Chỉ Có Một Điều Cần – Chương 13: Thánh Thể

print

Chương 13

THÁNH THỂ

Trung thành với việc bẻ bánh.

“Những liên kết của bánh ”

Chúa Giêsu: ẩn mình trong bánh.

Tham dự vào sự hạ mình của Chúa Giêsu.

Đi vào hiệp thông.

Trở nên Đức Kitô.

Cuộc sống Thánh Thể.

Trung thành với việc bẻ bánh

Khi nào ta tuân thủ luật sống trọn vẹn giây phút hiện tại và nhận ra trong giây phút ấy sự hiện diện chữa lành của Chúa Thánh Thần, thì khi ấy cầu nguyện tìm được cách diễn tả sâu sắc nhất của nó trong việc bẻ bánh. Mối liên kết mật thiết giữa lòng xót thương, việc cầu nguyện và bẻ bánh được mô tả rõ ràng trong cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi: “Họ trung thành với lời giáo huấn của các tông đồ, với tình huynh đệ, với việc bẻ bánh… Họ chia sẻ lương thực cách vui vẻ và quảng đại; họ ca ngợi Thiên Chúa và được toàn dân mến chuộng” (Cv 2, 42- 47). Việc bẻ bánh nằm tại trung tâm của cộng đoàn Kitô hữu… chính trong việc cùng nhau bẻ bánh mà Chúa Thánh Thần, được Cha và Con sai đến, trở nên hiện diện cách cụ thể nhất đối với cộng đoàn. Vì thế, việc bẻ bánh không phải là lúc ta cố quên đi những nỗi đau của “cuộc sống thật” và rút lui vào trong một nghi lễ như ở trong mơ, nhưng là việc diễn tả cách nghi lễ những gì ta cảm nhận được như trung tâm của cuộc sống ta.

Khi cùng nhau bẻ bánh, ta mạc khải cho nhau việc cầu nguyện thật của cuộc sống của Đức Kitô và của cuộc sống ta trong Ngài. Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho bạn hữu Ngài. Ngài đã làm như thế khi thấy một đám đông đang đói khát và cảm thây thương xót họ (Mt 14, 19; 15, 36); Ngài làm như thế vào chiều hôm trước khi chịu chết đẻ nói lời từ biệt (Mt 26, 26); Ngài cũng làm như thế khi tỏ mình cho hai môn đệ trên đường Emmaus (Lc 24, 30). Và từ khi Ngài chết, các Kitô hữu cũng làm như thế để tưởng nhớ đến Ngài. Như vậy, việc bẻ bánh chính là cử hành, là làm cho thành hiện tại chuyện của Chúa Giêsu cũng như chuyện của ta. Trong việc cầm lấy, chúc tụng, bẻ ra và phân phát bánh, mầu nhiệm của cuộc sống Đức Kitô được diễn tả cách cô đọng nhất…

Chính trong cuộc sống này, một cuộc sống được cầm lấy, chúc tụng, bẻ ra và phân phát mà Chúa Giêsu Kitô muốn biến ta thành những người tham dự. Vì thế, trong khi bẻ bánh với các môn đệ, Ngài nói: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19). Khi ta ăn bánh và uống rượu với nhau để tưỏng nhớ Đức Kilô, ta được liên kết mật thiết với cuộc sống đầy xót thương của Ngài. Thực vậy, ta trở nên cuộc sống.Ngài và như thế ta cũng có thể làm cho cuộc sống ấy thành hiện tại trong thời gian và không gian của ta. Lòng xót thương của ta trở thành một biểu hiện của lòng xót thương của Thiên Chúa được sống qua mọi thời và trong mọi nơi.

Compassion

“Những liên kết của bánh ”

Trong việc bẻ bánh với nhau, ta công bố điều kiện bị bẻ ra của ta hơn là chối bỏ thực tại ấy. Ta ý thức hơn khi nào hết rằng chính ta được cầm lấy, được tách riêng ra như là những nhân chứng của Thiên Chúa; chính ta được chúc tụng bằng lời nói và hành động của ân sủng; và chính ta được bẻ ra, không phải trong hận thù hoặc tàn bạo, nhưng để trở nên bánh có thể được phân phát như lương thực cho tha nhân. Khi hai, ba, mười, một trăm hoặc một ngàn người ăn cùng một bánh và uống cùng một chén, và như thế cũng là trở nên hợp nhất với cuộc sống bị bẻ ra và đổ ra của Đức Kitô, thì những người ấy cũng khám phá ra rằng cuộc sống họ là một phần của một cuộc sống duy nhất và như thế, họ cũng nhìn nhận nhau là anh, chị, em.

Trên thế giới này chỉ còn rất ít nơi con người có thể giơ cao và cử hành bản tính chung của con người, nhưng cứ mỗi lần ta đến với nhau chung quanh những dấu chỉ đơn sơ của bánh và rượu, là mỗi lần ta phá đổ nhiều tường ngăn, thành chắn và đạt được một ý niệm mơ hồ nào đó về ý định của Thiên Chúa đối với gia đình nhân loại. Và cứ mỗi lần chuyện ấy xảy ra là mỗi lần ta được mời gọi không chỉ quan tâm hơn tới hạnh phúc của nhau mà còn quan tâm hơn tới hạnh phúc của mọi người trên thế giới này.

Như thế, việc bẻ bánh… làm cho ta tiếp xúc được với những người, thân xác và linh hồn bị tan vỡ bởi sự đàn áp và tra tấn, và tiếp xúc được với những cuộc đời đang bị hủy hoại trong các chốn lao tù trên trần gian này. Việc bẻ bánh làm cho ta tiếp xúc được với những người lớn và trẻ em, mà vẻ đẹp thể lý, tinh thần và tâm linh của họ vẫn bị lu mờ vì thiếu lương thực và nơi ăn, chốn ở….

Những mối liên kết này thực sự là “những mối liên kết của bánh”, những môi liên kết đang thách thức ta làm việc cật lực để cho mọi người có được cơm ăn, áo mặc. Như thế, việc cùng cầu nguyện với nhau của ta trở thành việc cùng làm việc với nhau, và lời mời gọi bẻ cùng một bánh trở thành một lời mời gọi hành động.

Compassion

Chúa Giêsu: ẩn mình trong bánh

Tôi nhớ mẹ Têrêsa có lần nói với tôi rằng bạn không thể nhìn thấy Chúa Giêsu trong người nghèo được đâu trừ phi bạn thấy Ngài trong Thánh Thể. Lúc ấy, nhận xét ấy đối với tôi dường như hơi có vẻ tham vọng và đạo đức, nhưng nay tôi đã ở với những người khuyết tật được một năm, tôi bắt đầu hiểu hơn những gì mẹ muốn nói. Không thể thấy được Chúa Giêsu trong con người nếu bạn không nhìn thấy Ngài trong thực tại mai ẩn của bánh từ trời xuống. Trong con người, bạn có thể thấy được người thế này, kẻ thế khác: thiên thần và ác quỉ, các thánh và những kẻ vô lại, những tâm hồn quảng đại và những kẻ điên vì mê say quyền lực. Tuy nhiên, chỉ khi nào bạn biết đươc nhờ kinh nghiệm bản thân rằng Chúa Giêsu quan tâm tới bạn ra sao, Ngài khao khát cho bạn có cơm bánh hằng ngày thế nào, thì bạn mới có thể biết cách nhìn nhận rằng mỗi tâm hồn con người chính là nơi ở của chính Chúa Giêsu. Khi nào bạn được sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Thánh Thể đụng đến tâm hồn mình, khi ấy bạn sẽ nhận được một đôi mắt mới có khả năng nhận ra cùng một sự hiện diện ấy trong cõi lòng người khác. Lòng than thở với lòng. Chúa Giêsu trong lòng ta nói với Chúa Giêsu trong lòng của đồng loại ta. Đó là mầu nhiệm Thánh Thể, mà ta là một thành phần.

Letters to Marc about Jesus

Tham dự vào sự hạ mình của Chúa Giêsu

Thánh Thể là bí tích của tình yêu, được trao ban cho ta như phương thế để khám phá ra sự hạ mình ấy của Chúa

Giêsu trong lòng ta. Chính Ngài đã nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời”, ở đây, bạn thấy vì sao sự hạ mình của Chúa Giêsu cũng chính là sự hạ mình của ta. Bất cứ khi nào bạn ăn bánh bởi trời, bạn không chỉ được hợp nhất cách thâm sâu với Chúa Giêsu mà dần dần bạn còn biết cách hạ mình xuống như Ngài.

Chúa Giêsu muốn ban mình cho ta đến độ Ngài trở thành lương thực cho ta, và bất cứ khi nào ta nhận lãnh thứ lương thực này, thì Ngài cũng khơi lên nơi ta khát vọng hiến mình cho kẻ khác. Tình yêu tự trao hiến nầy mà ta gặp được trong Thánh Thể chính la nguồn mạch của cộng đoàn Kitô hữu đích thật. Thánh Phaolô nói rõ điều này khi trình bày sự hạ mình của Chúa Giêsu như khuôn mẫu cho việc sống trong cộng đoàn: “Nếu quả thật sự liên kết với Đức Ki tô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sổng thân tình và biết cảm thương nhau, thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, ta hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tỵ hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường ma coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích riêng cho mình, nhưng hay tim lợi ích cho người khác“.

Tâm tư nầy đem lại cho sự hạ mình của Chúa Giêsu, Đấng “không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa nhưng đã trút bỏ vinh quang của một vị Thiên Chúa, mặc lấy thân nô lệ “ một hình thức cụ thể. Đó chính là  tâm tư có tính Thánh Thể. Khi nào ta ăn thịt Chúa Giêsu và uống máu Ngài, khi ấy ta tham dự vào sự hạ mình của Ngài và như thế ta trở nên một cộng đoàn trong đó sự tranh giành và đối kháng nhường chỗ cho tình yêu thương của Thiên Chúa.

Nếu bạn nghiêm túc tìm xem bạn phải chọn con đường đặc biệt nào để theo Chúa Giêsu, thì tôi xin bạn đừng dựa vào mình nhưng hãy tìm trong một cộng đoàn Thánh Thể. Càng lúc tôi càng thấy chắc chắn rằng ta không thể tìm được con đường của Chúa Giêsu ở ngoài cộng đoàn của những kẻ tin vào Ngài và của những kẻ làm cho niềm tin của họ thành hữu hình khi qui tụ chung quanh bàn tiệc Thánh Thể. Thánh Thể là tâm hồn và trọng tâm của việc được là Hội Thánh. Không có Thánh Thể, thì cũng không có dân Thiên Chúa, không có cộng đoàn đức tin, không có Hội Thánh. Thường ta chỉ thấy rằng ai từ bỏ Hội Thánh đều gặp khó khăn trong việc bám lấy Chúa Giêsu. Đó là điều dễ hiểu khi bạn khẳng định rằng Thánh Thể chính là cộng đoàn Thánh Thể, trong cộng đoàn ấy Chúa Giêsu trao ban cho ta mình và máu Ngài như những ân huệ bởi trời và giúp ta khám phá ra con đường tình yêu trong đời ta.

Letters to Marc about Jesus.

 

Đi vào hiệp thông

Mỗi lần ta mời Chúa Giêsu vào nhà ta, nghĩa là, vào trong cuộc sống ta, một cuộc sống với tất cả ánh sáng và bóng tối của nó, và dành cho Ngài một chỗ danh dự tại bàn ăn, Ngài luôn cầm lấy bánh và chén rồi trao cho ta, nói: “Cầm lấy mà ăn, này là mình Thầy, cầm lấy mà uống, này là máu Thầy. Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy…”

Thánh Thể là hành vi bình thường và thần linh nhất ta khó có thể hình dung. Đó là sự thật về Chúa Giêsu. Rất con người nhưng cũng rất Thiên Chúa; rất quen thuộc nhưng cũng rất huyền nhiệm; rất gần gũi nhưng cũng rất có tính mạc khải! Nhưng đó là câu chuyện của Chúa Giêsu Đấng “dẫu là Thiên Chúa nhưng đã không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hủy mình ra không, mặc lấy thân nô lệ, sống như người trần thế; lại còn hạ mình cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và là cái chết thập giá” (P1 2, 8 – 11). Đó cũng là câu chuyện của Thiên Chúa Đấng muốn gần gũi ta, gần đến độ ta có thể thấy Thiên Chúa bằng con mắt của ta, nghe tiếng Thiên Chúa bằng lỗ tai ta, đụng chạm được Thiên Chúa bằng đôi tay ta; gần đến độ chẳng còn gì ngăn cách ta với Ngài, chẳng còn gì chia cắt, chẳng còn gì có thể tạo nên khoảng cách.

Chúa Giêsu là Thiên Chúa cho ta, Thiên Chúa ở với ta, Thiên Chúa ở trong ta. Chúa Giêsu là Thiên Chúa trao ban trọn vẹn con người Ngài cho ta, dốc cạn mình cho ta. Chúa Giêsu không giữ lại cũng không bám vào những sở hữu của Ngài. Ngài cho tất cả những gì Ngài có để cho. “Hãy ăn, và hãy uống, này là mình và máu Thầy… này là Thầy bị nộp vì anh em!”

Chính ước vọng sâu thẳm muốn đi vào trong mối tương quan mật thiết nhất của Thiên Chúa với ta này đã hình thành nên cốt lõi của việc cử hành Thánh Thể và cuộc sống Thánh Thể. Thiên Chúa không chỉ muốn đi vào trong lịch sử nhân lọại bằng cách trở nên một con người sống trong một thời điểm đặc biệt và một quốc gia nào đó thôi mà Thiên Chúa còn muốn trở nên của ăn, của uống hằng ngày của ta mọi nơi và mọi lúc…

Hiệp thông là điều Thiên Chúa muốn và cũng là điều ta muốn. Đó là tiếng kêu sâu thẳm nhất của lòng Thiên Chúa và của lòng ta, bởi ta được tạo đựng bằng một trái tim chỉ có thể được thỏa mãn bởi Đấng tạo dựng nên nó. Thiên Chúa đã tạo nên trong trái tim ta một khát vọng hiệp thông mà không ai trừ Thiên Chúa mới có thể và muốn thỏa mãn. Thiên Chúa biết điều ấy. Đôi khi ta cũng biết. Nhưng ta lại luôn tìm kiếm kinh nghiệm của sự được thuộc về ấy ở chỗ khác… Tuy nhiên, nếu ta khóc than vì những mất mát của ta, nếu ta lắng nghe Ngài trên đường, và mời Ngài đi vào trong cõi thẳm sâu của ta, ta sẽ biết rằng sự hiệp thông ta đang đợi chờ đón nhận cũng chính là sự hiệp thông Thiên Chúa đang đợi chờ trao bạn.

With the Burning Hearts

 

Trở nên Đức Kitô

Hiệp thông với Chúa Giêsu có nghĩa là trở nên giống như Ngài. Với Ngài ta cùng chịu đóng đinh vào thập giá, cùng chịu mai táng trong mồ, cùng được chỗi dậy để tháp tùng các du khách đã bị lạc hướng trong cuộc hành trình của họ. Hiệp thông, nghĩa là trở thành Đức Kitô, đưa ta tới một lãnh vực khác của sự hiện hữu. Nó dẫn ta vào trong Nước Thiên Chúa.

Trong vương quốc ấy, những phân biệt xưa giữa hạnh phúc và u buồn, thành công và thất bại, những lời ca ngợi và kết án, sức khoẻ và bệnh tật, sự sống và cái chết không còn nữa. Trong vương quốc ấy, ta không còn thuộc về thế giới này, một thế giới vẫn còn chia rẽ, xét đoán, phân cách và chỉ trích. Trong vương quốc ấy, ta thuộc về Đức Kitô và Đức Kitô thuộc về ta, và cùng với Ngài ta thuộc về Thiên Chúa. Hai môn đệ, những người ăn bánh và nhận ra Ngài đột nhiên không còn cô đơn nữa. Nhưng họ bắt đầu cuộc hành trình không phải vì sự cô đơn ấy. Họ cô đơn, họ ở với nhau, và họ biết rằng có một mối liên kết mới đã được tạo nên giữa họ. Họ không còn cúi nhìn xuống đất nữa. Họ nhìn nhau và nói: “Lòng ta đã chẳng bừng cháy lên khi Ngài nói chuyện với ta trên đường và giải thích Kinh Thánh cho ta đó sao?”

With the Burning Hearts.

 

Cuộc sống Thánh Thể

Như thế, Thánh Thể – tạ ơn – xuất phát từ bên trên. Đó là quà tặng ta không thể làm giả cho mình được, một quà tặng phải được đón nhận. Quà tặng ấy được tự do trao ban và cũng xin được tự do lãnh nhận. Đó là nơi phải chọn lựa! Ta có thể chọn để người khách lạ ấy tiếp tục cuộc hành trình của ông và như the ông vẫn chỉ là người xa lạ. Nhưng ta cũng có thể mời vị ấy vào trong cuộc sống nội tâm của ta, để Ngài chạm vào mọi bộ phận của ta và biến đổi những giận hờn của ta thành lòng biết ơn. Ta không phải làm việc ấy. Thật vậy, hầu như chẳng mấy ai làm. Nhưng ta càng có được sự chọn lựa này bao nhiêu, thì mọi sự ngay cả những việc nhỏ mọn, cũng trở nên mới mẻ bấy nhiêu. Cuộc sống tầm thương của ta trở thành vĩ đại – vì là một phần của công việc cứu chuộc nhiệm mầu của Thiên Chúa. Một khi việc ấy xẩy ra, thì sẽ không có gì là ngẫu nhiên, tình cờ hoặc vô nghĩa nữa. Ngay cả biến cố có ý nghĩa nhất cũng luôn nói ngôn ngữ của đức tin, đức cậy và nhất là đức mến. Đó là cuộc sống Thánh Thể, một cuộc sống trong đó mọi sự đều trở nên lời “ tạ ơn “ đối với Đấng đã đồng hành với ta trên đường.

With the Burning Hearts.