Chỉ Có Một Điều Cần – Chương 14: Sự Chết Và Sự Sống Vĩnh Cửu

Chương 14

Sự Chết Và Sự Sống Vĩnh Cửu

Phần thưởng nước trời

Sự sống đời đời khi nào?

Nuôi dưỡng sự sống vĩnh cửu trong ta.

Làm bạn với cái chết của ta.

Sự Phục sinh.

Sống trong căn nhà của tình yêu.

Trở về với Chúa Giêsu.

Khoảnh khắc thánh thiêng.

Sự sinh hoa trái và sự chết

Sống ngất ngấy hạnh phúc.

Tin tưởng vào kẻ đón bắt

 

Phần thưởng nước trời

Ta có có được một mục tiêu rõ ràng trong đời chăng?… không có mục tiêu rõ ràng, ta sẽ luôn bị lo ra và phí phạm công sức vào những chuyện không đâu. “Hãy nhắm đến phần thưởng”, Martin Luther King nói với dân mình. Phần thưởng của ta là gì? Đó chính là sự sống của Thiên Chúa, sự sống vĩnh cửu, sự sống với và trong Thiên Chúa. Chúa Giêsu công bố cho chúng ta cùng đích, phần thưởng nước trời ấy. Ngài nói với Nicôđêmô: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài để ai tin vào Ngài thì không phải chết nhưng được hưởng sự sống đời đời’ (Ga 3, 16).

 

Hướng mắt về sự sống đời đời không phải là chuyện dễ, lại càng không dễ trong một thế giới luôn bảo ta rằng có nhiều việc khẩn thiêt hơn cần phải tập trung ngay… Vậy làm sao ta giữ được mục tiêu cho thật rõ ràng, làm sao ta có thể hướng mắt về phần thưởng ấy được? Nhờ kỷ luật của việc cầu nguyện, một thứ kỷ luật giúp ta đưa Thiên Chúa trở về lại trung tâm của đời ta. Ta vẫn sẽ luôn lo ra, vẫn thường xuyên bận rộn với nhiều đòi hỏi cấp thiết, nhưng khi nào ta biết dành thời giờ và nơi chốn để trở về với Thiên Chúa Đấng ban sự sống đời đời cho ta, thì khi ấy ta bắt đầu nhận ra rằng nhiều thứ ta phải làm, phải nói, hoặc phải nghĩ không còn làm ta lo ra nữa nhưng đều đang đưa dẫn ta tới gần cùng đích của ta hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất chính là phải giữ cho cùng đích của ta thật rõ ràng, cầu nguyện sẽ làm cho cùng đích ấy rõ ràng, và khi cùng đích ấy trở nên mơ hồ, mờ nhạt, thì chính việc cầu nguyện sẽ làm cho nó rõ ràng lại.

Here and Now.

 

Sự sống đời đời khi nào?

Sự sống đời đời ở đâu? Khi nào có? Từ lâu tôi đã nghĩ về sự sống đời đời như một sự sống xuất hiện sau khi không còn ngày sinh nhật nào của tôi nữa. Hầu như suốt đời, tôi đã nói về sự sống đời đời như “sự sống đời sau”, như “sự sống sau khi chết”. Nhưng càng lớn tuổi, tôi lại càng ít hứng thú với “sự sống đời sau”. Lo lắng về ngày mai, về năm tới, và những thập niên sắp tới dường như là một thứ bận tâm sai lầm. Tự hỏi mọi sự sẽ ra sao sau khi tôi chết dường như đối với hết mọi người, chỉ là thứ làm cho người ta rối trí. Khi nào cùng đích rõ ràng của tôi là sự sống đời đời, thì khi ấy sự sống ấy phải có thể đạt được ngay hôm nay, chỗ tôi đang ở, bởi sự sống đời đời chính là sự sống trong và với Thiên Chúa, và Thiên Chúa là Đấng đang có mặt tại chỗ tôi đang ở nghĩa là ở đấy, lúc này.

Mầu nhiệm lớn nhất của đời sống thiêng liêng — sự sống trong Thiên Chúa – chính là ta không phải chờ đợi sự sống ấy như một cái gì đó sẽ xảy ra sau này. Chúa Giêsu nói: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em”. Sự sống đời đời chính là việc Thiên Chúa ở lại trong ta ấy. Đó là sự hiện diện hoạt động của Thiên Chúa tại trung tâm đời sống ta — là chuyển động của Chúa Thánh Thần trong ta — một chuyển động đem lại cho ta sự sống đời đời.

 

Nhưng còn sự sống sau khi chết là gì? Khi nào ta sống trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, khi nào ta thuộc về số các gia nhân của Thiên Chúa, thì khi ấy không còn “trước” hay “sau” nữa. Sự chết không còn là ranh giới nữa. Sự chết đã mất hết sức mạnh trên những ai thuộc về Thiên Chúa, bởi Thiên Chúa là Thiên Chúa của người sống, chứ không phải Thiên Chúa của kẻ chết. Một khi ta nếm cảm được niềm vui và sự bình an xuất phát từ chỗ được tình yêu Thiên Chúa ấp ủ, thì khi ấy ta biết rằng mọi sự đều tốt đẹp và sẽ tốt đẹp. “Đừng sợ” Chúa Giêsu nói.- “Thầy đã chiến thắng sức mạnh của sự chết… hãy đến và ở lại với Thầy và hãy biết rằng Thầy ở đâu thì Thiên Chúa của anh em cũng sẽ ở đó”.

 

Khi nào sự sống đời đời là cùng đích rõ ràng của ta, thì khi ấy nó không còn là một cùng đích ở mãi tận đàng xa nữa. Đó là cùng đích ta có thể chạm đến lúc này. Khi nào tâm hồn ta hiểu được sự thật của Thiên Chúa, thì khi ấy ta đang sống một đời sống thiêng liêng.

 

Thách thức lớn về mặt thiêng liêng là phải khám phá ra rằng tình yêu giới hạn, có điều kiện và nhất thời ta nhận được từ nơi cha mẹ, vợ chồng, con cái, thầy cô, bạn hữu chính là một phản ánh của tình yêu vô biên, vô điều kiện và vĩnh cửu của Thiên Chúa. Khi nào ta có thể có được bước nhảy vọt ấy của đức tin, ta sẽ biết rằng sự chết không phải là hết mà chỉ là cánh cửa đưa ta vào trong sự sung mãn của tình yêu Thiên Chúa

Here and Now.

 

Nuôi dưỡng sự sống vĩnh cửu trong ta

Sự hiểu biết rằng Chúa Giêsu đến để mặc cho thân xác hay chết của ta sự bất tử phải giúp ta phát huy một ước vọng

muốn được sinh vào một sự sống mới, vĩnh cửu với Ngài và phải khích lệ ta tìm cách chuẩn bị cho sự tái sinh ấy.

 

Điều quan trọng là phải thường xuyên nuôi dưỡng sự sống của Thần Khí của Chúa Giêsu – đó là sự sống đời đời – một sự sống đã có rồi nơi chúng ta. Thánh Tẩy đem lại cho ta sự sống này, Thánh Thể duy trì nếp sống ấy, và nhiều thực hành thiêng liêng – như cầu nguyện, suy gẫm, đọc sách thiêng liêng và hướng dẫn thiêng liêng – có thể giúp ta đào sâu hoặc củng cố sự sống ấy. Đời sống bí tích và đời sống với Lời Thiên Chúa dần dần làm cho chúng ta sẵn sàng từ bỏ thân xác hay chết của ta và đón nhận tấm áo bất tử. Như thế, sự chết không phải là kẻ thù, chấm dứt mọi sự nhưng là một người bạn luôn cầm tay và dắt ta vào trong vương quốc của tình yêu vĩnh cửu.

Bread for the Journey

 

Làm bạn với cái chết của ta

Thực ra điều dường như quan trọng chính là ta đối diện với sự chết trước khi ta thực sự có nguy cơ phải chết và suy nghĩ về cái chết trước khi mọi năng lực ý thức và vô thức đều nhắm đến cuộc đấu tranh sinh tồn. Chuẩn bị chết là điều quan trọng, rất quan trọng; nhưng nếu chỉ khi bị bệnh nan y, ta mới bắt đầu suy nghĩ về sự chết, thì những suy nghĩ của ta khi ấy sẽ không đem ỉại cho ta sự nâng đỡ cần thiết…

 

Vậy tôi nghĩ rằng nhiệm vụ trước tiên của ta là làm bạn với cái chết. Tôi thích thành ngữ “làm bạn” này. Lần đầu tiên tôi nghe được thành ngữ này do một nhà phân tích Jung, ông James Hillman sử dụng khi ông tham dự một hội nghị tôi tổ chức về linh dạo Ki tô giáo tại trường Yale Divinity… Ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc “làm bạn”: làm bạn với các giấc mơ của bạn, làm bạn với bóng tối, với vô thức của bạn. Ông giải thích rõ ràng rằng để trở nên những con người đầy đủ, ta phải khẳng định sự toàn diện của kinh nghiệm của ta; ta đạt được sự trưởng thành bằng việc đưa vào trong bản ngã của ta không chỉ mặt sáng mà cả mặt tối của các câu chuyện của ta…

Và chẳng phải sự chết là một sự vô tri đáng sợ vẫn luôn ẩn núp trong cõi thẳm sâu của tâm trí vô thức của ta, hệt như một bóng tối vĩ đại ta chỉ cảm nhận cách mơ hồ trong các giấc mơ của ta sao? Làm bạn với sự chết dường như là nền tảng của mọi hình thức khác của việc làm bạn. Tôi có một cảm thức sâu xa, thật khó diễn tả rằng nếu ta có thể thực sự làm bạn với sự chết, ta sẽ là những con người tự do. Quá nhiều nghi ngờ và do dự của ta, quá nhiều mơ hồ và bất an của ta thường liên kết chặt chẽ với sự sợ chết đã ăn sâu trong ta đến độ nếu ta có thể liên hệ với sự chết như một vị khách quen thay vì như một người xa lạ đáng sợ, thì đời ta sẽ trở nên khác hẳn cách có ý nghĩa.

 

Nhưng làm sao ta có thể làm bạn với cái chết được?… tôi nghĩ rằng tình yêu – một tình yêu sâu thẳm của con người – không biết đến sự chết… Tình yêu đích thật tồn tai đến muôn đời. Tình yêu bao giờ cũng vươn tới vĩnh cửu. Tình yêu đến từ chỗ ấy trong ta, nơi sự chết không thể bước vào. Tinh yêu không chấp nhận những giới hạn của ngày, giờ, năm, tháng. Tình yêu không muốn bị tù tùng trong thời gian…

 

Cũng tình yêu ấy, một tình yêu mạc khải ra sự phi lý của sự chết, cũng cho phép ta làm bạn với sự chết. Cũng tình yêu ấy, một tình yêu hình thành nên nền tảng của nỗi ưu phiền của ta cũng là nền tảng của niềm hy vọng của ta; cũng tình yêu ấy, một tình yêu làm cho ta kêu la đau đớn cũng phải làm cho ta có thể phát huy một sự thân mật có tính giải thoát với sự đổ vỡ căn bản nhất của ta. Không có đức tin, thì điều này nghe có vẻ mâu thuẫn. Nhưng niềm tin vào Đức Kitô của ta, tình yêu của Ngài đã chiến thắng sự chết và chính Ngài đã chỗi dậy khỏi mồ ngày thứ ba, vẫn biến sự mâu thuẫn này thành một sự nghịch lý, một sự nghịch lý có tính chữa lành của sự hiện hữu của ta.

A Letter of Consolation.

 

Sự Phục sinh

Phục sinh không giải quyết vấn đề của ta về sự hấp hối và cái chết. Phục sinh không phải là một kết thúc hạnh phúc của cuộc đấu tranh của ta, phục sinh cũng không phải là một sự ngạc nhiên lớn Thiên Chúa cất giữ cho ta. Không, phục sinh chính là một diễn tả về sự trung thành của Thiên Chúa đối với Chúa Giêsu và đối với tất cả con cái Thiên Chúa. Nhờ sự phục sinh, Thiên Chúa đã nói với Chúa Giêsu: “Con là Con Yêu Dấu của Ta, và tình yêu của Ta là một tình yêu vĩnh cửu” và với ta Thiên Chúa cũng nói: “Con là con yêu dấu của Ta, và tình yêu của Ta dành cho các con là một tình yêu vĩnh cửu”, phục sinh là cách Thiên Chúa bày tỏ cho ta thấy rằng chẳng có gì thuộc về Thiên Chúa mà lại vô ích cả. Những gì thuộc về Thiên Chúa sẽ không bao giờ hư mất – kể cả thân xác hay chết của ta. Phục sinh không phải là câu trả lời cho bất cứ một thắc mắc tò mò nào của ta về sự sống và sự chết chẳng hạn như sự chết sẽ ra sao? Sự chết giống như cái gì? Nhưng phục sinh quả là một mạc khải cho ta rằng tình yêu mạnh hơn sự chết thật. Sau mạc khải ấy, ta phải giữ im lặng, phải dẹp bỏ mọi thắc mắc tại sao, ở đâu, cách nào và khi nào và chỉ còn biết tin tưởng thôi.

Our Greatest Gift

 

Sống trong căn nhà của tình yêu

Nhờ chiến thắng của Đức Kitô trên sự chết, cá nhân cũng như tập thể, sự chết không còn sức mạnh chung cuộc nữa. Ta cũng không còn bị tù túng trong thế giới tăm tối tuyệt vọng nầy nữa nhưng ta đã tìm được ngôi nhà của ta trong Thiên Chúa rồi nơi không có chỗ cho sự chết và sự sống sẽ tồn tại muôn đời. Tuy ta vẫn còn ở trong thế giới này, nhưng ta không thuộc về nó nữa. Đức tin của ta cho phép ta ngay lúc này trở thành một thành viên của gia đình Thiên Chúa, và được nếm cảm tình yêu không hề vơi cạn của Thiên Chúa. Chính sự hiểu biết về nơi ta thực sự thuộc về này sẽ giải thoát ta, biến ta trở thành những kẻ kịch liệt chống lại sự chết trong khi vẫn khiêm tốn, tha thiết và vui mừng công bố sự sống ở mọi nơi ta có mặt.

The Road to Peace.

 

Trở về với Chúa Giêsu

Có một chỗ nào đó thật sâu thẳm trong tôi, tôi có cảm tưởng rằng cuộc sống của tôi bị nguy hiểm thật sự. Và vì thế mà tôi đã để cho mình đi vào một nơi tôi chưa hề có mặt trước đây: đi vào ngưỡng cửa sự chết. Tôi muốn biết nơi ấy, muốn đi chung quanh chỗ ấy, và làm cho mình sẵn sàng đốì với một

cuộc sống vượt ra ngoài sự sống. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi đi vào trong nơi có vẻ đáng sợ ấy cách ý thức, lần đầu liên tôi mong đợi những gì có thể là một cách hiện diện mới. Tôi cố gắng dẹp bỏ cái thế giới quen thuộc của tôi… tôi cố không ngoảnh mặt lại, nhưng nhìn về phía trước. Tôi vẫn dán mắt vào cánh cửa ấy, một cánh cửa có thể mở ra cho tôi và chỉ cho tôi một cái gì đó vượt xa những gì tôi đã từng thấy.

 

Tôi biết rất cụ thể rằng Ngài đã ở đó vì tôi, nhưng tôi cũng biết rằng Ngài đang ôm ấp cả vũ trụ. Thực ra tôi biết rằng Ngài chính là Chúa Giêsu tôi đã bao lần cầu nguyện với và nói về, nhưng tôi cũng biết rằng hiện Ngài không xin cầu nguyện hoặc không xin tôi nói gì hết. Mọi sự đều tốt đẹp. Những lời tóm tắt tất cả mọi sự là “Sự sống” và “Tình Yêu”. Nhưng những lời ấy đã nhập thể trong một sự hiện diện đích thật. Sự chết đã mất hết sức mạnh và đang chìm vào trong Sự Sống và Tình Yêu đang bao phủ tôi cách hết sức mật thiết, như thể tôi đang bước đi trên biển lặng. Tôi được gìn giữ an toàn trong khi vẫn tiến về bờ bên kia. Mọi ghen ghét, hận thù và giận dữ đã bị hất đi, và tôi đang được tỏ cho biết rằng Tình Yêu và Sự sống thì lớn lao, sâu đậm và mạnh mẽ hơn bất cứ sức mạnh nào khiến tôi phải âu lo.

 

Có một cảm xúc rất mạnh — cảm xúc của việc hồi hương. Chúa Giêsu mở cửa cho tôi và như thể đang nói với tôi: “Đấy chính là chỗ của con”. Những lời Ngài nói với các môn đệ: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ… Thầy đi để dọn chỗ cho anh em” (Ga 14, 2) trở nên rất thật. Chúa Giêsu phục sinh, Đấng hiện ở với Cha, đang đón tôi về nhà sau một cuộc hành trình dài.

 

Kinh nghiệm này chính là sự hiện thực hoá những ước vọng xa xưa và sâu thẳm nhất của tôi. Từ khi tôi ý thức về điều ấy, tôi đã mong muốn được ở với Chúa Giêsu. Nay tôi cảm thấy được sự hiện diện của Ngài cách cụ thể nhất, như thể toàn bộ cuộc đời tôi đã đạt đến và đang được gói gọn trong tình yêu. Việc trở về nhà này thực sự mang tính chất của sự trở về, trở về trong cung lòng Thiên Chúa.

 

Khi tôi cảm thấy sự sống yếu đi trong tôi, tôi liền cảm thấy một ước vọng sâu sắc muốn tha thứ và muốn được tha thứ, muốn dẹp bỏ mọi đánh giá và ý kiến, muôn được thoát khỏi ách nặng của sự xét đoán. Tôi nói với Sue: “Làm ơn nói với mọi người đang làm tôi đau khổ rằng tôi tha thứ cho họ, và xin cũng làm ơn nói với mọi người tôi đã làm tổn thương tha thứ cho tôi”. Khi tôi nói ra điều ấy, tôi cảm thấy tôi đã cởi bỏ được sợi dây nịt rộng bản tôi đã mang từ khi tôi còn làm tuyên uý quân đội với cấp bậc đại úy. Những sợi dây nịt ấy không chỉ thắt chặt thắt lưng tôi mà còn đè nặng ngực và vai tôi. Chúng đem lại cho tôi danh dự và quyền lực. Chúng khuyến khích tôi xét đoán con người và đặt họ vào trong chỗ của họ. Tuy thời gian tại ngũ rất ngắn, nhưng trong đầu tôi, tôi chưa bao giờ tháo bỏ được hoàn toàn những thắt lưng ấy. Nhưng nay tôi biết rằng tôi không muốn chết với những thắt lưng vẫn cột trói tôi ấy. Tôi phải chết trơ trụi, không thắt lưng, hoàn toàn thoát được sự xét đoán.

 

Từ lức ấy trở đi, tôi phó mình cho Chúa Giêsu và cảm thấy mình như con chim chích nhỏ nép mình an toàn dưới cánh mẹ. Cảm giác an toàn này không có liên quan gì với ý thức rằng đau khổ đã chấm dứt: đau khổ vì không thể đón nhận

tình yêu tôi muốn đón nhận, và vì không thể trao ban tình yêu tôi muốn trao ban; đau khổ do cảm giác bị bỏ rơi, hất hủi.

 

Lượng máu tôi đánh mất trở thành biểu tượng cho nỗi đau cột trói tôi suốt bao năm qua. Nó cũng sẽ bay đi khỏi tôi, và tôi sẽ bắt đầu hiểu được tình yêu tôi khắc khoải đợi chờ. Chúa Giêsu đã ở đó để trao ban cho tôi tình yêu của Cha Ngài, một tình yêu tôi khao khát lãnh nhận, một tình yêu cũng có thể giúp tôi cho đi tất cả. Chính Chúa Giêsu cũng đã sống nỗi khổ đau ấy. Ngài biết rõ nỗi đau của việc không thể cho và nhận những gì Ngài cho là giá trị nhất. Nhưng Ngài đã trải qua nỗi đau ấy với sự tin tưởng rằng Cha, Đấng đã sai Ngài, sẽ không bao giờ để Ngài phải cô đơn. Và nay Chúa Giêsu vẫn ở đó, đang đứng bên ngoài mọi đau khổ và đang mời gọi tôi tới “một quê hương khác”

Beyond the Mirror.

Khoảnh khắc thánh thiêng

Mọi sự đều chân thật, không có gì là gian dối. Mẹ tôi đang hấp hối và mọi người đều công nhận như thế. Tuy nỗi đau của bà sâu xa và huyền nhiệm, nhưng nỗi đau ấy lại ẩn khuất đối với chúng tôi. Chúng tôi cảm nghiệm được quyền được ở gần nỗi đau của bà, liên kết mật thiết với nỗi đau ấy, hợp nhất trọn vẹn với nỗi khôn cùng của bà… Tôi chưa bao giờ có được cảm giác mạnh đến thế rằng sự thật này có thể giải thoát chúng tôi. Đó là một khoảnh khắc linh thánh, và tôi thật có phúc vì được có mặt ở đó…

 

Khi những giờ dằng dặc ấy trở thành những ngày đêm đằng đẵng, thì cũng là lúc tiếng rên la của mẹ tôi trở nên sâu thẳm và mãnh liệt hơn. Cúi mình trên bà, tôi nghe được lời bà thì thầm: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, con tin, con trông cậy, con yêu mến… lạy Thiên Chúa con, lạy Cha của con…” Tôi biết rằng đấy là cuộc đấu tranh của cuộc gặp gỡ vĩ đại. Tôi muốn cho bà thứ tự do bà cần để bước vào khoảnh khắc cô đơn ấy, cho bà một không gian nơi biến cố huyền nhiệm nhất trong các biến cố có thể xảy ra. Tôi biết rằng bà cần nhiều thứ hơn là những lời ủi an suông; bà cần bất cứ một sự nâng đỡ nào chúng tôi có thể đem lại cho bà trong cuộc đấu tranh đức tin này. Cùng với cha tôi cùng các anh, và chị tôi, tôi dâng những lời cầu nguyện bà muôn dâng… nhờ thế, chúng tôi cảm thấy như thể chúng tôi đã dâng cho bà những lời chính bà không còn có thể thưa lên được nữa, chúng tôi vây quanh bà bằng những lời cầu nguyện hầu bà có thể chiến đấu cuộc chiến đơn độc của bà.

Memoriam

 

Sự sinh hoa trái và sự chết

Sau cùng tôi muốn để lại cho các bạn những lời rất sâu sắc về cái chết của Chúa Giêsu: “Thầy đi thì có lợi cho anh em hơn, vì nếu Thầy không đi, Thầy sẽ không thể sai Chúa Thánh Thần đến với anh em được”. Ta phải tái khám phá ra những lời ấy. Chúa Giêsu, Đấng đã chết khi vừa quá tuổi ba mươi và đã nói về sự chết ngay từ lúc khởi đầu sứ vụ công khai của Ngài, vẫn đang nói rằng sự chết của Ngài không phải là hết nhưng là một khởi đầu mới. Chết không phải là một cái gì đó đáng sợ, nhưng là một cái gì đó đang mở ra một thế giới hoàn toàn mới. Chết chính là nơi cho phép Ngài sai gửi tình yêu, sai gửi Thần Khí của Ngài, sai gửi chính bản thân Ngài. Và một cách nào đó, việc ta chuẩn bị chết, việc ta giúp người khác dọn mình chết, có nghĩa là ta nhận ra rằng tinh thần của ta và tinh thần của họ sẽ gặp được các thế hệ tương lai. Vâng, ta phải cùng chết với Đức Kitô, nhưng ta sẽ được chỗi dậy với Đức Kitô để có thể sai Thần Khí của Ngài.

           

Bài đọc thánh lễ hôm nay trích trong sách Khôn Ngoan, nói về những người đã được an táng nhưng lại là những người vẫn còn đang ở đấy với ta, vẫn tiếp tục đem cho ta sự khôn ngoan để ta có thể sống. Ta có thực sự tin như thế chăng? Điều đó có nghĩa là tôi vẫn ở với các thế hệ tương lai bởi tôi vẫn không ngừng sai thần khí của tôi, một thần khí xuất phát từ Thiên Chúa và không chết. Thực vậy, thần khí ấy đã được trao ban cho ta, không phải chỉ trong thời gian ba mươi, năm mươi hoặc bảy mươi năm thôi, nhưng để thần khí ấy có thể sinh hoa trái khi tôi không còn sống trên trần gian nay nữa. Chính sự mỏng dòn, đổ vỡ và cái chết của ta sẽ cho phép ta sinh hoa kết trái. “Hoa trái” chứ không phải là “thành công”. Và như thế, thắc mắc chính yếu không phải là “Tôi còn có thể làm được bao nhiêu thứ nữa?”, tuy thắc mắc ấy không phải là không quan trọng. Thắc mắc chính yếu phải là “Tôi phải làm sao để cuộc sống tôi có thể sinh hoa, kết trái? Lạm sao để cái chết của tôi không chấm dứt việc sinh hoa trái mà làm cho hoa trái sung mãn nhất?” Chúa Giêsu đã sống như thế, và ta cũng được mời gọi để sống như thế. Vậy ta có thể khéo léo giúp cho những người hấp hối khám phá ra rằng họ sắp sinh hoa trái cho tương lai, bên ngoài cuộc sống hiện nay. Tôi nghĩ đó là một Tin Mừng, một Tin Mừng đích thật!

The Road to Peace

 

Sống ngất ngây hạnh phúc

Chúa Giêsu nói: “Anh em hãy sống ngất ngây hạnh phúc. Hãy đi ra khỏi cõi chết và tiến về sự sống bởi Thầy là Thiên Chúa hằng sống. Thầy ở đâu, ở đó có sự sống, có thay đổi, có phát triển, có lớn mạnh và nở hoa và có một cái gì đó thật mới. Thầy đang làm mới mọi sự”.

 

Đối với ta, dám sống một cuộc sống trong đó ta tiếp tục đi ra khỏi những nơi tĩnh, và bước những bước tin tưởng vào trong một chiều hướng mới – đó chính là ý nghĩa của đức tin. Tiếng Hy Lạp đức tin nghĩa là tin tưởng – tin tưởng rằng vùng đất trước mặt bạn chưa hề đặt chân vào là một vùng đất an toàn, vùng đất của Thiên Chúa, vùng đất thánh.

 

Hãy bước đi và đừng sợ. Đừng muốn mọi sự đều được vẽ sẳn cho bạn. Hãy để mọi sự xảy ra. Hãy để một cái gì mới bật lên. Đó là con đường đức tin – bước đi với Chúa, luôn bước ra khỏi những nơi quen thuộc. “Hãy bỏ cha, mẹ, bỏ anh, bỏ chị. Hãy theo Thầy. Thầy là Chúa của tình yêu”. Và ở đâu có tình yêu, ở đó không còn sợ hãi. “Tình yêu hoàn hảo xua tan sợ hãi.

Bạn có thể đi ra và bạn sẽ sống. Bạn sẽ sống đời đời bởi Chúa Giêsu là Chúa của sự sống. Đó là niềm hạnh phúc ngất ngây. Bạn có thể bắt đầu tham dự vào hạnh phúc ấy mỗi khi bạn bước ra khỏi sợ hãi và ra khỏi những gì quen thuộc. Không cần những bước nhảy vọt, mà chỉ cần những bước nho nhỏ.

Bạn có chọn sự sống không? Hay bạn đang chọn sự chết, nơi đáng sợ ấy, nơi bạn bám vào những gì là quen thuộc nhất? Sống hạnh phúc, niềm vui đích thật liên kết thực sự với

việc bước vào một vùng đất bạn chưa biết, mà vẫn tin rằng ban đang ở trong vòng tay an toàn.

Intimacy, Fecundity and Ecstasy

 

Tin tưởng vào kẻ đón bắt

Mọi sự săn sóc đích thật đối với những người hấp hối đều đem lại ý thức mới về những mối tương quan tạo nên một cộng đoàn yêu thương.

 

Những người bay Rodleighs là những nghệ sĩ biểu diễn bay trong các gánh xiếc của Đức tên là Simoneit-Barum. Hai năm trước khi gánh xiếc ấy đến Freiburg, những người bạn tôi là Franz và Reny mời tôi và cha tôi đi xem. Tôi không bao giờ quên đươc cảm giác ngất ngây thán phuc khi lần đầu tiên được thấy Rodleighs di chuyển trên không, bay và bắt lấy nhau hệt như những người khiêu vũ hiện đại. Hôm sau, tôi lại đi xem nữa, và nói với họ rằng tôi là một trong những người hâm mộ họ nhất. Họ mời tôi tới xem họ tập, và cho tôi xem miễn phí, mời tôi ăn tôi với họ và đề nghị tôi cùng đi lưu diễn vời họ một tuần trong một tương lai gần. Tôi đã nhận lời và trở nên bạn thân của họ.

 

Một ngày nọ, tôi đang ngồi với Rodleigh, trưởng nhóm, trong đoàn xe dài, nói về xiếc bay. Ông nói: “Là một người bay, tôi phải hoàn toàn tin tưởng vào người bắt giữ tôi. Công chúng nghĩ rằng tôi là một siêu sao nhào lộn, nhưng siêu sao không phải là tôi mà là Joe, người bắt giữ tôi. Anh phải ở đó đúng lúc, chính xác đến từng giây để nắm lấy tôi khi tôi nhảy đến với anh”. Tôi hỏi: “Như thế nghĩa là sao ?”. Rodleighs nói: “Bí mật là ở chỗ người bay không làm gì hết, người bắt giữ làm hết mọi sự. Khi tôi bay tới chỗ Joe, tôi chỉ phải chìa tay ra và chờ anh nắm lấy áo tôi rồi kéo tôi vào chỗ”.

“Anh không làm gì hết à?” tôi ngạc nhiên hỏi. “Không” Rodleigh nhắc lại. “Điều tệ hại nhất chính là người bay cố bắt lấy người bắt. Tôi không được bắt Joe. Nhiệm vụ của Joe là bắt tôi. Nếu tôi nắm lâ’y cổ tay Joe, tôi có thể bẻ gãy tay anh, hoặc anh có thể bẻ gãy tay tôi, và thế là hết cho cả hai đứa. Người bay phải bay, và người bắt phải bắt, và người bay phải tin tưởng đưa tay ra để người bắt sẽ ở đó để bắt lấy anh”.

 

Khi Rodleigh nói thế với tất cả xác tín, thì những lời này của Chúa Giêsu loé lên trong tôi: “Lạy Cha, trong tay Ngài con xin phó thác hồn con”. Chết là tin tưởng vào người bắt. Săn sóc người hấp hối là nói: “Đừng sợ. Hãy nhớ rằng bạn là con yêu dấu của Thiên Chúa. Ngài sẽ ỏ đó khi bạn nhảy. Đừng cố nắm lấy Ngài; Ngài sẽ nắm lấy bạn. Chỉ cần đưa tay ra và tin tưởng, tin tưởng, tin tưởng thế thôi”.

Our Greatest Gift.

print