Tóm lược sự xuất hiện các thành phần của nghi thức thánh lễ  theo dòng thời gian

print

Tóm lược sự xuất hiện các thành phần của nghi thức thánh lễ 

theo dòng thời gian

Gs. Lê Ngọc Ngà

  1. Đoàn rước và ca nhập lễ

Đoàn rước xuất hiện vào thế kỷ VI tại nhà thờ trạm của Đức Giáo Hoàng, khi đoàn rước tiến vào nhà thờ với bài hát. Thánh lễ bắt đầu với Kyrie. Từ thế kỷ thứ V, Thánh Celestine I, bắt đầu Thánh Lễ với phần dẫn vào (Introit, nghi thức đầu lễ), hoặc bài ca nhập lễ, cụ thể. Bài hát này có thể là một bài thánh vịnh trọn vẹn hoặc còn một câu duy nhất (​​thế kỷ thứ X). Và nó được hát bằng là tiếng địa phương với nội dung phù hợp với các bài đọc trong thánh lễ ngày.

  1. Chào bàn thờ

Các nghi thức chào bàn thờ xuất hiện vào thế kỷ thứ VIII, và việc xông hương đã được bổ sung vào thế kỷ XIII. Và lời cầu nguyện thầm của chủ tế chuẩn dâng lễ được đọc trước trong các phòng thánh (nơi dọn đồ lễ) xuất hiện vào thế kỷ X. Và từ thế kỷ XVI, Thánh Piô V bắt buộc và thống nhất trong cả Giáo Hội La tinh. Và lời cầu nguyện này được kết hợp trong nghi thức Thánh Lễ của Đức Phaolô VI qua nghi thức sám hối đầu lễ.

  1. Nghi thức sám hối và Kyrie

Lời thú nhận tội lỗi đã luôn luôn đi trước Thánh Lễ. Hành động này đã tìm xuất hiện trong Didache từ thế kỷ đầu tiên. Các nghi thức sám hối bắt đầu với một sự chuẩn bị thú nhận tội lỗi và kết thúc với lời cầu nguyện của các Kyrie eleison  (tiếng Hy Lạp), nhưng vẫn được giữ lại trong phụng vụ Latinh vào cuối thế kỷ thứ ba. Kinh Confiteor xuất hiện từ thế kỷ XIV.

Kyrie ban đầu được hát trong khi đoàn rước tiến vào nhà thờ trạm, được lặp đi lặp lại cho đến khi lễ được bắt đầu Đến thế kỷ thứ sáu, Thánh Leo Cả đã quy định số lần lặp lại chín lần, và đến thế kỷ XVI, Đức Giáo Hoàng Piô V ấn định hát ba lần Kyrie, ba lần Christe và ba lần Kyrie, (tôn kính Chúa Ba Ngôi). Thánh Lễ của Đức Phaolô VI đã được giảm xuống còn hai lần được đối đáp Kyrie-Kyrie; Christe-ChristeKyrie-Kyrie.

  1. Kinh Gloria

Gloria bài hát của thiên thần vào đêm Giáng Sinh. Đây là một bài thánh ca rất cổ của tác giả vô danh. Có xuất xứ từ lời kinh sáng Giáo Hội Đông Phương, và nó được đưa vào Thánh Lễ đêm Giáng sinh ở thế kỷ thứ II. Đến thế kỷ thứ VI, nó đã được phổ biến rộng rãi trong các Thánh Lễ ngày Chúa Nhật, ngày lễ trọng và lễ kính các vị tử đạo (thế kỷ thứ VIII, ban đầu nó chỉ được sử dụng khi có giám mục cử hành, nhưng từ thế kỷ thứ XII được các linh mục sử dụng. Và Gloria được bỏ qua trong quá trình các thời gian sám hối (mùa Vọng và mùa Chay).

  1. Lời tổng nguyện (Collecte)

Lời cầu nguyện đầu tiên được gọi là tổng nguyện, bởi vì nó nhân danh tất cả những người tham dự và cộng đồng tín hữu để dâng lên Thiên Chúa chính lời cầu xin mà Hội Thánh van nài trong kinh nguyện ngày hôm đó.

Trong thời Giáo Hội sơ khai, lời tổng nguyện lời cầu nguyện được chủ sự ứng khẩu. Mãi đến thế kỷ III, ba lời cầu nguyện trong thánh lễ (lời nguyện nhập lễ, lời nguyện tiến lễ và lời nguyện hiệp lễ) được ấn định. Và cách mau chóng, các lời nguyện được soạn thảo được tập hợp lại để chủ sự chọn lựa khi cử hành. Do đó, đến thế kỷ thứ VII, Thánh Grégore Cả đã ấn định ba lời nguyện trong thánh lễ.

  1. Phụng vụ Lời Chúa

Ban đầu, không có luật buộc cố định cho sự lựa chọn các bài đọc. Vào thế kỷ thứ IV, theo Thánh Damasô I, Thánh Jérôme đã phân chia các thư và các sách Tin Mừng trong suốt năm phụng vụ. Cho đến Công Đồng Trentô, xuất hiện một số loạt các đoạn văn thánh kinh với nhiều sách bài đọc khác nhau nhằm sử dụng cho nhiều khu vực khác nhau của Hội Thánh. Công đồng Vatican II đã hoàn thành việc rà soát các văn bản của các bài đọc trong Thánh Lễ.

Trong quá khứ, phụng vụ Lời Chúa gồm bài Cựu Ước trích từ sách các tiên tri, Tân Ước trích từ các thư tín của Thánh Phaolô, hay của các tông đồ khác (Phêrô, Gioan hay Giacôbê và Giuđa), hoặc sách Tông Đồ Công Vụ. Dần dần Alleluia đã được đặt giữa những bài đọc và các thư.

Trong Thánh Lễ của Thánh Piô V, các bài đọc chỉ còn các thư Tân Ước và phúc âm, trừ các thời gian đặc biệt trong năm phụng vụ.

Hiện nay, mỗi ngày trong năm phụng vụ đều có bài đọc riêng và chu kỳ các bài đọc của Chúa Nhật kéo dài ba năm (A, B và C). Với Vatican II, nhằm mục đích giúp các tín hữu hiểu đầy đủ hơn kho tàng Kinh Thánh, Công Đồng đã cải tổ phụng vụ, nhất là các sắp xếp vào các ngày Chúa Nhật và lễ trọng có các Bài đọc thứ hai, và có thể được loại bỏ nếu lý do chính đáng. Tương tự như vậy, Thánh Vịnh được hát ngay sau bài đọc thứ I.

Bài đọc I, theo nghi thức Ambrôsiô, người đọc được chuẩn bị bằng phước lành: “Nhờ lời dạy của các (tiên tri hay tông đồ) đem lại ơn cứu rỗi cho chúng con”.

Từ đầu cho đến thế kỷ thứ IV, chỉ đọc hoặc hát toàn bộ thánh vịnh. Đến thế kỷ thứ V, Thánh Celestinô I đã sáng kiến việc đối đáp khi hát Thánh Vịnh. Từ thế kỷ thứ VII, vào mùa Phục Sinh, các thánh vịnh được thay thế cho bằng việc hát Alleluia. Cải cách phụng vụ của Vatican II đã thiết lập lại, bài Thánh Vịnh đáp ca đơn giản hơn và phù phù hợp với bài đọc I.

Bài đọc II, theo nghi thức Ambrôsiô,  người đọc bài đọc được chuẩn bị bởi phép lành “Nhờ lời giáo huấn của các tông đồ chúng con được đầy tràn ân sủng của Chúa”.

Sau bài đọc II, Alleluia được hát lên trước khi công bố Phúc Âm. Đến thế kỷ thứ XII, một số tác phẩm thi ca không có nguồn gốc trong Kinh Thánh, cũng được đưa vào phụng vụ của những ngày lễ: Ca tiếp liên (bài ca thể hiện niềm vui mừng). Thánh Piô V chỉ giữ lại cho các ngày lễ: Victimae (Phục Sinh), Venir Sancte Spiritus (Chúa Thánh Thần hiện xuống), Dies irae (lễ Các Đẳng) và Lauda Sion (Mình Thánh Chúa) và Stabat Mater (được thêm vào năm 1727). Ca tiếp liên không có liên hệ gì với nội dung của các bài đọc. Vị trí của ca tiếp liên cũng thay đổi nhiều, đôi khi được đặt trước, đôi khi sau Alleluia. Theo quy định của Sách Lễ Rôma năm 2002, ca tiếp liên đặt trước Alleluia, vì vai trò của Alleluia là nhằm chuẩn bị cho việc công bố Tin Mừng.

Alleluia (Allelu Yahvé, ca tụng Thiên Chúa) là một bài thánh ca của niềm vui và chiến thắng, được thánh Damasô khởi xướng hát trong mùa phục sinh. Thánh Grégoire Cả cho phép hát vào các ngày Chúa Nhật và lễ trọng ngoài mùa Chay.

Công bố Tin Mừng. Người đọc xin ơn “Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin thanh tẩy tâm hồn và miệng lưỡi con để con có thể công bố Tin Mừng của Chúa cho xứng đáng”. Lời cầu nguyện này được gợi hứng từ Is 6, 6-7. Vào thế kỷ VIII, sách Tin Mừng được rước cách trọng thể, và lời cầu nguyện thầm được thêm vào thế kỷ thứ XIII.

Trong khi công bố Tin Mừng (linh mục hoặc phó tế) làm dấu Thánh Giá với ngón tay phải trên trán, miệng và ngực. Cử chỉ này có nguồn gốc vào thời vua Charlemagne, thế kỷ VIII.

Cuối Tin Mừng, người đọc công bố: Đó là Lời Chúa, cộng đoàn đáp: Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa. Lời chúc tụng này đã xuất hiện từ rất xa xưa trong phụng vụ.

Bài giảng. Công Đồng Trentô quy định các mục tử “nên giải thích thường xuyên các bài đọc trong Thánh Lễ, nhằm soi sáng một số khía cạnh của mầu nhiệm của hy lễ thánh thiện”. “ Ngôi Lời Thiên Chúa trong các bài nói với tất cả mọi người ở bất kỳ độ tuổi nào và mọi thời đại, và để họ có thể hiểu được Lời, và Lời đạt được hiệu quả trong lòng họ, đó chính là vai trò của bài giảng, thành phần của phụng vụ Lời Chúa”.

  1. Tuyên xưng Đức Tin

Cho đến thế kỷ V, kinh Tin Kính vẫn chưa xuất hiện trong thánh lễ. Nó đã được dần dần xuất hiện trong các nghi thức của Hội Thánh Đông Phương vào thế kỷ VI như một phản ứng chống lại các lạc thuyết. Công Đồng Tolède (589) dạy: “Hãy hát kinh Tin Kính (Credo), vì qua việc tuyên xưng này, đức tin chân thật được xác quyết cách rõ ràng và các tín hữu công giáo sẽ sống lại niềm tin của mình khi chuẩn bị lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa Kitô”. Đến thế kỷ VIII, ở Tây Ban Nha cũng như Châu Âu, dưới sự ảnh hưởng của Charlemagne, kinh Credo đã được hát sau bài Tin Mừng. Trong lễ nghi của Ambrosio, kinh Credo được hát sau khi dâng lễ. Còn trong nghi thức Mozarabic kinh này được hát sau khi truyền phép.

  1. Lời nguyện chung (các tín hữu)

Vào thế kỷ thứ VI và thứ VII, tại Rô-ma, trong thánh lễ xuất hiện lời cầu nguyện của tín hữu. Lời nguyện này được linh mục khởi đầu với công thức cố định, còn các ý nguyện của các tín hữu thì phải ứng biến tùy theo hoàn cảnh. Những lời cầu nguyện này dần dần biến mất, thay thế bằng lời cầu cho các tín hữu vào Thứ Sáu Tuần Thánh, theo sách lễ Piô V. Tuy nhiên, vào cuối thời Trung Cổ, theo nghi thức phụng vụ ở các giáo xứ, lời cầu nguyện này được đọc tại “toà giảng” liền sau bài giảng.  Những lời cầu nguyện đã trải qua nhiều thay đổi tuỳ theo địa phận. Từ sau Công Đồng Vatican II, lời nguyện này được phục hồi và canh tân.

  1. Dâng lễ

Hành động đầu tiên của Phụng Vụ Thánh Thể được bắt đầu trên bằng việc trải tấm khăn “corporal” trên bàn thờ, nhằm nói lên sự tôn trọng Mình Thánh Chúa Kitô sẽ được đặt lên đó. Việc này đã xuất hiện vào thế kỷ IV. Đức Giáo Hoàng Sylvestre quy định chất liệu của corporal phải là vải lanh “chất liệu của tấm khăn liệm Chúa Giêsu”.

Kích cỡ của corporal ban đầu rất rộng vì để phủ cả bánh và rượu khi dâng lễ. Vào thế kỷ VII, corporal rộng phủ cả mặt bàn thờ. Nó được trang trí, thêu thùa công phu, và được xem như tấm vải liệm, biểu trưng cho việc an táng Chúa Kitô. Đến thời trung cổ, xuất hiện tấm khăn đậy chén thánh (calice). Từ nguyên thuỷ, phần dâng lễ vật được thực hiện trong thinh lặng. Nhưng từ thế kỷ IV, xuất hiện bài hát dâng lễ kèm theo, được phổ theo các thánh vịnh với cung điệu đơn giản, với một điệp ca được lập lại sau mỗi triệt của thánh vịnh. Nhưng đến thế kỷ IX, việc rước lễ vật lên bàn thờ không còn nữa thì việc các điệp ca của bài hát dâng lễ cũng bị giản lược.

Việc quyên góp (tiền quête), được các tín hữu rước lên bàn thờ cùng với bánh và rượu. Việc lạc quyên này với mục đích giúp các giáo sĩ và trợ giúp người nghèo.

  1. Lời nguyện khi dâng lễ vật

Cho đến thế kỷ XI, không có lời nguyện khi dâng lễ. Nhưng đến thời Trung Cổ lời nguyện này xuất hiện trong lễ nghi Gallican. Nó xuất hiện ở Rô-ma vào thế kỷ XIII, và việc sửa đổi sách lễ Rô-ma vào thế kỷ XVI, lời nguyện này được chính thức thêm vào lễ nghi, thường được linh mục đọc thầm. Trước Công Đồng Trentô, hình thức và số lượng của những lời nguyện này có nhiều thay đổi.

  1. Xông hương lễ vật

Việc xông hương lễ vật chỉ bắt đầu vào thế kỷ XIII. Các lời nguyện thầm kèm theo (không buộc) được chỉ rõ trong sách lễ của Đức Phaolô VI.

Xông hương là một nghi thức tôn vinh dành riêng cho Chúa, và nói chung, nó là một dấu chỉ của sự thánh hiến. Qua việc xông hương, Thiên Chúa được tôn vinh. Trong khi xông con người, Hội Thánh cũng tôn vinh những tạo vật mà Thiên Chúa đã dựng nên giống hình ảnh Người. Cũng vậy, xông hương linh mục, vì ngài hành động “in persona Christi” trong khi đọc lời truyền phép. Xông hương các thành phần dân Chúa bởi vì, nhờ phép rửa, họ đã trở nên đền thờ của Chúa Thánh Thần.

Ngoài ra, việc xông hương còn muốn nói lên ý nghĩa của việc ước mong lời cầu nguyện của cộng đoàn bay lên trước toà Chúa như lời của thánh vịnh 140: Ước chi lời con nguyện như hương trầm bay lên trước tôn nhan Chúa. Lời nguyện này được tìm thấy trong lễ nghi Piô V, khi xông hương “Ước chi hương trầm được Ngài chúc phúc bay lên tới Ngài, lạy Chúa, và trở lại với chúng con lòng thương xót của Ngài”.

  1. Lời mời gọi

Linh mục kết thúc việc dâng lễ bằng lời mời gọi: “Anh chị em hãy cầu nguyện để lễ vật của tôi cũng là của anh chị em được Thiên Chúa là Cha toàn năng chấp nhận”. Và cộng đoàn đáp lại: “xin Chúa nhận lễ vật bởi tay cha, để ca tụng tôn vinh danh Chúa và mưu ích cho chúng con cùng toàn thể Hội Thánh Người”. Lời này bắt đầu từ thế kỷ IX, đến thế kỷ XIII được chính thức đặt vào sách lễ.

  1. Lời nguyện tiến lễ

Trong thánh lễ nguyên thuỷ, các lời nguyện thuộc Canon (lễ quy) được đọc lớn tiếng và ở tại bàn thờ và có thể nhìn thấy các lễ vật. Vào thế kỷ V, vì sự tôn trọng đối với Thánh Thể, lời nguyện này được đọc thầm, và lễ vật được che khuất lại bởi các rèm hoặc vách ngăn. Nghi lễ này vẫn còn duy trì trong nghi lễ Đông Phương, bàn thờ được đặt phía sau bức vách được trang trí bằng các Icônes. Trong nghi lễ Piô V, lời nguyện này được đọc thầm, và nó được đọc lớn tiếng từ khi cải cách phụng vụ của Đức Phaolô VI.

  1. Kinh nguyện Thánh Thể

Lễ Quy Rô-ma (Canon) được hình thành từ thời Đức Grégoire (TK VI), nhưng có nhiều lời nguyện có thể đã xuất hiện từ thế kỷ III. 

Đối thoại khởi đầu (kinh tạ ơn) của kinh tiền tụng có nguồn gốc trong phụng vụ Đông cũng như Tây Phương từ thế kỷ III.

Kinh tiền tụng (préface) là lời kinh chúc tụng Thiên Chúa, đã có trong Thánh Lễ nguyên thủy, có nguồn gốc từ phụng vụ Do Thái. Trong thế kỷ XI, phụng vụ Rô-ma với số lượng giảm, ổn định ở mức 15 trong sách lễ của Thánh Piô V (một kinh tiền tụng chung, bốn mùa, ba chung và bảy riêng). Một kinh tiền tụng dành cho các tín hữu qua đời của Thánh Piô X. Sách lễ của Đức Phaolô VI, ngoài giữ lại các kinh tiền tụng truyền thống, còn thêm vào một số lượng đáng kể, và kinh nguyện Thánh Thể II, III và IV cùng số lượng đáng kể các kinh nguyện Thánh Thể dành cho các lễ đặc biệt, như Thánh Lễ Hoà Giải, trẻ em, các dịp hội họp[1].

  1. Santus

Kinh Santus là bản thánh ca của phụng vụ thiên quốc (Kh 4,8). Phần đầu của bài hát được trích trong Is 6,3. Phần thứ hai là lời tung hô được trích trong Mt 21,9.

Santus được đưa vào trong phụng vụ thánh lễ từ thế kỷ II, và hình thức, nội dung không thay đổi.

  1. Kinh nguyện Thánh Thể

Trong thời Giáo Hội sơ khai mỗi giám mục có thể ứng biến một bài ca tạ ơn trên bánh và rượu, theo cảm hứng từ cõi lòng. Nhưng một thời gian rất nhanh sau đó, dựa vào các cảm hứng và sáng tác của các giám mục (không phải luôn luôn là chính thống cũng như thích hợp), cho nên đã xuất hiện các Canon, luật cầu nguyện. Hiện nay sách lễ Rô-ma giới thiệu bốn kinh nguyện Thánh Thể

 – Kinh Nguyện Thánh Thể 1 (Canon Rô-ma) có thể xuất hiện vào thời Thánh Ambrôsiô (397). Nó được sử dụng trong nhiều thế kỷ và đến khi Công Đồng Vatican II và là Canon duy nhất của Giáo Hội La tinh.

– Kinh Nguyện Thánh Thể 2: Đây là một thích ứng mới. Kinh nguyện Thánh Thể được biết đến lâu đời nhất: Thánh Hippolyte thành Rô-ma (khoảng năm 215). Nó cũng được sử dụng rộng rãi nhất, có lẽ vì nó cũng là ngắn nhất!

– Kinh nguyện Thánh Thể 3:  Được hình thành vào thời điểm Công Đồng Vatican II (1967). Kinh nguyện này là một mô hình của kinh nguyện Thánh Thể, với một cấu trúc lý tưởng. Nó là phong phú về thần học và đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Chúa Thánh Thần.

– Kinh Nguyện Thánh Thể 4: Nó dựa trên anaphora của Giáo Hội Đông Phương, đặc biệt là của anaphora của Thánh Basil (379) được sử dụng trong nghi lễ Byzantine. Nó bao gồm lời tiền tụng tập trung vào Thiên Chúa Đấng Tạo Hóa. Nó phát triển theo lịch sử cứu độ.

– Ngoài ra còn các kinh Nguyện Thánh Thể khác: ba dành cho lễ thiếu nhi, hai dành cho lễ hoà giải và bốn dành cho những hoàn cảnh đặc biệt.

  1. Truyền phép

Thừa tác viên rung chuông (nhỏ) mỗi khi chủ tế đưa Mình và Chén lên cao sau lời truyền phép và bái quỳ được thực hành vào thế kỷ XII, nhằm tỏ lòng kính trọng sự biến thể (transsubtantiation) của rượu và bánh.

  1. Tung hô

Câu “Đây là mầu nhiệm đức tin” được thêm vào thế kỷ VII. Ban đầu được chèn vào giữa lời truyền phép rượu, được canh tân vào thời Đức Phaolô VI và thêm vào câu tung hô của cộng đoàn: Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết…

  1. Phần tiếp theo của kinh nguyện Thánh Thể

Nhiều lễ nghi cổ đề nghị khi đọc phần kinh nguyện này thì chủ tế giang tay theo kiểu thánh giá, vì linh mục tái diễn lại sự thương khó và sự chết của Đức Kitô “in personna Christi”.

Linh mục kết thúc kinh nguyện Thánh Thể bằng việc cầu khẩn Chúa Ba Ngôi qua câu: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người…”gợi lên Chúa Kitô là nguồn, là phương tiện và cùng đích của con người.

  1. Hiệp lễ

Kinh Lạy Cha như là lời kinh chuẩn bị việc rước lễ được thực hành vào thế kỷ IV. Kinh Lạy Cha theo tin mừng Matthêu (6, 9-13), được thánh Grégoire Cả đưa vào trong Canon và thêm vào lời nguyện “diễn nghĩa: Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ…” và cải cách của Vatican II thêm vào câu tung hô của giáo dân: “vì vương quyền, uy lực và vinh quang…”, câu tung hô này được tìm thấy trong nhiều truyền thống phụng vụ.

  1. Trao ban bình an

Lời cầu nguyện xin ơn bình an có nguồn gốc ở Pháp và được sử dụng trong lễ nghi Rô-ma vào thế kỷ V. Ban đầu nó chỉ là lời cầu nguyện riêng trước khi rước lễ, và Đức Piô V đưa nó vào sách lễ.

Hôn bình an dựa theo truyền thống tông đồ Phaolô (x. Rm 16,16). Trong nhiều thế kỷ, trao hôn bình an được thực hiện trước khi dâng lễ vật, theo lời dạy của Chúa Kitô (x.Mt 5,23). Trong phụng vụ Đông Phương vẫn giữ thói quen này theo truyền thống. Nhưng trong phụng vụ Rô-ma, có sự thay đổi theo thời gian: trước rước lễ (TK IV), sau kinh Lạy Chiên Thiên Chúa (TK VIII) và sau đó cử chỉ này chỉ dành cho giáo sĩ (TK XIII). Đến cải cách phụng vụ của Vatican II đã thiết định lại cho mọi người tham dự và thực hiện trước khi kinh Lạy Chiên Thiên Chúa trước khi rước lễ. 

  1. Bẻ bánh

Sụ “bẻ bánh” là thành cụm từ dành để chỉ Thánh Lễ trong những thế kỷ đầu (x. Cv 2,42). Bẻ bánh là một thực hành rất cần thiết của việc chia sẻ Bánh đã được truyền phép để cho người giáo dân rước lễ. Nó cũng là biểu tượng của việc chia sẻ và bác ái huynh đệ. Trong nghi lễ Vượt Qua do thái, bẻ bánh là biểu tượng của nổi thống khổ của dân Chúa đã chịu trong cảnh nô lệ Ai Cập, còn trong Thánh Lễ, bẻ Bánh Thánh là biểu tượng của sự đau khổ mà chính Chúa Kitô đã chịu.

  1. Kinh Lạy Chiên Thiên Chúa (Agnus Dei)

Kinh này là bài hát được sử dụng trong nhiều nhà thờ thuộc giáo hội Đông Phương nhằm nói lên sự chia sẻ bánh Thánh (ở Đông Phương, từ Agnus chỉ bánh Thánh). Kinh này được Đức Giáo Hoàng Sergô I (người Hy Lạp, TK VII) đưa vào phụng vụ Rô-ma. Và được hát 3 lần vào thế kỷ X. Câu thứ ba, xin ơn bình an, xuất hiện vào thế kỷ XI, nhằm chuẩn bị cho việc trao hôn bình an được thực hành ở giai đoạn này. Và kinh Bình An được Đức Phaolô VI đưa vào trước nghi thức trao hôn bình an. Vào thế kỷ XV, sau mỗi câu hát, người ta đánh ngực. Nhưng phụng vụ cải cách của Vatican II đã bỏ cử chỉ này.

  1. Rước lễ

Trước khi cải cách phụng vụ, lễ được sách lễ quy định việc rước chỉ dành cho linh mục, bởi vì, thời trước, việc rước lễ của người giáo dân rất bị giới hạn. Vatican II đã mở ra cho giáo dân rước lễ sau chủ tế.

Trước khi rước lễ, linh mục phải đọc hai lời cầu nguyện thầm được thực hành vào thời trung cổ và, sau đó cũng Sách Lễ của Thánh Piô V quy định. Nhưng đến Vatican II được rút ngắn lại chỉ còn lại một lời nguyện.

Vào những thế kỷ đầu, giáo dân rước lễ bằng tay. Nhưng đến thế kỷ IX, xuất hiện việc rước lễ trên miệng và bái gối nhằm nhấn mạnh lòng tôn kính sự hiện diện thật sự của Chúa Kitô. Từ thế kỷ XIII, vì những lý do mục vụ, giáo dân không còn rước Máu Chúa Kitô thường xuyên nữa. Công Đồng Constance (1415) qui định việc rước lễ dưới hình bánh. Vatican II cho phép rước lễ hai hình vào những hoàn cảnh đặc biệt long trọng. Nhưng dù rước một hai hai hình, giáo dân đều rước lấy Chúa Kitô tròn vẹn, không thiếu.

  1. Lời nguyện hiệp lễ

Cũng như lời tổng nguyện và tiến lễ, lời nguyện thứ ba của chủ tế sau rước lễ trước đây được bắt đầu bởi lời chào (đối thoại giữa chủ tế và cộng đoàn), nhưng cải cách phụng vụ 1969 đã bỏ lời chào này.

  1. Nghi thức kết thúc và giải tán

Lời chào và giải tán cộng đoàn đã được thực hành từ thế kỷ IV trong thánh lễ Rô-ma. Công thức Ite missa est đúng thật là lời sai cộng đoàn phụng vụ ra đi thi hành sứ vụ “ước gì mỗi người được chiếu sáng sứ điệp cứu độ mà họ đã vui vẻ đón nhận” (Gioan Phaolô II).

  1. Thông báo

Các thông báo không phải là lễ nghi phụng vụ và nó không có một vị trí nào trong phụng vụ Thánh Lễ. Nó chỉ là một thời khắc mà các mục tử “lợi dụng” sự có mặt của giáo dân trong buổi cử hành, để nói lên những biến cố quan trọng trong sinh hoạt họ đạo. Sau Công Đồng Trentô và đến thế kỷ XX, các thông báo được đặt vào sau bài giảng hoặc trước lời tổng nguyện, nghĩa là vào các thời điểm mà mọi người tập trung vào lời của chủ sự !

  1. Lời nguyện trên dân chúng

Lời nguyện “trên dân chúng” (super populum) xuất hiện vào thế kỷ V. Nó được ghi vào sách lễ Piô V và được sách lễ Phaolô VI canh tân và thêm vào những hoàn cảnh đặc biệt. Trong những thế kỷ đầu, lời nguyện này là những lời chúc lành cuối lễ trước khi giáo dân ra đi. Dần dần, với nó không được đọc vào mùa Chay cũng những thánh lễ trong tuần. Đến cải cách của Vatican II, lời nguyện này được sử dụng rộng rãi trừ Mùa Chay.

  1. Phép lành cuối lễ

Vào những thế kỷ đầu, không có nghi thức này vào cuối thánh lễ, chỉ một mình giám mục ban phép lành cho danh chúng khi ngài từ phòng thánh ra bàn thờ. Khoảng thế kỷ X, giám mục cũng ban phép lành khi ngài từ bàn thờ đi vào phòng thánh (thay áo), và các linh mục cũng bắt chước giám mục. Và trong phụng vụ của Công Đồng Vatican II đặt phép lành này vào thời điểm sau lời nguyện hiệp lễ, trước khi giải tán dân chúng.

[1] Xem các lời tiền tụngKinh Tạ Ơn của sách lễ Rô-ma 2002.