Cầu nguyện cho ông bà, người cao tuổi

Cầu nguyện cho ông bà, người cao tuổi

Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi được Đức Thánh Cha thiết lập năm 2021, cử hành vào Chúa nhật thứ tư của tháng 7, gần lễ thánh Joachim và Anna, ông bà của Chúa Giêsu. Năm nay 2024, Chúa nhật 28.7 là Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi lần thứ IV, các tín hữu được mời gọi dành thời gian để suy tư về di sản và sự khôn ngoan mà ông bà và người cao tuổi đã truyền lại.

Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống đã công bố chủ đề cho Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi lần thứ IV, do Đức Thánh Cha chọn, dựa theo câu Thánh vịnh 71,9: “Xin đừng sa thải con lúc tuổi già”, suy tư về lời cầu xin của một người già.

Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi năm 2024 diễn ra trong Năm Cầu nguyện, năm được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn để giúp các tín hữu chuẩn bị cho Năm Thánh 2025. Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô năm 2024 nhắn nhủ: “Trong Ngày Thế giới lần thứ IV được dành riêng cho ông bà và người cao tuổi, chúng ta đừng quên bày tỏ sự dịu dàng đối với ông bà và những người cao tuổi trong gia đình, hãy đến thăm những người đang chán nản và không còn hy vọng rằng có thể có một tương lai khác. Thay vì thái độ coi mình là trung tâm dẫn đến sự bỏ rơi và cô đơn, hãy thể hiện tâm hồn rộng mở và khuôn mặt vui tươi của những người có can đảm nói “Con sẽ không bỏ rơi ông/bà!…”.

Tại Việt Nam, theo văn hóa Á Đông, nhiều ông bà cha mẹ cùng chung sống trong một gia đình với con cái, trong đó không ít gia đình sống chung 3-4 thế hệ. Người già tại Việt Nam được kể là những ông bà tuổi từ 70 trở lên. Hiện nay kinh tế phát triển, xã hội đã thay đổi, nhiều gia đình, con cái trưởng thành ra riêng khiến người già cảm thấy cô đơn như bị bỏ rơi.

“Con sẽ không bỏ rơi ông/bà!”, lời nhắn nhủ từ sứ điệp “Xin đừng sa thải con lúc tuổi già” là lời cảnh tỉnh cho bao người và cũng gợi mở thái độ trân trọng, biết ơn ông bà, cha mẹ. Sứ điệp cũng thúc đẩy các tín hữu hãy nhớ tới những người già tại các cơ sở xã hội. Họ là những người tứ cố vô thân, cho dù họ đang được những người thiện tâm chăm sóc, nhưng không phải vì thế mà chúng ta quên được họ. Đã có những gia đình tín hữu hằng tuần hoặc hằng tháng dẫn con cái đến thăm những cơ sở dưỡng lão, để giáo dục con cái về lòng nhân ái, lòng biết ơn.

Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi đã được không ít giáo xứ tổ chức theo nhiều hình thức. Chẳng hạn, trước ngày lễ, cha xứ, thầy giúp xứ cùng các bạn trẻ đã tới thăm và tặng quà các ông bà trong giáo xứ. Những tâm tình của cha xứ, của đoàn thể gởi tới các ông bà cao niên đã đong đầy tình cảm làm cho cuộc gặp gỡ thêm niềm vui và ấm áp tình Chúa, tình người. Đặc biệt, cũng có những giáo xứ đã tổ chức hội thảo về ông bà và người cao tuổi, để gây ý thức nơi cộng đồng xứ đạo.

Việt Nam nay cũng là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh, và dự báo đến năm 2035, tỷ lệ người cao tuổi của Việt Nam sẽ vào khoảng 20%. Một dự báo khơi gợi cách tổ chức, đón nhận và chăm sóc người cao tuổi mà Đức Thánh Cha Phanxicô hằng khuyến khích “để nhựa sống của những người có kinh nghiệm sống lâu năm sẽ nuôi dưỡng những mầm hy vọng của những người đang lớn lên”.

  ĐỖ LỘC HƯNG

https://www.cgvdt.vn/

print