Christus Vivit: Chương 2 Số 22- 29

print

Christus Vivit: Chương 2 Số 22- 29

CHƯƠNG HAI

ĐỨC GIÊSU MÃI MÃI TRẺ TRUNG

  1. Đức Giêsu là “người trẻ ở giữa những người trẻ để làm gương mẫu cho người trẻ và để thánh hiến họ cho Chúa”. [3] Vì thế Thượng hội đồng nói rằng “tuổi trẻ là một giai đoạn độc đáo và đầy sức truyền cảm hứng trong đời, chính Đức Giêsu đã trải nghiệm giai đoạn này và đã thánh hóa nó”. [4]

Tuổi trẻ của Đức Giêsu

  1. Chúa “trút linh hồn” (x. Mt 27,50) trên thập giá khi Người chỉ mới ngoài ba mươi (x. Lc 3,23). Thật quan trọng việc nhận ra rằng Đức Giêsu là một người trẻ. Người trao mạng sống khi Người ở độ tuổi mà ngày nay gọi là ‘giai đoạn đầu của tuổi trưởng thành’. Người bắt đầu sứ mạng công khai ở giai đoạn tràn đầy sinh lực nhất, và xuất hiện như “một ánh sáng huy hoàng” (Mt 4,16), ánh sáng này sẽ chiếu soi rực rỡ nhất khi cuối cùng Người hiến trao mạng sống. Sự kết thúc ấy không phải là một cái gì ngẫu nhiên xảy ra; đúng hơn, tất cả tuổi trẻ của Người, trong mọi khoảnh khắc, đã là một sự chuẩn bị quí giá cho hồi kết cục ấy. “Mọi sự trong đời sống của Đức Giêsu đều là một dấu chỉ mầu nhiệm của Người”; [5] thật vậy, “toàn thể đời sống Đức Giêsu là một mầu nhiệm cứu độ”. [6]
  2. Tin Mừng không kể gì cho chúng ta về thuở ấu thời của Đức Giêsu, nhưng có tường thuật vài biến cố vào giai đoạn thiếu niên và thanh niên của Người. Matthêu đặt thời thanh niên của Chúa vào giữa hai biến cố: việc gia đình Người trở về Nadarét sau chuyến đi tha phương, và sự kiện Đức Giêsu chịu phép rửa ở sông Gio-đan, tức lúc bắt đầu sứ vụ công khai của Người. Những hình ảnh cuối cùng chúng ta có về trẻ Giêsu là những hình ảnh của một cậu bé tị nạn ở Ai-cập (x. Mt 2,14-15) và hồi hương tại Nadarét (x. Mt 2,19-23). Hình ảnh đầu tiên ta có về Đức Giêsu như một người đã vào tuổi trưởng thành, đó là hình ảnh Người đứng giữa đám đông trên bờ sông Gio-đan để được người anh họ là Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho, giống như mọi người khác trong dân chúng (x. Mt 3,13-17).
  3. Không giống Phép Rửa của chúng ta là Phép Rửa đưa ta vào đời sống ân sủng, Phép Rửa mà Đức Giêsu chịu là một sự thánh hiến trước khi Người đi vào sứ mạng lớn lao của cuộc đời Người. Tin Mừng nói rằng trong biến cố Phép Rửa ấy, Chúa Cha rất hoan hỉ và hài lòng: “Con là Con yêu dấu của Ta” (Lc 3,22). Ngay lập tức Đức Giêsu được thấy đầy tràn Thánh Thần, và Người được Thánh Thần dẫn vào hoang địa. Ở đó Người sửa soạn để xúc tiến việc rao giảng và thực hiện các phép lạ, đem lại sự tự do và sự chữa lành (x. Lc 4,1-14). Mọi người trẻ cảm nhận mình được kêu gọi nhận lãnh một sứ mạng trong thế giới này cũng được mời gọi nghe Chúa Cha nói cùng những lời ấy trong tâm hồn mình: “Con là con yêu dấu của Ta”.
  4. Giữa hai trình thuật trên, chúng ta tìm thấy một trình thuật khác giới thiệu Đức Giêsu ở tuổi thiếu niên, khi Người cùng với cha mẹ mình trở về Nadarét sau biến cố lạc mất và tìm thấy trong Đền thờ (x. Lc 2,41-51). Ở đây chúng ta đọc thấy rằng “Người vâng lời cha mẹ” (x. Lc 2,51); Người không phủ nhận gia đình mình. Rồi Luca thêm rằng Giêsu “lớn lên, thêm khôn ngoan và đầy ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta” (x. Lc 2,52). Tóm lại, đây là một thời gian chuẩn bị, trong đó Đức Giêsu lớn lên trong tương quan với Cha và với tha nhân. Thánh Gioan Phaolô II giải thích rằng Đức Giêsu không chỉ lớn lên về thể lý, mà còn “có một sự trưởng thành tâm linh nơi Đức Giêsu nữa”, vì “sự sung mãn của ân sủng nơi Đức Giêsu tương ứng với độ tuổi của Người: luôn có một sự sung mãn, nhưng đó là một sự sung mãn tăng trưởng khi Người lớn lên”. [7]
  5. Từ những gì Tin Mừng nói với chúng ta, ta có thể nói rằng trong những năm tuổi trẻ, Đức Giêsu “rèn luyện”, chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện kế hoạch của Cha. Tuổi thiếu niên và thanh niên của Đức Giêsu đặt Người trên nẻo đường sứ mạng cao cả ấy.
  6. Ở tuổi thiếu niên và thanh niên, Đức Giêsu tương quan với Chúa Cha như người Con yêu dấu. Gắn bó với Cha, Người lớn lên trong thao thức về các công việc của Cha: “Bố mẹ không biết rằng con phải lo công việc của Cha con sao?” (Lc 2,49). Tuy nhiên, không được nghĩ rằng Giêsu là một thiếu niên cô lập hay một thanh niên chỉ quan tâm đến mình. Các mối tương quan của Người cũng giống như một người trẻ hoàn toàn tham gia vào đời sống của gia đình và đồng bào mình. Người học việc với cha, và rồi thay cha ở xưởng thợ mộc. Tin Mừng có chỗ đề cập rằng Người được gọi là “con bác thợ mộc” (Mt 13,55), và một chỗ khác đơn giản gọi Người là “chàng thợ mộc” (Mc 6,3). Chi tiết ấy cho thấy rằng Người là một chàng trai như mọi chàng trai khác trong thôn xóm, và Người liên hệ bình thường với mọi người. Không ai xem Người như một nhân vật bất thường hay tách rời khỏi những người khác. Chính vì vậy, khi Đức Giêsu bắt đầu giảng dạy, người ta không thể hình dung bởi đâu mà Người có được sự khôn ngoan ấy: “Đây không phải là con ông Giuse sao?” (Lc 4,22).
  7. Thật vậy, “Giêsu đã không lớn lên trong một mối tương quan khép kín ngột ngạt với Maria và Giuse, nhưng sẵn sàng tương tác với gia đình rộng lớn hơn, với những người thân và bạn hữu của cha mẹ mình”. [8] Chính vì thế mà ta có thể hiểu tại sao khi trở về từ chuyến hành hương Giêrusalem, cha mẹ Người cứ đinh ninh rằng đứa con mười hai tuổi của mình (x. Lc 2,42) đang lang thang đâu đó giữa đám đông, ngay cả dù hai vị đã không nhìn thấy con mình suốt cả ngày hôm ấy – “nghĩ rằng con mình đang đi với nhóm khách hành hương, các ngài đã đi một ngày đường” (Lc 2,44). Chắc hẳn, các ngài hình dung rằng Giêsu đang ở đâu đó, đang lẩn giữa những người khác, đang chơi đùa với những đứa trẻ khác, đang nghe những người lớn kể chuyện, đang chia sẻ những chuyện vui buồn của những người đồng hành. Quả thực, từ Hy lạp “synodía” mà Luca dùng để mô tả nhóm người ở đây rõ ràng gợi nghĩ đến một “cộng đoàn hành hương” lớn hơn, mà Thánh Gia là một thành phần trong đó. Chính nhờ sự tin tưởng của cha mẹ mà Giêsu có thể đi đứng tự do và học biết cùng bước đi với những người khác.