Bốn Điều Sau Cùng – Chương 3: Thiên Đàng

print

Chương 3

THIÊN ĐÀNG

Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người

không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn

cho những ai mến yêu Ngài.

1 Côrintô 2,9

Thật vinh dự, thật hạnh phúc khi được ra đi một cách hân haon khỏi thế giới này, đi ra trong vinh quang từ nỗi thống khổ và đau đớn, giữa lúc nhắm mắt nhìn thế giới loài người và khoảnh khắc tiếp theo mở mắt ra ngay để nhìn Thiên Chúa và Chúa Kitô! Thật là mau chóng của sự ra đi hân hoan này! Bạn đột nhiên được rút khỏi trần thế để thấy mình đang ở vương quốc thiên đàng.

– Thánh Cyprianô, Treatise to Fortunatus

 Thiên đàng là cùng đích của chúng ta, thật rõ ràng và đơn giản. Đây là kết điểm hành trình đức tin của chúng ta: Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta để chia sẻ sự hiệp thông vĩnh cửu với Ngài. Ngài mong muốn cứu rỗi chúng ta. Như thánh Phaolô nói với hội thánh Thêsalonica: “Vì Thiên Chúa đã không định cho chúng ta phải chịu cơn thịnh nộ, nhưng được hưởng ơn cứu độ, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” (1 Tx 5,9). Và đối với tín hữu tại Côrintô, ngài viết: “Quả thật, chúng ta biết rằng: nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá huỷ đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra.” (2 Cr 5,1) Sách Khải Huyền dạy chúng ta: “Phúc thay ai chết trong Chúa” (14,13). Nói cách khác, hạnh phúc thay những ai chết trong tình trạng ân sủng và được bảo đảm phúc Thiên đàng.

Ngưỡng vọng về Thiên đàng

Trước tiên chúng ta hãy đọc một số lời hay ý đẹp về hạnh phúc và sự hoàn hảo tuyệt đối đang chờ đợi chúng ta trên Thiên đàng. Thánh Phaolô nói với giáo đoàn Côlôsê: “Thật vậy, nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể, và trong Người, anh em được sung mãn: Người vốn là đầu mọi quyền lực thần thiêng.” (2,9-10). Sống trong tình trạng ân sủng khiến chúng ta được tham dự vào đời sống thiêng liêng của chính Thiên Chúa. Thánh sử Luca ghi lại lời Chúa Giêsu nói rằng Cha của Ngài “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.” (20,38). Tác giả Thánh vịnh viết: “Lạy Chúa Tể càn khôn, cung điện Ngài xiết bao khả ái. Mảnh hồn này khát khao mòn mỏi mong tới được khuôn viên đền vàng. Cả tấm thân con cùng là tấc dạ những hướng lên Chúa Trời hằng sống mà hớn hở reo mừng.” (Tv 84,1-2).

Thiên đàng thực sự là ngôi nhà cuối cùng của chúng ta, và chính ở đó chúng ta tìm được sự “hoàn tất” và “viên mãn trọn vẹn” của mình với tư cách là con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta phải thực hiện mọi thứ trong khả năng của mình ngay bây giờ để hướng bản thân đến mục đích cuối cùng này. Thật vậy, phẩm giá con người của chúng ta đòi hỏi điều đó. Như sách Giáo Lý nói với chúng ta: “Phẩm giá của con người bắt nguồn từ việc con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa; họ được viên mãn trong ơn gọi đạt tới phúc lành thiêng liêng của mình. Điều cần thiết là con người phải luôn hướng lòng mình về  sự hoàn thành này” (GLHTCG 1700, nhấn mạnh thêm). Thánh Catarina Siena có một nhận thức sâu sắc về những sự thật đẹp đẽ và quan trọng này:

Điều gì khiến Chúa ban cho con người một phẩm giá cao cả đến vậy? Chắc chắn là do tình yêu tuyệt vời mà Ngài nhìn đến tạo vật của Ngài nơi chính Ngài! Ngài dành tình yêu cho họ; vì quả thật, bằng tình yêu Chúa đã tạo dựng nên họ, và bằng tình yêu Chúa đã ban cho họ trở nên một sinh vật có khả năng nếm cảm sự Tốt Lành vĩnh cửu của Chúa. [51]

Và do đó, được cứu chuộc bởi Hy tế duy nhất của Chúa Giêsu Kitô trên thập giá, tất cả mọi người đều được kêu gọi nỗ lực hướng tới và tham gia vào cùng một Phúc lành Thiên Chúa hay Cùng đích Phúc lành: Thiên đàng vĩnh cửu. Thật vậy, tất cả mọi người đều được hưởng một phẩm giá bình đẳng chính vì tất cả đều được mời gọi đến cùng một cùng đích. Như thánh Robert Bellarminô đã nói:

Nếu bạn khôn ngoan thì hãy biết rằng bạn được tạo dựng để làm vinh danh Chúa và để được cứu rỗi đời đời. Đây là mục tiêu của bạn; đây là trọng tâm cuộc sống của bạn; đây là kho báu của trái tim bạn. Nếu bạn đạt được mục tiêu này, bạn sẽ tìm thấy hạnh phúc. Nếu không đạt được nó, bạn sẽ thấy đau khổ. [52]

Nhắc lại sự thật rằng các thánh trong Giáo hội Khải hoàn trên Thiên đàng thực sự đóng một vai trò quan trọng trên trần thế với tư cách là thành viên trong mầu nhiệm Hiệp thông các thánh. Thánh Têrêsa thành Lisieux nói với chúng ta: “Sau khi chết, tôi sẽ làm một cơn mưa hoa hồng là những điều tốt lành. Tôi sẽ sống đời sống của mình trên thiên đàng để làm điều tốt trên trái đất. Tôi sẽ quy tụ một đội ngũ đông đảo các vị thánh nhỏ. Sứ mạng của tôi là làm cho Thiên Chúa được yêu mến.” [53] Và thánh Faustina Kowalska, vị sứ giả về Lòng Chúa Thương Xót, viết:

Tôi cảm thấy chắc chắn rằng sứ mệnh của tôi sẽ không kết thúc sau khi tôi chết, mà là một khởi đầu. Ôi, hỡi những linh hồn còn ngờ vực, mẹ sẽ vén những bức màn về Thiên đàng cho các con để thuyết phục các con về lòng nhân lành của Thiên Chúa, để các con không còn tiếp tục làm tổn thương Trái Tim ngọt ngào nhất Chúa Giêsu bằng sự ngờ vực của các con nữa. Thiên Chúa là Tình Yêu và Lòng Thương Xót. [54]

Và tại phiên tòa xét xử, thánh Justinô Tử đạo đã được quan tổng trấn Rôma, Rusticus hỏi: “Anh có nghĩ rằng anh sẽ lên thiên đàng để nhận được những phần thưởng xứng đáng không?” Vị sắp trở thành tử đạo trả lời: “Đó không chỉ là một ý tưởng của tôi; nhưng đó là điều tôi biết rõ và tin chắc nhất.” [55] Đó là lòng tin tưởng – không phải sự tự tin thỏa mãn, mà là lòng cậy trông vào Chúa Giêsu Kitô.

Nghi ngờ và Chân lý

Vậy còn những người vẫn nghi ngờ sự hiện hữu của Thiên đàng thì sao? Trước hết, chắc chắn chúng ta cần cầu nguyện cho họ. Chúng ta muốn họ không chỉ đón nhận sự thật tươi đẹp của Thiên đàng, mà một ngày nào đó chính họ sẽ bước vào đó. Sách Khôn Ngoan dạy chúng ta: “Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa. Bọn ngu si coi họ như đã chết rồi; …nhưng thực ra, họ đang hưởng bình an.” (Kn 3,1-2, 3). Chúng ta đừng giống như những kẻ “ngu ngốc” này khi nghĩ đến Thiên đàng. Thánh Gioan Eudes lặp lại cảm nghĩ này khi đặt câu hỏi: “Bạn không biết rằng chỉ những kẻ thiếu suy nghĩ và mất trí mới coi những tín hữu đã ra đi là chết sao?” [56]

Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là việc rời xa sự thật như vậy đã được báo trước trong Kinh Thánh: “Thần khí phán rõ ràng: vào những thời cuối cùng, một số người sẽ bỏ đức tin mà theo những thần khí lừa dối và những giáo huấn của ma quỷ.” (1 Tm 4,1-2). Vì vậy, lời cầu nguyện của chúng ta phải luôn cảnh giác cho những người, vì bất cứ lý do gì, không tin vào ơn cứu độ và Thiên đàng. Chúng ta cầu nguyện cho họ vì chúng ta mong muốn một ngày nào đó họ sẽ trở thành phần tử của Giáo hội Khải hoàn. Tình yêu Kitô giáo không đòi hỏi gì hơn thế, như thánh Phaolô nói với tín hữu Êphêsô:

…cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Chúa Kitô. Như vậy, chúng ta sẽ không còn là những trẻ nhỏ, bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý, giữa trò bịp bợm của những kẻ giảo quyệt khéo dùng mưu ma chước quỷ để làm cho kẻ khác lầm đường. Nhưng, sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Chúa Kitô vì Người là Đầu. (4,13-15)

Giờ đây chúng ta hãy quay sang sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo về ơn cứu rỗi của người công chính: “Những ai chết trong ân sủng và tình bạn với Thiên Chúa và được thanh tẩy hoàn toàn sẽ sống muôn đời với Chúa Kitô. Họ giống như Thiên Chúa mãi mãi, vì họ được ‘nhìn thấy Ngài như chính Ngài’, mặt giáp mặt (1 Ga 3,2; x. 1 Cr 13,12; Kh 22:4)” (1023). Phần này tiếp tục với bài đọc từ thông điệp Benedictus Deus năm 1336 của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XII:

Theo thẩm quyền tông đồ của chúng tôi, chúng tôi xác định như sau: Theo ý định của Thiên Chúa, linh hồn của tất cả các vị thánh…và các tín hữu khác đã chết sau khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội thánh thiện của Chúa Kitô (dù rằng họ không cần được thanh tẩy khi chết,…hoặc, nếu họ thực sự cần hoặc sẽ cần một sự thanh luyện nào đó, khi mà họ đã được thanh tẩy,…) trước khi họ nhập lại thân xác và trước cuộc phán xét chung, thì những linh hồn này đã được ở trong Nước Trời cùng với Chúa Kitô, họ gia nhập vào đoàn ngũ các thiên thần thánh thiện. Và việc thanh luyện này là một đòi hỏi kể từ khi Chúa và Đấng Cứu Độ của chúng ta là Chúa Giêsu Kitô bước vào Thiên đàng. Kể từ cuộc Khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu Kitô, những linh hồn này đã nhìn thấy và thực sự nhìn thấy thực tại thiêng liêng bằng một thị giác trực quan, thậm chí trực tiếp mà không cần sự trung gian của bất kỳ thụ tạo nào.

Thật là một sự suy niệm tuyệt vời trước Bí tích Thánh Thể! Các bạn của tôi ơi, đừng để bị mắc vào phía những kẻ “ngu ngốc” hoặc những kẻ có lương tâm chai lì. Đúng hơn, hãy tuân theo sự thật và Ngai tòa Phêrô để đạt được vương miện vĩnh cửu không bao giờ khô héo (x. 1 Cr  9,25).

Trong phần tiếp theo của sách Giáo lý, chúng ta sẽ tìm hiểu  quan điểm Công giáo về thiên đàng:

Cuộc sống hoàn hảo này với Thiên Chúa Ba Ngôi – sự hiệp thông sự sống và tình yêu với Thiên Chúa Ba Ngôi, với Đức Trinh nữ Maria, các thiên thần và tất cả các thánh – được gọi là “thiên đàng”. Thiên đàng là mục đích cuối cùng và là sự thỏa mãn những khao khát sâu sắc nhất của con người, là trạng thái hạnh phúc tột đỉnh và vĩnh viễn.

Sống trên thiên đàng là “ở với Chúa Kitô”. Những người được tuyển chọn sống “trong Chúa Kitô” (Pl 1,23; x. Ga 14,3; 1 Tx 4,17), nhưng họ vẫn giữ, hay đúng hơn là tìm thấy căn tính thực sự của mình, tên riêng của họ…(x. Kh 2,17).

Bằng cái chết và sự Phục sinh của mình, Chúa Giêsu Kitô đã “mở” thiên đàng cho chúng ta. Đời sống của người được chúc   phúc bao gồm việc sở hữu trọn vẹn và viên mãn hoa trái ơn cứu chuộc do Chúa Kitô thực hiện. Người cho những ai đã tin vào Người và trung thành với thánh ý Người được cùng hưởng vinh quang với Người. Thiên Đàng là cộng đồng vĩnh phúc gồm tất cả những người đã được tháp nhập trọn vẹn vào Đức Kitô. (GLHTCG 1024-1026)

Hãy nhớ những gì chúng ta đã nói trong chương đầu tiên, về cái chết: đối với bất cứ ai đã chết trong tình trạng ân sủng, cái chết thể xác là con đường dẫn đến sự kết hợp trọn vẹn và hoàn hảo với Chúa Kitô. Thiên đàng là cộng đồng được chúc phúc, gồm tất cả những người được kết hợp hoàn hảo (từ tiếng Latinh incorpus, hay “trong thân xác”) với  Chúa Kitô, và hành động cuối cùng là cái chết, dẫn đến sự kết hợp hoàn toàn đó.

Mầu nhiệm hiệp thông hạnh phúc này với Thiên Chúa và tất cả những ai ở trong Chúa Kitô vượt quá mọi sự hiểu biết và diễn tả. Khi nói về mầu nhiệm này, Kinh Thánh dùng những hình ảnh như sự sống, ánh sáng, bình an, tiệc cưới, rượu mới trong Nước Trời, nhà Cha, thành Giêrusalem Thiên Quốc, Thiên Đàng : “Điều mắt chẳng hề thấy, điều tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ đến, đó là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người” (1Cr 2,9) (GLHTCG 1027).

Tóm tắt những giáo huấn tuyệt vời này về Thiên đàng, thánh Tôma Aquinô viết:

Tình bạn thân hữu của tất cả những người được chúc phúc trên thiên đàng sẽ là tình bạn tràn đầy niềm vui. Vì mỗi người sẽ được hưởng mọi điều tốt lành cùng với những người được chúc phúc, vì họ yêu thương nhau như chính mình, và do đó sẽ vui mừng trước hạnh phúc của người khác cũng như của mình. Do đó, niềm vui và sự hân hoan của một người sẽ lớn lao như niềm vui của tất cả mọi người. [57]

Cuối cùng, trong sách Giáo lý dạy chúng ta rằng: “Trong vinh quang thiên đàng, những người được chúc phúc tiếp tục vui tươi  thực hiện ý muốn của Thiên Chúa trong mối quan hệ với người khác và với mọi tạo vật. Họ đã thống trị cùng với Chúa Kitô rồi; với Người, ‘họ sẽ hiển trị đến muôn đời’ (Kh 22,5 ; x. Mt 25,21, 23)” (1029). Đây là lý do tại sao thánh Cyprianô nói với chúng ta:

Vinh quang và hạnh phúc của bạn sẽ lớn lao biết bao khi được phép nhìn thấy Thiên Chúa, được vinh dự chia sẻ niềm vui cứu độ và ánh sáng vĩnh cửu với Chúa Kitô, Chúa và Thiên Chúa của bạn, [và] vui mừng trong niềm hoan lạc vĩnh cửu trong Nước Trời với những người công chính và bạn hữu của Thiên Chúa. [58]

Những đặc tính của Thân xác Sống lại

Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu về các đặc tính của thân xác con người sống lại, vinh quang và được biến đổi. Thánh Phaolô giới thiệu cho chúng ta giáo lý này khi ngài viết cho tín hữu Philipphê: “Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Chúa Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người.” (Pl 3,20-21, nhấn mạnh thêm). Vị tông đồ cũng đưa ra một cái nhìn thoáng qua về điểm giáo lý này khi dạy người Côrintô về sự sống lại của thân xác người chết:

Việc kẻ chết sống lại cũng vậy: gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí.…Quả vậy, cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt; và cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử. (1 Cr 15,42-44, 53)

Giáo hội tiếp nhận những giáo huấn này từ mặc khải của Thiên Chúa – đặc biệt từ mẫu gương của chính Chúa Kitô được nêu trong Kinh Thánh trong thời gian 40 ngày từ lúc Người phục sinh đến khi Người thăng thiên, trong những gì được gọi là những lần Người hiện ra sau phục sinh với các Tông đồ và các môn đệ. Ví dụ, khi Người hiện ra với tông đồ Tôma, chúng ta được biết rằng Người hiện ra trong phòng đóng kín và cửa đã khóa (x. Ga 20,24-29). Và tiếp theo trình thuật trên đường đi Emmau, chúng ta được biết Chúa Giêsu biến mất khỏi tầm mắt của hai môn đệ lúc bẻ bánh (x. Lc 24,13-35). Từ những lời tường thuật trong Kinh Thánh này, truyền thống Công giáo đã nhận ra bốn đặc tính của thân xác phục sinh được gọi theo những cụm từ  riêng: tình trạng không đau khổ, tính chất huyền ảo, sự nhanh nhẹn và tình trạng trong sáng. Thân xác sống lại, vinh quang và biến đổi của chúng ta sẽ cảm nghiệm được những đặc tính này nhờ việc linh hồn luôn được chiêm ngưỡng sự hiện diện của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, trước khi xem xét từng điều này, chúng ta hãy nhắc lại giáo huấn của Giáo hội về đích đến của thân xác con người sau khi nó phục sinh và ngày Phán xét chung. Hãy nhớ rằng mọi người sẽ trỗi dậy – dù được cứu chuộc hay bị án phạt. Vì vậy, thân xác của những người công chính “sẽ được biến đổi theo kiểu mẫu của Chúa Kitô phục sinh”; còn thân xác của những kẻ vô thần cũng “sẽ sống lại trong sự bất diệt và bất tử, nhưng họ sẽ không được biến đổi.” [59] Điều này lặp lại lời thánh Augustinô:

Và về những gì xảy ra sau khi chết, không có gì phi lý khi nói rằng cái chết là tốt cho người tốt và xấu cho kẻ ác. Vì linh hồn của những người công chính sẽ yên nghỉ; nhưng những kẻ ác phải chịu hình phạt cho đến khi thân xác họ sống lại. Những người công chính được sống vĩnh cửu, còn những người khác thì phải chết vĩnh viễn, được gọi là cái chết thứ hai. [60]

Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu từng đặc tính trong bốn đặc tính hoặc ơn ban mà thân xác những người công chính đón  nhận. Chúng ta sẽ đặc biệt đề cập đến cuốn sách tuyệt vời Những Tín điều Căn bản của đạo Công giáo của cha Ludwig Ott.

Tình trạng không đau khổ (impassibilitas) có nghĩa là cơ thể không phải chịu đau khổ hay phải chết — “nghĩa là không vướng lụy vào các thứ khó chịu thể xác, chẳng hạn như đau buồn, bệnh tật, cái chết.” [61] Sách Khải Huyền cho chúng ta biết: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳn còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất.” (Kh 21,4; xem thêm Kh 7,16; Lc 20,36). “Lý do nội tại của tình trạng không đau khổ nằm ở sự quy phục hoàn toàn của thể xác đối với linh hồn.” [62] Khi sống lại, linh hồn và thể xác hợp nhất lại, theo cách mà mô thể của một người (linh hồn) sẽ “gắn liền” với chất thể của họ (thân xác) để đạt đến sự bất tử và tình trạng không đau khổ sẽ phát huy hiệu lực.

Tính chất huyền ảo (subtilitas) liên quan đến bản chất “thiêng liêng hóa” của con người khi thân xác sống lại. Tính chất huyền ảo không được “quan niệm là sự biến đổi của thân xác thành bản thể thiêng liêng hoặc là sự tinh lọc vật chất thành một cơ thể siêu thực. Nguyên mẫu của thân xác được thiêng liêng hóa là thân xác phục sinh của Chúa Kitô, xuất hiện từ ngôi mộ đã niêm phong và xuyên qua những cánh cửa đóng kín.” [63] Phúc Âm thánh Gioan cho chúng ta biết rõ ràng rằng Chúa Giêsu đã đến và đứng giữa họ, mặc dù các cửa đều đóng kín (x. Ga 20,19, 26). Như vậy, “lý do nội tại cho việc thiêng liêng hóa thể xác nằm ở sự thống trị hoàn toàn của linh hồn đối với thân xác, được biến đổi trong chừng mực nó là hình thức thiết yếu của thân xác.” [64] Trong cuộc sống trần thế của chúng ta, linh hồn và thể xác hợp nhất trong một tương quan bình đẳng, khi sống lại tính chất siêu thăng của linh hồn sẽ lấn át tính chất vật chất của cơ thể. Vì vậy, tính chất huyền ảo giúp cho thân xác sống lại có khả năng, chẳng hạn như đi xuyên qua các vật thể rắn.

Sự nhanh nhẹn (agilitas) là “tình trạng của cơ thể tuân theo linh hồn một cách dễ dàng và nhanh chóng nhất.” [65] Chúng ta có thể thấy điều này nơi thân xác phục sinh của Chúa Kitô, Đấng đã xuất hiện nhưng đã biến mất ngay giữa các tông đồ của Người. Chẳng hạn, Tin Mừng Luca ghi lại rằng các Tông đồ “đã nhận ra Người và Người biến mất khỏi mắt họ” (Lc 24,31). “Lý do nội tại của sự nhanh nhẹn nằm ở khả năng thống trị trọn vẹn của linh hồn được biến đổi đối với cơ thể, đến mức nó có thể làm cho cơ thể di chuyển” qua không gian với tốc độ của một tư duy. [66] Khi đó, các thân xác đã được siêu thăng không phải trải qua các giới hạn của thời gian và không gian. Mặc dù chúng có thể tồn tại trong thời gian và không gian nhưng chúng không bị ràng buộc bởi những giới hạn này.

Tình trạng trong sáng (claritas) có nghĩa là thân xác siêu thăng “không phải chịu mọi thứ biến dạng và… tràn đầy vẻ tươi  đẹp và sự rạng rỡ.” [67] Chính Chúa Giêsu dạy điều này khi Người phán: “Bấy giờ những người công chính sẽ chiếu sáng như mặt trời trong vương quốc của Cha họ” (Mt 13,43). Tiên tri Đanien cũng đề cập đến sự thật này: “Và những người khôn ngoan sẽ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ, những ai làm cho người người nên công chính, sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao.” (Đn 12,3).

Nguyên mẫu của tình trạng biến đổi này là cuộc Biến hình của Chúa Giêsu trên núi Tabor (Mt 17:2), và sau khi phục sinh (x. Cv 9,3). Lý do nội tại của tình trạng biến đổi này nằm ở chỗ vẻ đẹp của linh hồn được siêu thăng tràn ngập trên thân xác. Mức độ biến hình của thân xác (x. 1 Cr 15,41-44) sẽ khác nhau tùy theo mức độ trong sáng của linh hồn, tương ứng với mức độ công đức. [68]

Vì vậy, bất cứ khiếm khuyết hoặc dị dạng nào mà cơ thể mắc phải ở trần gian sẽ bị loại bỏ và sẽ không còn ở trên Thiên đàng. Tuy nhiên, chúng ta phải lưu ý rằng các vết thương của Chúa Kitô thì vẫn còn trên Thiên đàng. Thay vì bị loại bỏ, các vết thương của Người được tôn vinh như một dấu hiệu vĩnh cửu về sự chiến thắng của Người trên tội lỗi và sự chết trên thế gian. Suy cho cùng, những vết thương của Người là điều đã khiến tông đồ Tôma tin vào Chúa phục sinh (x. Ga 20,24-29).

Theo thánh Tôma Aquinô, Chúa đã lưu giữ trong thân xác hiển vinh của Người những vết thương vì bốn lý do chính: (1) “như một dấu chứng vĩnh cửu về chiến thắng của Người”; (2) “như một bằng chứng cho thấy Người chính là Chúa Kitô đã chịu đau khổ và bị đóng đinh”; (3) “như một lời khẩn cầu liên lỷ và cụ thể dâng lên Chúa Cha Hằng Hữu”; và (4) “như một dấu chứng để khiển trách những kẻ đáng phạt vào ngày sau cùng, cho họ thấy những gì Người đã làm cho họ, do đó nhắc nhở họ về những gì họ đã khinh thường và quyết tâm bác bỏ.” [69] Điều quan trọng là chúng ta phải cố gắng để không bao giờ mắc bẫy của “những kẻ đáng trách”, những kẻ sẽ phải đối mặt với những vết thương của Chúa Kitô vào ngày sau cùng.

Chúng ta không bao giờ được quên sự thật rằng những chân lý cao đẹp này về việc sống lại của chúng ta chỉ có thể được thực hiện nhờ và qua sự phục sinh của chính Chúa Kitô. Những chân lý ấy không chỉ xuất phát từ nơi Người và được Người thực hiện, mà Người còn quan tâm coi chúng như một dấu chỉ nữa về tình yêu Người dành cho chúng ta và để chứng thực phần thưởng vĩnh cửu đang chờ đợi chúng ta nếu chúng ta hợp tác với ân sủng của Chúa ở đây ngay trên trái đất này.

Chúng ta hãy kết thúc chương này bằng những lời của thánh Giáo hoàng Grêgôriô Cả:

Vì vậy, đàn chiên của Chúa cuối cùng sẽ đến được đồng cỏ của chúng, nơi mà tất cả những ai theo Người với tấm lòng đơn sơ sẽ được ăn no nê trên những đồng cỏ xanh tươi của cõi vĩnh hằng. Những đồng cỏ này là hạnh phúc thiên đàng. Ở đó, những người được tuyển chọn nhìn lên dung nhan Thiên Chúa với cái nhìn trong sáng và thưởng thức bữa tiệc sự sống viên mãn. [70]

Chúng ta đã tìm hiểu những điều Mẹ Hội Thánh dạy về thực tại, sự hiện hữu và vẻ đẹp của Thiên đàng. Và giờ đây chúng ta hãy chú ý đến những gì Mẹ Hội Thánh dạy về thực tại, sự hiện hữu và sự độc ác của Hỏa ngục.

[51] St. Catherine of Siena, Dialogue On Divine Providence. Quoted in CCC 356.

[52] St. Robert Bellarmine, On the Ascent of the Mind to God.

[53] EWS,p. 91.

[54] St. Faustina Kowalska, Diary 281.

[55] Acts of the Martyrdom of St. Justin and Companions.

[56] DQS,p. 58.

[57] DQS, pp. 112-113.

[58] St. Cyprian,Ep. 58. Quotedin CCC 1028.

[59] Ludwig Ott, Fundamentals of Catholic Dogma, 4th ed. (Rockford, IL: TAN Books, 1960), pp. 491-492.

[60] St. Augustine, The City of God 13, 8. Quoted in BCQ, p. 247.

[61] Ott, Fundamentals, p. 491.

[62] Ibid., p. 491.

[63] Ibid., p. 492.

[64] Ibid.

[65] Ibid.

[66] Ibid.

[67] Ibid.

[68] Ibid.

[69] Msgr. Paul J. Glenn, A Tour of the Summa (Rockford, IL: TAN Books, 1978), p. 360. See Summa Theologica, III, Q. 54, art. 4.

[70] Homily, 14, “On the Gospels.”