Cha Phêrô Nguyễn Hữu Chiến.Nhậm Sở Cồn Mỹ Phước

print

Cha Phêrô Nguyễn Hữu Chiến.Nhậm Sở Cồn Mỹ Phước

23.3.2021

 Mặc dù Cồn Mỹ Phước được bao bọc bởi dòng Sông Hậu, hay nói theo kiểu bình dân ” bị ngăn cách bốn bề bởi sông và nước”, nhưng không ngăn cách bởi tình người và lòng thương mến.

Cụ thể, sáng hôm nay, ngày 23.03.2021 có Quý  Cha Quản Hạt, Quý Cha trong và ngoài Giáo phận,  

Quý Thầy Sáu, Quý Tu sĩ nam nữ cùng bà con giáo dân đã đến Cồn Mỹ Phước, để chia vui , chúc mừng và cầu nguyện cho Tân Cha sở Cồn Mỹ Phước.

Lúc 9g sáng, sau khi đoàn rước tiến vào nhà thờ nhỏ bé , đơn sơ nhưng ấm cúng.

Cha Quản Hạt Đại Hải đã thay mặt ĐGM Giáo phận đọc sắc lệnh bổ nhiệm Cha Phêrô Nguyễn Hữu Chiến làm Tân Cha sở Cồn Mỹ Phước.

Xin chúc Cha và anh chị giáo dân Cồn Mỹ Phước thăng tiến về đức tin và thành công trong việc Loan Báo Tin Mừng nơi vùng đất Cù lao này.

MVTT/Hạt Đại Hải

 

Sau đây là  Bài giảng của cha Giuse Nguyễn Văn Trực trong Thánh lễ

 

MŨI TÊN TÌNH YÊU

Đưa người ta không đưa qua sông

Sao có tiếng sóng ở trong lòng

Bóng chiều không thắm không vàng vọt

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong

(Tống Biệt Hành, Thâm Tâm)

 

Ngày xưa thi sĩ Thâm Tâm đưa người bạn lên chiến khu, sợ cảm xúc bồi hồi xúc động của chàng trai tuổi mới lớn nên không dám đưa qua sông; nhưng hôm nay xin được đổi lại vần thơ: “Đưa người ta xin đưa qua sông, để nghe tiếng sóng ở trong lòng”. Tiếng sóng của Tin Mừng, tiếng vọng của Phúc Âm.

Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe là một trong những đoạn có tính cách lý luận, tranh biện, tiêu biểu cho sách Phúc Âm Thứ Tư (Tin Mừng Gioan), rất khó làm sáng tỏ và rất khó hiểu. Ở đây chỉ xin được phép suy tư và chia sẻ một câu nói của Đức Giêsu: “Nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết” (Ga 8, 24). Đức Giêsu muốn nói nếu người Do Thái cứ tiếp tục khước từ Ngài thì họ sẽ chết trong tội lỗi của họ. Đây là câu nói có tính tiên tri chứ không phải một lời kết án.

Ở đây Đức Giêsu không nói về tội luân lý như trộm cắp, giết người, tà dâm,… nhưng Ngài nói về tội đạo lý, là con đường, là lý tưởng của chúng ta. Từ chỉ tội lỗi ở đây là hamartia, có liên hệ với việc bắn cung, và nghĩa đen là bắn không trúng mục đích. Như vậy tội lỗi là không đón nhận Chúa, là bắn không trúng mục đích, bắn lạc đạn, là đánh mất mục tiêu của cuộc đời mình. Người ấy sẽ chết với một đời sống chưa được hoàn tất; mà anh chị em có muốn mình chết khi mục đích cuộc đời của mình chưa hoàn tất không? Chắc chắn là không! Vì vậy khi còn sống phải lo bắn cho trúng mục đích để cuộc đời mình được hoàn tất cách tốt đẹp.

Sự hiện diện của các chủ chăn, cách riêng của cha sở là nhằm mục đích dạy cho giáo dân “bắn cung”, giúp giáo dân bắn cho trúng mục đích kẻo phí tên và nhiều khi còn gây tang thương vì tên lạc.

Ngày xưa dân Do Thái đã phạm tội vì “kêu trách Đức Chúa và ông Môsê”. Sâu xa của việc kêu trách Đức Chúa và ông Môsê không phải chỉ là những lời phàn nàn theo kiểu nhiều chuyện, lắm lời, chuyện gì cũng nói, cũng xen vào; mà là thái độ của đức tin, không muốn đi theo đường lối của Chúa mỗi khi gặp khó khăn gian khổ. Đó là hình ảnh của mũi tên bị lệch hướng khi gặp sóng gió của cuộc đời. Đức Chúa đã thanh luyện họ bằng cách cho rắn độc ra cắn khiến nhiều người phải chết; Và Đức Chúa cũng đã chỉnh sửa tầm nhìn, dây cung và mũi tên của họ cho đúng mục tiêu khi ra lệnh cho ông Môsê : “Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống” (Ds 21, 8). Con rắn đồng trong sa mạc là mục tiêu để cứu sống dân Do Thái.

Còn hôm nay Đức Giêsu “là đường, là sự thật và là sự sống”. Vì thế Ngài cũng chính là mục tiêu cho cuộc đời chúng ta được cứu sống. Mục tiêu của chúng ta đã có rõ ràng: Đức Giêsu Kitô là lý tưởng và cùng đích cho cuộc đời chúng ta.

Với lý tưởng đó mà ông bà Sáu Nghiêm đã dám phiêu lưu đến khai phá, bao bờ, dọn đất trồng trọt, mở đường cho nhiều người đến với vùng đất Cồn Mỹ Phước xinh đẹp này; và cũng từ đó mà hình thành nên một họ Họ đạo có tên gắn liền với địa danh này : Cồn Mỹ Phước. Dù ở đâu ông bà Sáu cũng nhớ đến Chúa. Dù như thế nào ông bà Sáu cũng quyết tâm thờ phượng Chúa. Dù có ra sao ông bà Sáu vẫn chọn Đức Giêsu Kitô là lý tưởng cho cuộc đời mình. Ông bà Sáu đã bắn một mũi tên trúng đích nên làm cho cuộc đời mình có ích.

Với lý tưởng đó mà các mục tử đã dám phiêu lưu đến với vùng đất nhỏ bé được bao bọc bởi dòng sông Hậu. Khởi đầu từ vị linh mục của người nghèo thuộc dòng Tiểu Đệ, sau này được phong chức Giám mục, đó là Đức Cha Philipphê Nguyễn Kim Điền; sống giữa những người thấp kém bằng nghề đạp xích lô, bốc vác, chài lưới… nhờ việc chài lưới mà cha đã tìm đến với mảnh đất nhỏ bé này và đã khởi sự cho công cuộc loan báo Tin mừng tại nơi đây bằng một nhóm người ít ỏi. Đức TGM. Philipphê Nguyễn Kim Điền đã bắn trúng mục tiêu khi cho nhóm người rất nhỏ ở đây biết được Tin mừng của Đức Giêsu Kitô.

Hôm nay, 23.3.2021 Thiên Chúa lại bắn vào Họ đạo Cồn Mỹ Phước này một mũi tên tuy nhỏ nhưng rất bén, rất nhọn. Sự bén nhọn đó được thể hiện qua khả năng học tập của ngài từ trong chủng viện, để rồi khi ra trường ngài được trao cho coi sóc giáo điểm truyền giáo Vĩnh Phú-Hạt Bạc Liêu. Nhìn thấy được khả năng mục vụ của ngài nên chỉ hơn một năm sau, bề trên đã gửi ngài tiếp tục tu học tại Học Viện Công Giáo Việt Nam. Chẳng những biết ngài sắc bén trong kiến thức, trong công việc mục vụ, mà nhiều người còn biết ngài sắc bén trong các mối tương giao: gẫn gũi, chân tình, dễ thương. Trong tương quan huynh đệ khá thân thiết, con biết ngài còn là một người thao thức với Giáo hội, với ơn gọi… Vì vậy chắc chắn cha sở mới của anh chị em chẳng những là mũi tên sắc bén cho họ đạo Cồn Mỹ Phước này, mà còn cho cả Giáo hội trong tương lai. Chúng ta hãy chờ cha sở mới bắn những mũi tên như thế nào cho Họ đạo Cồn Mỹ Phước này.

Thiên Chúa luôn luôn bắn những mũi tên trúng đích, nghĩa là mang đến tình yêu, mang đến niềm vui ơn cứu độ cho con người. Vì vậy khi con người biết đón nhận tình yêu cứu độ từ Đức Giêsu là họ không mang tội lỗi nơi mình theo kiểu nói của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay, mà họ sẽ được sống và sống dồi dào.

Đối với cha sở mới, người anh em rất quý mến của tôi. Xin được chia sẻ với cha huấn từ của ĐTC. Phanxicô cho các chủng sinh Bỉ theo học tại Rôma hôm 18.3 vừa qua.  

Người cha đón nhận: ĐTC đã nhắc đến các đặc tính của thánh Giuse mà ngài đã nêu lên trong Tông thư Trái Tim Người Cha. Trước hết, thánh Giuse là người cha đón nhận. Ngài vượt qua mọi chống đối và gác lại ngay cả những dự định cá nhân chính đáng để yêu thương và đón nhận Mẹ Maria và Chúa Giêsu. Ngài đón nhận mầu nhiệm và kinh ngạc với đức tin. Theo nghĩa này, thánh Giuse là bậc thầy về đời sống thiêng liêng và phân định. ĐTC mời gọi : “Hãy cầu xin thánh nhân để được giải thoát khỏi những cảm bẫy của quá nhiều suy tư, trong đó đôi khi, dù là với những ý định tốt, chúng ta vẫn bị lạc hướng. Ngài đưa ra ví dụ, một linh mục đến một giáo xứ mới, phải biết yêu mến cộng đoàn cách nhưng không, phải biết lịch sử giáo xứ chứ không vội vàng bỏ qua nó để bắt đầu những kế hoạch mục vụ mới. Dần dần khi yêu mến cộng đoàn ngài sẽ có thể bắt đầu xây dựng nó bằng cách thực hiện các kế hoạch mới.

Người cha bảo vệ: Kế đến, Thánh Giuse là người cha bảo vệ. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng bảo vệ là điều thiết yếu trong ơn gọi và sứ vụ của thánh nhân. Ngài đã thực hiện sứ vụ với sự tự do nội tâm của người đầy tớ tốt lành và trung tín, với mong muốn duy nhất là thiện ích của những người được ủy thác cho ngài.

Đối với thánh Giuse, cũng giống với các linh mục, bảo vệ là yêu thương chăm sóc những người được ủy thác cho mình, trước hết nghĩ đến thiện ích và hạnh phúc của họ. Đức Thánh Cha nói: “Đó là thái độ của người mục tử, không bao giờ bỏ rơi đàn chiên, nhưng ở những vị trí khác tùy theo nhu cầu của hoàn cảnh: đi trước mở đường, ở giữa để củng cố khuyến khích, đi sau để quy tụ những người rốt cùng.” Linh mục là người bảo vệ chu đáo và sẵn sàng thay đổi theo hoàn cảnh đòi hỏi, không cứng nhắc nhưng có khả năng nắm bắt những thay đổi và nhu cầu của cộng đoàn.

Người cha mơ ước: Cuối cùng, thánh Giuse là người cha mơ ước. Ngài là người biết nhìn vượt trên những gì mình thấy: biết nhìn thấy kế hoạch của Thiên Chúa và nhìn thấy đích điểm mà mình đang hướng đến. Thánh Giuse đã nhận ra nơi mẹ Maria và Chúa Giê-su không chỉ là một vị hôn thê trẻ và một hài nhi, nhưng luôn nhìn ra hành động và sự hiện diện của Thiên Chúa nơi họ. Linh mục phải biết mơ về cộng đoàn họ yêu mến, để từ lịch sử cụ thể của con người, họ cổ võ sự hoán cải và canh tân, làm cho cộng đoàn phát triển và trở thành các môn đệ được hướng dẫn bởi Thánh Thần và được thúc đẩy bởi tình yêu Chúa.

Còn đối với anh chị em giáo dân họ đạo Cồn Mỹ Phước rất thân mến! Cuộc đời chúng ta như một mũi tên, và đích điểm của nó phải là hạnh phúc Nước Trời. Tôi và anh chị em đều có chung 1 tầm ngắm. Các linh mục đến rồi đi như dòng sông không bao giờ ở yên một chỗ. Điều quan trọng là chúng ta, những người còn ở lại với Họ đạo Cồn Mỹ Phước này, những người làm nên họ đạo Cồn Mỹ Phước, trong tất cả mọi sự chúng ta phải sống đức tin một cách sống động được thể hiện qua những việc phượng tự và bác ái.  Các Thánh lễ, các việc đạo đức, những giờ kinh hôm chung với nhau… có lẽ không quá khó đối với một họ đạo chu vi chỉ có có 4 km, lại được bao bọc chung quanh bởi toàn nước và nước. Những việc bác ái cụ thể ở đây tôi thiết nghĩ không gì khác hơn là một tình yêu thương chân thành trao gửi đến nhau qua những lần thăm viếng, động viên, khích lệ…

Đặc biệt tôi còn biết Cồn Mỹ Phước này còn là nơi du lịch, là điểm hẹn hò cho các bạn trẻ trong ngày Mồng 5 tháng 5. Ước gì anh chị em có những hoạt động thu hút giới trẻ đến đây không phải chỉ vì du lịch miệt vườn, mà còn để nghe những bài thánh ca, để xem những vở kịch Thánh kinh, để chứng kiến người Công giáo có một đời sống bác ái yêu thương.

Trong tất cả mọi sự, dù là linh mục, tu sĩ hay giáo dân, chúng ta “hãy làm mọi sự vì đức ái”, chúng ta hãy sống cho tình yêu.

Như để còn đọng lại một chút nào đó từ bài chia sẻ. Kính mời cộng đoàn cùng hát bài thánh ca rất quen thuộc của linh mục nhạc sĩ Thái Nguyên, người không hề xa lạ với Họ đạo Cồn Mỹ Phước này. Ca khúc “sống cho tình yêu.”