Bài 84 : Bí mật Đấng Thiên Sai
Nhóm Phiên Dịch CGKPV
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Tin Mừng Chúa nhật XXIII Thường niên, năm B sắp tới kể chuyện Đức Giê-su chữa lành một người vừa điếc lại vừa ngọng. Cách thức chữa lành của Đức Giê-su có một chi tiết rất kỳ lạ, đó là “nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh” (Mc 7,33). Và rồi khi anh ta được chữa lành thì Người cấm anh và mọi người chứng kiến không được kể lại cho ai. Nhưng Người càng cấm thì họ càng đồn ra (x. Mc 7,36).
Đó là một trong những lần Đức Giê-su yêu cầu người ta giữ bí mật những điều liên quan đến Người được gọi là “bí mật Đấng Thiên Sai” hay “bí mật về tư cách Mê-si-a” của Đức Giê-su.
Trong bài học hỏi lần này, chúng ta cùng tìm hiểu xem “bí mật Đấng Thiên Sai” là gì và điều đó mang ý nghĩa gì, cách riêng là trong Tin Mừng Mác-cô.
Dẫn nhập
Hẳn là độc giả sẽ rất ngạc nhiên khi gặp thấy trong Tin Mừng Mác-cô tính nghịch lý của sự bí mật liên quan đến căn tính của Đức Giê-su : Người là ai ? Tại sao phải giữ kín danh tính của Đức Giê-su khi Người thực hiện các phép lạ ? Thật lạ lùng khi nhiều lần Đức Giê-su cấm người ta nói về Người (x. Mc 1,25.44 ; 3,12 ; 5,43 ; 7,36 ; 8,30 ; 9,9). Nhưng lệnh cấm trên thường không được tuân giữ. Một đàng thì “càng cấm càng nói” (x. Mc 7,36) ; đàng khác, điều Đức Giê-su cấm thì hầu như ai cũng biết. Đây chính là điểm độc đáo của Tin Mừng Mác-cô : Dùng cách trình bày nghịch lý để chuyển tải những mặc khải thần học.
Lệnh cấm nói về Đức Giê-su được giải thích rằng : Đức Giê-su cấm tiết lộ về tư cách Thiên Sai (Mê-si-a) của Người là để tránh hiểu lầm như người Do-thái đã hiểu về đấng Mê-si-a trần thế ; và Đức Giê-su cần thời gian để làm rõ vai trò Thiên Sai của Người.
Cách hiểu này có tính lịch sử và cần hiểu thêm nữa về ý nghĩa thần học của “bí mật về Đấng Thiên Sai”.
Vậy, tác giả Mác-cô muốn nói gì khi trình bày “bí mật Thiên Sai” theo cách rất nghịch lý như : điều bí mật nhưng ai cũng biết, càng cấm thì càng được loan truyền ?
Để trả lời câu hỏi trên, chúng ta cùng xem : Đức Giê-su đã cấm những đối tượng nào nói về Người ? Người cấm trong hoàn cảnh nào ? Cấm điều gì ? Lệnh cấm có được thực hiện hay không ?
Đức Giê-su cấm ba nhóm nhân vật nói về Người :
1) Ma quỷ ; 2) Những người được chữa lành ; 3) Các môn đệ.
I. Đức Giê-su cấm ma quỷ nói về Người
Ngay từ lần rao giảng đầu tiên trong hội đường, Đức Giê-su đã trục xuất thần ô uế và cấm nó nói về Người (x. Mc 1,21-28). Câu chuyện được trình bày cách lạ lùng và nghịch lý như sau :
Đức Giê-su và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um. Ngay ngày sa-bát, Người vào hội đường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.
Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng : “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ? Tôi biết ông là ai rồi : ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa !” Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó : “Câm đi, hãy xuất khỏi người này !” Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau : “Thế nghĩa là gì ? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh !” Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.
Tại sao Đức Giê-su ra lệnh cho thần ô uế “câm đi” (1,25), không được nói, trong khi thần ô uế nói đúng về Người rằng : “Tôi biết ông là ai, là Đấng Thánh của Thiên Chúa” ? (1,24). Tại sao Đức Giê-su bắt “câm đi” khi thần ô uế đã nói rồi ? Cử toạ trong trình thuật đều biết rõ thần ô uế nói gì. Vậy sao Người lại cấm nó nói điều mà mọi người đều nghe, đều biết ?
Thưa, Đức Giê-su ra lệnh cho thần ô uế câm đi, vì tự bản chất, nó đối lập với Đấng Thánh. Thần ô uế không có tư cách để nói sự thật về Đức Giê-su. “Thần ô uế” (to pneuma to akatharton) ở đây thuộc về “ma quỷ” (ho diabolos) [x. Lc 4,33]. Tin Mừng Gio-an định nghĩa về quỷ như sau : “Quỷ không đứng trong sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói, nó nói theo bản tính của nó là sự gian dối, vì nó là kẻ nói dối, và là cha của sự gian dối” (Ga 8,44). Bởi vì quỷ không có sự thật nơi mình, nên thần ô uế không có khả năng nói sự thật, nhất là sự thật về Đức Giê-su.
Hơn nữa, thần ô uế tự cho mình “biết” Đức Giê-su khi nó nói : “Tôi biết ông là ai” (Mc 1,24b). Thực ra, chỉ có ai thuộc về Thiên Chúa mới thực sự “biết” Đức Giê-su. Thần ô uế không thuộc về Thiên Chúa nên nó không thực sự biết Đức Giê-su. Vì thế, Người ra lệnh “hãy câm đi”. Thần ô uế không được nói, vì nó không thể nói sự thật. Đúng hơn, nó không có sự thật để nói. Hơn nữa, nó không có “lời” để nói vì nó phải nhập vào con người và mượn tiếng người ấy để nói.
Đối với độc giả, lời của thần ô uế (1,24) là một thông tin quan trọng và đúng, nhưng tư cách phát ngôn lại không xứng đáng. Qua lời của thần ô uế, tác giả Tin Mừng cho độc giả một thông tin chính xác về Đức Giê-su, nhưng sau đó lại phủ nhận tư cách của người cung cấp thông tin đó. Qua cách hành văn như thế, tác giả muốn cho độc giả biết rằng chỉ có thông tin đúng thì chưa đủ, điều quan trọng là tuyên xưng điều đó với lòng tin vào Đức Giê-su.
Nói đúng về Đức Giê-su với lòng tin là một hành trình dài. Con người cần học hỏi và lắng nghe giáo huấn của Đức Giê-su để dần dần khám phá ra Người là ai, từ đó hoán cải và tin vào Người. Nói cách khác, chỉ con người (không phải ma quỷ) mới có cơ may thực sự biết Đức Giê-su và nói đúng về Người.
Đức Giê-su giải thoát kẻ bị ám khỏi thần ô uế, và mặc khải cho kẻ ấy biết Người là ai. Cho dù, đối với con người, tiến trình học biết Đức Giê-su không đơn giản. Sự không hiểu của các môn đệ trong suốt Tin Mừng cho thấy rõ điều đó.
Tiến trình “quỷ nói rồi bị cấm” như câu chuyện trên được lặp lại ở Mc 3,11-12 như một lời tóm kết : “Còn các thần ô uế, hễ thấy Người thì sấp mình dưới chân của Người và kêu lên rằng : ‘Ông là Con Thiên Chúa’. Và Người cấm ngặt chúng để chúng không làm Người bị lộ ra”. Nhiều lần Đức Giê-su cấm thần ô uế nói, nhưng nội dung điều cấm thì ai cũng biết, đó là “Đức Giê-su là Con Thiên Chúa” (3,11). Lối hành văn độc đáo của Tin Mừng Mác-cô vừa cho độc giả biết Đức Giê-su là ai, vừa mời gọi độc giả đón nhận và tin vào Đức Giê-su để có thể nói về Người.
II. Cấm người được chữa lành nói về Đức Giê-su
Trong một số trường hợp, Đức Giê-su cấm những người được chữa lành nói về Người. Xem ra, sự cấm đoán này không thành công, vì Đức Giê-su càng cấm, họ càng loan truyền (Mc 1,44-45 ; 7,36). Vậy ý nghĩa của việc “không tuân thủ” này là gì ?
Khi chữa người phong hủi, Đức Giê-su nghiêm giọng đuổi anh ta đi ngay và nói : “Coi chừng, đừng nói gì với ai, nhưng hãy đi trình diện với tư tế” (1,44). “Nhưng vừa đi khỏi, anh ta đã bắt đầu rao giảng khắp nơi và loan truyền lời ấy, đến nỗi Người không thể công khai đi vào thành, Người đành ở những nơi hoang vắng bên ngoài” (1,55).
Trình thuật chữa người điếc và ngọng trong bài Tin Mừng Chúa nhật tuần này cũng tương tự như trường hợp trên. Tin Mừng kể : “Đức Giê-su ngước mắt lên trời, thở dài và nói với anh ta : ‘Ép-pha-tha’, nghĩa là ‘Hãy mở ra !’. Và ngay Lập tức tai của anh ta mở ra, lưỡi anh ta được tháo ra, và anh nói được rõ ràng. Người căn dặn họ là không được nói với ai. Nhưng Người càng căn dặn họ, họ càng loan truyền hơn nữa” (Mc 7,34-36).
Tóm lại, cách trình bày độc đáo của Mác-cô là kiểu hành văn về việc “không vâng lời Đức Giê-su”. Thực vậy, khi Người dặn đừng nói với ai về phép lạ thì họ lại “rao giảng khắp nơi” (Mc 1,55) và “Người càng căn dặn họ, họ càng loan truyền hơn nữa” (Mc 7,36). Lối hành văn độc đáo về sự “không vâng lời” này nói lên nhiều điều. Qua sự “không vâng lời”, người được chữa lành và những người chứng kiến phép lạ đã đề cao Đức Giê-su vì họ nhận ra việc Đức Giê-su làm là quá lớn lao, quá sức tưởng tượng. Niềm vui và hạnh phúc lớn đến nỗi họ không thể giữ kín và chỉ còn một cách duy nhất để diễn tả niềm vui đó là “càng cấm càng nói.” Họ làm thế để ca tụng Thiên Chúa và để nói cho mọi người biết Đức Giê-su là ai và Người đã làm gì. Họ mời gọi mọi người đến với Đức Giê-su để đón nhận sự sống đích thực ở nơi Người.
Khi tin vào Đức Giê-su, khi đón nhận sự sống từ nơi Người, khi được Người yêu thương và chữa lành các bệnh tật của tâm hồn và chữa lành con người khỏi cội rễ bệnh tật thân xác là sự chết, liệu độc giả có cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc lớn lao như những nhân vật trong Tin Mừng hay không ? Liệu độc giả có dám thực hiện điều họ đã làm là “càng cấm càng nói” để ca tụng Thiên Chúa và chia sẻ niềm vui lớn lao cho mọi người hay không ? Như thế, trong Tin Mừng Mác-cô, “cấm” không phải để “giữ kín”, không phải để “không nói” mà là để làm cho “bí mật” trở thành “công khai”, và “rao giảng” cho mọi người biết điều Đức Giê-su “cấm nói”. Lối hành văn độc đáo và nghịch lý này tạo sức mạnh cho bản văn và nói được nhiều điều thú vị với độc giả.
III. Cấm các môn đệ nói về Đức Giê-su
Lần thứ nhất ở Mc 8,29-30 : “Đức Giê-su hỏi các môn đệ : ‘Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?’ ông Phê-rô lên tiếng nói với Người : ‘Thầy là Đấng Ki-tô.’ Đức Giê-su căn dặn các ông để các ông không nói với ai về Người.”
Lần tiếp theo là trình thuật Đức Giê-su hiển dung (9,2-8), sau khi các môn đệ chứng kiến Đức Giê-su hiển dung thì “trong khi họ xuống núi, Người căn dặn họ để họ đừng kể lại cho ai những điều họ thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông giữ lời dặn, tuy họ tranh luận với nhau : ‘Từ cõi chết sống lại’ nghĩa là gì” (Mc 9,9-10).
Theo bối cảnh của mạch văn, Đức Giê-su căn dặn các môn đệ đừng nói về Người, bởi lẽ, chính các môn đệ cũng chưa biết rõ Đức Giê-su là ai. Chỉ sau biến cố Vượt Qua và khi các môn đệ đã lãnh nhận Thánh Thần, họ mới biết Đức Giê-su và biết tư cách Mê-si-a của Người. Đây là lúc họ rao giảng cho mọi người biết điều trước đây Đức Giê-su căn dặn họ đừng nói.
Như thế, Đức Giê-su căn dặn các môn đệ không được nói với ai, không phải là để giữ “bí mật” mà là để đến lúc thuận tiện thì “công khai” ra cho mọi người biết. Mục đích của “bí mật” là để công bố, để rao giảng cho mọi người về căn tính của Đức Giê-su.
Kết luận
Trong tất cả những lần Đức Giê-su cấm nói về Người, độc giả đều biết nội dung điều cấm là gì, kể cả biến cố Đức Giê-su hiển dung (9,2-8), độc giả cũng “có mặt” với ba môn đệ trên núi cao, được “chiêm ngưỡng” những gì các ông thấy và được “nghe” tiếng từ trời phán ra. Và lời Đức Giê-su dặn “đừng kể lại cho ai những điều đã thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại” cũng dành cho độc giả để mời gọi họ nối kết hoạt động công khai của Đức Giê-su với biến cố Thương Khó – Phục Sinh của Người.
Qua câu chuyện, tác giả cho chúng ta tham dự vào những gì riêng tư nhất trong câu chuyện về Đức Giê-su. Chẳng hạn, chuyện mà không một nhân vật nào trong Tin Mừng biết, thì độc giả là chúng ta lại biết, ví dụ, lúc Đức Giê-su cầu nguyện một mình trong vườn Ghết-sê-ma-ni (x. 14,36) lúc các môn đệ đang ở đằng xa và đang ngủ (x. 14,37).
Trong tương quan giữa tác giả Tin Mừng và độc giả, không có “bí mật” nào trong Tin Mừng cả, vì Tin Mừng nhắm tới “sự công khai” về Đức Giê-su.
Qua điều gọi là “bí mật Đấng Thiên Sai”, chúng ta nhận ra ba điều kiện để rao giảng về Đức Giê-su :
1) Tư cách của người nói (tin và đón nhận Đức Giê-su).
2) Nhận ra niềm vui và hạnh phúc sâu xa trong tâm hồn thì không thể im lặng, mà ra đi loan báo điều Đức Giê-su đã làm cho mình.
3) Đón nhận biến cố Thương Khó và Phục Sinh của Đức Giê-su như là cách duy nhất để thực sự biết Người là ai.
Cầu nguyện
Chúng ta cùng cầu nguyện với tác giả Tv 19 :
Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
không trung loan báo việc tay Người làm.
Ngày qua mách bảo cho ngày tới,
đêm này kể lại với đêm kia.
Chẳng một lời một lẽ,
chẳng nghe thấy âm thanh,
mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu
và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển. (Tv 19,2-5)