Chia sẻ vài cảm nghĩ về vấn đề Đào tạo Linh mục.

print

Bài 55:

Trọng kính Đức Cha, và quý cha cựu sinh viên Xuân Bích, Con xin chia sẻ vài cảm nghĩ về vấn đề Đào tạo linh mục.

 

I. Cảm nghĩ về Chất Xuân Bích

Nhân dịp lễ giỗ tổ Xuân Bích 2017, con mở trong web của Xuân Bích thấy có: giỗ tổ Xuân Bích 2017. Năm nay còn có một hoạt động mới là “Tuần cửu nhật cầu cho các ơn gọi Xuân Bích, quí cha thuộc hội và cho sự gia tăng số ơn gọi Xuân Bích”. Con được biết thêm là trong bài giảng lễ có nhắc đến bảy nét được Đức giáo hoàng Phanxicô đề cặp trong Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm về linh mục ngày nay, linh mục là người đồng hình đồng dạng với Đức Kitô: giản dị, khiêm tốn, mang vào mình mùi chiên, vui vẻ, nhiệt tâm dạy dỗ, chứng nhân của lòng thương xót, biết đi ra… dịp lễ giỗ này có tặng đặc san “Như một kỷ niệm 2017”. Con nhớ con đã được chính đức cha gởi cho con đặc san Như một kỷ niệm 2011, là đặc san sau chót con có được. Con cũng có dịp đọc bài “Chất Xuân Bích cho hôm nay” của cha Lê Công Đức, và biết là các cha giáo Xuân Bích đang quan tâm tới Chất Xuân Bích mà con là người đầu tiên, cựu sinh viên Xuân Bích gốc Hà nội, đã viết bài trong “Gia đình cựu sinh viên Xuân Bích 2003 – 2004 bài dài 8 trang với đầu đề là chia sẻ về truyền thống Xuân Bích”. Bài này được cha Trương Đình Hiền tóm tắt đăng trong “Họp mặt gia đình cựu sinh viên Xuân Bích” năm 2004 như sau:

“Nhắc đến truyền thống Xuân Bích phải chăng là “đụng” tới cái căn tính linh mục mang “dáng đứng Xuân Bích”; hay nôm na theo ngôn ngữ của cha Đồng là “Chất Xuân Bích”. Đó là cái “Chất” được tích lũy hình thành không những do sau bao tháng năm cùng có những phút giây lặng thầm chiêm ngưỡng bức tranh “sơn mài” độc đáo mà nhất là được cảm nhận, được chắt chiu, được trực diện với những hình hài bằng xương bằng thịt của các cha giáo sư đáng kính đáng yêu và rất mực hòa đồng. Rồi Đức cha Phaolô Hòa đã “chú giải thêm” về cái chất đó khi ngài nhận ra cái độc đáo, cái tuyệt vời của anh em Xuân Bích, đó chính là tình huynh đệ, nghĩa đại đồng và luôn biết “đem quá khứ vào hiện tại, nối dài kỷ niệm để thăng hoa cuộc sống hôm nay. Trong khi đó cha Đỗ Xuân Quế lại cẩn trọng lưu ý anh em: điều quan trọng là giữ sao cho cái “Chất” ấy được bền, được thắm, được phát triển. Và muốn như thế, phải cố gắng từng ngày học hành, đọc sách, gặp gỡ, sống tình huynh đệ, và luôn giữ được nét thanh cao của “cái nghèo Tám Mối”… “cha Bình (BMT) tâm đắc về cái phong cách cởi mở, nhân bản, tự do của nền giáo dục Xuân Bích”. Đó là tóm tắt của cha Hiền năm 2014.

Bảy năm sau, con lại được đọc bài “Chất Xuân Bích” của cha Phanxicô saviê Ngô Phục (người miền trung) bài viết rất chân thành, đơn giản, hồn nhiên, bổ túc cho cái “Chất Xuân Bích” mà các anh em khác chưa kịp nói ra. Xin trích Ngày vào Đại chủng việ thật hồi hợp: môi trường mới toàn người lớn. Ở tiểu chủng viện, mình thuộc lớp lớn nhất, bây giờ là nhỏ nhất, nhất là hầu hết đều xa lạ, sợ nhất là các cha giáo, vậy mà những người mình sợ nhất lại là dễ thương nhất. Cha nào cũng tay bắt mặt mừng, cười tươi… như đã quen nhau từ lâu!Cùng phòng cùng lớp thì ngày đầu co chút dè dặt, hôm sau thì bắt đầu quậy như quỷ. Tình cảm của những anh em lớp trên thì cũng giống như các cha giáo “Chất Xuân Bích” đã ngắm vào máu họ rồi. Từ “chú” nay được gọi là Thầy, các cha  giáo còn nâng học trò lên một bặc “ông”. Mình cảm thấy trưởng thành hẳn lên, từ đó những suy nghĩ, quyết định, thu xếp công việc v v … mình tự nhủ phải trưởng thành… Xuân Bích dường như không phân biệt giai cấp, giáo phận, giọng nói, thầy trò… vào cuộc sống, có vốn liếng Chất Xuân Bích, các kỳ nghĩ về giáo xứ quê nhà xem ra mọi người dễ chịu, dễ gần, mà mình cũng thế. Cha xứ, thầy giúp xứ dù không Xuân Bích, hầu như không có gì khó khăn trở ngại, Chất Xuân Bích dẫn đường mọi sự êm đẹp cả. Ra làm linh mục thì tuyệt vời! Xem ra Chất Xuân Bích hợp với cuộc đời truyền giáo, một môi trường phức tạp nhưng lại đòi hỏi sự dễ dãi hơn là quá nghiêm túc, đòi hòa mình hơn là tư tôn, thấy dễ thương khi người ta chào “ông cha nhà thờ” hơn “con xin phép lạy cha”… Chất Xuân Bích giúp mình lăn lộn với mọi người… một nền giáo dục cởi mở…buổi sáng đạp xe ba gác ra phố với những người lao động… chiều xách vợt ra sân tennis với những kẻ quý phái… ôi Xuân bích muôn vẻ, muôn mặt đem về những hạnh phúc muôn màu cho cuộc sống biết thích nghi, biết lăn lộn… với các cha, Chất Xuân Bích giúp mình sống với nhóm các cha Nam cũng được, sống với các chaBắc cũng tốt, có lúc “ăn hai đầu” đấy… rõ ràng Chất Xuân Bích là vậy… sau 38 năm đời linh mục, môi trường Xuân Bích đã đào tạo nên mình bằng gương sống, tôi ước mong truyền thống giáo dục đó được tiếp tục ngày càng tốt hơn, hoàn thiện hơn. Cha Ngô Phục có nói ngay từ đầu bài rằng “những điều này có thể mang tính chủ quan… biết đâu lại có những đồng cảm”. Đúng vậy, chắc chắn có con là người rất đồng cảm.

Bốn năm sau con lại gặp bài “Chất Xuân Bích cho hôm nay” (27 – 02 – 2015) của cha Giuse Lê Công Đức (VL) đăng trong trang web của Xuân bích. Xin trích: “Xuân Bích đã sớm tạo được một uy tín đáng nể trong sứ mệnh đào tạo linh mục cho giáo hội địa phương. Uy tín ấy được hàm chứa trong những cụm từ như “truyền thống Xuân Bích” hay “Chất Xuân Bích” vẫn thường được nhắc đến… “truyền thống Xuân Bích ở Việt Nam là cái nằm trong những ký ức sống động… về lòng quan tâm và thái độ tận tụy của các ân sư thuở nào… (con xin nhăc đến tên các cha Gastime (Tín) Courtois (Lịch) Villard (Vi) Corpet (Xuân) Bouyer (Bình) Barnouim (Sơn) Stutz (Túc)… phẩm chất của sự hiện diện và của xứ mệnh xuân bích ở Việt nam vốn đã được đặt nên và được định hướng sẵn rồi, nơi cái uy tính chứa đựng trong các thành ngữ “truyền thống Xuân Bích” hay “Chất Xuân Bích”, từng có sức gợi lên biết bao niềm yêu mến và trân trọng của các cựu sinh viên thuộc các thế hệ đầu tiên. Cha Đức cũng gợi một ý là “ các thành viên Xuân Bích  Việt Nam hôm nay được kỳ vọng kích hoạt lại “Truyền Thống Xuân Bích” hay “Chất Xuân Bích” ấy, thích nghi nó với các hoàn cảnh mới, và các nhu cầu mới của xã hội và giáo hội”.

Xin thêm một dấu chứng khách quan về “Chất Xuân Bích” trong nhà hưu dưỡng linh mục mà con đang sống được 8 năm. Hiện có 15  cha, và chỉ xét đến việc chầu và viếng Thánh Thể thôi thì con thấy:

  • Hai cha học ĐCV Sài Gòn: thỉnh thoảng có.
  • Năm cha học ĐCV Albertô: 4 không thấy bao giờ, 1 thỉnh thoảng.
  • Ba cha học Giáo hoàng học viện: Không thấy bao giờ.
  • Năm cha học Xuân Bích: 4 cha thường xuyên,1 cha thỉnh thoảng.

Tóm lại “Chất Xuân Bích” mà con đã nhận ra, suy nghĩ và chia sẻ cho anh em cựu sinh viên Xuân Bích vào năm 2004 là chất con đã được truyền thụ trong một thời gian từ 1954-1960.Xuân Bích đã chọn linh đạo là “sống hết mình cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô”,được ban giáo sư chọn bối cảnh phù hợp (bức sơn mài Chúa nhập thể), và chính các ngài sống hiệp thông với Chúa, với nhau, với các chủng sinh, tận tụy và âm thầm dùng lối sống đó biến đổi tiệm tiến theo Chất Xuân Bích đó cho các chủng sinh để trở thành linh mục cho giáo phận. Con chịu chức linh mục năm 1961 rồi làm đủ thứ công việc: – linh hướng ở Tiểu chủng viện Thánh Quý 12 năm – tuyên úy Hội dòng Con Đức Mẹ Cần thơ 2 năm – năm 1975 làm cha sở họ Trà Cú thuộc vùng 3 không (không điện, không nước ngọt, không đường bộ),20 năm ở Trà Cú có thời giờ để soạn giáo lý vào đời (rèn luyện nhân cách Kitô hữu), giáo lý cho người trưởng thành “Đức Giêsu Kitô Đường hạnh phúc”, giáo lý “chuẩn bị vào đời sống hôn nhân và gia đình” – 1993 bắc cầu cây căm xe, khoang giếng nước ngọt, cất lớp học tình thương cho hai ấp người lương.

– Năm 1995 làm cha sở họ Trung hải kiêm trưởng  ban giáo lý và soạn 8 lớp giáo lý cho các lứa tuổi, khoan 4 giếng nước ngọt, đúc 4 cầu bê tông, tôn hóa một chục nhà – năm 1998 – 2002có dịp đi giúp: Bồi dưỡng Huấn giáo ở Đại chủng viện Xuân Bích Huế, ở giáo phận Đà nẵng; năm 2001 thường huấn cho giáo phận Nha trang; Năm 2005 tĩnh tâm cho các linh mục giáo phận Hưng hóa … Nhờ ơn Chúa và nhờ Chất Xuân Bích, mọi công việc đều trôi chảy êm đep. Năm 2011 về hưu tại Nhà Hưu dưỡng linh mục Cần thơ, có nhiều giờ rảnh con đã viết nhiều bài góp ý về mục vụ, về tu đức, về phúc âm hóa gửi lên web http://gpcantho.com. Đặc biệt năm 2013, sau 2 năm chờ ban giáo lý của Hội Đồng Giám Mục xuất bản cuốn giáo lý Youcat mà không thấy, con dành 7 tháng để dịch sách Youcat từ bảng tiếng Pháp sang Việt cho giới trẻ. Và con may mắn bất ngờ tìm được một lá thư tiếng việt của Cha Bề trên Gastime Bùi đức Tín viết tay cho con vào đúng tết dương lịch 1-1-1991. Đọc lại lá thư của cha Giám đốc con càng thêm xác tín sâu sắc thế nào là Chất Xuân Bích và ảnh hưởng tốt đẹp của Chất đó đối với các cựu sinh viên. Con xin chép lại đây để chia sẻ cho mọi người, và gửi lá thư để đức cha giữ như một chứng tích:

                   Bùi đức Tín  Kính gởi cha Nguyễn-mạnh-Đồng

1-1-1991

Trọng kính cha thân yêu

Đọc thư của cha, tôi rất mừng, vì được biết một quãng thời gian của Giáo hội tại địa phương  Cần thơ. Cha lại kể chuỵen thời gian đó vừa cụ thể vừa đơn sơ thành thực, cho nên tôi sẽ cho cha Thi (cùng ở một chỗ với tôi) và cha Bình (ở Đại chủng viện kế bên tôi) được biết.

Trong đời sống linh mục của cha có một quãng tôi biết rõ, vì lúc đó tôi đã được gặp cha mấy lần, là khi cha làm cha linh hướng cho các chú tiểu chủng sinh. Rồi sau tôi không biết. Có  lúc cha vừa làm cha sở, vừa huấn luyện 17 thầy. Thật là hay. Trong thời gian đó có khi cha diễn thuyết cho các cha địa phận cấm phòng v.v. Tại sao cha đã làm được như vậy? Một phần vì đã học 6 năm tại Đ.C.V, nhưng cũng vì một lý do nữa, là cha ở đâu, làm việc gì, bao giờ cha cũng để thời giờ nghiên cứu thêm, ôn lại những bài đã học trước, hay là có sách vở gì cha đọc đi đọc lại. Thành thử ra cha giảng hay, làm cho các cha tưởng rằng cha đi Rôma- Tôi mừng và cảm ơn Chúa, và ao ước cha cứ tiếp tục làm như vậy-

Cha đã gửi cho tôi một bức thư chính là một quà rất quí trong hồi đầu năm, mà đến đúng ngày, tôi hết lòng cám ơn cha và chúc cha vừa khỏe mạnh, vừa sống kết hiệp với Chúa Kitô để làm cho bao nhiêu người mến Ngài và yêu Ngài.

Kính thư

Nhớ lại thời gian được đào tạo ở Xuân Bích, con không hề nghe biết các cha giáo nói về Truyền thống hoặc Chất Xuân Bích. Rồi từ năm 1993 khi giỗ tổ được tái lập hàng năm cho các cựu sinh viên Xuân Bích tại Đà lạt do Đức cha Nguyễn sơn Lâm, nhờ việc gặp gỡ nhau, gặp gỡ các cha giáo, ôn lại nhũng kỷ niệm đã qua, mà năm 2004 con mới nghĩ đến và chia sẻ về “Truyền thống hay Chất Xuân Bích” đã ảnh hưởng tác động đến con từ năm 1954 đến 1960, và đã định hướng cũng như chỉ dẫn con trong đời linh mục làm đủ thứ việc mà ngày nay không ngờ con đã làm được. Rồi từ khi có thể liên lạc bưu điện thường xuyên với Cha Nguyễn đắc Bình (Bouyer),con biết rõ thêm Hội Xuân Bích có Hiến pháp, có những Hội nghị để  cập nhật hóa Truyền thống Xuân Bích, khi sân khấu của giáo hội (Công đồng Vatican II) cũng như sân khấu văn hóa và xã hội của thế giới đổi mới (thế tục hóa, toàn cầu hóa). Đặc biệt là gần đây nhất, năm 2014, đại chủng viện Xuân Bích Huế gửi biếu con cuốn “ Một khoa sư phạm thăng tiến tự do” của  Ban Học vụ và Nghiên cứu của Tỉnh hội Xuân Bích Pháp. Con đã đọc kỹ cuốn này nhờ đó hiểu nhiều hơn và sâu hơn Truyền thống Xuân Bích, đồng thời cũng biết Truyền thống Xuân Bích luôn được Hội Xuân Bích cập nhật hóa.

Thế rồi năm 2012 Hội Đồng Giám mục Việt Nam công bố bản Định hướng và Chỉ dẫn đào tạo linh mục  (Ratio 2012).Bốn năm sau, năm 2016 con lại thấy xuất hiện bản Ratio mới của Bộ Giáo sĩ về đào tạo linh mục.(Ratio 2016), con rất bức xúc và tìm hiểu tại sao lại có Ratio mới như vậy. Ngay phần Nhập đề của Ratio 2016 đã giải đáp

II. Cảm nghĩ về Ratio 2012 và Ratio 2016.

Ratio 2012 của Hội đồng Giám mục Việt Nam được soạn dựa theo Ratiio của Tòa thánh năm 1970 và được cập nhật hóa năm 1985, như thế là cách đây tới hơn 30 năm, còn Ratio 2016 cho biết trong thời gian 30 năm, sân khấu giáo hội và thế giới đã biến chuyển mau chóng: nào là tục hóa, tương đối hóa, hôn nhân đồng tính, toàn cầu hóa …đàng khác có nhiều đóng góp của các đức giáo hoàng, các cơ quan Tòa thánh, các tổ chức giáo dân…đề nghị sửa đổi, thêm bớt để việc đào tạo được cập nhật hóa. Như vậy Ratio 2016 phải có nhiều cái khác hơn và mới hơnRatio 2012 cho phù hợp với bối cảnh giáo hội và xã hội ngày nay. Ratio có những nét giống nhau và những nét khác nhau sau đây:

II.-1. Những nét giống nhau:

  • Cả hai đều dựa vào Ratio 1970 va 1985, trong đó có các văn kiện của Cộng đồng Vatican II, của các cơ quan Tòa Thánh cho đến năm 1985.
  • Cả hai Ratio đều nhằm mục đích giúp đào tạo linh mụ thành “người được thánh hiến” và “được sai đi rao giảng Phúc Âm”,trở nên “đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô”, “trong tư cách là hiện thân của Chúa Kitô là Đầu, là Mục tử với ba chức năng rao giảng, thánh hóa, lãnh đạo”.
  • Cả hai cùng lưu ý đến bối cảnh hay sân khấu của văn hóa, và xã hội cũng như của giáo hội.
  • Cả hai cùng quan tâm đến bốn chiều kích đào tạo là nhân bản, thiêng liêng, trí thức, mục vụ; và cùng đào tạo ba chức năng: Rao giảng, thánh hóa, lãnh đạo…
  • Cả hai cùng trình bày về môi trường đào tạo là các cộng đoàn giáo xứ gia đình, cộng đoàn chủng viện.
  • Cả hai cùng đề cập đến cộng đoàn các nhà đào tạo, và việc huấn luyện bồi dưỡng các nhà đào tạo.
  • Cả hai cùng nói đến tổ chức việc đào tạo trong ba giai đoạn: trước đại chủng viện, tại đại chủng viện, sau đại chủng viện (đào tạo trường kỳ).

II-2. Những nét khác nhau:

  • Ratio 2016 vì ra đời 30 năm sau Ratio 1970 và 1985, nên có thêm nhiều cái mới do những văn kiện của Tòa Thánh, hoặc các giáo hội địa phương từ năm 1985 trở đi, để sửa đổi hay bổ túc nhằm cập nhật hóa việc đào tạo. Còn Ratio 2012 thì không thể có.
  • Ratio 2016 thêm vào mục đích đào tạo linh mục là “trở thành môn đệ thừa sai” (disciple missionnáire) và là “ trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô là Đầu, là Mục tử”. Hai cụm từ này được nhắc đi nhắc lại trong suốt bốn giai đoạn đào tạo từ giai đoạn khởi đầu, giai đoạn triết hoc, giai đoạn thần học, giai đoạn trường kỳ, chúng như là mục tiêu mà cả đời linh mục phải đào tạo cho mình một cách toàn vẹn, với bốn chiều kích: nhân bản, trí thức, thiêng liêng,mục vụ. Cụm từ “môn đệ thừa sai, hay được sai đi” do Đức giáo hoàng Phanxicô nói đến trong Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, đước Thượng Hội Đồng giám mục Thế giới và Liên Hội Đồng giám mục Á Châu dùng để chỉ người tân phúc âm hóa với Thánh Thần. Nét này không có trong Ratio 2012.
  • Ratio 2012 chỉ nói đến mục đích đào tạo là trở nên “đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu” để phúc âm hóa và Ratio dựa vào Công đồng Vatican II để đưa ra mô hình giáo hội là mầu nhiệm, hiệp thông, truyền giáo”. Ba đặc tính này được đem vào hình ảnh của Chúa Giêsu là “con người mầu nhiệm, con người hiệp thông, con người của sứ vụ truyền giáo”, rồi cũng đem vào việc đào tạo là “có được những linh mục là con người của mầu nhiệm, của sự hiệp thông, của sứ vụ truyền giáo”. (xem Ratio 2012 số 27). Ratio 2012 coi mô hình linh mục với ba đặc tính này là tiêu chuẩn để lượng giá cho tất cả các giai đoạn đào tạo. Đặc biệt Ratio 2012 có chú ý đến bối cảnh văn hóa xã hội việt nam và quan tâm đào tạo hình ảnh linh mục, theo Liên Hội Đồng giám mục Á Châu.
  • Ratio 2016 trình bày mục đích đào tạo trong hai cụm từ là “môn đệ được sai đi hặc thừa sai”, và “đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô”, nhưng không thấy nhắc gì đến mô hình ba đặc tính, mầu nhiệm, hiệp thông, truyền giáo như Ratio 2012. Nhưng Ratio 2016 chỉ luôn nhắc đến 2 cụm từ trên nhiều lần trong tất cả các giai đoạn đào tạo, và sau đó nhắc đến những giáo huấn cụ thể về mục vụ của các đức giáo hoàng như tiêu chuẩn để lượng giá về kết quả mỗi giai đoạn. Ratio cho biết Đức Bênêđictô XVI nhấn mạnh về giai đoạn khởi đầu (initiale) nhất là giai đoạn đào tạo trường kỳ, còn Đức Phanxicô nêu lên những đòi hỏi cụ thể như không được “khô dầu”, chấm dứt “lối sống gia đình trị”, phải “mang mùi chiên”, phải “chữa cho khỏi 15 thứ bệnh”, phải loại bỏ những ứng sinh làm linh mục hoặc tu sỉ do những động lực bất chính (4 cái) phải “chấm dứt lôi sống nô lệ ba Đ, ba L, ba T… sống hai mặc, nước đôi và mới đây Đức Phanxicô quan tâm đến người nghèo không chỉ bằng “lời nói chung chung” mà bằng việc làm cụ thể, (ngày thế giới cho người nghèo vào Chúa Nhật 33 hàng năm, đây là dịp tân phúc âm hóa)
  • Ratio 2016 quan tâm đặc biệt đến đào tạo trường kỳ (theo góp ý của Đức Bênêđictô XVI) rất cần để giúp linh mục trở nên môn đệ thừa sai, đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô trong hiện hữu cũng như trong hành động.

Linh mục cần phải kiên trì nhờ tác động của Chúa Thánh Thần để luôn dấn thân vào tiến trình “ đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô” một cách tiệm tiến và liên tục, vì sẽ gặp nhiều thách đố mới: thích sống biệt lập cô độc, sống như công chức, tìm an ủi không phải nơi Chúa Kitô, ham quyền bính giàu sang, tìm những bù trừ cho đời sống độc thân…(xem Ratio 2016 số 80). Về vấn đề này con nhớ trong dịp cấm phòng tháng ở hạt, có một cha trẻ lớp K5 (2004) chia sẻ rằng: có bạn cùng tu cho rằng tu bây giờ dễ… “chỉ cần nín thở cho qua cầu trong sáu bảy năm để được chịu chức linh mục là xong”… phải nghĩ thế nào? Thật khó vì có nhiều cách nghĩ. Con lúc đó đã 70, con nghĩ nếu phải “nín” suốt từ năm 35 hay 40 tuổi cho đến mãn đời một cách bất đắc dĩ thì quả thật là không dễ tí nào, bởi vì con được chứng kiến những cây lim cây sến ngã đỗ bất ngờ… vì thế, việc đào tạo khởi đầu để xây dựng nền tảng, cũng như việc đào tạo trường kỳ để bảo trì bền vững là quan trọng và rất cần thiết, phải tổ chức cho có phẩm chất và hữu hiệu, không thể chỉ làm cho có…

Để Kết:

          Kính thưa Đức Cha và quý cha cựu sinh viên Xuân Bích, đây là lá thư tâm huyết của một cựu sinh viên được đào tạo vào những năm 1954 – 1960 tại Xuân Bích. Con có nhiều “bức xúc nhưng con đã không muốn vô can”, tuy nhiên con có can vô thì cũng chỉ là gợi lên thôi vì đã có giáo hội “định hướng và chỉ dẫn”. Con mạnh dạn chia sẽ với đức cha là người đã dấn thân theo ơn gọi làm nhà đào tạo các linh mục trong hội Xuân Bích, đức cha là giám mục đã xác định mình “phải thấm đậm mùi chiên Giêsu” và đồng thời cũng muốn “mang vào mình mùi chiên”. Con cũng mạnh dạn chia sẽ với anh em cựu sinh viên Xuân Bích đã mang trong mình chất Xuân Bích, con mong ước được đức cha và quý anh em đồng cảm. Con cảm nghiệm như Truyền Thống Xuân Bích có hơi hướng của nền giáo dục khai phóng, một nền giáo dục sẵn sàng cởi mở vâng nghe đoàn sủng của Chúa Thánh Thần, muốn làm “thăng tiếng tự do”, “thăng tiếng con người toàn diện” (xem Một khoa sư phạm thăng tiến tự do), mà ngày nay nhiều đại học trên thế giới mơ ước có được. Con mong ước Chất Xuân Bích với nền giáo dục khai phóng giúp chủng sinh tự nguyện đào tạo mình và đón nhận sự đào tạo của giáo hội để trở thành môn đệ được Chúa sai đi tân phúc âm hóa với Thánh Thần, luôn “sống hết mình cho Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô” để thi hành sứ vụ thương xót của Chúa đối với mọi người. Con tin rằng Chất Xuân Bích luôn được các cha giáo Xuân Bích cập nhật hóa theo Ratio 2016 và theo “Định hướng và chỉ dẫn” của hội đồng giám mục Việt nam, nhờ đó các cựu sinh viên Xuân Bích luôn mang trong mình Chất Xuân Bích đã cập nhật hóa để mưu ích cho giáo hội và xã hội.

Linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng

Nhà Hưu dưỡng Linh mục Cần Thơ 2018.