Cầu Được Ước Thấy

print

Cầu Được Ước Thấy

CN 13 TN B

Sau phép lạ dẹp yên bão tố (Mc 4,35-6,6) và phép lạ giải thoát người bị quỷ ám (Mc 5,1-20), thánh Maccô tiếp tục kể hai phép lạ khác đan kết với nhau cách chặt chẽ: phép lạ chữa người phụ nữ bị loạn huyết và phép lạ phục sinh con gái ông Giaia. Bài Tin Mừng hôm nay được cả ba tác giả trong Tin Mừng Nhất Lãm kể lại. Tuy nhiên, Maccô kể dài hơn, gồm 23 câu, với nhiều tình tiết, cảm động khiến người đọc bị cuốn hút một cách tự nhiên từ đầu đến cuối. Maccô đã lồng hai chuyện kể vào với nhau cách khéo léo tài tình, minh chứng Chúa Giêsu là Đấng quyền năng trên bệnh tật và trên sự chết.

Qua các phép lạ này, thánh sử muốn trình bày, sự tăng trưởng dần dần trong niềm tin của các môn đệ vào quyền năng của Chúa Giêsu. Quyền năng trên các định luật thiên nhiên: làm cho sóng yên biển lặng; Quyền năng trên các thần ô uế: giải thoát người bị quỷ ám ở Ghêrasa; Quyền năng trên bệnh tật: chữa lành người đàn bà bị chứng xuất huyết; Và quyền năng trên sự chết: phục sinh con gái ông trưởng hội đường. Để quyền năng của Chúa Giêsu được biểu lộ, đòi hỏi con người phải có niềm tin. Đức tin là điều kiện cần có để được Chúa Giêsu thực hiện các phép lạ. Lòng tin của người phụ nữ thật mãnh liệt không thua lòng tin của ông trưởng hội đường. Ông xin Chúa đến đặt tay trên con gái ông đang sắp chết, chắc chắn nó được cứu, người phụ nữ chỉ mong sờ được vào áo Ngườitôi sẽ được cứu.  “Cầu được, ước thấy” đã nên linh nghiệm nhờ hai người có lòng tin mạnh mẽ.

  1. Hai phép lạ

Phép lạ thứ nhất, giữa đám đông chen lấn chung quanh Ðức Giêsu, có những người đụng vào áo Người. Nhưng chỉ có một cái đụng cố ý, đụng lén như sợ bị bắt quả tang. Ðó là cái đụng của một người phụ nữ, bất chấp lệnh cấm theo lề luật Do thái. Mười hai năm mắc bệnh băng huyết. Mười hai năm tìm thầy chạy thuốc mà không khỏi. Mười hai năm bị coi là ô nhơ, không được đụng đến người khác, không được tham dự nghi lễ ở Ðền thờ. Người phụ nữ thận trọng và đầy can đảm đã đụng vào áo Ðức Giêsu bằng tay và bằng lòng tin, một lòng tin đơn sơ mà mạnh mẽ “Dầu tôi chỉ đụng vào áo Ngài, tôi sẽ được khỏi.“. Tức khắc, bà cảm thấy lành bệnh vì máu trong người đã cầm lại. Cái đụng của lòng tin đã cứu bà khỏi bệnh. “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh”. Chúa tuyên dương lòng tin của bà trước mặt đám đông, cho bà sự bình an và chắc dạ: bà được khỏi thật chứ không phải là ảo tưởng.

Phép lạ thứ hai, ông Giaia đến xin Đức Giêsu chữa lành cho con gái ông đã mười hai tuổi. Ông là viên chức trưởng hội đường. Tình yêu của người cha đối với đứa con gái đã làm cho ông can đảm. Ông sẵn sàng tin cậy vào một người xa lạ. Ông tín nhiệm vào một người từ nơi khác đến. Ông chỉ mới nghe danh tiếng về người ấy. Ông đến gặp Chúa và “phủ phục dưới chân Đức Giêsu và năn nỉ“. Đức Giêsu đã chấp thuận “Người liền ra đi với ông”, nhưng khi hai người đang trên đường về nhà ông thì được tin con gái đã chết. Vậy là hết, vô phương cứu chữa! Đức Giêsu động viên ông “Đừng sợ, cứ tin“. Khi đến nhà, thấy đông đảo bà con xóm làng đến, Người nói: “Sao lại náo động và khóc lóc như vậy ? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!”. Cô bé đã chết rồi, nhưng đối với Đức Giêsu, cái chết chẳng có tính chung cuộc mà chỉ là một giấc ngủ thôi. Người có quyền năng đưa kẻ chết ra khỏi giấc ngủ ấy. Với cử chỉ đơn sơ, cầm tay đứa bé và nói “Talithakum”, nghĩa là “Này bé, Thầy truyền cho con: chỗi dậy đi !”, Đức Giêsu đã khiến cho đứa bé đứng dậy và đi lại được. Người còn bảo họ cho đứa bé ăn để chứng thực là nó đã sống lại thật. Mọi người chứng kiến kinh ngạc sững sờ. So với chuyện ông Êlia cho đứa con bà goá ở Xarepta hồi sinh (1V 17,17-24) thì ta thấy sự khác biệt rõ ràng, Êlia cầu xin Thiên Chúa cho đứa bé sống lại, còn Đức Giêsu có quyền cho kẻ chết sống lại, ra lệnh cho cô bé con ông trưởng hội đường trỗi dậy từ cõi chết.

  1. Hai phép lạ xảy ra nhờ có lòng tin.

Ðức Giêsu xác nhận lòng tin vững vàng của người phụ nữ: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con“. Ngài nâng đỡ lòng tin đang chao đao của Giaia: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi”.

Tin vào những chuyện dễ dàng, tin khi cuộc sống bình an xuôi thuận thì chưa hẳn là đức tin. Đó chỉ là một chuyện đương nhiên thôi. Đức tin là một nhân đức căn bản của Đạo. Phải là vẫn cứ tin vào những chuyện khó khăn vượt quá sức loài người. Vẫn cứ tin khi cuộc đời gặp lúc cheo leo. Đức tin vững vàng như vậy có thể làm nên những phép lạ. Bởi lẽ, trước một hoàn cảnh quá khó khăn, trong lúc đời sống quá gian nan, nếu ta vẫn tin thì không phải là ta tin vào sức riêng của ta nữa, mà là tin vào sức Chúa, và Chúa quyền năng làm được mọi sự.

Các phép lạ Đức Giêsu đã làm thường là điểm giao tiếp giữa quyền năng đầy tình yêu của Thiên Chúa và niềm tin của con người. Thiên Chúa giàu lòng xót thương nên ở đâu có niềm tin, ở đó có phép lạ. Đức tin cho con người niềm xác tín “cầu được, ước thấy”. Đức tin là vị thuốc thần đem lại hạnh phúc cho nhân loại. Đức tin là bí quyết đem lại hy vọng cho nơi nào không còn gì để hy vọng! Sau khi mọi hy vọng, mọi biện pháp chữa trị của con người đã trở nên vô hiệu quả, thì chỉ còn niềm tin mới có khả năng “cứu độ”. Đức Giêsu đã đem lại niềm vui và bình an cho những ai tuyệt vọng mà vẫn một lòng cậy trông. Có lần Đức Giêsu đã nói: “Nếu bạn có đức tin bằng hạt cải, thì bạn có thể nói với ngọn núi này ‘hãy di chuyển từ đây đến kia’, nó sẽ di chuyển” (Mt 17,20). Đây không phải là một lời phóng đại, nhưng là một sự thực được chứng minh qua cuộc đời các vị Thánh. Các vị Thánh là những người đã tin và các ngài đã làm được nhiều điều kỳ diệu.

  1. Tin phải đi đôi với việc làm.

Tin nhưng cần phải cộng tác với ơn Chúa.

Người phụ nữ bị bệnh xuất huyết nghĩ mình phải làm điều gì đó chứ không chỉ tin suông.Bà biết thân phận mình là ô uế theo luật Do thái, bà không dám xuất đầu lộ diện, chỉ âm thầm “lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người và sờ vào áo Người”, vì bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là tôi sẽ được cứu”. Bà đến với Chúa chứ không chờ Chúa đến với mình. Ông Giaia cũng tin rằng Chúa có thể cứu sống con gái ông. Ông đã làm hết sức mình. Con gái ông hấp hối không thể đến với Chúa được, nên ông đã xin Chúa đến chữa cho con gái ông: “Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống”.

Cộng tác với ơn Chúa là điều kiện để Chúa ban ơn. Chúng ta không thể chỉ thụ động chờ Chúa làm phép lạ, nhưng hãy sử dụng hết những phương tiện bình thường Chúa ban. Phần còn lại tùy Chúa định liệu cho ta. Thánh Ignatio de Loyola đã cho chúng ta lời khuyên bất hủ này: “Hãy làm như thể mọi việc tùy thuộc chúng ta và hãy cầu nguyện như thể mọi việc tùy thuộc Thiên Chúa”. Mc.Kenzie nói: “Khi ta cố gắng làm những gì có thể, Thiên Chúa sẽ làm những điều ta không thể”.

Thiên Chúa ban cho chúng ta quyền tự do, Người không thúc ép, nhưng để chúng ta toàn quyền sử dụng tự do của mình. Thiên Chúa không đối xử với chúng ta như những con bù nhìn, nhưng luôn coi trọng chúng ta như những cộng tác viên của Người.

Trong các phép lạ Chúa làm, Người đều cần sự cộng tác của con người. Tại tiệc cưới Cana, Chúa chỉ làm phép lạ khi người ta đã “múc nước đổ đầy các chum” (Ga 2,7). Phép lạ về bánh, Chúa chỉ làm cho bánh hóa nhiều khi “có 5 chiếc bánh và 2 con cá” (Mc 6,35-43). Khi chữa mắt cho người mù, Người chỉ thoa bùn vào mắt anh, còn phần anh phải đi rửa ở hồ Silôê mới được sáng mắt (Ga 9,1-40).

Thiên Chúa muốn chúng ta sử dụng hết các khả năng của mình, và Người sẵn sàng can thiệp khi cần. Tin và cộng tác với Ơn Chúa là sống niềm xác tín “cầu được ước thấy”.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An