THƯ GỞI GIÁO ĐOÀN CÔLÔXÊ
Lm Carolo
* Được trích đọc trong bài đọc II từ Chúa nhật thứ 15 đến Chúa nhật thứ 18.
A. Giáo đoàn côlôxê
- Côlôxê là một thành phố cách Êphêxô khoảng 160 km về phía Đông. Gần đó còn có hai thành Laođixê và Hiêrapolis. 3 thành này có nhiều liên hệ với nhau (x. Cl 4,15-16)
- Giáo đoàn Côlôxê không phải do Phaolô thành lập nhưng do một môn đệ của Phaolô tên là Epaphras người gốc Côlôxê (x. Cl 4,12). Cũng như hầu hết các giáo đoàn khác, giáo đoàn Côlôxê gồm phần đông là người lương tòng giáo và một phần nhỏ người do thái tòng giáo.
B. Hoàn cảnh viết thư
Như ta đã biết, giáo đoàn Côlôxê do Epaphras một môn đệ của Phaolô thành lập. Đang khi Phaolô bị cầm tù (lần này ở Rôma) thì trong giáo đoàn có chuyện khó khăn, không phải do tranh chấp nội bộ mà là khó khăn về giáo lý. Epaphras tới Rôma thăm Phaolô và trình bày khó khăn ấy. Dù tín hữu Côlôxê chưa biết mặt Phaolô, cùng lắm chỉ mới nghe tên (x. Cl 2,1 & 1,4.9), nhưng với tâm hồn nhiệt thành của một vị tông đồ, Phaolô ý thức ngay mối nguy hiểm đang đe dọa đức tin tinh tuyền của giáo đoàn nên liền viết thư này. Bởi chưa quen biết với giáo đoàn nên Phaolô không gởi thư suông mà muốn có người tới tận giáo đoàn để giải thích bức thư. Nhưng bản thân Phaolô đang ngồi tù không đi được nên ông phái 2 môn đệ thân tín đi, là Tychique (4,7) và Onésisme (4,9).
Thời điểm và địa điểm viết thư : khoảng 61-63 tại Rôma
C. Mục tiêu : giải quyết khó khăn của Côlôxê
- Từ hồi giáo đoàn mới thành lập, tín hữu Côlôxê đã tin vào Đức Kitô như là nguyên nhân cứu độ duy nhất. Nhưng do ảnh hưởng của người do thái và người ngoại, dần dà họ hồ nghi niềm tin của mình : họ nghĩ rằng chỉ tin vào Đức Kitô thì e chưa đủ nên cần phải tin và làm thêm một số điều nữa cho chắc ăn. Những điều thêm vào này họ lấy từ nhiều phía :
– một phần từ đạo do thái : cắt bì, luật Môsê…
– một phần từ tín ngưỡng của dân ngoại : thờ tinh tú, coi lịch xem ngày…
– một phần từ những ý tưởng manh nha mà sau này sẽ thành thuyết Tiền-ngộ-đạo : khinh chê xác thịt, kiêng cữ ăn uống…
Nếu muốn dùng một thuật ngữ để tóm tắt cái khó khăn giáo lý của Côlôxê lúc ấy, ta có thể dùng chữ “Đạo thập cẩm”, tương tự như Đạo Cao Đài bên ta tổng hợp tín ngưỡng của nhiều đạo khác lại thành Đại Đạo.
- Niềm tin thập cẩm này đĩ nhiên chứng tỏ thiếu tin vào Đức Kitô. Chính đây là điểm khiến Phaolô lo lắng. Vì vậy trong thư này ông hết sức thuyết phục tín hữu hãy đặt trọn vẹn niềm tin vào Đức Kitô, Đấng là “tất cả trong tất cả”.
D. Nội dung
- Địa vị tối thượng của Đức Kitô : 1,13-23
Phaolô trình bày địa vị tối thượng của Đức Kitô bằng 1 thánh thi gồm 2 phần :
a/ Đức Kitô tối thượng trong công trình tạo dựng (cc 15-17)
– Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình : tất cả mọi triết thuyết thời đó đều nhìn nhận có một nguyên lý tối cao là Thượng đế ; Thượng đế tỏ mình ra bằng hình ảnh của ngài. Nhưng vấn đề là hình ảnh đó là gì. Platon bảo đó là vũ trụ, Philon bảo đó là Logos, còn Phaolô quả quyết đó là Đức Giêsu Kitô.
– Ngài là Con Trưởng của mọi loài thụ tạo ie Ngài lớn hơn hết, hiện hữu trước hết và có quyền trên hết mọi thụ tạo.
– Do Ngài mà mọi loài đã được dựng nên gồm cả những loài hữu hình và vô hình và cả những “thần”. Phaolô nói “thần” là tạm xử dụng ngôn ngữ của dân ngoại để chứng minh rằng ngay cả những “thần” ấy cũng thấp hơn Đức Giêsu Kitô.
* Tóm lại, Đức Kitô có trước tất cả và ở trên tất cả mọi loài.
b/ Đức Kitô tối thượng trong công trình cứu độ (cc 18-20)
– Ngài là cội nguồn mọi ơn.
– Vì ý của Thiên Chúa đã muốn rằng nơi Ngài chứa toàn viên mãn
– Nhờ Ngài mà mọi loài được hòa giải với Thiên Chúa.
– Hơn nữa máu Ngài đổ ra đã tạo nên bình an dưới thế và trên trời.
- Bài bác những sai lầm : 1,24-3,4
2,03 : “Đức Kitô giấu nơi mình mọi kho tàng khôn ngoan thông thái”. Vậy đừng tốn công vô ích tìm kiếm 1 thứ khôn ngoan nào khác (bài bác thuyết Tiền ngộ đạo)
2,08 “Chớ để ai bắt làm mồi ngon cho họ do cái tròng triết lý hư không” : một khi đã được soi sáng bởi Đức Kitô mà còn quay trở lại với các thứ triết lý người phàm khác thì cũng như bị rơi vào tròng nô lệ (bài bác mọi nguồn khôn ngoan thế phàm)
2,11t Cũng chẳng cần phải nhờ tới phép cắt bì do thái, vì tín hữu đã có một phép cắt bì mới hoàn hảo hơn nhiều, tức là cắt bì trong Đức Kitô, nghĩa là Phép Thanh Tẩy (bài bác do thái giáo)
2,14 “Hủy tờ cáo trạng gồm các lệnh truyền” : Phaolô ám chỉ các lề luật do thái. Chúng cũng đã nên vô ích (bài bác do thái giáo)
2,15 Lột chức các “thần” : chẳng có thần thánh nào bằng Đức Kitô (bài bác đa thần)
2,16 Tín hữu chớ nên áy náy rồi lo kiêng ăn uống, xem trăng, xem ngày (bài bác những mê tín của dân ngoại)
2,17 Đừng thờ cúng các tinh tú mà người ta coi là thiên thần (bài bác mê tín)
2,23 Chống lại thuyết Tiền ngô đạo : họ nói là coi khinh xác thịt nhưng thực ra vịn lẽ xác thịt chẳng ăn nhằm gì cho nên cứ sống lăng loàn.
- Cuộc sống của kitô hữu
Sau khi trình bày Đức Kitô như là Đấng Tối Thượng trong công trình tạo dựng và công trình cứu chuộc, Phaolô dạy các tín hữu một cách sống : đó là quy chiếu tất cả vào Đức Kitô, không cần cậy dựa vào bất cứ thứ gì khác, bời vì “Đức Kitô là tất cả và nơi tất cả mọi người” (3,11)