Các Vị Tử Đạo Của Giáo Phận Qui Nhơn

print

Các Vị Tử Đạo Của Giáo Phận Qui Nhơn

CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN.

THÁNH PHANXICÔ ISIDORE GAGELIN KÍNH.

THÁNH ANRÊ NGUYỄN KIM THÔNG.

THÁNH STÊPHANÔ THÉODORE CUÉNOT THỂ.

CÁC TÔI TỚ CHÚA.

 

CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN

Thầy giảng tử đạo (1625-1644)

Tên gọi dân sự của thầy cho đến nay vẫn chưa tìm thấy bút tích nào để lại. Căn cứ vào năm thầy tử đạo (1644), cha Đắc Lộ xác nhận lúc ấy thầy 19 tuổi, chúng ta biết được thầy đã chào đời năm 1625. Trong bức thư viết năm 1641, cha Đắc Lộ xác nhận: “Đúng 3 năm trước khi chết, mẹ thầy dẫn thầy đến cho tôi, và tôi được hạnh phúc rửa tội cho thầy”[1]. Như vậy, thầy được rửa tội năm 1641. Tên gọi Anrê Phú Yên là tên chính thức được Tòa Thánh công nhận, gồm tên thánh rửa tội và tên quê quán Phú Yên của thầy.

Trong chuyến trở lại Đàng Trong lần thứ hai (12.1640 – 07.1641), cha Đắc Lộ đã tận dụng cơ hội để thăm viếng các tín hữu Phú Yên. Anrê Phú Yên là một trong 90 người được cha rửa tội trong dịp tĩnh tâm bốn ngày liền tại nhà nguyện của bà Mađalêna Ngọc Liên công chúa trong thủ phủ của dinh Trấn Biên Phú Yên, nay còn lại di tích được gọi là Thành Cũ, thuộc thôn Bình Thạnh, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, cách nhà thờ Mằng Lăng chừng 1km đường thẳng về hướng Đông Bắc. 

Năm 1642, Anrê Phú Yên khăn gói lên đường theo cha Đắc Lộ về Hội An. Tại trường “thầy giảng Hội An” do cha Đắc Lộ thành lập, Anrê được nhập đoàn với 9 người anh ưu tú trong cộng đoàn thầy giảng, Anrê là người em út. Anrê theo đuổi việc tu đức và học vấn nhưng không bỏ qua những việc cần làm để giúp đỡ người khác, như cha Đắc Lộ nhận xét về người học trò nhỏ của mình: “Người thầy không khỏe mạnh gì lắm, thế mà việc khó mấy trong nhà, thầy cũng làm luôn, nhiều khi lại làm quá sức mình; thầy quên mình để giúp kẻ khác”.

Ngày 25 tháng 07 năm 1644, ông Nghè Bộ cho lính đến trụ sở Dòng Tên tại Hội An tìm bắt thầy Inhaxiô theo lệnh bà Tống Thị. Hôm ấy Cha Đắc Lộ và thầy Inhaxiô cùng với 4 thầy khác đang đi làm việc tông đồ, thầy Anrê Phú Yên ở nhà săn sóc 4 thầy trong nhóm đang bị bệnh. Toán lính không tìm thấy thầy Inhaxiô, thầy Anrê bạo dạn nói với toán lính: “Nếu các ông muốn bắt thầy Inhaxiô thì vô ích, vì Inhaxiô không có ở đây. Còn muốn bắt tôi thì rất dễ dàng, tôi là tín hữu, hơn nữa là thầy giảng. Tôi có cả hai tội mà các ông khép cho thầy Inhaxiô để bắt thầy ấy. Nếu thầy ấy có tội thì tôi làm sao vô tội được”.

Thầy Anrê quyết định để cho lính bắt thầy, có thể vì thầy nghĩ rằng: thầy là người em út trong nhóm thầy giảng, thầy có mất đi cũng không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt và sự sống còn của nhóm. Trong khi nếu thầy Inhaxiô, người anh cả khôn ngoan, bản lĩnh, mất đi thì sẽ ảnh hưởng lớn đến cả nhóm. Cha Đắc Lộ là sư phụ, là linh hồn của nhóm, nhưng sự hiện của cha có tính cách bấp bênh vì lệnh trục xuất của ông Nghè Bộ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó sự hiện diện của thầy Inhaxiô luôn luôn cần thiết cho anh em, cho công cuộc truyền giáo. Để cho lính bắt thầy như một “chiến lợi phẩm”, điều đó có thể làm dịu đi việc truy tìm thầy Inhaxiô, đồng thời là tiếng chuông báo động để thầy Inhaxiô có thể trốn thoát.

Trong lúc tấn bi kịch xảy ra tại Hội An thì cha Đắc Lộ và các thầy giảng sắp vào dinh trấn thăm hữu nghị ông Nghè Bộ. Vừa lúc ấy, ý Chúa nhiệm mầu sai khiến ông Horace Massa, một thương gia người Ý chạy đến cấp báo cho cha Đắc Lộ biết sự việc xảy ra tại Hội An. Cha Đắc Lộ vội vàng cho các thầy giảng trở về tìm nơi ẩn núp, còn ngài đi gặp ông Nghè Bộ để can thiệp cho thầy Anrê. Nhưng ông Nghè Bộ nói với cha: “Anh ta thật bạo gan khi trả lời với tôi rằng anh ta là Kitô hữu và tôn thờ Chúa Tể trời đất và vì thế anh sẵn sàng hiến mạng sống và chấp nhận mọi hình phạt người ta muốn ra cho anh”.

Vì lời tuyên xưng đức tin cách khẳng khái ấy, thầy đã bị kết án tử hình nhưng tâm hồn tràn ngập niềm vui. Thầy được cha Đắc Lộ giải tội và ban của ăn đàng rồi hiên ngang theo toán lính ra “Gò Xử”, một gò hoang dành để xử tội các phạm nhân. Đi bên cạnh thầy, ngoài cha Đắc Lộ còn có nhiều tín hữu công giáo Việt Nam và ngoại quốc, cũng như đông đảo đồng bào không công giáo; mọi người đều cảm động trước thái độ can trường của thầy. Trên đường đi đến nơi hành quyết, thầy vẫn vui vẻ và luôn miệng khuyên bảo mọi người tin yêu Chúa Giêsu.

Cuộc tử đạo anh hùng của thầy diễn ra vào lúc hoàng hôn ngày 26 tháng 07 năm 1644. Thầy bị đâm ba nhát giáo và bị chém hai nhát gươm. “Giêsu” là âm thanh cuối cùng phát ra từ môi miệng thầy trước khi đầu lìa xác. Nơi thầy bị xử ngày nay chỉ còn một gò đất nhỏ trong địa bàn giáo họ Phước Kiều, giáo xứ Hội An, Giáo phận Đà Nẵng.

Xác thầy được cha Đắc Lộ đưa về nhà cha ở Hội An, sau đó ít lâu được đưa về Ma Cao. Riêng thủ cấp của thầy được cha mang theo bên mình và sau đó đưa về đặt tại nhà Bề trên Tổng quyền Dòng Tên tại Rôma cho đến ngày nay.

Thầy giảng Anrê Phú Yên được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong Chân phước vào ngày 05 tháng 03 năm 2000. Tại Đại hội Giới trẻ Thế giới lần thứ 17 ở Toronto, Canada (23-28.07.2002), Đức Gioan Phaolô II nêu Chân phước Anrê Phú Yên ở vị trí thứ hai trong số 10 vị thánh trẻ tiêu biểu làm mẫu gương cho cuộc sống.

Từ ngày thầy giảng Anrê Phú Yên được tuyên phong Chân phước, hằng năm Giáo phận Qui Nhơn kính trọng thể ngài vào ngày 26 tháng 07. Tại Hội Nghị thường niên ở Bãi Dâu (25-27.03.2008), Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã chính thức chấp thuận chọn ngày 26 tháng 07 làm Ngày Giảng viên Giáo lý Việt Nam.

THÁNH PHANXICÔ ISIDORE GAGELIN KÍNH

Linh mục tử đạo (1799-1833)

Thánh Phanxicô Isidore Gagelin Kính sinh ngày 10 tháng 05 năm 1799 tại Montperreux, Giáo phận Besançon, nước Pháp. Năm 18 tuổi, ngày 05 tháng 11 năm 1817, Gagelin nhận ra tiếng Chúa gọi và chập chững bước vào Đại chủng viện Besançon. Sau hai năm tu học, thầy Phanxicô Isidore Gagelin chính thức xin gia nhập Hội thừa sai Paris với ước nguyện sẽ được đi truyền giáo tại Viễn Đông.

Ngày 17 tháng 05 năm 1821, thầy Phanxicô Gagelin chính thức hiện diện trên đất Đàng Trong tại cửa Thuận An, Huế. Đức cha Labartette chỉ định thầy đến chủng viện An Ninh để học tiếng Việt. Tại đây thầy vừa học tiếng Việt vừa giúp dạy tiếng Latinh cho các chủng sinh và nhận thêm tên Việt: thầy Kính.

Ngày 28 tháng 09 năm 1822, Đức cha Labartette truyền chức linh mục cho thầy Gagelin Kính tại họ đạo Nhứt Đông, Cổ Vưu, Quảng Trị. Sau khi thụ phong linh mục, cha Gagelin Kính tiếp tục làm giáo sư chủng viện An Ninh và làm mục vụ tại các vùng lân cận.

Vì tình trạng cấm cách, từ năm 1823, cha Quyền đại diện Thomassin đã lệnh cho cha Gagelin đưa các chủng sinh ở chủng viện An Ninh vào Lái Thiêu. Tạm nghỉ công việc ở chủng viện, cha Gagelin đi làm mục vụ ở Hà Tiên. Năm 1826, cha trở về Đồng Nai, một vùng truyền giáo đã chịu sự tàn phá khủng khiếp của trận dịch hạch, nhiều người chết mà không có bóng dáng của một linh mục để giúp đỡ họ trong giờ sau hết. Vượt qua sự mệt mỏi sau chặng hành trình, cha Gagelin lao vào giúp đỡ những người đang gặp khốn khổ.

Để hạn chế việc truyền giáo, viện cớ cần người thông ngôn và dịch sách cho triều đình, ngày 16 tháng 06 năm 1827, vua Minh Mạng ra lệnh tập trung về Huế ba vị thừa sai: Taberd Từ, Gagelin Kính và Odorico Phương (Dòng Phanxicô). Ngày 01 tháng 06 năm 1828, nhờ sự can thiệp của Tổng trấn Lê Văn Duyệt tại triều đình, cha Gagelin Kính được lên đường trở về miền Nam. Năm 1829 cha trở lại chủng viện Lái Thiêu. Sau khi Đức cha Taberd Từ được tấn phong Giám mục tại Xiêm (10.05.1830), Đức cha trở về Lái Thiêu, bổ nhiệm cha Gagelin Kính làm Quyền đại diện và giao cho cha địa bàn mục vụ gồm 3 tỉnh ở miền Trung: Phú Yên, Bình Định và Quảng Ngãi, tức toàn bộ phần đất của Giáo phận Qui Nhơn ngày nay.

Trong khi thi hành sứ vụ tại Bình Định, một hôm cha được một giáo dân mật báo cho biết nguồn tin được tiết lộ từ một vị quan, là sắp có cuộc truy bắt các linh mục Tây phương trong miền này theo lệnh vua ban hành ngày 06 tháng 01 năm 1833. Cha khăn gói lên miền núi Bắc Bình Định, vừa để tạm lánh cuộc truy lùng của triều đình Minh Mạng, vừa để tiếp cận với các bộ tộc thiểu số vùng Trường Sơn mà cha đã dự định từ trước.

Trong lúc cha ẩn trú trên miền núi, nhiều giáo hữu ở Bồng Sơn bị bắt và bị tra tấn để khai thác danh sách và nơi ẩn trú của các linh mục. Biết đoàn chiên bị lâm nạn. Cha viết thư thỉnh ý Đức Giám mục cho cha ra nộp mình nếu điều đó tốt hơn là để đoàn chiên bị tan tác. Cuối tháng 05 năm 1833, cha nhận được thư của Đức cha Taberd. Sau đó không lâu, từ họ đạo Long Quan, nơi ẩn nấp cuối cùng, cha đến trình diện với quan tri huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Định. 

Theo lệnh vua Minh Mạng, cha được giải về kinh đô nộp cho triều đình. Đội lính áp giải cha tới Huế vào ngày 23 tháng 08 năm 1833. Cha bị giam tại trấn phủ và chịu án xử giảo vào ngày 17 tháng 10 năm 1833 tại Bãi Dâu, Huế. Thi hài của cha được một người học trò cũ của cha Odorico và một thầy giảng của cha Jaccard Phan cùng với giáo dân rước về an táng tại nhà tư của một linh mục Việt Nam thuộc địa sở Phủ Cam. Trong tiến trình lập hồ sơ các chứng nhân tử đạo, năm 1846, Đức cha Cuénot Thể cho cải táng thi hài cha Gagelin Kính và chuyển về chủng viện Hội thừa sai Paris. Văn bản xác nhận thi hài cha Gagelin Kính chịu tử đạo được lập ngày 09 tháng 09 năm 1847.

Ngày 27 tháng 05 năm 1900, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn phong cha Phanxicô Isidore Gagelin Kính lên bậc Chân phước tử đạo và ngày 19 tháng 06 năm 1988 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong ngài lên bậc Hiển thánh. Tại Giáo phận Qui Nhơn, lễ Thánh Phanxicô Gagelin Kính được mừng kính trọng thể vào ngày 17 tháng 10 hằng năm.

THÁNH ANRÊ NGUYỄN KIM THÔNG

Trùm cả tử đạo (1790-1855)

Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông sinh năm 1790 tại Gò Thị, thôn Xuân Phương, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định ngày nay. Ngài là người con thứ tư trong gia đình, nhưng theo tục lệ địa phương thì gọi là thứ năm,  và được gọi cách kính trọng là  Ông Năm Thuông.

Là chủ một gia đình khá giả đạo đức tại họ đạo Gò Thị, ngài đã tận tình giáo dục con cái trong đức tin và trong nhiệt tình truyền giáo. Trong số các con, ngài đã hiến dâng cho Hội Thánh một linh mục là cha Giuse Nguyễn Kim Thủ tử đạo và nữ tu Anna Nguyễn Thị Nhường dòng Mến Thánh Giá. Đối với bà con làng xóm, ngài là người có uy tín, có lòng thương người, được mọi người yêu thương và kính trọng. Đối với xã hội và đất nước, ngài là người có công khai khẩn đất hoang từ “hải khẩu cho đến sơn đầu”, tức là từ đầm Thị Nại ở phía Đông đến núi Kỳ Sơn ở phía Tây; vì thế ngài được vua Tự Đức ban khen thẻ vàng “Cần nông Nguyễn Kim Thông”. Đối với Hội Thánh, ngài là một tín hữu đạo đức, một tông đồ nhiệt thành, một cộng tác viên khôn ngoan, vì thế ngài đã được Đức cha Stêphanô Cuénot đặt làm trùm cả Bình Định. Với tư cách đó ngài đã trợ giúp Đức cha trong việc mục vụ và truyền giáo cách tận tụy, không quản ngại hy sinh sức khỏe, thời giờ và tiền bạc. Có thể nói, một phần chính nhờ sự hy sinh và khôn khéo của ngài mà Đức cha có thể cai quản Giáo phận cách bình yên và phát triển trong suốt một thời gian rất dài giữa thời cấm cách. Do tư cách đạo đức, ngài trở thành người có uy tín đối với tất cả mọi người không phân biệt lương giáo, nhờ đó việc mở mang Nước Chúa gặp được điều kiện thuận lợi.

Vì bị ngài quở phạt để sửa dạy những thói hư tật xấu, một người cháu tên là Bảy Út đã đâm ra oán giận nên làm đơn tố cáo với quan trên rằng ngài đang chứa chấp Tây dương đạo trưởng và mua sắm thuyền bè giúp Tây xâm lược nước ta. Sau khi tra xét, quan thấy những lời tố cáo ấy không đúng sự thật nên định tha về. Nhưng biết ngài là người công giáo, quan truyền cho ngài bước qua thánh giá theo lệnh nhà vua để được tha, nhưng ngài đã khẳng khái trả lời: “Thánh giá tôi kính thờ, tôi thà chịu chết chứ không làm việc quái gở ấy”. Quan tỉnh vốn quen biết ngài từ trước và muốn cứu ngài nên nói nhỏ với ngài rằng: “Ông cứ bước qua thánh giá đi, ở đây chỉ có ông và tôi biết thôi, rồi khi được tha về ông đi xưng tội là xong”. Thế nhưng ngài đã trả lời cách khôn ngoan như sau: “Thạch tín là thuốc độc, uống vào thì chết, nhưng cũng có thuốc giải. Tuy nhiên, không ai liều lĩnh uống thạch tín bao giờ. Việc chối đạo cũng thế. Tôi nhất định dù có chết cũng không bỏ đạo”.

Sau 3 tháng tù, ngài nhận được án lệnh phát lưu vào Vĩnh Long. Con cháu ngài định bỏ tiền ra vận động xin giảm án, nhưng ngài khuyên can: “Các con cứ để thánh ý Chúa được thể hiện”. Ngài phải mang gông xiềng lên đường lưu đày cùng với 4 giáo dân khác. Đi được vài ba ngày, lính thấy ngài đuối sức sợ đi không tới nơi nên đã tháo gông xiềng cho ngài. Khi đi ngang qua tỉnh Bình Thuận, ngài may mắn gặp được con ngài là linh mục Giuse Nguyễn Kim Thủ và xin xưng tội. Tại Chợ Quán, thấy tình trạng sức khỏe của ngài quá tồi tệ nên cha Được đã đến ban phép xức dầu cho ngài. Khi vừa đặt chân đến Định Tường (Mỹ Tho), ngài đã trút hơi thở cuối cùng. Hôm đó là ngày 15 tháng 07 năm 1855. Năm 1857, con ngài là cha Thủ và con cháu đưa hài cốt ngài về chôn cất tại Gò Thị.

Ngày 02 tháng 05 năm 1909, ngài được Đức Giáo Hoàng Piô X tuyên phong Chân phước. Ngày 19 tháng 06 năm 1988, ngài được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong Hiển thánh cùng với 116 vị tử đạo Việt Nam. Năm 1909 sau khi ngài được tôn phong Chân phước, hài cốt ngài được đặt dưới bàn thờ chính của nhà thờ Gò Thị. Hiện nay hài cốt ngài được đặt tại nhà nguyện Tòa giám mục Qui Nhơn.

Tại Giáo phận Qui Nhơn, Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông được chọn làm Bổn mạng của các Hội đồng giáo xứ và được kính trọng thể vào ngày 15 tháng 07 hằng năm.

THÁNH STÊPHANÔ THÉODORE CUÉNOT THỂ

Giám mục tử đạo (1802-1861)

Thánh Stêphanô Théodore Cuénot sinh ngày 08 tháng 02 năm 1802 tại làng Bélieu, Besançon, miền Trung nước Pháp. Sau khi thụ phong linh mục ngày 24 tháng 09 năm 1825, cha Cuénot nhận lệnh lên đường phục vụ tại Đàng Trong. Cha vừa học tiếng Việt vừa dạy các chủng sinh ở Lái Thiêu. Bốn năm dạy học ở chủng viện Lái Thiêu cũng là thời gian cha tiếp cận, tìm hiểu phong hóa địa phương và gắn bó với các cộng tác viên trong tương lai.

Ngày 06 tháng 01 năm 1833 vua Minh Mạng ra sắc dụ cấm đạo toàn quốc. Đức cha Taberd Từ quyết định di tản sang Xiêm, cha Cuénot và nhóm chủng sinh cũng theo chân ngài. Với đặc quyền Tòa Thánh ban cho, ngày 03 tháng 05 năm 1835 Đức cha Taberd tấn phong cha Cuénot làm Giám mục phó có quyền kế vị.

Ngày 14 tháng 05 năm 1835, Đức cha Cuénot rời Singapore về với Giáo phận trên một chiếc tàu buôn. Tháng 11 năm 1839 ngài đã có mặt tại Bình Định. Ngài thường xuyên di chuyển ở các điểm: Bồng Sơn, Bến Đá, Gò Xoài, Gia Hựu và Gò Thị. Năm 1840 vua Minh Mạng băng hà, vua Thiệu Trị lên ngôi kế vị, tình hình cấm đạo tương đối ít gay gắt, sự khó khăn tuỳ địa phương. Cùng năm nầy, ngày 31 tháng 07 năm 1840 Đức cha Taberd Từ qua đời tại Calcutta, Đức cha Cuénot Thể chính thức làm Đại diện Tông Tòa Giáo phận Đàng Trong, đặt Tòa Giám mục tại Gò Thị. Tòa Giám mục của ngài là một căn nhà đơn sơ trong một khu vườn có lũy tre và vườn chuối bao bọc. Việc đầu tiên, Đức cha Cuénot triệu tập Công nghị Giáo phận Đàng Trong tại Gò Thị để thống nhất và định hướng việc mục vụ trong Giáo phận. Công nghị diễn ra trong 3 ngày: ngày 05, ngày 06 và ngày 10 tháng 08 năm 1841.

Truyền giáo là ngọn lửa từng ngày đốt cháy tâm can Đức cha Cuénot. Trong 32 năm phục vụ Giáo Hội Việt Nam, trong đó 26 năm với chức vụ Giám mục, ngọn lửa ấy luôn cháy trong mọi tình cảnh, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện. Trước hoàn cảnh sống đạo rất khắc nghiệt, Đức cha Stêphanô Cuénot Thể đã có những sáng kiến linh động, ứng xử khôn khéo với bối cảnh xã hội, nhằm đề ra những phương pháp mục vụ và truyền giáo phù hợp trong mọi tình huống. Vượt qua tất cả khó khăn, lòng nhiệt thành của ngài đối với các linh hồn như ngọn triều dâng, ngài đẩy mạnh công cuộc truyền giáo, bồi dưỡng các thừa sai, đào tạo linh mục bản xứ, thầy giảng, nữ tu và các chức việc. Nguồn năng lực nuôi dưỡng lòng nhiệt thành của ngài là cầu nguyện và “tất cả nhờ thập giá”, châm ngôn Giám mục của ngài.

Truyền giáo Tây Nguyên là một trong những “nốt nhạc chính” trong bài “trường ca truyền giáo” của Đức cha Cuénot Thể. Là Giám mục Đàng Trong, rồi Đông Đàng Trong, Đức cha Cuénot không thể quên trong lãnh thổ rộng lớn của ngài còn có nhiều nhóm dân tộc thiểu số đang sinh sống trên những miền núi cao đầy hiểm trở chưa nhận biết Tin Mừng cứu rỗi. Sau nhiều lần tìm đường thực hiện ý định này, nhưng đều thất bại, năm 1848 Đức cha sai thầy sáu Do mở lối lên Tây Nguyên qua ngả An Sơn và đã thành công.

Con đường truyền giáo Tây Nguyên đã được mở ra nhưng vẫn còn quá hẹp. Trong khi đó con đường lên Núi Sọ lại được rộng mở thênh thang. Từ năm 1855 đến năm 1861, vua Tự Đức ban hành các sắc dụ cấm đạo khá gắt gao. Khắc nghiệt nhất là chiếu chỉ phân sáp năm 1861. Với sắc dụ cấm đạo gắt gao như thế, chỉ có đức tin son sắt mới có thể can đảm đương đầu. Lúc đầu Đức cha Cuénot rời khỏi Gò Thị và đến ẩn trú tại phước viện Gia Hựu. Sau đó vì không thể ẩn trú lâu dài tại một địa điểm, nên Đức cha trở về Gò Thị, đi Phú Yên rồi sau cùng trở về Gò Thị.

Mối đe dọa bị bắt ngày càng lớn, ngày 20 tháng 10 năm 1861, Đức cha, thầy bốn Tuyên và chú Nghiêm được ông Quả đưa đến Gò Bồi, tạm ẩn tại nhà bà Maria Mađalêna Huỳnh Thị Lưu. Vừa xong thánh lễ Chúa nhật sáng ngày 27 tháng 10 năm 1861, đồ lễ chưa kịp dọn, quân lính đến bao vây. Đức cha, thầy Tuyên và chú Nghiêm vội trốn trong lẫm lúa. Lính vào nhà lục tìm không thấy có đạo trưởng nào, nhưng đồ lễ còn đó là dấu chứng có mặt đạo trưởng ở đây. Lính bắt bà Lưu và ông Quả tra tấn nhưng không tìm được gì nơi lời khai của hai người. Lính đóng lại đây cho đến đêm hôm sau. Cuối cùng, để tránh cho người nhà khỏi bi tra khảo, Đức cha, thầy Tuyên và chú Nghiêm ra trình diện, tất cả đều bị bắt và áp giải về thành Bình Định.

Tại nhà lao Bình Định, Đức cha bị tả lỵ, ngày càng đuối sức. Ngài chết trong đêm khuya không ai hay biết, cô đơn giữa lao tù. “Tất cả nhờ thập giá” cho tới cùng. Sáng ngày 15 tháng 11 năm 1861, bản án từ triều đình gởi về đến nơi nhưng ngài đã chết, nên ngài được đem đi chôn. Đầu năm 1862 một bản án khác từ triều đình gởi về truyền vứt xác ngài xuống sông.

Để thực hiện bản án ấy, sau 3 tháng 17 ngày được chôn cất, xác Đức cha Cuénot được đào lên. Mặc dù được chôn cất sơ sài dưới lòng đất ẩm trong một thời gian như thế nhưng xác ngài vẫn còn nguyên vẹn, không hôi thối. Quan truyền gập xác lại bỏ vào giỏ rồi cho lính dùng ghe chở ra cửa sông và ném xuống nước. Lúc bấy giờ các tín hữu đang bị thi hành chiếu chỉ phân sáp quá gắt gao, nên không còn ai ở nhà theo dõi vớt xác ngài. Cho đến ngày nay không tìm thấy di cốt của ngài.

Ngày 02 tháng 05 năm 1909, ngài được Đức Giáo Hoàng Piô X tôn phong Chân phước tử đạo. Ngày 19 tháng 06 năm 1988, ngài được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong Hiển thánh. Tại Giáo phận Qui Nhơn, lễ Thánh Stêphanô Cuénot Thể được mừng kính trọng thể vào ngày 14 tháng 11 hằng năm.

CÁC TÔI TỚ CHÚA

Trong số 41 người của Giáo phận Đông Đàng Trong đã chịu chết vì đạo từ năm 1860 đến 1862, ngày 12 tháng 11 năm 1918 Tòa Thánh ban hành sắc lệnh tuyên bố 20 vị là những Tôi tớ Chúa, chờ ngày được tôn phong Chân phước, và người đứng đầu danh sách là cha Phaolô Châu, giám đốc chủng viện Làng Sông. Trong số này có 16 vị thuộc  Giáo phận Qui Nhơn ngày nay:

  1. Linh mục Phaolô Châu, ở Gò Thị, Bình Định.
  2. Linh mục Giuse Stêphanô Chung, ở Cảnh Hàn, Bình Định.
  3. Linh mục Giuse Thủ, ở Gò Thị, Bình Định.
  4. Thầy bốn Phêrô Quờn, ở Lò Giấy, Phú Yên.
  5. Thầy giảng Giuse Trinh, ở Phú Cốc, Phú Yên.
  6. Chú giúp Gioakim Bảo, ở Tân Quán, Bình Định.

7-10. Ông Hứa, ông Nam, ông Tân, ông Giáo, ở Phú Cốc, Phú Yên.

  1. Ông Gioakim Quả, ở Tân Quán, Bình Định.
  2. Chú Giuse Nghiêm, ở Lò Giấy, Phú Yên.
  3. Ông Tađêô Quí, ở Tân Hội, Bình Định.
  4. Ông Phêrô Me, ở Vườn Vông, Bình Định.
  5. Nữ tu Anê Soạn, ở Diêm Điền, Bình Định.
  6. Bà Mađalêna Lưu, ở Vĩnh Thạnh, Bình Định.

 Nguồn: Giáo phận Qui Nhơn

[1] PHẠM ĐÌNH KHIÊM, Người Chứng Thứ Nhất , Tinh Việt văn đoàn, Sài Gòn 1959, tr. 56

Nguồn: GPLX