Chỉ Có Một Điều Cần: Chương 1

print

Chương 1: ƯỚC VỌNG

Ước muốn cầu nguyện

Càng cầu nguyện – theo nghĩa sống đời cầu nguyện – ta càng khao khát cầu nguyện. Nếu ta sống đời cầu nguyện, thì ta sẽ ngày một ao ước dành nhiều giờ cho Thiên Chúa hơn và cho chỉ một mình Ngài thôi. Đó là điều luôn luôn trái nghịch với những gì người ta nghĩ. Đó không phải là “Ôi, đời tôi đã là lời cầu nguyện rồi, tôi không cần phải cầu nguyện làm gì nữa”. Thật vậy, ước muốn cầu nguyện và dành thời gian cho Thiên Chúa và cho chỉ một mình Thiên Chúa thôi bao giờ cũng gia tăng. Ước muốn ấy tạo nên trong ta một khát vọng muốn ở với Chúa, Đấng ta thấy toả sáng nhờ những con người và các biến cố, và chỉ ở với một mình Ngài thôi. Vậy cầu nguyện trở nên một trong những ân sủng lớn nhất ta có thể có, vì ở với Thiên Chúa Đấng ta khám phá trong ngày sống, ở với Thiên Chúa và chỉ ở với một mình Ngài thôi là một khát vọng lớn. Như thể, bạn đã làm việc với bạn bè của mình suốt ngày rồi, nhưng chiều đến, bạn vẫn thấy được ở với họ và chỉ với họ thôi, nghĩa là chỉ ở với những con người đặc biệt, vẫn là điều tuyệt vời.

Prayers and Ministry.

Khát vọng Thiên Chúa của ta

Người ta thường nói về khát vọng như một cái gì đó ta phải chiến thắng. Nhưng, hiện hữu đã là một khát vọng rồi: thân xác, tâm trí và linh hồn ta đầy ắp khát vọng. Một số trong những khát vọng ấy khó kiềm chế, rất hỗn loạn và làm ta chia trí. Một số lại khiến ta phải suy nghĩ thật sâu và giúp ta thấy được những viễn tượng vĩ đại ; những khát vọng khác dạy ta yêu thương ; và những khát vọng còn lại giúp ta tìm kiếm Thiên Chúa. Khát vọng Thiên Chúa của ta phải là khát vọng hướng dẫn mọi khát vọng khác. Nếu không, thân xác, tâm trí, tâm hồn và linh hồn ta sẽ trở thành kẻ thù của nhau và đời sống nội tâm của ta trở nên hỗn độn, đưa ta tới chỗ thất vọng và tự huỷ diệt.

Các kỷ luật thiêng liêng không phải là những cách thức để ta dẹp bỏ mọi khát vọng nhưng là những cách thức để ta sắp xếp lại khát vọng hầu chúng có thể phục vụ nhau và chúng cùng nhau phục vụ Thiên Chúa.

Bread for the Journey.

Kho báu tình yêu Thiên Chúa

Bạn đã tìm thấy kho báu: kho báu của tình yêu Thiên Chúa. Bạn biết hiện kho báu ấy ở đâu, nhưng bạn lại chưa sẵn sàng chiếm trọn lấy. Quá nhiều thứ dính bén đã kéo bạn xa khỏi kho báu ấy. Nếu bạn sở hữu trọn vẹn kho báu của bạn, bạn phải chôn nó lại trong vườn nơi bạn đã tìm thấy nó, hăm hở ra đi, bán hết tất cả những gì bạn đang có, rồi trở lại và mua lấy khu vườn ấy.

Bạn có thể hạnh phúc thật vì đã tìm được kho báu. Nhưng bạn không nên ngây thơ nghĩ rằng bạn đã chiếm được kho báu ấy…. Việc tìm thấy kho báu đòi bạn phải có một cuộc tìm kiếm mới. Đời sống thiêng liêng là một cuộc tìm kiếm trường kỳ và thường rất gian khổ những gì bạn đã tìm thấy. Bạn chỉ có thể tìm kiếm Thiên Chúa khi bạn đã tìm thấy Ngài rồi. Khát vọng tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa là kết quả của việc đã được tình yêu ấy đụng chạm đến ta.

Vì tìm được kho báu chỉ là khởi đầu của cuộc tìm kiếm, nên bạn phải cẩn thận. Nếu bạn cho người khác biết kho báu ấy, khi chưa chiếm hữu trọn vẹn, có thể bạn sẽ tự làm hại mình và thậm chí làm mất luôn kho báu. Một tình yêu mới tìm được cần phải được nuôi dưỡng trong một không gian yên ắng và thân thương. Chưa chi đã khoe lung tung chỉ tổ giết chết tình yêu ấy… Tìm thấy kho báu mà không sẳn sàng chiếm trọn lấy nó sẽ làm bạn phải bồn chồn, lo lắng. Đây là sự bồn chồn của việc tìm kiếm Thiên Chúa. Đây cũng là con đường đưa tới sự thánh thiện, là con đường dẫn tới vương quốc. Đây là cuộc hành trình đi tới chỗ bạn có thể nghỉ ngơi.

The Inner Voice of Love.

 

Thiên Chúa khao khát chúng ta

Tôi xác tín mạnh mẽ rằng nhu cầu cầu nguyện và cầu nguyện không ngừng, không dựa trên khát vọng Thiên Chúa của ta mà dựa trên khát vọng của Thiên Chúa đối với ta. Chính việc Thiên Chúa say mê theo đuổi ta đã mời gọi ta phải cầu nguyện. Cầu nguyện xuất phát từ sáng kiến của Thiên Chúa chứ không phải là sáng kiến của ta. Điều này nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng đó là điều Kinh Thánh đã nói: Thiên Chúa muốn ta hơn là ta muốn Thiên Chúa! Một tác giả về đời sống thiêng liêng người Anh, ông Anthony Bloom còn táo bạo hơn khi viết:     ’

Ta than phiền rằng Thiên Chúa không tỏ mình ra cho ta trong những giây phút vắn vỏi ta dành cho Ngài, nhưng còn hai mươi ba tiếng rưỡi đồng hồ khác thì sao, khi Thiên Chúa gõ cửa và lúc nào ta cũng trả lời: “Xin lỗi. Con bận lắm”. Hoặc có khi ta không trả lời gì cả vì ta không nghe được tiếng Ngài đang gõ vào cửa tâm hồn ta, trí khôn ta, lương tâm ta và cuộc sống ta. Vì thế, có những tình huống ta không được quyền than phiền vì sự vắng mặt của Thiên Chúa, bởi ta còn vắng mặt nhiều hơn Thiên Chúa nhiều.

Như thế, ai cần những lời cầu nguyện của ta hơn: Ta hay Thiên Chúa? Chắc chắn là Thiên Chúa rồi. Ai muốn được lắng nghe nhất: Ta hay Thiên Chúa? Chắc chắn là Thiên Chúa. Và ai khổ hơn ai vì sự thiếu cầu nguyện của ta? Ta hay Thiên Chúa? Tôi dám nói điều này mà không sợ hãi: Thiên Chúa chứ còn ai. Bao lâu ta vẫn cứ giảm hạ việc cầu nguyện xuống chỉ còn là việc đạo đức thỉnh thoảng mới làm một lần, bấy lâu ta vẫn cứ chạy trốn mầu nhiệm tình yêu hay ghen của Thiên Chúa, một tình yêu nhờ đó ta được tạo dựng, cứu chuộc và hiến thánh.

Prayer and the Jealous God.

Khát vọng hiệp thông của ta

Ta thực sự khao khát những gì? Khi tôi cố gắng lắng nghe ước vọng thẳm sâu nhất của tôi cũng như của người khác, thì lời thích hợp nhất có thể tóm lược về ước vọng của tâm hồn con người chính là “hiệp thông”. Hiệp thông có nghĩa là “hợp nhất với”. Thiên Chúa đã ban cho ta một tâm hồn sẽ bồn chồn mãi cho tới khi tìm được sự hiệp thông hoàn hảo. Ta tìm kiếm sự hiệp thông trong tình bạn, trong hôn nhân, trong cộng đoàn. Ta tìm kiếm sự hiệp thông trong ái ân, trong những lúc sảng khoái, trong việc nhận ra những tài năng của ta. Ta tìm kiếm sự hiệp thông nhờ thành công, ngưỡng mộ, và phần thưởng. Nhưng tìm ở đâu, ta sẽ thấy sự hiệp thông ở đó….

Ước vọng hiệp thông… là một ước vọng Thiên Chúa ban, một ước vọng sẽ đem lại đau khổ cùng tột cũng như niềm vui vô tận. Chúa Giêsu đến để công bố rằng khát vọng hiệp thông của ta không vô ích, nhưng sẽ được Đấng ban cho ta ước vọng ấy hoàn tất. Những giây phút hiệp thông mau qua này chỉ là những dấu mờ nhạt của sự Hiệp Thông Thiên Chúa đã hứa cho ta. Mối nguy đích thật ta đang phải đương đầu chính là không tin vào khát vọng hiệp thông. Đó là một khát vọng Thiên Chúa ban, không có khát vọng ấy, đời ta sẽ mất sức sống, và lòng ta sẽ thành băng giá. Đời sống thiêng liêng đích thật là một đời sống, trong đó, ta sẽ không nghĩ ngơi cho tới khi ta tìm được sự an nghỉ trong vòng tay của Đấng là Cha và Mẹ của mọi khát vọng.

Here and Now.