Bài học của lòng biết ơn
Hãy biết trân quý những người từng vì mình mà từ bỏ cả đời.
Câu chuyện của một ông lão cô đơn
Chiều muộn hôm đó, trong cái lạnh giá len lỏi từng khe cửa, ông bất ngờ được hai đứa con trai đến thăm. Một đứa là bác sĩ, đứa kia là kỹ sư. Cả hai đều thành đạt, giỏi giang và có chỗ đứng vững chắc trong sự nghiệp.
Chưa đầy một tuần trước, ông vừa mất đi người vợ yêu dấu – tình yêu lớn nhất đời ông. Bà ra đi mang theo một phần hồn ông, để lại ông ngơ ngác, trống rỗng.
Hai đứa con ngồi quanh bàn, trong căn phòng khách đơn sơ của ngôi nhà nhỏ. Cuộc trò chuyện nhanh chóng chuyển sang tương lai của ông. Một cảm giác buốt lạnh chạy dọc sống lưng. Chúng bắt đầu bàn đến việc đưa ông vào viện dưỡng lão. Ông gượng người ngồi thẳng, cố giải thích rằng ông không sợ cô đơn, cũng không sợ già yếu. Nhưng hai đứa vẫn kiên quyết, với cái giọng giả vờ quan tâm. Chúng bảo nhà chúng gần biển, rộng rãi nhưng… không đủ chỗ cho ông ở. Cả hai đều thế. Chúng nói về công việc bận rộn, các cháu thì đang học hành không có thời gian thăm ông. Cuộc sống đầy ắp những lo toan. Ông gợi ý thuê người giúp việc. Nhưng chúng, với lý lẽ rành mạch của giới chuyên môn, bảo phải thuê ba người cho ba ca. Và tất nhiên, phải khai báo đầy đủ. Mà thời buổi này, ai còn kham nổi?
Ông không muốn bị thuyết phục. Ông không chịu nổi cảnh bị “đưa đi”. Nhưng rồi một đề xuất khác lại đến: bán nhà. Tiền bán đủ để lo chi phí viện dưỡng lão – và như thế, ai cũng “nhẹ lòng”. Chúng nói vậy.
Ông gật đầu, không phải vì đồng tình, mà vì kiệt sức. Ông không còn sức để chống lại sự lạnh lùng ấy nữa. Ông lặng lẽ xếp đồ. Ông bước đi, về một nơi xa hơn, buốt giá hơn – viện dưỡng lão. Xa con cháu, xa cả những ký ức. Và trong vòng tay lạnh lẽo của cô đơn, ông hiểu: ông đã dạy chúng kiến thức, cho chúng bằng cấp, tài sản… Nhưng ông đã không dạy chúng điều quan trọng nhất – lòng biết ơn.
Kính thưa quý vị và các bạn thân mến,
Một xã hội tiến bộ và phát triển cũng làm thay đổi nhiều giá trị cốt lõi trong suy nghĩ con người. Để con không bị bỏ lại phía sau, nhiều bậc cha mẹ đã nỗ lực đầu tư hết mình cho con cái. Theo suy nghĩ của nhiều người, yêu thương con có nghĩa là cho đi không tính toán, là đáp ứng mọi nhu cầu để con có thể phát triển và thích ứng được với xã hội hiện đại. Thế nhưng, tình yêu thật sự không chỉ là sự ban phát mà còn là sự dạy dỗ đầy trách nhiệm: khi đặt ra những giới hạn cần thiết, hướng dẫn con cái trở thành người biết giúp đỡ, vui vẻ chia sẻ và chu toàn trách nhiệm trong gia đình. Trên hết, cha mẹ phải dạy con cái có lòng biết ơn—một điều kiện để con cái nhận thức được ân nghĩa, công ơn nuôi dưỡng sinh thành, dạy dỗ, và những hy sinh âm thầm ngày từng ngày từ mọi người vun trồng cho con cái có được như hôm nay.
Hình ảnh người cha đau khổ lặng lẽ đối diện với hai đứa con thành đạt nhưng thiếu lòng biết ơn. Có lẽ trong gia đình, các con ông chỉ biết giơ tay đón nhận mọi thứ như một điều hiển nhiên từ cha mẹ. Họ đã không cảm nhận được tình yêu và sự hy sinh vất vả ngày đêm mà cha mẹ dành cho họ. Từ trong suy nghĩ họ chỉ biết đòi hỏi như là một trách nhiệm từ mọi người. Cho nên họ không thấy được trách nhiệm báo hiếu, chăm sóc, và đáp đền ân nghĩa của những bậc sinh thành. Khi đối diện với trách nhiệm nặng nề, họ tìm đủ lý do để trốn tránh. Thật vậy, thiếu lòng biết ơn, con người trở nên vô tâm, vô cảm, không thấy được sự cô đơn, tủi hờn, tuyệt vọng của người thân. Ngược lại sự đau khổ ấy của người cha như một sự phiền toái cho họ. Câu chuyện minh họa cho chúng ta thấy cái kết đau lòng người cha, cả một đời ông chỉ sai lầm khi thiếu sót trong việc giáo dục những đứa con học biết về lòng biết ơn. Để rồi đến giây phút cuối đời ông phải hối tiếc và chấp nhận bước vào viện dưỡng lão.
Lòng biết ơn không chỉ là lời nói—nó dạy con người cách sống, cách hành động bằng trái tim đầy yêu thương và trân trọng những gì mình may mắn đón nhận được. Lòng biết ơn không tự nhiên mà có, nó cần được dạy, được gieo trồng ngay từ nhỏ. Cho nên, dạy con bằng cả tình yêu và những giá trị cuộc sống nhưng cũng đừng quên gắn kết chúng bằng sợi dây thiêng liêng của lòng biết ơn.
Câu chuyện của ông Giuse trong bài đọc hôm nay cũng cho chúng ta chiêm ngắm tình cảm đầy xúc động của ông Giacóp và ông Giuse. Điều gì đã làm cho ông Giuse, một người đầy quyền lực tại Ai Cập xúc động khóc lớn khi nghe đến cha mình? Ông Giuse đứa em út tội nghiệp bị các anh mình đối xử tệ. Vì ganh tỵ, ông bị các anh đành tâm bán sang Ai Cập, để rồi một mình ông phải bươn chải với bao khó khăn để rồi hôm nay ông đạt được vị trí tể tướng dưới một người trên vạn người. Nhưng khi gặp lại các anh và nghe biết về người cha tội nghiệp, ông đã xúc động và không cầm được nước mắt. Chính tình yêu và lòng biết ơn mà ông Giuse quên đi mọi hận thù tụi nhục các anh đã gây ra, ông chỉ thấy nỗi nhớ nhung và tình thân gia đình. Hai câu chuyện về tình thân gia đình và có hai cái kết khác nhau, khi con người sống tâm tình biết ơn thì mọi biến cố trong cuộc đời như cơ hội để thử thách, thanh luyện tình yêu và sự tha thứ của chúng ta.
Lạy Chúa, cuộc sống vì không nhận ra ân huệ Chúa ban cũng như sự yêu thương của tình thân trong gia đình mà nhiều gia đình ngày nay đang rơi vào sự bất hòa chia rẽ giữa anh chị em, giữa cha mẹ và con cái chỉ vì tranh giành quyền lợi… Xin cho mỗi người chúng con nhận ra tất cả đều là ân huệ để chúng con biết sống trong tâm tình cảm tạ, tri ân. Amen.
Bích Liễu