Bài 50: Thư Ngỏ Gửi Các Giáo Lý Viên Giáo Phận Cần Thơ

print

Bài 50:

THƯ NGỎ GỬI CÁC GIÁO LÝ VIÊN

GIÁO PHẬN CẦN THƠ

          Tôi như có duyên nợ với việc dạy giáo lý từ khi tôi lên học thần học ở Đại chủng viện Xuân Bích. Mỗi tuần vào chiều Chúa Nhật phải đi thực tập dạy giáo lý ở một xứ đạo thuộc sài gòn. Khi đại chủng viện dịch cuốn Giáo lý Thánh kinh của Đức, tôi có tham gia dịch. Khi làm linh mục linh hướng Tiểu Chủng viện Thánh Quý tôi phải lo dạy giáo lý các lớp từ đệ thất lên đệ tam. Sau năm 1975 về họ trà cú với 16 thầy, lo dạy giáo lý cho các lớp, tôi phải dọn giáo lý vào đời và chuẩn bị vào hôn nhân. Năm 1995 nhận phụ trách ban giáo lý giáo phận, gồm các cha từ mỗi hạt cử ra, để soạn bộ sách giáo lý từ lớp 1 đến lớp 8. Đến đó tôi không còn sức khỏe phải nghỉ năm 2003. Năm 2011 sách Youcat ra đời, có người chỉ dịch câu hỏi câu thưa và đưa lên mạng. Cha phục trách sinh viên in phần 1 cho sinh viên học. Tôi bức xúc vì bản dịch không chuẩn, lại chỉ dịch các câu hỏi thưa, nên quyết định dịch đầy đủ cuốn Youcat cho sinh viên học. Từ đầu năm 2013 tôi dịch và lo thủ tục đến tháng 10 – 2013 Youcat Việt nam được phát hành. Trong hai năm cho đến đầu năm 2016, tôi đã nhận được nhiều email, gặp gỡ nhiều giáo lý viên ở nhiêu nơi khác, trao đổi về Youcat Việt Nam, tôi nhận thấy tất cả đã có nhiều bức xúc, cũng khiến tôi bức xúc, nên trong thư ngỏ này tôi chia sẻ 3 chuyện thôi:

  1. Cái nhìn về huấn giáo theo dòng lịch sử Giáo hội
  2. Khám phá cái độc đáo của Youcat Việt Nam.
  3. Giáo lý viên hay giảng viên giáo lý.

1 . Một cái nhìn về Huấn giáo theo dòng lịch sử giáo hội

          Khoảng năm 2000 tôi được cha Phaolô Nguyễn Bình Tỉnh, giám đốc Đại chủng viện Xuân Bích Huế, là bạn cùng học thần học ở Xuân Bích, Thị nghè, mời tôi ra chia sẽ kinh nghiệm về việc dạy giáo lý, ở đại chủng viện cũng có cha giáo về sư phạm Huấn giáo. Tôi mới mua được cuốn Bách khoa từ điển về giáo lý viên, Thabor 1993 (tiếng Pháp). Tôi thấy có phần lịch sử về việc dạy giáo lý. Tôi dựa vào đó soạn một Bản Tổng lược về dạy giáo lý theo dòng lịch sử giáo hội. Tôi chọn ra 10 vấn đề liên quan đến việc dạy giáo lý: Thời kỳ – Nơi chốn – Hoàn cảnh văn hóa xã hội – Người dạy – Dạy để làm gì – Dạy gì – Sách để dạy – Cách dạy – Dạy cho ai – Huấn luyện giáo lý viên. Rồi tôi chia lịch sử giáo hội thành 6 thời kỳ: Thời Chúa Giêsu – Thời các Tông đồ – Thời các Giáo phụ – Thời Trung cổ – Thời Phục hưng đến trước Công đồng Vatican II tới nay. Tôi ghép thành bản Tổng lược gồm 7 cột; cột đầu là 10 vấn đề Huấn giáo – Sáu cột sau là các thời kỳ lịch sử. Độc giả muốn biết về sách giáo lý, chỉ tìm trong cột một số 7; và xem trong các thời kỳ, sẽ thấy tới thời kỳ 5 mới có sách giáo lý Rôma (1566), tới thời kỳ 6 mới có sách giáo lý giáo hội công giáo (1992) và Youcat (2011). Muốn biết về giáo lý viên thì tìm cột 4, và thời kỳ 5 mới có giáo lý viên giáo dân cho đến nay. . .

          Tôi có 2 giờ ban sáng và 2 giờ ban chiều. Ngày đầu tiên, tôi thấy trong hội trường có lớp thần học 1 và thần học hai, một số đại diện 5 dòng tu khoảng 100 thính giả.

          Tôi mở đầu với các thính giả: hôm nay tôi chia sẽ về kinh nghiệm dạy giáo lý của giáo hội mà trong suốt 20 thế kỷ giáo hội đã thực hiện. Tôi hy vọng từ đó quý thầy và các tu sĩ sẽ rút ra được bài họ dạy giáo lý là gì, phải dạy cái gì, dạy cách nào… rồi tôi mở đường cho các thính giả là còn phải tiếp tục học hỏi à đổi mới cho phù hợp với người học giáo lý và hoàn cảnh của họ. sau một ngày tôi giao lưu với thính giả, thấy mọi người rất phấn khởi nói với tôi là rất thích thú, hài lòng và tự tin đã hiểu được dạy giáo lý là gì, phải làm gì, và thấy còn phải học nhiều hơn nữa… hôm nay tới hội trường, tôi ngạc nhiên vì hội trường chật ních phải thêm ghế, thêm loa để nghe.

          Tôi mong giáo lý viên nào chưa có được cái nhìn như vậy có dịp được học hỏi để nắm vững được công việc của mình.

2 . Khám phá cái độc đáo của Youcat Việt Nam

          Cuốn Youcat chính thức chỉ đăng thư giới thiệu của đức Bênêđictô XVI ở đầu sách thôi. Youcat Việt Nam có thêm phần giới thiệu và hướng dẫn sử dụng chung ở đầu sách, và đến mỗi phần trong 4 phần còn có dẫn nhập riêng để nêu lên những đôc đáo trong Phần. Tôi thâm hai phần dẫn nhập chung và riêng này nhằm giúp độc giả Việt Nam khám phá được nhiều điều mới và lý thú. Bởi vì trước khi dịch tôi đã đọc cẩn thận và ghi chú cái độc đáo của từng câu hỏi thưa, cách giải nghĩa, các chứng từ, các kinh nghiệm đã hiểu và đem thực hành trong đời sống…mà tôi chưa từng gặp trong các sách giáo lý khác. Chính cái đôc đáo của Youcat  nằm trong các giải nghĩa, kèm theo các tư tưởng và chứng từ, làm cho Youcat sát với đời sống chứ không phải chỉ có giáo thuyết. có những chia sẽ và kinh nghiệm mà tôi cho rằng phải do các bạn trẻ nam nữ góp phần chứ không do các linh mục hay giám mục, chẳng hạn câu 158, câu 219…

          Vậy giáo ;ý viên nào chưa kịp đọc và theo dõi các phần dẫn nhập chung và riêng thì còn thời giờ để khám phá.

3 . Giáo lý viên hay giảng viên giáo lý

          Đây là vấn đề được nhiều người đem ra bàn cãi, nhiều anh chị em giáo lý viên cũng hỏi tôi. Các bạn có thể mở Google: “Nhật ký truyền giáo – Từ ngữ nhà đạo”, để xem cuộc trao đỗi giữa linh mục Piô Ngô Phúc Hậu và Nguyễn Ngọc Huynh và năm 1994. Có thể xem trong “Từ vựng công giáo” của linh mục Stêphanô Huỳnh Trụ bàn về giáo lý viên, truyền đạo viên. Sau khi xem ý kiến của ba vị trên tôi thấy có hai cụm từ được dùng là: giáo lý viên và giảng viên giáo lý. Cha Piô Ngô Phúc Hậu và Nguyễn Ngọc Huynh ủng hộ dùng giảng viên giáo lý. Cha Stêphanô Huỳnh Trụ có ý kiến là “cụm từ giáo lý viên được coi là chưa thích hợp cho lắm, phải tìm từ khác thay thế, nhưng từ giáo lý viên vẫn thích hợp hơn, hoặc để rõ nghĩa hơn, có thể dùng từ giảng viên giáo lý” (từ điển trang 196). Phần tôi vẫn bức xúc về cả hai cụm từ trên vì cả hai điều chưa thích hợp với căn tính của giáo lý viên mà các đức giáo hoàng mới đây đã xác định. Năm 1979, trong Tông huấn về việc dạy giáo lý, đức gioan Phaolô II gọi “Đức Giêsu là Thầy dạy duy nhất (số 7, 8), giảng dạy bằng tất cả đời sống mình (số 9). Năm 1997 Bộ giáo sĩ của đức Gioan Phaolô II phát hành bản “chỉ dẫn tổng quát về dạy giáo lý”, trong phần đào tạo giáo lý viên có nói rằng: “vấn đề là phải đào tạo các giáo lý viên để họ có khả năng không những giảng dạy mà còn huấn luyện sống đời Kitô toàn vẹn bằng cách nâng cấp nhiệm vụ khai tâm, giáo dục và giảng dạy. Nói cách khác, đào tạo các giáo lý viên vừa là thầy dạy, vừa là nhà giáo dục, vừa là chứng nhân (số 237). Còn đức Phanxicô trong Tông huấn Niềm vui Phúc âm gọi “Đức Giêsu là Phúc âm vĩnh cửu (số 11) và nhắc lại lời đức Phaolô VI” Đức Giêsu là người Phúc âm hóa đầu tiên và vĩ đại nhất (số 12), và trong toàn thể Tông huấn ngài dùng người Phúc âm hóa (evangelizer).

          Phần tôi, tôi thấy cả hai cụm từ điều chưa thích hợp cần phải tìm từ khác. Tuy nhiên đang lúc chưa tìm ra, tôi chọn dùng giáo lý viên nhưng phải giúp giáo lý viên ý thức là mình phải có ba vai trò phải chu toàn một trật tự là làm thầy dạy, làm nhà giáo dục, làm chứng nhân như Chúa Giêsu là giáo lý viên số một, tôi không chọn dùng giảng viên giáo lý vì từ đó chỉ nói đến một vai trò là thầy dạy, không khác gì giáo viên ngoài đời, có thể giảng dạy rất giỏi, nhưng không giáo dục, không làm chứng…như thế hạ giá trị của giáo lý viên. Một giáo lý viên của Chúa Giêsu, của Hội Thánh mà chỉ giảng dạy, nhưng không giáo dục đức tin cho các em, không sống làm chứng cho các em thì lấy gì mà phúc âm hóa các em.

          Tôi ước mong những chia sẽ của tôi góp phần giúp các giáo lý viên thăng tiến hơn trong sứ vụ phúc âm hóa các em.

Linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng

Nhà Hưu dưỡng linh mục Cần Thơ 2016