Bài 95 : Ông là Vua sao ?
Nhóm Phiên Dịch CGKPV
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Trong Chúa Nhật XXXIV thường niên, cũng là Chúa Nhật cuối cùng của Năm Phụng Vụ, chúng ta sẽ được nghe trích đoạn Tin Mừng Gioan 18,33b-38 thuật lại cuộc đối thoại giữa tổng trấn Phi-la-tô và Đức Giê-su, và cuộc đối thoại này xoay quanh trọng tâm vương quyền của Đức Giê-su.
Vậy, trong buổi học hỏi Kinh Thánh tuần này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu trình thuật Tin Mừng Ga 18,33b-38 này, để một lần nữa mỗi người xác tín hơn vào việc Đức Giê-su là vua.
I. Bối cảnh phiên toà xét xử Đức Giê-su
Trước hết chúng ta xem xét bối cảnh phiên toà xét xử Đức Giê-su trong Ga 18,33b-38.
Trong phiên toà này có ba thành phần :
+ Bị cáo : Đức Giê-su
+ Nguyên cáo : Giới chức lãnh đạo tôn giáo Do-thái
+ Quan toà : Tổng trấn Phi-la-tô
Sở dĩ Thượng Hội Đồng Do-thái phải áp giải Đức Giê-su đến cho quan tổng trấn Phi-la-tô là vì theo bối cảnh chính trị của Do-thái lúc bấy giờ, việc tuyên án tử hình thuộc thẩm quyền của nhà nước bảo hộ Rô-ma, chứ không thuộc thẩm quyền của Thượng Hội Đồng Do-thái. Vì thế, mặc dù trong đêm bắt Đức Giê-su, người ta đã điệu Người đến xét xử tại nhà thượng tế Kha-nan (x. Ga 18,13) và sau đó là thượng tế Cai-pha (x. Ga 18,24) là những người đã có ý định giết Đức Giê-su từ trước (x. Ga 18,14). Nếu chúng ta đọc trình thuật Thương Khó Đức Giê-su trong Tin Mừng Lu-ca thì chúng ta sẽ thấy người ta còn đưa Đức Giê-su ra trước toà Thượng Hội Đồng (gồm các thượng tế, kinh sư và kỳ mục, tức là giới chức lãnh đạo tôn giáo chính trị, và luật pháp Do-thái) và Thượng Hội Đồng đã kết án Đức Giê-su về tội phạm thượng, vì dám tự xưng mình là Con Thiên Chúa, mà xét theo Luật Do-thái tội phạm thượng là tội chết (x. Lc 22,66-71).
Vậy khi “người Do-thái” (cụm từ này không có ý bao gồm toàn thể người Do-thái, mà chỉ ngụ ý ám chỉ những người Do-thái chống đối Đức Giê-su) đem Đức Giê-su đến cho tổng trấn Phi-la-tô, thì điều mà họ muốn ông Phi-la-tô làm không phải là xét xử Đức Giê-su mà là tuyên án tử cho Đức Giê-su. Tuy nhiên, có thể thấy tổng trấn Phi-la-tô không muốn làm một “con rối” trong tay người Do-thái, nên dựa trên nguyên tắc cơ bản của một phiên toà, ông đã hỏi “người Do-thái” tố cáo Đức Giê-su về tội gì (x. Ga 18,29).
Trước yêu cầu của tổng trấn Phi-la-tô, những người tố cáo Đức Giê-su e ngại rằng tội “phạm thượng” mà họ đã kết án Đức Giê-su (x. Mt 26,65) vốn không có giá trị với luật Rô-ma, và vì thế tổng trấn Phi-la-tô sẽ không tuyên án tử Đức Giê-su, nên “người Do-thái” đã man trá vu khống Đức Giê-su ba tội danh khác :
+ “Sách động dân chúng”
+ “Ngăn cản dân chúng nộp thuế cho Xê-da”
+ “Xưng mình là Vua”
Cả ba lời cáo buộc này đều liên quan đến khía cạnh chính trị (x. Lc 23,2), và qua đó họ ép ông Phi-la-tô vào tình thế buộc phải xét xử Đức Giê-su, trong đó có lẽ lời cáo buộc Đức Giê-su xưng mình là vua là nặng ký nhất đối với Phi-la-tô, nên nó khiến ông lập tức chú ý và cuộc đối thoại với Đức Giê-su sẽ xoay quanh vấn đề này.
II. Cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su và tổng trấn Phi-la-tô
“Ông là vua sao ?” (Ga 18,37) là câu hỏi đầu tiên mà tổng trấn Phi-la-tô thẩm vấn Đức Giê-su, và qua đó thể hiện sự quan tâm và nỗi lo lắng hàng đầu của viên quan Rô-ma này. Thật vậy, trong tư cách là tổng trấn xứ Pa-lét-tin, Phi-la-tô thường ngụ tại thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, trung tâm hành chính nằm ở miền bắc đất Pa-lét-tin. Tuy nhiên trong những kỳ lễ lớn của người Do-thái, chẳng hạn như dịp lễ Vượt Qua này, khi mà dân chúng dân chúng qui tụ về Giê-ru-sa-lem rất đông để mừng lễ, đồng thời cũng là thời điểm mà niềm hy vọng của dân Do-thái vào đấng Mê-si-a dâng cao, thì tổng trấn Phi-la-tô thường phải có mặt tại Giê-ru-sa-lem vì ông e ngại dân Do-thái có thể gây bạo loạn chống lại Rô-ma.
Phần Đức Giê-su, khi Người nghe quan Phi-la-tô hỏi như vậy, thì Người đã trả lời bằng cách hỏi lại ông : “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi ?” Thực tế, cách trả lời này của Đức Giê-su cho thấy hai khía cạnh : [1] Nếu Phi-la-tô tự ý hỏi thì câu hỏi sẽ có nghĩa là Phi-la-tô lo lắng liệu Đức Giê-su có âm mưu chống lại hoàng đế Rô-ma không, và theo đó thì câu trả lời của Đức Giê-su sẽ là : “Không phải”, còn [2] nếu Phi-la-tô hỏi điều đó là vì nghe người Do-thái thì ông thắc mắc Đức Giê-su có phải là vua của Do-thái không, thì câu trả lời của Đức Giê-su sẽ là “Đúng vậy”.
Sở dĩ Đức Giê-su cẩn thận như vậy là có lý do vì Người không phải là “Vua” theo cách mà ông Phi-la-tô và “người Do-thái” nghĩ. Đức Giê-su không phải là “Vua” theo nghĩa chính trị, tức là một vị vua đến để tái lập vương quốc Ít-ra-en hoàng kim thời vua Đa-vít, hay là một vị vua sẽ giải thoát Ít-ra-en khỏi sự đô hộ của đế quốc Rô-ma như là dân Ít-ra-en mong đợi. Thật vậy, Đức Giê-su không đến thế gian để làm vua theo cách nghĩ của thế gian, mà Người đến thế gian theo cách nghĩ của Thiên Chúa, để giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết, Người đến để gánh lấy tội lỗi của thế gian. Theo đó, Đức Giê-su là một vị Vua cao cả và cao trọng hơn nhiều so với vị vua theo lối suy nghĩ hạn hẹp của những kẻ đang tố cáo và đòi xét xử Người. Vì thế, câu trả lời thận trọng của Đức Giê-su đã làm Phi-la-tô thêm bối rối và hoài nghi, khiến ông phải bật thốt rằng : “Tôi là người Do-thái sao ? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì ?” (Ga 18,35).
Thực ra, là một người Rô-ma, Phi-la-tô không quan tâm đến các ý tưởng xã hội hay tôn giáo của người Do-thái, nên khi ông nghe Đức Giê-su giải thích rằng Nước của Người “không thuộc về thế gian này…” (Ga 18,35-36) thì Phi-la-tô không còn quan tâm đến tuyên bố về vương quyền của Đức Giê-su, bởi vì loại vương quyền duy nhất mà Phi-la-tô quan tâm là vương quyền của hoàng đế Rô-ma.
Theo đó, chúng ta có thể hình dung rằng tổng trấn Phi-la-tô đã thở phào nhẹ nhõm khi nghe Đức Giê-su trả lời về vương quốc của Người, và có thể Phi-la-tô đã kết luận rằng Rô-ma không có gì phải sợ Đức Giê-su và vương quốc của Người, do đó ông đã ra ngoài và tuyên bố với người Do-thái rằng : “Ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy” (Ga 18,38b).
Trình bày điều này, tác giả Gio-an cho chúng ta thấy không chỉ Đức Giê-su bị buộc tội sai, mà còn cho thấy Người được minh oan trước công chúng. Theo đó, dù sau này Đức Giê-su có bị đóng đinh trên thập giá thì Người hoàn toàn không phải là một tội phạm nguy hiểm, mà là một người vô tội, một người vô tội do chính thẩm quyền cao nhất của Rô-ma tại Giê-ru-sa-lem vào thời điểm đó tuyên bố.
III. Đức Giê-su là Vua
Như vậy, cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su với ông Phi-la-tô nhắm đến 2 yếu tố trọng tâm : [1] vương quyền của Đức Giê-su. Trong Ga 1,49, ông Na-tha-na-en đã tuyên xưng Đức Giê-su là vua Ít-ra-en. Giờ đây, qua cuộc đối thoại đối thoại giữa Đức Giê-su với ông Phi-la-tô, tác giả Tin Mừng thứ tư, một lần nữa, nhấn mạnh vai trò làm Vua Ít-ra-en của Đức Giê-su ; [2] sự thật. Đức Giê-su tuyên bố Người đến thế gian là để làm chứng cho sự thật (x. Ga 18,37), và để “ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37b). Động từ nghe (ἀκούω [akouô]) cũng có thể hiểu là lắng nghe, vâng nghe, tuân giữ (x. Lc 9,35). Với những lời này, Đức Giê-su đã đảo ngược vai trò với tổng trấn Phi-la-tô. Theo đó, Phi-la-tô không còn là quan toà mà là bị cáo, còn Đức Giê-su trở thành quan toà và hoàn toàn chủ động trong việc kiểm soát tình hình.
Kết quả của cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su với ông Phi-la-tô đưa đến việc ông Phi-la-tô quyết định đàm phán với người Do-thái về việc tha cho Đức Giê-su vì ông không tìm thấy lý do nào để kết án (x. Ga 18,38b). Dù vậy, người Do-thái vẫn không từ bỏ ý định giết cho bằng được Đức Giê-su, nên họ đã chọn phóng thích tên cướp Ba-ra-ba.
Mặc dù không có tài liệu chính thức nào bàn về việc ân xá cho tù nhân trong các vùng thuộc địa của đế quốc Rô-ma, nhưng có thể vì muốn nhượng bộ người Do-thái nhằm mục đích cải thiện mối tương quan, nên trong một số lễ hội lớn của người Do-thái (chẳng hạn như Lễ Vượt qua), chính quyền Rô-ma sẽ phóng thích một tù nhân Do-thái. Vì thế, ông Phi-la-tô đã đề nghị phóng thích Đức Giê-su, nhưng người Do-thái lại yêu cầu thả Ba-ra-ba. Tác giả Tin Mừng thứ tư cho biết Ba-ra-ba là một tên cướp (λῃστής [lêstês]). Hạn từ “λῃστής” [lêstês] thời đó thường được dùng để chỉ những kẻ liên quan đến hoạt động khủng bố chống lại chính quyền Rô-ma, nhưng nhiều khi những tên cướp này cũng cướp bóc và hãm hiếp cả người Do-thái. Nói cách khác, đây là những kẻ sống ngoài vòng pháp luật dưới nhãn mác là những người chiến đấu cho tự do.
Ở đây, tác giả Tin Mừng thứ tư đã tinh tế trình bày mức độ thù hận và mù quáng hết mức của người Do-thái đối với Đức Giê-su khi họ đã chọn phóng thích tên cướp Ba-ra-ba thay vì phóng thích Đức Giê-su. Điều này cho thấy, nơi người Do-thái không có sự thật. Tuy nhiên tất cả những phản ứng của quan toàn Phi-la-tô cũng như nhóm nguyên cáo là “người Do-thái” càng minh chứng rõ ràng cho việc Đức Giê-su chính là Vua, một Vị Vua Thật Sự, và là Vị Vua của Sự Thật.
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Chúng ta thật là những người có phúc vì nhận biết được Đức Giê-su là vua của chúng ta trong khi thế gian đã không biết Người. Vậy trong niềm vui mừng kính Chúa Giê-su là Vua, chúng ta cùng cất cao lời chúc tụng, tung hô rằng :
Muôn lạy Đức Ki-tô, đoàn tín hữu
Xưng tụng Ngài là Chúa Tể thời gian,
Vua muôn dân trong khắp cả vũ hoàn,
Ngài bá chủ muôn cõi lòng nhân thế.
Trên thiên quốc, cả triều thần oai vệ
Bái phục Ngài và ca tụng tán dương,
Chúng con đây cùng cất tiếng reo mừng,
Hoan hô Chúa là Quân Vương cao cả.
Ngài giáng phúc bình an cho thiên hạ,
Xin thay lòng đổi dạ kẻ gian ngoan,
Và dủ thương quy tụ hết về đoàn
Bao chiên lạc đã lìa xa ân sủng.
Chính vì thế mà tay Ngài mở rộng,
Khi bị treo trên thập tự máu hồng,
Trái tim Ngài, lửa yêu mến nấu nung,
Còn để lại vết giáo đâm vĩnh cửu.
Chính vì thế mà dưới hình bánh rượu
Ngài ẩn thân làm của lễ âm thầm,
Trên bàn thờ, Ngài khơi mạch Thánh Tâm,
Tuôn đổ xuống đoàn con dòng cứu độ.
Muôn lạy Chúa Giê-su, Ngôi Thánh Tử,
Chúng con dâng lời vinh chúc chân tình,
Đấng hiệp cùng Thánh Phụ với Thánh Linh,
Hằng thống trị muôn loài bằng thương mến.
(Thánh Thi Kinh Chiều I Lễ Chúa Ki-tô Vua)