BÀI 56:
XÂY DỰNG GIA ĐÌNH
THÀNH CỘNG ĐOÀN CẦU NGUYỆN
* * *
– Lý do chọn đề tài : Thư chung HĐGMVN năm 2013 đã chọn năm 2014 là Năm “TPÂH Gia đình”, trong đó có nêu lên 4 mục tiêu xây dựng gia đình: (1) một cộng đoàn cầu nguyện,(2) sống tình yêu hợp nhất thủy chung, (3) phục vụ sự sống và (4) hăng say loan báo Tin Mừng”.
– Cách thức trình bày dựa vào dàn bài tổng quát của Ban Mục vụ giáo phận đưa ra gồm:
1/ Trình bày hiện trạng.
2/ Nền tảng Lời Chúa và Sách GLHTCG.
3/ Kế hoặch cụ thể để thực hiện.
I. TÌM HIỂU HIỆN TRẠNG CÁC GIA ĐÌNH TRONG HẠT, GIÁO PHẬN ĐỐI VỚI VẤN ĐỀ ĐƯỢC CHIA SẺ.
Từ sau Công đồng Vatican II, giáo phận đã làm nhiều việc để lo cho các gia đình: tổ chức giờ kinh tối trong gia đình, ra nhiều sách Sống Lời Chúa trong gia đình, canh tân giờ kinh tối, chia sẻ Lời Chúa trong gia đình, giáo lý sống đạo hôm nay, mỗi gia đình một sách Tân Ứớc, sách Kinh Tin Kính gia đình (Ban giáo lý), phổ biến tập 5 phút cho Lời Chúa mỗi tháng… Ta thử đặt câu hỏi: tới nay các gia đình trong hạt, trong giáo phận đã là cộng đoàn cầu nguyện chưa? Thật khó để trả lời, vì dựa vào đâu mà đánh giá. Tuy nhiên có thể chọn mấy điểm đã nêu ra trong nội dung của đề tài để xem xét đánh giá:
1/ Duy trì và phát huy giờ kinh gia đình.
2/ Thực hiện mỗi gia đình một Tân ước.
3/ Gia đình cùng nhau cử hành ngày Chúa Nhật, các viêc khác như đọc kinh sáng tối, kinh Truyền tin, kinh ăn cơm…
Dựa vào bảng trả lời tổng kết, trong hạt sẽ đưa ra chương trình cụ thể để giúp các gia đình bắt tay vào việc xây dựng thành cộng đoàn cầu nguyện.
II. MUỐN CÁC GIA ĐÌNH XÂY DỰNG THÀNH CỘNG ĐOÀN CẦU NGUYỆN, CẦN GIÚP CHO MỖI GIA ĐÌNH HIỂU BIẾT THẬT ĐÚNG GIA ĐÌNH KITÔ GIÁO LÀ GÌ?
Ta sẽ đi từ ý nghĩa đơn giản đến ý nghĩa đầy đủ sâu sắc.
- Gia đình nói chung là gì ?
– Từ điển Đào Duy Anh: gia đình là chỗ gia quyến đoàn tụ với nhau.
– Từ điển Việt Nam (NXB Khoa học xã hội): gia đình là tập hợp người cùng sống chung thành đơn vị nhỏ nhất trong xã hội, gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân và dòng máu, thường gồm có vợ chồng, cha mẹ và con cái.
– Từ điển Công giáo 500 từ: gia là nhà (bên trong); đình là nhà (bên ngoài); gia đình: người trong một nhà.
* Vậy Gia đình là một nhóm người có liên hệ với nhau do hôn nhân hay máu mủ, cách chung có cha, mẹ và con cái. Vợ chồng làm nên gia đình căn bản. Ông bà, con cháu, họ hàng là gia đình mở rộng.
Gia đình là tế bào của xã hội, nơi đó vợ chồng được mời gọi tận hiến cho nhau trong tình yêu, công việc và thông truyền sự sống.
- Gia đình Kitô giáo là gì ?
–Từ điển Công giáo định nghĩa: gia đình Kitô giáo là sự hiêp thông giữa các nhân vị, theo hình ảnh sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Gia đình Kitô giáo là cộng đoàn, trong đó từ thời thơ ấu, con cái đươc học biết tôn trọng những giá trị luân lý, tôn thờ Thiên Chúa và biết sử dụng tự do (SGLHTCG 2205,2207).
Gia đình KTG là trường học đầu tiên về các nhân đức tự nhiên, đức tin, đức mến Kitô giáo, nên được gọi là “Hội thánh tại gia, cộng đồng ân sủng và cầu nguyện” (SGLGHCG 1666).
- Gia đình Kitô giáo là giáo hội tại gia nghĩa là gì ?
– Từ điển công giáo định nghĩa Giáo hội: Giáo = đạo; hội = đoàn thể. Giáo hội là đoàn thể của một tôn giáo. Giáo hội có gốc tiếng Hy lạp là tập họp dân chúng. SGLHTCG cho biết:
+ Giáo hội là Dân Thiên Chúa, gồm những người tin theo Chúa Kitô, được chính Thiên Chúa kêu gọi và quy tụ từ khắp thế gian. (SGLGHCG 752).
+ Giáo hội có thể chỉ cộng đoàn phụng vụ, cộng đoàn tín hữu ở một địa phương hay cộng đoàn mọi tín hữu trên toàn thế giới (SGLGHCG 752). Ba ý nghĩa ấy, không thể tách biệt nhau.
+ Sứ mệnh chính của Giáo hội trong thế giới là loan báo và làm chứng cho Phúc âm, cử hành Phụng vụ và phục vụ. Đặc tính của Giáo hội là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Giáo hội mang hai chiều kích hữu hình (có cơ cấu phẩm trật) và vô hình (mầu nhiệm).
+ Giáo hội tại gia: (giáo = đạo, hội = đoàn thể; gia = nhà). Giáo hội tại gia là gia đình sống như một cộng đoàn Kitô giáo. Giáo hội tại gia mang những đặc điểm như Giáo hội được Thiên Chúa quy tụ, tham gia cử hành Phụng vụ cùng với Giáo hội, có sứ mệnh rao giảng và làm chứng cho Phúc âm cùng với Giáo hội.
+ Gọi gia đình là một Giáo hội tại gia cũng là để nhấn mạnh vai trò của bậc cha mẹ phải lo thông truyền và giáo dục đức tin cho con cái mình.
+ Công đồng Vatican II: “Nhờ sức mạnh của bí tích hôn phối, các đôi vợ chồng Kitô hữu biểu thị và chia sẻ mầu nhiệm tình yêu hiệp nhất và chung thủy giữa Chúa Kitô và Giáo hội (Ep 5,32). Sự kết hợp của các đôi vợ chồng đã làm nên gia đình… Trong gia đình như một giáo hội tại gia”. (GH số 11). Chữ tại gia là dịch chữ domestica, tiếng LaTinh; tiếng Pháp dịch là domestique. Có bản dịch là “thu nhỏ lại” (Church in miniature, tiếng Anh; L’Église en miniature, tiếng Pháp), (x. ĐGH Gioan Phaolô II, TH Rempdemtoris Custos, Đấng Chăm Sóc Đấng Cứu Thế, 1989, số 7; THGĐ 48, 49, 86)). “Ecclesia domestica” nghĩa là giáo hội thu nhỏ tại gia.
+ Tông huấn Gia đình (1981) cũng đi từ hai mối hiệp thông là hiệp thông vợ chồng và hiệp thông vợ chồng với Chúa Kitô và Giáo hội qua bí tích hôn phối, để nói gia đình là giáo hội thu nhỏ tại gia “Hiệp thông vợ chồng tạo nền tảng trên đó xây dựng được sự hiệp thông rộng lớn hơn trong gia đình. Hiệp thông này ăn rễ từ trong liên hệ tự nhiên ruột thịt. Còn hiệp thông mới mẻ và độc đáo củng cố cho sự hiệp thông tự nhiên và nhân văn, đó là hiệp thông siêu nhiên nối kết các tín hữu với Chúa Kitô và quy tụ họ lại với nhau trong sự hiệp nhất của Giáo Hội Chúa. Gia đình Kitô giáo là một mặc khải, một sự thể hiện đặc biệt mối hiệp thông trong Giáo Hội. Vì thế gia đình Kitô giáo có thể và phải được gọi là giáo hội tại gia” (TH 21).
Sau khi xác định nền tảng cho việc gia đình Kitô giáo phải tham dự vào sứ vụ của Giáo hội, Tông huấn Gia đình nêu lên bổn phận của gia đình Kitô giáo là:
1/ Xây dựng gia đình Kitô giáo thành cộng đồng “tiên tri”.
2/ Xây dựng gia đình Kitô giáo thành cộng đồng “tư tế”.
3/ Xây dựng gia đình Kitô giáo thành cộng đồng “vương giả”.
Đây là ba sứ vụ của Đức Giêsu Kitô mà Giáo hội đã được Người trao để nối tiếp và cộng tác với Người mà thi hành (TH 50).
III. MUỐN CÁC GIA ĐÌNH KITÔ GIÁO DUY TRÌ VÀ PHÁT HUY THÀNH CỘNG ĐOÀN CẦU NGUYỆN, CẦN GIÚP HỌ HIỂU ĐẾN NƠI ĐẾN CHỐN CẦU NGUYỆN LÀ GÌ?
Giáo hội phải thi hành sứ vụ tư tế là sứ vụ gặp gỡ, đối thoại với Thiên Chúa qua các việc Phụng vụ, Bí tích, cầu nguyện dâng hiến cho Chúa…thì gia đình là giáo hội thu nhỏ tại gia cũng phải tham dự và thi hành sứ vụ đó như vậy, nghĩa là giáo hội lớn thế nào thì giáo hội nhỏ cũng như vậy. Giáo hội hằng ngày chu toàn bổn phận cầu nguyện tại nhà thờ thế nào thì giáo hội nhỏ cũng thi hành tại gia như vậy. Muốn thế, mọi thành phần trong gia đình phải hiểu biết cho đầy đủ và nắm vững được cốt lõi của việc cầu nguyện. Phần bốn của Sách GLHTCG hay Youcat đã dẫn vào cầu nguyện rất sâu sắc và hiện sinh…
- Từ kinh nghiệm cầu nguyện trong lịch sử Cứu rỗi ta rút ra cốt lõi của cầu nguyện.
– Từ kinh nghiệm cầu nguyện của các nhân vật quan trọng:
+ Ông Abraham chuyển cầu van xin Chúa bảo vệ dân thành Sôđôma (St 18, 22-25).
+ Ông Môisen gặp gỡ Chúa trên núi, chuyển cầu cho dân Israel khi họ phản loạn trong nơi hoang địa (Xh 33, 11).
+ Các tác giả thánh vinh ca ngợi Chúa tới muôn đời (Youcat 473).
+ Chúa Giêsu cầu nguyện nơi thanh vắng với Chúa Cha trong Thánh Thần (SGLHTCG 2600 – 2604; Youcat 474).
+ Đức Maria cầu nguyện bằng hiến dâng trọn vẹn để đáp lại tình yêu của Chúa (Youcat 479).
– Ta rút ra cốt lõi của cầu nguyện: cầu nguyện là hướng lòng lên cùng Chúa, đi vào tương quan sống động hiệp thông với Người; là gặp gỡ đối thoại chuyện trò thân mật với Người; là ngợi khen chúc tụng Chúa…; là hiệp thông trong tình yêu mến với Ba Ngôi Thiên Chúa; là tin cậy phó thác hiến dâng đời mình cho Người.
- Để thực hành cầu nguyện cần hai việc chính
– Giục lòng tin Chúa đang có mặt với mình: cầu nguyện là gặp gỡ, trò chuyện thân mật thì phải có mặt cả hai bên. Tuy nhiên Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng (vô hình) nhưng luôn ở với ta, Người cần ta có ý thức Người đang có mặt bên ta, do đó chính ta phải giục lòng tin Chúa đang có mặt với ta.
– Chọn đề tài và nội dung cầu nguyện: Trong liên lạc bằng máy vi tính, ta phải có một địa chỉ rõ ràng, phải chọn chủ đề và nội dung chủ đề, chẳng hạn nhắn tin thi đậu, hỏi thăm sức khỏe… Trong cầu nguyện cũng vậy, Chúa luôn sẵn sàng ở bên ta, ta phải tin Chúa đang có mặt rồi chọn chủ đề và nội dung cầu nguyện. Sách GLHTCG gợi ý cho ta năm chủ đề: chúc tụng – thờ lạy – xin ơn – tạ ơn – ca ngợi (SGLHTCG 2643,2644; Youcat 483). Tuy nhiên ta cũng có thể lựa chọn nhiều đề tài khác phù hợp với tâm trạng của ta. Chẳng hạn, thi sĩ người Pháp Paul Claudel, ông vào nhà thờ giữa buổi trưa, đến trước tượng Đức Mẹ và cầu nguyện: “Thưa Mẹ, con đến đây không dâng gì, cũng chẳng xin gì, chỉ nhìn Mẹ thôi”; Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu khi đang hấp hối, chị phụ trách bảo phải nhắm mắt ngủ đi. Thánh Têrêsa thưa: “Em đau đớn quá sức không ngủ được nên em cầu nguyện – Chị cầu nguyện gì nữa ?- Em chẳng cầu nguyện gì, em chỉ yêu mến mà thôi”. Bác nông dân xứ Ars trả lời cha Gioan Maria Vianney hỏi bác cầu nguyện gì? Bác trả lời: “Con nhìn Chúa, Chúa nhìn con”.
– Về chọn nội dung cầu nguyện: Tông huấn Gia đình số 59 dạy nội dung cầu nguyện độc đáo là chính cuộc sống hôn nhân và gia đình: “Vui mừng và cực nhọc, hy vọng và u buồn, ngày sinh và ngày kỷ niệm, kỷ niệm ngày cưới của cha mẹ, những chuyến đi xa nhà trở về, những chọn lựa quan trọng và quyết liệt, cái chết của những người thân yêu…” (số 59).
- Cách cầu nguyện.
Truyền thống giáo hội trình bày ba cách cầu nguyện:
– Cầu nguyện bằng lời (khẩu nguyện): tuyệt hảo nhất là kinh Lạy Cha, Kính Mừng, các Thánh vịnh, các bài hát (Kinh Hòa bình, Xin vâng…), các kinh Trông cậy, kinh Hãy nhớ, kinh Truyền tin, kinh Mân côi…(Youcat 501).
– Cầu nguyện bằng suy niệm (trí nguyện) là dựa vào lời Chúa, vào ảnh thánh, ta suy nghĩ, tìm ra trong những dấu hiệu và ý muốn của Chúa (Youcat 502).
– Cầu nguyện bằng chiêm niệm (tâm nguyện) là cách dễ dàng nhất không cần lời nói, không cần suy nghĩ, nhưng phải có ý chí quả quyết, nhất là có tấm lòng để chỉ nhìn ngắm, yêu mến và có mặt bên nhau thôi (ví dụ: thi sĩ Claudel và Thánh nữ Têrêsa), (Youcat 503).
- NHỮNG VIỆC CẦN LÀM ĐỂ XÂY DỰNG GIA ĐÌNH THÀNH CỘNG ĐOÀN CẦU NGUYỆN
- Dựa vào truyền thống gia đình Do Thái giáo thời Cựu Ước
– Hằng ngày gia đình Do thái nào cũng có buổi cầu nguyện: cầu nguyện buổi sáng, buổi chiều, trước và sau các bữa ăn.
– Hằng tuần lên hội đường vào các ngày thứ bảy để nghe đọc và giải thích Cựu Ước (Lc 4, 16-21).
– Mỗi ngày họ phải đọc 3 lần lời Kinh thánh: “Nghe đây, hỡi Israel! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em hết lòng hết dạ, hết sức anh em. Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi lòng tạc dạ. Anh em hãy lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy” (Đnl 6,4-7).
- Dựa theo truyền thống gia đình Do thái giáo thời Tân Ứớc
– Thánh gia là Giáo hội tại gia nguyên thủy:“Đây là điều diễn ra nơi Thánh Gia, mà mọi gia đình Kitô hữu phải phản ánh được nơi “Giáo Hội nhỏ bé (tại gia)”…Vì thế Thánh Gia chính là nguyên mẫu và gương sáng cho mọi gia đình Kitô hữu” (ĐGH Gioan Phaolô II, TH Redemptoris Custos, Đấng Chăm Sóc Đấng Cứu Thế, 1989, số 7).
+ Biến cố Truyền tin diễn ra trong khuôn khổ cầu nguyện tại gia đình của một trinh nữ đã thành hôn với Giuse “Sứ thần vào nhà trinh nữ…” (Lc 1, 28).
+ Bài ca Magnificat của Mẹ Maria và ca khúc Benedictus của Da-ca-ri-a là những sáng tác từ trong gia đình (Lc 1,46-55; 68-79).
– Chúa Giêsu cầu nguyện trước bữa ăn, như khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều (Mt 14,19b); tại tư gia khi đồng bàn ăn với 2 môn đệ trên đường Em-mau (Lc 24,13-35); khi Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể tại căn phòng Tiệc ly (Mt 26,26-27), tâm sự với Chúa Cha trong nhà Tiệc ly với rất nhiều lời tha thiết (Ga 17).
– Giáo hội Sơ khai: các cuộc hội họp cầu nguyện của các tín hữu sơ khai rất gần giống với đời sống tôn giáo của gia đình Do thái. Thông thường chủ hộ (Kitô hữu) sẽ điều hành buổi hội họp cầu nguyện, gồm: hát thánh ca, thánh vịnh, đọc kinh thánh Cựu Ước, cầu nguyện, chúc tụng, hôn chúc bình an và cử hành bữa tiệc của Chúa (1 Cr 11).
- Dựa theo các truyền thống thời giáo hội
Trải qua thời gian, truyền thống giáo hội đã đề xướng ra những lời kinh giúp cho các tín hữu mọi thời đại sử dụng để cầu nguyện, như Kinh Trông cậy (tk 4); Kinh Hãy nhớ, Kinh Truyền tin (tk 12); Kinh Mân côi (tk 12)….mà cho đến nay vẫn còn giá trị lớn.
- Dựa theo Tông Huấn Gia Đình (từ số 55 – 62)
– Số 55 : Gia đình được gọi là Đền thờ tại gia, là cung điện cầu nguyện, là nơi gặp gỡ đối thoại với Thiên Chúa.
– Số 59 : Kinh nguyện trong gia đình có đặc tính riêng biệt và có nội dung độc đáo là chính cuộc sống của gia đình.
– Số 60 : Cha mẹ là nhà giáo dục đức tin cho con cái trong việc cầu nguyện.
– Số 61 : Trong giáo hội tại gia, mục đích quan trọng của kinh nguyện là dẫn con cái bước dần vào Phụng vụ của giáo hội.
– Số 62 : Kinh nguyện đi đôi với đời sống, cầu nguyện sao thì sống cũng như vậy.
- Gia đình Công giáo tiếp nối những truyền thống trên
* Về mặt này, xin các linh mục thường xuyên giảng dạy giúp gíáo dân hiều biết ý nghĩa, và thực hiện trong tinh thần cầu nguyện chung của GH. Cụ thể là những việc đạo đức như sau:
– Ngày Chúa Nhật: Cả gia đình cần sống ý nghĩa “Ngày của Chúa” là ngày kính Thiên Chúa tạo dựng; ngày cử hành Chúa sống lại; ngày của giáo hội, của cộng đoàn, ngày nghỉ ngơi, ngày sống tình liên đới …qua việc tham dự Thánh lễ Chúa Nhật cách ý thức và trọn vẹn, sinh hoạt cộng đoàn, quan tâm đến gia đình, thăm viếng và làm việc bác ái …. (Tông thư “Ngày Chúa Nhật” được ĐGH Gioan Phaolô II công bố năm 1998).
– Các Bí tích: Khích lệ nhau lãnh nhận các Bí tích, nhất là trong các dịp đặc biệt như con cái rửa tội, ngày con cái xưng tội rước lễ, ngày lãnh nhận bí tích thêm sức, bí tích hôn phối, người thân trong gia đình cần lãnh bí tích xức dầu, cổ võ ơn gọi linh mục tu sĩ …
– Giờ kinh tối: Nên giữ lại một số kinh cần để làm khung cho giờ kinh tối gia đình. Trong lịch sử truyền giáo của Giáo hội Việt nam, các linh mục thừa sai đã sáng tác rất nhiều những bài kinh, những bài ngắm. ca vãn…nhờ đó đã nuôi dưỡng đức tin qua bao thời kỳ, nhất là những thời kỳ khó khăn bách hại, hoặc cho những nơi thiếu linh mục.
– Lời Chúa trong gia đình: Công đồng Vatican II được mệnh danh là Công đồng trở về nguồn, nguồn ở đây là Thánh Kinh, Thánh Truyền. Do đó giáo hội khuyến khích các tín hữu đọc Thánh kinh, học hỏi và suy niệm cầu nguyện. Hiện tượng này ngày nay đang phổ biến nơi các xứ đạo. Nhiều nơi đã phát động và cổ võ để mỗi gia đình đều có sách Tân Ước. Việc dành ra ít phút để đọc Lời Chúa mỗi ngày và cầu nguyện trong gia đình là điều được giáo hội khuyến khích, nhờ đó sẽ giúp canh tân và đổi mới con người, góp phần vào việc Tân Phúc Âm Hóa Gia Đình.
* Giáo phận đã có in cuốn “Giờ kinh theo Kinh Tin Kính” giúp các gia đình dễ thực hiện.
* Tập “5 phút cho Lời Chúa” cũng đang được phổ biến khắp nơi, nhiều gia đình, cá nhân, đoàn thể đang sử dụng, tập này bao gồm : (1) Câu chính của bài Phúc Âm, (2) Suy niệm, (3) Mời bạn : đối chiếu với đời sống, (4) Sống lời Chúa: áp dụng vào đời sống, (5) cầu nguyện theo Lời Chúa.
* Giáo phận Sài gòn mới đây cũng xuất bản cuốn “Gia đình sống Lời Chúa hằng ngày” năm A, bao gồm: (1) Toàn bài Phúc Âm mỗi ngày, (2) Suy niệm, (3) cầu nguyện.
KẾT LUẬN
Qua phần trình bày trên, muốn xây dựng gia đình thành cộng đoàn cầu nguyện, gia đình Kitô giáo phải ý thức và nắm vững xác tín rằng gia đình mình là một giáo hội thu nhỏ tại gia, giáo hội lớn có sứ vụ tư tế để cầu nguyện, tham dự vào sứ vụ tư tế của Chúa Giêsu thế nào, thì gia đình là giáo hội thu nhỏ tại gia, cũng có sứ vụ tư tế để cầu nguyện và tham dự vào sứ vụ tư tế của Chúa Giêsu như vậy. Do đó mọi thành phần trong gia đình phải học biết để cầu nguyện như giáo hội dạy làm, và không thể không biết đến hoặc không muốn thi hành sứ vụ tư tế để cầu nguyện như giáo hội.
CÂU HỎI TRAO ĐỔI
1/ Hiện trạng cầu nguyện nơi gia đình giáo xứ của cha như thế nào ?
- Đọc kinh chung cả nhà hay mỗi người đọc riêng ?
- Đọc kinh chung theo thể thức nào ? –Đọc một số kinh chọn lựa – Đọc và suy niệm 10 kinh Mân Côi – Dùng tập 5 phút cho Lời Chúa hay Kinh Tin Kính trong gia đình ? ….
2/ Cha có dạy giáo dân cầu nguyện theo truyền thống giáo hội chưa ?
- Phải thực tập giục lòng tin Chúa có mặt với mình.
- Chọn chủ đề (thờ lạy, tạ ơn, ca tụng, sám hối, xin ơn).
- Chọn nội dung phù hợp với chủ đề, từ các biến cố xẩy ra trong đời sống gia đình (gặp tai nạn, bệnh tật, tang tóc, thi đậu, tìm được việc làm tốt …)
Châm ngôn : Càng cầu nguyện càng trở thành người cầu nguyện. Gia đình càng cầu nguyện càng trở thành cộng đoàn cầu nguyện.
“Gia đình nào cầu nguyện chung với nhau, gia đình đó sẽ bền vững” (Mẹ Têrêsa Calcutta).
Linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng
Nhà Hưu dưỡng Linh mục Cần Thơ.