Đương đầu với sự hư không của ta
Để hiểu được ý nghĩa của sự tĩnh mịch, trước tiên, ta phải vạch mặt những cách thức thế gian này đã bóp méo ý tưởng về sự tĩnh mịch. Ta nói với nhau rằng ta cần một sự tĩnh mịch nào đó trong đời ta. Tuy nhiên, cái ta đang thực sự nghĩ tới, là một thời gian và không gian ta dành cho bản thân mình, trong đó ta không bị người khác quấy rầy, ta có thể suy nghĩ những ý nghĩ của riêng ta, bộc lộ những phiền lụy của ta, và làm những việc của riêng ta, bất kể đó là gì đi nữa. Đối với ta, tĩnh mịch hầu như thường có tính riêng tư… Ta cũng nghĩ về sự tĩnh mịch như một trạm nào đó, nơi ta có thể sạc pin, hoặc như góc của sàn đấu boxing, nơi ta để cho người ta băng bó các vết thương, xoa bóp gân cốt, và lấy lại can đảm nhờ những khẩu hiệu thích hợp. Tóm lại, ta nghĩ về tĩnh mịch như một nơi có thể thâu nạp sức mạnh mới hầu tiếp tục cuộc đấu tranh trong cuộc sống.
Nhưng đó không phải là sự tĩnh mịch của thánh Gioan Tiền Hô, của thánh Antôn hoặc Bênêđictô, của Charles de Foucauld hay của những anh em Taizé. Đối với các vị ấy, tĩnh mịch không phải là chỗ trị liệu riêng tư. Nhưng đó là nơi để hoán cải, để cái tôi cũ chết đi và cái tôi mới chào đời, là nơi xuất hiện những con người mới.
Làm sao ta có thể có được sự hiểu biết rõ ràng hơn về sự tĩnh mịch có tính biến đổi này? … Trong tĩnh mịch, ta gỡ bỏ các chướng ngại: không bạn bè nói chuyện, không gọi điện thoại, không hội họp, không nghe nhạc, không đọc những sách làm ta lo ra, chia trí, chỉ có mỗi mình ta – trần trụi, mong manh, yếu hèn, tội lỗi, bị tước đoạt, đổ vỡ – không có gì. Chính sự hư không này mới là sự hư không ta phải đương đầu trong cô tịch, một sự hư không hãi hùng đến độ mọi sự trong ta đều muốn chạy tới với bạn bè, với công việc, và với những chia trí đến độ ta có thể quên đi sự hư không của ta và tự làm cho mình tin rằng ta là một cái gì đó đáng giá. Nhưng cái đáng giá ấy cũng chẳng là gì cả. Ngay khi ta quyết định ở lại trong sự tĩnh mịch của ta, thì những ý tưởng làm ta bối rốì, những hình ảnh làm ta hổn loạn, những sự tưởng tượng hoang dã, và những tương quan kỳ lạ liền nhảy nhót trong đầu ta hệt như khỉ nhào lộn trên cây chuối. Giận hờn và tham lam bắt đầu cho thấy bộ mặt xấu xí của chúng…. Như thế, một lần nữa, tôi lại đang cố chạy trốn khỏi vực thẳm tăm tối của sự hư không của tôi và cố duy trì cái tôi giả tạo của tôi trong tất cả vẻ vênh vang, tự đắc của nó.
Nhiệm vụ của tôi là bền đỗ trong sự tĩnh mịch, ở lại trong phòng mình cho tới khi mọi khách đến cám dỗ chán nản, không buồn gõ cửa nữa và bỏ mặc tôi một mình… Sự khôn ngoan của sa mạc chính là việc đương đầu với cái hư không đáng sợ của ta buộc ta phải hoàn toàn phó mình cho Chúa Giêsu Ki tô cách vô điều kiên. Một mình, ta không thể đương đầu với “mầu nhiệm tội ác” mà lại không bị lây nhiễm. Chỉ mình Đức Kitô mới có thể chiến thắng các sức mạnh của sự dữ. Chỉ trong và nhờ Ngài ta mới có thể sống sót trong những thử thách của sự cô tịch của ta.
The Way of the Heart.