Bốn Điều Sau Cùng – Chương 4: Hoả Ngục

print

Chương 4

 HỎA NGỤC

 

Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó.”

Mátthêu 25,41

 

Cái chết vĩnh viễn của những kẻ bị án phạt, tức là họ phải  tách lìa khỏi sự sống của Thiên Chúa, sẽ tiếp tục không bao giờ ngừng và sẽ là số phận chung của họ. Bất kể tình thân con người có thể chia sẻ được điều gì đều gợi lên những hình thức đau buồn khác nhau, đôi khi là sự giảm nhẹ hoặc gián đoạn nỗi đau khổ của họ.

  • Thánh Augustinô, Enchiridion 113 [71]

Hỏa ngục là có thật. Và các linh hồn có thể vào đó – mãi mãi. Mặc dù đã có những cuộc phong thánh chính thức trong lịch sử Giáo hội (nghĩa là xác nhận rằng một linh hồn đã lên Thiên đàng), tuy nhiên không có sự tuyên bố “kết án” chính thức nào. Nhưng nó vẫn là một khoản trong Đức tin của chúng ta nhìn nhận rằng các linh hồn có thể xuống Hỏa ngục trước ngày Chúa Kitô Quang lâm, và ở đó mãi mãi sau khi được kết hợp với thân xác của họ. Như tiên tri Đanien nói với chúng ta: “Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy: người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời” (Đn 12,2).

Kinh Thánh nói gì với chúng ta về Hỏa ngục? Dưới đây là một số mô tả trong Kinh Thánh, từ cả Cựu Ước và Tân Ước:

  • hồ lửa (Kh 20,15)
  • nơi có than hồng rực lửa, diêm sinh và gió thiêu đốt (Tv 11,6)
  • nơi có lửa bao phủ (Is 33,14)
  • lò lửa (Mt 13,42)
  • nơi đau khổ (Lc 16,23)
  • nơi mà người ta sẽ khóc lóc và nghiến răng (Mt 13,42)
  • nơi họ nguyền rủa Chúa (Kh 16,11)
  • một nơi mà họ không bao giờ sám hối (Mt 12,32)
  • nơi bẩn thỉu (Kh 22,11)
  • nơi khóc lóc (Mt 8,12)
  • một nơi tối tăm bên ngoài (Mt 8,12)
  • một nơi mà họ không được nghỉ ngơi (Kh 14,11)
  • nơi mà người ta cắn lưỡi trong đau khổ (Kh 16,10)
  • nơi đau đớn và lở loét (Kh 16,11)
  • nơi tối tăm nhất (Gđ 1,13)
  • nơi mà họ không muốn người thân của mình sa vào (Lc 16,28)

Tôi nhớ đã đọc kết quả của một cuộc thăm dò tin tức về lễ hội Halloween yêu cầu những người tham dự liệt kê những điều họ sợ nhất. Các câu trả lời trong top 10 bao gồm rắn, nhện và thần chết. Nhưng người ta không thấy Hỏa ngục ở đâu cả. Tại sao Hỏa ngục lại không lọt vào danh sách? Con người không sợ Hỏa ngục sao? Mọi người có tin rằng Hỏa ngục tồn tại và một người vẫn có khả năng sẽ vào đó nếu không sám hối sao?

Tuy nhiên, thật thú vị khi loài rắn lại đứng đầu danh sách. Tại sao? Hãy nhớ đến con rắn trong vườn Địa Đàng, kẻ “tinh ranh nhất trong tất cả các loài động vật” (St 3,1). Đúng là ma quỷ rất xảo quyệt. Và hắn không muốn gì hơn ngoài việc con người được tạo dựng theo hình ảnh giống Thiên Chúa quên đi thực tại của Hỏa ngục, do đó đe dọa phần rỗi đời đời của họ. Vào đầu thế kỷ XIX, cha Jean Baptiste Rauzan, người sáng lập Tổ chức Các Cha của Lòng Thương Xót đã viết: “Trong thế kỷ chúng ta đang sống – rất tự hào về những tri thức sâu sắc của nó – chúng ta thấy vô số người, sinh ra là Công giáo, sống không đức tin, không hy vọng về những điều tốt đẹp trong tương lai, không sợ hình phạt đời đời, không có Chúa.” [72]

Không có thời gian nào như hiện tại

Những linh hồn bị kết án xuống Hỏa ngục do chính việc họ làm sẽ bị đày ải vĩnh viễn đến nơi mà trên cánh cổng thi hào Dante đã tưởng tượng ra lời cảnh báo nổi tiếng: “Hãy từ bỏ mọi hy vọng, những ai bước vào đây.” [73] Và thánh Bênêđictô không ngần ngại nói với các tu sĩ anh em của mình phải “sợ ngày Phán xét”, “sợ Hỏa ngục” và “hàng ngày phải coi cái chết ở trước mắt [bạn]” [74] Thật vậy, một đời sống thiêng liêng vững mạnh cần chú ý đến những lời trong Kinh Ăn Năn tội truyền thống: “Và con chê ghét mọi tội lỗi mình bởi vì con sợ mất Thiên đàng và đau đớn trong Hỏa ngục, nhưng trên hết là vì chúng đã xúc phạm đến Chúa, lạy Thiên Chúa của con, Đấng hoàn toàn tốt lành và xứng đáng với mọi tình yêu của con.”

Chúng ta phải thực hiện phần rỗi của mình với lòng kính sợ Chúa một cách hiếu thảo qua việc tránh xa thói xấu và tập luyện nhân đức. Điều này không phải là đơn giản nhưng đầy thách thức. Lời Chúa chứa đầy những lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc tránh thoát Hỏa ngục và cách thực hiện điều đó:

Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự. (1Pr 5,8-9)

Anh em nổi nóng ư? Đừng phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn. Đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng! (Ep 4,26-27)

Anh em hãy phục tùng Thiên Chúa. Hãy chống lại ma quỷ; chúng sẽ chạy xa anh em. Hãy đến gần Thiên Chúa, Người sẽ đến gần anh em. Hỡi tội nhân, hãy rửa tay cho sạch; hỡi kẻ hai lòng, hãy tẩy luyện tâm can…Anh em hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa và Người sẽ cất nhắc anh em lên. (Gc 4,7-8,10)

Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác. (Rm 12,21)

Hãy coi chừng chớ để ai gài bẫy anh em bằng mồi triết lý và những tư tưởng giả dối rỗng tuếch theo truyền thống người phàm và theo những yếu tố của vũ trụ chứ không theo Đức Kitô. (Cl 2,8)

Các người hãy nghe và hãy lắng tai, đừng tự cao tự đại, vì chính Ðức Chúa phán. Hãy tôn vinh Ðức Chúa, Thiên Chúa các người, trước khi màn đêm buông xuống, trước khi các người vấp chân vào núi chìm giữa bóng đen. Các người mong đợi ánh sáng, nhưng Người biến nó thành bóng tối âm u, thành mây mù dầy đặc. (Gr 13,15-16)

Vậy, đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ. (2 Cr 6,2)

Và tại sao đây lại là “thời gian Chúa thi ân”? Tại sao bây giờ là “ngày cứu độ”? Hãy suy xét những lời đầy tâm huyết trong Thư của thánh Giacôbê: “Bạn không biết ngày mai cuộc sống của bạn sẽ ra sao” (4,14). Nhắc nhở này không có nghĩa là nó trở nên ám ảnh hay tuyệt vọng, mà là đối diện thực tế: Chúng ta thực sự không biết khi nào cái chết sẽ đến, và vì vậy, một đời sống thiêng liêng vững vàng – sống “hướng tâm trí về vĩnh cửu” – giúp ghi nhớ thực tế này. Thánh Phaolô khuyến khích chúng ta đón nhận sự thật này khi ngài viết:

Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa. Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện. (Rm 12,9-12)

Phẩm giá và Bổn phận

Một sự thật không thể bị quên lãng khi tìm hiểu về Hỏa ngục là phẩm giá bẩm sinh của con người nằm ở chỗ chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh giống Thiên Chúa và được mời gọi sống  hiệp thông đời đời với Ngài trên Thiên đàng.

Phẩm giá của con người trước hết hệ tại ở chỗ họ được mời gọi hiệp thông với Thiên Chúa. Lời mời trò chuyện với Thiên Chúa này được gửi đến con người ngay khi con người được sinh ra. Vì nếu con người tồn tại, đó là vì Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người qua tình yêu, và nhờ tình yêu mà con người tiếp tục tồn tại. Họ không thể sống trọn vẹn theo sự thật trừ khi họ tự do nhìn nhận tình yêu đó và phó thác mình cho Đấng Tạo Hóa của mình (Công đồng Vatican II, GS 19 §1). (GLHTCG 27)

Vì vậy, việc con người khước từ tình yêu này của Thiên Chúa là một sự sai lệch nghiêm trọng không chỉ đối với Đấng Tạo Hóa mà còn đối với phẩm giá của chính mình. Nói một cách đơn giản, sự hiệp thông vĩnh cửu với Thiên Chúa sẽ bị mất nếu một người xuống Hỏa ngục. Nhìn nhận sự thật nghiêm trọng rằng “Thiên Chúa là tình yêu” và “ai ở trong tình yêu thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong người ấy” (1 Ga  4,16), chúng ta có thể hiểu và suy ngẫm những lời này của Đức Thánh cha Bênêđictô XVI:

Vì nếu chúng ta tự hỏi việc bị án phạt thực sự có nghĩa là gì, thì đó là: không còn vui thú với bất cứ điều gì nữa, không thích vật gì cũng như không thích ai, và không được ai yêu thích. Bị tước đi mọi khả năng yêu thương và bị loại khỏi phạm vi có thể yêu thương – đó là sự trống rỗng tuyệt đối, trong đó một người tồn tại trái ngược với bản tính của chính mình, và cuộc sống của anh ta hoàn toàn bị hủy hoại. Vậy thì, nếu bản tính thiết yếu của con người là giống Thiên Chúa, là khả năng yêu thương, thì toàn thể nhân loại và mỗi người chúng ta chỉ có thể tồn tại ở nơi nào có tình yêu và nơi chúng ta được chỉ dạy con đường đến với tình yêu này. [75]

Bây giờ chúng ta hãy hướng sang sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, đặc biệt là những đoạn liên quan đến giáo lý về Hỏa ngục. Một lần nữa, giáo thuyết này có liên quan một chút đến chủ đề tình yêu của chúng ta dành cho Chúa – hay cụ thể hơn là việc thiếu tình yêu đó:

Chúng ta không thể kết hiệp với Thiên Chúa, nếu không tự nguyện yêu mến Ngài. Nhưng chúng ta không thể yêu mến Ngài, nếu chúng ta phạm tội trọng phản nghịch Ngài, ngược lại lợi ích của người khác và chính mình : “Kẻ không yêu thương thì còn ở trong sự chết. Phàm ai ghét anh em mình thì là kẻ sát nhân. Và anh em biết : không một kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở trong nó” (1 Ga 3,15). Chúa Giêsu cảnh cáo : chúng ta sẽ bị tách xa Ngài, nếu chúng ta bỏ qua không đáp ứng những nhu cầu khẩn thiết của người nghèo và những người bé mọn là anh em của Ngài (x. Mt 10,28). Chết mà còn mang tội trọng, không hối cải, không đón nhận tình yêu nhân hậu của Chúa có nghĩa là phải xa cách Ngài đời đời, vì chính chúng ta đã tự do lựa chọn. “Hỏa ngục” chính là tình trạng con người dứt khoát tự loại trừ khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa và chư thánh. (1033)

Các vị thánh vĩ đại của Giáo hội không phủ nhận số phận của các linh hồn trong Hỏa ngục. Thánh Tôma Aquinô, được mệnh danh là Tiến sĩ Thiên thần, viết về những người bị nguyền rủa rằng họ “sẽ luôn chết nhưng không bao giờ chết và sẽ không bao giờ chết. Vì lý do này, sự đọa đày được mô tả là cái chết vĩnh viễn, vì như người sắp chết đau đớn tột cùng thế nào thì những người ở trong hỏa ngục cũng đau đớn như vậy.” [76] Ở một nơi khác, thánh Tôma dạy: “Sự hối tiếc và đau khổ của kẻ bị án phạt sẽ vô dụng, bởi vì đó không phải vì lòng chê ghét cái ác, mà do đau buồn vì bị trừng phạt.” [77] Với những mô tả đáng sợ này để giáo huấn, sách Giáo lý tiếp tục:

Những điều Kinh Thánh xác quyết và Hội Thánh dạy về hỏa ngục là lời mời gọi con người phải có trách nhiệm sử dụng tự do để đạt tới hạnh phúc đời đời; đồng thời thúc giục chúng ta ăn năn hối cải: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường rộng thì đưa tới diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó; còn cửa hẹp và đường hẹp thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7,13-14) (GLHTCG 1036)

Thiên Chúa không tiền định cho ai xuống hỏa ngục (x. DS 397; 1567). Ai tự ý lìa bỏ Thiên Chúa bằng một tội trọng và chai lì đến cùng, sẽ phải xuống hỏa ngục. Đây là lý do tại sao thánh Ambrôsiô thành Milan nói: “Tội nhân không bị loại trừ; anh ta tự ném mình ra ngoài.” [78]  Chúa và Hiền Thê của Người là Giáo Hội, luôn đứng về phía chúng ta, trợ giúp chúng ta hướng tới ơn cứu độ – đặc biệt là trong việc cử hành Phụng vụ Thánh Thể. Nhắc lại điều này, sách Giáo Lý khẳng định: “Trong phụng vụ Thánh Thể và trong kinh nguyện hằng ngày của tín hữu, Hội Thánh khẩn cầu Thiên Chúa từ bi, Đấng ‘không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi ngƣời ăn năn hối cải’ (2 Pr 3,9)” (1037)

Lương bổng của Tội trọng

Hãy lưu ý rằng “tội trọng” được nhắc đến nhiều lần trong sách Giáo lý ở phần Hỏa ngục. Điều này là do tội trọng cắt đứt mối quan hệ siêu nhiên của chúng ta với Thiên Chúa và do đó có khả năng thực sự đưa chúng ta xuống Hỏa ngục – và chỉ cần một tội trọng không sám hối là có thể xảy ra điều đó. [79]

Một trong những khác biệt giữa tội trọng và tội nhẹ là tội trọng đáng bị trừng phạt đời đời, còn tội nhẹ chỉ bị phạt tạm thời. Một khi tội trọng đã được tha trong Bí tích Hòa giải, nó không còn đáng bị trừng phạt đời đời nữa – nhưng vẫn cần có hình phạt tạm cho tội đó. Điều tương tự cũng xảy ra với tội nhẹ, được tha khi rước Thánh Thể một cách xứng đáng nhưng vẫn đòi hỏi sự chuộc tội tạm thời.

Chúng ta hãy quay lại định nghĩa về tội của sách Giáo lý:

Tội là lỗi phạm đến lý trí, chân lý, lương tâm ngay chính, là thiếu tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa và tha bản tính con người và vi phạm đến tình liên đới giữa nhân loại.

Tội là xúc phạm đến Thiên Chúa…Tội chống lại tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta và khiến lòng ta xa lánh Người. Cũng như đầu tiên tội là một sự bất tuân, một sự nổi loạn chống Thiên Chúa, lại muốn “trở nên như những vị thần” biết và quyết định điều thiện, điều ác, (St 3, 5). Như thế, tội là “yêu mình đến mức khinh thị Thiên Chúa” (T. Augustinô 14,28 ). Vì kiêu căng tự cao tự đại, tội hoàn toàn trái ngược với thái độ vâng phục của Đức Giêsu, Đấng thực hiện ơn cứu độ (x. Pl 2,6-9). (1849-1850)

Giáo huấn của Giáo hội cũng nhắc nhở chúng ta rằng nếu không được kiểm soát, tội lỗi có thể lây lan, gây nghiện và gây chết chóc. Trong Thư gửi giáo đoàn Rôma, chúng ta đọc thấy rằng: “Thật vậy, lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta, là cái chết; còn ân huệ Thiên Chúa ban không, là sự sống đời đời trong Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.” (6,23). Hơn nữa, tội lỗi thậm chí có thể có xu hướng trở thành toàn bộ lối sống của ta. “Chính anh em xưa kia cũng ăn ở như thế, khi anh em còn sống giữa những người ấy. Nhưng nay, cả anh em nữa, hãy từ bỏ tất cả những cái đó: nào là giận dữ, nóng nảy, độc ác, nào là thoá mạ, ăn nói thô tục.” (Cl 3,7-8). Khi đó, chúng ta có thể nói rằng “tội sinh ra tội” – nó trở thành một cái vòng quy hồi ngày càng khó dừng lại:

Đã phạm tội một lần, người ta bị lôi cuốn phạm tội nữa. Những hành vi xấu được lặp đi lặp lại sinh ra thói xấu. Hậu quả là con người nghiêng chiều về điều ác, mờ tối lương tâm và lệch lạc trong việc đánh giá cụ thể điều lành và điều dữ. Như thế tội lỗi sinh sôi nảy nở thêm lên, nhưng không thể phá hủy hoàn toàn cảm thức luân lý. (GLHTCG 1865)

Đừng nhầm lẫn về điều đó: Nếu chúng ta không ăn năn sám hối, chúng ta có thể trở nên cố thủ trong tội, nó sẽ chiếm lĩnh cuộc sống, cướp đi tự do và phẩm giá con người của chúng ta. Thật vậy, tội lỗi thậm chí có thể giết chết lương tâm. Theo Giáo lý:

Tội trọng phá hủy đức mến trong lòng con ngƣời do vi phạm nghiêm trọng luật Thiên Chúa. Khi phạm tội, con người quay lưng với Thiên Chúa là cùng đích và chân phúc của mình, bằng cách yêu chuộng một thụ tạo thấp kém hơn.

Tội nhẹ không phá hủy nhưng xúc phạm và gây tổn thương đức mến…

Cũng như tình yêu, tội trọng là một chọn lựa triệt để của tự do con người. Khi phạm tội trọng, con người đánh mất đức mến, tự tước bỏ ơn thánh hóa, tức là tình trạng ân sủng. Nếu tội trọng không được chuộc lại bằng việc hối cải của tội nhân và bằng ơn tha thứ của Thiên Chúa, người mắc tội trọng sẽ bị loại khỏi vương quốc của Chúa Kitô và bị án phạt đời đời trong hỏa ngục, vì tự do của chúng ta có khả năng thực hiện những lựa chọn vĩnh viễn, không đảo ngược được. Tuy nhiên, nếu chúng ta có thể phán đoán một hành vi là lỗi nặng, chúng ta vẫn phải dành quyền phán xét người đó cho Thiên Chúa công bình và giàu lòng thương xót. (GLHTCG 1855, 1861)

Về tội trọng, thánh Phanxicô Assisi nói với chúng ta:

Tất cả chúng ta nên nhận ra rằng bất kể một người chết ở đâu và như thế nào, nếu anh ta ở trong tình trạng phạm tội trọng mà không ăn năn, khi lẽ ra anh ta có thể làm như vậy nhưng lại không làm, thì Ma quỷ sẽ xé nát linh hồn anh ta khỏi thân xác với nỗi thống khổ và đau đớn đến nỗi chỉ người từng trải mới cảm nhận được. [80]

Và trong một bức thư gửi cho con mình là vua thánh Louis IX, Hoàng hậu Blanche của Pháp đã từng viết: “Thà mẹ thấy con chết dưới chân mẹ còn hơn thấy con bị vấy bẩn bởi tội trọng.” [81] Vị vua thánh thiện đã học rất kỹ bài học ấy; sau này trong cuộc đời mình, ông viết cho con trai: “Con nên để cho mình bị đau đớn bởi mọi kiểu tử đạo hơn là cho phép mình phạm một tội trọng.” [82] Trong hai câu trích dẫn này, chúng ta thấy một sự thực hành giáo huấn của Giáo hội theo đúng ý nghĩa và qua nhiều thế hệ, không chỉ về những hệ lụy của tội trọng, mà còn về vai trò của cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên cho con cái. Dù họ có nhận ra hay không thì những vị bậc phụ huynh này đã giáo dục con cái của họ, ít nhất một phần, về giáo lý Bốn Điều Sau Cùng.

Bởi vì những bậc cha mẹ này tha thiết mong muốn con mình trước hết được cứu độ nên họ nhấn mạnh rằng sự xa cách với Chúa, dù là tạm thời ở thế gian này hay vĩnh viễn ở Hỏa ngục, là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với con người – tệ hơn bất kỳ nỗi đau đớn thể xác nào mà chúng ta có thể tưởng tượng. Mẫu gương của bậc cha mẹ trên đây khá nổi bật, bởi chỉ có một cặp cha mẹ mới thực hiện, nhưng gương sáng sống động mà Nữ hoàng Blanche và vua Louis IX đã gợi lên cho chúng ta thấy, đặc biệt là trong một nền văn hóa mà chủ thuyết tương đối luân lý và chủ nghĩa nhân văn thế tục, sự buông lỏng quan tâm là những cách sống bình thường của cha mẹ thời nay.

Đáp trả tiếng Chúa kêu gọi

Bất chấp sự cám dỗ liên tục và sự ác trong thế giới hư hoại  này, chúng ta phải luôn ghi nhớ sự thật tuyệt vời rằng Chúa không ngừng kêu gọi chúng ta đến với chính Ngài. Chúng ta khám phá ra chân lý này trong cả Cựu Ước và Tân Ước.

Quả thế, mệnh lệnh tôi truyền cho anh em hôm nay đây, không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh em…Thật vậy, lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành. (Đnl 30,11,14)

Phần ngươi, hỡi con người, hãy nói với nhà Israel: Các ngươi nói rằng: “Các tội phản nghịch và tội lỗi chúng tôi đã phạm đè nặng trên chúng tôi; chính vì vậy mà chúng tôi phải chết. Chúng tôi còn sống làm sao được?” Ngươi hãy nói với chúng: “Ta lấy mạng sống Ta mà thề – sấm ngôn của Ðức Chúa là Chúa Thượng – Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống. Hãy trở lại, hãy từ bỏ đường lối xấu xa của các ngươi mà trở lại. Sao các ngươi lại muốn chết, hỡi nhà Israel?” (Ed 33,10-11)

Vậy, anh em hãy từ bỏ mọi thứ gian ác, mọi điều xảo trá, giả hình và ghen tương cùng mọi lời nói xấu gièm pha. Như trẻ sơ sinh, anh em hãy khao khát sữa tinh tuyền là Lời Chúa, nhờ đó anh em sẽ lớn lên để hưởng ơn cứu độ, nếu anh em đã nghiệm thấy Chúa tốt lành. (1 Pr 2,1-3)

Một cách tuyệt vời để chúng ta có thể vững tin rằng mình sẵn sàng đáp lại lời mời gọi không ngừng của Thiên Chúa dành cho chúng ta là thường xuyên lãnh nhận bí tích Hòa giải. Đừng bao giờ ngại xưng tội thường xuyên, thánh thiện, chu đáo – ít nhất là hàng tháng. Thánh Faustina Kowalska thuật lại trong nhật ký của mình rằng khi Chúa nói chuyện với chị, Ngài gọi bí tích Hòa Giải là “Tòa án Lòng Thương Xót”. [83] Hiện nay, điều thông thường  về cách gọi này là: tòa án là một cuộc xét xử. Nhưng thay vì là tòa án trừng phạt, thì bí tích Hòa giải là tòa án của lòng thương xót.

Khái niệm “tòa án” cũng có một ý nghĩa đặc biệt vào thời Chúa Giêsu. Ở Palestine vào thế kỷ thứ nhất dưới sự cai trị của người La Mã, một trong những nhiệm vụ của tòa án là bào chữa cho một người bị buộc tội – giống như một luật sư thời hiện đại. Nói chung, một tòa án sẽ bảo vệ lợi ích của một người bình dân – tức là một thường dân La Mã. Vậy ai đóng vai trò là quan tòa của bạn trong bí tích Hoà Giải? Chúa Giêsu Kitô giữ vị trí này. Người là Tòa án của bạn – Người bảo vệ bạn, làm trung gian giữa bạn và vị Thẩm phán Công minh và Nhân từ, Cha của Người. Chúa Giêsu đóng vai trò là Tòa Án cho mỗi người chúng ta khi chúng ta trình bày tội lỗi của mình trước lòng thương xót của Người.

Hãy luôn nhớ điều này: Lòng Thương Xót chính là Thiên Chúa; quả thực, lòng thương xót là tên gọi thứ hai của tình yêu. Chúa quan tâm đến tương lai của chúng ta hơn là quá khứ chúng ta – quan tâm đến loại người mà chúng ta có thể trở thành hơn là loại người mà chúng ta đã từng là. Mặc dù Ngài thực sự coi tội lỗi của chúng ta là nghiêm trọng – dù là tội trọng hay tội nhẹ – thì Thiên Chúa không bao giờ coi những tội lỗi đó là lời cuối cùng. Tại sao? Bởi vì Ngài đã tạo dựng chúng ta theo hình ảnh và giống Ngài; Ngài liên tục kêu gọi chúng ta đến với Ngài; và Ngài là Đức Chúa Trời của chúng ta, Đấng lớn hơn bất kỳ tội nào chúng ta có thể phạm. Miễn là chúng ta thể hiện sự ăn năn sám hối và đau buồn chân thành, Chúa sẵn sàng tha thứ bất kỳ tội lỗi nào chúng ta có thể mắc phải.

Đối với những người sợ đặt quá khứ tội lỗi của mình trước mặt Thiên Chúa, thật đáng để ghi nhớ tâm tình này thường được gán cho của thánh Augustinô hoặc thánh Padre Piô: “Lạy Chúa, quá khứ của con thuộc về lòng thương xót của Chúa; hiện tại của con dành cho tình yêu của Chúa; và tương lai của con cho sự quan phòng khôn ngoan của Ngài.” Thật vậy, khi nói đến việc đón nhận lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, đây là một thái độ mà tất cả chúng ta nên có. Thật là một hồng ân của lòng thương xót của Thiên Chúa!

Một trong những khoảnh khắc yêu thích của tôi với tư cách là một linh mục là khi có ai đó đến xưng tội và nói rằng đã nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ đã bỏ xưng tội, kể từ lần xưng tội cuối cùng của họ. Mặc dù lòng tôi rất đau đớn vì người này đã bỏ mặc bí tích tuyệt vời này trong một thời gian dài, nhưng không có gì khiến tôi cảm động hơn hoặc cho tôi cảm nhận đầy đủ hơn về lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, và hơn nữa là nhận ra rằng đứa con hoang đàng này đã trở về với Tòa án Lòng Thương Xót. Vì vậy, đừng bao giờ nghe theo lời của bậc thầy lừa dối, kẻ muốn giữ bạn tránh xa việc xưng tội thánh thiện để lôi kéo linh hồn bạn vào Hỏa ngục đời đời. Đúng hơn là hãy đắm mình trong lòng thương xót của Thiên Chúa.

Hãy nhớ rằng mỗi Bí tích trong bảy Bí tích đều ban ơn thánh hóa, giúp chúng ta trở thành những người tham dự thực sự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa. Trong khi ân sủng Thiên Chúa ban cho chúng ta là điều chúng ta không xứng đáng, thì lòng thương xót chính là khi Thiên Chúa không bắt chúng ta điều chúng ta phải nhận: hình phạt vì tội lỗi. Trong cuốn Đối thoại nổi tiếng của mình, thánh Catherina thành Siena ghi lại những lời Chúa Cha đã nói với ngài: “Với tình yêu tha thiết [Con của Cha] đã chịu chết nhục nhã trên thập giá và qua cái chết đó, Người đã ban cho các con sự sống, không chỉ là thân xác mà còn là sự sống thiêng liêng.” [84] Và Thư thứ nhất của thánh Gioan nói với chúng ta rằng: “Ai tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, thì Thiên Chúa ở trong người ấy và người ấy ở trong Thiên Chúa” (1 Ga 4,15).

Hiểu và đánh giá cao tác dụng của ân sủng Thiên Chúa đối với tâm hồn con người có thể biến đổi cuộc sống của bạn thành một thiên đường thiêng liêng được sinh động nhờ mối quan hệ sâu sắc, cá nhân và bền chặt với Chúa Ba Ngôi trọn hảo. Như linh mục Origen thời Giáo hội sơ khai mô tả:

Vương quốc của Thiên Chúa không thể hiện hữu cùng với vương quốc của tội lỗi. Vì vậy, nếu chúng ta muốn Thiên Chúa ngự trị trong chúng ta, thì tội lỗi không thể nào thống trị thân xác phải chết của chúng ta được; đúng hơn chúng ta nên khổ chế các chi thể của mình trong cuộc sống này và sinh hoa trái trong Thánh Thần. Phải hiện hữu trong chúng ta một loại địa đàng thiêng liêng, nơi Thiên Chúa có thể bước đi và là Đấng cai trị duy nhất của chúng ta cùng với Chúa Kitô của Ngài. [85]

Giờ đây chúng ta kết thúc chương này về Hỏa ngục bằng cách nói một chút về tầm quan trọng của bí tích Hòa Giải, chúng ta hãy tìm hiểu một số cách thức khác để thúc đẩy chúng ta trong đời sống thiêng liêng hầu có thể “thực hiện ơn  cứu rỗi” và đạt được Thiên đàng vĩnh cửu.

—-

[71] Quoted in BCQ p. 426

[72] Fr. A. De La Porte, SPM, The Life of the Very Reverend Father Jean Baptiste Rauzan, Quinn translation (unpublished manuscript in the private li­brary of the Fathers of Mercy), p. 34.

[73] Dante Alighieri, Inferno, canto 3.

[74] Rule of St. Benedict, chap. 4, rules 44, 45,47.

[75] Fr. Peter John Cameron, O.P., ed., Benedictus — Day by Day with Pope Bene­dict XVI (San Francisco: Ignatius Press, 2006), p. 330.

[76] DQS, p. 114.

[77] Ibid.

[78] DQS, p. 212.

[79] See CCC 1033, 1035, 1037.

[80] &DQS, p. 215.

[81] Ibid.

[82] Ibid.

[83] See Diary 1448.

[84] St. Catherine of Siena, Dialogue on “Divine Providence.”

[85] Origen, On Prayer 15.