TPÂH Lòng Tha Thứ – Chương Chín: Chúa Giêsu Với Lòng Tha Thứ (Chương cuối)

Chương Chín

Chúa Giêsu Với Lòng Tha Thứ

“Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”(Lc 23,34).

Đây là đỉnh cao của lòng tha thứ.

  1. Chúa Giêsu phá vỡ vòng quay của giận dữ và oán thù.
  2. Chúa Giêsu không những tha thứ mà còn biện hộ cho kẻ thù:
  3. Bài học tha thứ trên Thánh Giá của Chúa Giêsu.

1. Chúa Giêsu phá vỡ vòng quay của giận dữ và oán thù

1.1. Tha thứ trái ngược với hận thù

1.1.1. Tha thứ rất ngọt ngào

Tha thứ không chỉ lạ thường, đau đớn và khó khăn, nó còn rất ngọt ngào. Đó là sự ngọt ngào sâu lắng, chứ không đầy cám dỗ như trả thù. Nó cũng giống như sự ngọt ngào của hơi thở nhẹ nhàng khi nói lời tạm biệt, sự ngọt ngào của ánh lửa mùa thu, sự ngọt ngào mà chúng ta thưởng thức khi chinh phục nỗi sợ hãi.

Tha thứ xuất phát từ tận thâm tâm mỗi người, từ việc nhận thức được rằng chất chứa lòng thù hận chỉ khiến ta thêm đau khổ mà thôi. Hãy làm theo phúc âm của Thánh Gioan: “Nếu tha thứ cho bất cứ tội ác nào thì chúng ta sẽ được tha thứ; nếu chúng ta cứ chất chứa bất cứ tội ác nào thì chúng vẫn cứ ở đó”. Cái ác tồn tại dưới dạng năng lượng của cuộc sống, trong tất cả chúng ta, nhưng đặc biệt là chúng không tồn tại ở người bị thù ghét mà lại hiện diện ở người không tha thứ.

Đây là một sự thật mang tính khoa học hơn là đạo lý. Khi chất chứa lòng thù hận, nó phát triển và lan rộng trong cơ thể chúng ta, giống như khối u ác tính. Bạn có biết rằng đã có người chết dần, chết mòn vì căn bệnh giận dữ di căn không?

Tha thứ làm khối u này nhỏ lại và cuối cùng chữa được bệnh. Nhờ phương pháp chữa trị bằng tha thứ, khối u ác tính ấy teo dần đi và mất hẳn. Tha thứ bắt đầu từ sự chối bỏ, từ phản ứng một cách máy móc theo phản xạ tự nhiên của con người, và chọn cách để chống lại phản ứng của con người.[1]

1.1.2.Tha thứ trái ngược với thù hận.

Vì tính thuận nghịch của quá trình hành động nên việc trả thù có thể được tính toán, ước lượng; còn tha thứ thì không. Do đó, tha thứ để lại dấu hiệu bản chất của hành động gốc. Nói cách khác, tha thứ là phản ứng duy nhất không đơn giản là phản ứng lại kích thích mà là hành động theo một phương cách mới mẻ hoàn toàn. Tự do của sự tha thứ là thoát khỏi xiềng xích của lòng thù hận.

Tha thứ bắt nguồn từ khao khát muốn kết thúc nỗi đau hơn là sự thoả mãn nông cạn của hành động trả thù. Chúng tồn tại giống như vật thể trong một cuộc thí nghiệm tâm lý. Để thoát ra ngoài cuộc thí nghiệm này, để vượt lên trên các bước lập trình khoa học, chúng ta phải nhìn vào ý chí, sự khôn khéo và quyết tâm vượt ra khỏi vòng chế ngự của bản năng. Chúng ta phải dùng đến những dây thần kinh thiêng liêng nhất để sắp xếp, bố trí lại điều mà ta cho rằng không thể thực hiện được: hành động tha thứ.

Chúng ta chối bỏ tiếng nói của sự tha thứ vì nó quá yếu ớt, mờ nhạt và xa lạ đối với ta. Chúng ta gạt bỏ nó vì nó không quen thuộc với loài người. Chúng ta có lý. Những thanh âm có thể dễ dàng nhồi vào tâm trí ta thường là “đánh đi!”, “hãy đấu tranh!”, “đòi lại công lý!” và “báo thù!”…

Nhưng nếu lắng lại với nội tâm, chúng ta có thể nghe một thanh âm khác thông minh hơn, nó thúc giục chúng ta biết cách sử dụng thời gian sống sao cho hiệu quả nhất. Dàn hợp xướng đó dạo đi dạo lại điệp khúc: “tha thứ, tha thứ và tha thứ”.

Nếu biết lắng nghe, thấu hiểu và hành động trước, chúng ta sẽ không bao giờ hối hận. Không có gì là quá muộn![2]

 

1.2.Đừng cho phép người khác làm tổn hại đến bạn

1.2.1.Sự khác biệt giữa muỗi đốt và tài xế gây tai nạn

Từ những sai phạm nho nhỏ, chúng ta có thể học được cách không để chúng xúc phạm đến bản thân.

Ví dụ: Chúng ta có thể dễ dàng bỏ qua khi bị muỗi đốt. Hiếm khi con người che giấu sự bực tức với con muỗi. Họ cố gắng giết nó để nỗi bực dọc tan biến trong đầu, và để không còn mang mối thù với nó nữa.

Nhưng việc người tài xế xúc phạm ta bằng cách chắn đường ta trên xa lộ lại khác. Bị muỗi đốt và bị chặn đường đều là những vấn đề nhỏ; nhưng thật dễ giải quyết đối với chuyện muỗi đốt, còn việc bị chặn đường có thể làm cho ta phản ứng mất lý trí. Chúng ta bị xúc phạm – đó là sự khác biệt.

Khi bị muỗi đốt, chúng ta không cảm thấy bị xúc phạm mà chỉ khó chịu, đau một chút rồi dễ dàng quên đi. Nhưng khi bị chặn đường, chúng ta cảm thấy mình bị hạ phẩm giá trong con mắt thiên hạ. Chúng ta lập tức muốn làm tổn thương người đã gây ra hành động đó.

Sự thật việc bị chặn đường không làm tổn thương chúng ta về mặt thể chất như việc bị muỗi đốt mà là tổn thương về tinh thần. Nếu chúng ta tự nhủ: “Hắn ta thật tồi tệ!” hay “Đúng là một gã ngu xuẩn!” mà không có hành động gì nông nổi đi kèm, không cảm thấy bản thân bị lăng mạ, thì chúng ta có thể sẵn sàng quên đi và tiếp tục lái xe.

Bằng cách như vậy, bạn đã tha thứ cho người tài xế theo cách không cho phép người đó làm tổn hại cảm xúc của mình. Bạn nghĩ hắn ta là một tên tài xế xấu xa, phải bị bắt, bị phạt và thậm chí phải ở tù. Nhưng bạn nên chỉ dừng ở đó, không để anh ta làm tổn hại mình. Bạn không để anh ta làm tăng lên những ham muốn đáp trả kích động trong chúng ta.[3]

1.2.2.Đừng cho phép người khác làm tổn hại đến bạn.

Bạn đừng để nó xâm nhập bạn. Bạn đừng mang thù hận cho riêng mình.

Trong khi không tha thứ cho những điều đã xảy ra với mình cũng như cố gắng không để chúng lặp lại, bạn cũng tránh để những hành động đó có cơ hội thâm nhập và lan truyền trong bạn như một tội ác.

Bạn không bị lôi kéo bởi ý nghĩ làm tổn thương người tài xế đó. Bạn không thuyết phục anh ta với ý nghĩ kéo anh ta lại và đánh vào đầu anh ta.

Bạn cũng không ẩu đả với những người đi đường khác để trút giận. Bạn không đắm chìm trong sự im lặng buồn rầu khi suy ngẫm về sự hận thù của loài người và hiểm hoạ của cuộc sống.

Nếu bạn để những việc đó – từ vết muỗi đốt, việc bị chặn đường cho tới những sự lăng mạ, xúc phạm khác – thâm nhập, bạn sẽ chìm vào hố sâu hiểm hoạ. Một sự xúc phạm, dù nhỏ cũng làm tăng phản ứng hoá học trong não bạn. Phản ứng này có thể là nguyên nhân khiến cho một người đáng kính phạm tội giết người. Sự xúc phạm nhẹ nhàng nhất cũng có thể gây nên phản ứng bạo lực nhất.[4]

– Để những cảm xúc trả thù qua một bên

Bây giờ, trở lại những gì tôi đã đề cập trước đó: Nếu bạn biết tại sao bạn muốn tha thứ thì sau đó bạn thực hiện nó bằng cách nào? Làm sao để không suy nghĩ đến những gì bạn đang suy nghĩ? Làm sao để sự giận dữ không còn chi phối, điều khiển bạn?

Những định nghĩa trên đã vạch ra con đường cụ thể. Bạn không cần phải không còn suy nghĩ đến những gì bạn đang nghĩ. Đó là điều không thể làm được! Tuy nhiên, bạn có thể từ chối đón nhận những tình cảm đó khi chúng đến với bạn bằng vẻ khao khát, mong muốn được nuôi dưỡng bằng những ý nghĩ trả thù kỳ quặc.

Từ bỏ một suy nghĩ, tình cảm nào đó là điều mà tất cả chúng ta từng học cách để thực hiện. Ví dụ, từ bỏ suy nghĩ hung hăng khi chúng ta bị cảnh sát giao thông thổi dừng lại vì quá tốc độ. Có thể chúng ta đã có ý muốn gây hấn với viên cảnh sát nhưng chúng ta từ bỏ suy nghĩ đó, chúng ta không hành động theo nó và không chấp nhận nó. Chúng ta phản đối những suy nghĩ ấy và không để mình sống dưới sự điều khiển của chúng. Chúng ta vẫn tiếp tục cảm thấy như vậy, suy nghĩ đó luôn tồn tại trong con người. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể rũ bỏ sự điều khiển của chúng đối với chúng ta.

Tôi không nên nói “hoàn toàn” bởi vì sự từ bỏ như vậy đòi hỏi quá nhiều sức mạnh, lòng kiên nhẫn và kỹ năng. Nhưng chúng ta hãy cố thực hiện điều đó hàng ngày, không chỉ với suy nghĩ hung hăng mà với cả những suy nghĩ, cảm xúc tình dục, thậm chí cả cảm giác đói, khát và nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh.

Khi tha thứ, chúng ta có thể tiếp tục cảm thấy giận dữ và oán ghét giống như chúng ta có thể tiếp tục cảm thấy giận dữ, oán ghét viên cảnh sát giao thông đã thổi mình lại. Nhưng, nếu khôn ngoan, chúng ta sẽ để những suy nghĩ, tình cảm đó sang một bên. Chúng ta không thể để chúng điều khiển hành động của mình.[5]

– Để cho tình yêu thương bước vào tâm hồn của bạn

Khi những suy nghĩ báo thù len lỏi vào tâm hồn, hãy từ chối sống dưới sự điều khiển của chúng vì lợi ích của bản thân bạn. Thay vào đó, bạn hãy để cho tình yêu thương dẫn đường.

Dĩ nhiên bạn cảm nhận được những xúc cảm khá khác biệt từ tình yêu, nỗi sợ hãi, giận dữ, oán ghét, không thích hay thậm chí là căm thù. Bạn không thể dự đoán được những gì bạn cảm thấy như khi dự đoán thời tiết.

Nhưng bạn có thể điều khiển việc bạn làm theo những suy nghĩ đó. Bạn cũng có thể từ bỏ sự điều khiển của cảm xúc giận dữ, oán ghét cũng như căm thù. Và thay vào đó, hãy tán thành sự chi phối của tình yêu thương. Điều này khiến bạn có thể tự chủ. Bạn có thể quyết định bằng cách suy nghĩ thận trọng và chủ ý.

Dần dần, khi đã kháng cự được sự điều khiển của cảm xúc giận dữ, bạn có thể mở rộng lòng thông cảm đối với kẻ thù. Không có ai mà bạn không thể dành cho một cái gì đó tương tự như tình yêu thương nếu bạn hiểu được toàn bộ câu chuyện về họ. Tôi hiểu rằng điều đó nghe có vẻ là một khoảng thời gian đáng sợ như lúc bạn nói về người đã làm nhiều điều xấu xa. Trong những trường hợp đó, bạn nên bắt đầu bằng cách để cho tình yêu thương chi phối hành động của bạn, tình yêu thương dành cho cả nhân loại chứ không dành riêng cho những người bạn của bạn. Sau đó, dần dần bạn hãy cố gắng nhận thức nơi bắt nguồn của cái ác. Hãy cố gắng hiểu được kẻ thù của bạn, trước đây người đó từng là một đứa trẻ ngây thơ, trong sáng, nay đã trở thành một con quỷ như thế nào. Khi bạn hiểu được điều đó, lòng căm thù của bạn sẽ dần dần lắng dịu xuống và trong lòng bạn, một điều gì đó như tình yêu thương sẽ bắt đầu nảy nở. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ trưởng thành hơn.[6]

1.3. Chúa Giêsu phá vỡ vòng quay của giận dữ và oán thù

Câu chuyện về bức vẽ Chúa Giêsu bị đóng đinh trên Thánh Giá. Bạn không cần phải là tín đồ Kitô Giáo hay bất kỳ một tín ngưỡng tôn giáo nào để có thể hiểu được ví dụ này. Hãy xem đây như một câu chuyện được kể trongTân Ước.

Những vị Thượng Tế đã đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá vì Người đã trở nên quá quan trọng. Họ đố kỵ với Người cũng như tất cả chúng ta đố kỵ với một người nào đó, nhưng họ không đố kỵ theo cách bình thường mà họ điên lên vì đố kỵ. Do đó, họ khao khát một biện pháp cứu chữa cực đoan. Họ hướng những cảm xúc căm ghét, thù địch vào Chúa Giêsu bằng cách biến Người thành một phạm nhân nguy hiểm và phải nhận lãnh hình phạt là cái chết theo quan điểm của họ. Vì thế, họ yêu cầu phải xử tử Người.

Dù bạn có tin hay không vào tính thần thánh của Chúa Giêsu, dù bạn có nghĩ Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa hay không, bạn vẫn đồng ý rằng Người có khả năng phản công nếu Người muốn. Nhưng Người đã không phản công. Người chấp nhận bị phản bội, bị xét xử, bị tuyên bố có tội và bị đóng đinh… mà không đưa ra bất cứ sự kháng cự nào theo quy luật tự nhiên.

Đóng đinh trên cây thập giá là một trong những cách giết người đau đớn nhất. Người bị đóng đinh trên cây thập giá phải chịu sự đau đớn cực độ. Thậm chí trong sự đau đớn dữ dội như thế, Chúa Giêsu đã thốt lên khi Người đang ở trên cây thập giá: “Hãy tha cho họ, vì họ không biết họ làm”. Dù bạn tin hay không tin việc Chúa Giêsu là thần thánh, thì những gì Người đã nói trên Thập Giá là một trong những ví dụ phi thường nhất đã được ghi lại về việc cảm thông với kẻ đã làm tổn thương mình.

Bị một môn đồ phản bội và trong khi chịu đựng sự làm nhục cực độ cũng như nỗi đau về thể xác, Chúa Giêsu lại cầu xin sự tha thứ dành cho những kẻ đang tra tấn mình đến chết. Người không cầu xin sự sống cho chính bản thân thậm chí trong sự đau đớn cực độ đó – mà Người lại cầu xin sự sống và tâm hồn cho rất nhiều người đang gây ra sự khổ đau.

Chúa Giêsu có thể chịu đựng được sự đau đớn bởi vì Người không để cho sự hành hạ, tra tấn mà Người nhận được làm tổn thương mình. Người có thể chịu đựng được sự đau khổ do những người khác đang gây ra mà không cần gây tổn thương đáp trả lại họ. Chúa Giêsu không bị sự khao khát báo thù cám dỗ. Người chấp nhận điều tồi tệ nhất do loài người mang đến mà không muốn đáp trả lại. Người phá vỡ những xiềng xích của sự báo thù cũng như vượt qua quá trình trả thù vô thức.

Dù cho hành động của Người có cứu được con người hay không, cho dù linh hồn của Người có tồn tại sau khi chết hay không, thì đó là vấn đề của thần học. Ý kiến ở đây thuộc về tâm lý học. Hallowell đang viện dẫn việc Chúa bị đóng đinh trên cây Thánh Giá như một ví dụ cơ bản của sự bất công tột cùng và những đau đớn về thể xác không làm tổn thương con người.

Khi một người chấp nhận sự bất công, sự đau khổ mà không có sự đáp trả lại, thì có một điều gì đó khác thường xảy ra. Lòng căm thù xung đột với sự tha thứ, giống như vật chất xung đột với phi vật chất. Cái này huỷ diệt cái kia. Không ai hoạt động một mình. Hành động của bất kỳ ai trong chúng ta ít nhất cũng ảnh hưởng đến tất cả những người còn lại, đôi khi rất nhỏ đến nỗi không thể đo lường được, đôi khi lại rất rõ ràng.

Những hành động của lòng căm thù thông thường được theo sau bởi những hành động của lòng căm thù khác, giữ cho luồng gió của tính hèn hạ thổi mạnh. Nhưng khi một người nào đó phá vỡ cái vòng quay đó bằng việc hút luồng gió đó mà không có sự trả miếng, trong một lúc, luồng gió sẽ thay đổi.

Chúa Giêsu là một ví dụ nổi tiếng duy nhất trong truyền thống Tây Phương. Theo nhận thức tâm lý học trần tục, chúng ta cho rằng mọi ngày con người đang làm những gì mà Chúa Giêsu đã làm. Đó là con người kháng cự lại sự cám dỗ của việc đáp trả lại tổn thương bằng chính sự tổn thương, đáp trả lại sự đổ lỗi bằng đổ lỗi cho người khác và đáp trả sự căm ghét bằng chính sự căm ghét. Thậm chí có thể đi xa hơn bằng việc nói ra những lời gần giống như: “Hãy tha thứ cho họ vì họ không biết họ làm”.

Hãy để tôi đưa ra cho bạn một ví dụ. Mọi ngày, có những đứa trẻ nói với cha mẹ rằng “Con căm ghét cha (mẹ)!”. Mọi ngày trên khắp thế giới, có những đứa trẻ đá, tát hay nếu không thì tấn công cha mẹ của chúng. Trong khi cha mẹ của chúng có thể trừng phạt hay nếu không thì chấm dứt thái độ cư xử như thế, nhưng họ lại thường hành động quá yêu thương. Họ thường không đáp trả lại bằng những lời nói, hành động đáng ghét, bởi vì họ biết rằng người phạm tội chỉ là những đứa trẻ, lại là con của mình. Lòng căm thù kết thúc ngay ở đó.

Nếu chúng ta có thể mở rộng lòng với người khác bằng chính sự cảm thông đã dành cho con của mình, sự tha thứ sẽ đến một cách dễ dàng. Chúng ta nên làm điều này. Xét cho cùng, tất cả chúng ta đều là những đứa trẻ và cần có một khoảng thời gian dài để trưởng thành.

Khi một người trong chúng ta đủ mạnh mẽ và kiên nhẫn để chấp nhận sự đau đớn, sự bất công, sự buồn khổ mà không đáp trả lại, thì tất cả chúng ta được lợi. Tâm hồn của tất cả chúng ta được nâng lên, sự giận dữ được giảm xuống.

Lý do mà sự đau khổ của một người có thể làm dịu đi sự đau khổ của người khác là người đang chịu đau khổ đó ngăn cản luồng cảm xúc liên tục kia. Người đó đang làm một điều gì đó rất hiếm hoi: Thay đổi sự giận dữ thành cảm thông, thay đổi sự hận thù thành tình yêu thương. Hãy nghĩ về những gì mà Hannah Arendt đã viết: “Tha thứ… là sự phản ứng duy nhất, nó không chỉ phản ứng lại mà còn hành động bằng cách gây nhiều bất ngờ, không chịu ảnh hưởng bởi hành động khiêu khích. Do đó, nó giải thoát cho cả người tha thứ và người được tha thứ”.

Khi bị treo lên Thập Giá, Người lại cầu xin sự tha thứ dành cho những người đang tra tấn mình. Chúa Giêsu đã phá vỡ vòng quay của sự giận dữ và oán thù. Người đã hành động theo cách mới và đầy bất ngờ. Người đứng dậy trên sự hưởng ứng của con người và dựng lên một hình tượng để chúng ta luôn mong muốn đạt đến.[7]

2. Chúa Giêsu không những tha thứ mà còn biện hộ cho kẻ thù:

 “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”

2.1.Lôgíc của tình yêu Thiên Chúa chất chứa ơn thứ tha.

Đọc lại lời cầu nguyện này, chúng ta ngạc nhiên thấy rằng, Chúa Giêsu đã không cầu nguyện để xin Cha ra tay công bằng xử phạt những kẻ bất nhân hãm hại Ngài, mà Ngài cầu nguyện với Cha, để xin Cha tha thứ cho họ. Đó chính là lôgíc của tình yêu Thiên Chúa. Lôgíc này ngược lại với tất cả mọi lôgíc của cuộc sống đời thường. Đúng thật, sự khôn ngoan của con người không phải là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Ý nghĩ của Thiên Chúa không phải là ý nghĩ của loài người.

Pagila đã suy niệm về tình yêu Thiên Chúa qua lời tha thứ của Chúa Giêsu như sau: “Trong lời đầu tiên của Chúa Giêsu nói trên Thánh Giá đã được tóm tắt nội dung của sứ điệp tình yêu của Chúa. Đó là tinh thần của Tin Mừng hay nói đúng hơn là bản chất của Thiên Chúa. Thánh Gioan đã định nghĩa rằng: Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa thì vĩnh cửu và vô biên. Tình yêu này đã thúc đẩy Thiên Chúa rời bỏ trời cao để xuống trên đất thấp và đã sống là một người giữa muôn người. Tình yêu của Thiên Chúa vượt trên mọi ngăn cách, mọi biên giới của các dân tộc, và vượt trên mọi hàng rào, ngay cả hàng rào mà chúng ta có quyền và được phép tạo nên. Thật vậy, tình yêu của Chúa vươn dài tới đỉnh cao của lòng tha thứ  là “tha thứ cho kẻ thù và những người bắt bớ Ngài”. Đó chính là sứ điệp mà Chúa Giêsu đã loan báo trong những giây phút đầu tiên trên hành trình sứ vụ của Ngài, và sứ điệp của Chúa có giá trị vĩnh viễn và cho tới muôn đời”.[8]

2.2. Chúa Giêsu tha thứ cho kẻ thù mà Chúa gọi là họ. Vậy họ ở đây là ai?

Họ chính là những tên lính Rôma, những người làm theo lệnh của Philatô đóng đinh Chúa Giêsu cho đến chết. Họ chỉ làm theo mệnh lệnh, nhưng những lời chế nhạo, những đòn roi đã thể hiện sự tàn bạo, sự hung tợn trong chính họ.

Họ còn là những đám đông dân chúng bị lầm lạc, bị mê hoặc, những kẻ ấy đã bắt Chúa Giêsu phải chết và ép buộc Philatô giết Ngài. Bọn người ấy chỉ vài ngày trước đã tung hô Chúa Giêsu là Vua (Mc 15,6-14, Mc 11,8-10), còn giờ thì dã tâm giết Chúa trên thập giá. Thật tàn bạo, thật khủng khiếp và thật bất công!

Karl Rahner đã suy niệm về nhóm người đứng dưới chân thập giá của Chúa như sau: “Tất cả những người đã dàn xếp mọi chuyện này, đang đứng dưới thập giá. Họ không bỏ đi, để ít nhất cho Chúa trút hơi thở cách bình lặng. Họ ở lại. Họ cười nhạo. Họ nghĩ rằng, họ có quyền để chỉ ra rằng, hoàn cảnh của Chúa lúc này chính là chứng minh hùng hồn rõ rệt nhất cho việc: những gì họ đã làm với Chúa là thực hiện trọn vẹn công lý thánh thiện nhất, một hy lễ thánh mà họ đã làm và họ kiêu hãnh về điều đó. Vì thế, họ cười, họ chế nhạo, họ báng bổ Chúa. Họ đánh đập Chúa. Những điều này thật dễ sợ hơn mọi nỗi đau của thân xác cộng lại. Có thể có những người có khả năng làm những điều đê tiện như vậy chăng? Giữa Chúa và những người này còn có điều gì chung nữa không? Một người có thể được phép hành hạ người khác đến chết như vậy sao? Với dối trá, với thô bạo, với bội phản, với vờ vĩnh, với mưu mô xảo quyệt họ đã hành hạ Chúa cho đến chết, tệ hơn nữa họ còn tự cho mình có quyền làm điều đó với tư cách là những người trong sạch, những người như các quan toà cầm cân nảy mực”.[9]

2.3.Chúa Giêsu biện hộ cho kẻ thù: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”

Khi suy niệm lời tha thứ của Đức Giêsu trên Thánh Giá cho các người đao phủ và tất cả những ai đã kết án Ngài cách bất công, tôi nhận ra đó chính là một trong những biểu hiện đẹp nhất của tình yêu Thiên Chúa được nói lên một cách hết sức giản dị, không mặc cả đòi hỏi gì cũng chẳng kín đáo che giấu sự tự ái chi. Trái lại, và đây là điều bất ngờ nhất, lời tha thứ của Đức Giêsu được diễn tả như một lời khiêm tốn nài xin Chúa Cha ban sự tha thứ. Hẳn chúng ta đã chờ Luca viết câu nói hết sức đơn giản sau đây của Đức Giêsu: «Tôi tha thứ cho các anh». Nhưng xem chừng như câu nói ấy có vẻ cao ngạo quá. Tác giả Tin Mừng đã nắm bắt được thái độ của Đức Giêsu là hết sức tôn trọng mỗi người, kể cả người đao phủ đang hành quyết mình, kể cả những con người tôn giáo đã kết án mình tại phiên tòa. Luca đã nội tâm hóa những lời của Đức Giêsu trong bài giảng trên núi: «Hãy yêu thương kẻ thù… (Lc,6,27tt). “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng Nhân Từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị xét đoán. Anh em đừng lên án, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha” (Lc 6,36-37). Chính vì thế, Luca hiểu rằng nếu Đức Giêsu tự cho phép mình ban ơn tha thứ cho những người không cầu xin mình, là Ngài đã đặt mình làm quan tòa xét xử họ – một điều ngược với giáo huấn của Ngài. Có lẽ đó chính là lý do Luca đã viết lời cầu xin của Đức Kitô một cách hơi lạ, đó là một câu nói với hai mệnh đề.

Mệnh đề thứ nhất: «Lạy Cha, xin tha cho họ». Qua đó, một cách nào đó Đức Giêsu cũng tố cáo những người đã làm điều xấu vì Ngài đã xin Cha tha thứ cho họ – Cha mới là Thẩm Phán duy nhất.

Mệnh đề thứ hai: «họ không biết điều họ làm», có thể được hiểu như một lời bào chữa (Cf. Cv 3, 17: đành rằng không biết có thể được coi như một lời bào chữa như Luca đã hiểu, nhưng người ta vẫn có thể phạm tội vì sự không biết ấy, nếu người ta cứ để cho tình trạng ấy tồn tại nơi mình).

Như thế, qua lời cầu nguyện của Đức Giêsu trên Thánh Giá, tôi hiểu rõ Đức Giêsu không hề lẫn lộn tha thứ với che đậy một điều xấu đã phạm. Lời cầu nguyện ấy cũng nhắc tôi một cách mạnh mẽ không kém rằng ngay cả khi đã bị đối phương chà đạp, Đức Giêsu vẫn đứng ra làm trạng sư bênh vực họ.

Sau cùng, và cũng là trên hết, lời cầu nguyện ấy mời tôi hãy hoàn toàn tập trung vào Chúa Cha để học nơi Ngài sự tha thứ. Chính lúc ấy tôi mới cảm thấy mình thật bé nhỏ, hoàn toàn bất lực – nếu như không có Chúa Thánh Thần ở cùng – không thể mạnh dạn bước vào lý luận «điên cuồng» (1Cr 1) của Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Đấng luôn luôn «rộng lớn hơn tâm hồn tôi» (1Ga 3, 20).[10]

2.4. Sự tha thứ của Chúa Giêsu trên Thánh Giá là đỉnh cao của lòng tha thứ

2.4.1.Chúa Giêsu không kết án

Lắng nghe lại lời Chúa giảng dạy chúng ta tha thứ trong Kinh Lạy Cha, chúng ta thấy thật sống động, vì lời này được Chúa Giêsu thực hiện cách sung mãn trong cuộc đời Ngài, và đặc biệt trên Thánh Giá. Những lời giảng dạy của Chúa đã tìm thấy ý nghĩa và giá trị trọn hảo trong chính hành động Chúa làm. Hơn nữa, nếu chúng ta lật lại các trang Tin Mừng, sẽ nhận ra được lòng nhân từ và tha thứ của Chúa Giêsu rất rõ nét, cụ thể trong những cuộc gặp gỡ của Ngài với những người tội lỗi. Hình ảnh của người phụ nữ tội lỗi nổi tiếng trong thành mà Luca nhắc đến là một điển hình (x. Lc 7, 36-50). Một cuộc gặp gỡ thật đặc biệt giữa lòng nhân từ hay thứ của Chúa với thân phận tội lỗi, nhưng chất chứa lòng ăn năn sâu thẳm của người phụ nữ. Một cuộc gặp gỡ khác giữa Đức Kitô và người phụ nữ bị kết án vì tội lỗi. Bối cảnh và tình tiết của câu chuyện được Gioan diễn tả thật đặc sắc (Ga 8, 2-11). Đó là người ta đưa chị bị bắt phạm tội ngoại tình đến với Chúa, để gài bẫy Ngài, bằng cách bắt Ngài phải kết án tử chị ta. Phần tiếp của câu chuyện các Kitô hữu đều biết. Có một nét thật đặc sắc là: Người lớn tuổi nhất phải bỏ đi sớm nhất, khi Chúa nói với họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Cuối cùng, câu chuyện có một lời kết rất tuyệt vời của Chúa Giêsu với người phụ nữ tội lỗi: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” Với lòng nhân từ, Chúa Giêsu đã không kết án mà Ngài nói lời tha thứ và đem lại sức sống mới cho một phận người tội lỗi. Một sức sống mới cần phải đoạn tuyệt với tội lỗi, một sức sống mới tràn đầy tự do, niềm vui và hạnh phúc.[11]

Điều này Chúa cũng làm với những người đóng đinh Chúa. Trước hết, Chúa chẳng kết án họ, và trước bản án bất nhân của họ giành cho Chúa, Chúa cũng chẳng cần biện minh, Lời Chúa nói là tha thứ. Thật tuyệt vời biết bao nhiêu, khi nhận ra điều này. Đức Hồng Y Fulton đã chia sẻ như sau: “Câu trả lời nằm sẵn ở chữ đầu tiên trên thập giá: Tha Thứ. Nếu như có ai đầy đủ quyền lực để chống lại bất công thì phải là Chúa Giêsu, Đấng là công lý thần linh. Nếu có ai đầy đủ lý do để khiển trách kẻ hành hạ mình, đóng đinh chân tay mình vào cây gỗ, thì đó là Chúa chúng ta. Nhưng không. Vào đúng lúc cây cối chống lại Ngài, và trở thành thập tự; sắt thép chống lại Ngài và trở thành đinh nhọn; dây hoa hồng chống lại Ngài và trở thành mạo gai; con người chống lại Ngài và trở thành lý hình, thì Ngài buông lời Tha Thứ, lời cầu đầu tiên trong lịch sử xin tha tội cho kẻ thù hành hạ mình: ‘Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng chẳng biết việc mình làm’. (Lc 23,34)”.[12]

2.4.2.Chúa Giêsu không nói mình vô tội

Để có thể hiểu sâu hơn tinh thần tha thứ của Chúa Giêsu qua lời Ngài nói trên Thánh Giá, chúng ta cũng nên suy niệm về những gì Chúa không nói lúc đó. Đức Hồng Y Fulton đã chú ý đến điểm này và chia sẻ rất sâu sắc: “Xin dừng lại khoảnh khắc để suy niệm những gì Ngài không nói: Ngài không nói: Tôi vô tội. Nhưng trên thế gian này ai vô tội hơn Ngài? Từ trước khi có Thứ Sáu Tuần Thánh và về sau, khi người ta bị treo lên thập giá, hoặc máy chém hoặc giàn xiết cổ, hỏa thiêu biết bao tội nhân vô tội nhưng thử hỏi đã có người nào không kêu gào mình vô tội? Chúa Giêsu không hề mở miệng phản đối lý hình. Bởi vì làm như vậy, Ngài mặc nhiên công nhận quyền xét xử của loài người, kẻ phàm nhân xử án Thiên Chúa! Vậy Đấng Vô Tội không khẳng định mình trong trắng, thì chúng ta là kẻ tội lỗi đầy mình lại dám tự nhận như vậy sao? Muôn đời xin đừng la lớn mình vô tội, kẻo lừa dối thiên hạ. Bởi làm như vậy chúng ta ngộ nhận rằng con người chứ không phải Thiên Chúa là quan án nhân loại. Thực ra, linh hồn mọi người sẽ được xét xử không phải trước toà án loài người, mà trước tôn nhan Đấng Tối Cao, Thiên Chúa của tình yêu, và ‘Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ thưởng công cho anh em trong bí ẩn’. Ơn cứu độ muôn đời của chúng ta không lệ thuộc vào thế gian xét xử, mà vào Thiên Chúa  xét xử.

2.4.3. Chúa Giêsu không lên án

Một điều khác Chúa Giêsu không nói trên thập giá cho các đại diện vua Caesar và của quyền bính đền thờ, là Ngài chẳng bảo họ ‘quí vị bất công’. Thiên Chúa Cha đã ban cho Ngài mọi quyền xét xử, nhưng Ngài không sử dụng nó để nói: ‘Quí vị sẽ chịu khốn nạn vì việc này’. Với tư thế vừa là Thiên Chúa vừa là người, Ngài thấu rõ nếu còn sự sống thì còn hy vọng. Cho nên lúc này các đau khổ kiên trì của Ngài còn khả năng cứu chuộc nhiều linh hồn đang lên án Ngài…Như vậy, nếu Chúa Giêsu không xét đoán các lý hình của mình trước kỳ hạn phán xét của họ, thì tại sao chúng ta thường làm như vậy? Nhất là khi chúng ta không có kiến thức đầy đủ về họ lại đoán họ xúc phạm đến mình? Lúc còn đang sống có thể nhờ việc kìm hãm xét đoán của chúng ta, mà họ ăn năn trở lại. Trong bất cứ hoàn cảnh nào quyền năng xét đoán chưa ban cho chúng ta, và thế giới có thể sẽ biết ơn Thiên Chúa về việc này. Bởi lẽ Ngài là quan tòa chính xác và nhân từ hơn người ta: ‘Các ngươi đừng đoán xét để khỏi bị đoán xét’ (Mt, 7,1)”.[13]

2.5. Chúa Giêsu tha thứ cho kẻ thù – còn chúng ta thì sao?

Không xét đoán, không biện minh, dù Chúa có quyền và có thể làm điều đó. Ngay trong khổ đau nhất và chìm giữa bất công nhất, Chúa lên tiếng: Tha thứ. Đó là một sứ điệp cao quý của Đấng Cứu Độ. “Tha Thứ. Tha thứ cho các Philatô của bạn, họ không đủ can đảm để bênh vực công lý. Tha thứ cho các Hêrôđê của bạn, họ sống quá bê tha, không còn khả năng hiểu được tinh thần. Tha thứ các Giuđa của bạn, họ nghĩ chỉ tiền bạc là tất cả: ‘Tha thứ cho họ, vì không biết việc mình làm’. Trong câu nói này gói ghém Tình Yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Nhờ câu nói này, tình yêu thánh thiện của Thiên Chúa gặp gỡ tội lỗi nhân loại, nhưng vẫn y nguyên tinh tuyền. Câu nói đầu tiên của Chúa Giêsu: Tha thứ, là bằng chứng hùng hồn nhất tính vô tội tuyệt đối của Ngài. Còn toàn thể chúng ta đến giờ chết sẽ được xem thấy hằng hà sa số các tội lụy diễn ra trước mắt, đến nỗi chúng ta quá khiếp sợ để ra trước tôn nhan Thiên Chúa, mà không cầu xin Ngài tha thứ. Chúa Giêsu, ngược lại, không cần ơn tha thứ khi gục đầu chết, bởi Ngài không hề có tội lỗi nào. Lời Ngài xin tha thứ là cho những kẻ tố cáo Ngài, và lý lẽ Ngài đưa ra là: Họ không biết việc họ làm”.[14]

Nhưng “có phải thực sự họ không biết việc họ làm không?”

Đó là vế thứ hai của lời cầu nguyện đầu tiên. Nhưng làm sao Chúa Giêsu lại có thể nói họ không biết việc họ làm? Theo một góc độ nào đó thì họ phải biết việc họ đang làm, nhưng họ không nhận ra điều đó là tội ác tày trời. Đó chính là giết chết Con Một của Thiên Chúa.

Nếu suy niệm kỹ lời này, chúng ta thấy, trong lời cầu xin Chúa Cha tha thứ tội lỗi cho những kẻ quay lưng lại với Ngài, những kẻ thi hành án tử hình, Chúa Giêsu đã thực sự biện hộ cho họ, và đó cũng là một cách minh chứng hùng hồn nhất rằng, điều Ngài đã dạy là hoàn toàn có thể: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44). Biết bao nỗi tủi nhục và đau đớn mà bọn Rôma đã gây ra cho Ngài, Ngài vẫn tha thứ cho họ. Ngài thậm chí còn tha thứ cho những kẻ quay lưng lại với Ngài. Karl Rahner đã suy niệm về điều này: “Chúa ơi, Chúa lại nói: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm. Không thể hiểu Ngài được, Chúa Giêsu ơi. Trong một tâm hồn tan nát và tràn đầy khổ đau, Chúa lại có thể kiếm được ở đâu một chỗ, để có thể thốt lên những lời đó? Không thể hiểu Ngài được, Chúa Giêsu ơi. Chúa yêu thương kẻ thù của Chúa. Chúa phó thác kẻ thù vào cho Cha trên trời. Chúa cầu nguyện cho họ. Ôi, Chúa ơi, con có ngớ ngẩn để nói rằng: Chúa xin lỗi dùm cho họ, bởi vì họ không biết việc họ đã làm. Tất cả bọn họ đã biết, chỉ là họ không muốn biết đến điều họ đã làm thôi. Thật vậy, nếu người ta không muốn biết, thì người ta lại biết rõ hơn hết trong sâu thẳm tăm tối của căn hầm tâm hồn. Nhưng người ta đã ghét bỏ điều đó, vì thế họ không muốn để cho điều đó tỏ lộ ra bên ngoài trong ý thức. Và Chúa nói rằng, họ không biết việc họ làm. Một điều chắc chắn họ đã thực sự không biết: Tình yêu của Chúa dành cho họ. Vì tình yêu này người ta chỉ có thể nhận ra, khi người ta yêu mến Chúa. Vì chỉ có người yêu thương mới nhận ra được tình yêu đã được ban cho.

Xin Chúa hãy nói lời tha thứ của tình yêu không thể dò thấu được với tội lỗi của con. Xin hãy cầu bầu với Cha trên trời cho con: Xin tha thứ cho nó, vì nó không biết việc nó làm. Dù rằng con đã biết mọi sự. Chỉ có một điều con chưa biết. Đó là tình yêu Chúa.

Xin cũng giúp con biết suy đi nghĩ lại, khi con cầu nguyện và xác quyết với lời Kinh Lạy Cha cách vô cẩn: Như con cũng tha cho những người có lỗi với con. Ôi lạy Chúa trên Thánh Giá của tình yêu: Con cũng không biết có ai thực sự lầm lỗi với con, để con tha thứ cho họ. Nhưng sức mạnh của Chúa cần thiết biết bao, để thật sự từ trái tim, con có thể tha thứ cho những người mà con cho rằng đó là kẻ thù của con”.[15]   

Qua lời suy niệm này, nhà thần học lỗi lạc Karl Rahner đã thú nhận không thể hiểu được tình yêu của Thiên Chúa mà Đức Kitô diễn tả và sống động.

Xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm. “Đúng vậy, ngay trong đống tro bụi của sự dữ, một chút than hồng của Thiên Chúa vẫn luôn tiếp tục âm ỷ cháy trong trái tim của chúng ta. Sự tha thứ sẽ thổi bay đi những tro bụi kia, và sự tha thứ thổi cho tia lửa tình yêu gần tàn kia bùng lên, để ngọn lửa bùng cháy với sức mạnh mới”.[16]

3. Bài học tha thứ trên Thánh Giá của Chúa Giêsu

3.1.Bài học tha thứ trên Thánh Giá của Chúa Giêsu

Đức Hồng Y Fulton chia sẻ về tinh thần tha thứ mà chúng ta cần phải noi gương Chúa Giêsu trên Thánh Giá dựa trên ba điều.

Thứ nhất, Thiên Chúa thứ tha cho chúng ta những tội lớn hơn tội thiên hạ. Thứ hai, chỉ bằng tha thứ mà thế giới không còn hận thù. Thứ ba, sự tha thứ của chúng ta là điều kiện để mình được tha lỗi. Cụ thể hơn, Fulton giải thích từng điều một:

3.1.1.Thiên Chúa thứ tha cho chúng ta những tội lớn hơn tội thiên hạ

“Thứ nhất, chúng ta buộc phải tha thứ cho tha nhân bởi lẽ Chúa đã tha thứ cho ta. Chẳng có sự xúc phạm nào mà thiên hạ làm cho mình, có thể lớn hơn sự xúc phạm chúng ta chống lại Thiên Chúa do tội lỗi mình. Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn người đầy tớ ác độc không tha thứ cho bạn mình để giải thích điểm này (Mt 18,21). Trong dụ ngôn, ông chủ tha thứ món nợ mười ngàn nén vàng, ra ngoài lập tức hắn bóp cổ người bạn chỉ nợ y có một trăm nén bạc. Số nợ mà chủ tha cho y gấp 1.250.000 lần so với món nợ bạn y mắc nợ. Sự chênh lệch biểu lộ chúng ta mắc nợ Thiên Chúa vì tội lỗi, lớn lao hơn người khác xúc phạm đến mình, cho nên phải tha thứ cho thù địch là lẽ đương nhiên, vì lý do Chúa đã tha thứ cho chúng ta gấp nhiều lần hơn về tội đối xử với Ngài như kẻ thù…Người ta từ chối nhận mình có lỗi với Thiên Chúa, cho nên chẳng bao giờ nghĩ mình cần được thứ tha! Họ nghĩ mình không cần tha thứ, cho nên họ nghĩ thiên hạ cũng vậy. Người mà không biết mình có tội với Thiên Chúa, thì ít có khuynh hướng tha tội cho người khác… Người ý thức mình cần bí tích Hòa Giải nhất sẽ là kẻ khoan dung nhất đối với tha nhân… Bởi vì người ta thời nay quên đi tội lỗi của mình, cho nên thói xấu thù hận trở nên cay đắng và nặng nề hơn. Con người dễ dàng bóp cổ nhau vì vài đồng xu nho nhỏ. Họ quên Thiên Chúa đã tha thứ cho mình tới mười ngàn nén vàng. Xin hãy khuyến khích họ nhớ lại đã được Thiên Chúa thương xót thế nào, họ sẽ khởi sự ăn ở tốt lành với đồng loại.

3.1.2.Thế giới sẽ giảm bớt hận thù nhờ tha thứ

Lý do thứ hai để tha thứ những kẻ xúc phạm đến chúng ta, là vì nếu chúng ta không tha thứ, thì hận thù ngày càng chồng chất, đến độ sẽ làm nổ tung thế giới vì ghen ghét. Thù hận luôn là mảnh đất màu mỡ, nếu không bị dập tắt, thì nó tự phát triển với tốc độ chóng mặt. Nhiều phe đảng lợi dụng tính chất này của hận thù, nên đã không ngừng gieo rắc nó. Họ biết rằng hận thù phá đổ xã hội nhanh hơn là các đạo quân, nên không khi nào nói về bác ái. Cứ để hận thù phá hoại lẫn nhau và sẽ đạt tới mục tiêu dễ dàng. Lịch sử hai cuộc thế chiến đã chứng minh. Làm thế nào ngăn cản hận thù khi người ta vả má lẫn nhau? Chỉ có con đường duy nhất là đưa má khác cho người ta vả tiếp! Tôi muốn nói tha thứ…

3.1.3. Tha thứ là điều kiện để chúng ta được thứ tha

Chúng ta phải tha thứ người khác, bởi chẳng còn điều kiện nào nữa để tội lỗi chúng ta được thứ tha. Thực tế, xét theo nguyên tắc luân lý thì xem ra vô phương để Thiên Chúa tha tội cho chúng ta trừ phi chúng ta có lòng thứ tha. Ngài đã nói: ‘Phúc cho kẻ có lòng xót thương vì họ sẽ được thương xót’ (Mt, 5,7). ‘Tha thứ và ngươi sẽ được thứ tha. Hãy cho và ngươi sẽ được cho lại… Thiên Chúa sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo anh em, vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy’. (Lc 6,37-38).

Có một thứ luật hiển nhiên, không ai có thể thoát được. Bạn không thể gặt, nếu không gieo trước. Nếu bạn không gieo lòng thương xót nơi đồng loại, Thiên Chúa sẽ chẳng xót thương bạn. Như trong dụ ngôn trên, người chủ nợ từ chối tha nợ cho đầy tớ độc ác, bởi lẽ hắn không thương xót tha cho bạn mình món nợ nhỏ xíu. ‘Ấy vậy Cha Thày ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình’ (Mt 18,35). Nếu cái bình đã đầy không thể chứa gì them được nữa. Nếu tấm lòng chúng ta đựng đầy hận thù hàng xóm, làm sao Thiên Chúa đổ tình thương của Ngài vào được? Đơn giản đến như vậy mà chúng ta không hiểu? Như vậy, thử thách thực sự của người Kitô hữu là yêu mến kẻ thù thế nào? Chứ không phải thương yêu bạn bè ra sao? Lệnh truyền của Thiên Chúa quá rõ: ‘Hãy yêu thương kẻ thù ngươi, làm tốt cho những ai oán ghét anh em, và cầu nguyện cho những ai bách hại và nói xấu anh em, ngõ hầu anh em là con cái Thiên Chúa, Đấng làm cho mặt trời soi sáng người lành kẻ dữ và làm mưa rơi xuống người công chính cũng như kẻ bất lương’ Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em có công chi? Ngay cả người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm chi lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại không làm như thế sao? (Mt 5,44-47). Cho nên ta phải tha thứ ngay cả đến bảy mươi lần bảy”.[17]

3.2. Những tấm gương của lòng tha thứ

3.2.1.Thánh Stêphanô, mẫu gương sống tinh thần tha thứ.

Đọc lại câu chuyện thánh Stêphanô bị ném đá, với sự hiện diện của Saolô, sau này trở lại và trở thành vị Tông Đồ dân ngoại, chúng ta thấy được tâm tình cao quý của thánh nhân: “Họ ném đá ông Stêphanô, đang lúc ông cầu xin rằng: ‘Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy linh hồn con.’ Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: ‘Lạy Chúa, xin đừng chấp tội họ.’ Nói thế rồi, ông an nghỉ”. (Cv 7, 59-60).

Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI đã suy niệm biến cố này như sau: “Đây là lời cuối cùng của ông. Sự so sánh giữa lời cầu nguyện xin tha thứ của Chúa Giêsu với lời cầu nguyện của vị tử đạo là điều đầy ý nghĩa. Thánh Stêphanô  thưa chuyện với Chúa Phục Sinh và xin Chúa đừng quy tội cho những kẻ ném đá ông khi nói về việc người ta giết ông – một hành động được xác định rõ ràng bằng thuật ngữ ‘tội này’. Trên Thánh Giá Chúa Giêsu thưa cùng Chúa Cha và không những chỉ xin tha thứ cho những kẻ đóng đinh Người, nhưng còn giải thích về những gì đang xảy ra”.[18]

Đức Hồng Y Fulton cũng đã chia sẻ về mẫu gương tha thứ của thánh Stêphanô: “Tôi từ chối ghét bạn. Nếu tôi ghét bạn, tôi sẽ đổ thêm dầu vào lửa. Ngược lại, nếu tôi không ghét bạn, tôi sẽ giết chết lòng thù hận của bạn và tôi sẽ xóa nó khỏi mặt đất. Tôi yêu quí bạn. Đó là đường lối thánh Stêphanô chinh phục những ai thù ghét ông, giết chết ông. Thánh nhân đã cầu nguyện: ‘Lạy Chúa xin đừng chấp tội họ (Cv 7,59). Nói chính xác hơn, ông đã lập lại lời của Chúa Giêsu trên thập giá. Lời của ông đã chiến thắng được tâm hồn người thanh niên trẻ tuổi tên là Saolô, đang đứng bên cạnh những lý hình ném đá Stêphanô và đồng ý với cái chết của thánh nhân. Nếu như Stêphanô nguyền rủa Saolô, có lẽ người thanh niên này chẳng bao giờ trở thành thánh Phaolô, một mất mát quá lớn lao. Nhưng thù oán đã thất bại, vì Stêphanô tha thứ”.[19]

Ngoài ra, thánh Augustinô đã diễn tả rất hay về mẫu gương tha thứ của thánh Stêphanô, và ngài khuyên bảo mọi người nhìn vào tấm gương thánh nhân, một người dù bị ném đá như mưa nhưng vẫn cầu nguyện cho những kẻ đang giết mình: “Họ thì ném đá mà chẳng hề xin ngài thứ tha, còn ngài thì cầu nguyện cho họ. Đó chính là thái độ mà tôi muốn anh em nhìn xem. Hãy cố gắng vươn tới mức đó. Đừng để lòng mình cứ sà sà mặt đất. Hãy nâng tâm hồn lên! Vâng, hãy leo cao tới mức đó. Hãy yêu thương thù địch. Vì nếu anh em không tha, thì tôi xin nói, chẳng những anh em đã xoá sạch khỏi lòng mình Kinh Chúa dạy, mà chính anh em cũng sẽ bị xoá tên khỏi sách sự sống”[20]  Lời của thánh Augustinô là một lời nhắc nhớ chúng ta ý thức sống tinh thần tha thứ. Khi sống tinh thần tha thứ, thì chúng ta, những người con cái dưới đất thấp này, có thể bước trên hành trình nên hoàn thiện, như lòng ao ước của Đức Kitô: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”. (Mt 5, 48). Hoàn thiện là một con đường dài của đời người, cũng thế tha thứ là bài tập cho cả cuộc đời[21]

3.2.2. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tha thứ cho kẻ ám sát mình

Sự hiện diện của bà Muzeyen Agca tại Roma vào tháng 2/1987 nhắc lại cho chúng ta một biến cố vô cùng đau thương, nhưng cũng gợi lại một nghĩa cử vô cùng cao quí của vị Cha chung. Ngày 13/5/1981, giữa lúc hàng ngàn người đang chen chúc tại công trường thánh Phêrô để chờ đón Đức Gioan Phaolô II, thì một tiếng nổ chát chúa vang lên từ đám đông đã làm cho mọi người như đứng tim. Đức Thánh Cha đã gục ngã trên chiếc xe jeep mui trần, máu mẹ vọt lên tung toé. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một vị Giáo Hoàng bị mưu sát.

Ali Agca, thủ phạm chính của vụ mưu sát đã bị bắt giữ ngay sau đó. Người thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ này đã bị giam giữ tại nhà tù Rebibbia ở Roma. Biến cố đẫm máu trên đây đã ghi đậm sự hận thù đang sôi sục trong lòng người… Nhưng thế giới không phải chỉ được nung nấu bằng lò lửa của hận thù. Thiên Chúa đã tạo dựng con người để yêu mến và tha thứ.

Năm 1984, một biến cố khác đã làm chấn động dư luận thế giới: Đức Gioan Phaolô II đã đích thân đến nhà giam Rebibbia để nói chuyện với Ali Agca và tha thứ cho anh. Không ai biết hai bên đã trao đổi những gì, nhưng ai cũng cảm động trước cảnh tượng kẻ sát nhân và người bị mưu sát đã bắt tay nhau và trao cho nhau ánh mắt của tha thứ, của hoà giải.[22]

3.2.3.Một linh mục tha thứ cho người đã tố cáo cha mẹ mình

Sau thời cách mạng Pháp, trước cửa một nhà thờ tại Paris, người ta thường thấy một người hành khất với một dáng vẻ lạ thường. Xuyên qua lớp áo rách rưới, ai cũng có thể nhìn thấy trên vòng cổ của người ăn xin một cây thánh giá nhỏ bằng vàng.

Người khách quen thuộc nhất của kẻ xấu số này là một vị linh mục trẻ. Vị linh mục thường đến dâng thánh lễ tại nhà thờ này. Mỗi lần ra khỏi nhà thờ, ngài không quên thăm hỏi và giúp đỡ người hành khất.

Ngày nọ, vị linh mục trẻ không còn thấy người ăn xin lảng vảng trước cửa nhà thờ nữa. Lần mò hỏi thăm, vị linh mục đã tìm đến thăm người hành khất đang trong cơn rét run vì bệnh tật và đói ăn. Cảm động trước nghĩa cử của vị linh mục, ông ta đã kể lại cuộc đời của mình như sau: “Khi cách mạng vừa bùng nổ, tôi làm quản gia cho một gia đình giàu có. Hai vợ chồng chủ tôi là những người đạo đức, giàu lòng thương người. Thế nhưng tôi đã phản bội họ. Quân cách mạng tìm cách bắt họ. Hai vợ chồng và hai đứa con của họ đã bị bắt giữ và kết án tử hình. Chỉ còn người con trai duy nhất là thoát khỏi”.

Nghe đến đây, vị linh mục như muốn té xỉu, nhưng ngài đã cố gắng giữ bình tĩnh để nghe tiếp câu chuyện của người hành khất: “Tôi nhìn họ leo lên đoạn đầu đài và thản nhiên theo dõi cảnh người ta chém đầu họ. Tôi quả thực là một quái vật khát máu… Từ đó, tôi không thể nào có sự bình an trong tâm hồn. Tôi bắt đầu đi lang thang khắp các ngã đường để cố quên tội ác của mình. Tôi vẫn còn giữ tấm ảnh của gia đình họ trong túi áo này đây. Cây thánh giá tôi đang treo ở đầu giường là của người chồng, còn chiếc thánh giá bằng vàng tôi đang đeo trên cổ đây là của người vợ… Xin Chúa tha thứ cho tôi”.

Vừa nghe xong nhưng dòng tâm sự và cũng là lời tự thú của người hành khất, vị linh mục trẻ đã quỳ gối xuống bên cạnh chiếc giường của người hấp hối và thay cho một công thức giải tội, ngài đã nói như sau: “tôi chính là người con trai còn sống sót của gia đình. Đại diện cho gia đình và với tư cách là một linh mục, tôi tha thứ cho ông nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.[23]

3.2.4.Một người ăn xin đã tha thứ cho kẻ ném đá mình

Văn hào Nga Leon Tolstoi có kể câu chuyện như sau: Có một người hành khất nọ đến trước cửa nhà của một người giàu có để xin bố thí. Một đồng xu nhỏ hay một miếng bánh vụn, đó là tất cả những gì người ăn xin chờ đợi nơi người giàu có. Nhưng, mặc cho người khốn khổ van xin, người giàu có vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Đến một lúc không còn chịu nổi những lời van xin của người hành khất, thay vì bố thí, người giàu đã lấy đá ném vào con người khốn khổ.

Người hành khất lặng lẽ nhặt lấy hòn đá cho vào bị rồi thì thầm trong miệng: “Ta mang hòn đá này cho đến ngày nhà ngươi sa cơ thất thế. Ta sẽ dùng nó để ném trả lại ngươi”.

Đi đâu, người hành khất cũng mang theo hòn đá ấy. Tâm hồn ông lúc nào cũng cưu mang sự báo thù.

Năm tháng qua đi. Lời chúc dữ của người hành khất đã thành sự thật. Vì biển lận, người giàu có bị tước đoạt tất cả tài sản và bị tống giam vào ngục, ngày hôm đó, người hành khất chứng kiến cảnh người ta áp giải người giàu vào ngục. Nỗi căm hờn sôi sục trong lòng ông. Ông đi theo đoàn người áp tải. Tay ông không rời bỏ hòn đá mà người giàu đã ném vào người ông cách đây mười mấy năm. Ông muốn ném hòn đá đó vào người tù để rửa sạch nỗi nhục hằng đeo đẳng. Nhưng cuối cùng, nhìn thấy gương mặt tiểu tuỵ đáng thương của kè đang bị cùm tay, người hành khất thả nhẹ hòn đá xuống đất rồi tự nhủ: “Tại sao ta phải mang nặng hòn đá này từ bao nhiêu năm qua? Con người này, giờ đây, cũng chỉ là một con người khốn khổ như ta”.

Tha thứ là điều khó khăn nhất nhưng cũng là điều cao cả nhất mà Kitô Giáo đã cống hiến cho con người.

Trao ban tiền của, trao ban thì giờ, trao ban chính mạng sống mình là điểu xem ra dễ làm hơn trao ban lòng tha thứ. Tha thứ là tột đỉnh của yêu thương bởi vì tha thứ là yêu thương chính kẻ thù của mình, của lễ hy sinh trên Thập Giá của Chúa Giêsu đã nên trọn khi Ngài thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha thứ cho chúng, vì chúng lầm không biết việc chúng làm”.

Tha thứ !à của lễ đẹp lòng Chúa nhất, bởi vì qua đó, con người được nên gịống Thiên Chúa hơn cả. Thiên Chúa mà chúa Giêsu đã mặc khải cho chúng ta là Thiên Chúa tha thứ và tha thứ không ngừng. Và chỉ có một Thiên Chúa tha thứ không ngừng ấy mới Có thể đòi hỏi con người phải tha thứ không ngừng. Tha thứ là nét cao đẹp nhất của lòng người, bởi vì càng tha thứ con người càng nên giống Thiên Chúa.Amen.[24].       

 

[1] Edward M. Hallowell, M.D. Dare to forgive (Dám Tha Thứ) trg.62

[2] Edward M. Hallowell, M.D. Dare to forgive (Dám Tha Thứ) trg.63-64

[3] Edward M. Hallowell, M.D. Dare to forgive (Dám Tha Thứ) trg.115-116

[4] Edward M. Hallowell, M.D. Dare to forgive (Dám Tha Thứ) trg.117

[5] Edward M.HalloweIl, Hãy can đảm tha thứ, trg.34-35

[6] Edward M.HalloweIl, Hãy can đảm tha thứ, trg.36

[7] Edward M.HalloweIl, Hãy can đảm tha thứ, trg.162-165

[8] PAGILA V., Die sieben Worte Jesu am Kreuz, Echter Verlag, Wuerzburg 2011, trg..20-21.

Lm. Nguyễn Ngọc Thế, SJdongten.net/noidung/46757

[9] RAHNER K., Wort vom Kreuz, trg.51-52. Lm. Nguyễn Ngọc Thế, SJdongten.net/noidung/46757

[10] Xavier Thévenot, Hãy Tiến ra Chỗ Nước sâu (Avance en eau profonde) trg. 96-98

[11] X. NGUYỄN NGỌC THẾ SJ., Lời kinh cha mẹ dạy, NXB. Phương Đông 2012, trg. 134-136.

[12] SHEEN Fulton, Go to heaven – Con đường về trời, Chuyển ngữ: Fr. Tôma Trần Ngọc Tuý, phần số 11 – Đau khổ và ủi an. Lm. Nguyễn Ngọc Thế, SJdongten.net/noidung/46757

 

[13] SHEEN Fulton, Go to heaven – Con đường về trời, phần số 11 – Đau khổ và ủi an.

[14] SHEEN Fulton, Go to heaven – Con đường về trời, phần số 11 – Đau khổ và ủi an. Lm. Nguyễn Ngọc Thế, SJdongten.net/noidung/46757

[15] RAHNER K., Wort vom Kreuz, t.53-54.

[16] PAGILA V., Die sieben Worte Jesu am Kreuz, t.24. Lm. Nguyễn Ngọc Thế, SJdongten.net/noidung/46757

[17] SHEEN Fulton, Go to heaven – Con đường về trời, phần số 11 – Đau khổ và ủi an. Lm. Nguyễn Ngọc Thế, SJdongten.net/noidung/46757

[18] BENEDICT XVI, Bài Giáo Lý thứ 27 về cầu nguyện. Lm. Nguyễn Ngọc Thế, SJdongten.net/noidung/46757

[19] SHEEN Fulton, Go to heaven – Con đường về trời, phần số 11 – Đau khổ và ủi an.

[20] Trích bởi HAMMAN Adalbert G., trong Abrégé de la prière chrétienne, Les Editions Franciscaines, Paris 1995,

[21] Lm. Nguyễn Ngọc Thế, SJdongten.net/noidung/46757

[22] R.VERITAS, Lẽ Sống, trg.171

[23] R.VERITAS, Lẽ Sống, trg.169

[24] R.VERITAS, Lẽ Sống, trg.176-177

 

print