Ba Bức Chân Dung Về Đức Giêsu Kitô
CN 24 TN B
Tại Xêdarê Philipphê, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?”. Từ từ Người dẫn đưa các ông đến câu hỏi quan trọng nhất, xác tín nhất: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?“.
Xêdarê Philípphê được xem là miền đất dân ngoại, nơi có một trung tâm rộng lớn thờ thần Baan. Tương truyền, đây là nơi “chôn rau cắt rốn” của thần Hylạp có tên là Panias, thần thiên nhiên. Vào năm 2 trước CN, chính quận vương Hêrôđê Philípphê đã xây dựng nơi ấy thành địa danh linh thiêng đối với cư dân xứ này. Trên thành đó, ông đã cho xây và đặt đầu tượng Xêda, hoàng đế Rôma mà ông xem là vị thần, để tôn thờ. Chính tại “linh địa” dân ngoại này, Chúa Giêsu đã làm một cuộc thăm dò dư luận. Ngài muốn biết, liệu đã có thể loan báo cho các môn đệ hiểu về cuộc thương khó sắp tới của Ngài chưa.
Câu hỏi đầu tiên Chúa Giêsu đặt ra là đối với dân chúng : “Người ta nói Con Người là ai ?”. Sau những lần nghe Chúa giảng dạy, chứng kiến những việc Ngài làm như chữa bệnh, trừ quỷ, hoá bánh ra nhiều…dân chúng nghĩ Chúa Giêsu là ai ? Các môn đệ đã cho Chúa biết: Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả; kẻ thì bảo là ông Êlia; có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ.
Người ta nghĩ Chúa Giêsu là ông Gioan Tẩy giả sống lại, vì Vua Hêrôđê khi nghe những việc Chúa Giêsu đã làm, ông đã xác định đó là Gioan bị Vua chém đầu nay đã sống lại (Mt 14,1-2; Mc 6,14-16). Có người nghĩ Chúa Giêsu là ông Êlia vì trong niềm mong đợi Đấng Mêsia, dựa vào lời sách ngôn sứ Malakhi, người ta luôn mong đợi ngôn sứ Êlia sẽ trở lại để dọn đường cho Chúa đến (Ml 3, 23-24). Tại sao có người lại nghĩ Chúa Giêsu là ông Giêrêmia hay là một trong các ngôn sứ? Vì đối với dân Do Thái, một vị ngôn sứ xuất hiện là dấu chỉ niềm hy vọng: Thiên Chúa vẫn trung thành với giao ước. Ngài sắp đến viếng thăm cứu chuộc dân Ngài. Khi nghe Chúa Giêsu giảng dạy và nhìn thấy các phép lạ Ngài làm, dân chúng sửng sốt, kinh ngạc và họ đã coi Ngài là một vị ngôn sứ (x.Mt 21,46).
Sau khi thăm dò dư luận bằng lắng nghe các môn đệ kể về cảm nghĩ của dân chúng, Chúa Giêsu trắc nghiệm các môn đệ, đặt câu hỏi cho chính họ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”.
Chúa Giêsu có thể tự giới thiệu về mình, tự nói lên căn tính của mình. Nhưng Người đã không làm thế. Chúa muốn người môn đệ phải tự khám phá ra Thầy của mình là ai. Chúa muốn lời tuyên xưng của người môn đệ phải phát xuất từ nỗ lực tìm hiểu và cảm nghiệm chân thực trong cuộc sống sinh hoạt với Người. Thánh Phêrô đã thay mặt toàn thể anh em thưa rằng: “Thầy là Đấng Kitô,Con Thiên Chúa Hằng Sống”.
Chúa Giêsu hài lòng về lời tuyên xưng ấy. Tuy nhiên khi tuyên xưng, Phêrô vẫn chưa thật sự hiểu Đấng Kitô có nghĩa là gì. Có lẽ ông còn chịu ảnh hưởng của đám đông nghĩ đến một Đấng Kitô oai nghi, vinh quang và quyền lực. Vì thế, Chúa Giêsu giải thích cho các môn đệ hiểu biết con đường của Người. Con đường thực sự mà Đấng Kitô phải đi là con đường đau khổ: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ chỗi dậy”. Đó là con đường tủi nhục, con đường khổ nạn, con đường chết chóc. Nhưng sau tủi nhục sẽ đến vinh quang. Sau khổ nạn sẽ là hạnh phúc. Sau chết chóc là phục sinh. Đó không phải là con đường vinh quang trần thế, nhưng là con đường nhỏ hẹp thiêng liêng. Đó chính là con đường dẫn đến hạnh phúc đích thực. Chúa không lừa mị, không hứa hẹn những gì dễ dãi, chóng qua. Chúa chỉ đường ngay nẻo chính và muốn những ai theo Người phải dũng mạnh, can đảm, quyết liệt. Vì thế, Chúa nói thẳng thắn với các môn đệ: “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”.
“Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Đó là đức tin Kitô giáo. Từ đây phát sinh Kitô giáo vì người tin vào Đức Giêsu thành Nazareth đã tuyên xưng Người là Đức Kitô, là Cứu Chúa của họ. Lời tuyên xưng “Đức Giêsu Kitô” có hai vế: Đức Giêsu thành Nazareth và Đức Kitô. Đức Giêsu thành Nazareth là con người lịch sử đã sống, đã chết và đã phục sinh. Qua biến cố đó, nhiều người đã nhìn nhận và tuyên xưng Người là Đức Kitô. Câu tuyên xưng “Đức Giêsu Kitô” gói trọn con người lịch sử Đức Giêsu thành Nazareth và Đấng được tuyên xưng là Cứu Chúa, là Đức Kitô, Đấng được niềm tin của Kitô hữu tôn vinh.
Đối với niềm tin Kitô giáo, “Chúa Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi“, là Đấng cứu độ duy nhất của nhân loại.Thánh Phaolô nói: Ai tin thì được cứu độ. Mỗi kitô hữu luôn thấm nhuần chân lý này, nên trong bất cứ nghịch cảnh nào của cuộc sống, họ luôn tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa Giêsu như Phêrô đã từng tuyên xưng.
“Thầy là ai?”, Ðức Giêsu là ai? Ðó là một câu hỏi được đặt ra cho mọi thời đại. Câu hỏi được đặt ra để chờ đợi một câu trả lời có ảnh hưởng quyết định trên lối sống của người trả lời. Câu hỏi này ngày nay cũng gặp được nhiều câu trả lời khác nhau, và mỗi câu trả lời kéo theo một nếp sống khác nhau.
Tuy nhiên điều quan trọng ở chỗ là mỗi người Kitô hữu đặt cho mình câu hỏi: đối với tôi, Đức Giêsu là ai? Bức chân dung nào đã điều khiển những tư tưởng, tâm tình và hoạt động của tôi? Phải làm thế nào để trình bày chân dung sống động của Đức Giêsu cho anh chị em của tôi hôm nay?
Phần tôi, rất thích ba bức chân dung về Đức Giêsu: Hài nhi trong máng cỏ, Tử tội trên thập giá và Tấm Bánh trên bàn thờ.
– Là Con Thiên Chúa, là Ngôi Hai, nhưng khi chấp nhận làm người, Đức Giêsu đã được sinh ra trong một chuồng chiên, được mẹ bọc tả đặt nằm trong máng cỏ (Lc 2,12). Ngôi Hai làm người là “một tin mừng trọng đại” cho toàn dân, lại phải “ở nhờ” nhà súc vật (Lc 2,11).
– Đức Giêsu lên ngôi vua trên Thập giá. Cái chết đau thương tủi nhục của một tử tội lại trở nên hiến tế, nguồn ơn cứu độ cho nhân loại.
– “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Đấng ban sự sống cho muôn loài (CV 17,25), Đấng mà vừa nghe Danh thánh thì cả trên trời dưới đất và trong âm phủ, muôn vật phải bái quỳ (Pl 2,10) đã trở nên Tấm Bánh nuôi nhân loại qua Thánh lễ mỗi ngày.
Máng cỏ là nhà Chúa sinh ra. Thập giá là ngai Chúa lên ngôi vua. Tấm bánh là Mình Thánh Chúa. Bức tranh máng cỏ – chuồng chiên là sự chiến thắng cám dỗ về của cải vật chất. Bức tranh Thập giá- Đồi Sọ mô tả chiến thắng về chức quyền. Bức tranh Tấm Bánh- Thánh Thể giải bày chiến thắng cám dỗ về danh vọng.
Thiên Chúa làm người và đã trở nên tôi tớ. Thiên Chúa đã đóng đinh mọi sức mạnh áp chế, mọi quyền lực thống trị. Người đã trở nên anh em để phục vụ và hiến dâng mạng sống cho con người.
Đấng mà chúng ta tôn thờ và yêu mến không chỉ là Đức Chúa, Đấng Tối Cao, Đấng Thánh, mà còn là Con Người, là anh em, là người trao ban sự sống dồi dào.
Trong bài đọc 2, Thánh Giacôbê nói về tương quan giữa Tin và Sống: “Đức tin không việc làm là Đức tin chết“. Tin trong lòng và tuyên xưng ngoài miệng và phải thể hiện bằng việc làm. Thánh Giacôbê cho hướng dẫn cụ thể: “Nếu có anh chị em nào không cơm ăn áo mặc, mà có kẻ trong anh chị em lại bảo rằng: ‘chúc anh chị em đi bình an, và ăn no mặc ấm’ mà anh chị em lại không cho họ những gì cần dùng cho thân xác, thì nào có ích gì?“. Việc làm đó chính là lòng bác ái, cảm thông, chia sẻ với tha nhân, nhất là với người nghèo khó, người hoạn nạn. Kitô hữu là người tin vào Đức Kitô và có Chúa Kitô trong cuộc đời, cùng với Người hướng tới tha nhân. Đó là một cuộc sống phong phú và hạnh phúc của người kitô hữu!
Lạy Chúa Giêsu, tựa như thánh Phêrô, con cũng tuyên xưng Chúa là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Con muốn sống với trọn con tim điều mình tuyên xưng: Chúa có vị trí quan trọng nhất trong những chọn lựa hằng ngày của con. Cùng với Chúa, xin cho con đến với tha nhân bằng một con tim rộng mở, chia sẻ và cảm thông. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An