Cha Clementê Nguyễn Văn Lanh Nhậm Sở Họ Việt Kiều

print

Cha Clementê Nguyễn Văn Lanh Nhậm Sở Họ Việt Kiều

Ngày 9/7/2020 cha Tổng Carolo chủ sự nghi thức nhậm chức của cha quản hạt Sóc Trăng Clemete Nguyễn Văn Lanh về nhận nhiệm sở tại họ đạo Giuse, Hạt Sóc Trăng. Họ đạo này thường được gọi là Họ Việt Kiều vì bà con ở đây là những Việt Kiều hồi hương từ Kapuchea về.

Trong bài giảng lễ cha Giuse Nguyễn Văn Trực chia sẻ về viêc “Ra Đi” của các vị mục tử ra đi thanh thoát và mưu cầu ích lợi cho các linh hồn.

Nguyện xin Chúa ban ơn cho cha sở mới nhiều sức khoẻ và nhiều ơn lành trong sứ vụ mới.

MVTT/Hạt Sóc Trăng

BÀI GIẢNG LỄ NHẬM SỞ CỦA CHA QUẢN HẠT SÓC TRĂNG

CLÊMENTÊ NGUYỄN VĂN LANH

(Giuse Việt Kiều 09/07/2020)

Lm Giuse Nguyễn

 

RA ĐI

Trọng kính Cha Tổng Đại Diện, quý Cha Quản Hạt và quý Cha! Kính thưa quý Tu sĩ nam nữ và anh em chủng sinh! Kính thưa quý ông bà anh chị em rất thân mến!

Con là Linh mục Giuse Nguyễn Văn Trực, ở Họ đạo Gành Hào, Hạt Bạc Liêu. Con với cha QH Sóc Trăng chẳng có “dây mơ rễ má” gì: không cùng lớp (4a – 7b), không cùng độ tuổi (U50 – U40), không cùng Họ đạo gốc (Hậu Bối – Phụng Tường), không cùng Hạt (Sóc Trăng – Bạc Liêu), không cùng đẳng cấp (Quản Hạt – Cha Sở)… Nhưng cũng có dính dáng chút chút khi vài năm trước con với ngài cùng chung nhóm chia sẻ Lời Chúa (Lm. Seoka – Lm. Giuse Nguyễn), và nhất là cùng chung Linh mục đoàn Giáo phận Cần Thơ… Cũng chỉ vì “bức thư tình” mà con chia sẻ trong ngày lễ khởi công xây dựng nhà thờ Đại Ngãi hôm 15/06 vừa qua mà cha Quản hạt Sóc Trăng đã ngỏ lời cho con được vinh dự chia sẻ lời Chúa trong Thánh lễ hôm nay. Con thì lại không có khả năng từ chối, đặc biệt trong những việc liên quan đến thánh chức Linh mục nên con đã sẵn sàng nhận lời, vì biết rằng dù mình nhỏ bé trong tuổi đời, tuổi linh mục nhưng giảng lời Chúa là vinh dự và bổn phận của các Linh mục, hay còn gọi là “nghề của chàng”.

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ. Trong “bức thư tình” ở nhà thờ Đại Ngãi hôm trước, con đã đọc cho cộng đoàn ở đó tâm tình của Chúa: “Con à, con hãy xây dựng Giáo hội!”. Dựa vào phụng vụ lời Chúa hôm nay, “bức thư tình” mà con đọc được và xin chuyển tải đến cộng đoàn là: “Con à, con hãy ra đi!”

  1. APRAHAM RA ĐI

Bài đọc thứ nhất cho chúng ta thấy sự ra đi của Apraham: Apraham đã nhận được lệnh truyền như sau: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi mà đi tới vùng đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12, 1). Vế “rời bỏ” gắn với nhiều chi tiết hơn: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi”. Nghĩa là rời bỏ bối cảnh rộng lớn hơn để bước vào bối cảnh đặc thù hơn. Hãy rời bỏ xứ sở của ngươi, bộ tộc của ngươi, và hãy rời bỏ chính khung cảnh gia đình của ngươi. Nếu nghĩ đến tình cảnh của nhiều người di cư hiện nay, chúng ta có thể cảm nhận phần nào về Apraham. Những người phải sống nơi đất khách quê người thì thường bất ổn, bấp bênh. Họ không còn ở trong môi trường của mình, họ không còn ở nơi mà họ cảm thấy an toàn, gắn bó, và được chấp nhận. Họ sống giữa những người xem họ là những kẻ xa lạ, khác biệt, đôi khi còn bị xem là thù địch. Apraham được yêu cầu phải chấp nhận tất cả những điều đó, phải sống bên lề, phải đón nhận sự nguy hiểm, phải mang tâm trạng căng thẳng – và phải chịu những khổ sở của tình cảnh như thế. Đó là điều Thiên Chúa mời gọi Apraham, vì thiện ích của loài người đã bị phân tán. Thiên Chúa yêu cầu Apraham ra đi.

Đi đâu? Apraham không được trao cho thông tin rõ ràng về chuyến đi của mình. Thiên Chúa chỉ nói: “Ngươi hãy cứ đi và rồi Ta sẽ chỉ cho biết nơi mà ngươi sẽ đến.” Chúa không cho ngay cả sự yên tâm của việc biết trước điểm đến của mình. Mệnh lệnh như thế đó, một mệnh lệnh khó khăn.

Apraham đã phản ứng ra sao? Ta đọc thấy một trình thuật hết sức vắn gọn: “Apraham đi như Thiên Chúa phán với ông” (St 12,4). Chúng ta dễ thắc mắc rằng: Chà, tại sao Apraham chẳng chút nghi ngờ gì nhỉ? Phải chăng ông không bàn hỏi gì với gia đình? Chắc hẳn người thân sẽ hỏi tại sao anh ra đi, tại sao anh rời bỏ chúng tôi chứ? Bản văn chẳng nói gì về những điều đó. Chỉ có một điều quan trọng trong câu chuyện, đó là Thiên Chúa đã gọi và Apraham tích cực đáp trả.

Cần lưu ý rằng không phải tất cả các bản văn Thánh Kinh về tiếng gọi của Chúa đều giống như trường hợp này. Hãy nhớ lại câu chuyện Chúa gọi Giêrêmia làm ngôn sứ. Ông đã trả lời: “Ôi, lạy Chúa, con đây còn quá trẻ” (Gr 1,6). Trường hợp của Môsê cũng tương tự. Nhưng Apraham thì không như thế. Bản văn cho chúng ta biết sự vâng phục hoàn toàn của Apraham. Ông đặt niềm tin vào Chúa và ông ra đi.

  1. ĐỨC GIÊSU RA ĐI

Bây giờ chúng ta chiêm ngắm sự “ra đi” của Đức Giêsu. Thánh Phaolô viết: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-8). Đức Giêsu đã “hoàn toàn trút bỏ vinh quang”, ra đi trở nên người phàm để sống với nhân loại chúng ta. Sống với không phải để cho vui, để trãi nghiệm kiếp người, nhưng sống với để chia sẻ và cứu độ con người.

Hành trình nơi dương thế của Đức Giêsu dù là 30 năm ẩn dật hay 3 năm rao giảng công khai; dù là tinh thần bằng sự chuẩn bị ở gia đình Nazaret hay bằng bước chân không biết mệt mỏi khắp nơi trong đất nước Do Thái đều là một cuộc ra đi từng ngày, từng giờ từng giây phút. Ngài ra đi để rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa. Ngài đi để “Đến với muôn dân” – Ad Gentes.

  1. CÁC TÔNG ĐỒ RA ĐI

Trong đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Đức Giêsu sai các môn đệ tiếp nối sứ mạng của Ngài: “Anh em hãy đến với các con chiên lạc nhà Israel” (Mt 10, 6). Đến để làm gì? Để rao giảng Nước Trời đã đến gần, để chữa lành người đau yếu bệnh tật, để phục sinh kẻ chết, và đến còn để trừ quỷ nữa. Như vậy Đức Giêsu muốn các môn đệ của mình ra đi loan báo Tin Mừng mà các ông đã đón nhận, đồng thời làm một số việc cộng tác với Thầy Giêsu trong việc giải thoát con người khỏi sự dữ. Cuối Tin Mừng Matthêu, chúng ta lại nghe mệnh lệnh của Đức Giêsu, Đấng Phục Sinh: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28, 19). Maccô còn nhấn mạnh hơn, không phải chỉ là đi, mà còn “đi khắp tứ phương thiên hạ”, không phải muôn dân, mà còn là “muôn loài thụ tạo”. Theo tường thuật của Luca, sau mệnh lệnh của Đức Giêsu, “Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc, loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi” (Lc 9, 6). Có thể nói hình ảnh của Hội thánh sơ khai là một hình ảnh của đôi bàn chân: miệt mài ra đi, lên đường.

  1. HỘI THÁNH RA ĐI

Hằng năm cứ vào khoảng tháng 6, Giáo phận Cần Thơ chứng kiến sự ra đi, lên đường liên tục của các tân linh mục và các cha được thuyên chuyển, làm cho nhiều người cũng phải dính dáng để “lên đường” theo. (Câu chuyện vui có thật. Một cha trẻ ra trường 5 năm mà nhận 5 bài sai. Một hôm cha về thăm nhà, bà cố nói: mày ở yên mà làm việc, mày đổi hoài, tao với cha mày làm được bao nhiêu tiền toàn để bao xe đưa mày đi không!)

Hôm nay chúng ta chứng kiến sự ra đi, lên đường của một đôi bàn chân “rất to”, “rất vững” của Cha Quản hạt Sóc Trăng Clêmentê Nguyễn Văn Lanh, vì từ khi ra trường đến giờ cứ ở yên một chỗ: làm cha phó, rồi cha sở, rồi lên Quản hạt. Nói theo từ của báo chí: con đường quan lộ của cha khó ai bì. Như Apraham ngày xưa cha Quản hạt rời bỏ vùng đất Sakeo to lớn có thể nói bậc nhất của Giáo phận, vùng đất này chỉ thua vùng đất Kharan của ông Apraham, để đến với vùng đất Giuse Việt Kiều nhỏ bé này. Rời bỏ nơi chốn mà cha đã gắn bó 17 năm, nơi cha cảm thấy an toàn, dễ chịu với thiên nhiên trong lành (có công viên Laudato Sí mà cha xây dựng để sống gần gũi với thiên nhiên), con người nhà quê hiền hòa chất phác… để đến vùng đất được bao bọc xung quanh bởi nào là nhà tù, nào là bệnh viện (mà bệnh viện lao nữa chứ), xung quanh toàn bê tông, hàng rào với nhà cao tầng… Một thách đố mà như Apraham, cha cũng được mời gọi phải ra đi.

Apraham ra đi vì thiện ích của nhân loại đã bị phân tán, còn cha Quản hạt Sóc Trăng ra đi để góp phần xây dựng Hội thánh, vì một tương lai tốt đẹp cho Giáo phận, hơn thế nữa vì đó là bổn phận của Cha.

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ. Ra đi, lên đường là bổn phận của Kitô hữu theo bậc sống của mình. Các linh mục ra đi, tu sĩ ra đi, và ông bà anh chị em cũng phải ra đi. Tuy nhiên ra đi để làm gì? Làm nhiều việc lắm, nhưng tất cả phải quy về một mối: Ra đi để loan báo Tin Mừng. Nghĩa là việc ra đi của chúng ta phải mang đến niềm vui cho chính mình và cho người khác nữa.

Trong các bài giảng thánh lễ có liên quan đến chức Linh mục, gần nhất là hôm Thứ Ba, cha Matthêu Cảnh giảng lễ nhậm sở của Cha Giuse Phượng ở Bến Bàu con thường nghe quý cha nhắc đến làm linh mục như làm dâu trăm họ vì các cha phải phục vụ cho nhiều người, nhiều thành phần khác nhau. Đối với các Linh mục, và tu sĩ, những người dâng mình cho Chúa phục vụ là niềm vui. Chắc chắn cha Clementê khi về đây cũng muốn phục vụ hết mình trong khả năng mà Chúa đã ban cho cha. Khi phục vụ như vậy cha sẽ có niềm vui cho riêng mình dù cha sẽ bị mất mát, thiệt thòi, tiêu hao mọi sự; nhưng cha sẽ vui hơn khi đoàn chiên Việt Kiều của mình biết cộng tác tích cực với cha, biết đoàn kết yêu thương nhau để xây dựng nơi đây thành cộng đoàn đức tin, phượng tự và truyền giáo.

Tuy nhiên có một tư tưởng khác mà con thích hơn. Đó là tư tưởng của Cha Quản hạt Bạc Liêu của con cha Giuse Võ Văn Hoài chia sẻ trong ngày lễ mở tay của Cha Bình ở Bắc Hải sẽ là cha phó của Họ đạo Giuse Việt Kiều này. Ngài nói mỗi khi có một lễ phong chức, ngài nghĩ đến “thân con gái 12 bến nước, trong nhờ đục chịu”. Đây không phải nói đến các linh mục, mà nói đến giáo dân. Họ như thân con gái gặp bến nước là các linh mục; cha nào trong thì nhờ, cha nào đục thì họ cũng ráng lóng phèn xài đỡ. Họ đạo Giuse Việt Kiều cũng đã trãi qua nhiều bến nước. Bến trong, bến đục thì chắc có lẽ chỉ anh em mới cảm nhận được .

Thôi thì trong ngày nhậm chức của cha sở mới hôm nay, con kính chúc Cha trở thành bến nước trong để giáo dân được nhờ và Giáo hội được mát mẻ.