Các Chìa Khóa Để Hiểu Đức Mẹ Maria (3)

Các Chìa Khóa Để Hiểu Đức Mẹ Maria (3)

                                          (Tiếp theo)                                       

  1. KHÁI LƯỢC LỊCH SỬ CHUỖI MÂN CÔI

     Kinh Kính Mừng (Ave Maria) được hình thành và hoàn thiện theo dòng thời gian. Có thể nói, lời Kinh Ave Maria đã trải qua ba lần “cập nhật”. Lúc ban đầu, khoảng năm 1213, thánh Đaminh đã ghép nguyên văn lời Tổng lãnh Thiên thần Gabriel và bà Isave chào mừng Đức Mẹ (Lc 1, 28. 42), với hình thức đơn giản: “Kính Mừng Bà đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà có phúc hơn mọi người nữ”. Tiếp đến, khoảng năm 1261- 1264, Đức giáo hoàng Urbanô IV, thêm Thánh Danh Chúa Giêsu và Maria vào: “Kính mừng Maria…và Giêsu con lòng bà…”. Cuối cùng, năm 1514, câu “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử” được các nữ tu Dòng Đức Bà Tình Thương (Our Lady of Mercy) thêm vào. Và đến năm 1568, Đức giáo hoàng Piô V, với bửu sắc Consueverent Romani Pontifices chính thức xác nhận câu kinh “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời…” và đọc kinh Sáng Danh sau mỗi chục kinh Kính Mừng.

Chuỗi Mân Côi cũng trải qua nhiều thời gian hình thành và hoàn chỉnh. Từ khi xuất hiện việc đọc kinh Mân Côi, các tu sĩ đã đọc liên kết với năm niềm vui của Đức Mẹ là Truyền Tin, Giáng Sinh, Phục Sinh, Thăng Thiên của Chúa và Lên Trời Hồn Xác của Mẹ. Rồi dần dần lại liên kết với một trăm năm mươi Thánh Vịnh. Đến thế kỷ thứ XIII, các tu sĩ dòng Phanxicô và dòng Tôi Tớ Đức Mẹ cổ võ lòng sùng kính năm niềm đau, rồi bảy niềm đau của Đức Mẹ. Dần dần, có vài tu sĩ đọc 150 kinh Kính mừng, chia làm 3 “vòng hoa”, chẳng hạn như Bartôlômêo Trentô (+1251), Gioan Mailly (1260), Thomas Cantipré (+1260). Độc đáo là tu sĩ Rômêo de Liva (+1261) đã sử dụng một sợi dây thắt nút để đếm các kinh Kính mừng (mỗi ngày đọc 1000 lần). Tu sĩ Henry Kalkar (+1408), dòng Carthusian do thánh Brunô sáng lập, chia 150 kinh Kính Mừng thành từng chục (10) trước mỗi chục đọc một kinh Lạy Cha. Thế kỷ XV, Cha Đaminh Prussia (+1460) cũng dòng Carthusian chia 150 Kinh Kính Mừng thành 3 chuỗi năm mươi.

Đến năm 1463, chân phước Pierre Alain de Roch, cha dòng Đaminh, vùng Bretagne nước Pháp là người đã có công cổ động việc đọc kinh Mân Côi và hình thức được lưu truyền đến nay. Chính cha Pierre Alain de la Roche đã phổ biến việc lập lại 150 kinh Kính Mừng chia làm ba theo ba mùa Vui – Thương – Mừng tương ứng với các mầu nhiệm Nhập Thể, Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô. Chuỗi Mân Côi được đọc vào ba buổi trong ngày : sáng, trưa, tối. Hình thức này được phổ biến khá nhanh nhờ hội Mân Côi do các tu sĩ dòng Đa Minh thành lập. Đồng thời, nhờ sự phát minh máy in, thứ tự mười lăm mầu nhiệm được chuẩn hóa cố định từ khoảng năm 1480-1500. Đến năm 1521, Cha Albertô da Castello, dòng Đaminh, thêm một mầu nhiệm cuộc đời Chúa Cứu Thế vào trước kinh Lạy Cha.

Sau hơn 6 thế kỷ thực hành 150 kinh Kính Mừng của chuỗi Mân Côi, đến ngày 16 tháng 10 năm 2002, Ðức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II công bố Tông thư Rosarium Virginis Maria (về Kinh Mân Côi) thì chuỗi Mân Côi hiện nay có 200 kinh Kính Mừng. Ngài thêm năm mầu nhiệm mới vào mười lăm mầu nhiệm vẫn có từ trước tới giờ trong Kinh Mân Côi. Ngài gọi các mầu nhiệm mới này là “Mầu nhiệm Sự Sáng”. Đức Thánh Cha giải thích: Các Mầu nhiệm của Kinh Mân Côi được coi là bản lược tóm Sách Phúc Âm. Vì thế, việc thêm năm mầu nhiệm mới là để bản lược tóm này được đầy đủ hơn.

Như vậy, theo dòng thời gian chuỗi Mân Côi được hình thành. Kết cấu mỗi Chục kinh thật đơn giản bao gồm 1 kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng, 1 kinh Sáng Danh. Tuy giản đơn, nhưng kinh Mân Côi chứa đựng nội dung phong phú. Trước hết, việc đọc các kinh Lạy Cha và Sáng Danh trong chuỗi Mân Côi, làm nổi bật tính cách Ba Ngôi. Thật vậy, lần chuỗi Mân Côi là việc phượng tự dâng lên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Hay nói như phụng vụ diễn tả, phượng tự là việc hiến dâng lên Cha nhờ Chúa Kitô trong Thánh Thần. Tiếp đến, chuỗi Mân Côi quy về Chúa Kitô. Lần chuỗi Mân Côi, người tín hữu cùng với Đức Maria chiêm ngắm cuộc sống thường nhật của Đức Giêsu và của Đức Mẹ qua những chặng đường từ Nazareth đến Bêlem, Giêrusalem qua những biến cố vui – buồn, âu lo và hy vọng. Qua việc chiêm ngắm cuộc đời của Chúa Kitô cùng với Đức Mẹ, người tín hữu học hỏi được những nhân đức của các Ngài, cố gắng họa cuộc đời của mình theo gương của các Ngài. “Yếu tố đặc biệt nhất của chuỗi Mân Côi là lặp đi lặp lại kinh Kính Mừng, mà như thế là lặp đi lặp lại lời ngợi khen Đức Kitô, đối tượng tối hậu của lời Thiên Sứ Gabriel truyền tin và lời bà Êlisabeth chào mừng Đức Mẹ: “Con lòng Bà gồm phước lạ”. Sau cùng, vì các mầu nhiệm Mân Côi rút ra từ Tin Mừng, nên chuỗi Mân Côi giúp người tín hữu chuẩn bị tâm hồn bước vào cử hành phụng vụ thánh, đặc biệt là thánh lễ tưởng niệm cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô.

 

  1. CHUỖI MÂN CÔI, MỘT PHƯƠNG PHÁP CẦU NGUYỆN

     Phương pháp lặp đi lặp lại 10 Kinh Kính Mừng trong mỗi Mầu Nhiệm, là cách giúp người Kitô suy ngắm từng biến cố cuộc đời Chúa Giêsu Ki-tô. Việc lặp đi lặp lại bằng môi miệng và lòng trí chiêm ngưỡng về một Mầu Nhiệm, giúp nuôi dưỡng lòng khao khát được đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Dĩ nhiên, không phải là việc lặp đi lặp lại cách hời hợt, nhưng là hành vi thể hiện sự dâng trào của tình yêu không ngừng hướng về Đấng mình yêu mến. Tuy việc lặp đi lặp lại kinh Kính Mừng trực tiếp dâng lên Đức Maria, nhưng hành vi yêu thương vẫn lại hướng về Đức Kitô, với Mẹ và qua Mẹ. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đồng ý với Đức giáo hoàng Phaolô VI khi viết: “ Kinh mân côi, chính bởi vì nó phát xuất từ kinh nghiệm riêng của Đức Maria, là một lời kinh chiêm ngưỡng sâu sắc. Không có chiều kích chiêm ngưỡng ấy, kinh mân côi sẽ như một cái xác không hồn, như Đức Giáo hoàng Phao-lô VI đã nhấn mạnh: Không có sự chiêm ngưỡng, kinh mân côi chỉ là một cái xác không hồn, và việc lần chuỗi có nguy cơ trở nên một việc nhai đi nhai lại một số công thức có tính cách máy móc, và như thế là vi phạm giáo huấn của Đức Giêsu: Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời (Mt 6,7). Tự bản chất, việc đọc kinh mân côi đòi hỏi một nhịp độ thanh thản và kéo dài, để giúp mỗi người chiêm ngưỡng các mầu nhiệm trong cuộc đời của Chúa như được nhìn thấy bằng đôi mắt của Mẹ là người đã sống hết sức gần gũi với Chúa. Bằng cách đó, sự phong phú khôn ví của các mầu nhiệm được tỏ bày.”

     Như vậy, Kinh Mân côi đơn thuần là một phương pháp chiêm ngắm. Vì là một phương pháp suy ngắm, kinh Mân Côi được xem như phương tiện giúp chiêm ngắm Chúa Kitô. Các lời đọc hướng trí tưởng tượng và tâm trí về một giai đoạn hay thời điểm đặc biệt trong cuộc đời Đức Kitô. Đức Giáo hoàng Phao-lô VI đã mô tả: “Vì là một lời kinh dựa theo Tin Mừng, tập trung vào mầu nhiệm Nhập thể cứu độ, kinh Mân Côi là lời kinh mang chiều kích Kitô một cách rõ nét. Thật thế, yếu tố đặc trưng nhất của kinh Mân Côi – việc lặp đi lặp lại Kinh kính mừng – là một lời ca ngợi không ngừng dâng lên Đức Kitô, Người là đối tượng tối hậu của lời truyền tin của Thiên Thần, lẫn lời chúc mừng của bà Elisabeth: Phúc thay hoa quả của lòng Bà (Lc 1,42). Vậy, có thể nói chuỗi kinh Kính Mừng làm thành khung cửi trên đó đan dệt việc chiêm ngưỡng các mầu nhiệm. Danh Thánh Đức Giêsu mà mỗi kinh Kính Mừng gợi nhớ cũng là Đức Giêsu mà hai mươi mầu nhiệm tiếp nối dệt nên cuộc đời của Đấng vừa là Con Thiên Chúa, vừa là Con của Đức Trinh Nữ.”

     Từ thế kỷ XVI, Đức giáo hoàng Piô V đã thiết lập Lễ Mân Côi với Tông Sắc Consueverunt Romani, xác định hình thức và nội dung của Kinh Mân Côi với mười lăm biến cố của cuộc đời Chúa Kitô, chia làm ba phần (vui, thương, mừng). Đến năm 2002, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ sung thêm các mầu nhiệm ánh sáng – liên quan đến sứ vụ công khai của Đức Kitô. Như vậy, Chuỗi Mân Côi ngày nay bao gồm 20 mầu nhiệm cuộc đời Chúa Cứu Thế, rút ra từ các bản văn Tin Mừng, tương ứng với bốn chuỗi năm mươi.

Mầu nhiệm Năm Sự Vui

  • Thứ nhất: Thiên thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai: “Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1,28)
  • Thứ hai: Đức Bà đi thăm viếng bà Isave: ““bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa.Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét.” (Lc 1, 39).
  • Thứ ba: Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu trong hang đá: “Bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.” (Lc 2,6b-7).
  • Thứ tư: Đức Bà dâng Đức Chúa Giêsu trong đền Thánh: “Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa” (Lc 2,22)
  • Thứ năm: Đức Bà tìm được Đức Chúa Giêsu trong Đền thánh: “Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi.” (Lc 2,46).

Mầu nhiệm Năm Sự Sáng

  • Thứ nhất: Đức Chúa Giêsu chịu phép Rửa tại sông Giođan: “Bấy giờ, Đức Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình” (Mt 3,13).
  • Thứ hai: Đức Chúa Giêsu dự tiệc cưới Cana: “có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su. Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự.” (Ga 2, 1-2).
  • Thứ ba: Đức Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối: “Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.15Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1, 14-15).
  • Thứ tư: Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi: “Đức Giê-su lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa.” (Lc 9, 28-29).
  • Thứ năm: Đức Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể: “Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em.” (Lc 22, 19-20)

Mầu nhiệm Năm Sự Thương

  • Thứ nhất: Ðức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu. “Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất.” (Lc 22, 44).
  • Thứ hai: Ðức Chúa Giêsu chịu đánh đòn. “Bấy giờ ông Phi-la-tô truyền đem Đức Giê-su đi và đánh đòn Người.” (Ga 19, 1).
  • Thứ ba: Ðức Chúa Giêsu chịu đội mão gai. “Chúng khoác cho Người một tấm áo điều, và kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người.” (Mc 15, 17).
  • Thứ tư: Ðức Chúa Giêsu vác Thánh Giá. “Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Híp-ri là Gôn-gô-tha.” (Ga 19, 17)
  • Thứ năm: Ðức Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh Giá. “Đức Giê-su kêu lớn tiếng: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.” Nói xong, Người tắt thở.” (Lc 23, 46).

Mầu nhiệm Năm Sự Mừng

  • Thứ nhất: Ðức Chúa Giêsu sống lại. “ Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giê-su hiện ra trước tiên với bà Ma-ri-a Mađala” (Mc 16, 9).
  • Thứ hai: Ðức Chúa Giêsu lên trời. “Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.” (Mc 16, 19).
  • Thứ ba: Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. “ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho.” (Cv 2, 4).
  • Thứ tư: Đức Chúa Trời cho Đức Bà lên trời. “như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống.” (1 Cr 15,22).
  • Thứ năm: Ðức Chúa Trời thưởng Ðức Mẹ trên trời. “Có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao.” (Kh 12, 1).

 

  1. CẤU TRÚC CHỤC KINH MÂN CÔI

Kinh Lạy Cha

     Sau khi chiêm ngắm Đức Giêsu trong mỗi mầu nhiệm, chục Kinh Mân Côi bắt đầu với kinh Lạy Cha. Chính Chúa Giêsu sẽ dẫn dắt người tín hữu đến với Chúa Cha và cùng với Người thân thưa: Abba, Cha ơi (Rm 8,15; Gl 4,6). Như vậy, Kinh Lạy Cha trong chuỗi Mân Côi làm cho người tín hữu hiệp nhất trong Chúa Ki-tô. Do đó, dù đọc một mình, Kinh Lạy Cha luôn là kinh nguyện của cộng đoàn, làm cho chuỗi Mân Côi mang chiều kích cộng đoàn.

Mười Kinh Kính mừng

     Phần đầu Kinh Kính Mừng là lời chào của sứ thần Gabriel và bà Êlisabét nói với Đức Maria. Lời chào này làm cho kinh Mân Côi trở thành lời kinh ưu việt mang chiều kích Maria, vì nó chứa đựng nội dung của các Ân Ban đặc biệt của Thiên Chúa dành cho Đức Maria. “ Đức Trinh Nữ đầy ân sủng…Thiên Chúa ở cùng Bà…Bà có phước hơn mọi người phụ nữ”. Mọi tước hiệu và lời ca ngợi dành cho Đức Maria là nền tảng thánh kinh của các tín điều về Đức Maria mà Giáo Hội sẽ định tín theo dòng thời gian: Mẹ Thiên Chúa, Đức Trinh Nữ vô nhiễm nguyên tội. Đây là món quà vô giá mà Thiên Chúa đã tặng cho Đức Maria. Chính Người đã tuyển chọn và gìn giữ Mẹ ngay từ đầu, để Mẹ xứng đáng mang thai Đấng Cứu Thế – Thiên Chúa làm người. Việc lặp đi lặp lại kinh Kính Mừng thể hiện sự kinh ngạc và vui thích của chính Thiên Chúa: đó là niềm hân hoan, khâm phục và tri ân vì phép lạ vĩ đại nhất của lịch sử. Ở đây, lời tiên tri của Đức Maria được thực hiện trọn vẹn: Từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc (Lc 1,48).

Trọng tâm của Kinh Mân Côi chính là Danh Chúa Giêsu “và Giêsu con lòng Bà gồm phước lạ”. Đôi khi vì nguyện kinh hấp tấp mà đánh mất trọng tâm này, do đó, người đọc khó liên kết các Kinh Kính Mừng với mầu nhiệm Đức Kitô đang được chiêm ngưỡng. Cho nên, cần đặt chú ý vào Danh Đức Giêsu và mầu nhiệm của Người làm cho lời kinh ý nghĩa và đúng phương pháp suy ngắm. Lặp đi lăp lại Danh Chúa Giêsu trong sự liên kết mật thiết với Danh Đức Maria giúp người đọc chìm sâu hơn vào đời sống của Đức Kitô. Từ mối tương giao đặc biệt và duy nhất của Đức Maria với Đức Kitô, làm cho Mẹ trở nên Mẹ Thiên Chúa, phát sinh lời khẩn cầu dâng lên Mẹ trong phần thứ hai của lời kinh: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời…” khi người đọc phó thác đời sống và giờ lâm tử cho lời chuyển cầu từ mẫu của Mẹ.

Kinh Sáng danh – Vinh tụng ca Ba Ngôi là mục tiêu của mọi chiêm ngưỡng Kitô giáo. Bởi vì Đức Kitô là con đường dẫn mọi người đến với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Nếu người tín hữu đi con đường ấy cho đến cùng, họ sẽ gặp gỡ Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng xứng đáng lãnh nhận mọi lời ca ngợi, thờ phượng và cảm tạ.

     Hiện nay, chục kinh Mân Côi được kết thúc với lời nguyện Fatima: “Lạy Chúa Giêsu xin tha tội cho chúng con…” Đây là lời nguyện được Mẹ Maria dạy cho ba trẻ chăn chiên trong lần hiện ra vào ngày 13/07/1917 tại làng Fatima, Bồ Đào Nha. Theo đó, Mẹ dạy các trẻ nhỏ đọc lời cầu nguyện này sau mỗi chục hạt khi lần chuỗi Mân Côi và khuyến khích các em duy trì thói quen lần chuỗi mỗi ngày. Nội dung của lời nguyện đã bổ sung vào Kinh Mân Côi nhằm kêu gọi sám hối và nhớ đến người quá cố. Lời nguyện kết thúc có thể thích nghi với những truyền thống thiêng liêng khác nhau và các cộng đoàn Kitô giáo khác nhau.

     Kinh Mân Côi có thể được đọc trọn mỗi ngày, và có nhiều người vẫn thực hành như thế. Tuy nhiên, theo đề nghị của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, các ngày nhất định trong tuần được phân chia cho các mầu nhiệm khác nhau: Thứ Hai và thứ Bảy: gẫm năm sự Vui, thứ Ba và thứ Sáu: gẫm năm sự Thương, thứ Năm: gẫm năm sự Sáng, Chúa nhật: gẫm năm sự Mừng. Ngài cũng đề nghị “các sự Mừng được đọc cả vào ngày Thứ Bảy lẫn Chúa nhật. Tuy nhiên, vì ngày Thứ Bảy luôn là ngày của Đức Maria, lần suy niệm thứ hai trong tuần về các sự Vui – trong đó sự hiện diện của Đức Maria được đặc biệt cảm nhận, do đó có thể chuyển sang ngày Thứ Bảy.”

                                                                           Lm. Gs Lê Ngọc Ngà

 

print