và không còn muốn nghe chúng ta nữa, kể cả khi chúng ta đưa ra những lời tuyên bố hoàn toàn mới mẻ![4]

2.3.Cách ứng xử thứ ba là tìm lại các cảm giác

Tiếng Pháp sử dụng cùng một chữ “sens” để chỉ vừa ý nghĩa vừa giác quan hay khả năng của thân thể nhận thức các thực tại bên ngoài, giúp chúng ta hiểu sự thật nhân loại học này mà các nhà triết học thường hay nhắc lại: Không có gì có ý nghĩa mà trước tiên không được nhận thức bởi giác quan. Ý nghĩa và cảm giác là hai điều gắn liền với nhau. Thế nên, chỉ là chuyện bình thường thôi nếu thấy các giác quan trở nên dao động khi người ta vì chán ngán mà đâm ra đánh mất ý nghĩa của cuộc sống. Thà vậy còn hơn là mất hết các cảm giác! Thậm chí người ta còn mong là có những cảm giác chán ngán để thoát khỏi tình trạng chán ngán! Người ta tìm cách khởi động lại các cảm giác hưởng thụ đã từng có trong thời thơ ấu, như những cảm giác của giai đoạn khoái lạc ở miệng, khiến chúng ta thích ăn thích uống quá độ. Hoặc người ta bắt đầu thân thể hóa mọi sự: thay vì nói năng bằng ngôn từ, người ta bắt đầu tạo ra những đau đớn của thân xác. Như vậy, người chán ngán sẽ phải chứng kiến sự phức tạp của con người mình. Người ấy sẽ sớm nhận ra đâu là vùng đất xung động của mình, nơi chôn sâu các dục vọng và nhân đức của mình. Người ấy sẽ khiêm tốn khám phá ra trong câu ngạn ngữ sau đây có chứa một phần sự khôn ngoan loài người: “Nhàn cư là mẹ sinh ra mọi nết xấu”, và sẽ nhận thức rõ hơn ranh giới giữa nết xấu và nhân đức thật là mong manh. Sau cùng, người ấy sẽ linh cảm thấy sống một cuộc sống luân lí – tức là quyết định mang lại ý nghĩa cho thời gian đang trôi qua (có thể bổ sung thêm vào định nghĩa này bằng định nghĩa sau này sẽ khai triển: sống cuộc sống luân lí là tìm cách “biến đổi không gian”) cũng có thể được định nghĩa là ra sức chống lại cái vô nghĩa của sự chán ngán. Từ nay, người ta sẽ hiểu rõ hơn rằng để cho nỗi chán ngán án ngữ trong lòng mình, không giúp người bên cạnh chống lại sự chán ngán, là đã có những thái độ hết sức phi đạo đức. Thật vậy, đó chẳng khác gì chấp nhận cho sự phi lí hay vô nghĩa trở thành lời nói cuối cùng của cuộc sống. Thiên Chúa chúng ta – vốn là Thiên Chúa của kẻ sống (Lc 20, 38) và là Thiên Chúa đã mở ra một dòng lịch sử cứu thoát hết sức biến động (Xh 20, 2) chắc chắn không thể nào chấp nhận tình trạng ấy! Như nhiều thuật trình Thánh Kinh gợi ý, bước theo Thiên Chúa ấy là liên tục bước vào một dòng lịch sử hết sức bất ngờ, dù có khi phải đi qua những sa mạc hết sức tẻ nhạt.[5]

 

3. Hãy tìm ra phương cách chống lại sự buồn tẻ chán ngán.

Những suy nghĩ trên đây chợt đến với Xavier Thévenot khi phải chứng kiến sự chán ngán nơi mình. Đành rằng nhờ những suy nghĩ ấy ta có thể đẩy lùi sự chán ngán một lúc! Nhưng không thể hi vọng là sẽ chiến thắng được nỗi chán ngán một cách dài lâu chỉ bằng cách ngồi lí luận về sự chán ngán! Vì đặc tính của sự chán ngán sâu xa là hủy hoại ý chí – hay đúng hơn hủy hoại ước muốn – muốn thoát khỏi sự chán ngán! Lúc nào, chúng ta cũng có một thái độ gần như khi mình nói: “Có ích gì?”. Chúng ta sẽ không ngạc nhiên về điều này, vì chán ngán là có cảm nghiệm về sự phi lí và vô nghĩa.

Nếu vậy, đâu là chiến thuật cần sử dụng để chống lại sức mạnh phá hoại ấy? Câu trả lời xem ra rất rõ: đừng để nó án ngữ trong lòng mình; hãy đi tìm và tiếp nhận tất cả những gì có thể đem lại ý nghĩa, cũng như tất cả những gì giúp chúng ta khám phá ra ý nghĩa. Thế nhưng, nói thế không phải là quên rằng đó chỉ là giải pháp của những người khỏe mạnh, đang làm chủ hoàn toàn các phương tiện thể lý, tâm lý, tâm linh, nghĩa là những người có khả năng dễ dàng tiếp cận những môi trường có ý nghĩa như một việc làm tay chân hay trí óc hấp dẫn, một cuộc sống có những quan hệ và tình cảm phong phú, một tiềm năng giáo dục và văn hóa rất kết quả, một đời sống hội hè hết sức say sưa, một sự khám phá không ngừng về Thiên Chúa… Còn những người bị một hay nhiều thử thách tác động như thất nghiệp, bệnh tật, già nua, bị cô lập, mất đức tin sẽ mau chóng nhận thấy rất tiếc mình không luôn có sẵn điều kiện để bước vào những môi trường có ý nghĩa như thế! Đối với họ, chiến đấu chống lại sự chán ngán phải là một cuộc chiến khốc liệt, nhất là khi bạn bè chung quanh mình không tỏ ra liên đới tích cực với mình. Cuộc chiến này sẽ được dệt bằng những lần thất trận khủng khiếp và vài lần chiến thắng cỏn con. Nó bắt chúng ta phải luôn luôn khiêm tốn làm việc với bản thân mình – một công việc hệ tại ở chỗ biết khám phá ra những ý nghĩa đang nằm ẩn ở xa kia, mà nếu nhìn vội vàng và hời hợt, chúng ta sẽ không phát hiện ra.

Đặc biệt, người nào càng thấy diện tích hoạt động và quan hệ của mình bị thu hẹp, người ấy càng có cơ hội đào sâu bên trong mình và biết nhìn khác đi những điều vặt vãnh là những điều từ nay sẽ trở thành số kiếp hằng ngày của mình. Lúc ấy, họ sẽ khám phá thấy cái tầm thường ít tầm thường hơn mình tưởng. Và thế là mở ra một con đường chiêm ngắm rất khiêm tốn nhưng cũng rất đích đáng.[6]

4. Sống cho hiệu quả, đó là một trong những phương thế chống ại sự buồn tẻ chán ngán và đây là ba điều  kiện để sống cho có hiệu quả:

4.1.Tập trung vào hiện tại

Cuộc sống không phải là một gánh nặng ta phải đeo mang, mà là một cơ hội cho ta sống và tận hưởng. Vậy khi nào cuộc sống mới trở nên một gánh nặng? về mặt lý thuyết, ta biết cái gì nên và không nên làm. Nhưng trong cuộc sống thường nhật ta không thể tránh được tình trạng: việc thì cần làm nhưng kết quả lại không như mong đợi. Nếu cuộc sống luôn là gánh nặng thì đó là do ta tạo nên. Người ta không thể luôn hy vọng về những điều tốt đẹp, lý do thật đơn giản: vì cuộc sống chúng ta bị chi phối bởi môi trường và đủ thứ hoàn cảnh. Trong cuộc sống thực tế, chúng ta không thể rũ bỏ những gì ta muốn và thỉnh thoảng còn phải chịu đựng rất nhiều thứ khó chịu. Cách ta làm thế nào để làm chủ được những tình huống đó sẽ quyết định niềm vui sống của đời ta.

Nơi ta sinh ra, ta không thể chọn lựa. Ta sinh ra trong nghèo khó hay giàu sang là do hoàn cảnh. Khi lớn lên, ta tự mình làm chủ bản thân dù có quá nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cuộc sống chúng ta. Chúng ta có thể vẽ ra cho mình một con đường và tiến lên trên con đường đó, tránh những cạm bẫy, vượt qua rào cản, vật lộn với thử thách và khám phá những cơ hội. Nhiều người cố mang lấy gánh nặng của quá khứ và như vậy họ bỏ lỡ những cơ hội trong hiện tại, đánh mất cả tương lai. Ta không thể lấy lại những gì đã thuộc về quá khứ cũng không biết chắc điều gì chờ đợi ta ở tương lai. Chỉ có hiện tại là có thực và tùy ta sử dụng. Vì thế, chúng ta sống mỗi ngày qua là một ngày vui sống, thế thì cuộc sống mới thú vị làm sao! Lo lắng về quá khứ và hồi hộp cho tương lai thì có ích gì? Nhà thơ lớn của Roma, Horace, 2000 năm trước đã nói: «Giữa hy vọng và lo âu, thái độ nắm bắt và băn khoăn mỗi ngày ắt sẽ tắt ngấm nơi bạn như thể nó là của bạn ngày hôm qua, rồi thêm nhiều giờ nữa để bạn tận hưởng niềm vui mà không phải nhìn về phía trước, dù là một ân huệ có thể chấp nhận được». Nếu ta làm hết việc của ngày hôm nay sao cho thật hoàn chỉnh, ta có thể nhìn về ngày mai một cách đầy tự tin.

Cách sử dụng một ngày của bạn như thế nào có vai trò rất quan trọng cho dẫu những gì đã xảy ra ngày hôm qua và sắp xảy ra ở tương lai. Làm bất cứ điều gì, hãy hoàn toàn tập trung vào đó để làm cho thật tốt. Sau một ngày làm việc mỹ mãn, bạn có thể đi vào giấc ngủ với một tâm trí thật thanh thản. Gandhi đã nói: «Đối với tôi, một lúc một việc là đã đủ». Nó chứa đựng một triết lý sống toàn diện của một cách sống thành công. Ta không thể nào chứa hết trong đầu quá nhiều thứ cùng một lúc. Điều này làm mất đi sự tập trung và làm hỏng cả những hiệu quả của chúng ta.

Thành công của Napoleon được cho là nhờ vào khả năng tập trung tinh thần của ông. Bất cứ khi nào nghĩ đến một cuộc viễn chinh hay kế hoạch, ông luôn thích được ở một mình, không cho phép cả Josephine, người vợ yêu của ông được ở bên cạnh. Ông giải thích ngắn gọn về cách ông động não như sau: «Cái đầu của tôi như một cái tủ commốt vậy. Tôi không hề cất hết đồ đạc của mình vào trong một ngăn. Tôi đặt chúng riêng rẽ trong từng ngăn dành riêng cho chúng. Khi tôi mở một ngăn, những ngăn khác tự động đóng lại. Đó là cách để tôi tập trung vào việc cần làm».[7]

Có câu chuyện kể rằng: Một nhà thông thái phương tây vô tình phát hiện thấy một pho tượng thần “hai mặt” trong một phế tích cổ Rôma. Tuy là một người thông kim bác cổ, nhưng ông vẫn cảm thấy lạ, nên đã hỏi pho tượng thần: “Xin hỏi tượng thần, Người làm sao có một đầu mà lại có hai mặt?”

Tượng thần nói: “Có như vậy bởi một mặt nhìn về quá khứ, để ghi nhớ những bài học. Còn một mặt nhìn về tương lai, để tưởng tượng những gì đã qua”.

Nhà thông thái lại hỏi: “Tại sao ngài không chăm chú nhìn vào những cái hiện tại có ý nghĩa nhất?”.

“Hiện tại” thần hai mặt có vẻ ngơ ngác không hiểu.

Nhà thông thái nói: “Trước đây là cái quá khứ của hiện tại, còn tương lai là sự nối tiếp của hiện tại, nhưng ngài lại không nhìn vào hiện tại thì dù ngài có nắm vững quá khứ trong lòng bàn tay cũng không thể biết rõ được sau này, như vậy liệu có ý nghĩa gì?”

Thần hai mặt lặng im không nói, rồi đột nhiên khóc hu hu. Nguyên do vì thần không nắm vững “hiện tại” cho nên thành Rôma mới bị kẻ địch đánh chiếm, thần mới bị người ta vất bỏ lưu lạc nơi phế tích này.[8]

4.2. Không trì hoãn đến ngày mai

Một điểm mới được xem xét là: chúng ta không nên trì hoãn đến ngày hôm sau những gì nên làm ngày hôm nay. Có một câu cách ngôn của Anh rằng «Ngày mai sẽ không bao giờ đến». Khi ta hoãn một việc nào đó để làm vào ngày hôm sau, ta đã đánh mất ngày hôm nay và không có bảo đảm rằng ngày mai ta sẽ làm điều đó. Đó là cái được gọi là sự chần chừ, vốn dần dần sẽ biến ta thành người thụ động. Công việc chưa hoàn thành của ngày hôm nay sẽ trở thành gánh nặng cho ngày hôm sau và cứ như vậy, chúng chồng đống lại ngày này qua ngày khác, cuối cùng nó trở nên khổng lồ và ta không thể làm gì với chúng được nữa. Đó là lý do tại sao Shakespeare lại nói: «Khi ngày hết, ắt quỷ ma xuất hiện».[9]

4.3. Không bỏ qua việc nhỏ

Không có gì là quá nhỏ để ta có thể bỏ qua sự chú ý. Khi ta lờ đi một việc nào đó vì cho rằng nó quá nhỏ, nó có thể trở thành thảm họa đấy! Tôi sẽ kể một câu chuyện để minh họa cho điều này.

Lâu đài của một vị vua nọ bị quân thù vây hãm, nhà vua gửi một bức thông điệp cầu cứu một vì vua láng giềng thân thiết mang quân đến cứu. Bức điệp rất khẩn và một kỵ sĩ đưa thư tức tốc leo lên lưng ngựa. Sau khi ngựa phi được một quãng, nó bỗng chạy chậm lại, chàng kị sĩ xuống ngựa xem xét thì phát hiện ra một chiếc đinh bị rơi ra khỏi cái bịt móng. Anh ta nghĩ chỉ là một chiếc đinh nhỏ thôi và ngựa sẽ chẳng việc gì nếu thiếu chiếc đinh đó. Vì quá vội đi, anh đóng yên cương cho ngựa và chạy được một quãng, ngựa tuột mất chiếc bịt móng. Nhưng chàng kị sĩ chẳng màng và càng thúc ngựa chạy nhanh hơn nữa. Không có chiếc bịt móng, chân ngựa bị thương và không thể nào chạy tiếp được. Chàng kị sĩ tuyệt vọng và bỏ ngựa, bắt đầu chạy bộ hòng kịp đưa thư. Khi chàng đến nơi thì đã quá muộn vì chính lúc đó, kẻ thù đã phá được phòng thủ, tràn vào lâu đài.

Thiếu một chiếc đinh, một vương triều bị mất. Qua câu chuyện, nó chuyển tải đến ta một bài học thật sâu sắc. Dù việc nhỏ hay lớn cũng cần phải xem xét kịp thời. Đừng tưởng những việc ta hoãn lại nào có ích gì thế nhưng thậm chí nó còn biến những gì đơn giản và dễ dàng thành ra phức tạp. Thi sĩ thiên tài người Đức, Goethe, đã nói: «Trong quá trình phát triển của mình, tự nhiên không bao giờ ngừng lại, dù chỉ một giây và tai ương sẽ xuất hiện nếu như mọi thứ đều ngưng nghỉ». Con người là một phần của tự nhiên và anh ta không thể nào cưỡng lại được qui luật đó hay lờ đi những gì anh ta nên làm. Geothe đã nói thật chính xác: Sự thụ động đáng bị trừng phạt.

Có ba điều kiện tiên quyết để sống sao cho hiệu quả:

  1. Tập trung vào hiện tại và đừng mang lấy gánh nặng của quá khứ. Đừng để mất thời gian chỉ để lo lắng cho tương lai. Giờ nào việc đó và làm cho thật tốt việc của ngày hôm nay.
  2. Đừng hoãn lại cho ngày mai những gì bạn có thể làm vào ngày hôm nay. Trì hoãn chỉ làm cho bạn bị tăng thêm gánh nặng.
  3. Đừng xem thường bất cứ điều gì vì cho rằng nó quá nhỏ, không đáng quan tâm. Những việc nhỏ bị lờ đi ngày hôm nay có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng cho tương lai.

Ba điểm trên bạn có khi không thèm để mắt đến nếu như bạn xem xét chúng một cách hời hợt. Đừng quên rằng chúng tạo nên cốt lõi cho một cách sống hiệu quả. Đôi khi một vấn đề có vẻ hóc búa có thể có được những giải pháp thật dễ dàng miễn là bạn có một tầm nhìn xa về chúng. Alexander Đại Đế trong cuộc viễn chinh tìm kiếm một đế quốc đã đến thành phố Gordia nơi có một cỗ xe ngựa được tạc từ đá, được buộc bằng một dây thừng to có nút thắt. Trong thành phố đó, người ta tin rằng nếu bất kỳ ai tháo được cái nút sẽ thống trị cả thế giới. Alexander xem cái nút thắt của người Gordia và chỉ với một nhát kiếm, ông chặt phăng cái nút ấy đi. Mọi người kéo lại và Alexander giải thích với họ rằng cái nút đó đã quá cũ rồi, không ai có thể tháo nó ra mà không làm hư sợi thừng được. Thật là ngu ngốc cho kẻ nào cứ cố mà tháo cái nút đó! Giải pháp là chặt phăng nó đi và thế là giải được điều bí ẩn xa xưa.

Alexander đã đúng khi cho rằng chỉ tổ mất thời gian khi một người nào đó cố mở cho được cái nút thắt. Bản năng giải quyết vấn đề nhanh chóng của Alexander đã giúp ông thắng nhiều trận với số quân rất ít dù đã nhiều lần ông phải chống chọi với lực lượng kẻ thù đông hơn hẳn.

Tình tiết lịch sử này đã làm xuất hiện trong ngôn ngữ Anh một câu thành ngữ «cắt cái nút thắt của người Gordia», có nghĩa là tìm những giải pháp nhanh chóng để giải quyết các vấn đề khó khăn.

Bạn không thể lãng phí thời gian chỉ để làm những việc không đâu. Sự suy xét sáng suốt giữa những gì đáng và không đáng làm thật ra rất quan trọng trong việc ra quyết định. Không thể lúc nào bạn cũng phải nghe ý kiến của người khác và tồi tệ hơn là cứ luôn phải bị ảnh hưởng bởi những ý kiến đó. Sự tự lực là một đức tính bạn cần phải phát huy để có thể sống thật hiệu quả. Một khi bạn đã không tin vào bản thân mình, ắt bạn sẽ bị hỏng việc và dễ trở nên chùn bước.

Trong đời của Isaac Newton, ông cũng đã từng phải trải qua một thời kỳ đặc biệt khó khăn do bệnh tật, ông phải khôn khổ vì một đợt rối loạn thần kinh. Bằng chính sức mạnh của ý chí, ông vượt qua được thời kỳ đó, và rồi sau khi bình phục, ông thực hiện được rất nhiều khám phá trong lĩnh vực thiên văn học. Newton quyết đạt được mục tiêu nào đó trong cuộc đời và ý chí này đã giúp ông có thêm sức mạnh vượt qua mọi bệnh tật, khó khăn. Chỉ cần có sự tự tin thôi là ta đã có được suy nghĩ tích cực. Nhà văn nổi tiếng của Mỹ, O.Henry đã nói: «May mắn là phần thưởng cần đạt được. Con đường để đạt được nó là mạo hiểm. Cơ hội là những gì có thể ẩn nấp đâu đó trong những bóng râm bên đường»

Lúc mà bạn bắt đầu cuộc sống, những nỗ lực làm cho cuộc sống được thành công sẽ theo đó đến với bạn. Nhiều quan điểm nổi bật về cách sống nhạy cảm được đề cập ở chương này, và nếu bạn thực hiện được chúng trong cuộc sống thường nhật, bạn sẽ thấy thích thú vì mình mỗi ngày mỗi tự tin hơn.[10]

[1] Don Miguel Ruiz, Thỏa thuận với chính mình trg.78-79

[2]Xavier Thévenot, Avance en eau profonde (Hãy tiến ra chỗ nước sâu), trg.43

[3] Xavier Thévenot, Avance en eau profonde (Hãy tiến ra chỗ nước sâu), trg.trg.44

[4]Xavier Thévenot, Avance en eau profonde (Hãy tiến ra chỗ nước sâu), trg.trg.45

[5]Xavier Thévenot, Avance en eau profonde (Hãy tiến ra chỗ nước sâu), trg.45

[6] Xavier Thévenot, Avance en eau profonde (Hãy tiến ra chỗ nước sâu), trg.47-48

[7] P.C. Ganesan, How to develop self confidence for success (Tự tin để thành công) trg.45-47

[8] Giang Văn Toàn, Tâm Hồn, trg. 15

[9] P.C. Ganesan, How to develop self confidence for success (Tự tin để thành công) trg.47

[10] P.C. Ganesan, How to develop self confidence for success (Tự tin để thành công) trg.47-50