Chỉ về đích khi vứt đi “chiếc bị”

print

CHỈ VỀ ĐÍCH KHI VỨT ĐI “CHIẾC BỊ”

Lm. Giuse Trương Đình Hiền

Chúng ta cần luôn tỉnh táo. Những “trái cấm” hấp dẫn của tiền bạc, sự giàu sang và hưởng thụ, hay nói cách khác, những cám dỗ quay lưng lại với những giá trị của Tin Mừng Tám Mối Phúc thật, của con đường dâng hiến cho Đức Kitô, thường núp bóng dưới những lý do xem ra rất hợp lý và chính đáng.

WHĐ (14.07.2024) – Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rô-ma. Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.” (Mc 12,41-44).

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 3). 

“Đức khó nghèo tuyên xưng Thiên Chúa là sản nghiệp duy nhất đích thực của con người…” (Tông huấn Đời sống Thánh hiến, số 21). 

**********

Dẫn nhập: Thánh Phanxicô Assisi, người họa lại chân dung “kẻ nghèo của Giavê” trong Kinh Thánh

I. CÁI GIÀU BỊ LÊN ÁN

1. Loại trừ Thiên Chúa, lấy mình làm điểm tựa

2. Loại trừ anh em, không biết chia sẻ

3. Làm bất cứ điều gì, miễn là mình có lợi, có danh

II. CHIÊM NGƯỠNG ĐỨC KITÔ KHÓ NGHÈO

1. Lựa chọn một thân phận nghèo

2. Đức Kitô nghèo vì hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa

3. Đức Kitô nghèo: tất cả cho con người

III. KIM CHỈ NAM VỀ ĐỜI SỐNG NGHÈO KHÓ

1. Sống nghèo đó là luôn hướng về Thiên Chúa

2. Sống nghèo đó là luôn dành cho tha nhâ

3. Tỉnh táo để giữ nhân đức khó nghèo

Kết: Chỉ về đích khi vứt đi “chiếc bị”!

 

Dẫn nhập: Thánh Phanxicô Assisi, người họa lại chân dung “kẻ nghèo của Giavê” trong Kinh Thánh

Trong ký ức của nhân loại hôm qua cũng như hôm nay, hình ảnh của Thánh Phanxicô thành Assisi, vị thánh “hành khất”, mãi mãi sống động. Người ta gọi Ngài là bạn của thiên nhiên, là nhà khoa học sinh thái. Tuy nhiên, để diễn tả đúng đắn và sâu sắc nhất về nhân cách và sự thánh thiện của Ngài, có lẽ chúng ta phải mượn lời của Philippe Sollers, phát ngôn viên đài truyền hình Pháp, đã nói trong dịp kỷ niệm 800 năm sinh nhật của Thánh Nhân: “Thánh Phan-xi-cô thành Assisi chết đang khi hát thánh vịnh… Bên sau Phanxicô là cuốn Kinh thánh”.

Câu định nghĩa đó muốn nói với chúng ta rằng: Kinh Thánh, cuốn sách ghi lại lịch sử thánh, lịch sử của “Dân Giao ước”, mà chủ yếu được trình bày như “cuốn nhật ký” ghi chép những kinh nghiệm và bài ca của những người nghèo của Gia-vê. Phải chăng, Thánh Phanxicô đã tìm gặp sự đồng cảm với những người nghèo nầy; và từ “thần hứng” đó, ngài đã khám phá và cảm nhận sâu xa khuôn mặt đích thật của Đức Kitô, Người Nghèo vĩ đại nhất, tuyệt đối nhất của Thiên Chúa.

Gặp gỡ một Đức Kitô khó nghèo để chiêm ngưỡng cách sống nghèo của Ngài, để xin Ngài dạy chúng ta biết sống nghèo, trở nên nghèo và đạt được cái nghèo thật sự như Ngài mong muốn, lại không phải là tiêu đích để Kitô hữu nói chung và người sống thánh hiến nói riêng, phấn đấu và thực hiện mỗi ngày đó sao?

 

  1. CÁI GIÀU BỊ LÊN ÁN

Trong Kinh thánh, đặc biệt qua lời dạy của Đức Kitô trong Tin Mừng, chúng ta thường thấy “Nghèo” và “Giàu” được trình bày như hai đối cực:

“Phúc cho ai có tâm hồn khó nghèo…” (Mt 5, 3).

“Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có…” (Lc 6, 24), “Người giàu khó vào Nước Trời” (Mt 19, 23-24).

Như vậy, để hiểu rõ ý nghĩ của cái “Nghèo” của Đức Kitô, chúng ta hãy dừng lại xem thử cái “Giàu” bị Đức Kitô lên án là cái giàu làm sao.

Qua Lời Chúa hướng dẫn, chúng ta có thể đọc thấy hai chiều kích căn bản nầy trong “cái giàu bị lên án”: Loại trừ kẻ khác và qui về mình.

  1. Loại trừ Thiên Chúa, lấy mình làm điểm tựa

Ngay từ buổi đầu sáng tạo, chúng ta đã thấy xuất hiện cơn cám dỗ “tàn bạo” của cái giàu nầy; và rồi vẫn đeo đuổi con người trong suốt hành trình lịch sử cứu độ:

– Thời Sáng thế: “Quả nhiên, Thiên Chúa biết: ngày nào các ngươi ăn nó, mắt các ngươi sẽ mở ra và các ngươi sẽ nên như những Thiên Chúa biết cả tốt xấu” (St 3, 5).

– Thời ngôn sứ: “Vì Dân Ta đã làm hai điều bất hảo: chúng đã bỏ Ta, mạch nước hằng sống, để đào cho mình những cái bể rò, không chứa được nước” (Gr 2, 13).

– Thời Chúa Giêsu: Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. (Mc 10,17-22); “Hồn ta hỡi, mình bây giờ của cải ê hề, dư xài nhiều năm, thôi cứ nghỉ ngơi, ăn uống, vui chơi cho đả...” (Lc 12, 17-21).

Chính vì sự bất cần Thiên Chúa, loại trừ Thiên Chúa và đặt điểm tựa trên chính mình hay giá trị vật chất mà người giàu đã đào một hố sâu ngăn cách giữa mình và Thiên Chúa: Ápraham nói với người phú hộ: “Hơn nữa giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến đổi bên nầy muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó qua bên chúng ta cũng không được” (Lc 16, 19-31).

  1. Loại trừ anh em, không biết chia sẻ

– Ladarô nghèo khổ, thèm ăn những thức ăn trên bàn ăn của ông ấy rơi xuống mà ăn cho no nhưng chẳng ai cho (Lc 16, 19-21).

– “Mầy sinh ra trong tội ngập tràn đầu, thế mà mầy lại muốn làm thầy chúng ta ư?”. Rồi họ trục xuất anh. (Ga 9, 34).

– Bấy giờ người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh”. Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. (Mt 18, 29-30).

  1. Làm bất cứ điều gì, miễn là mình có lợi, có danh

– Vì một điệu vũ, Hêrôđê sẵn sàng cho một nửa nước cho cô vũ nữ Hêrôđiađê, và xuống tay chém đầu Gioan Tẩy Giả, một ngôn sứ nghèo nàn, phiêu bạt (Mc 6, 21-28).

– Các Thượng tế, sẵn sàng cúi đầu trước Philatô để bảo vệ quyền lợi, địa vị của giai cấp “ăn trên ngồi trước”, nhưng cũng mau mắn kết án, loại trừ một Giê-su Na-da-rét, kẻ “không có viên đá gối đầu”!

Ngày hôm nay người ta và cả chúng ta có rơi vào cái “giàu” đáng sợ đó không? Cái giàu loại trừ Thiên Chúa, đóng kín chính mình, lấy mình làm thước đo mọi sự, điểm tựa cho tất cả!

Trước câu hỏi đó, chúng ta không thể nói “không”. Bởi lẽ xã hội chung quanh ta, ngay cả chúng ta, nhưng người Kitô hữu, những linh mục, tu sĩ…, chúng ta đang bị cám dỗ nặng nề về sự giàu có thế gian: cơ sở, bằng cấp, phương tiện hoạt động tông đồ, sự dễ dãi, ưu đãi… để dễ dàng buông lõng, miễn trừ thực hiện hy sinh, cầu nguyện, trông cậy, phó thác…

Chúng ta cũng cần lưu ý rằng: khi không còn ngước mắt hướng về Thiên Chúa trong tin yêu phó thác, thì con người sẽ rơi vào một sự nghèo nàn kinh khủng; và từ đó sẽ gây nên bao đỗ vỡ trong quan hệ với tha nhân. Những cuộc chiến tàn khốc trên thế giới xưa nay, những khủng hoảng trong Giáo hội, trong các cộng đoàn tu trì, những tình bạn thân yêu trở thành thù địch… tất cả phải chăng là kết quả của “cái giàu” trần tục bị lên án đó. Trái tim của những kẻ giàu có đó đã bị gai góc phủ đầy, Lời Chúa không thể phát sinh hoa trái nào nên hình nên dạng: “Còn kẻ được gieo vào bụi gai là kẻ nghe lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quí bóp nghẹt, khiến lời không sinh hoa kết quả gì” (Mt 13, 22).

 

  1. CHIÊM NGƯỠNG ĐỨC KITÔ KHÓ NGHÈO
  2. Lựa chọn một thân phận nghèo

1.1. Một gia tộc không hoàn hảo

Trong Bản Gia phả của Thánh sử Mátthêu (Mt 1,1-16) có tên bốn người phụ nữ ngoại đạo: Một người loạn luân (Tama: St 38), một gái mãi dâm (Rakháp: Gs 2), một người ngoại giáo (Rút R 3-4), một người ngoại tình (Bátsêba: 2 Sm 11,12). Khi nhận xét về tính cách bất toàn trong thân phận nhân loại, hiện thực qua Bản Gia phả, mà Đức Kitô đã đón nhận khi nhập thể làm người, tác giả chú giải Kinh Thánh Suzanne de Diétrich đã nhận định: “Nhưng chắc chắn gia phả phúc âm cũng còn có một mục đích khác nữa: chúng nhấn mạnh cái thực tại xác thịt của mầu nhiệm nhập thể. Xác thịt mà Chúa Giê-su mặc lấy là xác thịt của một dân ngoại tình và phiến loạn” (S. DE DIÉTRICH, Hành trình cứu độ theo Thánh Kinh, Bản dịch của Fr. Gioan Lê Chúng OSB, trang 139).

1.2. Một đất nước, quê hương nhỏ bé, ngèo nàn

Vào thời Chúa Giêsu, nước Do thái đang bị đế quốc Rôma đô hộ. Trong khi đó, nơi chôn nhau cắt rốn của Ngài, làng Nadarét, chỉ là một làng quê nhỏ bé, không một chút tiếng tăm: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?” (Ga 1, 46).

1.3. Quan hệ xã hội, bạn bè thân quen, môn đồ 

Những người nghèo, dốt nát, bị loại trừ: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?” (Mt 9, 11).

1.4. Nội dung sứ điệp: Đề cao người nghèo hèn, bé nhỏ

* Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó (Mt 5, 3).

* Dựa vào Thiên Chúa thay vì tiền bạc (Mt 6, 19-34).

* Mầu nhiệm được mặc khải cho những người bé nhỏ (Mt 11, 25-27).

* Mỗi lần làm việc bác ái cho những anh em bé nhỏ nhất, là đã làm cho chính Đức Kitô (Mt 25).

* Trở nên người rốt hết, tiếp nhận những trẻ nhỏ (Mc 9, 35-37).

* Từ bỏ của cải vì Đức Kitô (10, 17-31).

* Tiền dâng cúng của bà goá nghèo có giá trị lớn (Mc 12, 41-44).

* Kinh Magnificat: ơn cứu độ dành cho kẻ khiêm hạ (Lc 1, 46-55).

* Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai được gửi đến cho những người nghèo (Lc 4, 14-22).

* Người nghèo được tiếp nhận vào Nước Thiên Chúa (Lc 14, 7-24).

* Người thu thuế cầu nguyện với thái độ khiêm hạ (Lc 18, 9-17).

* Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi (Ga 3,30).

1.5. Một cuộc đời nghèo

* Sinh trong cảnh nghèo: Hang lừa, máng cỏ

* Sống nghèo: Nghề thợ mộc, đi rao giảng trong cảnh nghèo: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9, 58).

* Chết trần trụi trên cây thánh giá… 

1.6. Yêu thương, quan tâm đến người nghèo

* Chạnh lòng thương đám dân nghèo bơ vơ (Mc 6, 34).

* Ưu tiên cho người nghèo (Lc 14, 12-14).

  1. Đức Kitô nghèo vì hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa

– Chiến thắng sự giàu có của ma quỉ để trung thành với kế hoạch cứu độ của Chúa Cha. (Mt 4, 1-11).

– Dành cả cuộc đời để thực thi thánh ý Chúa Cha: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4, 33). “Cha ơi, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén nầy. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Lc 22, 42).

  1. Đức Kitô nghèo: tất cả cho con người

– Đấng vốn giàu có đã trở nên nghèo vì chúng ta (2 Cr 8, 9).

– Là mục tử tốt lành hy sinh vì đoàn chiên (Ga 10, 11).

– Yêu thương, nâng đỡ, tha thứ khoan dung, phục hồi nhân phẩm…

– Hiến dâng mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người.

 

III. KIM CHỈ NAM VỀ ĐỜI SỐNG NGHÈO KHÓ

  1. Sống nghèo đó là luôn hướng về Thiên Chúa

1.1. Tông huấn “Đời Sống Thánh Hiến” (Vita Consecrata)

– Tất cả dành cho Thiên Chúa: “Ý nghĩa sâu xa của đức khó nghèo biểu hiện trong sự hoàn toàn dâng hiến cho Cha tất cả những gì thuộc về mình” (ĐSTH số 22).

– Thiên Chúa là tất cả và trên hết: “Đức khó nghèo tuyên xưng Thiên Chúa là sản nghiệp duy nhất đích thực của con người” (ĐSTH số 21). 

1.2. Hiến Chương Hội Dòng (Mến Thánh Giá Qui Nhơn):

– Sống khó nghèo là cách minh chứng đang bước theo Chúa Kitô: “Nghèo khó thánh hiến biểu lộ sự dấn thân bước theo Đức Kitô…” (Điều 15,1).

– Sống khó nghèo: lời tuyên xưng Chúa là kho tàng: “Nghèo khó thánh hiến cũng là lời tuyên xưng Thiên Chúa là kho tàng đích thực duy nhất của con người” (Điều 15,1).

– Sống khó nghèo để được tự do: “Lời khấn nghèo khó giải thoát chị em khỏi những bận tâm về của cải vật chất và tinh thần để hoàn toàn dấn thân phụng sụ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân” (Điều 15,2).

  1. Sống nghèo đó là luôn dành cho tha nhâ

2.1. Tông huấn “Đời sống thánh hiến”

– Sống tình liên đới, bác ái: “Sự đáp ứng của đời thánh hiến thể hiện qua sự khó nghèo theo Tin Mừng được sống dưới nhiều hình thức khác nhau, và thường đi đôi với một dấn thân tích cực để phát huy tình liên đới bác ái” (Số 89).

– Sống nghèo để trở nên chứng tá sống động về tình yêu trao ban, sự giàu có trong Thiên Chúa và “sự nghèo khó đích thực”: “Khi chọn đời sống khó nghèo, người nữ tu trở nên chứng tá về một tình yêu trao ban… Đời sống khó nghèo còn là dấu chỉ về sự giàu có đích thực chỉ có nơi Thiên Chúa… Mỗi nữ tu qua lời khấn khó nghèo cần trở nên chứng nhân sống động của “sự nghèo khó đích thực” trong thế giới hôm nay, đức khó nghèo trở thành chứng tá hùng hồn trước sự bành trướng của “chủ nghĩa vật chất thèm khát chiếm hữu, dửng dưng trước những nhu cầu và đau khổ của những người yếu đuối” và hững hờ trước sự hủy hoại của môi trường sinh thái” (Số 89).

– Lựa chọn người nghèo, phục vụ những người khiêm hạ: “Sự lựa chọn người nghèo nằm trong chính cái lý của tình yêu được sống như Chúa Kitô đã sống. Tất cả các môn đệ Chúa Kitô phải có sự lựa chọn nầy, nhưng những ai muốn theo sát Đức Kitô bằng cách bắt chước lối sống của Người không thể không cảm thấy sự lựa chọn ấy liên quan đặc biệt tới họ” (Số 82).

– Bằng đời sống cầu nguyện, hy sinh và những việc âm thầm: “Dưới những hình thức khác nhau, đời thánh hiến dự phần vào sự nghèo khó tột cùng mà Chúa đã sống, và sự khó nghèo ấy đã đóng trọn vai trò đặc thù của nó trong mầu nhiệm cứu độ của việc Nhập Thể và cái chết cứu chuộc của Chúa Kitô” (Số 90).

2.2. Hiến chương Hội Dòng (Mến Thánh Giá Qui Nhơn):

– Chấp nhận “hạn chế” và “lệ thuộc”: Bằng lời khấn nghèo khó, chị em cam kết chấp nhận sự hạn chế, tùy thuộc vào Bề Trên và Hội dòng trong việc định đoạt và sử dụng của cải theo Hiến chương và Nội quy” (Điều 16).

– Cảm thông với người nghèo: “Khi phải thiếu thốn do tình trạng kinh tế khó khăn của cộng đoàn, chị em vui lòng đón nhận để cùng chia sẻ cảm thông với cuộc sống của người nghèo” (Điều 18,3).

– Chứng tá khó nghèo: “Chị em phải trở nên chứng tá sống động về đức ái và đức nghèo khó theo tinh thần Phúc Âm:

(1) Thực hiện công bằng xã hội trong tương quan với mọi người; không thỏa hiệp với bất cứ hình thức bất công nào.

(2) Sẵn sàng phục vụ mọi người cách vô vị lợi, đặc biệt quan tâm đến người nghèo.

(3) Sống đơn giản, thanh thoát, vui tươi.

(4) Tìm ra những hình thức mới để sống đức nghèo khó hôm nay” (Điều 23,1-4).

  1. Tỉnh táo để giữ nhân đức khó nghèo

3.1. Tỉnh táo trước cám dỗ: “Cái lý tiện ích”

Chúng ta cần luôn tỉnh táo. Những “trái cấm” hấp dẫn của tiền bạc, sự giàu sang và hưởng thụ, hay nói cách khác, những cám dỗ quay lưng lại với những giá trị của Tin Mừng Tám Mối Phúc thật, của con đường dâng hiến cho Đức Kitô, thường núp bóng dưới những lý do xem ra rất hợp lý và chính đáng (trong đó có “cái lý tiện ích”); nhưng cũng từ đó, sẽ kéo chúng ta đi xa khỏi quỷ đạo của Tin Mừng, khỏi những cam kết của đời tu, như câu chuyện “ông thầy tu và chiếc áo”:

Chuyện nhà Phật kể: Có một tu sĩ theo thầy học đạo đã lâu năm. Thấy anh đã tiến bộ nhiều, Thầy cho anh sống tự lập. Anh dựng một túp lều đơn sơ giữa cánh đồng. Ngày ngày ngoài thời gian khất thực, anh chuyên tâm đọc kinh cầu nguyện. Anh chỉ có độc một manh áo. Cứ chiều tối, anh giặt áo, phơi khô, để sáng hôm sau có áo mặc. Cạnh lều anh ở, có con chuột đêm đêm bò ra cắn chiếc áo anh phơi. Buổi sáng, anh phải đi tìm kim chỉ vá áo. Buổi tối, chuột lại bò ra cắn. Sau nhiều lần vá, anh sợ manh áo sẽ nát, nên quyết định nuôi một con mèo. Con mèo ăn khoẻ nên thức ăn xin được không đủ. Anh phải cấy lúa để có thêm thức ăn nuôi mèo. Vì cấy lúa, anh phải nuôi bò để cày ruộng. Bận rộn với việc đồng áng, anh không còn giờ đọc kinh cầu nguyện. Một thiếu nữ trong làng tình nguyện giúp, anh vui vẻ nhận lời. Vì có thêm người, nên anh phải lo làm nhà cửa cho khang trang. Chẳng bao lâu anh trở thành chủ gia đình có vợ, có con, có nhà cao cửa rộng, có ruộng đất, có đàn bò. Ít lâu sau, Thầy anh trở lại, nhìn nhà cửa, ruộng nương, trâu bò, Thầy ngạc nhiên hỏi anh: “Tất cả những thứ này, tại sao thế?” Anh trả lời: “Tất cả chỉ vì con muốn giữ cho manh áo khỏi bị chuột cắn”.

3.2. Tỉnh táo trước cám dỗ: “Cái lý nhân bản”

Hơn lúc nào hết, ngày nay trào lưu “chủ nghĩa cá nhân”, “chủ nghĩa hưởng thụ”, “chủ nghĩa tự do”… được đề cao tột độ nhân danh “cái lý nhân bản”: phá thai, ly dị, đồng tính… tất cả vì hạnh phúc và tự do của con người. Người ta nhân danh “cái lý nhân bản” để tìm kiếm hưởng thụ, tiện nghi, thoải mái…; và dĩ nhiên, đánh mất các giá trị khổ chế, chay tịnh, hãm mình, ép xác. Nói cách khác, người ta không còn nhận ra đâu là ý nghĩa và chiều kích ưu việt của nhân đức “Khó nghèo”. Thâm chí, coi “nghèo khó” là cái tội, là sự nhục nhã, là thất bại… cần loại bỏ!

Tinh thần đó, não trạng đó vẫn hiện hữu trong môi trương tu trì; và thường được biện minh với lý luận: sống khác đời, khác người thì làm sao dấn thân phục vụ; thiếu phương tiện hiện đại thì làm sao hiệu quả; chúng ta cũng chỉ là người thôi mà…; “có thực mới vực được đạo”; đã tu cả một đời rồi bây giờ cho người ta thoải mái chút chứ

3.3. Tỉnh táo trước cám dỗ: “Cái lý ưu tiên”

Nhà tu mà, phải có chỗ ưu tiên…; quen sống ngăn nắp, đầy đủ phương tiện và thường được nâng niu, kính trọng… nên hình thành một thứ não trạng “cái lý ưu tiên”! Từ cái “tâm thức” đó nảy sinh “tâm lý đòi hỏi”: chỗ ăn, ngủ, ở, sinh hoạt… cho tốt; công việc mục vụ thích hợp; mọi người phải tạo điều kiện…; và khi không được đáp ứng thì “xù lông”, dẫy nẫy, hờn dỗi, bất hợp tác, tủi thân…

3.4. Tỉnh táo trước cám dỗ: “Cái lý tiếc của”

Của Đức Chúa Trời không được phí! Phải giữ lại, phải nhét cho đầy… để sau có lúc cần sử dụng. Tâm thức này khiến cái gì cũng tham, cái gì cũng muốn chiếm hữu… mà không bao giờ thanh thản để cho đi, sẻ chia. Đôi khi còn nại đến “cái thời của quá khứ” khó nhọc vất vả, nên thấy làm gì cũng “lãng phí”, như kiểu Giuđa tiếc cái “bình dầu cam tùng mà cô Maria Bêtania đập bể để xức chân Chúa Giêsu” (Ga 12,1-8)…

 

Kết: Chỉ về đích khi vứt đi “chiếc bị”!

Nếu bà góa Sa-rep-ta đóng cửa nhà để một mình sử dụng chút bột và chút dầu cuối cùng còn lại mà không biết quảng đại sẻ chia cho tiên tri Ê-li-a, chắc chắn bà đã chết đói như bao người ở Sa-rep-ta trong cơn đại hạn năm ấy. May mắn, bà đã chia sẻ chút lương thực cuối cùng đó cho “Người của Thiên Chúa”, nên “hũ bột của bà đã không vơi và vò dầu đã không cạn”, còn tiên tri Ê-li-a có đủ sức mạnh và quyền uy để phục sinh đứa con trai chết yểu của bà góa và chu toàn công tác bài trừ tà đạo Baan trên núi Các-men, lập lại cương thường của tôn giáo Cha Ông.

Chúng ta cũng có thể tìm thấy bao nhiêu cuộc chia sẻ, cho đi như thế trong suốt dòng lịch sử cứu độ: nhờ chính dòng sữa thơm của người thôn nữ Maria ở Na-da-rét, nhờ những giọt mồ hôi của bác thợ mộc Giuse mà hài nhi Giêsu đã lớn lên đầy khôn ngoan và ân sủng…; và sau nầy khi đã vào đời sống cuộc công khai, phải chăng nhờ những miếng cơm manh áo của những người phụ nữ đạo đức “đi theo”, nhờ những bữa cơm đạm bạc của gia đình Bê-ta-ni-a, nhờ chiếc thuyền chài của Simon Phêrô, nhờ ông Si-mê-on kề vai vác đỡ thánh giá, nhờ tấm khăn của người phụ nữ Vê-rô-ni-ca lau mặt trên con đường lên núi Sọ… mà Đức Kitô đã đi trọn con đường vượt qua để đem về chiến thắng cho Thiên Chúa cũng như cho cả loài người.

Chính trong ý nghĩa nầy chúng ta mới hiểu được những lời của Đức Kitô phán dạy trong dụ ngôn “Ngày phát xử cuối cùng”: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

Mà Chúa nào có đòi chúng ta phải làm những chuyện chọc trời khuấy nước, những chiến tích lừng danh, những đóng góp phải thật to, thật nhiều… thì mới kể là có giá trị. Không, chính Chúa đã xác quyết rằng: “dù chỉ một chén nước lã thôi… người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10,42), hay như câu chuyện bà góa trong Tin mừng Mác-cô 12,41-44: “Thầy bảo thật anh em: bà góa nầy đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết…” dù chỉ với “hai đồng tiền kẻm”!

Thế nhưng, trong chúng ta cũng không thiếu gì người, cho dù chỉ một đồng xu ten cũng vẫn khư khư ôm thật chặt, vì họ sợ rằng, nếu cho đi họ sẽ chẳng được gì, sẽ chẳng còn gì.

Không. Tin mừng đã cho chúng ta thấy nhãn tiền:

– Như người thiếu phụ Samari, chỉ xin cho một gàu nước Chúa sẽ cho cả mạch nước trường sinh.

– Như trong tiệc cưới Cana, Đức Mẹ xin chỉ vài lít rượu xoàng để đám cưới khỏi hoang mang bẽ mặt vì “thiếu rượu”, thì Chúa sẽ đong đầy hằng mấy trăm lít rượu ngon hão hạng.

– Như những bệnh nhân chỉ dám xin được phục hồi một thân xác bất toại, Chúa sẵn sàng chữa lành cả linh hồn và thể xác.

– Như các môn sinh chỉ xin bánh mì, của ăn phần xác để giải quyết cơn đói của đám đông: Chúa sẵn sàng trao ban cả thịt máu là lương thực trường sinh…

– Khi chúng ta cho Chúa một tâm hồn trong sạch, chúng ta sẽ chiêm ngưỡng dung nhan Thiên Chúa.

– Khi chúng ta cho đi sự hiền lành, dễ thương, chúng ta sẽ có được Đất Chúa làm cơ nghiệp.

– Khi chúng ta chia sẻ sự hòa thuận, hiệp nhất, chúng ta sẽ có được cả thiên đàng.

– Khi chúng ta cho Chúa và anh em nhưng hy sinh, đau khổ vì thực thi và sống công chính, chúng ta sẽ chiếm hữu được cõi phúc vĩnh hằng…

– Vâng, khi chúng ta cho Chúa cuộc sống khiêm hạ, khó nghèo, chúng ta sẽ có được hạnh phúc là chính Nước Trời: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3).

Như thế, không phải chúng ta không có những đồng xu ten để cho đi, mà vì chúng ta đánh mất “tấm lòng của bà góa”!

Vâng, “bà góa trong Kinh Thánh” đã sẵn sàng bỏ đi chút bột, chút dầu hay đồng xu cuối cùng vì công cuộc của Chúa; còn chúng ta hôm nay, liệu rằng, trên con đường theo Chúa, chúng ta đã sắm cho mình bao nhiêu “chiếc bị”? Và liệu tới một lúc nào đó, chúng ta có dám “vứt luôn chiếc bị” để thanh thản nhẹ nhàng mà tiến bước, như ngụ ý của bài thơ “Chiếc Bị” (La besace, Sr. Mai Thành chuyển ngữ, trích trong tập san: “Hiến dâng và phục vụ”):

“Nghe tiếng Bạn mời tôi hôm ấy
lúc tôi còn mê mải với vần thơ
hoặc loay hoay tính lại số tiền nhà
tôi vội vã nghe theo và dấn bước.


Tôi mang theo một ống tiêu bằng trúc 
Nhiều áo quần và cả một tập thơ
Một bao đầy kỷ niệm thiết tha
Với nhiều vật quý nhất căng đầy bị.


Cùng Bạn lên đường mặt trời vừa hé
Tôi bước sau với chiếc bị trên vai
Chân kéo lê trên một quãng đường dài
Bạn đi trước tay không, ôi nhẹ nhõm.


Một ngày qua bên cánh đồng gió thoảng
Tôi mỏi vai xin ngừng lại giữa đường
Mở bị ra tôi quăng gói áo quần
Rồi cùng Bạn dưới trời tôi rảo bước.


Vẫn tay không Bạn nhẹ nhàng đi trước
Tôi đi sau mồ hôi đẫm áo choàng
Sắp lên cầu để vượt khỏi giòng sông
Tôi vất lại tập thơ và sáo trúc.


Rồi đi tiếp đường lên cao uốn khúc
Chẳng bao lâu cánh tay mỏi rã rời
Tôi nài xin: Dừng nghỉ một chút thôi”
Để tìm lại một tấm hình đã mất.


Hình mẹ tôi, người tôi yêu dấu nhất
Chụp vào ngày hôn lễ với cha tôi
Mất thật rồi tay tôi bỗng buông xuôi
Mắt tối tăm giữa mặt trời đúng ngọ.


Rồi đêm về khi trăng vừa mới ló
Với màn sương nhè nhẹ phủ không gian
Tôi quăng luôn cả chiếc bị trên đường
Nắm tay Bạn nhanh chân tôi đi tiếp.


Nhưng bỗng nhiên bạn bảo tôi ngừng bước
Dưới vòm trời trong suốt ánh trăng soi
Bạn tươi cười nhỏ nhẹ vỗ vai tôi:
“Hãy dừng chân vì ta đã đến đích”.